21/04/2019
Chúa Nhật PHỤC SINH năm C
(phần I)
Lễ Trong Ngày
BÀI ĐỌC I: Cv 10, 34a.
37-43
“Chúng tôi đã ăn uống với Người,
sau khi Người từ cõi chết sống lại”.
Trích sách Tông đồ
Công vụ.
Trong những ngày ấy,
Phêrô lên tiếng nói rằng: “Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi
Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu
thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người.
Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên
Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người
đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Đấng người ta đã giết
treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại
và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên
Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ
cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và
làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và
kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người,
thì nhờ danh Người mà được tha tội”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 117, 1-2.
16ab-17. 22-23
Đáp: Đây là ngày
Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó (c. 24).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy cảm tạ Chúa, vì
Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên:
“Đức từ bi của Người muôn thuở”. – Đáp.
2) Tay hữu Chúa đã
hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng
tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa. – Đáp.
3) Phiến đá mà những
người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm
ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Cl 3, 1-4
“Anh em hãy tìm những sự trên
trời, nơi Đức Kitô ngự”.
Trích thư Thánh
Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, nếu
anh em đã sống lại với Đức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Đức
Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng
nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với
Đức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Đức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ
anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang. Đó là lời Chúa.
Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8
“Anh em hãy tìm những sự trên
trời, nơi Đức Kitô ngự”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.
Anh em thân mến, anh
em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy
tẩy trừ men cũ để nên bột mới; anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của
ta, là Đức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và
men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.
Đó là lời Chúa.
CA TIẾP LIÊN
(Đọc trong Chúa Nhật
Phục Sinh, còn các ngày khác trong tuần Bát nhật thì không buộc đọc)
Các Kitô hữu hãy tiến
dâng
lời khen ngợi hy lễ Vượt
Qua.
Chiên con đã cứu chuộc
đoàn chiên mẹ:
Đức Kitô vô tội đã hoà
giải tội nhân với Chúa Cha.
Sống và chết hai bên
song đấu cách diệu kỳ,
tướng lãnh sự sống đã
chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.
Hỡi Maria, hãy nói cho
chúng tôi nghe
bà đã thấy gì trên
quãng đường đi?
Tôi đã thấy mồ Đức
Kitô đang sống
và vinh quang của Đấng
Phục Sinh,
thấy các thiên thần
làm chứng,
thấy khăn liệm và y phục.
Đức Kitô là hy vọng của
tôi đã phục sinh,
Người đi trước chư vị
tới xứ Galilêa.
Chúng tôi biết Đức
Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!
Lạy Chúa, Vua chiến thắng,
xin thương xót chúng con.
ALLELUIA: 1 Cr 5, 7b-8a
Alleluia, alleluia!
– Lễ Vượt Qua của chúng ta là Đức Kitô đã hiến tế; vậy chúng ta hãy mừng lễ
trong Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9
“Người phải sống lại từ cõi chết”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày đầu tuần, Maria
Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn
ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu
yêu mến, bà nói với các ông rằng: “Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng
tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu”. Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả
hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi
mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy
Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ
để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây
băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới
mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh
Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết. Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Chúa đã sống lại – Radio
Veritas Asia.
Trong đoạn Tin Mừng
theo thánh Gioan chúng ta vừa đọc trên đây, tác giả chỉ nhắc đến bà Maria
Madalena, nhưng qua ba Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta biết có thêm một vài người nữ
cùng ra mộ Chúa Giêsu với bà. Các bà đi đến mộ và hốt hoảng khi thấy tảng đá chặn
cửa mộ đã bị mở ra. Tại sao có chuyện kỳ cục như thế? Có ai muốn phá rối chăng?
Bà Maria Madalena vội vàng chạy về báo tin cho Phêrô và người môn đệ Chúa Giêsu
thương mến. Hai ông hối hả chạy đến mộ, hai ông đã thấy mộ trống với các khăn
liệm còn lại ở đó, nhưng họ chẳng thấy xác Ngài đâu. Nhìn thấy quang cảnh, người
môn đệ Chúa Giêsu thương mến biết rằng Thầy đã sống lại như lời Thầy đã nói.
Ngôi mộ trống là một dấu
chỉ mà Chúa Giêsu gửi đến các môn đệ sáng ngày hôm đó. Đứng trước ngôi mộ trống,
mỗi người có một phản ứng khác nhau. Các bà thì hoảng hốt, chạy về nhờ cậy các
ông tới cứu. Ông Phêrô thì ngạc nhiên về sự việc xảy ra. Còn người môn đệ Chúa
Giêsu thương mến thì tin rằng Thầy đã sống lại. Chúa đã sống lại thật.
Allêluia.
Sự thật này có sức mạnh
biến đổi cuộc đời chúng ta, đưa chúng ta ra khỏi bóng tối của sự sợ sệt, của
nghi nan, để sống đến cùng đức tin của mình vào Chúa Kitô. Một ngôi mộ trống
nhưng được giải thích bằng nhiều cách khác nhau, sẽ dẫn đến những phản ứng khác
nhau.
Trong cuộc sống đức
tin, mỗi người chúng ta đã nhiều lần đứng trước ngôi mộ trống của Chúa Giêsu,
đó là những lần chúng ta băn khoăn đi tìm câu trả lời cho ý nghĩa đích thực của
đời Kitô. Dù đã được học hỏi về đức tin Kitô, đã được nghe giảng Lời Chúa, đã
được chia sẻ kinh nghiệm sống đức tin của biết bao thế hệ tín hữu, nhưng những
điều ấy không miễn cho chúng ta phải đối diện với đức tin của chính mình.
Như nhóm người cùng đi
đến mộ Chúa Giêsu sáng sớm hôm ấy, chúng ta cùng hiệp thông với nhau nhưng
không thể quyết định thay thế cho nhau. Giáo Hội khuyên chúng ta phải trả lời
những câu hỏi về đức tin đặt ra cho chính mình. Có nhiều lúc chúng ta như rơi
vào đêm tối bất an, tương tự như các môn đệ trong thời gian sau biến cố tử nạn
của Chúa Giêsu, chúng ta nửa tin nửa ngờ. Một mặt chúng ta biết rằng đức tin
vào Chúa Kitô có sức giải thoát chúng ta khỏi vòng vây tội lỗi và mang lại cho
chúng ta một cuộc sống an bình hạnh phúc. Mặt khác, chúng ta phải đối diện với
những thực tế cấp bách, thực tế xem ra không trùng khớp bao nhiêu với những điều
mà đức tin dạy bảo chúng ta. Đức tin dạy chúng ta phải xây dựng hạnh phúc trên
những nền tảng siêu nhiên. Thực tế lại cho thấy dường như những điều siêu nhiên
chẳng giúp chúng ta đạt hạnh phúc mà đôi khi còn gây ra cho chúng ta bao nhiêu
điều thiệt thòi phiền toái. Đức tin dạy chúng ta phải tập trung đầu tư cho cuộc
sống vĩnh cửu mai sau, thực tế lại cho thấy mọi người đều dồn hết sức lực để
xây dựng cho cuộc sống vắn vỏi ở đời này. Ai đúng, ai sai, ai khôn, ai dại?
Chúng ta bối rối không biết phải theo ai bỏ ai đây? Trước những câu hỏi hóc búa
này, chúng ta loay hoay tìm câu trả lời. Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu soi sáng
cho chúng ta. Nhưng có lúc, thay vì trực tiếp trả lời, Chúa Giêsu đưa chúng ta
tới ngôi mộ trống của Người. Người gởi đến cho chúng ta những mật thư, những dấu
chỉ, những lời nói, những biến cố đặc biệt xảy đến cho chúng ta. Muốn tìm ra lời
đáp, chúng ta phải giải mã những tín hiệu này.
Khi nhìn thấy ngôi mộ
trống, người môn đệ Chúa Giêsu thương mến nhanh chóng nhận ra rằng Thầy mình đã
sống lại, ông không nhìn bằng đôi mắt nhưng đã nhìn bằng con tim. Tác giả Tin Mừng
theo thánh Gioan đã kín đáo không nêu tên người môn đệ này, nhưng truyền thống
Giáo Hội vẫn cho đó chính là tông đồ Gioan. Ông là người được Chúa Giêsu yêu
thương cách đặc biệt và ông cũng đáp lại Thầy mình với tình yêu thương nồng
nàn. Chính tình yêu này mách bảo cho ông biết đích xác chuyện gì đã xảy ra với
Thầy. Tình yêu hun đúc niềm tin và niềm tin giữ cho tình yêu luôn kiên vững.
Lạy Chúa Giêsu Phục
Sinh, nhiều lúc con phải giải mã các tín hiệu mà Chúa gởi đến cho con trong cuộc
sống. Xin Chúa giúp con luôn trung kiên trong tình yêu, để con nhanh chóng nhận
ra sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến cho con trước ngôi mộ trống của Chúa, xin cho
con vững tin rằng Chúa đã sống lại thật. Allêluia.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Chúa Nhật Phục Sinh, Năm
ABC
Bài đọc: Acts
10:34, 37-43; Col 3:1-4; Jn 20:1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu đã sống lại từ
cõi chết.
Để hiểu niềm vui của
Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta cần so sánh hai thái độ của các tông đồ: nỗi thất
vọng của các ông khi phải đối diện với Cuộc Thương Khó và cái chết của Chúa
Giêsu; các ông đã sợ hãi và bỏ trốn hết vì sợ liên lụy: Chúa chết hết truyện.
Nhưng nỗi thất vọng của các ông được bừng lên thành niềm hy vọng của Ngày Phục
Sinh: vì Chúa sống lại, mọi biến cố của quá khứ cùng sống lại, được nhìn và
mang ý nghĩa với Chúa Phục Sinh.
Các Bài Đọc hôm nay tập
trung vào các nhân chứng của Mầu Nhiệm Phục Sinh và Tin Mừng họ làm chứng và
rao giảng. Trong Bài Đọc I, Phêrô, từ một con người chối từ Chúa 3 lần trong Cuộc
Thương Khó của Ngài, giờ can đảm làm chứng cho Chúa Giêsu trước mặt mọi người.
Điều đã cải biến ông là Tin Mừng Phục Sinh: Nếu Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại,
quyền lực thế gian đã không thắng nổi quyền lực Thiên Chúa, chẳng còn gì để sợ
hãi nữa. Trong Bài Đọc II, tác giả Thư Côlossê nhắc nhở cho các tín hữu biết hậu
quả của Mầu Nhiệm Phục Sinh mang lại: Họ mang trong mình mầm sống của Đức Kitô
Phục Sinh; mầm sống này đòi hỏi họ phải luôn biết tìm kiếm những giá trị vĩnh cửu
của Nước Trời, đừng chỉ bằng lòng với những giá trị của hạ giới là của thế gian
này. Họ phải sống làm sao để có ngày được cùng sống lại với Chúa Kitô phục
sinh. Trong Phúc Âm, Bà Maria Magdala ra thăm mộ Chúa từ sáng sớm khi trời còn
tối; Bà không tìm thấy xác Chúa nên vội chạy về báo cho các môn đệ biết. Phêrô
và Gioan, khi biết được, đã vội vã chạy đến mộ. Các ông thấy và các ông đã tin
những gì Chúa tiên báo trước khi Ngài chịu chết.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tin Mừng về Chúa Giêsu.
Trình thuật của Sách
Tông Đồ Công Vụ chỉ tập trung trong những biến cố chính của cuộc đời Chúa
Giêsu; một phần có lẽ vì rao giảng cho thế hệ cùng thời với Chúa, một phần vì bản
tính đơn sơ, chất phác của Phêrô.
1.1/ Ông Phêrô làm chứng
cho Chúa Giêsu.
(1) Về cuộc đời của
Ngài: Ông Phêrô nhắc lại những gì khán giả biết về Chúa Giêsu:
– Gioan Tẩy Giả là Tiền
Hô của Thiên Chúa: “Quý vị biết rõ biến cố đã xảy ra trong toàn cõi Judah, bắt
đầu từ miền Galilee, sau phép rửa mà ông Gioan rao giảng.” Phêrô chỉ nhắc lại
cuộc đời công khai rao giảng của Chúa.
– Phêrô muốn nhắc lại
cho khán giả cuộc đời Chúa Giêsu cách tổng quát: lai lịch, biến cố Rửa Tội tại
sông Jordan, các phép lạ chứng tỏ uy quyền của Ngài. “Quý vị biết rõ: Đức Giêsu
xuất thân từ Nazareth, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn
phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ
bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người.”
(2) Về cái chết và sự
sống lại của Ngài:
– Phêrô làm chứng cho
sự chết của Đức Kitô trên Thập Giá: “Còn chúng tôi đây xin làm chứng về mọi việc
Người đã làm trong cả vùng dân Do-thái và tại chính Jerusalem. Họ đã treo Người
lên cây gỗ mà giết đi.”
– Phêrô làm chứng cho
sự phục sinh của Đức Kitô: “Ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy,
và cho Người xuất hiện tỏ tường, không phải trước mặt toàn dân, nhưng trước mặt
những chứng nhân Thiên Chúa đã tuyển chọn từ trước, là chúng tôi, những kẻ đã
được cùng ăn cùng uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại.”
1.2/ Bổn phận của các
Tông-đồ: Chúa chọn các ông là cho một sứ vụ;
giờ đây đã đến lúc các ông phải thay Ngài để rao truyền Tin Mừng cho muôn dân.
Hai bổn phận chính của các Tông-đồ:
(1) Phải rao giảng:
“Người truyền cho chúng tôi phải rao giảng cho dân.”
(2) Phải long trọng
làm chứng hai điều:
– Chính Người là Đấng
Thiên Chúa đặt làm thẩm phán để xét xử kẻ sống và kẻ chết.
– Chúa Giêsu là Đấng
Thiên Sai mà các tiên tri đã loan báo: “Tất cả các ngôn sứ đều làm chứng về Người
và nói rằng phàm ai tin vào Người thì sẽ nhờ danh Người mà được ơn tha tội.” Lời
của tiên tri Isaiah trong các Bài ca về Người Tôi Trung của Thiên Chúa mà chúng
ta nghe trong Tuần Thánh là căn bản của lời chứng này.
2/ Bài đọc II: Nguyên lý của đời sống mới: kết hợp với Đức Kitô phục sinh.
2.1/ Thượng giới và hạ giới:
“Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Kitô,
nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô đang ngự bên hữu
Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng
chú tâm vào những gì thuộc hạ giới.”
– Thượng giới là Thiên
Đàng nơi Đức Kitô đang sống với Thiên Chúa; hạ giới là trần gian nơi con người
chúng ta đang sinh sống. Chúa Giêsu cũng đã đề cập đến sự cách biệt này khi
tranh luận với người Do-thái: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới.
Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này. Tôi đã
nói với các ông là các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết. Thật vậy, nếu các ông
không tin là Tôi Hằng Hữu, các ông sẽ mang tội lỗi mình mà chết.”
– Vấn đề của con người
hiện đại là đang quá chú tâm đến hạ giới: nhà cửa sang trọng, xe cộ mắc tiền,
hưởng thụ các thú vui vật chất … Dĩ nhiên, con người cần phải chú tâm đến các vấn
đề ăn, uống, ở … nhưng không đến nỗi gạt bỏ hay không chút quan tâm đến các giá
trị của thượng giới.
2.2/ Sự sống mới của Đức
Kitô đang tiềm tàng nơi các tín hữu: “Thật vậy,
anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô nơi
Thiên Chúa. Khi Đức Kitô, nguồn sống của chúng ta xuất hiện, anh em sẽ được xuất
hiện với Người, và cùng Người hưởng phúc vinh quang.”
Làm sao biết có sự sống
mới này đang tiềm tàng nơi con người? Thứ nhất, qua tấm áo trắng của Bí-tích Rửa
Tội, người Kitô hữu được “mặc lấy” toàn thể Đức Kitô: cả sự chết lẫn sự phục
sinh của Ngài. Thứ đến, qua Bí-tích Thánh Thể, người Kitô hữu được tháp nhập
vào thân thể của Ngài. Vì có sự sống mới này trong người, các Kitô hữu phải từ
bỏ nếp sống cũ với các tội lỗi của nó, để sống đời sống mới, đời sống ân sủng
và nhân đức như Đức Kitô. Khi con người sống kết hợp với Đức Kitô, họ có thể thốt
lên như thánh Phaolô: “Tôi sống nhưng không còn là tôi, mà là chính Đức Kitô sống
trong tôi.”
3/ Phúc Âm: Ngôi mộ trống
3.1/ Sức mạnh của tình
yêu: Tác giả Sách Diễm Ca ca tụng tình yêu:
“Nước lũ không dập tắt nổi tình yêu, sóng cồn chẳng tài nào vùi lấp. Ai đem hết
gia tài sự nghiệp mà đổi lấy tình yêu,
ắt sẽ bị người đời khinh dể.”
ắt sẽ bị người đời khinh dể.”
(1) Chúa Giêsu yêu
Mary Magdala: Bà là người được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bảy quỉ. Đối với con
người, chẳng có gì là đáng yêu trong người đàn bà này; nhưng đối với Thiên
Chúa, Ngài thương con cái mình bị ma quỉ xiềng xích. Từ lúc được lành bệnh, Bà
luôn theo Chúa Giêsu, và đứng dưới chân Thập Giá khi Ngài hấp hối.
(2) Bà Mary Magdala
yêu Chúa Giêsu: Bà là người đã khóc công khai để lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc
lau chân, và lấy dầu đắt tiền xức chân Chúa. Ngay cả cái chết cũng không dập tắt
nổi tình yêu của Bà Mary Magdala dành cho Chúa Giêsu. Một người có thể nói Bà
là người sống tình yêu với Chúa hơn ai hết qua sự kiện Bà chỉ chờ khi bắt đầu
ngày mới (3-6 giờ sáng), là người đầu tiên lên đường ra mộ tìm Chúa. Tình yêu
dành cho Chúa Giêsu làm Bà vượt qua nhiều sự sợ hãi: quân lính Rôma, người
Do-thái, bóng tối, ma quỉ, lạnh lẽo, lười biếng …
Khi đến nơi và thấy tảng
đá lớn đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Đức
Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng
biết họ để Người ở đâu.”
3.2/ Hai ông Phêrô và
Gioan ra thăm mộ: Các môn đệ không dám xuất
hiện trước công chúng vì họ sợ sẽ bị truy tố như Thầy mình. Các ông chắc cũng
thất vọng vì Chúa Giêsu không hoàn thành ước mơ của các ông. Khi được Mary
Magdala cho biết tin ngôi mộ trống, ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả
hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước.
Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào.
(1) Ngôi mộ trống: Ông
Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải
để ở đó, và khăn che đầu Đức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải,
nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Hai câu hỏi được nêu ra từ trình thuật
này:
– Tại sao người môn đệ
chạy tới trước không vào lại chờ cho Phêrô tới và vào trước? Phải chăng vì ông
sợ? Phải chăng vì ông muốn tôn trọng quyền bính của Phêrô? Tuy Phêrô đã chối
Chúa ba lần, nhưng ông luôn là người đứng đầu Nhóm Mười Hai. Chính Chúa Giêsu
đã đặt Phêrô vào địa vị này.
– Vì các ông không ngờ
là Chúa đã sống lại, nên chỉ còn giả thuyết là người ta đã đánh cắp xác Chúa;
nhưng điều làm các ông ngạc nhiên là tại sao lấy xác mà không lấy khăn niệm, lại
còn cuộn lại cẩn thận và xếp gọn lại một nơi!
(2) Ông đã thấy và ông
đã tin: “Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy
và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức
Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.” Bản dịch của NPVCGK dịch không chính xác, phải
dịch: “Ông đã thấy và đã tin; dù chưa hiểu theo Kinh Thánh Đức Giêsu phải sống
lại từ cõi chết.” Thánh sử Gioan muốn phân biệt hai niềm tin:
– Thấy và tin: Đây là
niềm tin thực nghiệm.
– Theo Kinh Thánh: Đức
Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết. Đây là niềm tin dựa vào uy thế của Sách Thánh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Biến cố Chúa Giêsu
phục sinh chứng tỏ rõ ràng cho chúng ta một điều quan trọng: chết không hết.
Chúa Giêsu đi trước để dọn đường, và Ngài sẽ kéo mọi người chúng ta lên với
Ngài. Vì thế, chúng ta không được sống như không có đời sau.
– Chúa Giêsu đã gánh
chịu mọi đau khổ để đền thay tội lỗi của chúng ta, và Ngài đã phục sinh vinh hiển
để chuẩn bị cho chúng ta cuộc sống vĩnh cửu mai sau. Còn ai yêu thương và lo lắng
cho chúng ta hơn Chúa Giêsu? Hãy dành trọn vẹn tình yêu cho Ngài.
– Hãy làm hết sức cho
có được tình yêu với Chúa Giêsu như Mary Magdala. Một khi có được tình yêu như
thế, chúng ta sẽ vượt qua mọi trở ngại để trung thành với Thiên Chúa và làm chứng
cho Thiên Chúa bằng cách yêu thương mọi người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
21/04/2019 – CHÚA NHẬT PHỤC SINH – C
Ga 20,1-9
NỬA LO NỬA MỪNG
“Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ…Ông đã thấy và đã tin… Theo
Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” (Ga 20,2.8-9)
Suy niệm: Trước sự kiện Thầy Giê-su
sống lại, các môn đệ Chúa rơi vào tâm trạng mừng lo lẫn lộn. Bà Ma-ri-a
Mác-đa-la lo vì “người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, chẳng biết họ để Người ở
đâu.” Ông Gio-an mừng khi thấy “khăn che đầu không để lẫn với các băng vải,
nhưng cuộn lại xếp riêng ra một nơi” vì ông đã tin rằng “theo Kinh thánh, Đức
Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết.” Nỗi lo lắng đan xen niềm vui ấy không chỉ là
cảm giác “sau cơn mưa trời lại sáng”, hay tâm trạng của người “hết cơn bĩ cực tới
hồi thái lai”; nhưng từ những tâm tình tự nhiên ấy, người môn đệ Chúa phải ngộ
ra chân lý này là phải qua đau khổ thập giá để đến vinh quang phục sinh. Sự sám
hối, hy sinh, khổ chế của Mùa Chay là để có thể cảm nếm được niềm vui của ngày
Con Chúa phục sinh.
Mời Bạn: Khi gặp chuyện không may
trong cuộc sống, bạn lo âu, sợ hãi vì không đủ khả năng giải quyết, cũng
chẳng có thể làm chủ mọi việc. Việc lo lắng này khiến bạn hoặc chạy đến với
Chúa xin ơn trợ lực; hoặc bỏ Chúa để tìm phương thế trần gian. Những lúc ấy, bạn
hãy xác tín rằng niềm vui đích thực không đến do loài người, nhưng phát xuất từ
Thiên Chúa, Đấng cao cả quyền năng vừa là Cha nhân lành.
Sống Lời Chúa: Từ bỏ tính ích kỷ để quên
mình hy sinh phục vụ tha nhân, đó là cách cùng chết với Chúa Ki-tô để được vinh
quang phục sinh với Ngài.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su
Phục sinh, xin ban cho con ơn đức tin để nhận ra Chúa hiện diện trong mọi sinh
hoạt đời thường. Xin cho con luôn giữ được an bình trong mọi hoàn cảnh.
(5 Phút Lời Chúa)
« Ông đã thấy và đã tin » (21.4.2019
– Chúa Nhật Phục Sinh – Thánh lễ Chính ngày)
Suy niệm:
Niềm vui phục sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng.
Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra.
Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất.
Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Mácđala!
Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối.
Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được,
chỉ mong cho chóng sáng để lên đường.
Ai có thể hiểu được trái tim của bà?
Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25)
và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61).
Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên,
trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến...
Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ.
Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy.
Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải,
đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2.13.15).
Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về.
Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa phục sinh,
bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.
Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ,
những bước chân hối hả vội vàng.
Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó,
còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.
Thấy mọi điều đó, Gioan tin rằng Thầy đã phục sinh.
Chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm.
Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala,
nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan.
Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố:
ý nghĩa của cái chết bi đát trên Núi Sọ,
ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng.
Chúng ta cần có lòng tin
để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng,
trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời.
Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải.
Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn.
Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất,
trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11).
Nhưng nếu xác Ðức Giêsu cứ nằm yên trong mồ,
để cho bà Maria đến thăm viếng,
thì làm gì có chuyện Chúa phục sinh?
Phiến đá cửa mộ không giữ được Ngài,
những băng vải không ngăn được Ngài ra đi.
Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.
Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù.
Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.
Niềm vui phục sinh là quà tặng bất ngờ cho Maria.
Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ đâu,
nhưng bà sẽ gặp chính Ðấng Phục Sinh ở ngoài mộ đá.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
xin ban cho con sự sống của
Chúa,
sự sống làm đời con mãi mãi
xanh tươi.
Xin ban cho con bình an của
Chúa,
bình an làm con vững tâm giữa
sóng gió cuộc đời.
Xin ban cho con niềm vui của
Chúa,
niềm vui làm khuôn mặt con
luôn tươi tắn.
Xin ban cho con hy vọng của
Chúa,
hy vọng làm con lại hăng hái
lên đường.
Xin ban cho con Thánh Thần của
Chúa,
Thánh Thần mỗi ngày làm mới
lại đời con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21 THÁNG TƯ
Thiên Chúa Của Những
Kẻ Sống
“Đây là ngày Chúa đã
làm ra” (Tv 118,24). Ngày này luôn luôn xác nhận với chúng ta một sự thật đặc
biệt rằng: Thiên Chúa không chịu thua trước sự chết của con người.
Đức Kitô đã đến thế
gian để bày tỏ cho chúng ta sự thật quan trọng này, một sự thật mở ra cho thấy
tình yêu của Chúa Cha. Đức Kitô đã chết trên Thập Giá và đã được mai táng trong
ngôi mộ đá để làm chứng cho sự thật đầy khích lệ rằng: Thiên Chúa không chịu
thua trước sự chết của con người.
Thực vậy, “Ngài không
phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của người sống” (Mt 22,32).
Nơi Đức Kitô, sự chết đã bị thách đố. Đức Kitô đã vượt thắng sự chết bằng chính
cái chết của Người.
Đây là ngày Chúa đã lập
ra. Đây là ngày hiển thắng của Thiên Chúa – hiển thắng trên tội lỗi và sự chết
của con người. Con người đành chịu thua số phận của mình ư? Con người đành khuất
phục trước sự chết ư?
Hay con người sẵn lòng
dự phần trong cuộc hiển thắng này?
Con người đành thua sự
chết khi họ chỉ hướng đến những gì thuộc hạ giới. Vì không có mầm bất tử nơi hạ
giới này.
Vâng, đáng buồn biết
bao, người ta vẫn chứng tỏ mình đành thua sự chết. Người ta không chỉ chấp nhận
chết mà còn bức tử kẻ khác nữa. Người ta thường bức tử những kẻ không hiểu biết,
những kẻ ngây thơ, thậm chí những đồng loại chưa được sinh ra của mình.
Người ta không chỉ
đành thua sự chết. Người ta còn đặt cuộc hiện sinh của mình trong chính cấu
trúc của sự chết. Đây há không phải là cách mà chúng ta áp đặt cái chết cho đồng
loại chúng ta đó sao: bạo lực, tranh giành quyền lực một cách khát máu, thu tóm
của cải một cách ích kỷ, đấu tranh chống lại sự cùng khổ bằng cách nuôi dưỡng
lòng đố kỵ và quyết liệt báo thù, đe dọa và lăng nhục, tra tấn và khủng bố? Có
điều, dù đành chịu thua sự chết, con người vẫn khiếp sợ nó.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 21/4
Chúa Nhật Phục Sinh
St 10, 34. 37-43;
Cl 3, 1-4; Ga 20, 1-9.
LỜI SUY NIỆM: “Sáng sớm ngày thứ nhất
trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mồ, thì thấy tảng đá đã
lăn khỏi mồ.”
Ngày Chúa Giêsu Phục Sinh nhắc nhở công trình tạo dựng lần thứ nhất, đồng thời
nó mang một ý nghĩa một công trình tạo dựng mới. Đối với tất cả mọi Kitô hữu nó
còn là ngày đầu của mọi ngày, ngày lễ thứ nhất của mọi ngày lễ. Ngày của Chúa.
“ngày Chúa Nhật”
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn ý thức Ngày Chúa Nhật là ngày của Ân Sủng
và tình yêu Cứu Độ, để chúng con ngưng mọi lao động mà vui hưởng trong an bình
của Chúa..
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 21-04
Thánh ANSELMÔ
Gíam mục, Tiến Sĩ (1033 – 1109)
Gíam mục, Tiến Sĩ (1033 – 1109)
Thánh Anselmô chào đời
năm 1033 tại Aosta, trong một gia đình quí phái. Mẹ Ngài, một người rất đạo đức
lãnh trách nhiệm huấn luyện Ngài theo đàng nhân đức. Từ nhỏ, Ngài đã được theo
học những bậc thầy danh tiếng. Bởi thế, Ngài đã mau mắn tiến triển cả về học vấn
lẫn đức hạnh. Vào tuổi 15, thánh nhân đã biết chán ghét danh vọng giả trá thế
trần và quyết theo đuổi đời sống tu trì, nhưng cha Ngài chống lại ý muốn này,
thánh nhân buồn rầu ngã bệnh. Nhiệt tình theo đuổi đời sống tu trì không kéo
dài bao lâu, nhất là bà mẹ đạo đức qua đời.
Anselmô rơi vào tình
trạng nguội lạnh, nhiệt tình tuổi trẻ bị lôi cuốn vào những hấp dẫn thế trần.
Cho đến lúc này, Anselmô vẫn còn thần tượng của cha Ngài, nhưng Thiên Chúa đã
tha phép cho tình âu yếm của ông biến thành cay cú, đòi hỏi và cứng cỏi, đến nỗi
Anselmô đã phải bỏ nhà trốn đi. Ngài từ giã không phải khỏi nhà cha mẹ mà thôi,
nhưng còn bỏ luôn quê hương xứ sở cho tới tận miền Bourgogne. Tại đây, Ngài lấy
lại nhiệt tình ban đầu. Ba năm sau, Ngài đến thụ huấn với tu viện trưởng
Lanfrane ở Bec.
Một ngày kia, Anselmô
xét thấy mình đã khổ cực để nên thông thái nhiều hơn là để nên đạo đức. Ngài đến
quì dưới chân thày và nói : – Con có ba đường để theo : hoặc là trở thành tu sĩ
phải Bec, hoặc sống ẩn tu, hoặc ở giữa thế gian để phân phát cho người nghèo
gia sản của cha con để lại.
Đức Tổng giám mục giáo
phận Rouen khuyên Ngài theo đuổi đời sống tu trì. Thế là Anselmôgia nhập tu viện
Bec. Lúc ấy Ngài được 27 tuổi, Ngài đã dồn nỗ lực để nghiên cứu thần học và đời
sống khiêm tốn vâng phục. Năm 1072, Đức Đan viện phụ Lanfrane được đặt làm tổng
giám mục Canterbury. Anselmô được cử lên thay thế làm tu viện trưởng rồi làm
Đan viện phu.
Sự đơn sơ và nhân hậu
của Ngài đã đánh tan mọi ghen tương nghi kỵ. Hơn nữa sự thánh thiện và trí
thông minh của thánh nhân đã khiến cho Ngài trở thành danh tiếng không những đối
với các vị vua Chúa và các đức giám mục mà cả với thánh giáo hoàng Grêgôriô nữa.
Tu viện Đức Bà ở Bec trở thành nơi trung tâm của phong trào trí thức thế kỷ XI
năm 1087. Vua Willian I nước Anh từ trần. William Rufus lên kế vị. Nhà độc tài
này không muốn có những chủ chăn mới và sang đoạt được nhiều tài sản của Giáo hội,
nên khi Đức tổng giám mục Lanfrane qua đời, tòa giám mục Canterbury bị trống
ngôi, năm 1093 khi thánh Anselmô viếng thăm Anh quốc, Rufus trong cơn trọng bệnh
đã xin thánh nhân lãnh nhiệm vụ cai quản giáo phận Canterbury. Thánh nhân đã từ
chối, nhưng rồi cũng phải lãnh nhận vì sự nài nỉ của các giám mục và nhất là vì
sự chỉ định của đức Giáo hoàng Urbanô II.
Nhưng rồi khi nhà vua
bình phục, ông hối tiếc vì việc sám hối của mình. Khi bị Đức Anselmô buộc phải
chấp nhận quyền của Đức Urbanô, ông đã gây áp lực để truất phế đức tổng giám mục.
Đức Giáo hoàng không nhận những giáo dân có thế giá cho biết sẽ không tha thứ
cho việc truất phế thánh nhân, nhưng rồi năm 1097, sau nhiều cuộc cãi vã liên tục
và vô hiệu, thánh Anselmô tự ý xin đi lưu đày, Rufus ưng thuận.
Thánh Anselmô trở về
Roma và được khen ngợi vì sự can đảm của Ngài sau khi tham dự cộng đồng Bari và
Roma. Thánh nhân tìm về đời sống tu viện tại dãy núi Apennins. Nơi đây Ngài
hoàn thành tác phẩm: tại sao Thiên Chúa làm người. Ngài tuân thủ từng chi tiết
của lề luật như một tập sinh. Ngài nói : – Cuối cùng tôi gặp được chốn nghỉ
ngơi.
Năm 1100, Rufus qua đời
trong một cuộc đi săn. Henri em vua lên kế vị, nhà vua mới triệu vời vị tổng
giám mục trở về giáo phận. Năm 1106 Ngài trở về điều khiển Giáo hội tại Anh quốc.
Trải qua biết bao
thăng trầm thánh nhân vẫn giữ được tâm hồn bình lặng. Ngài không bỏ qua công cuộc
tìm kiếm thần học. Bởi đó, Ngài đã thành chiến sĩ đầu tiên của Giáo hội sau những
thế kỷ đen tối. Luận chứng của Ngài nhằm chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa
nay vẫn còn được biết đến. Thần học của Ngài là một phần linh đạo đặt trên sự cảm
thông với những đau khổ của Chúa Kitô.
Với tư cách Tổng giám
mục Canterbury Ngài đã chấm dứt việc bôi nhọ các thánh quê mùa của nước Anh quốc
và góp phần khơi dậy cảm tình những gì truyền thống nước Anh từ xưa để lại. Đây
là việc làm có giá trị lâu bền vì sửa lại được tình cảm phân rẽ và cuộc chinh
phục của William gây nên.
Năm 1109, thánh
Anselmô qua đời. Một con người đã luôn biết tìm kiếm Chúa. “Tôi không tìm hiểu
để tin nhưng tin để mà hiểu biết”, cuối cùng Ngài đã tìm về được ánh sáng vĩnh
cửu.
(daminhvn.net)
21 Tháng Tư
Món Quà Sinh Nhật
Một bác nông phu
tên là Donningos sinh sống bên Brazil bằng nghề trồng bắp. Một buổi sáng nọ,
trên con đường đi ra đồng làm việc, ông được đứa con trai mừng sinh nhật thứ 10
chạy theo căn dặn: “Ðừng quên mang về hai con chim nhỏ làm quà sinh nhật cho
con cha nhé!”. Người cha vốn rất vui tính và thương con nở nụ cười tươi, gật gù
dưới chiếc nón rộng vành cho con yên dạ.
Sau một ngày lao động
mệt nhọc trên cánh đồng, thấy mặt trời chưa lặn hẳn, bác Donningos vội đi qua
cánh rừng gần đấy gom một mớ củi. Ðang lúc bó củi, bỗng bác nhớ lại lời hứa
mang đôi chim về làm quà sinh nhật thứ 10 cho con. Bác bỏ vội bó củi bên đường,
tiến sâu vào rừng, trèo nhanh lên gành đá của một ngọn đồi, nơi chim thường làm
tổ. Tìm được một tổ chim có tiếng chim con kêu, bác cẩn thận luồn tay vào,
nhưng vừa đụng những chim con, bác vội rụt tay về, vì nghe đau nhói như bị kim
đâm. Nhìn kỹ đó là vết thương hai lỗ có máu rỉ ra. Chưa định thần thì một con rắn
đầu có hình chữ thập trườn ra ngoài, vươn đôi mắt ngê rợn chực tiếp tục tấn
công. Ðó là con rắn nổi tiếng được dân địa phương gọi là “uturu des sétao”. Nổi
tiếng vì nọc nó vô phương cứu chữa.
Bác nông phu vội
rút chiếc dao cán dài ra khỏi thắt lưng, nhắm đầu rắn chặt nhanh. May cho bác,
nhát dao giết chết được con rắn, nhưng bàn tay bị rắn cắn bỗng vụt sưng lên.
Không chần chừ, bác kê tay lên gốc cây và mạnh tay chặt luôn hai nhát, cắt lìa
bàn tay. Buộc xong vết thương bằng chiếc áo và dùng răng phụ chiếc tay còn lại
xiết chặt, bác dùng sức tàn chạy nhanh về nhà, nhưng vẫn không quên cầm hai chú
chim làm qua sinh nhật cho con.
Bạn có tin câu chuyện
có thực này không? Nếu bạn không tin thì làm sao bạn tin được một sự thật khác
còn to lớn hơn: Thiên Chúa chúng ta, không những cho chúng ta bàn tay của người,
nhưng đã trao ban cho chúng ta trọn Con Một yêu dấu của Người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét