Thánh lễ đầu năm dương lịch tại đền thở
thánh Phêrô và mở Cửa Năm Thánh tại đền thờ Đức Bà Cả
Sáng mùng 1 tháng giêng, ngày
đầu năm mới dương lịch, lễ kính Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, ĐTC Phanxicô đã chủ
sự thánh lễ trong Đền Thờ Thánh Phêrô và vào ban chiều ngài đã chủ sự thánh lễ
mở Cửa Năm Thánh tại Đền Thờ Đức Bà Cả.
Đồng tế thánh lễ có mấy chục
Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và linh mục. Tham dự thánh lễ có một số tu sĩ
nam nữ, ngoại giao đoàn cạnh Toà Thánh và khoảng gần 10.000 giáo dân. Đảm trách
phần thánh ca trong thánh lễ ngoài ca đoàn Sistina của Toà Thánh còn có ca đoàn
tổng hợp của các ca đoàn thiếu nhi tham dự đại hội quốc tế các ca đoàn thiếu
nhi lần thứ 40 tại Roma.
Bài đọc một bằng tiếng Pháp kể
lại lời chúc lành mà Thiên Chúa truyền cho thầy cả Aharon và dòng dõi tư tế
chúc lành cho dân Israel: “Chúa phán với ông Mô-sê: "Hãy nói với
A-ha-ron và các con nó rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói
thế này: "Nguyện Chúa chúc lành và gìn giữ anh (em)!Nguyện Chúa tươi nét mặt
nhìn đến anh (em) và dủ lòng thương anh (em)!Nguyện Chúa ghé mắt nhìn và ban
bình an cho anh (em)! Chúc như thế là đặt con cái Israel dưới quyền bảo trợ của
Danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6,22-27) Thánh vịnh 66 được hát
bằng tiếng Ý. Bài đọc hai bằng tiếng Anh trích thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín
hữu Galát: “Khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới,
sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống
dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử. Để chứng thực anh em là
con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà
kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi! " Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa,
nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl
4,4-7). Phúc Âm được hát bằng tiếng Latinh kể lại biến cố các mục đồng đến thờ
lậy Chúa Hài Nhi, rồi ra về chúc tụng Thiên Chúa về những điều đã nghe và đã thấy.
Họ kể lại cho mọi người những điều đã được nói về Hài Nhi. Thân Mẫu Người thì
gìn giữ mọi sự trong lòng và suy đi nghĩ lại. Sau tám ngày thì Con Trẻ được cắt
bì theo luật dậy và được đặt tên là Giêsu như thiên thần đã nói trước khi Người
được thụ thai trong lòng mẹ. (Lc 2,16-21).
Dòng sông tràn bờ của tội
lỗi không thể làm gì để chống lại đại dương thương xót tràn ngập thế giới
Giảng trong thánh lễ ĐTC nói: “Chúng
ta đã nghe các lời của tông đồ Phaolô: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã
sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà” (Gl 4,4). Chúa Giêsu đã sinh
ra trong “thời gian viên mãn” có nghĩa là gì? Nếu chúng ta nhìn vào thời điểm lịch
sử hồi đó, chúng ta có thể bị thất vọng ngay lập tức. Roma thống trị một phần lớn
thế giới được biết tới thời đó với quyền lực quân đội của nó. Hoàng đế Augusto
lên nắm quyền sau năm cuộc nội chiến. Cả Israel cũng đã bị đế quốc Roma chinh
phục và dân được tuyển chọn bị mất tự do. Như thế, đối với các người đồng thời
với Chúa Giêsu chắc chắn đó đã không phải là thời tốt đẹp nhất. Vì vậy không được
nhìn vào khung cảnh địa lý chính trị để định nghĩa điểm tột đỉnh của thời gian.
Cần có một giải thích khác,
hiểu thời viên mãn từ Thiên Chúa. Trong lúc Thiên Chúa thiết định rằng đã tới
lúc thành toàn lời đã hứa, thì đối với nhân loại thời viên mãn được thực hiện.
Vì thế, không phải lịch sử quyết định biến cố Chúa Kitô sinh ra; nhưng đúng hơn
chính biến cố Ngài đến thế gian cho phép lịch sử đạt sự viên mãn của nó. Chính
vì vậy mà từ biến cố Con Thiên Chúa sinh ra bắt đầu sự thành toàn của một kỷ
nguyên mới, kỷ nguyên trông thấy sự thành tựu của lời hứa xưa. Như tác giả thư
gửi tín hữu do thái viết: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy
cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa
đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử. Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ,
đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng muôn vật muôn loài. Người là phản ánh vẻ
huy hoàng, là hình ảnh trung thực của bản thể Thiên Chúa. Người là Đấng dùng lời
quyền năng của mình mà duy trì vạn vật.” Dt 1,1-3). Như vậy, thời viên mãn là sự
hiện diện của chính Thiên Chúa trong dòng lịch sử chúng ta. Giờ đây chúng ta có
thể trông thấy vinh quang của Ngài rạng ngời trong sự nghèo nàn của một chuồng
bò, và được khích lệ nâng đỡ bởi Ngôi Lời tự trở thành “bé nhỏ” nơi một trẻ
thơ. Nhờ Người thời gian của chúng ta có thể tìm thấy sự viên mãn của nó.
Áp dụng sự viên mãn này vào
tình hình thế giới loài người hiện nay ĐTC đau buồn ghi nhận như sau:
Tuy nhiên, mầu nhiệm này luôn
luôn đối nghịch với kinh nghiệm lịch sử thê thảm. Hàng ngày, trong khi chúng ta
muốn được nâng đỡ bởi các dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa, thì chúng ta lại
gặp các dấu chỉ trái nghịch, tiêu cực, khiến cho chúng ta cảm thấy như Ngài vắng
mặt. Thời viên mãn xem ra đổ vỡ tan tành trước nhiều hình thức của bất
công và bạo lực hàng ngày gây thương tích cho nhân loại. Nhiều khi chúng ta tự
hỏi: làm sao sự áp bức của con người trên con người lại có thể kéo dài như vậy?
Sự kiêu căng ngạo mạn của kẻ mạnh hơn lại tiếp tục hạ nhục người yếu đuối hơn,
gạt bỏ họ ra bên lề bần cùng nhất của thế giới như thế? Cho tới khi nào sự tàn
ác của con người còn gieo rắc trên trái đất bạo lực và thù hận, gây ra biết bao
nhiêu nạn nhân vô tội? Làm sao thời viên mãn lại có thể để trước mắt chúng ta
các đám đông nam nữ và trẻ em trốn chạy chiến tranh, đói khát, bách hại, đến liều
mạng sống, miễn là được thấy các quyền nền tảng của được tôn trọng? Một dòng
sông của bần cùng được dưỡng nuôi bởi tội lỗi, xem ra chống lại thời viên mãn
đã được Chúa Kitô thực hiện.
Tiếp tục bài giảng ĐTC khẳng
định: Thế nhưng dòng sông tràn bờ ấy không thể làm gì chống lại đại dương lòng
thương xót tràn ngập thế giới chúng ta. Chúng ta tất cả đuợc mời gọi dìm mình
trong đại dương ấy, để cho mình được tái sinh, để chiến thắng sự dửng dưng ngăn
cản tình liên đới, và ra khỏi sự trung lập giả dối gây chướng ngại cho sự chia
sẻ. Ơn thánh của Chúa Kitô, Đấng đã thành toàn sự chờ đợi ơn cứu độ, thôi thúc
chúng ta trở thành các cộng sự viên của Ngài trong việc xây dựng một thế giới
công bằng và huynh đệ hơn, nơi mọi người và mọi thụ tạo có thể sống trong bình
an, hoà hợp của thời tạo dựng nguyên thuỷ của Thiên Chúa.
Vào đầu năm mới, Giáo Hội làm
cho chúng ta chiêm ngưỡng Chức Làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria, hình ảnh của
hoà bình. Lời hứa xưa được thành toàn nơi con người của Mẹ. Mẹ đã tin vào các lời
của sứ thần, đã thụ thai Con và trở thành Mẹ của Chúa. Qua Mẹ, qua lời “xin
vâng” của Mẹ, thời viên mãn đã tới. Tin Mừng mà chúng ta đã nghe nói rằng Đức
Trinh Nữ “giữ gìn các điều ấy và suy gẫm trong lòng” (Lc 2,19) Mẹ được giới thiệu
với chúng ta như là chiếc bình luôn luôn tràn đầy ký ức về Chúa Giêsu, Ngai Toà
Khôn Ngoan, từ đó kín múc dể có thể giải thích trung thực giáo huấn của Ngài.
Hôm nay Mẹ cống hiến cho chúng ta khả thể tiếp nhận ý nghĩa các biến cố liên
quan tới cá nhân chúng ta, tới các gia đình, đất nước của chúng ta và toàn thế
giới. Nơi đâu lý trí của các triết gia, cũng như sự thương thuyết chính trị
không thể tới được, nơi đó sức mạnh của đức tin có thể tới, sức mạnh đem lại ân
sủng Tin Mừng của Chúa Kitô và có thể luôn luôn mở rộng các con đường mới cho
lý trí và sự thương thảo.
Lậy Mẹ Maria, mẹ diễm phúc, bởi
vì Mẹ đã trao ban Con Thiên Chúa cho thế giới; nhưng Mẹ còn diễm phúc hơn nữa
vì đã tin nơi Chúa. Tràn đầy đức tin Mẹ đã thụ thai Chúa Giêsu trong tim trước,
rồi trong cung lòng, để trở thành Mẹ của mọi tín hữu (x. Agostino , Sermo
215,4). Xin Mẹ trải dài phúc lành của Mẹ trên chúng con trong ngày dâng kính Mẹ
đây, xin chỉ cho chúng con thấy gương mặt của Chúa Giêsu Con Mẹ, là Đấng ban
lòng thương xót và bình an cho toàn thế giới.
Các lời nguyện giáo dân được
đọc bằng tiếng Tầu, cầu cho Hội Thánh, xin Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể
trong lòng Đức Maria gìn giữ Giáo Hội trong đức tin chân thật, xây dựng Giáo Hội
trong tình bác ái và làm cho Giáo Hội trở thành dụng cụ hữu hiệu của sự thánh
thiện và ơn thánh. Lời nguyện tiếng Đức cầu cho hoà bình giữa các dân tộc: xin
Hoàng Tử Hoà Bình chấm dứt chiến tranh, bẻ gẫy xích xiềng của thù hận, chúc
lành cho các cố gắng của mọi người thiện chí. Lời nguyện tiếng Ba Lan cầu cho
các kitô hữu bị bách hại: xin Đấng chứng nhân tình yêu của Thiên Chúa Cha canh
tân đức tin của họ, nâng đỡ họ trong giờ thử thách và hoán cải con tim của những
người bách hại họ. Lời nguyện tiếng Tây Ban Nha cầu cho ơn gọi linh mục: xin vị
Thượng Tế vĩnh cửu của các điều thiện hảo rộng mở trái tim của người trẻ cho cuộc
sống hy sinh cho ơn cứu rỗi của các anh chị em khác. Lời nguyện tiếng Tagalog
Philippines cầu cho các tín hữu hành hương: xin cho Hài Nhi Bếtlehem đã đến viếng
thăm chúng ta hướng dẫn họ trong việc kiếm tìm nhan thánh Chúa và biến đổi
cuộc sống của họ với ơn tha thứ.
Mấy chục linh mục đã giúp ĐTC
cho tín hữu rước lễ.
Mở rộng con tim và chú ý tới
tha nhân, đó là con đường chinh phục hoà bình
Lúc 12 giờ trưa ĐTC đã đọc
Kinh Truyền Tin với dân chúng.
Trong bài huấn dụ ngài đã
khích lệ mọi người noi gương Mẹ Maria biến tất cả mọi sự trong đời thành lời cầu
nguyện, mở rộng con tim và chú ý tới tha nhân, vì đó là con đường giúp chinh phục
hoà bình. Ngài nói: “Bắt đầu năm mới thật là đẹp trao đổi với nhau các lời cầu
chúc. Như thế chúng ta canh tân ước mong cho nhau rằng điều chờ đợi chúng ta tốt
đẹp hơn một chút. Nói cho cùng, đó là một dấu chỉ của hy vọng linh hoạt chúng
ta và mời gọi chúng ta tin vào sự sống. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng năm mới sẽ
không thay đổi tất cả, biết bao nhiêu vấn đề của ngày hôm qua sẽ vẫn là những vấn
đề của ngày mai. Vì thế tôi muốn gửi tới anh chị em một lời cầu chúc được một
niềm hy vọng cụ thể nâng đỡ, mà tôi rút tiả ra từ phụng vụ hôm nay.
Đó là những lời mà chính Chúa
đã xin để chúc lành cho dân Ngài: “Nguyện Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng ngời
trên anh em… Nguyện Chúa ghé mắt nhìn anh em” (Ds 6,25-26). ĐTC đã cầu chúc mọi
người như sau:
Tôi cũng xin cầu chúc anh chị
em điều này: xin Chúa ghé mắt nhìn anh chị em để anh chị em có thể vui mừng, biết
rằng mỗi ngày gương mặt thương xót của Ngài rạng rỡ hơn mặt trời ngời sáng trên
anh chị em, và không bao giờ lặn! Khám phá ra guơng mặt của Thiên Chúa
canh tân cuộc sống. Vì Ngài là một Người Cha si mê con người, không bao giờ mệt
mỏi bắt đầu trở lại với chúng ta để canh tân chúng ta. Tuy nhiên, Thiên Chúa
không hứa các thay đổi ảo thuật. Ngài không dùng cây đũa thần. Ngài thích thay
đổi thực tại từ bên trong, với lòng kiên nhẫn và tình yêu thương; Ngài xin được
vào trong cuộc sống chúng ta với sự tế nhị, như mưa rơi trên đất để làm cho nó
sinh hoa kết trái. Và Ngài luôn luôn chờ đợi chúng ta với sự dịu hiền. Mỗi
sáng, khi thức dậy, chúng ta có thể nói: “Hôm nay Chúa làm cho gương mặt Ngài rạng
ngời trên tôi”.
ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ:
“Lời chúc lành của Thánh Kinh tiếp tục như sau: “Xin Chúa ban bình an cho ngươi”
(c. 26). Hôm nay chúng ta cử hành Ngày Hoà Bình Thế Giới, với đề tài: “Chiến thắng
thờ ơ và chinh phục hoà bình”. Hoà bình mà Thiên Chúa Cha ước mong gieo vãi
trong thế giới, phải được chúng ta vun trồng. Không chỉ có thế, nó cũng
phải được chinh phục. Điều này bao gồm một cuộc chiến đấu đích thật, một cuộc
chiến tinh thần xảy ra trong con tim chúng ta. Vì kẻ thù của hoà bình không chỉ
là chiến tranh, mà cả sự dửng dưng nữa, khiến cho người ta chỉ nghĩ tới mình và
tạo ra các hàng rào, nghi ngờ, sợ hãi và khép kín. Cám ơn Chúa, chúng ta có biết
bao tin tức; nhưng đôi khi chúng ta bị chìm ngập trong tin tức đến độ lo ra
không để ý tới các thực tại, tới người anh chị em cần chúng ta giúp đỡ. Chúng
ta hãy bắt đầu mở rộng con tim, bằng cách chú ý đến tha nhân. Đó là con đường để
chinh phục hoà bình.
Xin Đức Nữ Vương Hoà Bình, Mẹ
Thiên Chúa, mà chúng ta mừng lễ trọng hôm nay, giúp chúng ta. Phúc Âm hôm nay
khẳng định rằng Mẹ “giữ gìn mọi điều ấy và suy gẫm trong lòng” Lc 2,19). Đó là
những điều gì vậy? Chắc chắn đó là niềm vui vì Chúa Giêsu sinh ra, nhưng cũng
là các khó khăn Mẹ đã gặp: Mẹ đã phải đặt Con Mẹ trong một máng cỏ, vì đã
“không có chỗ cho họ trong quán trọ” (c. 7) và tương lai rất vô định. Các niềm
hy vọng và các lo lắng, lòng biết ơn và các vấn đề, tất cả những điều đã xảy ra
trong đời, trong tim Mẹ Maria, đã trở thành lời cầu nguyện, đối thoại với Thiên
Chúa. Đó là bí quyết của Mẹ Thiên Chúa. Và Mẹ cũng làm như thế cho chúng ta: giữ
gìn các niềm vui và tháo gỡ các nút thắt của cuộc sống chúng ta, bằng cách đem
chúng đến với Chúa.
Chiều hôm nay tôi sẽ đến Đền
Thờ Đức Bà Cả để mở Cửa Thánh. Chúng ta hãy phó thác cho Mẹ năm mới, để cho hoà
bình và lòng thương xót lớn lên.
Tiếp đến ĐTC đã đọc kinh Truyền
Tin và ban phép lành toà thánh đầu năm cho mọi người.
Sau kinh Truyền Tin ĐTC đã
cám ơn tổng thống Italia về những lời chúc mừng trong sứ điệp cuối năm tổng thống
gửi nhân dân toàn nước. Ngài cũng gửi tới tổng thống các lời chúc nồng nhiệt nhất.
ĐTC đã cám ơn nhiều sáng kiến cầu nguyện và hoạt động cho hoà bình được tổ chức
tại nhiều nơi nhân Ngày Hoà Bình Thế Giới. Chẳng hạn cuộc tuần hành cho hòa
bình tại Molfeta chiều tất niên, do HĐGM Italia, Caritas, Hoà Bình Chúa Kitô và
Công Giáo Tiến Hành tổ chức. Thật là đẹp khi biết có nhiều người, nhất là giới
trẻ, đã chọn sống ngày đầu năm kiểu này. Ngài cũng chào các tham dự viên cuộc
biểu tình “Hoà bình trong mọi phần đất” được Cộng đồng thánh Egidio tổ chức tại
Roma và tại nhiều nước trên thế giới. Ngài khích lệ họ tiếp tục dấn thân này
cho sự hoà giải và hoà hợp. ĐTC cũng chào các gia đình của phong trào Tình Yêu
Gia Đình đã tham dự buổi canh thức đêm giao thừa tại công trường thánh Phêrô, để
cầu nguyện cho hoà bình và sự hiệp nhất của mọi gia đình trên toàn thế giới.
Ngài cám ơn các sáng kiến này và các lời cầu nguyện dành cho ngài. ĐTC cũng
chào các “Ca viên Ngôi sao Sternsinger tức các trẻ em và người trẻ tại Đức và
Áo đem phúc lành của Chúa Giêsu đến từng gia đình và quyên góp để giúp
các trẻ em nghèo trên thế giới. Sau cùng, ngài cầu chúc mọi người một năm hoà
bình trong ân sủng của Chúa giầu lòng thương xót, với sự chở che hiền mẫu của Mẹ
Maria, Thánh Mẫu của Thiên Chúa. Ngài chúc mọi người một năm mới an lành.
Vào lúc 5 giờ chiều ĐTC đã đến
nhà thờ Đức Bà Cả chủ sự thánh lễ và nghi thức mở Cửa Năm Thánh. Tham dự thánh
lễ đặc biệt có 350 người nghèo, ăn xin và vô gia cư ở Roma.
Sau lễ nghi sám hối ĐTC đã đọc
lời nguyện sau đây: “Lậy Thiên Chúa là Cha toàn năng và thương xót, Chúa
ban cho Giáo Hội Chúa một thời gian của ơn thánh, sám hối, và tha thứ, để Giáo
Hội được vui mừng canh tân nội tâm nhờ công trình của Chúa Thánh Thần, và luôn
luôn trung thành hơn bước đi trong các đường lối Chúa, loan báo cho thế giới
Tin Mừng cứu độ. Một lần nữa xin hãy mở cửa lòng thương xót Chúa và một ngày
kia đón nhận chúng con vào trong nhà Chúa trên trời, nơi Đức Giêsu Con Chúa, đã
đi trước chúng con, Người là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.”
Tiếp đến cộng đoàn hát kinh
xin Chúa Thánh Thần đến. Khi kết thúc, ĐTC lặng lẽ bước lên bậc mở Cửa
Thánh, dừng lại cầu nguyện trên ngưỡng cửa, rồi bước vào bên trong, theo sau là
các vị đồng tế và đại diện giới tu sĩ nam nữ và giáo dân. Trong khi ĐTC và đoàn
đồng tế tiến tới bàn thờ ca đoàn hát bài thánh ca Năm Thánh Lòng Thương Xót.
Tất cả các bài sách thánh
cũng giống như trong thánh lễ ban sáng và đều được đọc hay hát bằng tiếng
Ý.
Cùng Mẹ Maria bước qua Cửa
Năm Thánh và để cho Mẹ đồng hành với chúng ta trong cuộc sống
Giảng trong thánh lễ ĐTC đã
quảng diễn ý nghĩa bài thánh ca “Kính chào Mẹ của lòng thương xót, Mẹ của Thiên
Chúa và Mẹ của sự tha thứ, Mẹ của hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm
vui thánh thiện”. Ngài nói: “Trong ít lời này gói ghém tổng hợp đức tin của các
thế hệ tín hữu, dán mắt nhìn hình ảnh của Đức Trinh Nữ và xin Mẹ bầu cử và ủi
an. Cửa Thánh vừa mở là một Cửa của Lòng Thương Xót. Bất cứ ai bước qua ngưỡng
cửa này đều được mời gọi dìm mình trong tình yêu thương xót của Thiên
Chúa Cha, với sự tin tưởng tràn đầy không chút sợ hãi, và từ Vưong cung thánh
đường này cơ thể ra đi với xác tín Mẹ Maria đồng hành bên cạnh. Mẹ là Mẹ của
lòng xót thương, bởi vì Mẹ đã sinh ra trong cung lòng Mẹ chính Gương mặt lòng
xót thương của Thiên Chúa là Đức Giêsu, Emmanuel Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Đấng
được mọi dân tộc trông đợi, “Hoàng Tử Hoà Bình” (Is 9,5). Con Thiên Chúa
nhập thể làm người để cứu rỗi chúng ta đã ban cho chúng ta Mẹ Người, Đấng cùng
chúng ta hành hương để không bao giờ chúng ta cô đơn trên con đường cuộc sống,
nhất là trong những lúc không chắc chắn và khổ đau.
Đức Maria là Mẹ Thiên
Chúa thứ tha, vì thế chúng ta có thể nói rằng Mẹ là Mẹ của tha thứ. Từ tha thứ
bị tâm thức trần tục hiều lầm biết bao, trái lại ám nó chỉ hoa trái tinh tuyền
nguyên thuỷ của đức tin kitô. Ai không biết tha thứ, thì đã không biết sự tràn
đầy của tình yêu. Và chỉ có ai yêu thương thật sự, mới có thể đạt sự tha thứ, bằng
cách quên đi sự xúc phạm đã nhận lãnh. Dưới chân thập giá Mẹ Maria trông thấy
Con mình dâng hiến tất cả chính Ngài, và như vậy Mẹ chứng kiến việc yêu thương
như Thiên Chúa yêu thương có nghĩa là gì. Trong lúc đó Mẹ nghe Chúa Giêsu nói
lên các lời mà chắc hẳn dấu ẩn điều Mẹ đã dậy Ngài ngay từ nhỏ: “Lậy Cha, xin
tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,24). Trong lúc đó Mẹ Maria đã
trở thành Mẹ của sự tha thứ đối với tất cả chúng ta. Noi gương Chúa Giêsu
và với ơn thánh Ngài ban, chính Mẹ đã có khả năng tha thứ cho những người đang
giết Người Con vô tội của Mẹ.
ĐTC nói tiếp trong bài giảng:
Đối với chúng ta, Mẹ Maria trở thành hình ảnh Giáo Hội phải trải dài sự tha thứ
cho những ai kêu cầu ơn ấy làm sao. Mẹ của sự tha thứ dậy Giáo Hội rằng sự
tha thứ đã được cống hiến trên đồi Golgotha không có giới hạn. Luật lệ với các
lý luận chi li của nó cũng như sự khôn ngoan của thế giới này với các phân biệt
của nó không thể ngăn chặn được sự tha thứ. Sự tha thứ của Giáo Hội cũnv phải
trải dài ra như sự tha thứ của Chúa Giêsu trên thập giá và của Mẹ Maria đứng dưới
chân Người. Không có lựa chọn nào khác. Chính vì thế Chúa Thánh Thần dã khiến
cho các Tông Đồ trở thành các dụng cụ hữu hiệu của sự tha thứ, bởi vì những gì
đã có được do cái chết của Chúa Giêsu có thể tới với mọi người, tại khắp nơi và
trong mọi thời (x. Ga 20,19-23).
Sau cùng, bài thánh thi của Mẹ
Maria tiếp tục nói: “Mẹ của niềm hy vọng và Mẹ của ơn thánh, Mẹ tràn đầy niềm
vui thánh thiện”. Hy vọng, ơn thánh và niềm vui thánh thiện là chị em với nhau:
tất cả là ơn của Chúa Kitô, còn hơn thế nữa, chúng là tên gọi của Ngài được viết
trên thịt xác của Ngài. Món quà mà Mẹ Maria ban cho chúng ta khi cho chúng ta
Chúa Giêsu Kitô là ơn tha thứ canh tân cuộc sống, cho phép nó lại thực
thi ý muốn của Thiên Chúa, và làm cho nó tràn đầy hạnh phúc đích thật. Ơn ấy mở
rộng trái tim để nhìn tương lai với niềm vui của người hy vọng… Sức mạnh của ơn
tha thứ là liều thuốc chống lại sự buồn phiền do hận thù và báo oán gây ra. Sự
tha thứ mở ra cho niềm vui và sự thanh thản, bởi vì nó giải thoát linh hồn khỏi
các tư tưởng của sự chết, trong khi hận thù và báo oán xúi bẩy tâm trí và xé
nát con tim, bằng cách lấy mất đi sự nghỉ ngơi và an bình.
Chúng ta hãy đi qua Cửa Thánh
Lòng Thương Xót với xác tín về sự đồng hành của Đức Trinh Nữ, Thánh Mẫu của
Thiên Chúa, bầu cử cho chúng ta. Hãy để cho Mẹ đồng hành với chúng ta để tái
khám phá ra vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Con Mẹ. Hãy mở toang cánh cửa
con tim chúng ta ra cho niềm vui của sự tha thứ, ý thức về niềm hy vọng tin tưởng
được trả lại cho chúng ta, để biến đổi cuộc sống thường ngày của chúng ta trở
thành một dụng cụ khiêm tốn của tình yêu Thiên Chúa.
Các lời nguyện giáo dân được
hát bằng tiếng Ý xin Chúa thánh hoá Giáo Hội trong chân lý và sự thật, ban cho
các nhà lãnh đạo sự khôn ngoan và trí phân định, giải thoát các tù nhân của thù
hận và tội lỗi, làm nảy sinh ra các thừa sai mới của Tin Mừng và ơn tha thứ,
làm sống dậy trong gia đình tình yêu thương và lòng trung thành, hướng dẫn
người trẻ tới ơn trao ban chính mình và sống thánh thiện, cúi xuống trên người
nghèo với sự hiền dịu và quan phòng, đón nhận các anh chị em đã qua đời vào nước
của ánh sáng và niềm vui.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét