24/01/2019
Thứ Năm tuần 2 thường niên
Thánh Phanxicô Salêsiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Lễ nhớ.
* Thánh nhân sinh tại
Xavoa năm 1567. Sau khi làm linh mục, người tận tuỵ với công việc canh tân Hội
Thánh công giáo tại quê hương. Được chọn làm giám mục Geneve, người tỏ ra là một
mục tử lo lắng cho giáo sĩ và giáo dân. Người là vị sáng lập dòng các nữ tu
thăm viếng cùng với chị Phanxica đờ Săngtan. Suốt cuộc đời, người trở nên mọi sự
cho mọi người qua lời nói và chữ viết, cũng như khi tranh luận thần học với anh
em Tin Lành, khi giúp cho giáo dân biết sống đời sống thiêng liêng, lo lắng
chăm nom cả kẻ bé lẫn người lớn. Thánh nhân qua đời ở Lyon ngày 28 tháng 12 năm
1622.
BÀI ĐỌC I: Dt 7, 25 –
8, 6
“Người chỉ dâng của lễ một lần
khi hiến dâng chính Mình”.
Trích thư gửi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa
Giêsu có thể cứu độ cách vĩnh viễn những ai nhờ Người mà đến với Thiên Chúa, vì
Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta.
Phải, vì chúng ta cần
một vị Thượng tế thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, tách biệt khỏi kẻ tội lỗi và
đã được nâng cao trên các tầng trời. Người không cần phải như các tư tế hằng
ngày dâng của lễ, trước là đền tội lỗi mình, sau là đền tội lỗi dân chúng, vì Người
làm việc ấy chỉ có một lần khi hiến dâng chính Mình. Vì Lề luật thì đặt những
người yếu đuối làm tư tế, còn lời thề có sau Lề luật, thì đặt Người Con hoàn hảo
làm thượng tế đến muôn đời.
Điểm chính yếu về các
điều đang đề cập đến là: chúng ta có một Thượng tế như thế ngự bên hữu Đấng Tối
Cao trên trời, với tư cách là chủ tế trong đền thờ, và trong nhà tạm chân thật
mà Chúa – chứ không phải người phàm – đã dựng nên. Quả thật, mọi thượng tế được
đặt lên là để hiến dâng lễ vật và hy tế, vì thế, vị thượng tế này cần phải có
gì để hiến dâng. Vậy nếu Người còn ở trần gian, thì Người cũng không phải là tư
tế, vì đã có những người phụ trách hiến dâng của lễ theo lề luật. Việc phượng tự
mà họ làm chỉ là hình bóng những thực tại trên trời, như lời đã phán cùng Môsê
khi ông sắp dựng nhà tạm rằng: Chúa phán: “Ngươi hãy xem, ngươi sẽ làm mọi sự
theo mẫu Ta đã chỉ cho ngươi trên núi”. Hiện giờ vị Thượng tế của chúng ta đã
lãnh một chức vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là Đấng trung gian của một giao ước
tốt hơn, mà giao ước ấy được thiết lập trên những lời hứa rất tốt lành. Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 39, 7-8a.
8b-9. 10. 17
Đáp: Lạy Chúa, này
con xin đến, để thực thi ý Chúa (c. 8a và 9a).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ
vật thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở rộng tai con. Chúa không đòi hỏi lễ
toàn thiêu và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: “Này con xin đến”. – Đáp.
2) Như trong quyển
vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa, và pháp luật của
Chúa ghi tận đáy lòng con.
– Đáp.
– Đáp.
3) Con đã loan truyền
đức công minh Chúa trong Đại hội, thực con đã chẳng ngậm môi, lạy Chúa, Chúa biết
rồi. – Đáp.
4) Hãy mừng vui hoan hỉ
trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa thực là cao cả! bao
nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. – Đáp.
ALLELUIA: Mt 4, 4b -Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi
mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 3, 7-12
“Các thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu lên rằng: ‘Ngài là Con
Thiên Chúa’, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu
cùng các môn đệ lui về bờ biển, đám đông từ Galilêa theo Người, và từ Giuđêa,
Giêrusalem, Iđumê, bên kia sông Giođan, miền Tyrô và Siđon, nhiều kẻ đến cùng
Người, khi nghe biết tất cả những việc Người đã làm. Vì đông dân chúng, nên Người
bảo các môn đệ liệu cho Người một chiếc thuyền, kẻo họ chen lấn Người. Vì
chưng, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, nên bất cứ ai mắc bệnh tật gì đều đến
gần để động đến Người. Và những thần ô uế vừa thấy Người, liền sụp lạy và kêu
lên rằng: “Ngài là Con Thiên Chúa”, nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết
lộ gì về Người. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Hiểu biết
Chúa Giêsu
Có một giai thoại về
Trang Tử như sau:
Một hôm, Trang Tử
cùng đệ tử đi chơi núi, một người thợ rừng hỏi: "Tại sao cây này không
dùng được?", Trang tử liền nói: "Cây này vì bất tài mà được sống
lâu".
Về đến nhà, nguời
thợ bắt con chim không biết gáy để làm tiệc đãi khách. Hôm sau đệ tử hỏi Trang
Tử:
- Hôm qua, cái cây
trên núi vì bất tài mà sống, con chim hồng vì bất tài mà chết; theo Thầy, Thầy
xử trí thế nào?
Trang Tử cười và
nói:
- Tài và bất tài đều
là quấy cả. Khôn cũng chết, dại cũng chết, biết thì sống.
Ðông Phương đề cao
sự khôn ngoan ở đời; Tây Phương chịu ảnh hưởng Hy Lạp cũng dạy: con người lý tưởng
là con người biết nhiều. Nhưng biết không chỉ là biết sự vật, mà là biết con
người, và biết con người không chỉ là một nhận thức suông, mà thiết yếu là đi
vào tri giao mật thiết.
Trong Tin Mừng hôm
nay, dường như tác giả muốn đưa chúng ta vào một sự hiểu biết như thế. Thánh
Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác
nhau về con người Chúa Giêsu. Trước hết là đám đông từ các nơi tìm đến với Chúa
Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Ngài thực hiện. Nhưng trong nhận định
của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh
tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà
không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã
loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại
sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ
có ma quỷ biết Chúa Giêsu là ai, nhưng biết đối với ma quỷ không đồng nghĩa với
tri giao, mà chỉ là thù hận.
Ðặt vào đúng văn mạch,
thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa
Giêsu: ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận; đám đông thì tìm đến với
Ngài vì mục đích trục lợi; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu
biết hời hợt, thiếu chiều sâu; những người Biệt phái thì hoàn toàn mù tịt về
con người Chúa Giêsu; chỉ có Nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết
chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết Ngài không chỉ là một nhận thức
của trí tuệ, mà là đi vào tri giao mật thiết với Ngài, đi theo Ngài, nên một với
Ngài. Ðó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện Nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài
là Ðức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của
Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự
hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi Kitô hữu. Biết và tuyên
xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là nên một với Ngài đến
độ thốt lên như Thánh Phaolô: "Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là
chính Chúa Kitô sống trong tôi".
Ước gì tâm tình và xác
tín của Thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta từng giây phút của cuộc
sống.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 2 TN, Năm lẻ
Bài đọc: Heb
7:25 – 8:6; Mk 3:7-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là
sự tòan hảo của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống, con
người phải trải qua nhiều giai đọan thử thách và vấp ngã, trước khi đạt tới chỗ
tòan hảo. Tục ngữ Việt Nam cũng nói lên điều này trong câu: “Thất bại là mẹ
thành công.” Tác giả Thư Do-Thái đề cập đến quan niệm này ngay từ đầu Thư: “Thuở
xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn
sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.
Thiên Chúa đã nhờ Người mà dựng nên vũ trụ, đã đặt Người làm Đấng thừa hưởng
muôn vật muôn loài.” Khi cái hòan hảo tới thì cái tạm thời qua đi. Điều quan trọng
là con người cần nhận ra cái hòan thiện và tin theo, chứ không ngoan cố giữ lại
cái cũ.
Các Bài Đọc hôm nay
nói lên vai trò quan trọng của Chúa Giêsu trong Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên
Chúa. Trong Bài Đọc I, Tác-giả Thư Do-Thái nhấn mạnh đến 3 yếu tố quan trọng
trong việc Chúa Giêsu hiến mình làm của lễ đền tội cho con người: Ngài vừa là
Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek, vừa là của lễ tòan hảo, và nơi Ngài dâng của
lễ lên Thiên Chúa là ngai vàng nơi Thiên Chúa ngự trên trời. Trong Phúc Âm, khi
nghe những gì Chúa Giêsu đã làm, dân chúng từ khắp nơi kéo đến để được nghe giảng
và chữa lành bởi Chúa Giêsu; ngay cả các thần ô uế cũng khiếp sợ Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Chúa Giêsu vừa là Thượng Tế thập tòan, vừa là của lễ hy
sinh tòan hảo.
1.1/ Của lễ của Thượng Tế
Giêsu dâng thánh thiện và vẹn tòan hơn của lễ của Cựu Ước: Để chứng minh điều này, tác giả Thư Do-Thái đề cao những
đặc tính của Chúa Giêsu: “Phải, đó chính là vị Thượng Tế mà chúng ta cần đến: một
vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được
nâng cao vượt các tầng trời.”
(1) Chỉ dâng hy lễ một
lần là đủ: “Đức Giê-su không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ
tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người,
Người đã dâng chính mình và chỉ dâng một lần là đủ.” Để hiểu ý tác giả, chúng
ta cần so sánh vai trò của Chúa Giêsu là Thượng Tế theo phẩm trật Melkizedek với
vai trò của Thượng Tế theo phẩm trật Aaron:
– Các Thượng-tế: có
vai trò nổi bật trong Ngày Xá Tội, mỗi năm một lần. Trong ngày này, ông được
quyền vào trong nơi Cực Thánh để dâng lễ đền tội cho dân. Trước khi có thể dâng
lễ đền tội cho dân chúng, ông phải dâng lễ đền tội cho ông trước bằng lễ vật của
chính ông. Sau đó, ông dâng lễ vật của dân để đền tội cho họ. Ngày Xá Tội cứ tiếp
diễn mỗi năm như thế.
– Thượng Tế Giêsu: Vì
Ngài thánh thiện vẹn tòan, nên Ngài không cần dâng của lễ đền tội cho mình. Để
đền tội cho dân, Ngài dâng chính thân mình làm của lễ đền tội. Đây là lễ vật hy
sinh thánh thiện và tinh tuyền nhất, không một của lễ nào có thể so sánh được.
Chính vì vậy, Ngài chỉ cần dâng một lần là đủ. Vì thế, Chúa Giêsu vừa là Thượng
Tế, vừa là lễ vật hy sinh; và vì Ngài sống mãi, nên biến cố hy sinh của Ngài
trên Đồi Golgotha thay thế của lễ đền tội trong Ngày Xá Tội. Con người không cần
lễ vật hy sinh của theo Luật Cựu Ước nữa.
(2) Chúa Giêsu là Thượng
Tế của Thiên Chúa và của con người: Tác gỉa kết luận: “Vì Luật Moses thì đặt
làm thượng tế những con người vốn mỏng giòn yếu đuối, còn lời thề có sau Lề Luật,
lại đặt Người Con đã nên thập toàn cho đến muôn đời.” Nói cách khác, Chúa Giêsu
vừa là Thượng Tế tòan hảo, và của lễ Ngài dâng để đền tội cho dân cũng tòan hảo
vì là chính bản thân của Ngài.
1.2/ Thánh Điện để dâng của
lễ là ngai vàng Thiên Chúa trên trời: Sau
khi đã đề cập tới chức vụ Thượng Tế, và của lễ hy sinh đề tội, tác giả tiến đến
chỗ dâng của lễ. Trong Cựu Ước, chỗ dâng của lễ là nơi Cực Thánh trong Đền Thờ.
Trong Tân Ước, chỗ dâng của lễ là chính ngai vàng Thiên Chúa ngự: “Điểm chủ yếu
trong những điều đang nói ở đây là điểm này: chúng ta có một vị Thượng Tế cao cả
như thế ngự bên hữu ngai Đấng uy linh ở trên trời.”
(1) Nơi Cực Thánh
trong Đền Thờ dưới đất: là nơi Thiên Chúa hiện diện với con người. Nơi này được
xây cất bởi con người theo một kiểu mẫu mà Thiên Chúa đã chỉ dạy cho Moses trên
núi, nhưng nơi này “chỉ là hình ảnh lu mờ mô phỏng thánh điện trên trời.”
(2) Ngai Thiên Chúa
trong Thánh Điện trên trời: Khi Chúa Giêsu dâng lễ vật hy sinh, Ngài dâng
“trong lều trại thật, do Thiên Chúa chứ không phải do người phàm dựng lên.”
Nói tóm, “Đức Giêsu được
một tác vụ cao trọng hơn, bởi vì Người là trung gian của một giao ước tốt đẹp
hơn; giao ước này căn cứ vào những lời hứa tốt đẹp hơn.”
2/ Phúc Âm: Mọi người từ khắp nơi kéo đến với Chúa Giêsu.
Bước đầu trong hành
trình rao giảng của Chúa Giêsu thành công tốt đẹp: phần vì những lời giảng dạy
của Ngài, phần vì những phép lạ Ngài làm cho dân chúng. Tiếng lành đồn xa, nên
như trình thuật hôm nay kể, mọi người trong khắp vùng Cận Đông tuôn đến với
Chúa Giêsu: “Đức Giêsu cùng với các môn đệ của Người lánh về phía Biển Hồ. Từ
miền Galilee, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Judah, từ Jerusalem, từ
xứ Idumea, từ vùng bên kia sông Jordan và vùng phụ cận hai thành Tyre và Sidon,
người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.”
(1) Chúa Giêsu chữa
con người khỏi mọi bệnh họan tật nguyền: Điều có sức hấp dẫn con người nhất là
được chữa lành khỏi mọi bệnh họan tật nguyền. Dân chúng kéo đến với Chúa Giêsu
để được chữa bệnh. Ngài có năng lực của Thiên Chúa đến nỗi “ai có bệnh cũng đổ
xô đến để sờ vào Người.” Nếu cứ để họ chen lấn xô đẩy nhau để được đến gần và sờ
vào Chúa, không khéo sẽ có nhiều tai nạn không may xảy ra. Hơn nữa, Chúa đến
không phải chỉ để chữa bệnh, mà còn giảng dạy và mặc khải về Thiên Chúa, nên
Chúa Giêsu đã khôn ngoan “bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ.”
(2) Các thần ô uế biết
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa: Danh xưng “con Thiên Chúa” không nhất thiết chỉ bản
tính Thiên Chúa của Chúa Giêsu, vì danh xưng này được dùng để chỉ nhiều người
như: các thiên thần (Gen 6:2), dân Do-Thái là con Thiên Chúa (Hos 11:1), vua của
Do-Thái là con Thiên Chúa (II Sam 7:14), người công chính là con Thiên Chúa (Sir
4:10)… Các thần ô uế có thể nhận thấy một thứ quyền lực thánh thiện từ Chúa
Giêsu đối chọi với sự ô uế của chúng, làm cho chúng không thể tồn tại, nên hỏang
sợ kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết
lộ Người là ai.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúa Giêsu là sự
tòan hảo của Thiên Chúa. Chúng ta hãy tin tưởng và học hỏi nơi Ngài để biết về
Thiên Chúa.
– Vì chúng ta không có
thời gian nhiều để học hỏi mọi điều hay trong vũ trụ; điều quan trọng và cần
thiết nhất chúng ta phải học là kiến thức về Thiên Chúa.
– Chỉ một người duy nhất
có thể mang đến cho chúng ta Ơn Cứu Độ là Chúa Giêsu qua hiến lễ hy sinh của
Ngài trên Thập Giá.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/01/2019 – THỨ NĂM TUẦN 2 TN
Th. Phan-xi-cô Sa-lê-si-ô, giám mục, tiến sĩ HT
Mc 3,7-12
LIỆU CÓ SỰ THẬT TỪ MA QUỶ?
Các thần ô uế vừa thấy Người liền sụp lạy và hô lên rằng:
“Ngài là Con Thiên Chúa!” Nhưng Người nghiêm cấm chúng không được tiết lộ gì về
Người. (Mc 3,11-12)
Suy niệm: Theo lẽ thường, ma quỷ chẳng
muốn ai tin nhận Chúa Giê-su là Con Thiên Chúa. Thế nhưng lạ thay hôm nay chúng
lại “rao” điều đó công khai trước mặt mọi người. Điều kỳ lạ hơn, chính Chúa
Giê-su cấm không cho chúng tiết lộ về Ngài. Phải chăng có gì bí ẩn trong câu
chuyện này? Đúng là ma quỷ đang muốn phá đám bằng cách tiết lộ thân thế và sứ mạng
cứu thế của Chúa Giê-su, điều mà đúng ra mỗi người phải nói lên bằng sự xác tín
của mình. Vả lại, Chúa Giê-su còn lạ gì chiến thuật của ma quỉ! Chúng đã từng
đưa chiêu bài “nếu ông là Con Thiên Chúa” để cám dỗ Ngài đi lệch khỏi chương
trình cứu độ của Chúa Cha. Nay chúng lại muốn “phá bĩnh” bằng chính những lời
có vẻ đúng nhất, thật nhất nhưng lại khiến người ta hiểu sai vai trò cứu thế của
Ngài theo kiểu một vị vua trần tục. Và vì vậy Ngài đã cấm chúng nói thêm.
Mời Bạn: Chúng ta dễ bị cám dỗ coi
Hội Thánh như một phương thế để đạt được lợi lộc hay quyền lực thế tục. Noi
gương Chúa Giê-su chúng ta khước từ thứ sự thật từ ma quỉ để bước theo con đường
tự hiến phục vụ trong khiêm tốn và yêu thương. Mặt khác Ngài dạy chúng ta “có
thì nói có,” dùng lời nói để xây dựng Hội Thánh thành một “Nước sự thật và sự sống,
yêu thương và an bình”.
Sống Lời Chúa: Châm ngôn sống: Khiêm tốn
phục vụ (Mc 10,43-44) và nói sự thật trong lòng mến (x. Ep 4,15).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin
cho chúng con biết tin nhận sự thật Chúa dạy để được quy tụ trong Nước Cha, là
Nước sự thật và sự sống, yêu thương và an bình.
(5 Phút Lời Chúa)
Chữa lành nhiều bệnh nhân (24.1.2019
– Thứ Năm Tuần 2 TN - Lễ nhớ Thánh Phanxicô Salêsiô)
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay được coi là một bản tóm lược
những hoạt động của Đức Giêsu tại vùng phía biển hồ.
Có vẻ Ngài rút lui về vùng này không phải vì sợ bị hãm hại (Mc 3, 6),
nhưng để mở rộng phạm vi hoạt động hơn.
Như trước đây không lâu, mọi người từ vùng Giuđê và Giêrusalem
kéo tới xin chịu thanh tẩy bởi ông Gioan (Mc 1, 5),
giờ đây một đám đông lớn hơn từ khắp mọi vùng đổ xô đến với Đức Giêsu.
Có thể nói cả dân Ítraen hào hứng tụ họp bên ngài (Mc 3, 7-8).
Chưa bao giờ Đức Giêsu thành công đến thế !
Nhưng nhiều người trong đám đông khổng lồ này lại là những bệnh nhân.
Họ theo Đức Giêsu vì họ đã nghe biết những phép lạ chữa bệnh ngài làm.
Đức Giêsu xin các môn đệ chuẩn bị một chiếc thuyền
để nếu bị chen lấn quá trên bờ, ngài còn có thể xuống thuyền mà tránh đám
đông.
Những bệnh nhân tin rằng mình có thể được chữa lành nhờ chạm đến Ngài.
Có những người chỉ xin chạm vào tua áo choàng của Ngài (Mc 6, 56).
Họ không chờ Đức Giêsu đến với họ.
Chính họ chủ động chen lấn để chạm đến Đức Giêsu.
Họ không cần Ngài phải làm gì hay nói gì,
họ chỉ cần chạm đến trong lòng tin là mọi bệnh tật được chữa khỏi.
Dù y khoa đã đạt được những bước tiến đáng kể,
nhưng ai có thể thống kê hết số bệnh nhân trên thế giới.
Con người hôm xưa chạy đến với Đức Giêsu để xin được chữa lành
khỏi ách nặng nề của bệnh tật thân xác và tinh thần.
Con người hôm nay cũng chạy đến với Giáo Hội để xin được chữa lành.
Mọi nhà thương, phòng khám bệnh hay phát thuốc của người Công giáo,
đều là nơi các bệnh nhân gặp được Đức Giêsu.
Nơi đây họ chạm được vào con người nhân hậu của Ngài,
và nơi đây Đức Giêsu chạm đến họ qua bàn tay của những y bác sĩ Công
giáo.
Con người hôm nay nhận ra Chúa Giêsu
không nhờ sự giới thiệu của quỷ: “Ông là Con Thiên Chúa”,
nhưng nhờ sự phục vụ khiêm hạ của những lương y sống như Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin ban cho chúng con ánh sáng đức tin
để nhận ra Chúa hôm nay và hằng ngày,
nơi khuôn mặt khốn khổ
của tất cả những người bị thử thách :
những kẻ đói, không chỉ vì thiếu của ăn,
nhưng vì thiếu Lời Chúa;
những kẻ khát, không chỉ vì thiếu nước,
nhưng còn vì thiếu bình an, sự thật, công bằng và tình thương;
những kẻ vô gia cư,
không chỉ tìm kiếm một mái nhà,
nhưng còn tìm một con tim hiểu biết, yêu thương;
những kẻ bệnh hoạn và hấp hối,
không chỉ trong thân xác,
nhưng còn trong tinh thần nữa,
bằng cách thực thi lời hy vọng này :
“Điều mà ngươi làm
cho người bé mọn nhất trong anh em
là làm cho chính Ta”
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm. Antôn nguyễn Cao
Siêu. S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG GIÊNG
Sống Để Làm Việc –
Hay Làm Việc Để Sống?
Con người được mời gọi
trân trọng phẩm giá của mình trong công việc mình làm.
Đáng tiếc, rất nhiều
hiện trạng lao động dường như đang phản nghịch lại mục tiêu quan trọng ấy. Tình
trạng làm việc quá nặng, quá căng thẳng, quá chú trọng đến tính ganh đua hay sức
sản xuất của người công nhân, và rất nhiều những khía cạnh cơ giới hóa khác … đều
đang nhất tề ‘thọc gậy bánh xe’! Nhiều khi chúng đi đến mức biến công việc
thành chủ của con người chứ không phải con người làm chủ công việc.
Nhiều người bắt đầu cảm
thấy rằng dường như mình sống để làm việc chứ không phải là làm việc để sống.
Có người đã đặt câu hỏi
với tôi: Phải đối phó thế nào với tình hình như vậy? Rõ ràng vấn đề có liên hệ
đến người lao động, đến gia đình của họ và điều kiện làm việc của họ. Tôi tin rằng
– một cách căn bản – tôi có thể chỉ ra câu trả lời cho vấn đề. Đó chính là một
tuyên bố rất hàm súc của Công Đồng Vatican II: “Điều quan trọng hệ tại ở chỗ
con người là gì chứ không phải ở chỗ con người có gì” (MV 35). Một châm ngôn đệ
nhất!
Người ta phải không ngừng
tự tra xét mình để hiểu sự thực mình là ai. Mỗi người phải lặn sâu xuống đáy
lòng mình để khám phá sự thực về hướng đích của mình trong lao động. Phải nhận
ra những giới hạn của mình và cố vượt qua chúng càng nhiều càng tốt. Phải nhận
ra những khả năng của mình và làm cho chúng sinh hoa trái phục vụ Thiên Chúa và
tha nhân. Càng nhận hiểu sự thực về mình, chúng ta sẽ càng hiểu hơn mình phải
làm gì để quân bình và hòa điệu các quyền và các bổn phận của chúng ta trong tư
cách là những con người .
Làm người – đó phải là
nền tảng để đánh giá cả những gì mình làm lẫn những gì mình có. Đó là điểm qui
chiếu mà mọi hoạt động của chúng ta phải hướng về. Đó là cơ sở để bảo đảm mối
thống nhất trong chính con người chúng ta. Mọi khía cạnh của con người phải hòa
hợp chặt chẽ với nhau. Chẳng hạn, những trách nhiệm mà người công nhân đảm nhận
ở sở làm phải giúp cho người ấy trưởng thành hơn trong đời sống gia đình cũng
như trong sự đóng góp của đương sự đối với cộng đồng.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/1
Thánh Phanxicô
Salêsiô, Giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Dt 7, 25-8,6; Mc 3,
7-12.
LỜI SUY NIÊM: “Còn các thần ô uế,
hễ thấy Đức Giêsu, thì sấp mình dưới chân Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên
Chúa!” Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.”
Toàn thể dân Do-thái họ đang mong chờ một Đấng Mêsia, với một quan niệm một Đấng
Mêsia chính trị và quân sự, khi Người đến sẽ tiêu diệt hết mọi quân thù của dân
tộc, đem lại chiến thắng vinh quang cho dân tộc của họ. Trong khi đó Chúa Giêsu
lại là một Đấng Mêsia tình yêu. Chúa Giêsu cần phải có thời gian để giáo dục
dân chúng ý nhiệm về Đấng Mêsia của tình yêu thương, rộng lòng tha thứ, kêu mời
sự sám hối, chuẩn bị đời sống để đón nhận Tin Mừng. Nên khi ma quỷ muốn hô lớn
lên: “Ông là Con Thiên Chúa”, cốt để phá hoại chương trình mạc khải của Người,
nên Người đã cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
Lạy Chúa Giêsu. Mỗi người Kitô hữu chúng con đều được Chúa trao phó cho công việc
loan báo Tin Mừng. Xin cho mỗi người chúng con luôn luôn hỏi hỏi về Chúa với ơn
soi sáng của Chúa Thánh Thần, để chúng con khi loan báo về Chúa không bị sai lầm.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
24-01: Thánh PHANXICÔ SALÊ
Giám Mục Tiến Sĩ
(1567-1622)
Một đứa trẻ giận dữ nhất
cũng phải nói rằng: thánh Phanxicô Salêciô là vị thánh hiền hoà nhất thế giới,
Ngài đã biết cách để sửa mình và do đó đưa ra phương thức tốt đẹp để nên thánh:
“Tôi chỉ nghĩ tới sự dịu hiền, dĩ nhiên, không phải chỉ có điều đó mà thôi. Sau
này các bạn hữu Ngài đã ngạc nhiên vì sự im lặng thánh nhân giữ được trước những
lăng nhục.
Ngài nói: – “Gì vậy, bạn
muốn tôi bỏ mất trong giây lát một chút dịu dàng mà tôi đã mất 20 năm để thu thập
sao ?”
Sự dịu dàng Ngài đã thực
hiện với bao nghị lực, bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, Ngài đã có thể nói với
bạn bè sau một cảnh thô tục mà một lãnh Chúa đã làm cho Ngài rằng: – Tôi giận
sôi người lên, nhưng tôi thích chết đi còn hơn là nói lên một điều nhỏ nào có
thể làm buồn lòng Thiên Chúa.
Thật khó hiểu nổi cách
thế mà trong Ngài, một lòng nhân hậu dịu dàng như vậy đã thay thế cho bạo lực.
Đối với người dọa nạt, Ngài trả lời: – Thưa ông, nếu ông có một con mắt, tôi sẽ
nhìn ông bằng con mắt kia với lòng trìu mến.
Cả thánh Vincentê
Phaolô cũng nói: – Khi muốn chiêm ngưỡng sự dịu hiền của Thiên Chúa, tôi nhìn về
giám mục thành Ghênêva.
Chào đời ngày 21 tháng
tám năm 1567 ở lâu đài Sales, Phanxicô từ trong nôi đã gặp được đức tin và đức
ái. Ngài học được từ người mẹ đã từng dẫn Ngài đi thăm các người nghèo khó, để
yêu thương và giúp đỡ họ. Năm 1582, Ngài theo học khoa hùng biện và ôn triết tại
Paris. Vào tuổi 17 một cơn dằn vặt thiêng liêng kinh khủng ám ảnh Ngài: người
tưởng rằng: mình không còn sống trong tình trạng ơn thánh nữa, hoả ngục dành
cho Ngài và nơi khủng khiếp này không còn tình yêu Chúa nữa.
Phanxicô cầu khần: – Lạy
Chúa ít ra cuộc sống vắn vỏi này con biết dành để yêu mến Chúa.
Kiệt sức, Ngài chạy đến
xin đức Trinh nữ gìn giữ mình được trinh trong và cứu thoát cho khỏi cơn thử
thách gay go này. Ngài đọc kinh “hãy nhớ” và sau cùng tìm lại được bình an.
Từ năm 1586 -1591,
Ngài theo học luật tại Padua và đậu bằng tiến sĩ. Trở lại gia đình gia đình,
Ngài được đón tiếp trong niềm hân hoan phấn khởi. Cha mẹ Ngài vui sướng về đám
cưới của Ngài. Nhưng Ngài đã từ khước mọi dự định của gia đình. Hạnh phúc và
danh vọng trần thế không đáng kể gì đối với Phanxicô, con người đã được tình
yêu tuyệt đối chiếm đoạt, Ngài muốn trở thành linh mục. Được phong chức vào
ngày 31 thắng 5 năm 1593, Ngài trở thành linh mục hoàn hảo, luôn có Chúa Giêsu
ngự trong mình, Ngài sống gần dân làng như một người cha hiền, có mặt trong mọi
sự. Gặp cơn dịch hạch lan tràn, ngày đêm người ta thấy Ngài đi từ bệnh nhân này
tới bệnh nhân khác, chú ý tới những thể xác lẫn tinh thần đau khổ.
Một sứ mệnh lớn lao
kêu gọi tới Phanxicô. Những người theo phái thệ phản thêm nhiều trong xứ sở,
phá hủy nhiều nhà thờ và tu viện, lòng nhiệt thành đã đưa Ngài tới với đức Cha
Granier, giám mục Ghênêva, Ngài được phép hiến mình thực hịên một nỗ lực dường
như không thể được, là đưa dân chúng Chablais trở lại khỏi ảnh hưởng phái ở
Calvinnô. Không có đe dọa hay bạo lực nào bắt Người ngừng giảng được. Nơi nào
không thể đến rao gảing, Ngài phân phát truyền đơn. Suốt ba năm dưới ảnh hưởng
của thánh nhân, 72 ngàn người theo thệ phản đã hoán cải.
Năm 1602, vua Henri IV
đã muốn thánh Phanxicô làm giám mục thành Paris nhưng Ngài đã từ khước danh dự
này và nói: – Thưa Ngài, tôi đã đính hôn với một bà Chúa nghèo, tôi không thể từ
giã bà để theo một bà khác giàu có hơn.
Nhà vua rất thán phục
sự độc lập của Ngài và tuyên bố rằng: Phanxicô vĩ đại hơn ông là kẻ làm vua nhiều.
Dầu vậy tháng 6 năm 1602, Ngài Ngài đã phải nhận tòa giám mục Annecy – Gheneva.
Các bài giảng thuyết của
Ngài sớm lừng danh, đến độ những thành phố lớn đòi được nghe tiếng Ngài. Nhưng
giám mục người Xa-voa (Savoie) thích giảng cho dân nghèo hơn. Ngài còn cho họ cả
tới áo mặc của mình. Người ta thấy Ngài không giữ lại gì cho mình. Ngài chỉ
thánh giá và nói: – Người ta có thể từ chối điều gì được, đối với một Thiên
Chúa đã tự đặt mình vào trạng huống này vì chúng ta ?
Đối với các tội nhân,
Ngài thân tình đón tiếp họ: – Các con hãy đến đây để cha ôm ẵm và đặt các con
vào lòng cha. Cha chỉ đòi các con một điều là không được thất vọng, phần còn lại
cha lãnh tất cả.
Đi tìm kiếm một linh hồn,
nếu cần Ngài vượt qua rừng trong đêm tối, bất chấp bọn cướp giật hay thú rừng độc
dữ, chân Ngài thường rớm máu vì băng giá. Một lần bọn sát nhân nhào tới, Ngài
âu yếm bảo họ: – Các bạn không cần đòi mạng tôi làm chi, bởi vì tôi đã hiến mạng
sống tôi để bảo tồn sự sống của các bạn.
Người ta có thể thấy
rõ là Ngài đã nói thực. Bao người sát nhân đã làm như bao người khác: họ trở
thành bạn hữu của Phanxicô. Và làm sao yêu Ngài, mà lại không yêu tôn giáo đã
làm cho Ngài hiến thân trọn vẹn cho mỗi tâm hồn như vậy. Ngài nói: – Một linh hồn
là một giáo phận rộng đủ cho một giám mục rồi.
Phanxicô không ngừng
rao giảng, ngồi tòa, thăm viếng bệnh nhân, giúp đỡ người cùng khổ. Giữa những
công việc bề bộn, Ngài còn viết nhiều tác phẩm được nhiều Kitô hữu mến chuộng
như quyển: “Đường trọn lành”, quyển “Dẫn vào đời sống nhiệt thành” (cuốn này đã
được chuyển sang Việt ngữ với tựa đề: sống thánh giữa đời), chứng tỏ rằng: đời
nhiệm hiệp và các nhân đức cao cả nhất, đều có thể nảy nở, ngay trong cuộc sống
từ cung điện, lẫn “trong binh đội và trong các xưởng máy”, Ngài truyền “dệt nên
những sợi dây nhân đức nhỏ bé”. Cuốn “khảo luận về tình yêu Thiên Chúa” của
Ngài đáng cho Ngài được vinh quang như ở giữa bầu lửa, trong khi chuẩn bị viết
về tình yêu của Ngôi Lời vĩnh cửu.
Thánh Phanxicô đã lập
nhiều tu viện và tiếp tục hứơng dẫn các tu viện ấy. Hai ngàn bức thư của Ngài vẫn
còn, Ngài trao dòng “Thăm viếng” cho thánh nữ Chantal, Đấng mà Ngài hiệp nhất bằng
một tình yêu trắng hơn tuyết, trong sáng hơn ánh mặt rời.
Thánh nhân kiệt sức
khi Ngài nhận giảng dạy tại Lyon dịp lễ Giáng sinh. Ngài ngã bệnh lúc lên đường.
Vừa tới nơi Ngài biết mình sắp chết. Người ta chỉ còn nghe thấy Ngài nói: – Lạy
Chúa là tất cả của con.
Với các bạn bè đang
khóc lóc Ngài nói: – Các bạn lại không muốn ý Chúa được thực hiện sao ?
Trọn đời thánh
Phanxicô yêu mến hoàn thành thánh ý Chúa. Bí quyết đời thánh thiện của Ngài diễn
tả như sau: – Với giá vĩnh cửu, cái gì chấm đứt với thời gian lại có thể ảnh hưởng
trên chúng ta được ? Phải ước muốn một mình Thiên Chúa thôi, một cách tuyệt đối
không thay đổi và bất khả xâm phạm.
Ngài qua đời ngày 28
tháng 12 năm 1622 và được Đức Gáio hoàng Alexandre VII tôn phong hiển thánh năm
1665.
(daminhvn.net)
24 Tháng Giêng
Hãy Triệt Hạ Thập Giá
Gibert Keith
Chesterton, một văn sĩ Công giáo người Anh, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa
của vua thần trong một quyển tiểu thuyết mang tựa đề: “Bầu trời và Thập Giá”. Một
giáo sư vô thần tên là Lucifer được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là
Michel trên một chuyến máy bay xuyên qua Anh quốc.
Khi máy bay đi qua
London, giáo sư Lucifer bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chánh
tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời sỉ vả đối với Kitô Giáo. Vị tu sĩ mới
xin phép kể câu chuyện như sau: “Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá như
ông. Bất cứ nơi nào có thập giá, ông ta cũng tìm đủ mọi cách để triệt hạ cho bằng
được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả
chiếc thập giá bằng vàng trên cổ người vợ, ông cũng tìm cách giành giật để kéo
ra khỏi người bà. Oâng nói rằng thập giá là một biểu trưng của sự độc ác dã
man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
Ngày nọ,
không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông
nhà thờ của giáo sứ, tháo gỡ thập giá và ném xuống đất. Sự thù hận đối với thập
giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn… Một buổi chiều mùa hè nóng bức nọ,
ông đứng tựa vào một balcon gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy
nguyên chiếc balcon gỗ biến thành một đạo binh thánh giá. Rồi trước mặt, đằng
sau lưng ông, nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm chiếc gậy trên
tay để đánh đổ tát cả những cây thập giá. Vào trong nhà, bất cứ những gì làm bằng
gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù của thập giá. Không còn dùng gậy để đạp
đổ nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập
giá. Ngọn lửa bốc cháy thiêu chụi căn nhà. Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác
của người đàn ông đáng thương trong dòng sông bên cạnh nhà.
Câu kết luận
mà văn sĩ đã đặt trên môi miệng vị tu sĩ là: “Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá,
bạn sẽ không chóng thì chày phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này”. Với
cái chết của Ðức Kitô, thập giá trở thành biểu trưng của một sự chiến thắng: đó
là chiến thắng của Tình yeu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó có người
còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp đổ thành giá có nghĩa là nâng cao hận thù
chết chóc lên cao và chối bỏ tình yêu. Một thế giới không có tình yêu là một thế
giới của chết chóc. Bất cứ một con người có lý luận bình thường nào cũng có thể
thấy được điều đó.
Ngày nay, con
người vẫn còn tiếp tục chối bỏ và chà đạp thập giá. Không cần phải leo lên tháp
chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá; hình thù của thập giá, dấu chỉ của
Tình Yêu, đã được vẽ trên mỗi một con người. Xúc phạm đến con người cách này
hay cách khác cũng đã là một triệt hạ thập giá rồi.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét