Trang

Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

21-07-2019 : (phần II) CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN năm C


21/07/2019
Chúa Nhật 16 Thường Niên năm C
(phần II)


Phụng Vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 16 Thường niên năm C
St 18,1-10; Cl 1,24-28; Lc 10,38-42
LÒNG HIẾU KHÁCH VỚI CHÚA
“Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi” (Lc 10,42)

I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (St 18,1-10)
Sách Sáng Thế chương 18 mô tả Abraham là một vị chủ nhà hết sức rộng rãi, nồng hậu tiếp đón những người khách. Khi ông nhìn thấy ba vị khách dừng lại gần lều của mình, ông vội vã chạy đến chào hỏi và mời họ nghỉ chân ở đó. Ông còn mang nước cho họ rửa, dọn bánh cho họ ăn, giết bê đãi thịt, mang sữa tiếp đãi và hầu bàn trong lúc các vị khách dùng bữa. Tiếp đón khách là một điều bình thường ở các nước vùng Trung đông cổ xưa, nhất là khi các vị khách phải trải qua những cuộc hành trình dài. Người chủ giúp họ được tắm rửa cho sạch sẽ, ăn uống và nghỉ ngơi để họ đủ sức có thể tiếp tục lên đường. Điều đáng chú ý ở đây là thái độ và cung cách tiếp đón của ông Abraham. Thấy họ ông vội vàng chạy đến mời; khi họ vào ông chọn những thức ăn thật ngon thật tốt tiếp đãi họ; ông còn đứng phục vụ khi họ ăn uống. Những điều này cho thấy ông đã có một sự rộng rãi, nồng hậu, quý mến đối với khách; ông không ngại gian nan tốn kém vất vả hay tính toán hơn thiệt.
Sự đón tiếp các vị khách là truyền thống xã hội, nhưng có thể hiểu được nó bắt nguồn từ quan niệm tôn giáo: con người được Thiên Chúa tiếp đón và cho cư ngụ dưới bầu trời này qua những gì Người đã dựng nên. Việc tiếp đón khách đáp trả lại việc Thiên Chúa đón tiếp con người, và mỗi người cũng là hình ảnh của Thiên Chúa và Người hiện diện nơi họ, nên đón tiếp con người cũng chính là đón tiếp Thiên Chúa.
Sự đón tiếp của ông Abraham và bà Sara không ngừng lại ở việc tiếp đãi nhưng đi xa hơn là đón nhận lời hứa của Thiên Chúa. Ông bà cần một niềm tin để đón nhận những điều tưởng như là không thể. Nhưng không có gì là không thể đối với Thiên Chúa. Như thế, ông Abraham đã tiếp đón những người khách vô vị lợi vì lúc đầu ông chưa nhận ra Thiên Chúa đang đến với ông. Sự tiếp đón của ông có thể xem là cầu nối cho lời hứa của Thiên Chúa thực hiện nơi ông. Nhưng để tiếp nhận lời hứa của Thiên Chúa thì ông cần nhiều hơn một sự hiếu khách và tính nồng hậu; ông cần niềm tin hoàn toàn vào Thiên Chúa, Đấng dựng nên cả vũ trụ này có thể làm mọi sự.
2. Bài đọc II (Cl 1,24-28)
Thánh Phaolô nhận mình là người phục vụ Hội Thánh, chịu mang lấy những đau khổ, để thực hiện điều Thiên Chúa ủy thác là rao giảng về Đức Kitô. Với niềm xác tín kiên vững là chính qua Đức Kitô, qua lời của Người, Thiên Chúa ban cho con người được hưởng vinh quang, Thánh Phaolô, một đàng đón nhận những đau khổ, đàng khác kiên trì nhẫn nại rao giảng, dạy dỗ để cho mọi người đón nhận lời của Thiên Chúa và giúp mọi người nên hoàn thiện trong Đức Kitô. Thánh nhân đã nghe lời Thiên Chúa và hành động theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa là rao giảng về Đức Kitô, ơn cứu độ cho con người. Con người đón nhận lời Thiên Chúa cũng phải hành động, sửa đổi con người mình nên hoàn thiện.
3. Bài Tin Mừng (Lc 10,38-42)
Đoạn Tin Mừng theo thánh Luca chúng ta nghe trong ngày Chúa nhật hôm nay rất là quen thuộc, kể lại cuộc thăm viếng của Chúa Giêsu ở nhà của chị em Mátta và Maria. Thánh sử kể cho chúng ta nghe cách đón tiếp khác nhau mà hai chị em đã dành cho Chúa Giêsu. Hai cách đón tiếp xem ra quá trái ngược nhau: một bên bận rộn chuẩn bị nhiều thứ, còn một bên chỉ ngồi dưới chân Chúa và lắng nghe. Câu trả lời của Chúa Giêsu đáp lại lời phàn nàn của bà chị Mátta có vẻ như cho chúng ta đáp số về cách tiếp đón nào là cách Chúa muốn: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất”. Nhưng chúng ta vẫn không cảm thấy ổn với câu trả lời của Chúa Giêsu và vẫn đặt lại câu hỏi khi nghe đoạn Tin Mừng hôm nay: Có phải Chúa Giêsu đề cao việc lắng nghe Lời Chúa hơn là bận rộn lo lắng chuẩn bị nhiều việc khác nghĩa là Người loại trừ hay coi thường công việc tiếp đón của bà Mátta?
Đọc lại đoạn Tin Mừng hôm nay trong toàn cảnh của Tin Mừng Luca, chúng ta sẽ hiểu là Chúa Giêsu không xem nhẹ việc phục vụ, vì chính Người đã dạy các môn đệ: Người lãnh đạo là người phục vụ anh em, và chính Người đã ở giữa các môn đệ như một tôi tới phục vụ (Lc 22,24-27). Câu trả lời của Chúa nhằm nhắc nhở Mátta, như một người môn đệ, việc lắng nghe Lời Thầy của mình là quan trọng nhất. Lòng mến của hai chị em đối với Thầy Giêsu có thể như nhau, nhưng cách quan tâm đến lời dạy của Người thì có khác nhau. Maria, như một môn đệ, khao khát lắng nghe và ngồi bên chân Chúa diễn tả lòng khao khát và sẵn sàng vâng theo lời dạy. Còn Mátta, quá bận rộn, bị chia trí với những công việc mà bà nghĩ là cách tiếp đón Chúa tốt nhất của một người chủ nhà chứ không phải của người môn đệ lắng nghe dù bà đang gọi Chúa Giêsu là Thầy. Mátta trong khung cảnh này đã xác định sai, và Chúa Giêsu đã hướng bà về điều cần trong lúc này.
Việc lắng nghe lời Chúa cũng cần phải đặt trong sự nối kết với đoạn Tin Mừng chúng ta vừa nghe trong Chúa nhật tuần XV về dụ ngôn người Samaritano nhân hậu. Thầy tư tế hay thầy Lêi đều là những người nghe và đọc Lời Chúa rất nhiều, nhưng họ không thật sự “lắng nghe” và do đó việc nghe của họ không sinh hoa trái, không đưa họ đến việc hành động. Còn người Samaritano trong dụ ngôn đã có lòng thương xót, và hành động để giúp đỡ. Ông được xem như con người của lắng nghe thật sự và hành động. Lời Chúa như hạt giống gieo vào lòng người phải nảy mầm sinh bông hạt.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. Chúng ta nghĩ gì về tương quan của chúng ta với những người xung quanh? Chúng ta có sẵn sàng giúp đỡ những người lâm cảnh khốn khó cần chúng ta trợ giúp? Chúng ta có giúp đỡ cách vô vị lợi, không so đo tính toán, hay chỉ giúp cho những người “có qua có lại” với chúng ta? Chúng ta cần cầu xin Chúa giúp ta nhìn thấy Chúa nơi những người khốn khổ này.
2. Chúng ta có phải là Mátta, bận rộn lo toan quá nhều thứ nên không chú ý đủ đến lời Chúa dạy? Hay chúng ta cũng chỉ là Maria giả hiệu, lắng nghe lời Chúa để trốn chạy trách nhiệm, thực tế, lời Chúa vào tai này lại ra tai kia? Chúng ta cầu xin Chúa giúp chúng ta lắng nghe cách khao khát như Maria và sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy.
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Các bài đọc Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta đón tiếp và gắn bó mật thiết với Chúa qua việc lắng nghe, suy gẫm và thực hành Lời Chúa. Với tâm tình tin yêu và lòng khao khát chân thành, cộng đoàn chúng ta cùng khẩn khoản cầu xin:
1. Hội Thánh có sứ mạng đem niềm vui cứu độ đến cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức và nhiệt tình trong công cuộc phúc âm hóa, có nhiều sáng kiến nhằm giảm bớt nỗi đau thể xác lẫn tinh thần của nhân loại.
2. Con người thời đại đang chạy theo tiền của, danh vọng, thú vui mà lãng quên cùng đích của cuộc đời. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người, cách riêng những ai chưa tin nhận Chúa, được ơn nhận biết chỉ có Người mới là nguồn hạnh phúc đích thật và vững bền.
3. Hai chị em Matta và Maria đã niềm nở đón tiếp, lắng nghe và phục vụ Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho các Kitô hữu biết nhận ra Chúa đang hiện thân nơi những người nghèo khổ bất hạnh, để luôn đồng cảm và tận tình giúp đỡ cho họ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
4. Lời Chúa là ánh sáng dẫn đường chỉ lối cho con người. Chúng ta cùng cầu nguyện cho tất cả mọi người trong cộng đoàn chúng ta biết siêng năng học hỏi và hăng say thực hành Lời Chúa trong cuộc sống hằng ngày, để không ngừng được biến đổi và nên hoàn thiện.
Chủ tếLạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, xin đoái thương nhìn đến những ước nguyện của chúng con và ban ơn trợ giúp để chúng con không ngớt ca ngợi và hết lòng phụng sự Chúa, hầu được sống mãi trong Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.



SCĐ CHÚA NHỰT XVI TN C
Chủ đề :
Rước Chúa vào nhà
“Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy” (Lc 10,39)

Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (St 18,1-15) : Abraham rước Chúa vào nhà mình
– Tin Mừng (Lc 10,38-42) : Matta và Maria rước Chúa vào nhà mình
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh chị em thân mến
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện hai chị em Matta và Maria rước Chúa Giêsu vào nhà mình. Matta thì ân cần lo việc phục vụ, còn Maria thì ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Ngài.
Trong Thánh lễ này, chúng ta có dịp làm điều mà Maria đã làm, là ngồi bên chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài. Xin Chúa cho chúng ta được thân thiết với Chúa ngày một hơn.
II. Gợi ý sám hối
– Chúng ta quá lo lắng những việc trần gian mà ít quan tâm đến việc Chúa.
– Chúng ta dành thời giờ cho Chúa mỗi ngày quá ít.
– Chúng ta chưa quan tâm đủ đến việc ở bên Chúa và lắng nghe tiếng Chúa.
III. Lời Chúa
1.     Bài đọc I (St 18,1-15)
Câu chuyện này làm nổi bật lòng hiếu khách của tổ phụ Abraham : Ông đang ngồi trong lều giữa trưa nóng bức thì thấy bên ngoài có 3 người đàn ông. Abraham vội vàng mời 3 người vào lều mình, lấy nước cho họ rửa chân, lấy bột làm bánh, bắt một con bê tốt nhất làm thịt để tiếp đãi họ. 3 người này chính là sứ giả của Thiên Chúa.
Đáp lại lòng hiếu khách của Abraham, Thiên Chúa đã cho bà Sara vợ ông có được đứa con trai đầu lòng mặc dù cả hai ông bà đều đã già quá tuổi sinh con.
2.                 Đáp ca (Tv 14)
Tv này thuộc loại giáo huấn, nhằm trả lời cho câu hỏi “Ai được Thiên Chúa tiếp đón vào cư ngụ trong nhà Ngài ?” Tác giả trả lời : đó là người sống thanh liêm và thực thi công chính.
3.                 Tin Mừng (Lc 10,38-42)
Câu chuyện có 3 vai : vai chính là Chúa Giêsu, hai vai phụ là Mác-ta và Maria mỗi người phục vụ Chúa một cách khác nhau :
– Mác-ta lăng xăng lo cơm nước, giường chiếu v.v.
– Maria “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy”
Mác-ta khó chịu xin Chúa Giêsu bảo Maria tiếp mình. Nhưng Chúa Giêsu nói : “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi”, đó là việc Maria đang làm, tức là ngồi bên chân Chúa đề lắng nghe lời Chúa.
4.                 Bài đọc II (Cl 1,24-28) (Chủ đề phụ)
Thánh Phaolô tỏ ý sung sướng vì được chịu khổ trong khi thi hành sứ vụ tông đồ. Sở dĩ những đau khổ ấy trở thành niềm vui vì Phaolô ý thức rằng nhớ đó mà ông bổ khuyết nơi thân xác mình những gì còn thiếu trong cuộc chịu nạn của Chúa Giêsu Kitô.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Chọn phần tốt nhất
Federic Ozanam, nhà hoạt động xã hội nổi tiếng của Giáo Hội Pháp vào cuối thế kỷ 19 đã trải qua một cơn khủng hoảng đức tin trầm trọng lúc còn là một sinh viên đại học.
Một hôm, để tìm một chút thanh thản cho tâm hồn, anh bước vào một ngôi thánh đường cổ ở Paris. Đứng cuối nhà thờ, anh nhìn thấy một bóng đen đang quì cầu nguyện cách sốt sắng ở dãy ghế đầu. Đến gần, chàng sinh viên mới nhận ra người đang cầu nguyện ấy không ai khác hơn là nhà bác học Ampère. Anh đứng lặng lẽ một lúc để theo dõi cử chỉ của nhà bác học. Và khi vừa đứng lên ra khỏi giáo đường, người sinh viên đã theo gót ông về cho đến phòng làm việc của ông.
Thấy chàng thanh niên đang đứng trước cửa phòng với dáng vẻ rụt rè, nhà bác học liền lên tiếng hỏi :
– Anh bạn trẻ, anh cần gì đó ? Tôi có thể giúp anh giải một bài toán vật lý nào không ?
Chàng thanh niên đáp một cách nhỏ nhẹ :
– Thưa Thầy, con là một sinh viên khoa văn chương. Con dốt khoa học lắm, xin phép Thầy cho con hỏi một vấn đề liên quan đến đức tin !
Nhà bác học mỉm cười cách khiêm tốn :
– Anh lầm rồi, đức tin là môn yếu nhất của tôi. Nhưng nếu được giúp anh điều gì, tôi cũng cảm thấy hân hạnh lắm ?
Chàng sinh viên liền hỏi :
– Thưa Thầy, có thể vừa là một bác học vĩ đại, vừa là một tín hữu cầu nguyện bình thường không ?
Nhà bác học ngỡ ngàng trước câu hỏi của người sinh viên, và với đôi môi run rẩy đầy cảm xúc, ông trả lời :
– Con ơi, chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi !
Chúa phán : “Macta, Macta ơi ! Chị lo lắng và lăng xăng nhiều chuyện quá ! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi” (Lc 10,41-42). Phần tốt nhất ấy chính là ở bên cạnh Chúa, lắng nghe Chúa nói, và cầu nguyện với Chúa.
Nhà bác học đại tài Ampère, với công việc nghiên cứu của ông về điện tử học, về nam châm điện đã đem lại biết bao lợi ích cho nền văn minh của nhân loại. Thế nhưng, ông không cho đó là vĩ đại, mà ông nói : “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện mà thôi”.
Mẹ Têrêsa Calcutta, một nữ thánh giữa đời thường, mỗi ngày trước khi bước xuống“địa ngục Calcutta” để chăm sóc những người cùng khổ, hoặc đi vào “nhà hấp hối”để an ủi các kẻ liệt lào, các nữ tu của Mẹ đã quì cầu nguyện trước Thánh Thể một tiếng đồng hồ để kín múc nơi Chúa : tình yêu, sức mạnh, lòng can đảm và nhiệt huyết tông đồ.
Hoạt động tông đồ là mang tình yêu Chúa đến với anh em, tại sao chúng ta lại không kín múc nơi Chúa là suối nguồn yêu thương. Cho dù là hoạt động truyền giáo, hoạt động từ thiện bác ái, hay sinh hoạt hằng ngày theo bổn phận, chúng ta cũng đừng quên“chọn phần tốt nhất” này. Hãy nhớ lời Chúa : “Không có Ta, chúng con không làm gì được”.
Các triết gia phương Tây có khuynh hướng hoạt động cho rằng Chúa không làm gì, con người làm hết. Các triết gia phương Đông trái lại ưa thích thuyết tĩnh học, để Chúa làm hết và con người không làm gì. Nhưng khuôn vàng thước ngọc của chúng ta là :“Cầu nguyện và hoạt động”, Macta phải đi đôi với Maria. Cầu nguyện là linh hồn của hoạt động, và hoạt động là kết quả của cầu nguyện. P.Graef có một câu nói rất thâm thuý : “Hoạt động mà không có cầu nguyện là thiếu nguyên tắc căn bản, cầu nguyện mà không có hoạt động là thiếu đất gieo hạt”.
Tuy nhiên, có một cám dỗ khiến chúng ta khó thoát khỏi. Đó là nhiều khi chúng ta tưởng mình phục vụ Chúa, nhưng hóa ra chúng ta phục vụ chính mình. Nhìn Mácta lăng xăng dọn bữa ăn, chúng ta thấy dáng dấp của chính mình. Chúng ta hoạt động để được tiếng khen, để gây chú ý : “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ mà Thầy không để ý tới sao ? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay” (Lc 10,40-41). Chúng ta mời gọi kẻ khác cộng tác, cũng là để phục vụ cho chương trình của chính mình.
Đôi khi chúng ta cầu nguyện cũng là để kéo Chúa về phe mình, xin Chúa ủng hộ để cá nhân mình sớm được vẻ vang. Chúng ta muốn mình luôn được thành công. Chúng ta không chấp nhận thất bại. Chúng ta mãn nguyện với những hoạt động tông đồ của mình. Chúng ta hài lòng với công cuộc từ thiện của chúng ta. Chúng ta đi tìm chính mình !
* 2. Chọn phần ưu tiên
Có thể xếp những việc chúng ta phải làm hằng ngày thành hai loại : việc cấp bách (urgent) và việc thiết yếu (essential). Những việc cấp bách thì rất nhiều, những việc thiết yếu thì rất ít.
Cũng như Matta, chúng ta thường dành ưu tiên cho những việc cấp bách. Còn việc thiết yếu thì chúng ta hoãn lại. Khi nào làm xong hết những việc cấp bách, ta mới nghĩ đến việc thiết yếu. Nhưng khi đó thì đã quá muộn, chúng ta làm việc thiết yếu đó một cách hấp tấp và hời hợt.
Đức Hồng Y Joseph Bernardin, Tổng giám mục giáo phận Chicago, khi hay tin mình bị ung thư đến giai đoạn cuối, đã nói : “Bây giờ tôi mới nhận thức ra rằng chúng ta thường bỏ rất nhiều thời giờ của cuộc sống để làm những việc phụ thuộc không mấy ý nghĩa”.
Việc thiết yếu nhất mà người ta thường hoãn lại không làm là gì ? Thưa đó là việc mà Maria đã làm, đó là ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Chúa”. Chính Chúa Giêsu đã đánh giá đó là việc thiết yếu duy nhất và là việc tốt nhất phải làm (FM)
* 3. Một cách cầu nguyện
Đối với nhiều người, cầu nguyện là nói để xin.
Nhưng, xét theo một nghĩa nào đó, sự cầu nguyện đích thực chỉ bắt đầu khi ta ngừng nói. Cách cầu nguyện tốt nhất là ở bên chân Chúa, chẳng nói lời nào và cũng chẳng làm gì cả, như Maria vậy.
Có người nghĩ rằng làm việc là cách chứng tỏ cụ thể tình yêu của mình đối với Chúa, cho nên cứ ngồi im bên chân Chúa là mất giờ vô ích, nhất là khi ta còn nhiều việc phải làm. Có lẽ đúng. Nhưng nếu làm việc mà không cầu nguyện thì những việc làm kia dễ trở thành những việc làm vì mình và cho mình chứ không phải vì Chúa và cho Chúa ; và cũng có thể chúng trở thành những việc của mình chứ không phải của Chúa. Kết quả là sau khi ngưng việc, ta cảm thấy lòng mình trống rỗng, con người mình rất hời hợt nông cạn.
Thoreau nói : “Đừng sợ đời mình kết thúc, nhưng hãy sợ đời mình chưa bao giờ bắt đầu”.
Nhà tâm bệnh học Thomas Moore nói : “Có người có thể chữa khỏi những rối loạn tâm thần chỉ cần bằng cách tự ban cho mình mỗi ngày một ít phút thinh lặng suy nghĩ”. Đối với sức khoẻ tâm thần mà đã là như thế, huống chi đối với sức khoẻ siêu nhiên.

4.                 Chuyện minh họa
a/ Một bà lão đến một Linh mục xin tham vấn :
– Thưa cha, tôi đã cầu nguyện không ngừng suốt 14 năm qua, nhưng tôi chả cảm thấy sự hiện diện của Chúa gì cả.
– Thế Bà có cho Chúa cơ hội để nói với Bà lời nào không ?
– À… không. Tôi cứ nói miết. Nhưng như thế không phải là cầu nguyện sao ?
– Không. Bây giờ tôi khuyên bà mỗi ngày bỏ ra 15 phút chỉ ngồi im trước mặt Chúa thôi.
Bà cụ đã làm theo lời khuyên đó. Chỉ vài ngày sau, Bà trở lại khoe :
– Thật tuyệt diệu : Khi tôi nói với Chúa thì tôi chẳng cảm thấy gì cả. Nhưng khi tôi ngồi yên trước mặt Ngài thì tôi thấy như mình được sự hiện diện của Ngài bao phủ lấy tôi.
b/ Khi linh mục đang thống kê tình hình của xứ đạo, ngài hỏi một gia đình câu hỏi thường lệ :
– Các con có thường cầu nguyện chung cả gia đình không ?
            Gia trưởng trả lời :
– Thưa cha, chúng con không có thời giờ.
– Giả như con biết một đứa con sẽ bị bệnh nếu chúng con không cầu nguyện, gia đình con có cầu nguyện không ?
– Ồ, con đoán chúng con sẽ cầu nguyện.
– Giả sử con biết ngày nào đó khi gia đình lơ là việc cầu nguyện, một đứa con sẽ gặp tai nạn. Các con có cùng cầu nguyện không ?
– Tất nhiên chúng con sẽ cầu nguyện.
– Giả sử mỗi ngày con quên cầu nguyện, giáo luật phạt 5 đôla. Các con có sao lãng việc cầu nguyện không ?
– Chắc chúng con sẽ cầu nguyện. Nhưng ý của những câu hỏi này là gì ?
– Vấn đề của con là không có thời giờ. Con có thể tìm được thời giờ. Con không nghĩ cầu nguyện chung gia đình là quan trọng như nộp phạt hay giữ sức khỏe cho con. Ơn ban của Chúa qua lời cầu nguyện quan trọng hơn bất cứ những gì con có thể nghĩ tới.
c/ Một ngư dân đưa một thanh niên lên thuyền của ông. Một bên mái chèo có viết chữcầu nguyện và bên kia viết chữ làm việc. Anh thanh niên nói vẻ khinh miệt : “Này chú, chú lỗi thời quá. Ai muốn cầu nguyện làm gì, nếu như họ làm việc ?”
            Bác ngư phủ không nói gì, nhưng buông lỏng mái chèo có viết chữ cầu nguyện và chèo mái kia. Ông chèo và chèo mãi, nhưng chiếc thuyền chỉ quay tròn mà không tiến đi được.
            Anh thanh niên hiểu ra rằng bên cạnh mái chèo làm việc, chúng ta cũng cần phải có mái chèo cầu nguyện.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Lời Chúa hôm nay đặt cho mỗi người chúng ta một câu hỏi : Chúng ta đã đón tiếp Chúa như thế nào trong cuộc sống thường ngày ? Với ước mong được đón tiếp Chúa thật xứng đáng, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1.     Hội thánh là đại gia đình của những ai tin Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành viên trong đại gia đình này / luôn sống hiệp nhất và yêu thương nhau.
2.     Hiện nay có biết bao người không chốn nương thân / sống cảnh màn trời chiếu đất / không ai ngó ngàng gì đến họ / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những ai đang sống không nhà không cửa / tìm được một chỗ ở xứng hợp với nhân phẩm của mình.
3.     Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường dẫn lối cho người Kitô hữu trong cuộc lữ hành trần thế / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Lời Chúa soi sáng các Kitô hữu / để mọi việc họ làm đều phù hợp với chân lý và tình thương của Chúa.
4.     Hằng ngày trước mắt chúng ta / có biết bao người nghèo là hiện thân của Đức Kitô bị bỏ rơi / bị hất hủi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết quảng đại nâng đỡ những người bất hạnh trong xã hội.
Chủ tế : Lạy Chúa Giêsu, xin cho lòng chúng con trở nên thửa đất phì nhiêu, hầu đón nhận hạt giống lời Chúa và làm cho sinh hoa kết quả dồi dào. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
– Trước kinh Lạy Cha : Không lời cầu nguyện nào hay bằng lời kinh Lạy Cha do chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Vậy chúng ta hãy sốt sắng cầu nguyện bằng lời kinh Chúa dạy.
VII. Giải tán
Chúng ta đã ý thức rằng làm việc và cầu nguyện phải đi đôi với nhau, và chính sự cầu nguyện sẽ hỗ trợ cho những việc chúng ta làm. Anh chị em sắp trở lại với những việc làm hằng ngày. Đừng quên cầu nguyện để Chúa giúp anh chị em làm những việc đó tốt hơn.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật XVI Thường Niên (C)
Sunday 21 July, 2019
Maria và Máctha, bạn của Chúa Giêsu   
Phần nào tốt hơn đã được chọn bởi Maria?  
Lc 10:34–42


1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này thuật lại chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu tại nhà của hai bà Máctha và Maria.  Chúa Giêsu nói với Máctha:  “Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất!” Trải qua nhiều thế kỷ, nhiều lần những lời này đã được giải thích như là một sự xác nhận phần sự thật về Chúa Giêsu đó là đời sống chiêm niệm, sống ẩn mình trong các tu viện thì tốt hơn và cao cả hơn là cuộc sống tích cực của những người làm việc trong lĩnh vực truyền giáo.  Cách lý giải này không được chính xác cho lắm, bởi vì nó thiếu nền tảng của nguyên bản.  Để hiểu được ý nghĩa những lời này của Chúa Giêsu (và bất cứ lời nào), điều quan trọng là phải lưu tâm đến bối cảnh, có nghĩa là xem xét bối cảnh của Phúc Âm Luca cũng như bối cảnh rộng lớn hơn về các tác phẩm của Luca trong đó bao gồm sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ.  Trước khi minh xác một bối cảnh rộng lớn hơn của sách Tông Đồ Công Vụ, chúng ta hãy cố gắng ghé mắt một chút vào chính đoạn văn bản và cố gắng để xem bằng cách nào nó được đặt trong bối cảnh trực tiếp của sách Tin Mừng Luca.  Trong khi đọc, chúng ta hãy cố gắng cảm thấy rằng mình đang hiện diện trong nhà của bà Maria, cảm thấy thật gần gũi với khung cảnh và tiếp cận với những lời vàng ngọc của Chúa Giêsu, không chỉ có Máctha nghe thấy những lời này, nhưng cộng đoàn mà quyển Tin Mừng của Luca hướng tới cũng nghe những lời này và làm thế nào cả chúng ta cũng nghe nữa; chúng ta, những người ngày hôm nay cũng được nghe những lời truyền cảm này của Chúa Giêsu.

c)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 10:38:  Máctha rước Chúa Giêsu vào nhà mình
Lc 10:39-40a:  Maria lắng nghe lời Chúa Giêsu, Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách
Lc 10:40b:  Máctha than phiền và xin Chúa Giêsu can thiệp
Lc 10:41-42:  Câu trả lời của Chúa Giêsu

d)  Tin Mừng
38 Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình. 39 Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người. 40 Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách, bà đứng lại thưa với Người rằng:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.” 41 Nhưng Chúa đáp:  “Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. 42 Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất.”

3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta

4. Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân
a) Điều gì trong đoạn Tin Mừng này làm bạn hài lòng nhất hoặc làm bạn cảm động nhất?  Tại sao?
b) Chúa Giêsu muốn nói điều gì với lời khẳng định: “Chỉ có một sự cần mà thôi”?
c) “Phần tốt hơn” mà bà Maria đã chọn là phần nào và điều gì sẽ không bị ai lấy mất?
d) Một sự kiện lịch sử có thể có một ý nghĩa có tính cách tượng trưng sâu sắc hơn. Bạn đã thành công trong việc tìm ra một ý nghĩa có tính cách tượng trưng trong cách thức mà Luca mô tả chuyến viếng thăm của Chúa Giêsu đến nhà của Máctha và Maria chưa?
e) Bạn hãy đọc kỹ Sách Tông Đồ Công Vụ đoạn 6:1-6 và hãy cố gắng tìm ra sự liên hệ giữa vấn đề của các tông đồ và cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và bà Máctha.

5. Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng
Để giúp những ai muốn đào sâu hơn vào chủ đề
a)  Bối cảnh của Tin Mừng Luca:  
Theo sách Luca chương 9, câu 51, bắt đầu giai đoạn thứ hai việc hoạt động tông đồ của Chúa Giêsu, cuộc hành trình dài từ Galilê đi lên thành Giêrusalem.  Vào lúc bắt đầu cuộc hành trình, Chúa Giêsu bước ra khỏi thế giới của người Do-Thái và đi vào thế giới của người Samaria (Lc 9:52).  Mặc dù Chúa không được người Samaria đón nhận nồng nhiệt (Lc 9:53), Người vẫn tiếp tục hoạt động trong lãnh thổ của họ và thậm chí còn quở trách các môn đệ có tư tưởng khác biệt (Lc 9:54-55). Để trả lời cho những ai muốn xin đi theo Người, Chúa Giêsu đã làm rõ ràng ý nghĩa của tất cả những gì đã xảy ra, và chỉ ra cho họ biết những đòi hỏi của sứ vụ (Lc 9:56-62).
Sau đó, Chúa Giêsu chọn thêm bảy mươi hai môn đệ nữa đi làm sứ vụ trước những nơi mà Người sẽ đến.  Việc sai đi của nhóm Mười Hai (Lc 9:1-6) là để vào trong thế giới của người Do Thái.  Việc sai đi của nhóm Bảy Mươi Hai là cho thế giới bên ngoài người Do Thái.  Sau khi hoàn thành sứ vụ, Chúa Giêsu và các Môn Đệ họp lại và duyệt xét các công việc của sứ vụ, và các Môn Đệ thuật lại các việc họ đã làm, nhưng Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng việc chắc chắn nhất là tên của các ông đã được ghi trên Thiên Đàng (Lc 10:17-37).
Tiếp theo là đoạn Tin Mừng mô tả chuyến thăm viếng của Chúa Giêsu tại nhà các bà Máctha và Maria (Lc 10:38-42). Luca đã không đặc biệt chỉ rõ nơi làng của Máctha và Maria là ở đâu, nhưng trong bối cảnh địa lý của Tin Mừng Luca, người đọc có thể mường tượng được ngôi làng ấy nằm trong vùng Samaria.  Từ quyển Tin Mừng viết bởi Gioan, chúng ta biết được Máctha và Maria sống ở Bếtania, một ngôi làng nhỏ gần thành Giêrusalem (Ga 11:1).  Thêm vào đó, Gioan còn cho chúng ta biết rằng hai bà có người em trai tên là Lagiarô.

b)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:
Lc 10:38:  Máctha rước Chúa Giêsu vào nhà mình
“Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình”.  Chúa Giêsu đang trên đường đi.  Luca không luôn cho biết rõ nơi nào Chúa Giêsu đi ngang qua, nhưng nhiều lần cho biết Chúa đang trên đường đi (Lc 9:51,53-57; 10:1-38; 11:1; 13:22-23; 14:25; 17:11; 18:31-35; 19:1,11,28-29,41,45; và 20:1).  Bởi vì Chúa Giêsu đã dứt khoát quyết định đi lên Giêrusalem (Lc 9:51).  Quyết định này đã định hướng cho Người trong tất cả các giai đoạn của cuộc hành trình.  Lối vào làng và vào nhà của Máctha và Maria là một giai đoạn nữa của cuộc hành trình dài này lên đến Giêrusalem và tạo thành một phần việc thực hiện sứ vụ của Chúa Giêsu.  Ngay từ ban đầu, mục đích của cuộc hành trình này là nhất quyết:  thực hiện sứ mạng Người Tôi Trung của Chúa, được công bố bởi tiên tri Isaia (Is 53:2-10; 61:1-2) và được đảm trách bởi Đức Giêsu thành Nagiarét (Lc 4:16-21).

Lc 10:39-40a:  Maria lắng nghe lời Chúa Giêsu, Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách
“Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người; Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách”.  Một bữa ăn tối bình thường ở nhà, trong gia đình.  Trong khi một số người nói chuyện, những người khác phải lo chuẩn bị thức ăn.  Hai công việc đều quan trọng và cần thiết, cả hai bổ sung cho nhau, đặc biệt là khi phải đón tiếp khách đến thăm gia đình.  Trong lời khẳng định rằng “Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách” (diaconia: việc phục vụ), Luca gợi lại việc nhóm bảy-mươi-hai môn đệ cũng bận rộn với nhiều hoạt động của công việc truyền giáo (Lc 10:17-18).

Lc 10:40b:  Máctha than phiền và xin Chúa Giêsu can thiệp
“Máctha đứng lại thưa với Người rằng:  ‘Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.’”  Một cảnh tượng quen thuộc khác, nhưng không bình thường.  Chỉ có Máctha bận rộn với việc chuẩn bị thức ăn, trong khi ấy thì Maria đang ngồi và tiếp chuyện với Chúa Giêsu.  Máctha phàn nàn.  Đáng lẽ Chúa Giêsu nên can thiệp và nói điều gì đó với người em để xem Maria có sẽ giúp chị cô một tay trong công việc phục vụ không.  Máctha tự coi mình là một người tôi tớ và nghĩ rằng công việc của một người tôi tớ là chuẩn bị bữa ăn và sự phục vụ của mình trong nhà bếp là quan trọng hơn so với người em gái chỉ biết ngồi tiếp chuyện với Chúa Giêsu.  Đối với Máctha, những gì Maria làm không phải là sự phục dịch, bởi vì bà nói:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?”  Nhưng Máctha không phải là người tôi tớ duy nhất.  Chúa Giêsu cũng đảm nhận vai trò của mình như một người tôi tớ, đó là Người Tôi Trung được công bố bởi Tiên-tri Isaia.  Tiên tri Isaia đã nói rằng việc phục vụ chính yếu của người Tôi Trung là đến trước Thiên Chúa trong lời cầu nguyện lắng nghe để có thể tìm thấy được một lời an ủi đem đến cho những người đang chán nản.  Người Tôi Trung đã nói:  “Đức Chúa là Chúa Cả đã ban cho tôi miệng lưỡi của một người môn đệ, để cho tôi biết lựa lời nâng đỡ đến những ai đang rã rời kiệt sức.  Sáng sáng, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50:4).  Giờ đây, Maria đã có một thái độ cầu nguyện trước Chúa Giêsu.  Và một câu hỏi được đặt ra là:  Ai đã hoàn thành việc phục dịch của một người tôi tớ cách tốt đẹp hơn:  Máctha hay là Maria?

Lc 10:41-42:   Câu trả lời của Chúa Giêsu
“Nhưng Chúa đáp:  ‘Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt hơn và sẽ không bị ai lấy mất.’”  Một câu trả lời tuyệt vời và rất nhân bản.  Đối với Chúa Giêsu, một cuộc trò chuyện tâm đắc với những người bạn thì quan trọng và thậm chí còn quan trọng hơn cả việc ăn uống (Ga 4:32).  Chúa Giêsu không đồng ý với những điều lo lắng của Máctha.  Người không muốn việc chuẩn bị cho bữa ăn làm gián đoạn cuộc đàm thoại, và chừng như Chúa muốn nói:  “Máctha, con không cần phải sửa soạn quá nhiều thức như vậy!  Một ít thôi là đủ rồi!  Và sau đó hãy đến để tham dự vào cuộc đối thoại tốt đẹp này!”  Đây là ý nghĩa chính, Lời của Chúa Giêsu thật đơn giản và đượm tình người.  Chúa Giêsu ưa thích một cuộc trò chuyện tốt đẹp.  Và một cuộc trò chuyện tốt đẹp với Chúa Giêsu nảy sinh ra cuộc trò chuyện.  Nhưng trong bối cảnh của Tin Mừng Luca, những lời dứt khoát này của Chúa Giêsu mang một ý nghĩa biểu hiện sâu sắc hơn:

i) Giống như Máctha, các môn đệ cũng thế, trong khi thi hành sứ vụ, đã lo lắng về nhiều thứ, nhưng Chúa Giêsu đã minh xác một cách rõ ràng rằng điều quan trọng hơn cả là tên của họ được ghi trên Thiên Đàng, đó là, được biết đến và được yêu mến bởi Thiên Chúa (Lc 10:20).  Chúa Giêsu lặp lại điều này với Máctha:  “Con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  Chỉ có một sự cần mà thôi”.
ii) Một thời gian ngắn trước khi nhà thông luật đã giảm rút các điều răn xuống còn lại một:  “Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em mình như chính bản thân mình vậy” (Lc 10:27).  Chỉ cần tuân giữ giới răn quan trọng này, người ta sẽ sẵn sàng hành động với tình yêu, như người Samaria tốt lành và không giống như thày tư tế hay thày phó tế Lêvi đã không làm tròn nhiệm vụ của họ (Lc 10:25-42).  Nhiều công việc phục dịch của Máctha nên được thực hiện ngay lúc bắt đầu bởi việc phục vụ duy nhất thật sự cần thiết này là lòng quan tâm yêu thương đến người khác.  Đây là phần tốt hơn mà Maria đã chọn và sẽ không bị ai lấy mất.
iii)  Máctha thì lo lắng về việc phục vụ (bác ái).  Bà muốn được Maria đỡ cho một tay trong việc phục vụ tại bàn ăn.  Nhưng Thiên Chúa muốn sự phục dịch nào?  Đây là câu hỏi căn bản.  Maria thì có vẻ thích hợp hơn với thái độ của Người Tôi Trung của Thiên Chúa, bởi vì, giống như Người Tôi Trung, bà hiện đang ở trong tư thế cầu nguyện trong sự hiện diện của Chúa Giêsu.  Maria không thể rời bỏ tư thế cầu nguyện trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Vì nếu Maria đi giúp chị thì bà sẽ không thể tìm thấy được lời an ủi để đem đến cho những người đang chán nản.  Đây là việc phục vụ thực sự mà Thiên Chúa đang đòi hỏi mọi người chúng ta.

c)  Phần phụ chú:
Một bối cảnh rộng lớn hơn về Sách Tông Đồ Công Vụ
Sau cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, các cộng đoàn được thành hình.  Họ sẽ phải đối diện với nhiều vấn đề mới, bởi vì họ chưa có các giải pháp đã vạch sẵn.  Để định hướng cho mình trong việc đi tìm giải pháp cho các vấn đề, các cộng đoàn đã cố gắng nhớ những lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu để có thể mang lại cho họ một chút ánh sáng.  Do đó, cảnh cuộc việc thăm viếng của Chúa Giêsu tại nhà của các bà Máctha và Maria đã được nhắc lại và kể ra để giúp làm cho rõ vấn đề được mô tả trong sách Tông Đồ Công Vụ chương 6:1-6.
Sự phát triển nhanh chóng về số lượng người Kitô hữu đã tạo ra sự chia rẽ trong cộng đoàn.  Các tín hữu gốc Hy-Lạp đã bắt đầu than phiền những tín hữu gốc Do-Thái bản xứ và nói rằng các bà góa trong nhóm họ đã bị gạt sang bên lề, bị quên lãng, trong cuộc sống hằng ngày. Có sự phân biệt đối xử trong môi trường sinh hoạt cộng đoàn và người ta bị thiếu sót những dịch vụ khác nhau.  Tính đến thời điểm ấy, nhu cầu đã không được đề đạt đến những người khác trong việc phối hợp của cộng đoàn và trong việc hoàn thành các dịch vụ.  Giống như ông Môisen, sau khi rời khỏi đất Ai-Cập (Xh 18:14; Ds 11:14-15), các vị Tông Đồ cũng đã phải tự mình cáng đáng mọi việc.  Nhưng với ông Môisen, bị ràng buộc bởi các sự kiện, đã chia sẻ quyền lực và triệu tập bảy mươi người lãnh đạo khác để lo cho các dịch vụ cần thiết trong số Dân Riêng Thiên Chúa (Xh 18:17-23; Ds 11:16-17).  Chúa Giêsu đã làm điều tương tự:  Người triệu tập bảy mươi hai môn đệ khác (Lc 10:1).  Bây giờ, khi đối diện với những vấn đề mới, các vị Tông Đồ cũng làm theo như vậy.  Các ông tập họp cộng đoàn lại và đặt vấn đề trước mọi người.  Không còn nghi ngờ gì, lời của Chúa Giêsu nói với Máctha đã giúp các ông đạt được một giải pháp.  Hai đoạn văn bản dưới đây có thể được đọc song song với nhau.  Bạn hãy cố gắng tìm hiểu hai đoạn này đã làm sáng tỏ cho nhau như thế nào:
1 Thời đó, khi số môn đệ thêm đông, thì các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên.2 Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải.3 Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó.4 Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.”  (Cv 6:1-4)
38  Trong cuộc hành trình, Chúa Giêsu vào một làng kia, và có một phụ nữ tên là Máctha rước Người vào nhà mình.  39 Bà có người em gái tên là Maria ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người.  40  Máctha bận rộn với việc thiết đãi khách, bà đứng lại thưa với Người rằng:  “Lạy Thầy, em tôi để tôi hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao?  Xin Thầy bảo em tôi giúp tôi với.”  41 Nhưng Chúa đáp:  “Máctha, Máctha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện.  42  Chỉ có một sự cần mà thôi.  Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất.”
Các vị Tông Đồ nhận thấy họ đang đứng giữa hai nhu cầu thiết thực, cả hai đều rất quan trọng, được xác định như sự phục vụ (bác ái):  sự phục vụ Lời Chúa và sự phục vụ bàn ăn.  Phải làm sao đây?  Trong hai việc, việc nào quan trọng hơn?  Câu trả lời của Chúa Giêsu nói với bà Máctha đã giúp các ông nhận thức được vấn đề.  Chúa Giêsu nói rằng bà Maria không thể bỏ bê việc trò chuyện với Chúa để đi phụ giúp việc trong nhà bếp.  Vì thế, Phêrô đã kết luận:  Đó là việc không chính đáng nếu chúng ta bỏ bê việc rao giảng Lời Chúa để mà đi phân phát thức ăn!  Và Phêrô xác định nhiệm vụ của các Tông Đồ là:  “họ phải tận tụy với việc cầu nguyện và công việc rao giảng Lời Chúa.”
Điều này không có nghĩa là việc phục vụ này thì xứng đáng hơn việc kia.  Điều mà không thể chấp nhận được là sứ vụ rao giảng Lời Chúa bị cản trở bởi những nhu cầu không lường trước được của việc phục dịch bữa ăn.  Cộng đoàn có nhiệm vụ phải đối diện với vấn đề, phải quan tâm tới việc có đủ người cho tất cả các dịch vụ; ngược lại, vì để có thể giữ việc phục vụ Lời Chúa trong tính cách vẹn toàn của nó.  Việc phục vụ Lời Chúa đúng đắn cho các vị Tông Đồ (và với bà Maria ngồi dưới chân Chúa Giêsu) có hai khía cạnh:  một mặt là lắng nghe Lời Chúa, nhận lãnh, thể hiện, công bố, phổ biến Lời Chúa qua các công tác truyền giáo tích cực, và mặt khác, nhân danh cộng đoàn, đáp ứng với Thiên Chúa trong lời cầu nguyện, đại diện cộng đoàn trong thái độ cầu nguyện trước mặt Thiên Chúa.  Đây không phải là một câu hỏi của sự đối chọi nhau giữa hai việc phục vụ:  Lời Chúa và việc bác ái.  Cả hai đều quan trọng và cần thiết cho đời sống của cộng đoàn.  Thật cần thiết để có những người sẵn sàng cho cả hai việc.  Bên cạnh đó, trong cơ cấu tổ chức của Nước Trời, việc phục vụ Lời Chúa (Việc Truyền Bá Phúc Âm) là cội rễ, là nguồn gốc.  Đó là phần tốt hơn mà bà Maria đã chọn.  Việc phục vụ nơi bàn ăn là kết quả, là hoa trái, đó là sự mặc khải của nó.  Đối với Luca và các Kitô hữu tiên khởi, “phần tốt hơn” mà Chúa Giêsu nói với bà Máctha là việc phục vụ truyền bá Phúc Âm, chính là cội rễ của tất cả các phần còn lại.
Nhà thần học Mester Eckhart, tu sĩ dòng Đa-Minh, chuyên về siêu hình của thời Trung Cổ diễn giải đoạn này một cách dí dỏm.  Ông nói rằng Máctha đã biết cách làm việc và sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa.  Maria thì chưa biết và còn đang học hỏi.  Đây là lý do tại sao bà ấy không thể bị làm gián đoạn.  Những điều mầu nhiệm tuyệt vời là bằng chứng cho thấy rằng đoạn Tin Mừng này không thể được giải thích như là lời xác nhận về một phần của Chúa Giêsu rằng đời sống chiêm niệm thì quý giá hơn và cao cả hơn đời sống hoạt động.  Thật là không đúng nếu chúng ta tách rời hai điều này, bởi vì một việc thì được hoàn thành, được thành lập và được thực hiện rõ ràng nhờ vào việc kia.  Thánh Gioan Thánh Giá, tu sĩ dòng Cát Minh, trong hơn mười năm, ngài đi một quãng đường 27 ngàn cây số qua Tây-ban-nha.  Thánh Têrêsa thành Avila đã luôn di chuyển, rất bận rộn, vì bà là nhà sáng lập của rất nhiều tu viện.  Chính Chúa Giêsu cũng đã sống trong sự hiệp nhất sâu xa của đời sống chiêm niệm và hoạt động.

6. Đọc lại một bài Thánh Vịnh

Thánh Vịnh 145 (144):  Thiên Chúa đáng được tán dương
Lạy Thiên Chúa con tôn thờ là Vua của con,
con nguyện tán dương Chúa
và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa
và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
CHÚA thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng.
Người cao cả khôn dò khôn thấu.
Đời nọ tới đời kia, thiên hạ đề cao sự nghiệp Chúa
và truyền tụng những chiến công của Ngài,
tuyên bố Ngài oai phong vinh hiển,
kể lại rằng: Ngài thực hiện những kỳ công,
bảo cho nhau: sức mạnh Ngài đáng sợ,
loan truyền rằng: Ngài cao cả lắm thay!
Nhắc nhở luôn: Ngài nhân ái vô cùng,
hoan hô Ngài công chính.
CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu,
Người chậm bất bình và chan chứa tình thương.
CHÚA nhân ái đối với mọi người,
tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.
Lạy CHÚA, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ,
kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài,
nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển,
xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng,
để nhân loại được tường những chiến công của Chúa,
và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.
Triều đại Ngài: thiên niên vĩnh cửu,
vương quyền Ngài vạn đại trường tồn.
Chúa thành tín trong mọi lời Chúa phán,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
Ai quỵ ngã, CHÚA đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.
Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,
và chính Ngài đúng bữa cho ăn.
Khi Ngài rộng mở tay ban,
là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê.
CHÚA công minh trong mọi đường lối Chúa,
đầy yêu thương trong mọi việc Người làm.
CHÚA gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa,
mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.
Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện,
nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu,
CHÚA gìn giữ mọi kẻ mến yêu Người,
nhưng lại diệt trừ hết bọn ác nhân.
Môi miệng tôi, hãy dâng lời ca ngợi CHÚA,
chúng sinh hết thảy, nào chúc tụng Thánh Danh
đến muôn thuở muôn đời!

7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét