Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 11, 2014

CHÚNG TA THUỘC VỀ THIÊN CHÚA, AI BIẾT THIÊN CHÚA THÌ NGHE CHÚNG TA!

CHÚNG TA THUỘC VỀ THIÊN CHÚA, AI BIẾT THIÊN CHÚA THÌ NGHE CHÚNG TA!

... Chứng từ Đức Tin của các tín hữu Công Giáo thuộc giáo phận Angers ở miền Trung Tây nước Pháp. Xin nhường lời cho thầy phó tế vĩnh viễn 65 tuổi và là cha gia đình.

Cách đây mấy tháng, tôi cử hành nghi thức rửa tội. Chúa Nhật tiếp theo sau đó, bậc Ông Bà vui vẻ đến thăm tôi và hân hoan loan báo tin vui:

- Thầy biết không, sau lễ rửa tội của Alex, thì Tonio, một đứa cháu khác của chúng tôi, đã xin lãnh bí tích Rửa Tội. Tonio 9 tuổi. Cha mẹ cháu không đồng ý nên tìm mọi cách để đánh lạc hướng cháu khỏi ý tưởng này. Cha mẹ cháu đề nghị cháu ghi tên vào đội banh hay ban nhạc. Nhưng Tonio cương quyết từ chối. Cháu muốn ghi tên học môn giáo lý để được biết Đức Chúa GIÊSU KITÔ và được rửa tội. Thật là niềm vui lớn lao cho chúng tôi là bậc Ông Bà!

Thế rồi vào một buổi cử hành nghi thức rửa tội, tôi cảm nhận các tín hữu tham dự cách lơ-là, còn lũ con nít thì gây tiếng động ồn ào. Nói tắt một lời, đây là một buổi cử hành thật nặng nề. Thất vọng trước một cộng đoàn khô khan nguội lạnh đến độ tôi đã liều lĩnh đặt một câu hỏi vào cuối buổi lễ:
- Anh chị em giữ lại được gì sau một giờ chúng ta cùng trải qua với nhau?

Bất ngờ một đứa trẻ giơ tay lên và trả lời:
- Thầy bảo Nước là Sự Sống!!!

Tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động.

Biến cố trên đây dạy tôi tin rằng: đôi khi qua các tiếng ồn, qua thái độ thụ động, THIÊN CHÚA mặc khải cho chúng ta. Đứa bé ấy tôi thường thấy nó có mặt trong các buổi học giáo lý. Tôi cũng hiểu rằng: Chúng ta không phải là chủ-nhân-ông của Đức Tin!. Vì thế, không được phép thất vọng. THIÊN CHÚA luôn luôn hiện diện bên cạnh chúng ta trong mọi nơi và vào mọi lúc.

... Chứng từ của một nữ tín hữu Công Giáo độc thân 26 tuổi.

Trong môi trường làm việc, tôi gặp một người luôn đứng trong vị thế đối nghịch với tất cả những gì có liên quan đến Kitô Giáo, đặc biệt là Công Giáo. Một hôm trong một cuộc tranh luận, người ấy cật vấn tôi về Đức Tin của tôi và về chỗ đứng của Đức Tin trong cuộc đời tôi.

Để làm cho người ấy hiểu Đức Tin xuyên thấu, thấm nhập và bao trọn con người tôi như thế nào tôi liền dùng những tham chiếu và những ví dụ lấy từ cuộc sống thường ngày, hơi giống như cách thức Đức Chúa GIÊSU KITÔ dùng dụ ngôn để giảng dạy.

Trước tiên tôi dùng ví dụ nước thấm vào tấm vải. Nước là Đức Tin, tấm vải là tôi đây. Khi người ta nhúng tấm vải vào nước và rút tấm vải ra thì người ta không còn thấy sự khác biệt tách rời giữa nước và vải, nhưng trở thành một. Vải vẫn là vải, nước vẫn là nước, chúng khác nhau nhưng giờ đây hiệp nhất với nhau. Qua cách thức giải thích thô sơ này tôi chỉ muốn nói với người cật vấn rằng không thể tách rời Đức Tin khỏi người tin. Đức Tin là thành phần của tôi là một tất cả với tôi. Do đó Đức Tin ảnh hưởng sâu xa đến mọi tư tưởng và mọi hành động của tôi, đến cả ngôn từ và lý lịch của tôi.

Rồi tôi cũng lấy thêm ví dụ về y phục. Tôi nói với người ấy rằng Đức Tin không phải là tấm áo người ta mặc vào hoặc người ta cởi ra, nhưng là một cái gì mà người ta luôn mang trong người. Tôi cũng muốn nói rằng Đức Tin không tự biểu lộ ra bên ngoài cũng không hẳn giải thích được nhưng Đức Tin được sống.

Sau cùng tôi mời người có tâm thức chống đối Công Giáo ấy hãy quan sát các tín hữu Công Giáo sống như thế nào thay vì chỉ muốn vạch lá tìm sâu, tìm kiếm những giải thích, những chứng cớ hay những phô diễn của Đức Tin.

... Chứng từ của một bà mẹ gia đình và là giáo viên.

Tôi có cảm tưởng việc diễn tả Đức Tin trở nên khó khăn hơn khi đối diện với đau khổ của tha nhân. Đau khổ cật vấn và các giải đáp vẫn luôn luôn yếu ớt. Phải nói gì với một bà mẹ trẻ đang sung sướng chờ đợi đứa con đầu lòng, bỗng một sớm một chiều bị sẩy thai??? Khi tôi nói với bà ấy là các bạn hữu cầu nguyện cho bà thì bà cay đắng nói vặn lại:
- Ối chao, nếu THIÊN CHÚA của bạn hiện hữu thì sao không cứu sống đứa con của tôi???

Tôi biết nói sao? Đức Chúa GIÊSU đã khóc với bà Maria khi đứng trước mồ ông Lagiarô. Ngài im lặng. Tôi cũng giữ thinh lặng. Tốt hơn cả là giữ thinh lặng.

Đây không phải là lúc giải thích với người mẹ đau khổ ấy rằng có lẽ đứa con của bà không sống được .. Cũng chưa phải là lúc nói với bà ấy rằng THIÊN CHÚA không phải là một phù thủy. Lúc này đây chỉ cần sự hiện diện. Đôi khi sự thinh lặng, sự hiện diện trong thinh lặng là cách thức tốt nhất để biểu lộ Đức Tin. Rồi cũng nên khiêm tốn lãnh nhận như một ”cái tát” khi người vô tín ngưỡng thách thức:
- Chúa của bạn ở đâu???

- Ở đâu ư? Ngài đang có mặt! Ngài vẫn ở tại đây, thinh lặng, câm nín.

Đứng trước một người mẹ khóc vì mất đứa con, có lẽ không nên nói với bà là THIÊN CHÚA yêu bà. Tốt hơn là giữ thinh lặng. Ngôn ngữ của Đức Tin đôi khi có thể diễn tả bằng sự thinh lặng khiêm hạ của một Đức Tin không phải phù chú ma thuật nhưng là cảm thông.

... ”Anh chị em thân mến, anh chị em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi THIÊN CHÚA hay không, vìđã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh chị em nhận ra thần khí của THIÊN CHÚA: thần khí nào tuyên xưng Đức Chúa GIÊSU KITÔ là Đấng đã đến và trở nên người phàm, thì thần khí ấy bởi THIÊN CHÚA; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Chúa GIÊSU KITÔ, thì không bởi THIÊN CHÚA; đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh chị em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi. Hỡi anh chị em là những người con bé nhỏ, anh chị em thuộc về THIÊN CHÚA, và anh chị em đã thắng được các ngôn sứ giả đó, vì Đấng ở trong anh chị em mạnh hơn kẻ ở trong thế gian. Các ngôn sứ giả đó thuộc về thế gian; vì thế, chúng nó nói theo thế gian, và thế gian nghe chúng. Còn chúng ta, chúng ta thuộc về THIÊN CHÚA. Ai biết THIÊN CHÚA thì nghe chúng ta. Ai không thuộc về THIÊN CHÚA thì không nghe chúng ta. Chúng ta cứ dựa vào đó mà nhận ra thần khí nào dẫn đến sự thật và thần khí nào làm cho sai lầm” (1Gioan 4,1-6).

(”'Église d'Anjou”, Diocèse d'Angers, n.85, Septembre 2014, trang 11-14)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét