28/01/2019
Thứ Hai tuần 3 thường niên
Thánh Tôma Aquinô, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.
Lễ nhớ.
* Sinh năm 1225
trong một gia đình quý tộc ở Aquinô, rồi theo học tại đan viện Montê Cátxinô,
tiếp đến tại đại học Napôli, cuối cùng Tôma nhập dòng Anh Em Thuyết Giáo và
hoàn tất việc học tại Pari và Côlônhơ, dưới sự dẫn dắt của một bậc thánh sư là
Anbêtô Cả. Thánh Tôma đã thể hiện trọn vẹn lý tưởng dòng thánh Đaminh là chiêm
niệm và truyền đạt cho tha nhân điều mình đã chiêm niệm. Vừa là triết gia, vừa
là thần học gia, trong vai trò giáo sư, thánh nhân đã suy nghĩ, giảng dạy và viết
rất nhiều. Nhưng trước hết và trên hết, thánh nhân là người chiêm niệm, người
đã cầu nguyện nhiều và đã tuân thủ một kỷ luật nghiêm khắc để có thể đạt tới
ánh sáng tinh tuyền. Thánh nhân qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1274 tại đan viện
Xitô ở Phốtxanôva. Ngày 28 tháng Giêng là ngày thi hài thánh nhân được cải táng
đưa về Tuludơ năm 1369.
BÀI ĐỌC I: Dt 9, 15.
24-28
“Người chỉ tế lễ chính mình một
lần để huỷ diệt tội lỗi, Người sẽ xuất hiện lần thứ hai để cứu độ những ai
trông đợi Người”.
Trích thơ gửi tín hữu
Do-thái.
Anh em thân mến, Chúa
Kitô là trung gian của Tân Ước, vì nhờ sự chết của Người để cứu chuộc các tội phạm
dưới thời Cựu Ước, mà những kẻ được kêu gọi, đến lãnh lấy gia nghiệp đời đời đã
hứa cho họ. Đức Giêsu không tiến vào cung thánh do tay người phàm làm ra, chỉ
là hình bóng cung thánh thật, nhưng Người vào chính thiên đàng, để từ đây xuất
hiện trước tôn nhan Thiên Chúa vì chúng ta. Người không còn hiến dâng chính
mình nhiều lần, như vị thượng tế vào cung thánh mỗi năm một lần với máu không
phải của mình. Chẳng vậy, từ tạo thiên lập địa, Người đã phải chết nhiều lần:
nhưng từ nay cho đến tận thế, Người chỉ xuất hiện một lần tế lễ chính mình để
huỷ diệt tội lỗi. Như đã quy định, người ta chỉ chết một lần thế nào, sau đó là
phán xét, thì Đức Kitô cũng tế hiến một lần như vậy, để xoá tội lỗi của nhiều
người. Người sẽ xuất hiện lần thứ hai, không phải để chuộc tội, nhưng để cứu độ
những ai trông đợi Người. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 97, 1.
2-3ab. 3cd-4. 5-6.
Đáp: Hãy ca mừng
Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu (c. 1a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng
Chúa một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người
đã tạo cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. –
Đáp.
2) Chúa đã công bố ơn
cứu độ của Người, trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh, Người đã nhớ lại
lòng nhân hậu và trung thành, để sủng ái nhà Israel. – Đáp.
3) Khắp nơi bờ cõi địa
cầu, đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể địa cầu hãy reo mừng
Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca. – Đáp.
4) Hãy ca mừng Chúa với
cây đàn cầm, với cây đàn cầm với điệu nhạc du dương, cùng với tiếng kèn râm
ran, tiếng tù và rúc, hãy hoan hô trước thiên nhan Chúa là vua. – Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia!
– Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu thương người ấy,
và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 3, 22-30
“Satan phải diệt vong”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những luật sĩ
từ Giêrusalem xuống nói rằng: “Ông ấy bị quỷ Belgiêbút ám”, và nói thêm rằng:
“Chính nhờ tướng quỷ mà ông ấy trừ quỷ”. Khi đã gọi họ lại, Chúa Giêsu phán bằng
dụ ngôn rằng: “Satan lại trừ Satan làm sao được? Nếu một nước mà tự chia rẽ
nhau, thì nước đó tồn tại làm sao được? Vậy nếu Satan dấy lên chống đối với
chính mình và tự phân tán, thì nó không thể đứng vững được mà phải diệt vong.
Chẳng ai có thể vào nhà một người khoẻ mạnh và cướp của y, nếu không trói được
y trước đã, rồi sau mới cướp phá nhà y. Quả thật, Ta bảo các ông hay, mọi tội lỗi
và mọi lời phạm thượng của con cái loài người sẽ được tha hết, nhưng kẻ nào nói
phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ muôn đời không bao giờ được tha: nó mắc tội muôn đời”.
Đó là vì họ nói “Người bị thần ô uế ám”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Tội
ngoan cố
Hoạt động của Chúa
Giêsu ở Capharnaum, miền Bắc Galilê, đã có một tiếng vang đến Yêrusalem, là
trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel thời Chúa Giêsu. Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ
giữa Chúa Giêsu và các luật sĩ từ Yêrusalem đến chẳng có gì là tốt đẹp, mà chỉ
phơi bày sự ngoan cố của các kẻ thù của Chúa. Sự ngoan cố khước từ đó đạt tới
cao điểm khi họ giải thích sai lạc việc Chúa Giêsu dùng quyền năng của mình xua
trừ ma quỷ ra khỏi con người, mang lại sức khỏe cho con người.
Chúa Giêsu đã rao giảng
một cách có uy tín trong vùng Galilê, quanh thành Capharnaum, cùng với những dấu
chỉ kỳ diệu chứng tỏ lòng nhân từ của Chúa đối với con người, đồng thời chứng
minh quyền năng thần linh của Ngài. Các luật sĩ từ Yêrusalem đến, lẽ ra hơn ai
hết, họ phải hiểu được những dấu chỉ kỳ diệu này, vì họ là những con người tôn
giáo chuyên môn về Lời Chúa. Nếu Chúa Giêsu chỉ nói suông mà thôi, thì sự ngoan
cố của các kẻ chống đối Chúa có thể còn tha thứ được, nhưng đàng này, Ngài đã
thực hiện những dấu lạ để chứng tỏ quyền năng thần linh của Ngài: Ngài đã chữa
người bại liệt để chứng minh Ngài có quyền tha tội; Ngài đã ra lệnh cho quỷ dữ
ra khỏi nhiều người và chúng đã vâng phục.
Trước những hành động
kỳ diệu của quyền năng Thiên Chúa, những kẻ chống đối Ngài nói rằng Ngài đã bị
quỷ Beelzebul ám và đã dùng quyền của quỷ vương để trừ quỷ. Thật không có sự
ngoan cố nào nặng nề hơn: một vị Thiên Chúa mà lại bị các nhà thông luật gán cho
tước hiệu đầu mục của quỷ. Ðó là một sự xúc phạm không thể tha thứ được, vì là
tội phạm đến Thánh Thần. Thiên Chúa quyền năng có thể tha thứ mọi tội lỗi nhưng
Ngài không thể cứu con người, nếu con người cứ đóng kín tâm hồn mình trước ân sủng
và sự soi sáng của Thiên Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta
xác tín vào chương trình cứu rỗi yêu thương của Ngài được thực hiện qua Chúa
Giêsu Kitô, để chúng ta đáng được hưởng ơn cứu độ của Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thánh Thomas Aquinas Tiến Sĩ
Bài đọc: Wis
7:7-10; 15-16; Jn 17:11b-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự quí trọng của Đức Khôn
Ngoan
Nếu một người muốn biết
thánh sư Thomas Aquinas khôn ngoan dường nào, người đó cứ đọc bộ Tổng Luận Thần
Học (Summa Theologiae) là sẽ biết ngay. Để thưởng công cho thánh nhân, một
ngày kia Đức Kitô hiện ra với ngài và nói: “Thomas! Con viết rất hay về cha.
Con cứ việc xin bất cứ sự gì Cha sẽ ban cho con.” Không một chút do dự, thánh
nhân nói với Đức Kitô: “Không điều gì khác ngoại trừ chính Cha.”
Để có thể viết về Chúa
hay đến thế, thánh nhân đã tự nguyện hy sinh tất cả cho việc tìm kiếm khôn
ngoan. Ngài thuộc dòng họ quí tộc, Landulph, cha của ngài là Quận Công (Count)
của Aquino; mẹ của ngài là Theodora, Quận Chúa (Countess) của Teano. Gia
đình của ngài có họ hàng với hoàng-đế Henry VI và Frederick II. Khi quyết định
trở thành một tu sĩ Đa-minh, ngài đã gặp nhiều chống cự gay gắt từ phía gia
đình đến nỗi cha và các anh chặn đường bắt giam ngài vào trong cây tháp San
Giovanni ở Rocca Secca. Họ còn cho cả gái làng chơi vào để quyến dũ ngài bỏ ý định
trở thành một tu sĩ nghèo hèn. Sau cùng, Thomas Aquinas đã vượt qua tất cả để tận
hiến cuộc đời cho việc cầu nguyện và tìm kiếm sự khôn ngoan.
Hai bài đọc trong ngày
lễ kính ngài hôm nay muốn nêu bật sự quan trọng và ích lợi của khôn ngoan.
Trong bài đọc I, trình thuật hôm nay là hậu quả của cuộc đàm thoại giữa Thiên
Chúa và vua Solomon. Vua Solomon đã xin cho được khôn ngoan và Thiên Chúa đã ban
cho Nhà Vua khôn ngoan đến nỗi trước và sau Vua, không ai được khôn ngoan đến
thế. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trước khi chịu chết và về trời đã không xin Chúa
Cha điều gì khác hơn là xin thánh hiến các môn đệ của Ngài trong Sự Thật. Ngài
cầu nguyện để xin Cha ban cho các môn đệ hiểu biết và sống theo Lời của Thiên
Chúa, để có thể hoàn thành nhiệm vụ Ngài trao và đạt đến quê Trời.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
1.1/ Hiểu biết khôn ngoan
đáng quí trọng hơn mọi sự: Theo truyền thống
Do-thái, vua Solomon là “tác giả” của các Sách Khôn Ngoan; vì vua Solomon được
coi là người khôn ngoan nhất trong lịch sử của nhân loại. Truyền thống kể lại
truyện khi Thiên Chúa hỏi nhà vua muốn xin bất cứ gì, thì Thiên Chúa cũng ban
cho. Vua Solomon không xin cho có uy quyền, cũng chẳng xin cho được giầu có, sức
khỏe, sống lâu, hay bất cứ điều gì khác; nhưng chỉ xin cho được khôn ngoan để
biết sống và cai trị dân. Thiên Chúa rất hài lòng với điều nhà vua xin; nên
Ngài hứa sẽ ban cho vua Solomon được khôn ngoan đến độ không có ai trước và sau
vua được khôn ngoan như thế.
+ Khôn ngoan quí trọng
hơn vương quyền: Nắm giữ vương trượng, ngai vàng, mà không biết cách cai trị
dân chúng; sớm muộn gì rồi vương quyền cũng vào tay người khác. Nếu có Đức Khôn
Ngoan, vua sẽ biết lòng dân mong ước gì, và cai trị họ theo những điều họ mong
ước, thì vương quyền sẽ tồn tại lâu dài, và vua không phải chịu trách nhiệm trước
tòa phán xét.
+ Khôn ngoan quí trọng
hơn của cải: Vua Solomon thú nhận: ”Đối với tôi, trân châu bảo ngọc chẳng sánh
được với Đức Khôn Ngoan, vì vàng trên cả thế giới, so với Đức Khôn Ngoan, cũng
chỉ là cát bụi, và bạc, so với Đức Khôn Ngoan, cũng kể như bùn đất.” Có giàu có
đến đâu chăng nữa, mà không biết cách sống sao để được bình an và hạnh phúc, có
lợi gì cho người sở hữu nó đâu. Thực tế chứng minh: nhiều người giàu có, nhưng
vẫn không muốn sống, và có người còn tìm cách kết liễu đời mình nữa.
+ Khôn ngoan quí trọng
hơn sức khỏe và sắc đẹp: Đây phải là bài học khôn ngoan cho nhiều người trong
xã hội chúng ta, quá chú trọng đến việc tập luyện và nhịn ăn uống để có một
thân thể cân đối đẹp đẽ và khỏe mạnh. Dĩ nhiên chúng ta không đả kích những điều
đó không quan trọng; nhưng không đủ để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Có đẹp
đẽ khỏe mạnh đến đâu chăng nữa, rồi cũng úa tàn theo thời gian. Vua Solomon cho
biết lý do ông quí trọng Đức Khôn Ngoan hơn: ”Tôi đã ham chuộng Đức Khôn Ngoan
hơn sức khoẻ và sắc đẹp, đã quý Đức Khôn Ngoan hơn ánh sáng, vì vẻ rực rỡ của Đức
Khôn Ngoan chẳng bao giờ tàn lụi.”
Nói tóm, vua Solomon
đã suy nghĩ rất nhiều khi xin cho được Đức Khôn Ngoan, vì khi có Đức Khôn Ngoan
là có tất cả: ”Nhưng cùng với Đức Khôn Ngoan, mọi sự tốt lành đã đến với tôi.
Nhờ tay Đức Khôn Ngoan, của cải quá nhiều không đếm xuể.”
1.2/ Làm sao để có Đức
Khôn Ngoan? Khác với khôn ngoan của thế
gian, ai muốn có phải cố gắng luyện tập; Đức Khôn Ngoan mà vua Solomon có được
là do Thiên Chúa ban: “Vậy tôi nguyện xin, và Thiên Chúa đã ban cho tôi sự hiểu
biết. Tôi kêu cầu, và thần khí Đức Khôn Ngoan đã đến với tôi.”
2/ Phúc Âm: Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.
2.1/ Chúa Giêsu biết sự
nguy hiểm cho các môn đệ khi sống trong thế gian: Chúa Giêsu biết đã đến giờ Ngài phải bỏ thế gian, nên
Ngài tâm sự với Chúa Cha: “Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở
trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.” Giờ Chúa Giêsu phải rời bỏ các môn
đệ, cũng là giờ mà các ông phải đương đầu với quyền lực của thế gian một mình.
Ngài biết hậu quả sẽ nghiêm trọng chừng nào, như Ngài đã từng nói với các môn đệ:
“Họ sẽ tiêu diệt chủ chăn và đoàn chiên sẽ tan tác.” Nhìn lại kết quả việc chăn
chiên của mình, Chúa Giêsu hãnh diện nói với Chúa Cha: “Khi còn ở với họ, con
đã gìn giữ họ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con. Con đã canh giữ, và không một
ai trong họ phải hư mất, trừ đứa con hư hỏng, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh.”
Thế gian sẽ ghét bỏ và
truy tố các môn đệ như họ sắp ghét bỏ và truy tố Chúa Giêsu. Lý do là vì cả
Chúa Giêsu và các môn đệ không thuộc về thế gian. Ngài muốn cho các ông biết rõ
điều này; để các ông không ngạc nhiên khi điều đó xảy đến.
2.2/ Chúa Giêsu cầu xin
cho các môn đệ: Biết những nguy hiểm sẽ xảy
đến cho các môn đệ như thế, Ngài cầu xin Chúa Cha ban cho các ông những điều
quan trọng sau:
(1) Xin Chúa Cha bảo vệ
các môn đệ khỏi ác thần: “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha
gìn giữ họ khỏi ác thần. Họ không thuộc về thế gian cũng như con đây không thuộc
về thế gian.” Chúa Giêsu không xin “cất các môn đệ khỏi thế gian;” nhưng Ngài
xin “gìn giữ họ khỏi ác thần.” Các ông phải ở lại thế gian để tiếp tục sứ vụ
rao giảng của Ngài.
(2) Xin Chúa Cha thánh
hiến các môn đệ trong sự thật: Giống như Phaolô, Chúa Giêsu biết nguy hiểm của
sự sai lạc: “Xin Cha lấy sự thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” Sự thật
đây là Lời Kinh Thánh và những lời tâm huyết Chúa Giêsu vừa dạy dỗ họ. Ngài biết
mọi hành động sai bắt đầu từ sự hiểu biết sai; vì thế, hiểu biết sự thật là điều
không thể thiếu cho các môn đệ của Chúa.
Cả hai điều cầu xin
này đều được Chúa Cha ban cho các môn đệ qua việc ban Thánh Thần. Ngài là thần
sự thật, Ngài sẽ giúp các ông nhận ra sự thật và sẽ hướng dẫn các ông tới tất cả
sự thật. Ngài cũng là người bảo vệ và giúp các ông có sức mạnh làm chứng nhân
cho Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúa Giêsu đã xin với
Chúa Cha để Ngài gởi tới cho chúng ta Chúa Thánh Thần, Ngài là Thần Sự Thật,
Ngài sẽ giúp chúng ta hiểu sự thật và dẫn chúng ta tới chân lý toàn vẹn.
– Chúng ta phải biết
quí trọng sự thật và cầu xin Chúa Thánh Thần cho chúng ta thấu hiểu những lời dạy
dỗ của Thiên Chúa, và có can đảm sống theo những gì Thiên Chúa dạy.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
28/01/2019 – THỨ HAI TUẦN 3 TN
Th. Tô-ma A-qui-nô, linh mục, tiến sĩ HT
Mc 3,22-30
TỘI PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN
“Ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà
còn mắc tội muôn đời.” (Mc 3,29)
Suy niệm: Hiểu thế nào là tội phạm đến
Thánh Thần không phải là khó, bởi vì Phúc Âm theo thánh Mác-cô đã giải thích:
“Đó là vì họ nói ‘ông ấy bị thần ô uế ám’.” Việc Chúa làm mà vu khống là việc
làm của ma quỉ, làm việc tốt mà bị bôi nhọ là việc xấu, nói điều chân thật mà
qui kết là dối trá, đó là phủ nhận chân lý. Mà Chúa Thánh Thần chính là “Thần
Chân Lý” (Ga 14,17), cho nên chối bỏ chân lý chính là phạm đến Chúa Thánh Thần
vậy. Những việc tốt đẹp, dù là ai làm đi chăng nữa đều do Chúa Thánh Thần tác động.
Phủ nhận những việc tốt đó đã là sai lầm, còn lấy những công việc đầy thiện ý
mà gán cho là có ý đồ xấu và qui kết là việc làm của ma quỉ thì quả thật là tội
phạm đến Chúa Thánh Thần và không thể đón nhận ơn tha thứ của Chúa được.
Mời Bạn: Có lẽ chúng ta không đến nỗi
‘tệ’ tới mức ‘nghi’ Chúa Giêsu bị quỉ Bê-en-dê-bun ám; nhưng nghi sự trái cho
người khác, hoặc thấy việc tốt người khác làm, không khen ngợi thì chớ, lại còn
‘tám chuyện’ ra để đàm tiếu thì phải chăng đó là “chuyện thường ngày ở …” sở
làm, trong xóm ngõ của chúng ta? Để không mắc tội phạm đến Chúa Thánh Thần,
chúng ta hãy nhìn nhận việc tốt của người khác một cách trân trọng, và nếu cần
phân định việc gì hãy làm với tinh thần bác ái.
Sống Lời Chúa: Tìm cho được ít là một ưu
điểm nơi người mà bạn hay nói xấu nhất, và tốt hơn nữa bạn hãy khen ngợi những
ưu điểm đó của họ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban
xuống trên chúng con, Thần trí tác tạo của Chúa, người đổi mới tâm can, đổi mới
muôn lòng.
(5 Phút Lời Chúa)
Vào nhà một người mạnh (28.1.2019
– Thứ Hai Tuần 3 TN – Lễ nhớ Thánh Tôma Aquinô)
Suy niệm:
Thân nhân của Đức Giêsu đã tưởng Ngài bị mất trí (c. 21),
nhưng có thể họ không nghĩ Ngài bị quỷ ám,
dù trong thế giới ngày xưa, mất trí thường bị coi là do quỷ ám.
Các kinh sư đến từ thủ đô Giêrusalem có thái độ quyết liệt hơn nhiều.
Họ tố cáo Đức Giêsu là người bị quỷ ám,
không phải quỷ thường, mà là quỷ vương Bêendêbun.
Hơn nữa, họ cho rằng Ngài trừ quỷ nhờ dựa thế của quỷ vương (c. 22).
Lời tố cáo trên đây của những kinh sư thật là nghiêm trọng,
vì ai dựa thế như vậy là thông đồng với quỷ, có thể bị xử tử.
Đức Giêsu đã trả lời tố cáo này bằng hai hình ảnh về Nước và Nhà.
Đức Giêsu nhìn nhận sự hiện diện
và hoạt động của Nước Xatan trong thế gian này.
Nước này có tôn ti trật tự, được lãnh đạo bởi quỷ vương,
đó là Xatan hay Bêendêbun, kẻ cầm đầu các quỷ nhỏ (c. 22).
Xatan muốn bành trướng Nước của mình trong thế giới loài người.
Nó sai các quỷ nhỏ đi khắp nơi lôi kéo mọi người chẳng trừ ai.
Theo thánh Inhaxiô, Xatan thường cám dỗ ta theo ba bước:
từ sự ham muốn của cải, đến hư danh thế gian, và cuối cùng là kiêu ngạo,
rồi sau đó đi đến mọi nết xấu khác (Linh Thao 142).
Như thế Xatan khôn khéo đánh bẫy và trói buộc con người.
Đức Giêsu đã không bắt tay với Xatan để đuổi các quỷ cấp dưới.
Ngài tấn công trực diện vào Nước của Xatan,
phá đổ Nước này và khai mở Nước Thiên Chúa (Lc 11, 20).
Cuộc chiến không dễ dàng và còn kéo dài đến tận thế.
Thế giới hôm qua cũng như hôm nay được ví như một ngôi nhà.
Tiếc thay ngôi nhà đó ít nhiều đã bị Xatan cưỡng đoạt.
Xatan chính là kẻ mạnh đã biến ngôi nhà đó thành của mình (c. 27).
Nhưng Đức Giêsu lại là người mạnh hơn (Mc 1, 7).
Người mạnh hơn đã trói kẻ mạnh lại và tước đoạt những gì nó đã chiếm.
Tước đoạt chính là giải thoát những ai bị Xatan cầm giữ,
và trả lại cho họ quyền làm chủ đời mình, quyền sở hữu căn nhà của họ.
Hôm nay, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục tấn công Xatan.
Ngài không ngừng chinh phục thế giới này cho Thiên Chúa,
và mời chúng ta cộng tác để xây dựng Nước Chúa trên trần gian.
Nhờ Thánh Thần của Thiên Chúa mà Đức Giêsu trừ quỷ (Mt 12, 28),
nên ai bảo Ngài trừ quỷ nhờ quỷ vương Xatan hay Bêendêbun,
thì xúc phạm đến Thánh Thần, coi Thánh Thần như thần ô uế (c. 30).
Đức Giêsu không phải là người có thần ô uế.
Ngài có đầy ắp Thánh Thần trong mọi lời nói việc làm.
Chỉ ai cố chấp, bướng bỉnh mới không nhận ra điều đó.
Mọi tội lỗi đều có thể được thứ tha (c. 28),
trừ tội khép lòng từ chối ơn tha thứ của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu.
Làm sao giúp con người hôm nay mềm mại mở ra
để nhận thấy Thánh Thần vẫn đang hiện diện trong Giáo Hội ?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn nguyễn Cao Siêu. S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG GIÊNG
Làm Việc Là Một Quyền
Căn Bản
Tầm mức toàn cầu của vấn
đề lao động đang thúc bách chúng ta phải khẩn trương làm một cái gì đó. Không
thể chần chừ thêm nữa. Đó là một trong những quan điểm của Thông Điệp Laborem
exercens, cũng đồng nhịp với nhu cầu cần phải có những sự cộng tác quốc tế
thông qua những hiệp ước và những bản thỏa thuận. “Căn bản của những hiệp ước
này phải nhắm đến việc liệu sao cho có thêm việc làm cho người ta. Quyền làm việc
là quyền căn bản của mọi người, và những người cùng làm việc như nhau phải được
hưởng thù lao tương ứng với nhau. Phải liệu sao cho mức sống của người lao động
trong mọi xã hội có thể bớt bộc lộ những sự chênh lệch khủng khiếp về mức lương
bổng – là điều vốn bất công và thậm chí có thể châm ngòi cho những phản ứng bạo
động” (Số 18). Vì thế, ở đây các nhà lãnh đạo quốc gia phải đứng trước một công
cuộc có qui mô rất lớn.
Bản thân người lao động
cũng có thể đóng góp vào công cuộc lớn lao này, bằng cách hiện diện trong những
tổ chức quốc tế nơi mà họ có một tiếng nói đầy sức tác động, chẳng hạn Tổ Chức
Lao Động Quốc Tế.
Trong phạm vi quốc gia
mình, người lao động được kỳ vọng tác động vào công luận. Tại những nước dân chủ,
điều đó có thể góp phần tạo ra những chính sách đặt nền tảng không phải trên sự
phân biệt đối xử nhưng là trên cơ sở rằng người ta có quyền được nuôi sống
chính mình và gia đình mình một cách thích đáng. Chúng ta phải nắm vững nhãn
quan này về thiện ích của toàn thể gia đình nhân loại, một nhãn quan đòi hỏi
chúng ta phải vượt qua những sự chênh lệch quá lớn giữa các quốc gia – về vấn đề
việc làm và về tiềm lực kinh tế.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28/1
Thánh Tôma Aquinô,
linh mục tiến sĩ Hội Thánh
Dt 9, 15. 24-28; Mc
3, 22-30.
LỜI SUY NIÊM: “Tôi bảo thật anh
em; mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng
nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần,
thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tới muôn đời.”
Khi những người Pharisêu từ Giêrusalem nói: Chúa Giêsu bị quỷ vương Bêendêbun
ám và Người dựa thế qủy vương mà trừ qủy. Chúa Giêsu đã đưa ra một dụ ngôn về sự
chia rẽ nội bộ, dẫn đến sự tan rã, nhưng cần có sức mạnh, con người, mới chiến
thắng làm chủ tình hình. Và cuối cùng Người cho biết về tội xúc phạm đến Chúa
Thánh Thần, và hậu quả của nó.
Để giúp cho mỗi người
trong chúng ta hiểu về điều này. Trong Sách thần Học về Chúa Thánh Thần cho biết:
“Chỉ nhờ tác động của Thần Khí, tín hữu mới có thể hiểu biết Thiên Chúa, nhận
ra tội mình phạm, lãnh ơn cứu chuộc Đức Kitô ban, và thấy được nhu cầu phải
hoán cải, thống hối và tuân phục. Sở dĩ tội phạm đến Thánh Thần không thể được
tha, là bởi vì nó bắt nguồn từ một thái độ cố tình phạm tội, một cõi lòng cố chấp,
và một ý chí khước từ những điều phải nhận, phải tin, tức từ chối ơn tha thứ.”
(trích trang 230 Sách Giáo khoa Thần học Chúa Thánh Thần. của Felipe Gomez Ngô
Minh SJ)
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mỗi người trong chúng con luôn nhận ra ơn Chúa Thánh
Thân đã ban cho chúng con, nhờ đó giúp chúng con luôn vững tin vào Chúa, và nhận
ra tội lỗi của mình đã phạm, mà biết sám hối ăn năng, làm mới thân xác, linh hồn
của chúng con, giúp chúng con được sống trong bình an.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 28-01: Thánh
TÔMA AQUINÔ
Linh mục Tiến sĩ
(1225-1274)
Tại vương quốc Naples,
người vợ quí phái của lãnh chúa Aquinô được vị tu sĩ Thánh thiện cho biết, là
bà sẽ rất đỗi vui mừng vì con trẻ bà mong đợi sẽ sáng chói với sự hiểu biết
khôn sánh, Người con ấy là Tôma. Ngài sẽ là một vị thánh trong hàng ngũ các
thánh. Toma sinh tại lâu đài Roccasecca, gần Naples khoảng năm 1225.
Được sáu tuổi cha nàng
dẫn tới tu viện Montê Cassinô. Con trẻ được dâng hiến đã hỏi: – Thiên Chúa là
gì ?
Và các tu sĩ ngạc
nhiên vì thấy chìm đắm trong các suy ngắm (quá sớm và sáng suốt) ấy.
Lúc mười tuổi, Ngài được
gửi tới đại học Naples. Các giáo sự đã khám phá ra dưới dáng vẻ nhút nhát của
Ngài, một trí khôn thượng thặng và một đời sống siêu nhiên sáng ngời với các đức
tính hiền hòa, trong trắng và đức ái của Ngài. Trong những kỳ nghỉ tại lâu đài
cùng cha mẹ, Ngài gắng sức trợ giúp người nghèo. Điều này làm cho chủ lâu đài
phiền trách Ngài. Tình yêu của Ngài đối với người mẹ thật bao la và đã tạo nên
mối dày vò suốt đời.
Khi chưa tốt nghiệp đại
học, Ngài đã quyết định vào dòng Đa-minh. Lúc ấy dòng thành lập chưa được ba
năm. Gia đình Ngài rúng động với ý tưởng một con người quý phái như vậy lại trở
thành một tu sĩ dòng ăn xin. Ngoài ra họ còn mong mỏi rằng: một ngày kia, Ngài
sẽ còn làm điều gì đó, để phục hồi vận mệnh của họ bằng việc trở lại làm tu viện
trưởng Montê Cassinô. Nghe được tin, các anh của Ngài đang là sĩ quan trong
quân đội, đã giận dữ. Họ bắt Ngài trên đường đi Roma và giam Ngài dưới chân
tháp của lâu đài. Gia đình gắng công vô ích khi nài nỉ, đe dọa và quyến rũ Tôma
đổi ý.
Các anh Ngài còn dùng
tới một cô gái làng chơi để hại người nữa. Nhưng cương quyết, Tôma đã dùng cây
củi cháy để xua đuổi nàng, rồi dùng than củi này vẽ lên tường hình thánh giá.
Quỳ xuống trước hình thánh giá, Toma với nhiệt tâm mạnh mẽ hơn bao giờ hết, lập
lại lời hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa. Được hai năm, các chị Ngài đã cảm động
trước sư cương nghị và những khổ cực của Ngài, đã giúp Ngài trốn qua cửa sổ bằng
một cái thúng. Các tu sĩ Đaminh đợi Ngài dưới chân tháp.
Tôma khấn dòng ở
Naples, rồi đi bộ từ Roma tới đại học Colonia.
Trong môi trường học
thức ưu việt này, Ngài cố dấu kín các bước tiến khác thường của mình như Ngài
đã che kín vinh dự gia đình. Không khi nào Ngài đã để cho người ta ngờ rằng
mình là cháu của hoàng đế Barberoussa và là bà con của vua Frêdêric II cả.
Khiêm tốn là bà hoàng của lòng Ngài. Ngày kia một bạn học giảng bài cho Ngài.
Toma phải là bậc thầy của anh, đã tiếp nhận bài học với lòng biết ơn. Đó là
thói câm lặng của Toma. Vì bình dị nên Ngài bị coi là đần độn. Người ta gọi
chàng trai to con này là con bò câm.
Nhưng thày Albertô đã
coi Ngài như một thiên tài và tuyên bố: – Con bò nầy sẽ rống lớn, đến nỗi những
tiếng rống của nó sẽ vang dội khắp thế giới.
Người sinh viên tài ba
này đã tỏ ra dễ dạy như một trẻ em. Tại phòng ăn, vị chủ chăn lầm lẫn, đã bắt
Ngài sửa lại cách phát âm đã chính xác. Lập tức Toma sửa lại liền. Sau bữa ăn
các bạn Ngài bày tỏ sự ngạc nhiên, nhưng thánh nhân trả lời: – Điều quan trọng
không phải là cách phát âm của một từ ngữ, nhưng là biết khiêm tốn vâng phục
hay không.
Lúc hai mươi tuổi,
Tôma đã được gọi làm giáo sư tại Côlônia, Ngài xuất bản một tác phẩm danh tiếng,
rồi đi Paris mở trường dạy triết học ở đường thánh Giacôbê và thụ phong linh mục.
Các nhà trí thức tới hỏi ý Ngài. Vua Lu-y IX xin ý kiến Ngài trong những việc hệ
trọng và mời Ngài đồng ban dự tiệc.
Nhưng không hoàn cảnh
nào đã làm cho Tôma chia trí khỏi những suy tư sâu xa. Chẳng hạn tại bàn ăn của
nhà vua, người ta thấy Ngài bất chợt ra khỏi sự yên lặng của mình, đập mạnh lên
bàn và kêu lên:- Đây rồi, một luận chứng quyết liệt chống lại những người theo
phái Manicheô.
Bối rối vì quên rằng
mình đang ở trước mặt vua, Ngài muốn xin lỗi, nhưng vua thánh đã truyền cho
Ngài đọc ngay cho thơ ký chép lại những suy tư có giá trị siêu việt đó.
Kinh nguyện, làm việc
và ý chí là những yếu tố tạo nên sức mạnh của Tôma, Ngài nói: – Ai không cầu
nguyện thì cũng giống như người lính chiến đấu mà không có khí giới.
Ngài định nghĩa sự
nhàn rỗi như là: – Cái búa mà quân thù bửa xuống.
Ngài trả lời cho bà chị
hỏi làm sao để được cứu rỗi: – Phải muốn.
Dầu bận việc rao giảng,
dạy học và đi tới những nơi Đức Thánh Cha sai tới Thánh Toma vẫn viết nhiều tác
phẩm thành công rực rỡ. Trong một lần hiện ra, Ngài nghe thấy thầy chí thánh
nói với mình: – Hỡi con, con đã viết cách xứng đáng về ta, con muốn được thưởng
gì ?
Tôma trả lời: – Oi lạy
Chúa, con không muốn gì ngoài Chúa cả.
Người ta quả quyết rằng:
Ngài đã nói chuyện với Đức Trinh Nữ, các thiên thần và các thánh. Và khi cầu
nguyện tâm hồn Ngài như lìa khỏi xác. Ngài còn được mệnh danh mãi là “Tiến sĩ
thiên thần” Ngài có một tâm hồn vui tươi, nhã nhặn với anh em, đến nỗi có người
nói: – Mỗi lần thấy và nói chuyện với Ngài, tôi thấy như tràn ngập niềm vui
thiêng liêng.
Thánh nhân đã qua mười
năm tại Italia. Một phần trong thời gian nầy ở trong giáo triều, Đức Thánh cha
Urbanô đã trao phó cho Ngài nhiều trọng trách, rõ ràng nhất là lo cải hóa người
Do thái. Đức thánh cha còn muốn gọi Ngài lên chức giám mục nhưng Ngài đã từ chối.
Năm 1269 Ngài trở lại Paris để dạy thần học. Năm 1272 Ngài được gọi về Naples để
lo việc cho nhà mẹ dòng Daminh. Được năm cuối đời Ngài cống hiến để hoàn tất một
tác phẩm vĩ đại, bộ “Tổng luận thần học”.
Nhưng cuối năm 1273 đột
nhiên Ngài ngừng viết. Khi dâng thánh lễ, Ngài bỗng có linh nghiệm rằng mình
không thể viết thêm được nữa. Réginald, thơ ký của Ngài thúc giục viết thêm,
thánh nhân đã trả lời rằng: theo điều đã hiển hiện cho Ngài thì tất cả chẳng ra
gì: – “Vì mọi điều tôi đã viết đối với tôi chỉ là rơm rác so với điều đã được mạc
khải cho tôi thấy”.
Đức Grêgôriô cho mời
thày dòng danh tiếng đến dự công đồng Lyon. Dầu bệnh hoạn, thánh Toma đã tuân
phục và đi bộ với hai anh em để tới dự công đồng. Đi đường lên cơn sốt. Sức khỏe
đã chận Người lại tu viện Fossa Nova.
Cảm thấy sắp chết,
Ngài tuyên xưng đức tin và khi rước lễ, Ngài nói: – Tôi tin vững rằng: Chúa
Giêsu Kitô là Thiên Chúa thật và là người thật trong bí tích này, con thờ lạy
Chúa, ôi Thiên Chúa, đấng cứu chuộc con”.
Ngài qua đời đơn sơ và
dịu hiền của một trẻ em không ngừng chiêm ngưỡng Thiên Chúa.
Năm 1323 Ngài được
phong thánh và được tuyên bố làm tiến sĩ Hội Thánh năm 1567, Đức Lêo XIII đã đặt
Ngài làm Đấng bảo trợ các nhà thần học và các trường công giáo.
(daminhvn.net)
28 Tháng
Giêng
Nhân Vô Thập Toàn
Theo một cổ truyện
của người Hồi Giáo, thì Nasruddin là hiện thân của những người độc thân khó
tính. Trong một buổi trà dư tửu hậu, khi được hỏi về lý do tại sao ông không
bao giờ lập gia đình, Nasruddin đã giải thích như sau: “Suốt cả tuổi thanh
niên, tôi đã dành trọn thời giờ để tìm kiếm người đàn bà hoàn hảo. Tại Cairo,
thủ đo của Ai Cập, tôi đã gặp một người đàn bà vừa đẹp vừa thông minh, với đôi
mắt đen ngời như hạt oliu. Ðẹp và thông minh, nhưng người đàn bà này không có vẻ
dịu hiền chút nào. Tôi đành bỏ Cairo để đi Baghdad, thủ đô Iraq, để may tìm ra
người đàn bà lý tưởng tôi hằng mơ ước. Tại đây, tôi đã tìm thấy một người đàn
bà hoang hảo như tôi mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa thông minh và cũng
có tấm lòng quảng đại nữa. Nhưng chỉ có điều là hao chúng ta không bao giờ có đồng
quan điểm với nhau về bât cứ điều gì.
Hết người đàn bà
này đến người đàn bà khác: người được điều này, người thiếu điều kia. Tôi tưởng
mình sẽ không bao giờ tìm được người đàn bà lý tưởng cho cuộc đời. Thế rồi, một
hôm tôi gặp được nàng, người đàn bà cuối cùng trong cuộc tìm kiếm của tôi. Nàng
kết hợp tất cả những đức tính mà tôi hằng mong muốn, nghĩa là nàng vừa đẹp, vừa
thông minh, vừa quảng đại tử tế. Nàng đúng là người đàn bà hoàn hảo.
Nhưng cuối cùng,
tôi đành phải quyết ở độc thân suốt đời. Các bạn có biết tại sao không? Nàng
cũng đang đi tìm một người đàn ông hoàn hảo. Và tôi đã được nàng chấm như một
người đàn ông còn quá nhiều thiếu sót.
Người đàn ông suốt đời
độc thân trong câu chuyện trên đây đã quên một trong những quy luật cơ bản nhất
của cuộc sống: đó là luật thích nghi. Thay vì bắt người khác và cuộc sống phải
thích nghi với chúng ta, chính chúng ta phải là người thích nghi với người khác
và cuộc sống. người đàn ông trong câu chuyện đã tìm được người đàn bà lý tưởng,
nhưng chỉ tiếc rằng ông chưa biết trở thành một người đàn ông lý tưởng để có thể
ăn đời ở kiếp với người đàn bà ấy.
Tâm lý thông thường của
con người là thích đòi hỏi người khác hơn là đòi hỏi chính mình. Chúng ta đòi hỏi
người khác phải thế này thế nọ với chúng ta, nhưng chúng ta quên rằng chúng ta
chưa làm những gì người khác cũng trông chờ nơi chúng ta.
Chúa Giêsu đã đề ra
cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc để xử sự trong cuộc sống: “Những gì ngươi
không muốn người khác làm cho ngươi, thì ngươi cũng đừng làm điều đó cho người
khác”. Nếu chúng ta không muốn ai đối xử bất công với chúng ta, chúng ta hãy sống
công bình. Nếu chúng ta không muốn ai cư xử hẹp hòi ích kỷ với chúng ta, chúng
ta hãy sống quảng đại, độ lượng. Nếu chúng ta không muốn người khác cau có với
chúng ta, chúng ta hãy luôn mang bộ mặt của tươi vui, phấn khởi đến với người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét