Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 10, 2017

20-10-2017 : THỨ SÁU - TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN

20/10/2017
Thứ Sáu tuần 28 thường niên

Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 1-8
"Abraham đã tin vào Thiên Chúa và điều đó kể cho ông như sự công chính".
Trích thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, chúng ta phải nói gì về chuyện Abraham, tổ phụ theo huyết nhục của chúng ta đã gặp thấy? Nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính, thì ông có lý mà tự hào, nhưng không phải tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì Thánh Kinh nói gì? Abraham đã tin vào Thiên Chúa, và điều đó được kể cho ông như sự công chính.
Ðối với người thợ làm việc, tiền công không kể được là ân huệ, nhưng là một món nợ. Còn đối với người không làm việc, nhưng tin vào Ðấng làm cho người ác nên công chính, thì đức tin của kẻ ấy được kể như là sự công chính, theo ơn Thiên Chúa phân định.
Cũng như Ðavít tuyên bố là phúc đức con người được Thiên Chúa kể là công chính, không cần có việc làm, mà rằng: "Phúc cho những ai được tha thứ sự gian ác, và được che lấp các tội lỗi. Phúc cho người Chúa không chấp nhất sự tội".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11
Ðáp: Chúa là chỗ dung thân; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ (c. 7).
Xướng: 1) Phúc thay người được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.
2) Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu. Tôi nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ tội lỗi cho con". - Ðáp.
3) Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy hớn hở reo mừng! - Ðáp.

Alleluia: Dt 4, 12
Alleluia, alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý muốn của tâm hồn. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 1-7
"Mọi sợi tóc trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau, nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.
"Chớ thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Các Con Ðừng Sợ
Thánh Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
- Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết chân thật.
Quan tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì? Thánh nhân giải thích:
- Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất, hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Quan tòa lại hỏi:
- Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh nhân liền tuyên xưng:
- Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các bạn tôi đây.
Quan tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời một cách cương quyết:
- Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử trảm thánh nhân và các bạn.
Ðứng trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy: Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu hèn trong thân phận làm người.
Ðó cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Nhìn lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ: "Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin, thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ". Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".
Khi được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô, Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó, con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.
Nguyện xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 28 TN1
Bài đọcRom 4:1-8; Lk 12:1-7.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người được Thiên Chúa cho trở nên công chính bởi niềm tin.
Nhiều người thiển cận cho sở dĩ họ được như ngày hôm nay là hoàn toàn do tài năng, công sức, và sự cố gắng của họ; mà không kể đến hồng ân của Thiên Chúa, công khó của cha mẹ, và biết bao người đi trước hay đồng thời. Trong lãnh vực đức tin cũng thế, nhiều người cho họ có thể trở nên tốt và được cứu độ nhờ sự cố gắng và những việc tốt lành họ làm.
Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm nơi ân sủng của Thiên Chúa và niềm tin của con người vào Ngài. Trong Bài Đọc I, Phaolô dùng Kinh Thánh và kinh nghiệm cá nhân để chứng minh con người trở nên công chính hoàn toàn do việc tin tưởng vào Thiên Chúa; chứ không do việc giữ Luật hay những điều tốt lành con người làm. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên các môn đệ bày tỏ niềm tin nơi Thiên Chúa qua việc làm bằng cách sống thật với lòng mình, không sợ hãi bất cứ quyền lực nào ngoài Thiên Chúa, và vững tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Lòng tin làm cho con người được Thiên Chúa kể là công chính.
1.1/ Abraham trở nên công chính nhờ tin vào Thiên Chúa: Người Do-thái rất hãnh diện về tổ-phụ Abraham, vì ông được Thiên Chúa coi như bạn nghĩa thiết. Điều Phaolô muốn tranh luận với những người Do-thái ở đây là tại sao tổ-phụ Abraham được Thiên Chúa chọn và kể như người công chính.
(1) Vị thế của những người Do-thái: Họ sẽ nói là vì các việc ông làm; chẳng hạn, việc giữ Luật (mặc dù Luật Thiên Chúa ban qua Moses phải đợi đến ít nhất là 500 năm sau qua các thời của Isaac, Jacob, Joseph ... Moses), hay quyết định bỏ quê cha đất tổ để đến một nơi định cư ông chưa biết mà Thiên Chúa sẽ dẫn ông tới; hay việc sẵn lòng sát tế Isaac, đứa con một mà ông có được trong lúc tuổi già.
(2) Vị thế của Phaolô: Đơn giản là vì ông đặt trọn vẹn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Phaolô cắt nghĩa: ''Vậy phải nói sao về ông Abraham, tổ phụ dân tộc chúng tôi? Ông đã được gì? Giả như ông Abraham được nên công chính vì những việc ông đã làm, thì ông có lý do để hãnh diện; nhưng không phải là hãnh diện trước mặt Thiên Chúa. Thật vậy, Kinh Thánh nói gì? ''Ông Abraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính'''' (Gen 15:6).
1.2/ Con người trở nên công chính nhờ tình thương của Thiên Chúa: Phaolô dựa vào bằng chứng Kinh Thánh và kinh nghiệm cá nhân để minh chứng con người được trở nên công chính hoàn toàn do tình thương Thiên Chúa; chứ không do việc làm của con người.
(1) Trường hợp của Abraham: Ông không biết đến Thiên Chúa (vô đạo) và không biết đến Lề Luật (500 năm sau) khi đang còn ở quê cha bên xứ Urs; thế mà Thiên Chúa gọi và mặc khải cho ông để bắt đầu một dân riêng của Thiên Chúa. Điều này hoàn toàn do ý định của Thiên Chúa; nhưng Abraham tin tưởng và đáp lại tiếng gọi của Ngài. Phaolô lý luận: ''Người nào làm việc, thì lương trả cho người ấy không được kể là ân huệ, mà là nợ. Trái lại người nào không dựa vào việc làm nhưng tin vào Thiên Chúa, Đấng làm cho kẻ vô đạo nên công chính, thì lòng tin làm cho người ấy được Thiên Chúa kể là công chính.''
(2) Trường hợp của vua David: Nhà vua không còn xứng đáng gì trước mặt Thiên Chúa sau khi đã ngoại tình với bà Bathsheba, và dùng thủ đoạn để giết ông Uriah, chồng của Bà (2 Kgs 11). Vua David biết rất rõ tội của mình; nhưng nhà vua không phải chết để đền tội là do bởi tình thương của Thiên Chúa. Phaolô dẫn chứng trường hợp của David để chứng minh con người được Thiên Chúa kể như công chính trong khi vẫn còn là tội nhân: "Đó là điều vua David nói khi ca tụng hạnh phúc của người được Thiên Chúa kể là công chính mà không xét đến việc làm: ''Hạnh phúc thay kẻ lỗi lầm mà được tha thứ, người có tội mà được khoan dung! Hạnh phúc thay người Chúa không kể là có tội!''" (Psa 32:1-2).
2/ Phúc Âm: Đức tin phải biểu tỏ bằng việc làm.
Con người được trở nên công chính khi vẫn còn là tội nhân; nhưng khi đã được Thiên Chúa cho trở nên công chính, con người phải cải quá tự tân con người mình, để có thể sống cuộc đời cách tốt đẹp hơn. Nhiều người cho việc làm tốt đối với thánh Phaolô là chuyện không cần thiết; nhưng nói như vậy là hiểu sai thánh Phaolô và những lời dạy dỗ của Đức Kitô.
2.1/ Hãy biểu tỏ niềm tin vào Thiên Chúa bằng cách sống theo sự thật: Mặc dù các kinh-sư là những người hiểu biết và tuyên xưng đức tin của họ nơi Thiên Chúa, nhưng cuộc sống giả hình của họ đã không chứng minh sự hiểu biết và niềm tin của họ vào Ngài. Nếu họ hiểu biết Thiên Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự thì làm sao họ có thể giấu Ngài lối sống gỉa hình của họ. Vì thế, Chúa Giêsu dặn các môn đệ phải đề phòng: “Anh em phải coi chừng men Pharisees, tức là thói đạo đức giả. Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết. Vì thế, tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày; và điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà.” Một cuộc sống giả hình như thế là đánh lừa Thiên Chúa, đánh lừa tha nhân, và tự đánh lừa mình; làm sao có thể đạt tới cuộc sống đời đời được?
2.2/ Hãy tin và kính sợ Thiên Chúa: Bản năng của con người là ham sống và sợ chết; nhưng nếu con người hiểu những gì sẽ xảy ra sau khi chết, con người sẽ dễ dàng chấp nhận cái chết hơn. Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ biết những điều này: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết: Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai: hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hoả ngục. Thật vậy, Thầy nói cho anh em biết: anh em hãy sợ Đấng ấy.” Vì thế, nếu phải chấp nhận cái chết để làm chứng cho Chúa, thì con người cũng phải làm vì biết họ sẽ nhận lại cuộc sống trong Vương Quốc đời sau. Các thánh tử đạo cũng là những con người yếu đuối như chúng ta; nhưng niềm tin và ơn thánh của Thiên Chúa đã cho họ can đảm để sẵn sàng chết làm chứng cho Thiên Chúa.
2.3/ Hãy tin vào sự Quan Phòng của Thiên Chúa: Ngòai cái chết, con người còn lo sợ về thiếu những nhu cầu để sinh sống hay bệnh tật. Chúa Giêsu dạy các môn đệ cũng phải vứt đi những lo sợ này và tin tưởng hòan tòan nơi tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài bảo các ông: “Năm con chim sẻ chỉ bán được hai hào, phải không? Thế mà không một con nào bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi. Anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta được trở nên công chính là hoàn toàn do công trạng của Đức Kitô và niềm tin của chúng ta vào Ngài; nhưng một khi đã được trở nên công chính, chúng ta cần chứng tỏ đức tin nơi Thiên Chúa bằng các việc làm cụ thể để mưu cầu lợi ích cho chính chúng ta và góp phần vào việc mở mang Nước Chúa.
- Chúng ta cần học hỏi để hiểu biết sự Quan Phòng và Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa. Có những điều xảy ra trong cuộc đời trong sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nhưng ngòai sự kiểm sóat của con người: bệnh tật, già yếu, sự chết… Con người có lo sợ cũng chẳng thóat khỏi, chi bằng phó thác hòan tòan vào tình yêu Thiên Chúa và Kế Họach Cứu Độ của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

20/10/2017 - THỨ SÁU TUẦN 28 TN
Lc 12,1-7
ĐIỀU GÌ ĐÁNG SỢ NHẤT?

“Anh em đừng sợ những kẻ chỉ giết thân xác mà sau đó không làm gì được nữa, Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai. Hãy sợ Đấng đã giết rồi lại có quyền ném vào hoả ngục.” (Lc 12,4-5)
Suy niệm: “Bình an cho anh em”, đó là món quà mà Chúa Giê-su đã trao ban cho nhân loại sau khi Ngài từ cõi chết sống lại. 2000 năm qua, nhân loại càng cần món quà đó hơn nữa bởi vì xã hội văn minh và hiện đại không đem lại sự bình an đích thực, mà còn phát sinh những lo lắng mới: khủng bố, chiến tranh, thực phẩm chứa hoá chất độc hại sợ những “chứng bệnh thời đại”, sợ thất nghiệp, sợ mất địa vị, sợ thù oán… và trăm ngàn nỗi sợ hãi không tên khác trong cuộc sống. Lời Chúa hôm nay như đuốc sáng soi dẫn chúng ta bước đi trong cái nhìn của Đức Tin trưởng thành, giúp chúng ta xác định đâu là điều mà chúng ta phải sợ nhất: Đau khổ, bệnh tật và cả cái chết, không phải là điều đáng sợ cho bằng việc chúng ta đắm chìm trong tội lỗi, việc chúng ta sống rời xa tình yêu Thiên Chúa.
Mời Bạn: Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta phải chạm trán với những nỗi sợ hãi từ ngoại cảnh đến nội tâm, những tác động bên ngoài của hoàn cảnh môi trường - con người, cũng như những yếu đuối từ chính bản thân. Mời bạn nhìn lại chính mình để biết đâu là điều khiến cho bạn lo lắng và sợ hãi nhất và cách nào giúp bạn tìm được sự bình an.
Sống Lời Chúa: Trong mỗi công việc, suy nghĩ và hành động. Luôn tự đặt câu hỏi với chính mình: Điều này có thực sự đem lại cho tôi sự bình an và làm vui lòng Chúa không?
Cầu nguyện: Xin cho con luôn SỐNG TRONG CHÚA, để cùng với Ngài con vẫn luôn bình tâm và hạnh phúc giữa bể đời nay thử thách và sóng gió. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)


Môn đ và bn hu (20.10.2017 – Th sáu Tun 28 Thường niên)
Nếu tng si tóc ca chúng ta đã được Thiên Chúa biết, thì chuyn mng sng ca ta hn được Ngài quan tâm hơn nhiu.


Suy nim:
Trước một đám đông kinh khủng chen lấn để đến gần Ngài,
Thầy Giêsu vẫn muốn ngỏ lời trước hết với các môn đệ dấu yêu.
Lần duy nhất trong Tin Mừng Nhất lãm, Thầy gọi họ là bạn hữu (c. 4).
Thầy dặn dò họ cảnh giác kẻo lây nhiễm men của người Pharisêu,
đó là thái độ đạo đức giả (c. 1).
Thái độ này luôn bao hàm một che giấu nào đó về sự thật,
khiến người nhìn bên ngoài dễ bị đánh lừa bởi những mặt nạ đạo đức.
Việc che giấu khéo léo này có thể xuôi chèo mát mái một thời gian.
Nhưng đối với Thầy Giêsu, nó không thể kéo dài mãi.
Sớm muộn gì sự thật cũng sẽ lộ diện, như chiếc kim trong bọc thò ra.
“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra,
không có gì bí mật mà sẽ không bị người ta biết” (c. 2).
Nếu con người mãi mãi không biết, thì Thiên Chúa vẫn biết.
Chúng ta có thể tránh được máy kiểm tra nói dối của người đời,
nhưng không tránh được cái nhìn xuyên thấu tâm can của Thiên Chúa.
“Tất cả những gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày;
điều anh em rỉ tai trong buồng kín, sẽ được công bố trên mái nhà” (c. 3).
Như thế điều tưởng như không thể lọt ra ngoài, điều kín như bưng,
vẫn có thể bị đưa ra ánh sáng,
mặt nạ bị rơi xuống, và bản chất thật của con người được vén mở.
Đây là một lời đe dọa, hay đúng hơn, một lời khuyên hãy sống thực lòng.
Thầy Giêsu còn khuyên các môn đệ đừng sợ.
Chuyện bị bách hại và sát hại là chuyện có thể xảy ra.
Chuyện ấy sẽ xảy ra với Thầy và với các môn đệ nữa.
Điều quan trọng là đừng sợ kẻ sát nhân lấy đi mạng sống thân xác (c. 4).
Dù mạng sống thân xác thật đáng quý, đáng trọng,
nhưng con người không phải chỉ có thân xác hay chỉ là thân xác.
Thầy dạy cho các môn đệ biết phải sợ ai (c. 5).
Phải sợ chính Thiên Chúa, Đấng có quyền ném anh em vào hỏa ngục.
Các vị tử đạo đều tin, hiểu và sống các câu Tin Mừng này.
Họ đã chịu bao đớn đau nhục hình và cái chết thân xác,
nhưng họ đã tránh được hỏa ngục, và được đón vào lòng Thiên Chúa.
Kitô hữu phải đối diện với những thách đố cam go.
Lúc chịu bách hại lại tưởng mình bị Thiên Chúa bỏ rơi, ruồng rẫy.
Chim sẻ là thức ăn rẻ tiền cho người nghèo,
tiền lương một ngày mua được những 40 con chim sẻ.
Nếu Thiên Chúa không quên một con sẻ nào,
thì Ngài lại càng không thể quên được những người bạn của Con Ngài.
Nếu từng sợi tóc của chúng ta đã được Thiên Chúa biết,
thì chuyện mạng sống của ta hẳn được Ngài quan tâm hơn nhiều.
Hãy để lòng mình bình an vì sống không gian dối, nên không sợ bị lộ.
Hãy để lòng mình bình an vì cái chết chẳng phải là dấu chấm hết.
Hãy hạnh phúc vì biết mình là môn đệ và là bạn hữu của Thầy Giêsu.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con được ơn khôn ngoan
để con biết sợ điều phải sợ.
Cho con đừng sợ những đe dọa đến thân xác, tiếng tăm,
nhưng biết sợ mất đi vĩnh viễn toàn bộ con người mình.
Cho con đừng sợ những kẻ làm hại con ở đời này,
nhưng biết sợ phải xa Đấng yêu con và muốn con hạnh phúc mãi.
Xin giải thoát con khỏi những nỗi sợ đã ăn sâu vào cuộc sống,
những nỗi sợ ngấm ngầm mà chính con không dám thú nhận,
những nỗi sợ làm con chẳng bao giờ được tự do và an vui.
Nhờ đó con dám sống thật sự là mình,
tươi tắn và hồn nhiên, nhẹ nhàng và không lo lắng.
Xin dạy con ngắm những bông hoa dại vệ đường
để thấy chúng được điểm trang lộng lẫy,
và ngắm chính mình mỗi ngày,
để thấy vẻ đẹp nơi mình như một quà tặng của tình yêu.
Xin dạy con ngắm đàn chim sẻ ríu rít buổi sáng,
để biết mình chẳng nên quá lo về chuyện cơm áo gạo tiền,
nhưng nên phó thác như em thơ ngồi trong lòng mẹ.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đặt đời mình trong tay Cha.
Xin cho con cũng đặt đời con trong tay Chúa.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20 THÁNG MƯỜI
Kiến Tạo Hòa Bình Bằng Tình Yêu
Chiến tranh và bạo lực là con đẻ của sự xem thường các quyền căn bản của con người. Quyền căn bản nhất của con người, đó là phải xem mỗi người là một ngã vị độc đáo và không thể thay thế được. Con người được tạo nên theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Ngài. Qua Bí Tích Phép Rửa, con người trở nên dưỡng tử của Thiên Chúa và thông dự vào ơn cứu chuộc nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa nhập thể.
Ở nơi đâu con người còn bị lạm dụng để làm thỏa mãn quyền lợi, nhu cầu, khát vọng của người khác thì ở đó sẽ nảy sinh bạo lực, lộn xộn và chiến tranh. Trái lại, ở nơi nào con người biết phục vụ cho quyền lợi của anh chị em mình, biết xem anh chị em mình “là những tạo vật duy nhất được Thiên Chúa yêu thương do chính bản chất của nó“ (MV 24), thì ở đó có tình yêu đích thực, hòa bình sẽ triển nở. Bởi vì nền móng của hòa bình là tình yêu.
Nói cách khác, Thiên Chúa là nguồn gốc của hòa bình – vì Thiên Chúa là nguồn mạch của mọi tình yêu. Đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi là đời sống yêu thương. Chúa Cha yêu Chúa Con và Chúa Con yêu Chúa Cha. Tình yêu này mạnh mẽ và biệt vị đến nỗi nó được biểu hiện như một ngã vị thần linh – đó là Chúa Thánh Thần. Nếu chúng ta cho phép Chúa Thánh Thần tràn ngập trong lòng chúng ta, nhất là khi lãnh nhận các bí tích, thì chúng ta sẽ có được tình yêu ấy và sẽ trở thành những người kiến tạo hòa bình đích thực.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 20-10
Rm 4, 1-8; Lc 12, 1-7.

Lời suy niệm: “Thầy nói cho anh em là bạn hữu của Thầy được biết. Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác, mà sau đó không làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho anh em biết phải sợ ai; hãy sợ Đấng đã giết rồi, lại có quyền ném vào hỏa ngục.”
Chúng ta thật hãnh diện khi được Chúa Giêsu xem là bạn hữu của Người, với tâm tình dó, Người khẳng định với tất cả chúng ta không phải sợ những người có thể giết chết thân xác của mình, mà sau đó chẳng làm được gì hơn phần hồn với sự sống đời đời. Nhưng cần phải biết kính sợ Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, luôn quan tâm đến cuộc sống của từng người. Đấng mà không bỏ rơi một con chim se sẻ giá trị không đến hai hào; Đấng mà những sợi tóc trên đầu của từng người đã được đếm đủ rồi.
Lạy Chúa Giêsu. Thật là hạnh phúc cho tất cả chúng con khi chúng con có một Đấng Thiên Chúa là Cha, và Chúa là bạn hữu của chúng con, những gì cần thiết cho cuộc sống, thì đã được Chúa chỉ dạy. Xin cho chúng con vâng phục và thực hiện trong cuộc sống.
Mạnh Phương


20 Tháng Mười
Làm Trai Nên Chết Ở Biên Thùy
Gần một nửa thế kỷ trước Chúa Giáng Sinh, một danh tướng nhà Ðông Hán là Mã Viện đã nói một câu bất hủ: "Làm trai nên chết ở chốn biên thùy, lấy da ngựa bọc thân mà chôn, chứ nằm xó giường mà chết trong tay người nâng đỡ thì còn xứng gì".
Tại thành Sparte thuộc Cổ Hy Lạp, mỗi khi tiễn con ra trận, người mẹ thường đưa cho con một cái mộc và bảo con rằng: cùng với nó hay nằm trên nó. Cùng với nó, con đắc thắng trở về. Nằm trên nó, xác con được mọi người kính nể khiêng vác trên vai.
Người Kitô chúng ta cũng đã nhận lấy một chiếc mộc. Ðó là chiếc mộc của bí tích Rửa Tội. Qua cửa ngõ của bí tích này, chúng ta như được gửi ra chiến trường.
Cái chết từng ngày là điều đang chờ đợi chúng ta. Nhưng cái chết đó là con đường dẫn đến vinh quang Phục Sinh. Ðức Kitô, vị thủ lãnh của chúng ta, đã đi qua con đường ấy. Ngài cũng đang có mặt trong cuộc chiến của chúng ta để dìu dắt chúng ta trong từng phút giây. Nếu có một lúc nào đó, chúng ta chán nản muốn đào ngũ và bỏ cuộc, chúng ta hãy nhìn lên thập giá của Ngài. Thập giá đó phải là ánh sáng soi dẫn những đoạn đường tăm tối trong cuộc chiến của chúng ta.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét