Trang

Thứ Tư, 3 tháng 8, 2016

Người Việt đang dạy con “nhiều từ mới”

Người Việt đang dạy con “nhiều từ mới”
Nhiều bậc cha mẹ đang nói và viết một thứ “tiếng Việt mới”, được phủ sóng ở khắp nơi: dùng khi trò chuyện với các thành viên trong nhà, gọi điện nhắn tin trên điện thoại di động, đăng trên các mạng xã hội, chat, gửi thư điện tử..

Phát âm không chuẩn : 
Không chỉ những lúc nựng nịu yêu chiều con cái, mà cả những câu hội thoại thông thường cũng được các bậc phụ huynh dùng “hiệu ứng đặc biệt” để trao đổi với con trẻ, nào là “đi nụ” (đi ngủ), “iu nhắm nhắm cơ” (yêu lắm lắm cơ), “ứ xèm” (ứ thèm), “pé mún gì?” (Bé muốn gì?)... Rồi từ đó, ông bà nội ngoại, cô dì chú bác anh chị cũng dùng giọng điệu ngọng nghịu dễ thương ấy của trẻ để giao lưu với nhau: “chồng iu, vợ iu”, “pà dắt pé đi chơi”, cứ như cả nhà đều bị hội chứng nói ngọng nói đớt và người duy nhất trong nhà phát âm chuẩn là đứa trẻ đã qua tuổi học nói.


Viết sai chính tả :
Ngoài những lỗi chính tả truyền thống kiểu “nái xe nạng nách đánh võng”, “biết dồi khổ nắm lói mãi”, “dất quyến dũ” nhầm lẫn giữa l - n, ch - tr, r - d - gi hoặc nhầm giữa dấu “ngã”  với dấu “nặng” (đi mô rồi cụng nhớ về Nghệ Tịnh), nhầm dấu “hỏi” với dấu “nặng”... là những cách viết tắt thoải mái: wa = quá, wen = quen, hem = không, j = gì, ck = chồng, vk = vợ...
Viết như nói với giọng điệu đủ ba miền: “tềnh êu”, “nhiều chiện”, “xinh tóa”, “chiên da”, “ngon nhắm”, “si nghĩ”, “thâu rầu”...
Viết tắt cho tiếng Anh: G9 = good night (chúc ngủ ngon), 4U = for you (tặng bạn)...
Những lối viết mới đầu chỉ ở các cô cậu học trò nay đã lan đến dân văn phòng, đến các bậc phụ huynh và lọt cả vào giới chữ nghĩa, khiến nhiều người yêu tiếng Việt phải lắc đầu ngán ngẩm.


Thiếu nhất quán :
Nhiều gia đình dạy con theo kiểu làm gương, muốn dạy con phép tắc thì người lớn trong nhà lễ phép trước với trẻ. Con gọi “mẹ!” thì lập tức mẹ khoanh tay đáp “dạ, mẹ đây”, con đòi cái này cái kia thì cha cúi đầu đưa hai tay. Cháu hỏi “ông đi đâu? thì ông trả lời “thưa bé, ông đi  họp ạ”. Vậy mà đứa bé ấy ra ngoài giao tiếp lại bị phê bình là hỗn, là nghênh ngang và không coi ai ra gì. Thì ra, chính cái cách người nhà quá lễ phép nhún nhường với con đã khiến trẻ cứ tưởng mình là “to nhất quả đất” nên khi đi học đi chơi tiếp xúc với mọi người, trẻ bắt bẻ người ngoài: “Sao cô không ạ cháu ? Bác sĩ phải đưa hai tay cho con chứ ? Thế chú chưa chào cháu à ? Cháu phải cho phép thì ông mới được ngồi nghe chưa”.
Người lớn đóng vai trẻ con để dạy trẻ, có ý giúp trẻ có nguyên mẫu để biết đường mà làm theo, ai ngờ đã không giúp trẻ phân biệt được ngôi thứ, ngữ điệu, thái độ thích hợp khi giao tiếp với từng đối tượng mà nhiều lúc còn khiến bé “không biết mình là ai”, ngỡ rằng mình được quyền như vậy, ai ai cũng phải đối xử với mình như thế mới chuẩn !
Chi bằng người lớn hãy ứng xử với nhau thật đúng ngôi thứ, dùng từ chính xác, phát âm “tròn vành rõ chữ” để trẻ học theo và vận dụng thích hợp, rằng nói với người trên thì thế nào, nói với người dưới ra sao, người bằng vai phải lứa thì được phép dùng từ gì, đừng như gia đình kia, đứa bé đã phải thắc mắc: “Ba ơi, tại sao ba gọi bà nội là ‘mẹ’ và gọi mẹ con là ‘bà’ ạ ?”, “Má ơi, có phải khi con lớn lên sẽ được phép gọi bạn con là ‘mày’ ?”


Dùng từ tối nghĩa :
Một bé gái xin phép được đi chơi với tụi trẻ con trong xóm, ba nó mặt tỉnh khô bảo: “Có giỏi thì đi đi !”. Bé ngẩn ra không hiểu vậy là ba cho đi hay không cho đi. Nhiều lần sau đó, với trải nghiệm thực tế, bé mới “dịch tiếng Việt ra tiếng Việt” ý của ba là: bố thách mày dám đi đấy, có nghĩa là không được đi.
Một lần khác, thấy con khổ sở vì lo lắng không đáp ứng được yêu cầu của lớp, mẹ nhận xét : “nhìn mặt con rất hoàn cảnh”, chắc là rút từ cụm từ “có hoàn cảnh khó khăn”. Cũng có khi ai đó trong nhà bình phẩm: “Nhà bạn ấy chẳng có gì ngoài điều kiện”, ý nói “điều kiện kinh tế khá giả”. Hoặc cố ý diễn đạt một cách lủng củng để nhấn mạnh : “đảm bảo sẽ rất là đẹp vô cùng luôn”.
Ai đó đã khuyên rằng: “Khi còn nhỏ, chúng ta sử dụng bút chì nhưng hiện giờ chúng ta lại sử dụng bút máy. Bạn có biết tại sao không? Bởi những sai lầm ở thời thơ ấu có thể tẩy xóa nhưng bây giờ thì không. Vì vậy, hãy đọc và viết một cách cẩn thận nếu không cuộc sống của bạn sẽ là một tờ giấy lau”. Các cụ dạy “Học ăn học nói học gói học mở”, chính sự dễ dãi, xuề xòa, tiện thể của một số bậc cha mẹ và người lớn chúng ta đã dần tạo ra một hệ thống từ mới trong giao tiếp, viết lách làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt.
THẠC SĨ- BÁC SĨ LAN HẢI(cgvdt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét