24/07/2019
Thứ tư tuần 16 thường niên
BÀI ĐỌC I: Xh 16, 1-5.
9-15
“Ta sẽ cho mưa bánh từ trời rơi
xuống”.
Trích sách Xuất
Hành.
Con cái Israel rời bỏ
Êlim và đến hoang địa gọi là Sin, nằm giữa Êlim và Sinai, nhằm ngày mười lăm
tháng hai, kể từ khi rời bỏ đất Ai-cập. Toàn thể cộng đoàn con cái Israel kêu
trách Môsê và Aaron, họ nói với hai ông rằng: “Thà chúng tôi chết trong đất
Ai-cập do tay Chúa, khi chúng tôi ngồi kề bên nồi thịt và ăn bánh no nê. Tại
sao các ông dẫn chúng tôi lên sa mạc này, để cả lũ phải chết đói như vầy?”
Chúa liền phán cùng
Môsê rằng: “Đây Ta sẽ cho bánh từ trời rơi xuống như mưa: dân chúng phải đi lượm
bánh đủ ăn mỗi ngày, để Ta thử coi dân có tuân giữ lề luật của Ta hay không.
Nhưng mỗi ngày thứ sáu phải lấy gấp đôi phần mình quen lượm hằng ngày”.
Môsê nói cùng Aaron rằng:
“Hãy ra lệnh cho toàn thể cộng đoàn con cái Israel biết: Phải đến trước mặt
Chúa, vì Người đã nghe lời các ngươi kêu trách rồi”. Đang khi Aaron nói cùng
toàn thể cộng đoàn con cái Israel, họ nhìn về phía sa mạc, thì đây vinh quang của
Chúa hiện ra trong đám mây. Và Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ta đã nghe tiếng kêu
trách của con cái Israel; ngươi hãy nói với họ rằng: ‘Chiều nay các ngươi sẽ ăn
thịt, và sáng mai sẽ ăn bánh no nê, như thế các ngươi sẽ nhận biết rằng Ta là
Thiên Chúa các ngươi'”.
Chiều hôm ấy, có chim
cút bay tới che rợp các trại, và sáng hôm sau có sương sa xuống quanh trại. Tới
lúc sương tan trên mặt đất, thì thấy có vật gì nho nhỏ tròn tròn như hột sương
đông đặc trên mặt đất. Con cái Israel thấy vậy, liền hỏi nhau rằng: “Man-hu”,
có nghĩa là “Cái gì vậy?”, vì họ không biết là thứ gì. Môsê liền nói với họ:
“Đó là bánh do Chúa ban cho anh em ăn”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 77, 18-19.
23-24. 25-26. 27-28
Đáp: Chúa đã ban
cho họ được bánh bởi trời (c. 24b).
Xướng:
1) Họ đã thử thách
Thiên Chúa trong lòng, bằng cách đòi lương thực theo sở thích. Họ buông lời nói
nghịch cùng Thiên Chúa, rằng: “Thiên Chúa dọn được bàn ăn trong hoang địa này
chăng?” – Đáp.
2) Nhưng Người đã ra lệnh
cho ngàn mây trên cõi cao xanh, và Người đã mở rộng các cửa trời, Người đã làm
mưa Manna xuống để họ ăn, và Người ban cho họ được bánh bởi trời. – Đáp.
3) Con người được ăn
bánh của những bậc hùng anh; Người đã ban cho họ lương thực ăn tới no nê. Người
đã khiến gió đông từ trời nổi dậy, và trổ quyền năng dẫn luồng gió Nam thổi tới.
– Đáp.
4) Người làm cho thịt
mưa xuống trên họ như thể bụi tro, và những loài cầm điểu rơi xuống tựa hồ cát
biển. Chúng đã rơi rớt vào trong dinh trại, chung quanh mọi nơi cư xá của họ. –
Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia!
– Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và
Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 13, 1-9
“Nó sinh hoa kết quả gấp trăm”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra
khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến
nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và
Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói:
“Này đây, có người
gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời
bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên,
vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ
sâu, nên nó khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt.
Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt được
sáu mươi, hạt ba mươi. Ai có tai để nghe, thì hãy nghe”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Người Gieo
Giống (Mt 13,1-9)
Hôm nay chúng ta bắt đầu
đọc và suy niệm chương thứ 13 Phúc Âm theo thánh Mátthêu. Chương 13 này được
các nhà chú giải gọi là bài diễn văn thứ ba trong số năm bài diễn văn của Chúa
Giêsu được tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu ghi lại trong sách Phúc Âm của mình.
Và mục đích của bài diễn văn dài này được ghi nơi chương 13 là để trình bày một
chương trình sống của người đồ đệ của Chúa, người đồ đệ lắng nghe Lời Chúa.
Có tất cả là bảy dụ
ngôn được tác giả xếp lại với nhau và hôm nay chúng ta suy niệm dụ ngôn về người
gieo giống. Dụ ngôn này dài và gồm có ba phần. Phần thứ nhất Chúa Giêsu công bố
dụ ngôn người gieo giống. Phần thứ hai Chúa Giêsu giải thích thêm tại sao Ngài
dùng dụ ngôn mà giảng dạy. Và phần thứ ba Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của dụ
ngôn cho các môn đệ.
Chúng ta hãy suy niệm
ý nghĩa chung của dụ ngôn. Chúa Giêsu dạy cho các đồ đệ của Ngài ngày xưa và
cho chúng ta hôm nay một bài học về tinh thần lạc quan trong đời sống đức tin.
Cuối cùng, ơn Chúa sẽ thắng, Lời Chúa sẽ được đón nhận và sinh hoa kết quả tốt
đẹp. Những hoa trái đó có thể bù cho những thiệt mất trong thời gian chờ đợi
chiến thắng cuối cùng và vĩnh viễn của Lời Chúa và ân sủng cứu rỗi của Ngài.
Bài học về tinh thần lạc
quan tin tưởng này được giãi bày trong bốn dụ ngôn về hạt giống, về hạt cải, về
men trong bột và về hạt giống tự động mọc lên. Ở những câu đầu công bố dụ ngôn
(Mt 13,1-9) chúng ta thấy yếu tố chính mà tác giả Phúc Âm thánh Mátthêu muốn
chúng ta lưu ý đến không phải là mảnh đất, không phải là người gieo giống mà là
chính hạt giống. Tuy có bị mất mát, bị thiệt thòi vì những hoàn cảnh môi trường
khác nhau, nhưng có hạt giống trổ sinh được hoa trái.
Sau này, khi giải
thích về dụ ngôn cho các môn đệ, yếu tố chính không còn là hạt giống nữa mà là
các loại đất khác nhau đón nhận hạt giống. Các loại đất tốt xấu là những trạng
thái tâm hồn con người đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Nhưng hôm nay chúng ta
hãy dừng lại chiêm ngắm hạt giống trổ sinh hoa trái. Chúng ta hãy tin tưởng vào
sức mạnh của Lời Chúa, không ngã lòng thất vọng trước những nghịch cảnh, những
môi trường không thuận lợi cho Lời Chúa. Những người Do Thái chống đối khước từ
Chúa đã không làm hư chương trình cứu rỗi của Ngài. Ngày hôm nay cũng không thiếu
những hoàn cảnh đối nghịch với Lời Chúa nhưng chắc chắn sẽ không diệt bỏ được sức
mạnh trổ sinh hoa trái của Lời Chúa. Ðây là điểm tựa cho niềm hy vọng của người
đồ đệ.
Lạy Chúa là niềm hy vọng
của con,
Chúa là người gieo hạt
giống Lời Chúa khắp nơi. Xin thương mở rộng tâm hồn chúng con đón nhận Lời
Chúa, làm cho Lời Chúa được trổ sinh nơi đời sống chúng con, trổ sinh tinh thần
kiên trì, phục vụ quảng đại và hoán cải canh tân đời sống mình mỗi ngày một tốt
đẹp hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 16 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Exo
16:1-5, 9-15; Mt 13: 1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Người ta sống không phải chỉ
nhờ cơm bánh.
Nhu cầu ăn uống tuy là nhu cầu căn bản của con người; nhưng không phải là tất cả
nhu cầu của cuộc sống con người. Cám dỗ của ma quỉ xưa cũng như nay là làm cho
con người giản đơn tất cả cuộc đời vào nhu cầu ăn uống này, như chúng đã từng
cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc: “Ông hãy biến những hòn đá này thành bánh, thì
người ta sẽ tin và theo ông.” Chẳng lạ gì mà rất nhiều người thời nay dành hầu
như trọn ngày cho nhu cầu này: lao động, mua thực phẩm, nấu nướng, ăn uống … đến
nỗi chẳng còn thời giờ cho các nhu cầu tâm linh, trí tuệ, và tình cảm!
Các Bài Đọc hôm nay cho hai ví dụ tương phản của những người tìm vật chất và
người tìm Chúa. Trong Bài Đọc I, chỉ mới một tháng sau biến cố xuất hành qua Biển
Đỏ, dân Israel đã quên tình thương và uy quyền của Thiên Chúa, và họ nhớ những
đồ ăn thức uống bên Ai-cập. Họ than phiền với ông Moses: “Phải chi chúng tôi chết
bởi tay Đức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả
thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt
chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với dân một
dụ ngôn quan trọng về tiềm năng và sức mạnh của Lời Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hiểu biết về Thiên Chúa giúp con người tránh được tầm nhìn
thiển cận.
1.1/ Cái nhìn thiển cận của
con người: Những lời ta thán của con cái
Israel cho chúng ta thấy họ đã quên đi mục đích, tình thương, và uy quyền của
Thiên Chúa; mà chỉ còn bận tâm đến
nhu cầu ăn uống của
con người. Một sự nhìn lại sẽ cho ta thấy rõ tầm quan trọng của vấn đề:
(1) Mục đích: Thiên Chúa giải phóng dân Israel khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập
là để phục hồi nhân phẩm và đem dân vào Đất Hứa mà Ngài đã hứa với các Tổ-phụ.
Trước khi cho dân vào Đất Hứa, Ngài đem dân vào sa mạc để thử thách đức tin và
thanh luyện mọi tính hư tật xấu. Cuộc sống của dân Israel lang thang trong sa mạc
40 năm có thể ví như cuộc đời dương thế của mỗi người. Thiên Chúa muốn con người
chứng tỏ cho Ngài thấy niềm tin yêu của họ vào Thiên Chúa, qua những đau khổ và
thử thách, để xứng đáng được vào Đất Hứa là Thiên Đàng mai sau.
Thời gian cần thiết để
con người nhận ra sự quan trọng của mục đích và để thanh luyện. Thiên Chúa muốn
con người phải chờ đợi và chứng tỏ họ xứng đáng để được vào Đất Hứa; trong khi
con người lại muốn được vào ngay.
(2) Tình thương: là động lực thúc đẩy Thiên Chúa quan tâm đến những khổ cực mà
con cái Israel phải chịu. Vì tình thương, Thiên Chúa muốn cứu thoát họ khỏi cảnh
làm nô lệ cho người Ai-cập, và cõng họ trên vai như đại bàng cõng con qua Biển
Đỏ. Khi than trách Thiên Chúa và ham muốn “có bánh ăn và ngồi bên nồi thịt” hơn
là được tự do thờ phượng Thiên Chúa, họ đã khinh thường kế hoạch cứu độ và nghi
ngờ tình thương của Thiên Chúa dành cho họ.
(3) Uy quyền của Thiên Chúa: Dân Israel đã chứng kiến không biết bao nhiêu phép
lạ Thiên Chúa tỏ uy quyền trên người Ai-cập, nhất là phép lạ Chúa cho họ qua Biển
Đỏ an toàn trong khi toàn bộ quân đội Ai-cập bị nhận chìm trong Biển Đỏ. Nếu
Thiên Chúa có thể làm những phép lạ huy hòang như thế, việc cung cấp cho dân có
của ăn thức uống trong sa mạc thấm chi đối với Ngài. Lẽ ra thay vì mở miệng
than trách những lời đau lòng Thiên Chúa, họ biết quỳ gối xuống cầu nguyện xin
Người cho bánh ăn, thì kết quả sẽ tốt đẹp chừng nào!
(4) Thử thách: là cơ hội để con người chứng tỏ niềm tin. Nếu con cái Israel hiểu
biết những điều trên và luôn suy niệm trong lòng, họ sẽ lợi dụng thử thách để
tăng cường niềm tin và chứng tỏ niềm tin yêu của họ vào Thiên Chúa; chứ không
càm ràm, khó chịu, và thốt lên những lời độc địa xúc phạm đến Thiên Chúa, làm nản
chí các nhà lãnh đạo, và gây gương mù cho người khác. Hơn nữa, dù không muốn bị
thử thách và chịu đau khổ, họ vẫn phải ngang qua tiến trình đó, vì thử thách nằm
trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Nếu họ có thái độ tích cực và lạc quan hơn
để xin sức mạnh của Thiên Chúa, họ có thể vượt qua thử thách và trở thành những
người có bản lãnh hơn, vì gian nan rèn nhân đức.
1.2/ Thiên Chúa có dư quyền
năng để cung cấp thực phẩm cho dân trong sa mạc:
Đức Chúa phán với ông Moses: “Ta đã nghe tiếng con cái Israel kêu trách. Vậy,
ngươi hãy bảo chúng rằng: Vào buổi chiều, các ngươi sẽ được ăn thịt, và ban
sáng, các ngươi sẽ được ăn bánh thoả thuê, và các ngươi sẽ biết rằng Ta là Đức
Chúa, Thiên Chúa của các ngươi.”
Chúa nói và Chúa giữ lời. Ngài tìm được bánh ăn và thịt cho dân trong sa mạc,
nơi không một cây cỏ nào có thể sống được. Điều này Ngài muốn chứng minh cho
con người: Không chuyện gì là không thể đối với Thiên Chúa. Con người đừng thử
thách uy quyền của Ngài.
(1) Chim cút: Để cho dân có thịt ăn, “buổi chiều, chim cút bay đến rợp cả trại.”
Thiên Chúa là Đấng dựng nên và điều khiển muôn loài. Theo sự quan phòng khôn
ngoan, Ngài có thể truyền lệnh cho bất kỳ tạo vật nào, chúng phải vâng theo lệnh
của Ngài.
(2) Manna: Để co dân có bánh ăn, buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. Khi
sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ
như sương muối phủ mặt đất. Khi con cái Israel thấy thế, họ liền hỏi nhau:
“Manhu?” có nghĩa: “Cái gì đây?” Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Moses bảo họ:
“Đó là bánh Đức Chúa ban cho anh em làm của ăn!” Manna là hình bóng của Bí-tích
Thánh Thể: Nếu Thiên Chúa có thể nuôi phần xác của dân bằng việc cho manna rơi
từ trời xuống trong sa mạc, Chúa Giêsu có thể nuôi sống phần hồn của con người
bằng Bánh Thánh Thể mỗi ngày. Thế mà vẫn còn biết bao con người nghi ngờ sự hiện
diện của Chúa trong BT Thánh Thể!
2/ Phúc Âm: Dụ ngôn người gieo giống.
2.1/ Các bài giảng bằng dụ
ngôn
Trình thuật hôm nay bắt đầu phần bài giảng thứ ba trong năm bài giảng mà thánh
Matthew đã xếp đặt những lời giảng của Chúa Giêsu, theo như Ngũ Thư của Cựu Ước.
Phần thứ ba này cũng được gọi là “những bài giảng bằng dụ ngôn.”
Vùng Biển Hồ, nhất là vùng Jezreel, Bashan và Gilead, là nơi rất thích hợp cho
việc trồng lúa mì; nên chúng ta có thể nói khán giả của Chúa Giêsu, nếu không
hành nghề ngư phủ, cũng là những nông dân. Họ không lạ lẫm gì với việc gieo giống
và có thể hiểu ngay theo nghĩa đen những gì Chúa Giêsu muốn nói.
2.2/ Mục đích của Chúa
Giêsu: Qua dụ ngôn “Người Gieo Giống,” Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh đến tiềm năng của Lời Chúa và tâm hồn con người nơi mà Lời
Chúa được gieo vào.
Như người gieo giống ra đi gieo hạt, không phải hạt giống nào cũng có cơ hội
phát triển tối đa tiềm năng của chúng; nhưng chỉ có những hạt giống rơi vào những
thửa ruộng đã được cầy bừa cẩn thận, đất tốt và có nước nhiều. Những hạt giống
rơi xuống bên vệ đường sẽ không có cơ hội thối rữa đi, vì chim trời đến ăn mất.
Những hạt giống rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất
không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.
Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Hạt rơi trên đất tốt
cũng cho những kết quả khác nhau: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được
ba chục.
Cũng tương tự như vậy cho hạt giống Lời Chúa. Chúa Giêsu hay các ngôn sứ cũng
rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Lời Chúa tuy có sức mạnh vô hạn: chỉ lối cho
kẻ lạc đường, sửa dạy kẻ mê muội, thanh tẩy các tội lỗi con người, giúp tập
tành các nhân đức để càng ngày càng trở nên tinh tuyền thánh thiện; nhưng nó sẽ
không thể làm những điều này nơi những kẻ cứng lòng không thèm nghe, những người
hững lờ lạnh nhạt, những người quá mê mải sự thế gian đến nỗi không còn thời giờ
để học hỏi Lời Chúa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta không thể nào đơn giản hóa cuộc sống vào những nhu cầu vật chất, vì
con người được Thiên Chúa tạo dựng cho những mục đích cao quí hơn loài vật.
– Chúng ta phải dành thời giờ để học hỏi Lời Chúa và phát triển đời sống tâm
linh cũng như trí tuệ, để có thể nhận ra sự thật từ giữa bao cám dỗ sai trái và
đạt đích điểm của cuộc đời.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/07/19 – THỨ TƯ TUẦN 16 TN
Th. Sa-bê-li-ô Ma-lúp, linh mục
Mt 13,1-9
AI CÓ TAI THÌ NGHE
“Có những hạt rơi vào đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được
gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.” (Mt 13,8-9)
Suy niệm: Chắc chắn thính giả của
Chúa Giê-su hôm ấy không điếc, họ đều có tai và nghe được lời Ngài giảng dạy.
Thế mà cuối dụ ngôn, Chúa lại thêm một câu “khó nghe”: “Ai có tai thì nghe”. Quả
thật, có những tâm hồn bịt tai lại trước Lời Chúa, như trường hợp những mảnh đất
mà hạt giống bị chối từ hoặc chết yểu vì không đâm rễ sâu. Không phải Ngài sợ
người ta không nghe được câu chuyện, nhưng Ngài muốn nhắc nhở người nghe hãy biến
Lời Ngài thành hiện thực. Nghĩa là, nghe thôi thì không đủ mà còn phải làm theo
Lời đó nữa. Lời Chúa chỉ đem lại ơn cứu độ cho những ai biết hoán cải cuộc sống
của mình bằng việc thực thi Lời đó.
Mời Bạn: Muốn cho hạt giống phát
triển tốt thì cần phải bỏ thời gian chăm nom tưới bón đàng hoàng. Muốn làm cho
Lời Chúa sinh hoa kết quả, chúng ta cũng không làm gì khác. Cần phải biết dùng
thời giờ để lắng nghe, suy gẫm xem Chúa muốn ta làm gì thì mới có thể làm đúng
ý Ngài và chắc chắn sẽ cho hoa quả tốt. “Hạt được một trăm, hạt được sáu chục,
hạt được ba chục” hay không là tùy thuộc vào mức độ thấm nhuần Lời Chúa trong
tâm hồn người tín hữu.
Chia sẻ: Phải chăng việc chia sẻ Lời Chúa trong nhóm của bạn lâu
nay bị ngưng trệ? Phải chăng vì chúng ta đã không đề ra một hành động nào để
làm hướng sống cho cả nhóm?
Sống Lời Chúa: Trung thành với việc suy
niệm Lời Chúa mỗi ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin
cho con biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa đã truyền ban.
(5 Phút Lời Chúa)
Có tai thì nghe (24.7.2019 – Thứ
Tư tuần 16 TN)
Suy niệm:
Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.
Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.
Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.
Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.
Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.
Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.
Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.
Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến
để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?
May thay có những hạt rơi vào đất tốt,
và đem lại kết quả gấp bội.
Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,
nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.
Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.
Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.
Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình
Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?
Ðâu là số phận của chúng?
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.
Tôi nghe mà không hiểu.
Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,
bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.
Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.
Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,
nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.
Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.
Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,
tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.
Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.
Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.
Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.
Có hạt rơi vào long tôi như rơi vào đất tốt.
Tôi nghe và hiểu.
Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.
Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.
Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,
đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.
Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.
Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.
Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên
thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.
Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.
Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,
cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.
Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,
để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường
từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà
trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời
Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra
thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi
chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời
Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời
Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh
đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự
do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng
con
được xây trên nền tảng vững
chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống
chúng con.
Lm.
Antôn Nguyễn Cao Siêu,S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG BẢY
Tạo Vật Mang Dấu Ấn
Của Đức Kitô
Trong Thư Cô-lô-sê,
chúng ta thấy rằng chân lý về sự tiền định trong Đức Kitô có mối gắn kết chặt
chẽ với chân lý về việc sáng tạo trong Người. Thánh Phao-lô viết: “Người là
hình ảnh của Thiên Chúa vô hình, là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thụ tạo.
Vì nhờ Người mà muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất” (Cl 1,15-16).
Ở đây chúng ta nắm bắt
được một sự thật kỳ diệu. Ngay từ thuở đầu sáng tạo, thế giới mang trong mình
nó ơn gọi và thậm chí mối đảm bảo được tiền định trong Đức Kitô, bởi vì thế giới
được tạo dựng trong Đức Kitô và được cung hiến cho Thiên Chúa như tặng phẩm đầu
tiên của sự quan phòng. Thế giới đã được tạo thành nhờ Ngôi Lời Thiên Chúa là Đức
Kitô, Đấng mở ơn cứu độ ra cho mọi con người và, cuối cùng, cho thế giới. “Vì
Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19).
Sự viên mãn cuối cùng
của trái đất, nhất là sự chuyển hóa của con người, được đạt đến chính là nhờ
tác động của sự viên mãn vốn hiện diện nơi Đức Kitô. Đức Kitô đem lại cho chúng
ta sự viên mãn của Thiên Chúa. Theo một nghĩa nào đó, chính trong Đức Kitô mà
chương cuối cùng của lịch sử thế giới – nhất là lịch sử con người – được hoàn tất.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/7
Thánh Sarbêliô
Makhluf, linh mục
Xh 16, 1-5.9-15; Mt
13, 1-9.
LỜI SUY NIỆM: “Hôm ấy, Đức
Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông,
nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người
dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.”
Trong dụ ngôn “Người gieo giống đi ra gieo giống” Chúa Giêsu đã đưa ra 4 thế đất
sẽ tiếp nhận hạt giống và kết quả của nó: Đất Vệ đường, chim chóc ăn mất. Đất sỏi
đá, chết khô. Đất Bụi gai, chết ngạt. Đất tốt, sinh hạt được gấp trăm. Điều này
giúp cho mỗi người chúng ta xét mình lại trong cung cách của chúng ta tiếp nhận
Lời Chúa.
Lạy Chúa Giêsu. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới giúp chúng con hiểu Lời Chúa. Xin
Chúa cho chúng con mở rộng tâm hồn mình để đón nhận Chúa Thánh Thần để những hạt
giống Lời Chúa khi gieo vào lòng chúng con được sinh hoa kết trái gấp trăm lần.
Mạnh Phương
24 Tháng Bảy
Một Lời Thề Hứa
Từ tháng 5 đến
tháng 7 năm 1990 vừa qua, du khách trên khắp thế giới đã đổ xô về làng
Oberammergau bên Tây Ðức để thưởng thức tuồng Thương Khó Chúa Giêsu… Việc diễn
tuồng Thương Khó này là một lời thề hứa mà dân làng Oberammergau đã trung thành
giữ từ trên 400 năm nay.
Năm 1633, một nạn dịch
khủng khiếp đã giết hại không biết bao nhiêu sinh mạng trong vùng Bavaria. Ðể đề
phòng nạn dịch, dân làng Oberammergau đã đóng kín các cửa làng để không một người
lạ mặt nào có thể lọt vào trong làng… Chẳng may, một người đào huyệt trong làng
đã bị lây. Anh ta quyết định được chết trong ngôi làng thân yêu của mình. Anh
đã qua mắt được những người canh cửa để lọt vào trong và rồi lây bệnh cho nhiều
người khác trong làng…
Chỉ trong vòng hai
tuần lễ, 88 người dân làng đã bị thiệt mạng, ngay cả hai vị linh mục trong xứ
cũng không tránh khỏi ôn dịch. Một vị linh mục khác được sai đến. Dân làng
không biết làm gì khác hơn là cùng với vị linh mục đến trước Thánh Thể Chúa để
thề hứa. Qua sự cam đoan của linh mục chính xứ cũng như của những người đại diện,
toàn dân đã cam kết rằng nếu được Chúa cho tai qua nạn khỏi, họ sẽ trình diễn
tuồng Thương Khó của Chúa cứ 10 năm một lần…
Năm 1634, nghĩa là
một năm sau khi nạn dịch chấm dứt, dân làng Oberammergau đã giữ lời hứa với Chúa.
Già trẻ lớn bé, tất cả mọi người trong làng đã sốt sắng tham dự vào việc trình
diễn tuồng Thương Khó. Lần trình diễn đầu tiên ấy chỉ thu hút được khoảng 200
khán giả đến từ các làng lân cận. Và kể từ năm 1680, họ đã quyết định trình diễn
10 năm một lần. Ðến năm 1770 thì khách thập phương đã bắt đầu đổ xô về
Oberammergau…
10 năm một lần: khoảng
cách của 10 năm là để dân làng được chuẩn bị chu đáo hơn. Diễn viên của vở tuồng
phải là người dân làng. Các nhân vật được chọn lựa và huấn luyện kỹ càng. Riêng
người được chọn đóng vai Chúa Giêsu và Ðức Mẹ sẽ được dân làng chào hỏi một
cách kính cẩn bằng chính danh hiệu của Chúa Giêsu và Ðức Mẹ. Và trong suốt thời
gian chuẩn bị cũng như trình diễn, tất cả mọi nhân vật đều được mời gọi để sống
chính tâm tình của các nhân vật lịch sử trong vở tuồng… Vì là một lời thề của tổ
tiên để lại, cho nên đêm trước buổi trình diễn đầu tiên, toàn dân làng sẽ tham
dự Thánh lễ và sốt sắng rước Mình Thánh Chúa. Buổi tình diễn sẽ bắt đầu vào lúc
8 giờ sáng và kết thúc vào lúc 5 giờ chiều… Và vì đây là một buổi trình diễn có
tính cách tôn giáo, cho nên toàn dân làng Oberammergau không cho phép bất cứ một
cuộc thu hình nào.
Kinh thánh thuật lại rằng
trên đường tiến về Ðất Hứa, có lần nhiều người Do Thái bị rắn cắn chết giữa sa
mạc.. Chúa đã truyền lệnh cho Môi Sen đúc một con rắn đồng và treo lên cây. Tất
cả những ai bị rắn cắn nhìn vào con rắn đồng ấy đều được chữa lành…
Chúa Giêsu đã ví con rắn
đồng ấy với chính Ngài bị treo trên thập giá. Ngài mời gọi chúng ta hãy ngắm
nhìn Ngài trong cảnh bị treo ấy. Cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá đã gắn
liền với tội lỗi của từng người trong chúng ta. Người dân làng Oberammergau đã
hiểu được mối tương quan ấy. Họ diễn lại cuộc tử nạn của Chúa Giêsu để tưởng nhớ
công lao cứu sống của Ngài.
Một cách nào đó, mỗi
người chúng ta cũng là một diễn viên của vở tuồng Thương Khó Chúa Giêsu. Mỗi
người chúng ta được mời gọi để sống chính tâm tình của Chúa Giêsu. Tân tình của
Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn chính là cảm mến, vâng phục, yêu thương đối với
Chúa Cha và quảng đại, tha thứ đối với tha nhân. Ngắm nhìn Ngài trên thập giá,
chúng ta cũng được mời gọi sống lại tâm tình ấy. Và đó cũng chính là sức sống của
người Kitô chúng ta, bởi vì người Kitô luôn được mời gọi để sống cho Thiên Chúa
và tha nhân…
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét