Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 12, 2015

06-12-2015 : (phần 2) CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG năm C

06/12/2015
Chúa Nhật 2 Mùa Vọng Năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật II Mùa Vọng - Năm C
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG – C
(Br 5,1-9; Pl 1,4-6. 8-11; Lc 3,1-6)
DỌN ĐƯỜNG ĐÓN CHÚA
Có tiếng người hô trong hoang địa: 
“Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa,
sửa lối cho thẳng để Người đi”

(Lc 3,4)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1
Bối cảnh của đoạn sách ngôn sứ Barúc là thời kỳ hậu lưu đày. Dân Chúa được hồi hương nhưng việc tái thiết Đền Thờ và xây dựng lại đất nước gặp muôn vàn khó khăn. Điều này làm cho lòng dân ngã lòng và chán nản. Đặt trong bối cảnh đó, đoạn sách ngôn sứ Barúc là một lời khích lệ tinh thần dân Chúa, vì dù giữa bao biến động của lịch sử, Thiên Chúa không hề bỏ rơi nhưng vẫn luôn đồng hành với họ.
Trước hết, ngôn sứ mời gọi thành Giêrusalem hãy cởi bỏ nỗi u sầu, khổ nhục của một thời kỳ đen tối đã qua, và hãy mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là Đấng sẽ ban bình an cho dân Ngài, “bình an xây dựng trên công chính” và sẽ cho dân mặc lấy vinh quang của Ngài, “vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa” (Br 5,4). Dù trong cảnh đau thương của kiếp lưu đày, nếu dân Chúa vẫn một lòng sống công chính và biết kính sợ Thiên Chúa, thì chính Ngài sẽ ban cho dân vinh quang của Ngài, vinh quang chiếu tỏa cho khắp cả hoàn cầu (Br 5,3).
Sau nữa, ngôn sứ khích lệ dân cư Giêrusalem hãy đứng lên, vui mừng và tự hào vì Chúa chính là Đấng qui tụ con cái tản lạc từ khắp đông tây về một mối. Nếu ngày xưa con cái dân Chúa phải bước đi trong lầm lũi, tủi nhục của cảnh lưu đày, thì nay họ được trở về trong ánh sáng rực rỡ của vinh quang Thiên Chúa. Thiên Chúa không hề bỏ rơi họ trong cảnh khốn cùng, nhưng hằng dõi bước theo họ cho đến khi trở về trong hân hoan (Br 5,5-6).
Cuối cùng, chính Thiên Chúa ra lệnh dọn đường để chào đón dân Ngài trở về. Núi cao phải được bạt cho thấp, gò nổng phải được san bằng, thung lũng phải được lấp đầy, để dọn đất phẳng phiu mà đón dân Chúa tiến bước an toàn (Br 5,7). Thiên Chúa, Đấng từ bi và đầy công chính, sẽ như rừng xanh và quế trầm tỏa bóng trên Israel, dẫn họ đi trong ánh sáng vinh quang của Ngài (Br 5,8-9). Thiên Chúa thật là Đấng dọn đường để dân Chúa trở về trong hoan lạc và bình an.
Dù phải đối diện với bao khó khăn khi trở về từ cuộc lưu đày, dân Chúa vẫn có lý do để vui mừng và hân hoan vì có Chúa là Đấng luôn đồng hành và che chở họ, bảo đảm họ được trở về trong an bình và hoan lạc.
2. Bài đọc 2
Đoạn thư thánh Phaolô gởi cho các tín hữu Philípphê đặt trong bối cảnh của ngày quang lâm. Để dọn đường cho ngày Chúa trở lại, thánh Phaolô dâng lời cầu nguyện và mong mỏi các tín hữu Philípphê tiếp tục rao giảng Tin Mừng, thể hiện tình yêu mến và sống công chính.
Trước hết, khi cầu nguyện, thánh Phaolô bày tỏ niềm vui vì sự nhiệt thành của các tín hữu Philípphê trong việc cộng tác vào sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Sự nhiệt thành đó, dưới cái nhìn của thánh Phaolô, phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã khởi sự một việc tốt lành như thế nơi họ thì cũng sẽ đưa tới chỗ hoàn thành. Vậy, con đường mà các tín hữu Philípphê cần phải đi, trong khi chờ đợi Đức Kitô quang lâm, là tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi họ.
Sau nữa, trong khi chờ đợi ngày Chúa quang lâm, thánh Phaolô còn mời gọi các tín hữu Philípphê sống tình yêu mến. Tình thương phát xuất từ Đức Kitô, được cụ thể hóa nơi lòng quý mến mà thánh nhân dành cho họ, cần phải được thể hiện ra trong đời sống của các tín hữu Philípphê. Thánh nhân mong mỏi tình thương mến giữa họ phải ngày càng dồi dào hơn, để mỗi ngày hiểu biết và cảm nếm hơn nữa tình thương của Thiên Chúa.
Cuối cùng, để dọn đường cho ngày Chúa lại đến, thánh Phaolô mong mỏi cho đời sống của các tín hữu Philípphê ngày càng trở nên tinh tuyền và không làm điều gì đáng trách. Nhờ ơn sủng của Đức Kitô, chính đời sống công chính của họ là hoa trái dồi dào mà họ dâng lên Thiên Chúa để tôn vinh và ngợi khen Ngài. Đó là cách thức xứng hợp để chờ đợi Chúa đến trong ngày quang lâm.
3. Bài Tin Mừng
Để chuẩn bị cho sứ vụ của Chúa Giêsu, ông Gioan Tẩy Giả được sai đi trước như là người dọn đường. Sự hiện diện của Gioan Tẩy Giả trong một thời khắc của lịch sử nhân loại nhằm giới thiệu Con Thiên Chúa, Đấng nhập thể để đi vào lịch sử con người nhằm mang con người về với Thiên Chúa.
Trước hết, tương tự cuộc truyền tin cho ông Dacaria (1,5) và việc loan báo sự ra đời của Đức Giêsu (2,1-2),thánh Luca đặt sứ vụ công khai của ông Gioan Tẩy Giả, và đồng thời cũng là khai mạc sứ vụ của Chúa Giêsu (3,1-2), vào trong bối cảnh lịch sử nhân loại. Tác giả Tin Mừng thứ ba muốn xác quyết rằng Thiên Chúa đã thực sự hiện diện trong dòng lịch sử con người. Quả thật, vào một thời khắc xác định trong dòng chảy không ngừng của lịch sử nhân loại, Thiên Chúa đã đến “cắm lều” (Ga 1,14) và sống giữa con người để thực hiện công trình cứu độ của Ngài.
Hơn nữa, thánh Luca xác định rõ ràng rằng sứ vụ của Gioan Tẩy Giả là dọn đường theo lệnh của Thiên Chúa (3,2). Trước kia ngôn sứ Isaia được sai đi để kêu gọi dọn đường cho Đức Chúa đến, thì nay Gioan Tẩy Giả đến để làm cho nên trọn lời ngôn sứ xưa. Việc dọn đường không chỉ ở bên ngoài (lấp đầy thung lũng, bạt thấp núi đồi, uốn đường cho thẳng), không chỉ là phép rửa mang tính nghi thức bên ngoài, mà là một sự hoán cải (μετάνοια), một sự thay đổi từ bên trong, một sự từ bỏ con đường lầm lạc mà trở về với Chúa. Một sự thay đổi triệt để như thế là điều kiện để được thứ tha tội lỗi (3,3).
Sau cùng, tất cả việc chuẩn bị, dọn đường, hoán cải đều nhằm để được “thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (3,6). Chính ông Simêon khi ẵm Hài Nhi Giêsu trên tay cũng đã thốt lên: “chính mắt con được thấy ơn cứu độ” (x. Lc 2,25-32). Như thế, ơn cứu độ không còn là một lời công bố, một lời hứa viễn vông mà được cụ thể hóa nơi Đức Giêsu. Thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa không gì khác hơn là được gặp gỡ, tiếp xúc với một con người, Đức Giêsu Kitô. Thêm vào đó, ơn cứu độ không chỉ là vinh quang của dân Chúa, mà được dành sẵn cho muôn dân và là ánh sáng cho dân ngoại (2,31-32). Ơn cứu độ, theo cái nhìn của tác giả Tin Mừng thứ ba, dành cho tất cả mọi người phàm [πᾶσα σὰρξ] (3,6). Bất cứ ai được có tâm hồn sám hối, dứt bỏ những gì sai trái mà quay về đường chính trực, đều xứng đáng được thấy ơn cứu độ, đều được gặp chính Đức Giêsu.
II. GỢI Ý ÁP DỤNG
1/ Chính lúc dân Chúa chán nản, thất vọng, u sầu, Thiên Chúa vẫn ở kề bên họ để an ủi và khích lệ. Chính Chúa là Đấng quy tụ dân Chúa tản lạc về; Ngài dọn đường để dân trở về với Ngài trong bình an và hân hoan vui sướng. Những lúc tôi lạc bước, sai lầm, thất vọng chán nản, Chúa không hề hất hủi, bỏ rơi, nhưng dọn sẵn cho tôi con đường để trở về với Ngài trong bình an. Tôi có sẵn sàng lên đường trở về với Chúa những lúc lạc xa Ngài?
2/ Để đón chờ ngày Đức Kitô trở lại, thánh Phaolô khích lệ và cầu nguyện cho các tín hữu Philípphê hãy tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Thiên Chúa đã khởi sự nơi họ, hãy sống với nhau trong tình yêu mến, và hãy sống thánh thiện, tinh tuyền. Trong tâm tình Mùa Vọng, mùa kỷ niệm Con Thiên Chúa nhập thể và trông đợi Người trở lại trong vinh quang, thánh Phaolô cũng mời gọi tôi hăng say rao giảng Tin Mừng, sống chứng tá tình thương và mỗi ngày nên tinh tuyền, thánh thiện. Tôi có sẵn sàng đáp trả lời mời gọi này?
3/ Thánh Gioan Tẩy Giả được Thiên Chúa sai đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Độ. Bất cứ ai được có tâm hồn sám hối, dứt bỏ những gì sai trái mà quay về đường chính trực, đều xứng đáng được thấy ơn cứu độ, đều được gặp chính Đức Giêsu là Đấng Cứu Độ. Tôi cũng được mời gọi dọn đường cho Chúa đến, trước là trong lòng tôi để tôi cũng được biến đổi mà trở nên sứ giả của ơn cứu độ cho muôn người. Tôi có sẵn sàng cộng tác với Chúa?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa đã yêu thương ban tặng ơn cứu độ cho nhân loại trong Đức Giêsu Kitô, Con Một yêu dấu của Người. Với tâm tình hân hoan chờ đón và quyết tâm dọn lối sửa đường cho Chúa đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng giới thiệu và dọn đường để Chúa đến với mọi tâm hồn. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức chu toàn sứ mạng ấy qua nỗ lực dấn thân hằng ngày nhằm diễn tả trung thực khuôn mặt của Đức Kitô cho thế giới.
2. Chúa Kitô là ánh sáng và nguồn hy vọng cho trần gian. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo trên thế giới biết quan tâm nhiều hơn đến những người nghèo khổ và bị bỏ rơi, giúp họ tìm thấy ánh sáng và có thêm niềm hy vọng trong cuộc sống hiện tại.
3. “Hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu biết tích cực sống tinh thần tỉnh thức của Mùa Vọng bằng quyết tâm loại trừ những thói hư tật xấu, nỗ lực canh tân đời sống và thực thi các mối phúc của Tin Mừng.
4. Thánh Phaolô tuyên bố: “Tôi yêu mến tất cả anh em với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết đến với nhau bằng sự khiêm tốn chân thành, yêu thương và phục vụ theo gương Chúa Giêsu.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân lành, xin đón nhận những ước nguyện của cộng đoàn chúng con và ban ơn phù trợ, giúp chúng con tích cực hoán cải hầu xứng đáng đón nhận hồng ân cứu độ mà Con Chúa đem đến cho nhân trần. Người hằng sống và hiển trị muôn đời.

Chủ đề :
Dọn đường cho Chúa đến

"Hãy dọn đường cho Chúa" (Lc 3,4)
Sợi chỉ đỏ :
Ý tưởng chính của Chúa nhật II này là dọn đường cho Chúa đến.
- Trong bài đọc I (Br 5,1-9), ngôn sứ Barúc thông báo "Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nỗng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu"
- Trong bài Tin Mừng (Lc 3.1-6), Gioan tẩy giả kêu gọi người ta dọn đường cho Chúa đến bằng cách sám hối hoán cải đời sống.
- Và trong bài đọc II (Pl 1,4-6.8-11), Thánh Phaolô kêu gọi tín hữu Philipphê dọn đường bằng cách bồi dưỡng tình mến cho ngày càng thêm dồi dào và cố gắng sống tinh tuyền không làm gì đáng trách trong khi chờ đợi Chúa quang lâm.

I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Lẽ ra con người phải tìm đến với Chúa, thế mà chính Chúa tìm đến với con người. Chúa đến với chúng ta, đó là một vinh dự và là một ơn lành trọng đại. Nhưng vì không ý thức về vinh dự và ơn lành trọng đại đó nên chúng ta không thiết tha mấy với việc Chúa đến, và cũng chẳng quan tâm chờ đón Ngài.
Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được tình thương của Ngài và tích cực đón tiếp Ngài.

II. Gợi ý sám hối
- Chúa biết chúng con khốn khổ nên muốn đến cứu chúng con. Vậy mà chúng con cứ muốn ở lì trong khốn khổ và không cần tới Chúa.
- Chúa chính là Đấng cứu độ duy nhất của chúng con. Vậy mà chúng con vẫn coi tiền tài, danh vọng và lạc thú của thế gian này như là cứu tinh của đời mình.
- Chúa luôn chờ đón chúng con, nhưng chúng con ít khi tìm đến với Chúa.

III. Lời Chúa
1. Bài đọc I (Br 5,1-9)
Ba-rúc là thư ký của ngôn sứ Giêrêmia. Quyển sách mang tên ông cũng được viết vào thời dân Do thái đang bị lưu đày.
Trong trích đoạn này, tác giả an ủi dân bằng cách loan báo ngày giải thoát :
- Đó sẽ là một ngày đổi đời : "Hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu"
- Là ngày con cái Israel sẽ được quy tụ lại và trở về Giêrusalem thân yêu : "Kìa xem con cái ngươi từ Đông sang Tây tụ họp về"
- Tất cả mọi điều tốt đẹp đó đều là việc làm của Thiên Chúa : "Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Ngài"
2. Đáp ca (Tv 125)
Tâm tình hân hoan của người thoát cảnh lưu đày trở về quê hương. Kèm theo tâm tình hân hoan này là tâm tình cảm tạ và tôn vinh Thiên Chúa : "Khi Chúa dẫn tù nhân Sion trở về, ta tưởng mình như giữa giấc mơ… Bấy giờ trong dân ngoại người ta bàn tán : việc Chúa làn cho họ vĩ đại thay"
3. Tin Mừng (Lc 3.1-6)
Thánh Luca viết đoạn Tin Mừng này nhằm 3 ý :
a. Muốn cho thấy Chúa Giêsu là một nhân vật có thật trong lịch sử. Bởi thế Luca liệt kê những nhân vật lịch sử đang hành quyền lúc Gioan Tẩy giả bắt đầu rao giảng. Trong số những nhân vật ấy,
- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực chính trị, như Hoàng đế Tibêriô, Tổng trấn Phonxiô Philatô, các Tiểu vương Hêrôđê, Philípphê, Lyxania.
- Có những người đang nắm quyền thuộc lãnh vực tôn giáo, như các thượng tế Khanna và Caipha.
Lãnh địa mà họ đang hành quyền vừa là phần đất do thái (như Giuđê, Galilê), vừa là phần đất lương dân (như Iturê, Trakhônít, Abilên).
b. Khi kê khai những nhân vật đang cầm quyền vừa trong lãnh vực tôn giáo lẫn lãnh vực chính trị, vừa ở đất do thái vừa ở đất lương dân, Thánh Luca còn muốn nói Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ phổ quát, chẳng những cho người do thái mà còn cho mọi dân tộc.
c. Và Gioan Tẩy giả chính là kẻ tiền hô dọn đường cho Ngài.
4. Bài đọc II (Pl 1,4-6.8-11)
Philipphê là giáo đoàn được Phaolô yêu thương đặc biệt, bởi họ luôn trung thành thực hiện những lời ông khuyên nhủ. Trong trích đoạn hôm nay, Phaolô khuyến khích họ gia tăng lòng mến, tiếp tục hoàn thành điều tốt đẹp Thiên Chúa đã khởi sự nơi họ, để trở nên tinh tuyền không có gì đáng trách trong ngày Chúa lại đến.

IV. Gợi ý giảng
* 1. Thiên Chúa không quên dân Ngài
Không ai trong chúng ta muốn bị người ta quên lãng. Dù vậy ai trong chúng ta cũng có chút ít kinh nghiệm về cảm giác bị lãng quên.
Người ta tổ chức một cuộc họp có liên quan đến chúng ta, thế mà người ta quên mời chúng ta. Chúng ta đã đóng góp công sức rất nhiều vào một công trình nào đó, nhưng dường như chẳng ai biết đến phần đóng góp ấy. Ngày sinh nhật của chúng ta đã đến, nhưng không ai nhớ mà mừng cả. Thực ra những trường hợp vừa kể chỉ là chúng ta bị quên vì người ta sơ ý mà thôi. Vậy mà chúng ta cũng rất buồn, vì chúng ta nghĩ rằng người ta đã không nhớ đến chúng ta, người ta không coi chúng ta ra gì.
Có một loại quên khác trầm trọng hơn, đó là người ta hoàn toàn không còn nhớ đến chúng ta nữa. Chẳng còn ai quan tâm tới chúng ta, mọi người như không nhớ là chúng ta vẫn còn hiện hữu. Nghĩa là không những chúng ta bị quên mà còn bị bỏ rơi nữa. Bị cảm giác như thế này thì đau khổ hơn nhiều.
Một Linh mục kia được các Linh mục bạn và các giáo dân ngưỡng mộ, quý mến. Thế rồi ngài mắc một chứng bệnh nên bị buộc phải về hưu, cả quãng đời còn lại phải ngồi trên chiếc xe lăn. Ban đầu, người ta đến nhà hưu thăm ngài rất đông. Nhưng năm tháng trôi qua, dòng người tuôn đến thăm viếng ngày càng giảm bớt và cuối cùng khô cạn hẳn. Không một bức thư, không một cú điện thoại. Tuyệt đối không còn gì cả, mà chỉ toàn là cô độc, lặng thinh, trống vắng. Ngài buồn nản vô cùng, nhất là những khi nhớ lại bao nhiêu công sức mình đã nhiệt tình đổ ra để phục vụ mọi người.
Rồi một hôm có một Linh mục cùng lớp ngày xưa ghé thăm. Vị Linh mục về hưu mừng rỡ vô hạn. Hai người đã nói chuyện huyên thuyên với nhau rất lâu. Cuối cùng vị Linh mục về hưu hỏi : "Anh nghĩ là có ai còn nhớ đến tôi không ?" Vị Linh mục bạn không trả lời. Mà biết trả lời thế nào đây !
Quả thực, bị quên lãng là điều chẳng tốt đẹp gì cả, trái lại còn cực kỳ đau khổ. Chúng ta cũng có thể nghĩ như thế về Chúa. Khi một điều gì xấu xảy đến cho ta thì ta nghĩ "Chúa đã quên tôi rồi". Và chúng ta nghĩ tiếp : "Chúa không còn thương tôi nữa, Ngài không chăm sóc tôi nữa".
Đó cũng là cảm nghĩ của dân do thái thời ngôn sứ Ba-rúc, thế kỷ II trước công nguyên. Đất nước họ đã rơi vào tay quân thù, thành thánh của họ bị tàn phá, Đền thờ chỉ còn là một đống gạch vụn, con cái họ bị lưu đày. Bởi thế họ hỏi nhau "Thiên Chúa ở đâu rồi ? Ngài có còn nhớ đến những lời đã hứa chăng ?" Và họ kết luận : Chúa đã quên chúng ta !
Nhưng ngôn sứ Ba-rúc trấn an rằng Thiên Chúa không bao giờ quên dân Ngài, những đau thương sầu khổ của họ sẽ sớm chấm dứt, Thiên Chúa sẽ mang con cháu họ trở về quê hương. Họ cần phải dọn đường cho Ngài đến cứu họ. Những lời này có sức an ủi rất lớn lao, và dân chúng lại hồ hỡi. Quả thực, những tù nhân lưu đày đã trở về cố hương. Dù vậy, lời Chúa hứa vẫn chưa thực hiện trọn vẹn mà phải chờ tới khi Đấng Messia đến.
Gioan Tẩy Giả là người loan báo rằng Đấng Messia đã đến. Chúa Giêsu chính là Đấng Messia ấy, và còn là Con Thiên Chúa. Việc Con Thiên Chúa đến với loài người là bằng chứng rõ ràng Thiên Chúa không bao giờ quên dân Ngài. Dù khi mọi người đều đã quên chúng ta, nhưng Thiên Chúa vẫn nhớ đến chúng ta. Ngài không thể nào không nhớ đến chúng ta, bởi vì chúng ta là con cái yêu dấu của Ngài.
Hơn nữa, vì chúng ta thích được người khác nhớ đến, nên chúng ta cũng hãy nhớ đến người khác, nhất là nhớ đến những người đã làm điều tốt cho chúng ta và những người đã từng hy sinh cho chúng ta. Mùa Giáng sinh là thời gian nhớ đến tha nhân. Những cách thức nho nhỏ biểu lộ lòng mình nhớ đến người khác là gởi một món quà, hay một tấm thiệp, đi kèm với một lời chúc xuất phát tự tấm lòng và củng cố bằng lời cầu nguyện cho nhau. (FM)
* 2. Mở rộng lòng ra đón nhận ơn cứu độ
Ơn cứu độ là một đề tài lớn của Mùa Vọng. Hôm nay phụng vụ hô lớn cho mọi người nghe rằng : "Hãy dọn đường Chúa cho ngay thẳng, thung lũng phải lấp cho đầy, núi đồi phải san cho phẳng và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa". Thật là những lời rất an ủi vì chúng cho thấy Thiên Chúa rất yêu thương con người.
Thế nhưng có người nghĩ rằng để được Chúa yêu thương thì mình phải hoàn hảo. Nghĩ thế nên họ cố gắng luyện tập mọi nhân đức và tránh không bao giờ phạm tội. Tuy nhiên đó là dựa vào sức mình. Phần Thiên Chúa thì khó mà cứu độ những kẻ dựa vào sức mình như vậy.
Có một thầy tu kia tên là Ambrôsiô, rất đạo đức, rất thông minh, và cũng rất cần cù. Thầy được mời đi giảng tĩnh tâm nhiều nơi, và ai nấy đều kinh ngạc vì kiến thức và uy tín của Thầy. Thầy sung sướng vì đã làm chủ được mọi việc mình làm.
Nhưng đột ngột thầy ngã bệnh, không còn làm gì được nữa. Ban đầu Thầy rất tuyệt vọng. Nhưng sau một thời gian, Thầy chợt nghĩ phải biết cách dùng cơn bệnh của mình để hiểu được những khổ đau của người khác. Thế là Thầy vui sống với cơn bệnh của mình. Khi có ai đến với Thầy, Thầy chia xẻ những suy nghĩ của mình và an ủi, khuyến khích họ. Kết quả là thời gian nằm bệnh của Thầy còn sinh hoa quả nhiều hơn thời gian Thầy còn khoẻ mạnh. Trước khi chết, Thầy viết : "Trước đây tôi đã đi theo một hướng, rồi thình lình tôi bị buộc phải đi theo một hướng khác. Nhưng nhờ đó tôi đã học biết về bản thân mình và về người khác nhiều hơn gấp bội so với những gì tôi học biết trong những năm trước khi bệnh".
Có rất nhiều hoàn cảnh lạ lùng mở lòng chúng ta ra đón nhận những điều Chúa muốn ban cho chúng ta. Khi chúng ta đến với Chúa trong tư thế của người tự mãn và hùng mạnh, thì khi đó chúng ta đẩy Ngài ra xa. Còn khi chúng ta đến với Ngài mà cảm thấy yếu đuối, nghèo nàn, thì khi đó chúng ta mời Ngài vào lòng mình. Chính những sự bất toàn của linh hồn chúng ta mở rộng lòng chúng ta đón nhận ơn ban của Chúa, vì đó là những vết thương thu hút cặp mắt nhân từ của Chúa, làm cho chúng ta đáng được Ngài thương xót và chữa lành. Chúa Giêsu đã nói : "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần". (FM)
*3. Sám hối canh tân
Đời chiến Quốc, nhà du thuyết Tô Tần sang Nước sở, phải đợi suốt ba ngày mới được vào ra mắt vua Sở.
Nói xong câu chuyện, Tô Tần xin cáo biệt đi ngay.
Vua Sở bảo :
Quả nhân nghe tiếng tiên sinh quý như nghe tiếng một bậc danh nhân xưa. Nay tiên sinh đã không quản xa xôi, đến chơi với quả nhân, lại không chịu ở lại là cớ làm sao ?
Tô Tần thưa :
- Tôi xem ra thấy nước Sở này có đồ ăn đắt hơn ngọc, củi đắt hơn quế, quan khó được trông thấy như ma, vua khó được yết kiến như trời. Nay nhà vua muốn bắt tôi ở lại để ăn ngọc thổi quế, nhờ ma thấy trời hay sao ?
Vua Sở khẩn khoản nói :
Xin mời tiên sinh cứ ở lại, quả nhân đã hiểu rõ quá rồi.
Một đất nước mà vật giá đắt đỏ : "Củi quế gạo châu", vua quan xa cách dân chúng, thì nhân dân trong nước khổ sở biết bao. Cái đáng khen của vua Sở là sau khi nghe Tô Tần bình phẩm về tình hình kinh tế chính trị của đất nước mình, thì ông liền nhận ra sai lầm và quyết tâm sửa chữa.
Mỗi lần Mùa Vọng đến, lại có một Tô Tần xuất hiện để vạch ra những lỗi lầm của chúng ta và nhắc chúng ta sám hối canh tân. Đó chính là Gioan Tẩy Giả : "Có tiếng kêu trong hoang địa. Hãy dọn đường cho Chúa sửa lối cho thẳng để Người đi" (Lc 3,4).
Nếu Tô Tần là nhà du thuyết cho nước Sở, thì Gioan chính là ngôn sứ của dân tộc Do Thái. Ông đã thấy các nhân vật đạo đời : Từ hoàng đế Tibêriô đến quan tổng trấn Philatô, từ vua Hêrôđê, Philip, Lyxaria cho đến các vị thượng tế Hanna và Cai pha ; lòng người đầy những khúc quanh lồi lõm, thung lũng hố sâu, núi đồi hiểm trở.
Gioan nhắc lại lời ngôn sứ Isaia : "Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, khúc quanh co, phải uốn chongay, đường lồi lõmp hải san cho phẳng (Lc 3,5)Ông kêu gọi mọi người sửa sang đường sá. Nhưng con đường quan trọng chính là đường vào cõi lòng :
Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi.
Phải uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co, tính toán lệch lạc.
Phải san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn tự kiêu.
Phải bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công, bất chính.
Nếu sám hối là dọn đường của lòng mình, thì chúng ta hãy dẹp bỏ những chướng ngại của tâm hồn, để Chúa có thể đến và ngự lại trong đó.
Nếu Gioan là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu, thì chúng ta sẽ là sứ giả chuẩn bị cho Người đến từng ngày trong cuộc sống của anh em.
Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn Cứu Độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.
Lạy Chúa, thật là khó khi nhận mình lầm lỗi, và cũng không dễ dàng khi phải sửa chữa lỗi lầm.
Xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến mang nguồn vui ơn Cứu Độ. Amen.(TP)
*4. Cách dọn đường cho Chúa ngày hôm nay
Nếu chúng ta muốn đón Chúa – dù Ngài đến bằng cách nào chăng nữa – thì chúng ta cũng phải chuẩn bị, phải dọn đường cho Ngài đến với chúng ta. Ngôn sứ Ba-rúc cũng như Gioan Tiền Hô đều nhắc lại lời Kinh Thánh dạy chúng ta cách dọn đường cho Chúa : «Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nồng có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh sáng vinh quang của Thiên Chúa». Và «Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng».
Cách nói đầy hình tượng của Thánh Kinh thật đơn sơ dễ hiểu : Công việc dọn đường cho Chúa của chúng ta là chấn chỉnh đời sống, là điều chỉnh tư tưởng, lời nói, việc làm của mình. Đó chính là ý nghĩa của từ «metanoia», nghĩa là hoán cải, thay đổi, trở lại, không chỉ trong hành động vi phạm các nguyên tắc luân lý, mà cả trong lời nói và suy nghĩ, não trạng, trong hiểu biết của chúng ta nữa.
Ngày nay việc chuẩn bị đón Chúa trong Mùa Vọng dễ bị «nhiễu» bởi những cách chuẩn bị bề ngoài và nặng tính thương mại. Hang Đá, Máng Cỏ đủ kiểu đủ mầu, đèn hoa rực rỡ, cờ xí tung bay… đẹp thì đẹp thật đấy, nhưng là những hình ảnh rất xa lạ với cảnh Bê-lem đích thực. Tệ hơn nữa, có không ít người lại bị nhiễm cách người đời mừng Lễ Thiên Chúa giáng trần, bằng những hàng hóa «de luxe» (=sang trọng) và những bữa tiệc linh đình, phung phí, thậm chí tội lỗi nữa.
Vì thế, mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đoàn Kitô hữu chúng ta hãy tự kiểm điểm một cách chân thành và khiêm tốn :
1/ Sự hiểu biết của tôi về Thiên Chúa, về Giáo Hội, về cách sống Đạo… và rao giảng Tin Mừng đã tạm đủ và phù hợp với Tin Mừng và Giáo Huấn của Giáo Hội chưa ? Tôi phải làm gì để có được một hiểu biết đầy đủ hơn về Thiên Chúa, về Giáo Hội, về cách sống Đạo, về cách rao giảng Tin Mừng ?
2/ Cách suy nghĩ, cách đánh giá con người và sự việc của tôi dựa vào Phúc Âm và Giáo Huấn của Giáo Hội hay dựa vào dư luận và thói thường của thế gian ?
3/ Mọi hành động của tôi (làm ăn, buôn bán, việc đạo, việc đời…) nhằm mục đích làm đẹp lòng Thiên Chúa và sinh ích sinh lợi (vật chất, tinh thần, tâm linh) cho bản thân tôi và những người chung quanh (gia đình, bạn bè, lối xóm, khu vực…xã hội) hay chỉ nhằm thỏa mãn lòng ích kỷ và các dục vọng xấu trong tôi ?
Chắc chắn khi thành thật trả lời các câu hỏi trên mỗi người, mỗi cộng đoàn chúng ta sẽ thấy«thung lũng» phải lập đầy, «núi đồi» phải san bằng, «đường quanh co» cần phải uốn ngay trong tư tưởng, lời nói, hành động thường ngày của mình.
***
Lạy Chúa, xin hãy đến với con ! với gia đình, với giáo xứ và với dân tộc con ! Lạy Chúa, xin hãy tu sửa lòng trí và cách sống của chúng con ! (Giêrônimô Nguyễn văn Nội)
* 5. Lạc quan
Biết bao người bi quan với cuộc đời và với thế giới. Chúng ta đã nghe quá nhiều những nhận định chán chường, như : Đời là bể khổ ; đời là con đường đi vào ngõ cụt ; tha nhân là hỏa ngục v.v.
Nhưng giọng điệu của Lời Chúa hôm nay khác hẳn : "Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của Ngài" (bài đọc 1) ; Ngay cả những người đang "nghẹn ngào ra đi gieo giống" cũng có thể mong chờ "mùa gặt mai sau khấp khởi mừng" (Đáp ca) ; "Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó cho tới chỗ hoàn thành" (bài đọc 2) ; "Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa" (Tin Mừng)
Người đời bi quan là vì họ không có đức tin. Kitô hữu thì phải lạc quan vì có đức tin. Ánh sáng đức tin giúp chúng ta giúp chúng ta thoát khỏi kiểu nhìn những biến cố một giới hạn và cục bộ, nhưng mở rộng tới tầm nhìn toàn diện lịch sử diễn tiến theo chương trình của Thiên Chúa.
* 6. Bài giải thích của Origène (+ 253)
Câu Cựu Ước được trích dẫn là của ngôn sứ Isaia : "Có tiếng người hô trong hoang địa : Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi" (Is 40,3) Con đường mà chúng ta phải dọn cho Chúa là con đường nào ? Phải chăng là con đường vật chất ? Thế nhưng Lời Chúa có cần đi con đường này không ? Hay là phải dọn cho Chúa con đường nội tâm và thu xếp trong tâm hồn chúng ta những con đường ngay thẳng và liền lạc ? Vâng, đây chính là con đường mà Ngôi Lời Thiên Chúa vạch trong tâm hồn con người để nó có khả năng đón nhận Lời Ngài.
Tâm hồn con người thật rộng rãi và dễ đi, miễn là nó thanh sạch. Bạn có muốn biết con đường ấy rộng lớn thế nào không ? Hãy xem nó có thể chứa đựng biết bao hiểu biết thần linh. Chính tâm hồn con người thố lộ : "Quả chính Ngài ban cho tôi trí tri cách vật, biết được cơ cấu càn khôn và năng lực của ngũ hành, mối đầu, mút cuối và khoảng giữa các thời, đông chí hạ chí đắp đổi và thời tiết tuần hoàn, tần niên chu kỳ, vị trí tinh sao, bản tính loài vật, bản năng mãnh thú, sức mạnh tinh thần, tâm tư người thế, phân loại thảo mộc, dược tính rễ cây. Mọi điều ẩn tàng hay minh bạch, tôi đều đã biết. Phải, chính tay thợ làm ra mọi sự đã dạy dỗ tôi, sự khôn ngoan" (Kn 7,17-23). Bạn thấy đấy, tâm hồn con người đâu phải là nhỏ vì có thể chứa đựng bấy nhiêu điều ấy. Bạn phải hiểu rằng nó rộng lớn không phải về những chiều kích thể chất, mà về năng lực của tư tưởng, có thể ôm trọn những hiểu biết chân lý to lớn dường ấy.
Để giúp những người đơn sơ nhận biết sự to lớn của tâm hồn con người, tôi sẽ đưa ra những thí dụ quen thuộc. Tất cả mọi thành thị chúng ta đi qua, chúng ta đều giữ lại trong tâm trí : những nét đặc thù của chúng, hoàn cảnh ở các nơi, những tường lũy, những dinh thự… Tất cả đều ở lại trong tâm hồn chúng ta. Con đường mà chúng ta đã đi qua, nó cũng ở lại như vẽ như in trong trí nhớ của chúng ta. Biển cả mà chúng ta đã bơi lội, chúng ta vẫn còn giữ lại trong ý tưởng một cách thầm lặng. Tôi xin lặp lại, chẳng nhỏ bé đâu cái tâm hồn có khả năng ôm ấp biết bao điều như thế ấy ! Và nếu nó không nhỏ vì có thể ôm ấp bao điều như vậy, ta có thể dọn đường cho Chúa và sửa thẳng lối lại để cho Đấng là Lời và Khôn ngoan có thể đi. Hãy dọn đường cho Chúa bằng một cách sống đáng khen, bằng những việc làm tuyệt hảo ; hãy san phẳng con đường để Ngôi Lời có thể đi mà không gặp cản trở nào. Rồi Ngài sẽ ban cho bạn được hiểu biết về những mầu nhiệm và về việc Ngài ngự đến, "kính dâng Ngài vinh quang và uy quyền đến muôn thuở muôn đời" (1 Pr 4,11)
7. Chuyện minh họa ý nghĩa Mùa Vọng
Tôi đưa một người bạn mù ra sân bay. Khi đến nơi, tôi bảo người đó "Tôi đi lo chút việc. Anh đứng đây chờ tôi nhé. Đừng đi đâu cả". Rồi tôi đi mua vé, gởi một lá thư và đọc thông báo về các chuyến bay. Khi tôi quay lại, tôi thấy người bạn mù vẫn đứng đấy. Người ta chen lấn chung quanh anh, một người phu khuân vác đây xe trước mặt anh, một đứa bé ngạc nhiên nhìn anh chăm chăm, một người bán báo rao inh ỏi trước mặt anh... Nhưng anh vẫn đứng yên, nét mặt bình thản, không chút nghi ngờ, không hề sợ sệt. Anh tin chắc tôi sẽ trở lại đón anh.
Cảnh một người mù nhắm mắt đứng yên chờ tôi trở lại khiến tôi liên tưởng tới thái độ người tín hữu phải có trong Mùa Vọng để đón chờ Chúa đến. (Willi Hoffsuemmer).

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Thiên Chúa mời gọi con người hiệp thông với Chúa và với nhau. Để đáp lại lời mời gọi đó, con người phải hoán cải con tim, rồi suốt cuộc đời, phải ăn năn sám hối. Với lòng thống hối chân thành vì những lỗi lầm đã phạm, chúng ta cùng khiêm tốn nguyện xin :
1. Sứ điệp của thánh Gioan Tẩy giả được đúc kết trong lời mời gọi ; / Anh em hãy sám hối / vì Nước Trời đã đến gần / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần trong Hội thánh / luôn ý thức thân phận tội lỗi của mình / và quyết tâm đổi mới đời sống / để xứng đáng đón mừng mầu nhiệm Giáng sinh.
2. Trên thế giới ngày nay / tội ác vẫn lan tràn khắp nơi / đặc biệt là tội buôn bán phụ nữ và trẻ em / Chúng ta hiệp lời cầu xin hiệp lời cầu xin cho các nhà lãnh đạo của hết thảy mọi quốc gia / tìm được những biện pháp thích hợp / để tiêu diệt tội ác đáng ghê tởm này.
3. Ngày nay có một số người hầu như mất hết ý thức về tội lỗi / họ coi việc phạm tội là bình thường / vì lương tâm họ đã trở nên xơ cứng / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban ơn soi sáng / để mọi người biết cố gắng lánh xa tội lỗi / và tích cực làm nhiều việc thiện.
4. Trong một thế giới còn nhiều bạo lực / bất công / hận thù / chia rẽ / cần có những người dám xả thân / mang sứ điệp yêu thương của Chúa đến cho mọi người / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta / trở nên những chứng nhân của Thiên Chúa là tình yêu / bằng chính đời sống bác ái yêu thương của mình.
Chủ tế : Lạy Chúa là Cha nhân hậu từ bi, để hết thảy mọi người có thể nhìn thấy ơn cứu độ của Chúa, chúng con phải sống gương mẫu trong đời sống tin cậy mến. Vì thế, xin Chúa thương ban ơn trợ giúp để chúng con biết sống theo lời dạy dỗ của Chúa Giêsu Kitô, Con Chúa, là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
Trước kinh Lạy Cha : Chúng ta hãy hướng lòng về Cha trên trời và tha thiết cầu xin Ngài khấng cho Con của Ngài đến thăm viếng chúng ta.
Trước lúc Rước Lễ : Chúa Giêsu sắp đến với tâm hồn chúng ta bằng chính Mình và Máu Thánh Ngài. Chúng ta hãy dọn con đường tâm hồn mình cho ngay thẳng và thanh sạch để đón rước Ngài.
VII. Giải tán
Đáp lại lời kêu gọi của Thánh Gioan Tẩy giả, tuần này chúng ta hãy dọn dẹp con đường tâm hồn của mình : lấp đầy những chỗ trũng, san bằng những mô cao, uốn thẳng những quanh co. Có như thế chúng ta mới có thể lãnh nhận ơn cứu độ Chúa ban.

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật II Mùa Vọng (C)
Chúa Nhật, 6 Tháng 12, 2015
Lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả
Dọn đường cho Chúa đến
Lc 3:1-6


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Văn bản Tin Mừng của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng nói với chúng ta về ông Gioan Tẩy Giả, vị ngôn sứ, sống trong hoang địa dọn đường cho Chúa.  Trong nhiều thế kỷ, người ta đã sống trong kỳ vọng về sự giáng thế của Đấng Mêssia, và ách đô hộ của người La Mã ngày càng nặng nề hơn bao giờ hết đã làm gia tăng ước muốn sự hiện đến của Đấng Giải Thoát, Đấng Cứu Độ.  Sự hiện diện của ông Gioan trong hoang địa là một dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa một lần nữa đến thăm dân Người. Ơn cứu chuộc đã đến trong tầm tay!
Thánh Luca cẩn thận đặt việc xuất hiện của ông Gioan Tẩy Giả trong bối cảnh chính trị-xã hội và tôn giáo thời bấy giờ.  Về mặt chính trị-xã hội, Philatô là quan tổng trấn xứ Giuđêa, Hêrôđê là thủ hiến xứ Galilêa, Anna và Caipha là các thượng tế.  Sau đó, bằng cách dùng một văn bản Kinh Thánh, Luca đặt Gioan trong bối cảnh tôn giáo của kế hoạch Thiên Chúa và nói rằng ông đến để chuẩn bị cho việc thực hiện niềm hy vọng xuống thế làm người của Đấng Thiên Sai.
  
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 3:1-2:  Đặt việc làm của Gioan trong thời gian và không gian
Lc 3:3:  Tóm tắt các hoạt động chính trị của Gioan
Lc 3:4:  Ánh sáng Kinh Thánh làm sáng tỏ các hoạt động của Gioan

c) Tin Mừng:

1 Đời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philípphê làm thủ hiến xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, 4như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng:
"Có tiếng kêu trong hoang địa:
Hãy dọn đường Chúa,
hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng,
hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi;
con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng,
con đường gồ ghề hãy san cho bằng.
Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điều gì trong bài Tin Mừng này đã làm bạn hài lòng nhất hoặc đánh động bạn nhất?  Tại sao?
b)  Ông Gioan xuất hiện ở đâu và khi nào?  Ý nghĩa của việc xác định thời gian vàkhông gian này là gì?         
c)  Các tài liệu tham khảo Kinh Thánh để hiểu biết những hoạt động của Gioan có ý nghĩa gì?     
d)  Hoang địa, đường, lối, thung lũng, núi, đồi, đường quanh co, đường gồ ghề:  để hiểu rõ hơn về các hoạt động của Chúa Giêsu, những hình ảnh này có ý nghĩa gì?” 
e)  Sứ điệp của bài Tin Mừng này đối với chúng ta ngày nay là gì?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh xưa và nay  

*  Luca đặt các hoạt động của ông Gioan Tẩy Giả vào năm thứ mười lăm đời hoàng đế Tibêriô, đế quốc La Mã.  Tibêriô ở ngôi hoàng đế từ năm 14 đến năm 37 sau Công Nguyên.  Vào năm 63 trước Công Nguyên, hoàng đế La Mã đã đem quân xâm chiếm vùng Paléstine và áp đặt một chế độ nô lệ hà khắc đối với người dân. Các cuộc nổi dậy của dân chúng liên tục theo nhau tiếp nối, đặc biệt trong miền Galilêa, nhưng đã bị trấn áp dã man bởi binh lính La Mã.  Từ năm thứ tư trước Công Nguyên đến năm 6 sau Công Nguyên, trong thời gian đó Áckhêlao làm thủ hiến, bạo loạn đã xảy ra trong miền Giuđêa.  Vì việc này đã buộc thánh Giuse và đức Maria trở về Nagiarét trong xứ Galilêa mà không về làng Bétlêhem xứ Giuđêa (Mt 2:22).  Vào năm thứ 6 sau Công Nguyên, thủ hiến Áckhêlao đã bị truất phế và xứ Giuđêa trở thành một tỉnh thuộc địa của La Mã mà quan tổng trấn được chỉ định trực tiếp bởi Hoàng Đế Rôma.  Philatô là một trong các vị quan tổng trấn này.  Ông ta cai trị từ năm 25 đến năm 36.  Điều thay đổi này trong chế độ chính trị đã mang lại thời kỳ khá yên ổn, nhưng thỉnh thoảng cũng có những vụ nổi dậy, điển hình là tên phiến loạn Baraba (Mc 15:7) và cuộc đàn áp trực tiếp bởi người La Mã (Lc 13:1), đã là những nhắc nhở về mức độ vô cùng nghiêm trọng của tình hình.  Bất cứ một va chạm nhỏ nào cũng đủ để tạo ra ngọn lửa cho cuộc nổi dậy!  Yên ổn chỉ là một thỏa thuận tạm ngưng, một cơ hội được tạo ra bởi lịch sử, bởi Thiên Chúa, để người ta nhìn lại cuộc hành trình họ đã thực hiện (xem Lc 13:3-5) và do đó, tránh được sự hủy diệt hoàn toàn.  Người Rôma rất tàn nhẫn.  Bất kỳ cuộc nổi dậy nào sẽ báo hiệu sự phá hủy của Đền Thờ và Dân Tộc (Ga 11:48; xem Lc 13:34-35; 19:41-44).   
  
*  Trong bối cảnh này, vào khoảng năm 28 sau Công Nguyên, Gioan Tẩy Giả xuất hiện như một ngôn sứ trong hoang địa.  Luca nói về sự kỳ vọng lớn phát sinh trong dân chúng liên quan đến việc rao giảng của Gioan Tẩy Giả, là người đã công bố phép rửa hoán cải cho sự tha thứ tội lỗi.  Ngày nay cũng có một khát vọng lớn cho sự chuyển đổi và làm hòa với Thiên Chúa, tự biểu lộ theo nhiều cách khác nhau: sự tìm kiếm ý nghĩa đời sống, cuộc tìm kiếm tâm linh, phong trào quốc tế của Diễn Đàn Xã Hội Thế Giới “Một thế giới khác là điều có thể”, và nhiều phong trào tôn giáo khác nữa.  Các cán sự xã hội và các chính trị gia đang tìm kiếm một thế giới nhân bản hơn và do đó xác nhận lòng khát vọng hoán cải và hòa giải với Thiên Chúa.  Mùa Vọng là thời gian thích hợp để hồi phục trong chúng ta lòng mong ước cho sự thay đổi, cho sự hoán cải và cho việc đến gần Thiên Chúa hơn.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 3:1-2:  Nhắc nhớ lại những tiên tri xưa
Phương cách mà Luca giới thiệu lời rao giảng của Gioan thì tương tự như những lời tựa cuốn sách của các tiên tri xưa.  Những lời này đề cập đến tên của các vị vua vào thời gian hoạt động của các tiên tri.  Này nhé, ví dụ, sách tiên tri Isaia (Is 1:1), sách tiên tri Giêrêmia (Gr 1:1-3), sách tiên Hôsê (Hs 1:1), sách tiên tri Amốt (Am 1:1) và các tiên tri khác.  Luca làm điều tương tự như vậy để nói rằng nếu cả 500 năm không có một tiên tri nào, thì giờ đây một tiên tri mới đã xuất hiện với tên là Gioan, con ông Giacaria và bà Êlisabéth.  Luca lo lắng với việc đặt các sự kiện này trong thời gian và không gian.  Ông giới thiệu tên của quan tổng trấn và các thủ hiến và mô tả những nơi Gioan làm việc.  Thật ra, lịch sử ơn cứu độ không tách biệt với lịch sử loài người và lịch sử cá nhân.
Mối quan tâm này của Luca, gợi lên sự tò mò của chúng ta.  Ngày nay, khi một người được thụ phong linh mục hay khấn trọn, thông thường thì in một tấm thiệp thánh ghi nhớ ngày và nơi chốn lễ thụ phong hoặc lễ khấn và một câu nói có ý nghĩa từ Kinh Thánh hay của một vị thánh được ghi vào để thể hiện tầm quan trọng của việc thụ phong hay lễ khấn trong đời của người ấy.  Tuy nhiên, chúng ta không bao giờ bắt gặp một thấm thiệp thánh nói rằng, ví dụ, “Vào năm thứ năm dưới triều đại tổng thống Bush, tổng thống của Hiệp Chủng Quốc; ông Blair là thủ tướng của vương quốc Anh; ông Prodi là thủ tướng nước Ý, ông Zapatero là thủ tướng nước Tây-ban-nha; và Giáo Hoàng Joseph Ratzinger, được gọi là Đức Thánh Cha Biển Đức thứ 16, tôi đã thụ phong chức linh mục để loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó, ban ánh sáng cho người mù lòa, để giải thoát kẻ bị áp bức và công bố năm Hồng Ân của Chúa!”  Tại sao Luca lại chọn cho biết các ngày của lịch sử cứu rỗi cùng với những ngày của lịch sử nhân loại?      

Lc 3:3:  Ăn năn thống hối và sự tha thứ
Ông Gioan đi khắp miền sông Giođan rao giảng phép rửa sám hối để cầu ơn tha tội.  Ăn năn (tiếng Hy Lạp là metanoia) có nghĩa là thay đổi, không chỉ trong hành vi đạo đức của một người, mà cũng còn trong tâm lý của người ấy nữa.  Thay đổi trong cách suy nghĩ của người ta!  Mọi người nhận thức được rằng cách suy nghĩ của họ bị ảnh hưởng bởi “men của người Pharisêu và men của Hêrôđê” (Mc 8:15), đó là bởi lời tuyên truyền của chính quyền và bởi các viên chức tôn giáo, đã sai trái và phải sửa đổi.  Sự tha thứ mang đến sự hòa giải với Thiên Chúa và với những người chung quanh.  Bằng cách này, Gioan đang công bố một phương cách mới cho người ta liên kết với Thiên Chúa.  Sự hòa giải cũng sẽ là dấu ấn của việc rao giảng của Chúa Giêsu:  hòa giải đến những “bảy mươi lần bảy” (Mt 18:22).

Lc 3:4-6:  Định nghĩa sứ vụ của Gioan
Thánh Luca trích dẫn văn bản sau đây từ lời tiên tri Isaia để giúp độc giả hiểu rõ hơn về ý nghĩa lời rao giảng của Gioan:  “Có tiếng hô:  ‘Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho Đức Chúa.  Giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta.  Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hóa thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu; bấy giờ vinh quang Đức Chúa sẽ tỏ hiện, và mọi người phàm sẽ cùng được thấy vì rằng miệng Đức Chúa đã tuyên phán’” (Is 40:3-5).  Trong văn bản này, tiên tri Isaia công bố sự trở lại của dân chúng từ nơi lưu đày về lại Paléstine và ông mô tả nó như thể đó là một cuộc Xuất Hành.  Giống như người dân trở về từ việc nô dịch ở Babylon, rời bỏ đất Ai Cập và một lần nữa bước chân vào sa mạc.  Đối với Luca, Chúa Giêsu bắt đầu một cuộc xuất hành mới được chuẩn bị bằng lời rao giảng của Gioan trong hoang địa.  Các sách Tin Mừng của Mátthêu (Mt 3:3) và Máccô (Mc 1:3) cũng trích dẫn cùng một đoạn của sách tiên tri Isaia, nhưng các ông chỉ trích dẫn phần đầu (Is 40:3).  Luca trích dẫn đầy đủ bản văn đến điểm mà tiên tri Isaia nói rằng:  “và mọi người phàm sẽ cùng thấy vinh quang của Thiên Chúa” (Is 40:5). Câu nói “mọi người phàm” có nghĩa là tất cả nhân loại.  Sự khác biệt nhỏ này cho thấy mối quan tâm của Luca cho các giáo đoàn, rằng các tiên tri đã dự báo việc mở rộng này đến cho các dân ngoại!  Chúa Giêsu đã đến không chỉ riêng cho người Do Thái mà để cho “mọi người phàm” có thể nhìn thấy quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.  Luca viết sách Tin Mừng của ông cho giáo đoàn ở Hy Lạp, mà hầu hết là những dân ngoại đã tòng giáo. 

c)  Phần phụ chú để giúp hiểu rõ hơn bài Tin Mừng:

Gioan, vị tiên tri – Từ thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, lời tiên tri đã chấm dứt. Có lời chép rằng:  “ngôn sứ cũng chẳng còn” (Tv 74:9).  Người ta phải sống trong kỳ vọng của lời ngôn sứ được hứa hẹn bởi Môisen (Đnl 18:15; 1 Mcb 4:46; 14:41). Thời gian chờ đợi dài đăng đẵng này đã kết thúc với sự xuất hiện của Gioan (Lc 16:16).  Người ta đã không coi Gioan là kẻ nổi loạn như Baraba, hoặc giống như một Kinh sư hay người Pharisêu, mà như là một ngôn sứ được mong mỏi bởi tất cả mọi người (Lc 1:76).  Nhiều người nghĩ rằng ông là Đấng Cứu Thế.  Ngay cả trong thời thánh Luca, vào những năm 80, vẫn còn những người nghĩ rằng Gioan là Đấng Cứu Thế (Cv 19:1-6).

Gioan xuất hiện và công bố:  “Hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời đã gần kề!” (Mt 3:2).  Ông đã bị bỏ tù vì lòng can đảm của mình trong việc tố cáo các tội lỗi của người ta và của những kẻ cầm quyền (Lc 3:19-20).  Khi Chúa Giêsu nghe được tin Gioan đang ở trong tù, Người đã trở về Galilêa và công bố cùng một sứ điệp như Gioan:  “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.  Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15)  Chúa Giêsu tiếp tục công việc nơi Gioan bỏ dở và tiến xa hơn.  Phần Cựu Ước kết thúc với Gioan và trong Chúa Giêsu phần Tân Ước bắt đầu.  Ngay cả Chúa Giêsu còn nói:  “Ta nói cho anh em biết:  trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, không có ai cao trọng hơn ông Gioan; tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Thiên Chúa còn cao trọng hơn ông” (Lc 7:28).      

Nội dung lời rao giảng của Gioan (Lc 3:7-18) – Ông Gioan thu hút đám đông dân chúng bằng lời rao giảng về phép rửa của sự hoán cải và tha thứ tội lỗi.  Điều này cho thấy rằng người ta đã sẵn sàng để thay đổi và muốn liên kết với Thiên Chúa trong một đường lối mới.  Gioan tố cáo tội lỗi và lên án những kẻ có đặc quyền. Ông nói rằng: là con cháu của Abraham thì không có bảo đảm gì cũng như không có bất kỳ lợi thế nào trước mặt Thiên Chúa.  Ông nói:  Đối với Thiên Chúa, hòn đá và con cháu Abraham đều như nhau, bởi vì “Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Abraham!” (Lc 3:8).  Điểm lợi thế của một người trước nhãn quan của Thiên Chúa thì không phải là đặc quyền làm con cháu của ông Abraham mà là các hành động đã nảy sinh hoa trái tốt lành.  

Luca nói về ba loại người đến hỏi ông Gioan:  “Chúng tôi phải làm gì?”:  của đám đông (Lc 3:10), của  những kẻ thu thuế (Lc 3:12) và của các binh lính (Lc 3:14). Câu trả lời cho đám đông thì đơn giản:  “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy!” (Lc 3:11)  Đây là một câu trả lời rõ ràng:  chia sẻcủa cải là điều kiện để nhận được sự hiện diện của Thiên Chúa và để vượt qua từ thời kỳ Cựu Ước sang Tân Ước.  Trong câu trả lời của ông dành cho những người thu thuế (Lc 3:13) và binh lính (Lc 3:14), Gioan yêu cầu điều tương tự, nhưng áp dụng cho tình cảnh của họ.  Những người thu thuế thì không được đòi hỏi những gì quá mức ấn định.  Việc khai thác người dân bởi các kẻ thu thuế đã là một bệnh dịch trong xã hội thời bấy giờ.  Các binh lính không được hà hiếp ai, cũng không tống tiền người ta, và phải an phận với số lương của mình.

Vào những năm 80, khi Luca đang viết sách Tin Mừng, nhiều người vẫn còn cho rằng ông Gioan là Đấng Cứu Thế (Xem Cv 19:3; 13, 15).  Luca trích dẫn lời của Gioan để giúp người đọc đặt để hình ảnh của Gioan trong khuôn khổ của lịch sử cứu độ.  Ông Gioan thừa nhận rằng Chúa Giêsu là Đấng mạnh mẽ hơn.  Sự khác biệt giữa ông và Chúa Giêsu là ân sủng của Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ được truyền qua Chúa Giêsu.  Luca cho thấy rằng khái niệm của ông Gioan về Đấng Cứu Thế cũng chưa hoàn hảo.  Đối với Gioan, Đấng Mêssia sẽ là một vị thẩm phán nghiêm khắc, sẵn sàng để ban ra sự phán xét và hình phạt (Lc 3:17).  Có lẽ đó là lý do tại sao ông Gioan, sau đó, đã gặp khó khăn trong việc nhận ra Chúa Giêsu là Đấng Mêssia (Lc 7:18-28), bởi vì Đức Giêsu đã không hành xử giống như một vị phán quan nghiêm khắc trừng phạt.  Thay vì đó, Người lại nói:  “Ta không phán xét ai cả!” (Ga 8:15; 12:47).  Thay vì phán xét và trừng phạt, Chúa Giêsu cho thấy sự dịu dàng, đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ăn uống với họ.

6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 15 (14)

Lạy Chúa, ai được vào ngụ trong nhà Chúa?

Lạy CHÚA, ai được vào ngụ trong nhà Chúa,
được ở trên núi thánh của Ngài?

Là kẻ sống vẹn toàn,
luôn làm điều ngay thẳng,
bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan,
không làm hại người nào,
chẳng làm ai nhục nhã.
Coi khinh phường gian ác,
trọng ai kính CHÚA TRỜI,
lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời,
cho vay không đặt lãi,
chẳng nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.
Phàm ai làm những điều này
không hề nao núng chuyển lay bao giờ.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét