27/01/2016
Thứ Tư tuần 3 thường niên.
Bài Ðọc I: (năm
II) 2 Sm 7, 4-17
"Ta sẽ cho con của ngươi kế vị, và bảo đảm triều đại ngươi".
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Nathan lời này rằng: "Hãy đi và
nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho
Ta một ngôi nhà để ở chăng? Vì từ ngày Ta dẫn dắt con cái Israel ra khỏi đất
Ai-cập cho đến ngày nay, Ta không ở trong nhà, nhưng Ta di chuyển trong nhà tạm
và trong trại. Khắp mọi nơi Ta đi qua với con cái Israel, có khi nào Ta nói
cùng một trong các chi họ Israel mà Ta truyền dạy chăn dắt Israel dân Ta rằng:
"Tại sao không xây cất cho Ta một ngôi nhà bằng cây hương nam?"
Giờ đây, ngươi hãy nói cùng Ðavít tôi tớ Ta rằng: "Chúa các đạo binh
phán thế này: Ta đã đem ngươi ra khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên,
để ngươi trở nên thủ lãnh Israel dân Ta và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi
ngươi đi. Ta sẽ tiêu diệt mọi quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh
ngươi nên cao trọng như danh các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt để một nơi
cho Israel dân Ta, và Ta sẽ vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị
quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta
thiết lập các vị Thẩm phán trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi
mọi quân thù. Và Chúa phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một
ngôi nhà. Ðến khi qua đời, ngươi sẽ được an giấc cùng các tổ phụ ngươi. Kế đó
Ta sẽ cho con của ngươi kế vị và làm cho vương quốc ngươi vững mạnh. Chính người
sẽ xây dựng cho danh Ta một ngôi nhà, và Ta bảo đảm ngôi báu triều đại ngươi tồn
tại đến muôn đời. Ta sẽ là Cha người, và người sẽ là con Ta. Nếu người có phạm
lỗi, Ta sẽ sửa trị người bằng roi người lớn và bằng tai hoạ con cái loài người.
Nhưng Ta sẽ không cất khỏi người lòng từ bi của Ta, như Ta đã xử với Saolê, kẻ
đã bị Ta khai trừ khỏi mặt Ta. Và nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc
đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi!" Nathan đã
thuật lại cho Ðavít tất cả những lời và thị kiến này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88,
4-5. 27-28. 29-30
Ðáp: Ðời đời
Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái (c. 29).
Xướng: 1) Ta đã ký minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Ðavít
là tôi tớ của Ta rằng: "Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và
Ta thiết lập ngai báu ngươi qua muôn thế hệ". - Ðáp.
2) Chính người sẽ thưa cùng Ta: "Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và
Ðá Tảng cứu độ của con". Và Ta sẽ đặt người làm trưởng tử, cao sang hơn
các vua chúa ở trần gian. - Ðáp.
3) Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người
sẽ được mãi mãi duy trì. Ta sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu
người như những ngày của cõi cao xanh. - Ðáp.
Alleluia: 1Sam
3,9
Alleluia, Alleluia. - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng
tai nghe; Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc
4,1-20
"Người gieo hạt đi gieo hạt giống"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ
lại gần Người, nên Người xuống ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả
đám đông thì ở trên đất theo dọc bờ biển.
Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với họ rằng:
"Các ngươi hãy nghe! Nầy người gieo hạt đi gieo hạt giống.
Khi gieo, một phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết.
Phần khác rơi trên đất sỏi, nơi không có nhiều đất.
Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu.
Nhưng khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị
chết khô.
Một phần khác rơi vào bụi gai và gai mọc lên làm hạt giống chết mà không
sinh hoa trái được.
Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì sinh
được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm".
Và Người phán rằng: "Ai có tai nghe thì hãy nghe".
Khi Người còn lại một mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người,
hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn, Người liền bảo các ông:
"Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên Chúa, còn những người
khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì chúng nhìn mà không thấy,
nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội".
Người nói với các ông:
"Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những
dụ ngôn khác?
Người gieo hạt là gieo lời Chúa.
Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là những kẻ vừa nghe xong, thì Satan
đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.
Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi, là những kẻ khi nghe lời
Chúa thì đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người
hay thay đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền.
Lại có những hạt giống rơi trong bụi gai.
Ðây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những lo lắng trần tục, bóp nghẹt lời
Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được.
Còn những hạt giống gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa,
biết giữ lấy và làm sinh lợi, hạt ba mươi, hạt sáu mươi và hạt một trăm".
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Hạt giống Lời Chúa
Phan Linh là một nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật
và văn chương. Một hôm ông nhận được một món quà của một người bạn từ Ấn Ðộ, đó
là một cái chổi rơm. Nhận thấy có những hạt lúa dính ở cọng rơm, ông nhặt lấy
và đem đi gieo, sau đó ông cũng phân phát cho bà con cùng gieo, thu hoạch rất
khả quan và dần dần lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nhập giống lúa mới và
khai sinh kỹ nghệ làm chổi phục vụ cho cả nước.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng
về Nước Trời. Việc gieo giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến
4/5 dân số sống bằng nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt
trên đất đã cày bừa cẩn thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở
nên như thửa đất để hạt giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều
hoa trái, làm ích cho mình và cho người khác nữa.
Nhìn lại cuộc đời của mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ
trước tới nay chúng ta chưa đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì
chúng ta vẫn để cho tâm hồn xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa
vị và của cải làm chết ngạt Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến
trong cuộc sống bản thân, gia đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời
gọi chúng ta, nhưng chúng ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời
sống. Lời Chúa vẫn chưa bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa.
Xin làm cho những hạt giống ấy được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được
nhiều bông hạt, để mỗi ngày chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần
xây dựng Giáo Hội Chúa ngày một lớn mạnh hơn.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 3
TN
Bài đọc: Heb
10:11-18; 2 Sam 7:4-17; Mk 4:1-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa có tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người.
Cha ông chúng ta thường nói “Điều kiện để thành công, phải có đủ 3 yếu tố:
thiên thời, địa lợi, nhân hòa.” Hay, phải có 4 đúng: “đúng người, đúng vật,
đúng nơi, đúng thời.” Thiếu một trong những điều kiện đòi hỏi là sẽ không thành
công hay không đạt được kết quả mong muốn.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh việc cộng tác làm việc giữa Thiên Chúa và
con người. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, mặc dù vua David muốn xây nhà cho Thiên Chúa;
nhưng Thiên Chúa không muốn điều đó. Trái lại, Ngài hứa sẽ xây một dòng dõi
muôn đời cho nhà David. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống, có tiềm
năng để sinh lợi ích cho con người; nhưng hạt giống có sinh lợi thực sự hay
không tùy thuộc vào nơi mà hạt giống được gieo vào; nói cách khác, tùy thuộc
vào sự cộng tác tích cực của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I
(năm chẵn): "Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt
Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi."
2.1/ Không phải David sẽ xây nhà cho Thiên Chúa: Việc xây dựng
đền thờ hay nhà cho Thiên Chúa ngự tự nó không xấu; nhưng ý hướng xây dựng nhà
thờ phải được thấu hiểu cách rõ ràng:
(1) Thiên Chúa không cần con người xây nhà cho Ngài; vì mọi sự là của
Thiên Chúa. Điều này hiển nhiên, vì con người không thể giới hạn hay đóng khung
Thiên Chúa trong phạm vi của ngôi nhà. Sở dĩ Thiên Chúa muốn hiện diện trong
căn lều hay trong ngôi thánh đường là vì Ngài muốn cho con người một dấu chứng,
để họ biết chắc Thiên Chúa đang hiện diện với họ. Ngài nhắc nhở tiên-tri Nathan
về cuộc hành trình vào Đất Hứa của con cái Israel và sự hiện diện của Ngài ở giữa
họ: "Trong suốt thời gian rày đây mai đó với toàn thể con cái Israel, có
bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một trong các thủ lãnh Israel mà Ta đã đặt lên chăn
dắt dân Ta là Israel: "Sao các ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ
bá hương?""
(2) Đền Thờ được dựng nên không phải cho lợi ích của Thiên Chúa; nhưng
cho lợi ích của con người. Con người cần sự hiện diện của Thiên Chúa để được
Ngài dạy dỗ, bảo vệ và ban ơn. Đền thờ là nơi con người qui tụ để lắng nghe và
học hỏi Lời Chúa; nếu không có cơ hội học hỏi, làm sao con người biết thi hành
những gì Ngài dạy? Đền thờ cũng là nơi Thiên Chúa ban ơn cho con người: tha tội
qua những lễ vật hy sinh của Cựu Ước hay ban ơn thánh qua các bí-tích của Tân Ước.
Vì thế, điều con người cần tránh là thái độ tự mãn khi xây nhà thờ: cho là mình
đã có công khi xây dựng cho Thiên Chúa một chỗ ở
2.2/ Chính Thiên Chúa sẽ "xây nhà" cho David: Trong mối
tương quan giữa Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa luôn là người đi bước trước
trong mọi sự, con người chỉ là người đáp trả tình yêu và ân phúc của Thiên
Chúa. Phía của Thiên Chúa luôn chắc chắn và vững bền; phía của con người hay
thay đổi và nông nổi. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa liệt kê những gì
Ngài đã, đang, và sẽ làm cho vua David và dòng dõi của ông.
(1) Những gì Thiên Chúa đã làm cho vua David: "Chính Ta đã cất nhắc
ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là
Israel. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ
cho khuất mắt ngươi."
(2) Những điều Thiên Chúa hứa sẽ làm cho nhà David:
- Cho cá nhân của David: Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên
tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất... Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không
còn thù địch nào nữa.
- Cho dân chúng một nơi cư ngụ vĩnh viễn: "Ta sẽ cho dân Ta là
Israel một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ
không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở
ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Israel."
- Cho Solomon, người kế vị vua David: "Khi ngày đời của ngươi đã mãn
và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị
ngươi - một người do chính ngươi sinh ra - và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó
được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho
ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ
là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của
con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi
Saul, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi."
- Cho dòng dõi của vua David: Ngai vàng của David sẽ vững bền muôn thuở:
"Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta;
ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi." Tất cả các vua cai trị Israel sẽ
xuất thân từ dòng dõi David; điều này bao gồm Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài
cũng xuất thân từ dòng dõi David, và Ngài sẽ làm vua cai trị toàn dân đến muôn
đời.
Tất cả những gì Thiên Chúa hứa, Ngài đã thực hiện; cho dù phải trải qua
thời gian chờ đợi về phía con người, vì những việc làm hay những quyết định
nông nổi của họ.
3/ Phúc Âm: Hiệu quả tùy thuộc
ở các nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Dụ ngôn Chúa Giêsu nói tới hôm nay nhắm tới 2 điểm chính: (1) Hạt giống
là Lời Chúa, tự nó có tiềm năng sinh lợi như hạt giống có tiềm năng sinh nhiều
hạt khác; (2) Nơi gieo vào là lòng trí con người, Lời Chúa có sinh lợi hay
không, và sinh lợi bao nhiêu, tùy thuộc vào lòng trí con người.
3.1/ Bốn nơi mà hạt giống Lời Chúa được gieo vào:
(1) Vệ đường: Chúa giảng: “Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường,
chim chóc đến ăn mất.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã
gieo xuống, là những kẻ vừa nghe thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.” Hạng
người này là những người dửng dưng và vô tâm, họ coi Lời Chúa không quan trọng
trong cuộc đời của họ.
(2) Sỏi đá: Chúa giảng: “Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất;
nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu
rễ nên bị chết khô.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ
khi nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ
nông nổi nhất thời; sau đó, khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp
ngã ngay.” Hạng người này không chịu suy xét để đào sâu và sống Lời Chúa, nên dễ
dàng bỏ cuộc sau một thời gian ngắn.
(3) Bụi gai: Chúa giảng: “Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết
nghẹt và không sinh hoa kết quả.” Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ khác là những kẻ được
gieo vào bụi gai: đó là những kẻ đã nghe Lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả
vinh hoa phú quý cùng những đam mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến
lời không sinh hoa kết quả gì.” Đây là những kẻ đã nghe Lời, nhưng không chịu
mang ra sinh sống trong cuộc đời. Thay vào đó, họ chạy theo bả vinh hoa phú
quí, hay theo tính đam mê xác thịt.
(4) Đất tốt: Chúa giảng: “Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn
lên, sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được
một trăm.” Chúa cắt nghĩa: “Còn những người khác nữa là những người được gieo
vào đất tốt: đó là những người nghe Lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ
thì ba mươi, kẻ thì sáu mươi, kẻ thì một trăm.” Đây là những kẻ nghe, hiểu thấu,
và mang ra sống trong cuộc đời. Tùy thuộc vào cách ứng dụng, họ sinh lời được
30, 60, hay 100.
3.2/ Bí mật của Mầu Nhiệm Nước Trời: Khi còn một mình Đức Giêsu, những người
thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với các
ông: "Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với
những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ
có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại
và được ơn tha thứ."
Thoạt nghe những lời này, một người có thể hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời chỉ
ban cho một số người thuộc về Thiên Chúa; và sẽ dễ rơi vào chủ thuyết “tiền định:”
người nào được Thiên Chúa tiền định cho được cứu rỗi, Ngài sẽ ban cho hiểu; và
ngược lại. Hiểu biết như vậy là sai vì 2 lý do sau đây:
(1) Marcô trích dẫn Isa 6:10 của Bản Bảy Mươi, nhưng không hoàn toàn cả
câu: “Vì tim của dân này đã bị chai đá, tai của họ đã điếc, và mắt họ đã nhắm lại,
kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.”
Một điều khác biệt là Bản Bảy Mươi dùng thời thụ động cho động từ đầu tiên “đã
bị chai đá,” và muốn hiểu như thế cho 2 động từ theo sau. Điều này muốn nói người
chịu trách nhiệm cho những hậu quả này là dân chúng chứ không phải Thiên Chúa.
Bản dịch của MT dùng thời truyền lệnh: Chúa phán: "Hãy đi nói với dân này
rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy
làm cho lòng dân này ra đần độn, cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy,
tai nó nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành." Bản dịch
này xem ra có vẻ qui trách nhiệm cho Thiên Chúa.
(2) Thực ra, nếu xét toàn bộ văn mạch và tất cả Kinh Thánh, đây chỉ là lối
nói của người Do-thái khi qui trách mọi việc xảy ra là trong sự quan phòng của
Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu xét theo kinh nghiệm cuộc đời rao giảng của Chúa
Giêsu cũng như của tiên-tri Isaiah, mặc dù cả hai đã cố gắng rao giảng, nhưng nếu
con người không chịu mở lòng để đón nhận, mở tai để nghe, mở mắt để nhìn; làm
sao họ có thể hiểu và thi hành những lời rao giảng? Và nếu không hiểu, làm sao
có thể thi hành để sinh hoa kết quả? Đó chính là mục đích mà trình thuật nhắm tới
hôm nay.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa luôn trung thành yêu thương và ban mọi ơn lành. Vấn đề là về
phía chúng ta có nhận ra tình yêu và cộng tác với Ngài để sinh lợi ích cho
chính chúng ta và tha nhân hay không. Chúng ta không thể sinh lợi ích gì cho
Thiên Chúa.
- Lời Chúa có tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người. Lời Chúa có
sinh ích hay không hoàn toàn tùy thuộc vào thái độ và khả năng lãnh nhận của
chúng ta.
- Chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, dành nhiều thời
gian để học hỏi và suy niệm, đồng thời phải để Lời Chúa hướng dẫn mọi sự trong
cuộc đời.
Lm. Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
27/01/16 THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Th. An-giê-la Mê-ri-xi, trinh nữ
Mc 4,1-20
Th. An-giê-la Mê-ri-xi, trinh nữ
Mc 4,1-20
Suy niệm: Hoàn cảnh địa lý vùng Pa-lét-tin hiếm có những
khu đất tốt bằng phẳng, thuận lợi. Người gieo phải có đôi chút mạo hiểm và hào
phóng, tận dụng mọi ngóc ngách để gieo giống mới mong có mùa gặt mai sau. Thế
giới ngày nay theo xu hướng vật chất hưởng thụ, chuộng cuộc sống tiện nghi dễ
dãi, chẳng khác nào những bụi gai, cỏ rậm hay vệ đường sỏi đá; làm cho Lời Chúa
được nghe lọt tai đã là khó, phương chi tìm ra được mảnh “đất tốt” để hạt giống
Lời Chúa bám rễ nảy mầm! Chúa dạy các môn đệ của Ngài không được bó tay, nhưng
phải gieo, gieo mãi, bất chấp lòng người là sỏi đá, vệ đường hay bụi gai. Điều
này đòi hỏi nhà thừa sai có một tinh thần dấn thân và phó thác cao. Bởi gieo
trồng vun tưới là việc của Phao-lô, của A-pô-lô, của bạn, của tôi, của chúng
ta; còn kết quả là do Thiên Chúa (x. 1Cr 3,6).
Mời Bạn: Lòng
người dù có là sỏi
đá, vệ đường, bụi gai nhưng
vẫn có thể được cày xới chăm bón để biến đổi thành đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa được gieo xuống không nằm yên thụ động mà còn có sức cải tạo
đất. Chẳng hạn các thánh Phao-lô, Au-gút-ti-nô, Phan-xi-cô Xa-vi-ê đã được biến
đổi thành “đất tốt” nhờ đã được đón nhận Lời Chúa gieo vào tâm hồn cách nhẫn
nại và hào phóng. Thiên Chúa đang cần chúng ta có sự nhẫn nại và hào phóng đó
để Nước Trời được mùa gặt bội thu!
Sống Lời Chúa: Việt
Nam đã hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng, nhưng còn khá nhiều ‘đất hoang’. Đừng trì
hoãn nữa, nhưng hãy gieo cách hào phóng bằng chính sinh hoạt thường ngày.
Cầu nguyện: Đọc Kinh Năm Thánh.
Hạt
giống
Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta,
dù chỉ một lần, ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.
Suy niệm:
Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,
như rơi vào thửa đất màu mỡ,
đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.
Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước
Trời.”
Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ
thơ.
Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm
cho chính Ta.”
Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với
Giêsu
mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.
Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,
nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn
ít xảy ra.
Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.
Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống
đều nghe.
Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,
vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe
bằng cả tâm hồn.
Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.
Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,
mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.
Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho
Xatan.
Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp
đất mỏng bên trên.
Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,
không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.
Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.
Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi
dưỡng mình,
đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.
Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào
sâu, đâm rễ,
thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến
từ bên ngoài.
Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời,
đam mê giàu có.
Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp
nghẹt hạt giống.
Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái
lạc và âu lo.
Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho
sạch.
Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa
trái gấp trăm.
Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi
kéo,
họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.
Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?
Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.
Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho
đến tận thế.
Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá
của lòng mình.
Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù
chỉ một lần,
ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
27 Tháng
Giêng
Thánh Angela Merici
(1470 - 1540)
Vào lúc 56 tuổi, Angela Merici từ chối lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng. Ngài biết
Ðức Clêmentê VII muốn ban cho ngài một vinh dự lớn lao và một cơ hội vĩ đại để
phục vụ khi đức giáo hoàng yêu cầu ngài nhận trách nhiệm lãnh đạo một dòng nữ
tu chuyên về điều dưỡng. Nhưng Angela biết công việc điều dưỡng không phải là
điều Thiên Chúa muốn mời gọi ngài thi hành.
Ngài mới từ Ðất
Thánh trở về. Khi trên đường đến đó ngài bị bệnh nặng và bị mù. Tuy nhiên, ngài
nhất quyết tiếp tục cuộc hành hương và thăm viếng các thánh địa với tất cả lòng
sùng kính hơn là muốn chiêm ngưỡng bằng cặp mắt. Trên đường về ngài được chữa
lành và được sáng mắt. Ðiều ấy chắc chắn đã nhắc nhở ngài rằng không thể nhắm mắt
trước nhu cầu của những người chung quanh, và đừng đóng cửa lòng trước lời mời
của Thiên Chúa.
Ở khắp nơi trong thành phố, đâu đâu ngài cũng thấy các em gái nghèo nàn, không
có học vấn và cũng không có tương lai. Trong thế kỷ mười lăm và mười sáu của
Thánh Angela, vấn đề giáo dục phụ nữ là dành cho người giầu và cho các nữ tu.
Angela là người có học thức. Cha mẹ ngài chết sớm khi ngài mới mười tuổi và sau
đó ngài phải sống với người chú. Ngài thực sự bối rối khi thấy chị của ngài từ
trần mà không được lãnh nhận các bí tích. Trong một thị kiến ngài được đảm bảo
là chị của ngài được an toàn trong bàn tay Thiên Chúa -- và cũng qua thị kiến ấy
ngài tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa.
Khi chú ngài từ trần, trở về nhà ngài nhận thấy các em gái trong vùng không có
một chút học vấn. Nhưng ai sẽ dạy các em? Thời ấy thật khác biệt. Phụ nữ không
được phép làm nghề giáo và các cô chưa chồng thì không được tự ý đi ra ngoài --
dù để phục vụ người khác. Nữ tu là các phụ nữ có kiến thức nhưng họ không được
phép bước chân ra khỏi tu viện. Thời đó không có dòng nữ tu chuyên về giáo dục
như ngày nay.
Ðể giúp đỡ các em, Angela nghĩ ra một phương cách mới. Ngài quy tụ một nhóm các
cô thuộc dòng Ba Phanxicô, đi ra đường phố và tụ tập các em gái lại để dạy học
cho các em. Các cô không có tiền cũng như không có quyền thế, họ chỉ có tấm
lòng tận tụy cho việc giáo dục và cho Ðức Kitô. Sống trong chính nhà của mình,
họ gặp gỡ để cầu nguyện và dạy học. Họ thành công đến nỗi Angela được yêu cầu
đưa sáng kiến ấy để thực hiện ở các thành phố khác, và đã làm nhiều người kinh
ngạc, kể cả đức giáo hoàng.
Mặc dù ngài từ chối đức giáo hoàng, nhưng có lẽ thỉnh cầu của đức giáo hoàng đã
gợi ý cho ngài thấy rằng cần phải chính thức hóa tổ chức của ngài. Mặc dù chưa
bao giờ là một nữ tu, Hội Thánh Ursula của Angela là nhóm nữ tu đầu tiên hoạt động
ngoài khuôn khổ nhà dòng và là dòng nữ đầu tiên chuyên lo giáo dục.
Thánh Angela Merici từ trần năm 1540, khi ngài khoảng bảy mươi tuổi.
Lời Bàn
Như với nhiều vị thánh khác, lịch sử hầu như chỉ lưu tâm đến hoạt động của các
ngài. Nhưng chúng ta phải luôn nhớ rằng, đức tin và đức ái sâu xa của các ngài
là động lực thúc đẩy và là nguồn can đảm giúp các ngài đáp ứng với nhu cầu
không cùng của con người trong xã hội.
Lời Trích
Khi sự thay đổi trở nên khó khăn đối với nhiều người, có lẽ thật hữu ích khi nhớ
lại lời của thánh nữ nói với các nữ tu: "Nếu theo thời gian và vì nhu cầu,
các chị phải vâng theo các quy luật mới và thay đổi một vài điều, thì hãy thi
hành với sự thận trọng và hãy để ý đến lời khuyên bảo."
Trích từ NguoiTinHuu.com
27 Tháng
Giêng
Ống Ðiện Thoại Sống
Xã hội càng văn minh, kỹ thuật càng tân tiến, thì người già càng bị ngược đãi.
Tại Roma chẳng hạn, với khoảng 3 triệu dân cư, người ta ước tính có đến trên
sáu trăm ngàn người già. Chỉ có một số nhỏ được săn sóc đàng hoàng, đa phần phải
trải qua một trong những thử thách lớn nhất của tuổi già là cô đơn và nhiều sự
ngược đãi khác.
Từ bao lâu nay, các tu sĩ thuộc cộng đồng Thánh Egidio đã dấn thân một cách đặc
biệt trong việc bảo vệ quyền lợi của người già. Nay, cộng đồng còn đưa ra một
sáng kiến mới gọi là "Cú điện thoại chống lại bạo động và bênh vực quyền lợi
của người già". Với sáng kiến này, cộng đồng đã thiết lập một đường dây điện
thoại đặc biệt nhằm giúp cho những người già đang sống một mình hoặc bà con
thân thuộc của họ có thể liên lạc để xin trợ giúp tron bất cứ nhu cầu nào. Túc
trực điện thoại trên đường dây này là 60 nhân viên, tất cả đều đã từng có kinh
nghiệm trong nhiều ngành khác nhau như luật pháp, cán sự xã hội, y tá, nói
chung trong mọi lĩnh vực có liên quan đến các vấn đề của người già.
Qua sáng kiến trợ giúp trên đây, nhiều người già cả đã ý thức hơn về quyền lợi
của họ cũng như tìm được nhiều an ủi đỡ nâng qua chính những người chỉ túc trực
ở điện thoại để lắng nghe.
Một tác giả đã viết về sự cô đơn như sau: "Cô đơn là cho đi mà không có
người nhận, muốn nhận mà chẳng có ai cho. Cô đơn là chờ đợi, mà cái mình chờ chẳng
bao giờ đến. Như hai bờ sông nhìn nhau mà vẫn nghìn trùng cách xa bởi dòng
sông. Nên cô đơn là gần nhau mà vẫn cách biệt. Không phải cách biệt của không
gian mà là cách biệt của cõi lòng. Bởi đó, vợ cô đơn bên chồng, con cái cô đơn
bên cha mẹ. Càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt mà vẫn
phải gần nhau thì lại càng cô đơn hơn. Tôi cô đơn khi tôi bị vây bọc bởi những
con sông thờ ơ, những mây mù ảm đạm. Tôi có thể cô đơn vì tôi không đến với những
người khác…".
Những dòng trên đây như muốn nói lên một sự thật: ai trong chúng ta cũng đều có
thể rơi vào cô đơn. Trong bất cứ tuổi tác nào, trong bất cứ địa vị nào trong xã
hội, ai cũng có thể làm mồi cho cô đơn. Liều thuốc để ra khỏi sự cô đơn, chính
là ra khỏi chính mình để làm cho người khác bớt cô đơn. Xã hội sẽ được ấm tình
người hơn nếu mỗi người biết ra khỏi cái vỏ ích kỷ hẹp hòi của mình để đến với
người khác, để trở thành một đường dây điện thoại sống cho người khác.
Trích sách Lẽ Sống
SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY
NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Tư, 27 tháng 1 – Thánh Angêla Mêrici,
trinh nữ
2 Sa-mu-en 7,4-17 · Thánh Vịnh
88,4-5.27-28.29-30 ·
Mác-cô 4,1-20
Gieo Hạt Giống
Người gieo giống đi ra gieo giống. Mác-cô 4,3
Một câu chuyện được bắt đầu vào năm 1535, khi đó, Angêla Mêrici
là con của một gia đình nông dân nhưng cô đã gieo trồng một loại hạt giống
khác. Cô tập hợp hai mươi tám chị em lại để cùng nhau dâng hiến đời mình cho việc
phụng sự Thiên Chúa. Từ đó về sau, những chị em tận hiến này được gọi là các nữ
tu của Dòng Thánh Ursula.
Ngày hôm nay, chúng tôi, những nữ tu của Dòng Thánh Ursula,
tiếp tục gieo những hạt giống tâm hồn của Thánh sáng lập Dòng. Chúng tôi nhận
ra rằng không phải tất cả mọi nỗ lực của mình đều rơi trên mảnh đất tốt. Một số
rơi bên vệ đường rồi bị loại đi, còn số rơi trên nền đất sỏi đá thì chúng bị trốc
rễ bởi những suy tính ích kỷ. Số khác lại rơi vào bụi gai và bị chết nghẹt. Thế
nhưng, chúng tôi vẫn tiếp tục cố gắng không ngừng và luôn tin rằng Thiên Chúa –
vị Chủ Nhân của Mùa Gặt sẽ cho nảy mầm những nỗ lực ấy vào một thời điểm thích
hợp.
Trong Năm Thánh Lòng Thương Xót này, chúng ta hãy buộc chặt
những bao hạt giống tren lưng và hăng say tiến bước trên những nẻo đường yêu
thương mà chúng ta đã chọn để dấn thân, để loan truyền đức tin theo cách tốt nhất
có thể. Hãy ca tụng Chúa, ngay cả giữa mùa Đông băng giá, vì chắc chắn rằng những
chồi non của sự sống mới sẽ xuất hiện. Và như lời của Thánh Nữ Angêla Mêrici,
chúng ta cần « tin tưởng, hy vọng và hành động » một cách không ngừng
nghỉ.
Nt. Bridget Haase, O.S.U.
HỌC HỎI NĂM THÁNH
Dung
Nhan Lòng Thương Xót – Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Hỏi 88 : Với lòng thương xót và tha thứ vượt lên trên công lý,
Thiên Chúa có phủ nhận công lý không?
Đáp 88 :
Không, Thiên Chúa
không phủ nhận công lý nhưng Ngài bao bọc và vượt qua nó với biến cố khổ nạn và
phục sinh, mà qua đó, chúng ta được mặc khải kinh nghiệm về tình yêu, nền tảng
của công lý đích thực.
Hỏi 89 : Công lý của Thiên Chúa là gì?
Đáp 89 :
Công lý của Thiên Chúa
là lòng thương xót của Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta như một ân sủng tuôn
tràn từ cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kitô (Số 21).
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa là Đấng ban Lời Hằng Sống, xin làm cho con trở nên người gieo
giống nhiệt tình và quảng đại như ý Chúa muốn, để con tích cực và kiên trì đem
gieo Lời Chúa vào mọi ngõ ngách của cuộc sống ở chung quanh con.
Quyết Tâm : Tích cực trong bổn phận hay sinh hoạt thường
ngày với tinh thần tông đồ.
(nguồn trích: Sống Lời Chúa số 2 – Mùa thường
Niên 1 của Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét