06/12/2015
Chúa Nhật
2 Mùa Vọng Năm C
(phần I)
Bài Ðọc I: Br 5, 1-9
"Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi".
Trích sách Tiên tri Barúc.
Hỡi Giêrusalem, hãy cởi áo tang chế và sầu khổ của ngươi, hãy mặc
lấy sự huy hoàng và vinh quang đời đời của Chúa mà Chúa ban cho ngươi. Chúa sẽ
mặc cho ngươi áo công lý, và đặt vương miện vĩnh cửu trên đầu ngươi. Vì chưng,
Chúa sẽ tỏ bày huy hoàng của Chúa trong ngươi cho mọi kẻ trần gian. Vì Thiên
Chúa sẽ đời đời gọi tên ngươi là Hoà bình trong công lý và Vinh dự trong hiếu
nghĩa.
Hỡi Giêrusalem, hãy chỗi dậy, đứng nơi cao, và nhìn về hướng
đông. Hãy nhìn con cái ngươi từ đông sang tây họp lại theo lệnh của Ðấng Thánh,
họ hân hoan thấy Chúa nhớ đến họ. Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã
đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử. Vì Chúa đã ra lệnh triệt hạ
mọi núi cao và mọi đồi từ ngàn xưa, lấp đầy những hố sâu, để trái đất được bằng
phẳng, hầu Israel vững vàng bước đi cao rao vinh quang Thiên Chúa.
Theo lệnh Chúa, những cánh rừng, những cây có hương thơm, đã cho
Israel núp bóng, vì Chúa sẽ hân hoan lấy lòng từ bi và công bình của Người dẫn
dắt Israel đến ánh vinh quang.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng
rỡ hân hoan (c. 3).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi
dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt
lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ
cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ
hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở
miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo. Họ trở về
trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Pl 1, 4-6. 8-11
"Anh em hãy ăn ở trong sạch và không đáng trách, cho đến
ngày của Ðức Kitô".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, luôn luôn trong mọi lời cầu nguyện của tôi, tôi
hân hoan khẩn cầu cho tất cả anh em, vì anh em đã thông phần vào việc rao giảng
Phúc Âm từ ngày đầu cho tới nay. Tôi tin tưởng rằng Ðấng đã khởi đầu việc lành
đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Ðức Giêsu Kitô.
Vì Thiên Chúa làm chứng cho tôi rằng: tôi yêu mến tất cả anh em
với tâm tình của Ðức Giêsu Kitô. Ðiều tôi cầu nguyện bây giờ là lòng bác ái của
anh em ngày càng gia tăng trong sự thông biết và am hiểu, để anh em xác định những
điều quan trọng hơn, để anh em được trong sạch và không đáng trách cho đến ngày
của Ðức Kitô, anh em được Ðức Giêsu Kitô ban cho dư đầy hoa quả công chính, hầu
tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 3, 4. 6
Alleluia, alleluia! - Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho
ngay thẳng; và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 3, 1-6
"Mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ðời hoàng đế Tibêriô năm thứ mười lăm, Phongxiô Philatô làm toàn
quyền xứ Giuđêa, Hêrôđê làm thủ hiến xứ Galilêa, còn em là Philipphê làm thủ hiến
xứ Ituria và Tracônitêđê; Lysania làm thủ hiến xứ Abilêna; Anna và Caipha làm
thượng tế; có lời Chúa đã kêu gọi Gioan, con Giacaria, trong hoang địa.
Ông liền đi khắp miền sông Giođan, rao giảng phép rửa sám hối cầu
ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri Isaia rằng: "Có tiếng kêu
trong hoang địa: Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp
mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng,
con đường gồ ghề hãy san cho bằng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên
Chúa".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chúng Ta Hãy Dọn Ðường
Chúa nhật 1 mùa vọng đã loan báo ngày Chúa đến. Người sẽ trở lại
khi thời gian đã mãn. Người sẽ đến trong vinh quang và lấy vinh quang biến đổi
chúng ta nên con cái của sự trường sinh bất tử. Bài đọc sách Barúc hôm nay còn
nói đến việc ấy. Nhưng chủ yếu của lời Chúa này là việc dọn đường Chúa đến.
Chúng ta sẽ được nghe tiếng nói của Gioan Tẩy Giả. Ông được Phụng vụ mùa Vọng
nhắc nhiều, vì ông là tiên tri cuối cùng của Cực Ước, và sứ mạng của ông là
hoàn tất việc Cứu Ước chuẩn bị ngày Chúa đến.
Hơn nữa, ông còn là người giới thiệu và trỏ cho mọi người thấy Ðấng
Cứu Thế đã đến. Tiếng nói của ông vì thế có khả năng giúp đỡ chúng ta dọn đường
Chúa đến và nhận ra Người. Nhưng phải nói như thư Phaolô còn trực tiếp hơn nữa
vì nhắm thẳng vào ngày Chúa trở lại trong vinh quang. Chúng ta xin ơn Chúa soi
sáng để biết hiểu và thi hành Lời Chúa hôm nay.
1. Ðây Là Ngày Thiên Chúa làm Nên
Trước hết, chúng ta hãy mở sách Barúc. Ðó là một tác phẩm rất ngắn,
chỉ gồm tất cả năm chương. Tác giả tự coi như là "Thư ký" của tiên
tri Giêrêmia, nên văn phẩm của ông được tính vào ngay sau phần "Ai
ca" của sách Giêrêmia. Tác giả còn giới thiệu bản văn của mình như là một
bức thư gửi từ Babylon trong buổi lưu đày về con cái Israen còn ở lại
Giêrusalem, để họ thống hối ăn năn, suy nghĩ lại về đường lối ăn ở, hầu nhận được
Lời Hứa cứu độ và giải thoát. Bài đọc hôm nay loan báo Tin Mừng cứu độ này.
Nhưng dần dần khoa chú giải Kinh Thánh đã nhận ra sự thật không
đơn sơ như thế. Sách Barúc là một tác phẩm của một cây viết vô danh. Nói đúng
hơn, đó là văn phẩm hỗn hợp đã do một người đạo đức nào đó ở giữa thế kỷ thứ
hai ghép thành. Tác giả đã lấy nhiều bản văn khác nhau để làm nổi bật một lời
kinh thú tội thống hối, đọc trong một buổi lễ xá tội nào đó. Tuy nhiên ý tưởng
và lời văn ở mọi chương đều đạo đức sâu xa và trình bày rất khôn khéo. Chương
thứ năm cũng là chương cuối cùng trong sách Barúc mà chúng ta đọc hôm nay, chứng
tỏ điều ấy.
Vậy, muốn hiểu, chúng ta phải đọc đoạn văn tiên tri này trong bối
cảnh "giả định" của tác giả. Tức là ở đây chúng ta có những lời Chúa
muốn an ủi dân Người khi họ thống hối ăn năn. Người loan báo cho họ về ngày
vinh quang sau lưu đày, ngày cứu độ sau đau thương, ngày ân thưởng sau cuộc đời
lao nhọc. Ðối với chúng ta, đó là ngày Chúa lại đến.
Ngày ấy, chính Thiên Chúa sẽ làm ra chứ không phải ai khác. Người
sẽ lấy vinh quang bất diệt của Người choàng lên Giêrusalem, tức là trên chúng
ta và tất cả tạo vật, sự vinh quang ấy cũng là sự công chính thánh thiện mà
Thiên Chúa sẽ ban cho nhân loại được cứu độ khiến tên của Giêrusalem mới tức là
của nhân loại mới, sẽ là Hòa bình và vinh quang, Hòa bình vì có sự công bằng của
Chúa, và vinh quang nhờ có lòng thương xót của Người. Tất cả những điều này nói
lên rằng chính Chúa là tác giả của thời đại sau này. Chính Người sẽ làm ra cảnh
trời mới, đất mới. Những nét đẹp, nét tốt của thời đại mai sau hoàn toàn là của
Chúa. Do đó Nước Trời sẽ đến không bao giờ thay đổi và suy vi nữa, vì tất cả sẽ
được bao bọc trong vinh quang thánh thiện đời đời của Thiên Chúa.
Tự nhiên chúng ta muốn hỏi: như vậy, loài người chúng ta không
đóng góp gì được vào ngày Chúa đến sao? Chắc chắn có phần nào đó mà chúng ta sẽ
nói sau. Nhưng cũng chắc chắn, phần đóng góp của chúng ta sẽ không đáng kể sánh
với ơn ban của Chúa. Có thể nói trời với đất xa nhau bao nhiêu thì phần trao
ban của Chúa còn vượt xa phần lãnh nhận của chúng ta bấy nhiêu và hơn nữa.
Chúng ta hãy cứ nói như Barúc: ngày vinh quang sau này của chúng ta khi Chúa
Kitô hiện đến hoàn toàn là công trình của Chúa. Người đem vinh quang thánh thiện
đến biến đổi chúng ta và tất cả nên thành trì "hòa bình của công bình và
vinh quang của thương xót".
Thành trì ấy được đứng lên mỏm cao để thấy con cái khắp nơi,
nhân loại khắp xứ tuôn về. Khi xưa, tội lỗi đã làm chúng phiêu bạt ra đi tiều tụy,
bây giờ Thiên Chúa công chính thánh thiện đưa tất cả về vinh quang như trên một
ngai vua.
Không những thế, Thiên Chúa còn cho bạt núi, lấp sông để đường
đi của con cái Chúa được vững chắc trong vinh quang. Ðang khi ấy cỏ cây bên đường
sẽ rợp bóng, tỏa hương và ánh sáng quang vinh phổ... xuống... Ðoàn người trở về
với Chúa, đi về nhà Cha, tuôn về gặp Chúa thật là ngoạn mục và sung sướng...
Chúng ta có thể bảo đây là những lời thơ. Nhưng cũng là những lời
ấp úng trước một cảnh tượng chưa thể nào tưởng tượng được. Trong ngày ấy, Chúa
sẽ thánh hóa dân Người, sẽ quy tụ dân Người lại, sẽ làm cho cảnh vật thiên
nhiên được chia sẻ sự vui mừng tự do của con cái Thiên Chúa. Bằng ấy ý tưởng
đúc nên bài sách Barúc hôm nay. Những ý tưởng ấy nằm trong nhiều trang Thánh
Kinh Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là nội dung Lời Hứa ngàn đời của Chúa về thời đại
người viếng thăm, về ngày Chúa trở lại với Dân Người.
Và Lời Hứa của Người bền vững trung kiên. Ðã bao lần Chúa thi
hành trong lịch sử Do Thái. Nhưng đó mới chỉ là những lần tập dượt cho ngày Ðức
Giêsu Kitô Giáng Sinh làm người. Và Hội Thánh từ ngày được Ngài sáng lập không
mang nhiều màu sắc của Giêrusalem trong bài sách Barúc đó sao? Nhưng Giêrusalem
đích thực mà sách này muốn loan báo là Giêrusalem thiên quốc, là Hội Thánh sau
này trên Trời, là Dân Chúa trong vinh quang của Ngày Chúa đến. Chúng ta đang vọng
ngày đó, đang chờ Chúa Kitô trở lại. Chúng ta sung sướng hân hoan nghĩ về Ngày
Chúa sẽ làm ra, không phải để mơ mộng, nhưng để cầu xin Chúa ban cho mình được
tham dự ngày vinh quang ấy và nhất là để chuẩn bị. Và muốn làm công việc này,
chúng ta hãy nghe Lời Tin Mừng trong sách Luca.
2. Chúng Ta Hãy Dọn Ðường
Tác giả khai mạc cuộc đời hoạt động của Gioan Tẩy Giả một cách rất
long trọng. Ðã đành ông muốn viết sử có đầu có đuôi và một cách khoa học. Ông
phải đặt các biến cố vào lịch sử có các niên hiệu chắc chắn. Nhưng vì sao khi kể
việc Ðức Giêsu ra giảng đạo, ông không viết một cách long trọng như vậy? Thực
ra trong những chương đầu tiên của tác phẩm Tin Mừng mang tên ông, tác giả Luca
thuật những chuyện về Gioan chen lẫn với những chuyện về Ðức Giêsu. Ông viết về
Gioan để làm nổi bật Ðức Giêsu thế nên không phải vì Gioan mà ông viết bản văn
long trọng chúng ta đọc hôm nay. Bản văn này có ý giới thiệu Ðức Giêsu. Nó là
tiền đề đưa vào những câu chuyện về Ðức Giêsu, giống như Gioan chỉ là tiền hô của
Ngài.
Vậy chính vì Ðức Giêsu mà chúng ta có bản văn long trọng hôm
nay. Tác giả Luca muốn cho chúng ta thấy cuộc đời hoạt động của Ngài đã được
khai mạc cách trọng thể nhờ việc Gioan bắt đầu rao giảng phép rửa thống hối.
Luca đặt việc này vào khung cảnh Lịch sử đạo đời để chúng ta có sẵn khung cảnh
lịch sử này mà hiểu biết về các hoạt động của Ðức Giêsu, vì khi Gioan bắt đầu
rao giảng, thì Ðức Giêsu cũng đã sẵn sàng xuất hiện.
Bấy giờ là năm thứ 15 triều hoàng đế Tibêrô cai trị Ðế quốc La
Mã, rộng lớn như cả thế giới. Ở đất Do thái, về đời có Philatô trấn nhiệm xứ
Giuđê và Hêrôđê làm quận vương xứ Galilê. Về đạo có thượng tế Hanna và Caipha.
Chúng ta có thể thắc mắc vì sao lại có hai thương tế, điều chẳng bao giờ thấy
trong lịch sử Dân Chúa. Nói đúng ra, bấy giờ là thời thượng tế Caipha; nhưng thực
quyền lại nằm trong tay nhạc phụ là Hanna. Ông này cũng là Thượng tế. Ông đã từ
chức nhượng lại cho con rể, nhưng thực tế vẫn nắm quyền, ít ra về vấn đề ảnh hưởng.
Do đó, không phải vô lý mà tác giả Luca đã viết: Bấy giờ là thời thượng tế Hanna
và Caipha. Ông đã viết sự thật và là sự thật đau đớn!
Cũng như ông đã hữu ý khi nói đến những nhà cầm quyền đời lúc bấy
giờ. Ông kể tên Philatô và Hêrôđê cai trị hai vùng đất của Dân Chúa; và ông
cũng nói đến Philíp và Lysania, trấn nhiệm hai phần đất kề cận mà dân cư lại là
kẻ ngoại. Phải chăng tác giả Luca đã không muốn nói rằng: môi trường hoạt động
của Chúa Giêsu sẽ là cả Dân Chúa và cả Dân ngoại? Người sẽ mang ơn cứu độ đến
cho mọi người chẳng kỳ là Do Thái hay Hy Lạp.
Vậy sau khi đã kể hai tọa độ không gian và thời gian, tác giả bắt
đầu viết sử. Người ta thấy Gioan nhận được lời Chúa. Kiểu nói này làm chứng ông
lãnh được sứ mạng tiên tri từ trời cao. Ông không làm việc tự ý. Khi ông đang ở
trong sa mạc thì được gọi; tức là sứ mạng đã được trao cho ông đang lúc ông sống
cho Chúa và tận hiến đời mình cho Người.
Tác giả Luca nói rằng ông đến giảng ở miền sông Giođan, trong
khi Ðức Giêsu sẽ không hoạt động ở đây. Phải chăng Luca không muốn phân biệt hoạt
động của hai Ðấng, khi viết như vậy? Ý muốn phân biệt thật rõ khi tác giả nói:
phép Rửa của Gioan chỉ để được tha thứ tội khiên, chứ chưa tha thứ tức thời
đâu. Ðó là công việc chuẩn bị, dọn đường theo lời sách Isaia: tiếng của Người
hô trong sa mạc: Hãy dọn đường Chúa, hãy bạt lối Người đi.
Những lời này có khác với những lời mà Barúc đã công bố không?
Nhà tiên tri ngày xưa nói rằng: chính Chúa san phẳng đường lối cho dân được cứu
độ. Còn ở đây, dường như đó lại là việc của chúng ta. Sự thật, lời sách Isaia
không phải chỉ có bấy nhiêu. Luca đã có lý để tiếp tục trích dẫn. Bốn câu nữa
đã được thêm vào hai câu trên. Và những câu này cho thấy việc lấp đầy hạ thấp để
đường đi được phẳng lỳ sẽ là công trình của Chúa; nhưng Người đã làm gì khi người
ta có thái độ thống hối ăn năn. Chính Chúa đã làm ra đường lối cứu độ, nhưng
con người phải tỏ thiện chí muốn lãnh nhận. Và đường lối phẳng lỳ mà Chúa làm
ra đòi lấp đầy hạ thấp tức là Chúa vẫn nâng cao những người phận nhỏ và hạ xuống
những phường tự cao tự đại. Ðề tài này luôn được Luca yêu thích. Có lẽ chính nó
đã khiến Luca trích hết lời sách Isaia, đang khi Mátthêu và Marcô đã dừng lại ở
hai câu đầu.
Nhưng điều quan trọng hơn cả mà Luca muốn nhấn mạnh để kết thúc
đoạn văn hôm nay, là việc mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Không những ông nhấn mạnh tư tưởng "mọi người" tức là tính cách phổ cập
của ơn Ðức Giêsu dành cho hết thảy chúng ta; Nhưng ông cũng muốn nhắc đó là
công trình của Thiên Chúa chứ không phải của chúng ta. Và như vậy Luca cũng như
Barúc muốn nói với chúng ta hãy trông đợi ngày Chúa đến như là ơn cao cả. Người
sẽ làm cho những ai có thái độ thống hối ăn năn và khiêm nhường khó nghèo. Tác
giả Tân Ước chỉ khác nhà tiên tri Cựu Ước ở chỗ trỏ cho chúng ta thấy Ngày ấy
đã đến trong lịch sử rõ rệt, nơi Ðức Giêsu Kitô. Nhưng ngay trong đoạn văn này,
Luca còn mượn lời của Gioan để bảo chúng ta phải chờ đợi nữa, vì tuy Ðức Giêsu
đã đến, nhưng chưa phải mọi người đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Chúng
ta còn phải vọng đến ngày ấy nữa. Và chúng ta phải nghe lời thư Phaolô để dọn
đường cho Chúa.
3 Và Tiếp Tục Cho Ðến Hoàn Thành
Trong đoạn thư này, Phaolô nói rằng luôn luôn Người cầu nguyện
cho giá dân Philíp một cách vui sướng.
Chúng ta hãy chú trọng đến sự hân hoan toát ra từ những lời thư
này. Phaolô không có gì phải lo cho giáo dân Philip cả. Từ ngày nhận được Tin Mừng
đến nay, họ vẫn tốt, không những họ đã thông phần vào việc rao giảng Tin Mừng
khi họ đón nhận ơn Chúa kêu gọi; mà họ còn phấn đấu sống Tin Mưng ấy và giúp đỡ
Phaolô cũng như các giảng viên Tin Mừng. Nghĩ đến họ, Phaolô như rộn lòng trìu
mến lên. Giống như Thiên Chúa và Chúa Giêsu Kitô luôn rộn lòng yêu mến cứu chuộc
chúng ta.
Vậy Phaolô luôn cầu nguyện cho giáo dân Philip, không phải vì họ
đang gặp những khó khăn nào, mà chỉ vì Người vui sướng thấy giáo đoàn đó tốt
lành, cần được cầu nguyện để "một công trình thiện hảo như vậy sẽ tiếp tục
cho đến hoàn thành trong ngày của Ðức Giêsu Kitô". Tức là dù nếp sống đạo
đã tốt lành đến đâu, cũng vẫn còn phải tiến bộ để được kiện toàn trong Ngày
Chúa trở lại. Chính vì vậy mà Phaolô phải cầu nguyện cho giáo dân Philip được
lòng mến dẫy tràn nhiều hơn mãi mãi về trí tri và thông hiểu để biết biện phân
ra điều ưu hảo mà ăn ở cho vô phương trách cứ, hầu dư đầy hoa quả công chính nhờ
Ðức Giêsu Kitô.
Những lời súc tích này rõ ràng có tính cách khuyên nhủ và dạy dỗ,
Ðó là cả một chương trình sống đạo phải đi đôi với việc cầu nguyện cho mình được
ơn cứu độ trong ngày Chúa đến. Ðành rằng đời sống mai sau là việc Chúa làm mà
chúng ta phải cầu xin để Người ban cho chúng ta. Nhưng Người đã khởi sự ban khi
cho chúng ta được đón nhận Tin Mừng. Bây giờ hằng ngày cho đến khi Chúa trở lại
chúng ta phải cầu nguyện để luôn được thêm lòng mến, lòng tin, để biết ăn ở một
cách ưu hảo hầu sau này sẽ vô phương trách cứ và dư đầy hoa quả thánh thiện.
Chúng ta không thể làm được những việc ấy nếu không khiêm nhường và cố gắng.
Thánh lễ này là nơi để chúng ta khiêm nhường đón nhận ơn Chúa.
Chúng ta phải thấy mình còn tội lỗi và yếu ớt. Chính Mình Máu Thánh Chúa sẽ vừa
tẩy sạch tâm hồn và củng cố sự sống. Nhờ Chúa Giêsu Kitô chúng ta có thể bước
đi trên đường, tuy nhiều gồ ghề nhưng có thể vẫn cảm thấy phẳng lì khi chúng ta
nhiều lòng mến trông đợi ngày Chúa đến.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Chúa Nhật
2 Mùa Vọng, Năm C
Bài đọc: Bar
5:1-9; Phi 1:4-6, 8-11; Lk 3:1-6.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết
của Thiên Chúa trong cuộc đời con người.
Tình thương và uy quyền của Thiên Chúa vẫn ấp ủ và bảo vệ con
người; nhưng để cảm nhận được, con người cần có con mắt đức tin và trái tim đầy
tình yêu. Nhiều người nghĩ họ có thể đi tìm vinh quang cho cuộc đời mà không cần
biết đến Thiên Chúa; nhưng thực tế đã chứng minh đó chỉ là vinh quang nhất thời,
giả tạo, và không mang lại niềm vui cũng như bình an đích thực cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật tầm quan trọng sự hiện diện của
Thiên Chúa trong cuộc sống con người và sự cần thiết phải sửa dọn tâm hồn để có
thể lãnh nhận Ngài. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruch nhận ra sự khờ dại của
toàn thể con cái Israel khi họ từ bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần ngoại
bang và vinh quang giả tạo của trần thế. Hậu quả là mất nước, Đền Thánh bị phá
hủy, và vua quan cũng như dân chúng phải chịu lưu đày cực khổ. Tiên-tri cũng nhận
ra tình thương và uy quyền của Thiên Chúa: nếu toàn dân chịu xám hối và ăn năn
trở lại, Thiên Chúa sẽ hủy bỏ tang phục mà họ đang mặc trên mình. Ngài sẽ mặc
cho họ áo choàng công chính, đội triều thiên vinh quang, và chiếu dọi ánh vinh
quang vĩnh cửu của Ngài trên họ. Trong Bài Đọc II, Phaolô, sau khi đã có kinh
nghiệm về hạnh phúc của một người được Thiên Chúa hoàn toàn chiếm hữu, đã chia
sẻ niềm vui và cầu nguyện cho các tín hữu cũng sẽ được hưởng niềm vui và hạnh
phúc như ông; nhưng họ phải hoàn toàn đặt trọn niềm tin yêu nơi Đức Giêsu Kitô
và cố gắng sống tinh tuyền thánh thiện trong khi chờ đợi ngày Ngài đến. Trong
Phúc Âm, Gioan Tiền Hô được Thiên Chúa trao sứ vụ dọn đường cho Đấng Thiên Sai
tới bằng việc kêu gọi con người sửa dọn tâm hồn và thay đổi cuộc sống. Khi Đấng
Thiên Sai xuất hiện, chỉ những người đã chuẩn bị tâm hồn sẽ được "nhìn thấy"
ơn cứu độ của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào
quang rực rỡ của ngươi.
1.1/ Thiên Chúa là Đấng giải thoát con cái Israel: Tác giả của
Sách tiên-tri Baruch được nhiều học giả cho là thư ký của tiên-tri Jeremiah.
Sách này có thể được viết trong Thời Lưu Đày hay sau đó, khi tác giả có cơ hội
suy nghĩ nhiều về tình thương của Thiên Chúa dành cho con cái Israel, dù họ đã
bất trung phản bội Ngài.
(1) Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương: Tác giả nhìn lại lịch
sử Israel và cảm nhận được uy quyền của Thiên Chúa. Ngài điều khiển các thế lực
chính trị để sửa phạt và bắt con cái Israel đi lưu đày trước khi cho họ trở về.
Mục đích của việc sửa phạt là để mở mắt cho họ nhìn thấy tình thương và uy quyền
của Ngài dành cho họ. Sách Baruch có nhiều tư tưởng tương tự với Sách tiên-tri
Jeremiah, một trong những điều tương tự là tác giả ví Jerusalem như một người vợ
mất chồng là Thiên Chúa, và mất con cái là tất cả dân chúng bị lưu đày. Sự khổ
nhục này bị các Dân Ngoại chê trách làm cho niềm đau càng quặn thắt hơn.
Trình thuật hôm nay nói về việc Thiên Chúa sẽ đổi ngược số phận
hoàn toàn của bà mẹ Jerusalem trong ngày Ngài ra tay cứu độ. Ngài sẽ cho toàn
thể địa cầu nhìn thấy vinh quang của Jerusalem: "Hỡi Jerusalem, hãy cởi
bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu
Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công
chính của Thiên Chúa, và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng
Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ
của ngươi."
Hai bài học quí giá Ngài dạy cho con cái Israel: Thứ nhất,
"vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa." Tất cả các vinh
quang ngoài Thiên Chúa chỉ tạm thời và gây ra mọi nỗi ô nhục cho họ. Thứ hai,
"bình an xây dựng trên công chính." Nếu họ không tuân hành những Lề
Luật Thiên Chúa dạy và đối xử công bằng với mọi người, chiến tranh sẽ lan tràn
và nhân loại không bao giờ được bình an.
(2) Con cái Israel được trở về vinh quang từ nơi lưu đày: Có hai
áp dụng cho lời tiên tri này. Thứ nhất, là cuộc hồi hương của con cái Israel
vào năm 538 BC theo chiếu chỉ của hoàng-đế Ba-tư là Cyrus. Cuộc trở về này tuy
vui mừng, nhưng không vinh quang huy hoàng như trình thuật diễn tả hôm nay:
"Xưa chúng bị quân thù áp giải, phải rời ngươi, không xe không ngựa. Nay
Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi, chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ,
khác chi một ngai vàng." Thứ hai, tác giả có lẽ muốn nói tới vinh quang của
Israel trong ngày Đấng Thiên Sai ngự đến.
1.2/ Israel phải chuẩn bị để đón Đấng Thiên Sai: Để những
điều này xảy ra, con cái Israel phải chuẩn bị tâm hồn, ăn năn xám hối về những
lỗi lầm họ đã xúc phạm tới Thiên Chúa, và đặt trọn vẹn niềm tin yêu nơi Ngài.
Tác giả viết: "Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng
có tự lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Israel tiến
bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa."
Khi Đức Chúa lãnh đạo dân Người trở về, Israel sẽ được thịnh vượng
và bình an: "Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm sẽ toả
bóng che rợp Israel, vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc, dưới ánh
sáng vinh quang của Chúa, cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người."
2/ Bài đọc II: Thiên Chúa hoàn tất những gì Ngài đã khởi sự nơi
con người.
2.1/ Thiên Chúa khởi sự mọi điều nơi con người: Lá thư gởi
cho các tín hữu Philip được viết từ nơi lao tù. Đây là cộng đoàn có thể nói rất
được yêu mến bởi thánh Phaolô. Hai điều ngài muốn chia sẻ với họ: Thứ nhất, Thiên
Chúa là Đấng bắt đầu hành trình đức tin nơi con người, khi Ngài ban cho con người
hiểu được những gì thánh Phaolô rao giảng về Đức Kitô để họ tin vào Ngài. Không
những thế Ngài còn nuôi dưỡng và nâng đỡ đức tin của các tín hữu để họ có thể
trung thành cho đến hơi thở cuối cùng. Thánh Phaolô xác tín với họ điều này:
"Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt
lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Đức
Giêsu Kitô quang lâm." Nói cách khác, từ khởi sự cho đến hoàn thành niềm
tin của con người đều do bởi ơn thánh của Thiên Chúa. Thứ hai, Thiên Chúa cho
con người tham gia vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Theo kinh ngiệm của
Phaolô, sứ vụ rao giảng Tin Mừng không phải là một bổn phận; nhưng là một ân huệ
Thiên Chúa ban cho các tín hữu được cộng tác với Ngài trong việc làm cho Nước
Chúa trị đến.
2.2/ Đời sống công chính là hiệu quả ơn thánh của Thiên Chúa và sự
cộng tác của con người: Thánh Phaolô cầu xin 2 điều cho các tín hữu Philipphê:
(1) Thiên Chúa ban lòng mến: Tình yêu của Đức Kitô là động lực
thúc đẩy thánh Phaolô và các tín hữu làm mọi sự, ngài nói: "Có Thiên Chúa
làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Đức
Giêsu Kitô. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi
dào, cùng với kiến thức và tất cả mọi thấu hiểu."
Lòng mến là điều kiện tiên quyết thúc đẩy việc học hỏi: khi yêu
ai hay thích điều gì, con người sẽ tìm mọi cơ hội để tìm hiểu, để biết về điều
đó hay người đó hơn. Nếu không có sự thúc đẩy của tình yêu, con người sẽ không
bận tâm để tìm hiểu. Càng tìm hiểu bao nhiêu, con người càng có kiến thức nhiều.
Khi các tín hữu càng yêu mến Đức Kitô, họ sẽ ra sức tìm hiểu để biết Ngài, và
càng hiểu về Đức Kitô bao nhiêu, họ càng thấu hiểu những gì liên quan tới Ngài.
Điều này sẽ giúp cho con người nhận ra những sai lầm giả trá của thế gian.
(2) Các tín hữu sống thánh thiện: Đức tin không bao giờ ở mức độ
thuần tri thức, nhưng thúc đẩy con người tới chỗ hành động. Lại một lần nữa,
thánh Phaolô chứng tỏ ơn cứu độ đến với con người không chỉ bởi niềm tin, nhưng
còn tùy thuộc vào việc làm để chứng tỏ niềm tin của các tín hữu. Hai điều các
tín hữu phải làm trong khi chờ đợi ngày Đức Kitô quang lâm là phải giữ mình sạch
tội, và phải cố gắng để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện hơn. Chỉ
như thế, các tín hữu mới có thể "đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời
công chính nhờ Đức Giêsu Kitô, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa."
3/ Phúc Âm: Tất cả phải chuẩn bị đường cho Đức Kitô đến.
3.1/ Tình hình chính trị và tôn giáo trong thời Đức Kitô nhập thể: Phần đầu của
trình thuật hôm nay, thánh Luca muốn nhấn mạnh đến tính cách lịch sử của biến cố
Đức Kitô Nhập Thể trong hậu trường của thế giới:
- Tình hình thế giới: Toàn vùng Cận Đông thời đó đều nằm dưới sự
cai trị của đế quốc Rôma, năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tiberius.
- Tình hình nước Palestine: Khi Herode Cả chết, ông chia vương
quốc thành 3 miền cho 3 con của ông cai trị: Herode Antipas làm tiểu vương miền
Galilee, người em là Philíp làm tiểu vương miền Ituraea và Trachonitis, Herode
Archelaus điều khiển miền Judah, cùng với Pontius Pilate làm tổng trấn miền
Judah.
- Tình hình tôn giáo: Hannah là thượng tế về hưu, nhưng có thế lực
rất mạnh. Caiaphas, con rể của Hannah là thượng tế đương quyền; nhưng bị lệ thuộc
rất nhiều vào Hannah.
Sống dưới sự đô hộ của đế quốc Rôma, trong thời kỳ đất nước bị
chia ba, lại thêm bè phái trong hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo; con dân Israel mong
đợi Đấng Thiên Sai tới để giải phóng họ khỏi những thế lực này.
3.2/ Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả: Trong thời kỳ khó khăn như vậy,
Thiên Chúa vẫn nhớ tới con người, Ngài sai Gioan Tẩy Giả tới để mang Tin Mừng
cho con người, như trong trình thuật hôm nay: "Có lời Thiên Chúa phán cùng
con ông Zachariah là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông
Jordan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn
tha tội."
Bổn phận của Gioan Tẩy Giả được sai tới là để chuẩn bị tâm hồn
cho mọi người đón nhận Thiên Chúa. Sứ vụ của ông đã được loan báo trước trong
sách ngôn sứ Isaiah: "Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con
đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho
đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi
lõm, phải san cho phẳng."
Không phải ai cũng có khả năng đón nhận món quà vô giá Thiên
Chúa gởi đến là Người Con Một của Ngài. Để có thể nhận ra và đón nhận Ngài, con
người phải chuẩn bị tâm hồn cùng với ơn thánh của Thiên Chúa. Điều Gioan khuyên
dân chúng đây không phải là những chuẩn bị bề ngoài, mà là tâm hồn bên trong.
Con người phải loại trừ những kiêu căng, ích kỷ, mọi thứ tham lam... trước khi
họ có thể nhận ra ơn cứu độ của Thiên Chúa."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có uy quyền làm mọi sự cho con người. Để được vinh
quang của Thiên Chúa chiếu tỏa trong cuộc đời, chúng ta cần phải biết kính sợ
và tin tưởng hoàn toàn nơi Ngài.
- Để có thể đón nhận Thiên Chúa, con người cần biết chuẩn bị tâm
hồn xứng đáng: tránh xa tội lỗi, luyện tập nhân đức để càng ngày càng trở nên
tinh tuyền thánh thiện.
- Ơn cứu độ không chỉ dành cho một dân tộc hay một số người;
nhưng mở rộng đến cho mọi dân tộc và mọi người. Chúng ta được mời gọi để cộng
tác với Thiên Chúa trong việc mang ơn cứu độ đến cho mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
06/12/15 CHÚA NHẬT TUẦN
2 MV – C
Lc 3,1-6
Lc 3,1-6
Suy niệm: Đức
Giê-su Ki-tô hoàn tất chương trình cứu độ của Thiên Chúa cách đây đã hơn 2.000
năm, thế nhưng không vì thế mà chúng ta đương nhiên được giải cứu, nói như
thánh Âu-tinh: “Khi tạo dựng nên con Chúa
không cần có con, nhưng khi cứu độ con, Chúa cần con cộng tác.” Vì thế mà mùa Vọng là thời gian thuận tiện để
chúng ta nhìn lại sự cộng tác của mình trong chương trình cứu độ của Thiên
Chúa. Để có thể đón nhận ơn cứu độ, mỗi người chúng ta phải điều chỉnh lại cách
ăn nết ở của mình. Con đường cứu độ cứu độ là chính Đức Giê-su Ki-tô. Nhưng nếu
chúng ta không mở cửa tâm hồn mình, uốn nắn lại con đường là lối sống của mình
để “nối mạng liên thông” với Đức Ki-tô thì ơn cứu độ không thể nào đến với
chúng ta được.
Mời Bạn: Lắm
khi chúng ta bị mê hoặc lạc lối trong “mê cung” của tiền bạc, thú vui, quyền
lực, danh vọng. Để thoát ra khỏi “khu rừng rậm” cám dỗ ấy, phải biết loại bỏ
lòng đam mê, ham muốn chúng và chỉ nhắm tới Chúa là lẽ sống duy nhất và vĩnh
cửu của mình mà thôi.
Chia sẻ: Không
thể theo Chúa nửa vời mà mong đạt tới sự sống đời đời được. Bạn có cảm nghiệm
gì về tính triệt để này của Tin Mừng Chúa Ki-tô?
Sống Lời Chúa: Sống
tinh thần mùa vọng bằng cách sống giản dị, không xa xỉ hoang phí, tự nguyện
giảm bớt những chi tiêu không thật sự cần thiết để dành cho hoạt động bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã cho chúng con có dịp nhìn lại cuộc sống
của mình. Xin cho chúng con luôn kiên vững trên con đường mang tên Giê-su, để chúng
con hiểu biết chân lý và đạt được sự sống đời đời. Amen.
CÓ LỜI THIÊN CHÚA PHÁN
Gioan đã là ngôn sứ chuẩn bị cho Chúa đến lần đầu.
Chúng ta phải là ngôn sứ chuẩn bị cho Ngài đến lần cuối.
Suy niệm:
Mỗi lần mùa Vọng đến, ta lại
gặp Gioan.
Một cuộc sinh ra kỳ lạ, một
lối sống khác thường.
Hoang địa là nơi vắng người,
trơ trụi, thiếu sự sống.
Nhưng chính ở đó mà Gioan đã
lớn lên và trưởng thành,
trong sự gặp gỡ thâm trầm
với Thiên Chúa.
Càng lúc ông càng ý thức về
sứ mạng của mình,
nhưng ông đã kiên nhẫn chờ
đợi nhiều năm tháng,
cho đến ngày ông nghe thấy
Thiên Chúa ngỏ lời với ông.
Lời của Ngài đưa ông ra khỏi
hoang địa
để đến với mọi vùng ven sông
Giođan mà gặp con người.
Lời Chúa ông nghe trở thành
Lời Chúa ông công bố.
Tiếng Chúa gọi ông trở thành
tiếng ông mời gọi mọi người.
Gioan là vị ngôn sứ cho dân
tộc ông
sau gần năm thế kỷ vắng bóng
ngôn sứ.
Ông sống trong dòng lịch sử
của đạo lẫn đời:
một hoàng đế Tibêriô, hai
thượng tế Khanna và Caipha,
một Philatô tham lam, tàn
bạo, tổng trấn vùng Giuđê,
một Hêrôđê, tiểu vương vùng
Galilê, kẻ sẽ giết ông sau này.
Gioan đón nhận toàn bộ dòng
lịch sử ấy.
Lịch sử dân tộc là nơi diễn
ra lịch sử cứu độ.
Gioan biết mình là Tiền Hô
cho Ðấng Cứu Thế,
và ông cố làm tròn sứ mạng
của mình trước lịch sử.
Gioan mời dân chúng sám hối.
Không thể tiếp tục sống như
xưa nữa.
Ðã đến lúc phải đổi đời, đổi
lối nhìn, đổi lối nghĩ.
Ông kêu gọi cả nước hãy sửa
sang đường sá,
để đón lấy Vua Mêsia, đấng
ông không dám cởi dây giày.
Ðường quan trọng là đường
vào cõi lòng.
Có bao lối nghĩ quanh co,
bao tính toán lệch lạc.
Có những lũng sâu tăm tối,
thiếu vắng ánh sáng tình yêu.
Có những núi đồi ngạo nghễ
của tự kiêu, tự mãn.
Có những chỗ mấp mô, lồi lõm
giữa người với người.
Phải sửa cho thẳng, lấp cho
đầy, uốn cho ngay.
Phải san cho phẳng, bạt cho
thấp...
Sám hối là dọn con đường của
lòng mình
và mời mọi người cùng dọn
các con đường thành đại lộ.
Ðiều đó chẳng dễ dàng chút
nào, và thường gây đau đớn.
Vấn đề không phải chỉ là đi
xưng tội qua loa,
nhưng là dẹp bỏ những chướng
ngại trong tâm hồn,
để Chúa có thể dễ dàng đến
và ở lại.
Gioan đã là ngôn sứ chuẩn bị
cho Chúa đến lần đầu.
Chúng ta phải là ngôn sứ
chuẩn bị cho Ngài đến lần cuối.
Làm ngôn sứ cho dân tộc
mình, cho thời đại mình:
đó là ơn gọi của mọi Kitô
hữu chẳng trừ ai.
Cần cất tiếng hô bằng lời
nói và bằng cuộc sống.
Ơn cứu độ đã đến từ hai mươi
thế kỷ nay,
nhưng vẫn thiếu những con
đường phẳng phiu, ngay thẳng,
để Thiên Chúa có thể đến gặp
con người.
Xin Thánh Thần giúp chúng ta
xây dựng những con đường mới
trên những nẻo đường quen
thuộc của nhân loại.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sám hối không phải là điều
dễ dàng,
bởi lẽ chúng con không đủ
khiêm tốn
để nhận mình lầm lỗi.
Chúng con ngỡ ngàng
khi thấy Chúa là Ðấng vô tội
mà lại đứng chung với các
tội nhân,
chờ Gioan ban phép Rửa.
Chúa đã muốn nên bạn đồng
hành
với phận người mỏng dòn yếu
đuối chúng con;
xin cho chúng con biết
thường xuyên điều chỉnh
lối nghĩ và lối sống của
mình,
tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo
tưởng,
thành thật để khỏi tự dối
mình.
Ước gì Chúa ban cho chúng
con ơn hoán cải,
dám đi đến những hành động
cụ thể,
và chấp nhận những cắt tỉa
đớn đau.
Nhưng xin đừng quên ban cho
chúng con
niềm vui của Giakêu,
hạnh phúc vì được tự do và
được yêu mến.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
6 THÁNG MƯỜI HAI
Sinh Bởi Thánh Thần
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ
rợp bóng trên bà” (Lc 1,35). Giáo Hội nhận Đức Ma-ri-a, Mẹ Thiên Chúa, làm
nguyên mẫu (prototype) của mình. Chân lý này được diễn tả bởi Công Đồng trong
chương cuối Hiến Chế Giáo Hội. Hôm nay, một lần nữa, chúng ta ý thức về chân lý
này.
“Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ
rợp bóng trên bà”. Trong ánh sáng của những lời ấy, Mẹ Thiên Chúa đã không được
nhìn thấy như là nguyên mẫu và là hình ảnh của Giáo Hội đó sao?
Giáo Hội được khai sinh qua biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống
vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ khi các vị
đang tề tựu trong Căn Gác Thượng cùng với Đức Ma-ri-a. Giáo Hội được khai sinh
khi “quyền năng Đấng Tối Cao” tuôn tràn Thánh Thần trên các Tông Đồ để giúp họ
vượt thắng những yếu đuối của mình và khỏi vấp ngã khi phải đương đầu với sự
bách hại vì Tin Mừng.
Mừng kính Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, phụng vụ dẫn chúng ta trở về với
buổi ban đầu của lịch sử sáng tạo và cứu độ. Thật vậy, thậm chí phụng vụ đưa
chúng ta trở về trước cả buổi bình minh sáng tạo nữa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
Ngày 6/12
Chúa Nhật thứ 2 Mùa Vọng
Br 5, 1-9; Pl 1, 4-6. 8-11; Lc 3, 1-6.
Lời Suy Niệm: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn
con đường cho Đức Chúa; sửa lối cho thẳng để Người đi.”
Cộng đồng dân Chúa đang tiến dần đến ngày Chúa Giáng Sinh với
bao niềm hy vọng như dân thành Giêrusalem xưa kia: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ
áo tang khổ nhục và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi;
hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa và đội trên đầu triều
thiên vinh quang. Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.” (Br 5,1-2). Để hưởng được những niềm
vui hy vọng này, mỗi người phải biết sửa soạn, sắp xếp lại nội tâm của mình để
bản thân dễ dàng đến với Chúa và Chúa đến với mình; cũng như dến với người đồng
loại, mà không phải đi qua những núi đồi kiêu ngạo, những hố sâu chia rẻ hận
thù và ích kỷ cùng những quanh co mưu mô gian dối xão quyệt.
Lạy Chúa Giêsu. Trong cuộc sống của chúng con luôn có Lời Chúa
hướng dẫn. Xin ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết lắng
nghe và vâng phục để trở nên khiêm nhượng và yêu thương đối với nhau và hết thảy
mọi người chung quanh chúng con.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 06-12: Thánh NICÔLA
Giám Mục - (Thế kỷ IV)
Thánh Nicôla, vị đại thánh bình dân, nhưng chỉ tìm được tiểu sử
200 năm sau khi Ngài chết. Người ta có thể nói rằng: Ngài đích thực là giám mục
Myra, đã hiện ra với vua Constantinô trong một giấc mơ. Sau đó dường như các
nhà chép sữ lại lẫn lộn với Nicola người Simon đã bị tù dưới thời Diocletianô,
đã xây một tu viện và được chôn cất tại vương cung thánh đường thành Myra. Trừ
sự kiện trên, nảy sinh ra nhiều huyền thoại và hơn nghìn năm sau, thánh Nicôla
nhân hậu đã thành danh tiếng khắp thế giới.
Huyền thoại kể lại rằng, ở Patara, thuộc tỉnh Lycia, hai vợ chồng
giàu có Anna và Euphêmiô vì không con đã cố gắng tìm an ủi trong công việc từ
thiện. Thiên Chúa chúc lành cho lòng bác ái của họ. Cuối cùng họ có được một mụn
con và đăt tên cho con là Nicôla, có nghĩa là "sự chiến thắng của
dân". Đây cũng là tên cậu Ngài, vị giám mục Myra.
Ông cậu đã tiên đoán rằng: Nicôla sẽ là "Mặt trời soi chiếu
thế gian". Khi mới tắm rửa lần đầu, con trẻ đặc biệt này đã chắp tay, đứng
trong thau nước hai giờ liền, mắt hướng về trời. Thứ tư và thứ sáu, Ngài không
chịu bú cho tới chiều để ăn chay. Chị vú nuôi sợ Ngài chết, nhưng trái lại,
Ngài đã trở nên một con trẻ kiêu hùng.
Nicôla có nhiều đức tính tốt như một trẻ em gương mẫu. Cha mẹ mất
sớm. Nicôla thừa hưởng một gia tài kếch xù. Nhưng Ngài lại coi tất cả tài sản
này như của Chúa cho vay. Người phân phát cho những người bất hạnh và thực hiện
đức bác ái như một sự tế nhị dễ thương. Chẳng hạn một người cha có ba cô con
gái, ông tính cho con làm nghề bất lương để có tiền cưới hỏi. Nhưng rồi đêm
kia, ông thấy ba túi vàng chuyển qua cửa sổ, và có thể làm lễ cưới hỏi cách
lương thiện cho các cô. Khi biết được người cho, ông đến xin thánh Nicôla cầu
cho ơn tha thứ cho dự tính đáng chúc dữ của mình. Rồi bất kể sự ngăn cấm của
thánh nhân, ông đã kể lại khắp nơi cử chỉ bác ái của thánh nhân đã thực hiện để
cứu 3 người phụ nữ khỏi cảnh bất lương như thế nào.
Nicôla đã ao ước hiến đời mình cho Thiên Chúa. Ông cậu giám mục
của Ngài khi sắp chết đã truyền chức và đặt Ngài làm bề trên tu viện thánh
Sion. Khi Ngài du hành qua Thánh địa, cơn bão nổi lên, các hành khách run sợ,
Nicôla cầu nguyện cho họ và các cơn sóng dịu xuống, con tàu êm đềm theo đuổi cuộc
hành trình. Những cuộc can thiệp khác nữa làm cho thánh Nicôla trở thành Đấng bảo
trợ những người vượt biển. Các thủy thủ làm chứng rằng khi bị đắm chìm, nhớ cầu
tới Ngài là thấy Ngài đến cầm tay lái đưa tới cảng, rồi biến đi...
Khi những người thoát nạn tới nhà nguyện tu viện tạ ơn, người ta
ngạc nhiên vì thấy vị cứu tinh của mình đang chìm đắm trong kinh nguyện như
không hề rời bỏ nơi này. Họ không cầm nổi những lời tán tụng biết ơn xuất phát
tự cõi lòng, nhưng thánh nhân bảo họ: "Hãy chỉ nên ngợi khen Chúa về cuộc
cứu thoát này, bởi vì đối với tôi, tôi chỉ là một tội nhân và một đầy tớ vô dụng".
Và Ngài đã cho biết rằng, nguy hiểm họ vừa trải qua là hình phạt
vì các tội kín, cũng như sự hối lỗi của các thủy thủ đã cứu thoát họ.
Nicôla xuống Alexandria là nơi Ngài đã chữa lành các bệnh nhân,
rồi đi thăm thánh Antôn ở Ai cập. Sau cùng, Ngài đến Giêrusalem kính các nơi
thánh và trải qua ít tuần trong hang mà Thánh Gia đã dừng lại khi trốn qua Ai cập.
Nơi đây, sẽ xây cất một thánh đường thánh Nicôla. Vừa mới trở về Myra, nơi các
tu sĩ đang nóng lòng chờ đợi cha họ trở về, Ngài đã tăng gấp một cách lạ lùng đống
bánh cho cả trăm người ăn.
Giám mục Myra qua đời, các giám mục miền Lycia cân nhắc để chọn
vị mục tử mới. Một sứ giả từ trời xuống báo tin cho vị niên trưởng biết, người
được chọn là linh mục Nicôla ngày mai sẽ tới mhà thờ trước hết. Trời vừa sáng,
Nicôla tới nhà thờ theo lòng sốt sắng và nghe loan báo mình làm giám mục. Ngài
muốn chạy trốn, nhưng phải theo ý nguyện của Đấng Cao Cả hơn mình, trời cao
chúc lành cho Ngài: dịp lễ đầu tay, thánh Nicôla đã làm cho một em bé bị phỏng
sống lại. Từ kỷ niệm này, người ta hay kêu cầu thánh nhân những khi gặp nguy hiểm
vì lửa.
Trở thành mục tử cả dân, thánh nhân rất cưng chiều những người bị
áp bức, mồ côi, bênh hoạn và tù tội hơn. Ban đêm, Ngài cầu nguyện, nghỉ một
chút trên đất, ăn ngày một bữa, mặc áo quần khiêm tốn khác với hình ảnh ngày
nay nhiều. Những y phục lộng lẫy theo hình vẽ ấy, Ngài chỉ mặc vào những ngày đại
lễ.
Đời sống tín hữu xáo trộn vì những cuộc bách hại: vị giám mục bị
lưu đày, đánh đập. Cuộc trở lại của vua Constantinô đem lại tự do. Trên đường về,
Ngài rao giảng Chúa Kitô, cải hóa lương dân, phá đổ các đền thờ và ngẫu tượng.
Ngài làm nhiều phép lạ như mưa. Các thế hệ tương lai, còn kể lại huyền thoại của
ba đứa trẻ bị một đồ tể tham lam độc ác cắt cổ và để trong thùng muối ướp thịt
đã sống lại nhờ lời cầu nguyện của thánh Nicôla.
Các truyện có nhiều thêm thắt như: Truyện người gian giảo có cây
gậy đầy vàng, truyện đứa trẻ bị quỉ giả bộ ăn xin bóp cổ, nhưng đã được thánh
nhân cứu sống, truyện thánh nhân dàn xếp giữa thày thuốc với bệnh nhân hiếm muộn
con cái, hứa tặng chén vàng mà khi được lại không giữ lời hứa. Gần với sự thực
hơn là việc các nhà buôn lúa gạo ở Sycily nhờ sự bao bọc lạ lùng của giám mục
đã nuôi những người đói mà không giảm thiểu của dự trữ. Vua Constantinô cũng mơ
thấy thánh nhân đến gặp để cứu cuộc xử tội bất công của ba viên chức. Sau đó
các người bị giữ kêu cầu Ngài giải cứu và được nhận lời bằng một phép lạ. Thế
là các nạn nhân bị xử oan hay kêu cầu Ngài.
Sau khi hoàn tất bao nhiêu việc lành thiêng liêng lẫn vật chất,
thánh Nicôla muốn vào cõi đời đời. Bảo vệ giáo thuyết công giáo tinh tuyền,
Ngài đã chống lại lạc giáo tham dự cộng đồng Nicea. Khi thấy sắp kết thúc cuộc
đời. Ngài muốn lui về tu viện, nơi mà buổi thiếu thời Ngài đã tự hiến cho Thiên
Chúa, và chính tại nơi đây, Ngài phú dâng linh hồn trong tay Chúa.
Năm 1087, Myra rơi vào tay người Thổ, người ta vội đưa hài cốt vị
thánh về Bari gần Naples. Từ đó, huyền thoại đời Ngài lại lan rộng. Mỗi miền
nói theo cách của mình. Dân ca Đông phương coi Ngài như một vị Chúa trên trời. Đối
với người Nga, Ngài là thừa kế thần linh lo chuyện gặt hái. Siberia cho Ngài là
người chế tạo rượu "bia".
Các vua nước Pháp sùng kính Ngài. Các chủ tịch luật sư đoàn cầm
gậy có hình thánh Nicôla. Bên tây phương, lễ thánh Nicôla trở thành lễ của thiếu
nhi vì làm sao các em lại không yêu mến vị thánh nhân hậu đã cứu ba đứa trẻ đi
mót lứa được ? Vị giám mục đầy huyền bí này sau cùng đã trở thành ông già Noel
ngày nay .
(daminhvn.net)
06 Tháng Mười Hai
Hai Cánh Cửa
Sổ
Từ cánh cửa sổ nhìn vào thiên nhiên, người ta có thể có nhiều
cái nhìn khác nhau về cuộc sống.
Trong một vở kịch của Samuel Beckett, một nhân vật đã kể lại như
sau: "Tôi biết có một tên chán đời lúc nào cũng nghĩ rằng ngày tận thế
đang đến. Tôi thường đến thăm hắn trong dưỡng trí viện. Tôi nắm tay hắn và dìu
hắn đến bên cửa sổ. Tôi nói với hắn: "Nhìn kìa, cả một cánh đồng bắp xanh
tươi... Nhìn kìa, những cánh bướm đang phất phới. Còn gì đẹp bằng!". Nhưng
hắn gỡ tay tôi ra và trở về góc phòng. Mặt mày hắn hớt hải tái mét. Tất cả những
gì tôi chỉ cho hắn chỉ là một đống tro tàn xám xịt".
Có một cánh cửa sổ khác từ đó người ta chỉ có thể nhìn thấy cảnh
đẹp mà thôi. Ðó là cánh cửa sổ nhỏ tại một nhà nguyện ở phía Nam Ái Nhĩ Lan. Tất
cả mọi cánh cửa sổ trong nhà nguyện này đều được làm bằng kính trên đó có vẽ Ðức
Kitô và các môn đệ của Ngài. Duy chỉ có một cánh cửa sổ là không có hình vẽ.
Xuyên qua tấm kính trong suốt của cánh cửa sổ này, người ta có thể nhìn thấy một
quang cảnh thật tươi mát, đó là một cái hồ nước trong xanh nằm giữa những ngọn
đồi cỏ lúc nào cũng xanh tươi. Bên dưới cánh cửa sổ, người ta đọc được câu kinh
thánh như sau: "Trời cao tường thuật vinh quang Chúa. Thanh không kể ra sự
nghiệp của Ngài".
Câu chuyện của hai cánh cửa sổ trên đây gợi lên cho chúng ta vần
thơ: Hai người cùng nhìn xuyên qua chấn song cửa của nhà tù. Một người chỉ thấy
có bùn nhơ, một người lại nhìn thấy những vì sao.
Mùa Vọng là thời gian của hy vọng.
Chúng ta được mời gọi để đặt tất cả tin tưởng, phó thác nơi
Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng
về con người. Tiếp theo bao nhiêu vấp phạm và phản bội của con người, Thiên
Chúa vẫn đeo đuổi chương trình của Ngài. Người vẫn tiếp tục yêu thương con người.
Nơi hình ảnh đã hơn một lần hoen ố vì tội lỗi, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy phản
chiếu vẻ đẹp cao sang của chính Ngài. Xuyên qua cánh cửa sổ nhỏ của mỗi người,
Thiên Chúa vẫn còn nhìn thấy cảnh đẹp của lòng người.
Chúng ta cũng được mời gọi để tiếp tục tin tưởng nơi con người.
Dù thấp hèn tội lỗi đến đâu, dù hung hãn độc ác đến đâu, mỗi một con người đều
là hình ảnh cao vời của Thiên Chúa, mỗi một con người đều xứng đáng để tiếp tục
tin tưởng, được yêu thương.
Tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, tin yêu nơi con người, chúng
ta cũng được mời gọi để không thất vọng về chính bản thân. Ðau khổ có chồng chất,
tội lỗi có ngập tràn, mỗi người chúng ta vẫn là đối tượng của một tình yêu cá
biệt... Thiên Chúa yêu thương tôi, Thiên Chúa đang thực hiện cho tôi những gì
là thiện hảo nhất: đó phải là tư tưởng cơ bản hướng dẫn tất cả Mùa Vọng của
chúng ta. Từ bên cánh cửa sổ của tâm hồn nhìn vào cuộc đời, chúng ta hãy nhận
ra những vì sao của hy vọng, những cánh đồng xanh tươi của lạc quan.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét