Trang

Thứ Năm, 1 tháng 8, 2019

02-08-2019 : THỨ SÁU - TUẦN XVII THƯỜNG NIÊN


02/08/2019
Thứ sáu đầu tháng, tuần 17 thường niên


BÀI ĐỌC I: Lv 23, 1. 4-11. 15-16. 27. 34b-37
“Các ngươi phải kể những ngày của Chúa là những ngày rất trọng thể và là ngày thánh”.
Trích sách Lêvi.
Chúa phán cùng Môsê rằng: “Đây là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải mừng lễ trong thời gian của nó. Chiều ngày mười bốn tháng Giêng là Lễ Vượt Qua của Chúa; và ngày mười lăm tháng Giêng, là lễ trọng không men của Chúa: Các ngươi sẽ ăn bánh không men trong bảy ngày. Ngày thứ nhất, các ngươi phải kể là ngày rất trọng thể, và là ngày thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy”. Trong bảy ngày, các người phải thiêu hy lễ dâng lên Chúa. Ngày thứ bảy là ngày trọng thể và là ngày thánh hơn, các ngươi không làm việc xác nào trong ngày ấy”.
Chúa lại phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cùng con cái Israel và bảo họ rằng: Khi các ngươi đã tiến vào đất Ta sẽ ban cho các ngươi, và khi các ngươi gặt lúa, thì phải mang bó lúa đầu mùa đến cho tư tế, người sẽ giơ bó lúa lên trước mặt Chúa để hôm sau ngày sabbat, người xin Chúa chấp nhận cho các ngươi, và thánh hoá nó. Vậy các ngươi hãy tính từ hôm sau ngày sabbat, là ngày các ngươi đã dâng bó lúa đầu mùa, các ngươi tính đủ bảy tuần, cho đến ngày hôm sau cuối tuần thứ bảy, tức là năm mươi ngày, thì các ngươi phải dâng của lễ mới cho Chúa. Ngày mùng mười tháng Bảy, là ngày đền tội rất trọng thể, gọi là ngày thánh: trong ngày đó, các ngươi phải hãm dẹp tâm hồn, và dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa. Từ ngày mười lăm tháng Bảy sẽ mừng lễ Nhà Xếp kính Chúa trong bảy ngày. Ngày thứ nhất sẽ gọi là ngày rất trọng thể và rất thánh, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy. Và trong bảy ngày, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, ngày thứ tám cũng rất trọng thể và rất thánh, các ngươi phải dâng của lễ toàn thiêu cho Chúa, vì là ngày cộng đoàn tập họp, các ngươi không nên làm mọi việc xác trong ngày ấy.
“Đó là những ngày lễ của Chúa mà các ngươi phải kể là những ngày rất trọng thể và rất thánh, trong những ngày ấy, các ngươi phải dâng lên Chúa lễ vật, của lễ toàn thiêu và lễ quán theo nghi lễ của mỗi ngày”. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 80, 3-4. 5-6ab. 10-11ab
Đáp: Hãy reo mừng Thiên Chúa là Đấng phù trợ chúng ta (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy hoà nhạc và đánh trống râm ran; dạo đàn cầm êm ái cùng với thất huyền. Hãy rúc tù và lên mừng ngày trăng mới, trong buổi trăng rằm, ngày đại lễ của chúng ta. – Đáp.
2) Vì đó là điều đã thiết lập cho Israel; đó là huấn lệnh của Thiên Chúa nhà Giacóp. Người đã đặt ra luật này cho nhà Giuse, khi họ cất gót lên đường lìa xa Ai-cập. – Đáp.
3) Ở nơi ngươi đừng có một chúa tể nào khác; ngươi cũng đừng thờ tự một chúa tể ngoại lai: vì Ta là Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Ta đã đưa ngươi ra ngoài Ai-cập. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 13, 54-58
“Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc ư? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?”
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người.
Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Tâm Thức Thời Ðại
Dư luận trong giới trí thức Âu Mỹ hiện nay đang nhắc nhiều đến cuốn sách bàn về tương lai nhân loại với tựa đề: "Ngỡ Ngàng Trước Tương Lai", trong đó tác giả nói về những thay đổi nhanh chóng hiện nay trên đời sống con người khiến ông cảm thấy ngỡ ngàng. Theo tác giả thì tâm lý thường tình của con người thích những khuôn sẵn có cho cuộc sống của mình nhờ đó con người dễ ổn định và dự liệu cho những gì xảy ra. Tắt một lời, dù có khuynh hướng sống thay đổi nhưng tận thâm tâm,con người sống và suy tưởng theo những khung sẵn có, và tệ hại hơn theo điều mà chúng ta gọi là thành kiến.
Tâm thức trên đây giúp chúng ta hiểu phần nào biến cố được trình thuật trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trở về giảng dạy tại quê hương của Ngài là Nazareth, nhưng dân chúng tại đây không tin nhận Chúa, bởi vì họ suy tưởng và hành động theo thói quen, theo thành kiến. Họ đã quen với Chúa Giêsu như là con bác thợ mộc Giuse sống giữa họ từ bao năm nay, do đó giờ đây phải nhìn Chúa và đón nhận giáo huấn của Ngài với một tâm thức mới thì họ bị vấp phạm. Quả thật, như lời cụ già Simêon đã nói trong biến cố dâng Chúa vào Ðền thánh: Chúa Giêsu luôn luôn là dấu gợi lên chống đối; trực diện với Ngài, con người phải chọn lựa hoặc tin nhận, hoặc chối từ.
Chúng ta hãy xét lại xem đức tin của chúng ta hiện nay đối với Chúa Giêsu có còn sống động hay đã trở thành một thói quen khô khan, nguội lạnh, chỉ vì quá quen thuộc như dân làng Nazareth ngày xưa? Phải chăng cuộc sống của chúng ta đã trở thành mù quáng hoặc nô lệ cho những thành kiến đến độ không còn tin nhận Chúa và không còn bén nhạy trước tác động của ơn Chúa?
Xin Chúa tha thứ cho thái độ lạnh nhạt của chúng ta. Xin ban Thánh Thần để chúng ta nhìn thấy những dấu chỉ Chúa thực hiện trong đời sống và trong những biến cố hằng ngày để chúng ta luôn tin nhận Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 17 TN1, Năm lẻ.
Bài đọcLv 23:1, 4-11, 15-16, 27, 34b-37; Mt 13:54-58.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải sống những gì mình cử hành.
Kitô Giáo không phải chỉ là niềm tin vào Thiên Chúa, được cử hành qua những nghi thức trong thánh đường; nhưng niềm tin này phải được biểu lộ trong đời sống của các Kitô hữu, như có một tác giả đã diễn tả "cuộc đời ta là Thánh Lễ nối dài." Các nghi thức giúp chúng ta thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa qua các biến cố lịch sử; để rồi chúng ta biết sống những mầu nhiệm đó trong đời sống hằng ngày. Chỉ như thế, tôn giáo mới mang lại lợi ích cho con người.
Các Bài Đọc hôm nay dẫn chứng nhu cầu cần thấu hiểu những gì con người cử hành trước khi sống niềm tin đó. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Levi trình bày ý nghĩa và những gì cần làm trong 4 ngày đại lễ của người Do-thái để thờ phượng Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu trở về quê để rao giảng và làm ích cho những người đồng hương; nhưng họ đã vấp phạm vì Ngài ngay trong hội đường.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bốn đại lễ của Đức Chúa và những điều dân chúng phải làm.
Đức Chúa phán với ông Moses rằng: Đây là các đại lễ của Đức Chúa, các cuộc họp để thờ phượng mà các ngươi phải triệu tập vào thời gian ấn định:

1.1/ Lễ Vượt Qua (Passover) và Lễ Bánh Không Men (Unleaven Bread):
(1) Ý nghĩa: Hai ngày lễ này gần nhau vì cùng chung một biến cố lịch sử để kỷ niệm ngày con cái Israel được Thiên Chúa giải thoát khỏi làm nô lệ cho người Ai-cập.
+ Lễ Vượt Qua (Pasch): "Tháng thứ nhất, ngày mười bốn trong tháng, vào lúc chập tối, là Lễ Vượt Qua kính Đức Chúa." Các thiên thần "vượt qua" những nhà có máu chiên bôi trên cửa, và con cái Israel "vượt qua" Biển Đỏ ráo chân; trong khi quân đội của Pharao bị nhận chìm trong biển.
+ Lễ Bánh Không Men (massôt): "Ngày mười lăm tháng ấy là Lễ Bánh Không Men kính Đức Chúa. Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải ăn bánh không men."
(2) Những việc cần làm:
- Ngày đầu tiên, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Mục đích là để nhớ lại tình thương, uy quyền, và cảm tạ Thiên Chúa.
- Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ bảy, có cuộc họp để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
- Khi các ngươi vào đất Ta ban cho các ngươi, và gặt mùa ở đó, thì phải đem đến cho tư tế một bó lúa, sản phẩm đầu mùa gặt hái của các ngươi. Mục đích là để tạ ơn Thiên Chúa đã đưa dân vào Đất Hứa và chúc lành cho mùa màng đầu năm của họ.
- Nó sẽ làm nghi thức tiến dâng trước nhan Đức Chúa để các ngươi được đoái nhận; tư tế sẽ làm nghi thức tiến dâng hôm sau ngày Sabbath.

1.2/ Lễ Năm Mươi (Pentecost): còn được gọi là Lễ Tuần (Weeks)
(1) Ý nghĩa: Bảy tuần chẵn hay 50 ngày sau khi chấm dứt Lễ Bánh Không Men: "Từ hôm sau ngày Sabbath, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn. Các ngươi phải tính năm mươi ngày cho đến hôm sau ngày Sabbath, và các ngươi sẽ tiến dâng một lễ phẩm mới lên Đức Chúa." Truyền thống mừng lễ này để kỷ niệm biến cố Thiên Chúa ban cho con cái Israel Thập Giới qua ông Moses trên núi Sinai, 50 ngày sau biến cố vượt qua Biển Đỏ.
(2) Việc phải làm: Các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng. Các chi tiết khác được mô tả rõ ràng trong (Lev 23:15-21).

1.3/ Ngày Xá Tội (Day of Atonement):
(1) Ý nghĩa: "Ngày mồng mười tháng bảy là Ngày Xá Tội." Mục đích là để xin Thiên Chúa tha thứ các tội mà con cái Israel đã xúc phạm tới Ngài và với nhau.
(2) Việc cần làm: Các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, phải ăn chay hãm mình và tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa. Chi tiết về lễ này, xin đọc Sách Levi, chương 16.
1.4/ Lễ Lều (sukkôt): còn được gọi là Booth, Tent, hay Tabernacle.
(1) Ý nghĩa: Ngày mười lăm tháng bảy là Lễ Lều kính Đức Chúa, trong vòng bảy ngày. Mục đích là để cám ơn Thiên Chúa đã cho mùa màng thứ hai được kết quả tốt đẹp (nho và ôliu). Truyền thống sau này kỷ niệm việc con cái Israel sống trong lều khi lang thang suốt 40 năm trong sa mạc.
(2) Việc phải làm:
+ Ngày đầu tiên, phải họp nhau để thờ phượng Ta, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào.
+ Trong vòng bảy ngày, các ngươi phải tiến dâng lễ hoả tế lên Đức Chúa. Ngày thứ tám, các ngươi phải họp nhau để thờ phượng Ta, và phải tiến dâng một lễ hoả tế lên Đức Chúa: đó là một buổi họp long trọng, các ngươi không được làm một công việc nặng nhọc nào. Chi tiết về lễ này, xin xem (Num 29:12-38).
2/ Phúc Âm: Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
2.1/ Người đồng hương Nazareth không tin vào Chúa: Để giúp người đồng hương có cơ hội tin vào Ngài, Chúa Giêsu về quê và vào trong hội đường của họ để giảng dạy dân chúng.
(1) Họ nhận ra lập tức sự khôn ngoan và uy quyền của Chúa: Họ sửng sốt và nói: "Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?" Nếu cứ tìm hiểu lý do, họ có thể tiến tới chỗ tin Ngài là Con Thiên Chúa.
(2) Phán đoán sai lầm: Nhưng họ để cho tính kiêu căng và ích kỷ chi phối phán đoán của họ: "Ông ta không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Maria; anh em của ông không phải là các ông Giacôbê, Joseph, Simon và Judah sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? Và họ vấp ngã vì Người."
Họ vấp ngã vì đã phán đoán không đúng đối tượng: thay vì phán đoán các dữ kiện Chúa nói và làm, họ lại phán đoán gia cảnh, họ hàng, và các môn đệ của Ngài! Họ nghĩ, một gia đình thợ mộc tầm thường không thể có con khôn ngoan và uy quyền như thế, vì "con sãi chùa phải quét lá đa!"
2.2/ Bụt nhà không thiêng: Đức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mìnhvà trong gia đình mình mà thôi." Quá quen đưa đến khinh thường hay "gần chùa gọi bụt bằng anh."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta không thể tách rời những gì chúng ta cử hành trong thánh đường với đời sống của chúng ta ngoài thánh đường. Để sinh lợi ích, chúng ta phải đem ra áp dụng trong cuộc đời những gì chúng ta đã cử hành trong thánh đường.
- Chúng ta không thể chỉ là người công giáo ngày Chúa Nhật trong thánh đường và sống như những người vô thần khi ra khỏi nơi thánh đó. Làm như thế, chúng ta chỉ là những kẻ giả hình và thờ Thiên Chúa bằng môi miệng, còn lòng chúng ta thì xa Chúa vạn dặm. 

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


02/08/2019 – THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN
Th. Phê-rô Giu-li-a-nô Ê-ma, linh mục
Mt 13,54-58

NỖI BUỒN CỦA CHÚA GIÊ-SU
“Ông ta không phải là con bác thợ sao? Bởi đâu ông ta làm được những phép lạ như thế? Và họ vấp ngã vì Người.” (Mt 13,55.57a)

Suy niệm: Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh.” Chỉ vì sống gần chùa mà đến độ linh thiêng như Bụt, cũng coi như kẻ bằng vai. Những mối liên hệ trong gia đình, dòng tộc, xóm giềng cũng vì quen quá hoá thường đến độ đánh mất sự tương kính phải có. Não trạng đó cũng xảy ra đối với chính Đức Giê-su. Ngài vốn dĩ là Con Thiên Chúa, nhưng đã đến trong thế gian, nhập thể làm người, sống trong một gia đình nhân loại. Nhưng thật đáng buồn, ngay cả người thân quen xóm giềng chẳng những không nhận biết thần tính của Ngài mà còn coi thường, không đón nhận giáo huấn của Ngài nữa. Chính vì thế, Chúa Ki-tô đã không thể thực hiện dấu lạ nào ngay tại chính quê hương Na-da-rét của mình.
Mời Bạn: Hai thái độ cực đoan có thể khiến người tín hữu đánh mất cảm thức về tính linh thánh của những mầu nhiệm: – cố gắng làm thật nhiều các việc đạo đức đến độ trở thành thói quen máy móc; – chối bỏ những thực hành đạo đức vì cho đó là những việc làm hình thức nhàm chán. Để giữ được sự quân bình nội tâm giữa hai thái cực đó, cần thực hành hai phương thế này: – thường xuyên học hỏi đào sâu đức tin qua những giáo huấn của Giáo Hội; – dành thời giờ suy gẫm và chia sẻ Lời Chúa để thêm xác tín và tình yêu đối với Ngài.
Sống Lời Chúa: Để tránh hành động theo thói quen máy móc, trước khi làm bất cứ việc gì, dù là việc đạo đức hay việc thường ngày, bạn dừng lại một giây hướng lòng lên Chúa, xin Ngài ban thêm lòng tin cậy mến.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 Phút Lời Chúa)


Đức Giêsu về quê (2.8.2019 – Thứ sáu Tuần 17 Thường niên)
Suy niệm

Sau khi đã chịu phép Rửa, vào hoang địa để cầu nguyện, ăn chay,
có một ngày nào đó, Đức Giêsu chia tay Đức Mẹ để lên đường.
Lên đường là bỏ lại ngôi làng Nadarét dấu yêu với bao kỷ niệm.
Chính tại đây Ngài đã sống hơn ba mươi năm trong bầu khí gia đình.
Chính tại nơi này, Ngài đã lớn lên quân bình về thân xác, trí tuệ, tâm linh.
Nadarét như một ngôi trường lớn, chuẩn bị cho Ngài chững chạc đi sứ vụ.
Tại đây, Đức Giêsu đã là con bác thợ Giuse (c. 55),
và đã trở thành thợ theo truyền thống cha truyền con nối.
Ngài đã được dạy nghề và hành nghề để kiếm sống cho bản thân và gia đình.
Đức Giêsu là một người thợ tại Nadarét, phục vụ cho nhu cầu dân làng.
Ngài biết đến cái vất vả của công việc chân tay nặng nhọc.
Đức Giêsu không thuộc giới trí thức, thượng lưu, quyền quý.
Lao động làm Ngài gần với người nghèo và thấy sự đơn sơ của tâm hồn họ.
Cũng tại Nadarét, đời sống cầu nguyện của Đức Giêsu được nuôi dưỡng.
Ngài học được lối cầu nguyện một mình ở nơi vắng vẻ.
Đức Giêsu có khả năng thấy sự hiện diện yêu thương của Cha nơi mọi sự,
nơi một bông hoa, nơi chim trời, nơi ánh nắng và cơn mưa.
Tình thân của Con đối với Cha ngày càng trở nên sâu đậm.
Ngài tìm ý Cha mỗi lúc và để Cha chi phối trọn vẹn đời mình.
Hôm nay Đức Giêsu trở về làng cũ sau một thời gian đi sứ vụ.
Ngài vào lại hội đường quen thuộc, gặp lại những khuôn mặt đồng hương.
Không rõ trước đây có lần nào bác thợ Giêsu được mời giảng ở đây chưa.
Nhưng lần này, khi trở về với tiếng tăm từ những phép lạ làm ở nơi khác,
Đức Giêsu đã khiến dân làng sửng sốt vì sự khôn ngoan trong lời giảng dạy.
Hai lần họ đặt câu hỏi: Bởi đâu ông ta được như thế ? (cc. 54. 56).
Một câu hỏi rất hay, nếu được tìm hiểu một cách nghiêm túc.
Câu hỏi này có thể đưa họ đi rất xa, để gặp được căn tính của Đức Giêsu.
Tiếc thay, dân làng Nadarét lại không quên được nghề nghiệp của cha Ngài.
Họ nhớ rất rõ họ hàng gần xa của Ngài là mẹ và các anh chị.
Họ có thể kể tên từng anh chị em của Ngài, vì đều là bà con lối xóm (c. 55).
Đức Giêsu là người mà họ biết quá rõ từ thuở ấu thơ.
Làm sao con người bình thường, ít học đó lại có thể là một vị ngôn sứ ?
Làm sao từ ngôi làng Nadarét vô danh này lại xuất hiện ngôn sứ được ?
Và họ vấp ngã vì Đức Giêsu, nghĩa là họ đã không tin vào Ngài.
Cái biết gần gũi của họ về Ngài lại trở nên thành kiến
khiến họ không thể tiến sâu hơn vào mầu nhiệm con người Đức Giêsu.
Người đồng hương của Ngài đã không trả lời được câu hỏi: Bởi đâu… ?
Mỗi con người là một mầu nhiệm mà ta phải khám phá mãi.
Có những mầu nhiệm lớn ẩn trong lớp áo tầm thường.
Dân làng Nadarét đã không nhận ra hồng phúc mà họ đang hưởng.
Chúng ta cũng cần được giải thoát khỏi những cái biết hẹp hòi,
để thấy mình hạnh phúc khi sống với người khác gần bên.
Lời nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,
Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.
Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.
Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG TÁM
Mầu Nhiệm Của Sự Dữ Luân Lý
Bây giờ chúng ta hãy xét đến sự dữ luân lý. Nói “sự dữ luân lý”, chúng ta có ý đề cập đến các hình thức khác nhau của tội lỗi và những hậu quả của nó trên thế giới vật chất của chúng ta. Thiên Chúa tuyệt đối không muốn thứ sự dữ này. Sự dữ luân lý hoàn toàn đi ngược lại với thánh ý Thiên Chúa. Trong cuộc sống của con người và trong thế giới, nếu sự dữ này xảy ra – và đôi khi xảy ra một cách hết sức nghiêm trọng – thì đấy chỉ bởi vì Thiên Chúa quan phòng muốn bảo đảm duy trì sự tự do của con người trong thế giới thụ tạo này.
Sự tồn tại của sự tự do nơi tạo vật đồng nghĩa với sự tồn tại của con người và các hữu thể tinh thần thuần túy – chẳng hạn các thiên thần. Sự tự do này là điều kiện tất yếu để cho con người có thể đạt đến sự sung mãn của tạo vật và đáp lại kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa. Để có được sự thiện trọn vẹn và sự sung mãn trong tạo vật, cần phải có những hữu thể tự do – và đối với Thiên Chúa, điều này có giá trị hơn nhiều so với tình trạng bi đát do các hữu thể ấy có thể lạm dụng sự tự do đã được ban cho mình để chống lại Đấng Tạo Hóa. Như vậy, chúng ta nhận ra rằng sự tự do của con người có thể dẫn đến sự dữ luân lý.
Từ khả năng suy lý của mình cũng như từ mạc khải của Thiên Chúa, chúng ta chắc chắn nhận hiểu rất nhiều về mầu nhiệm quan phòng thần linh – trong đó dù sự dữ không phải là điều được tìm kiếm song cũng là điều được nhận chịu trong ý hướng tranh thủ một sự thiện lớn hơn. Tuy nhiên, một sự nhận hiểu đầy đủ về mầu nhiệm sự dữ luân lý chỉ có thể xảy đến với chúng ta xuyên qua Thập Giá khải thắng của Đức Kitô.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 02/8
Thánh Êusêbiô Verceliêsi
và Thánh Phêrô Julianô Eymard, linh mục
Lv 23, 1. 4-11.15-16.27.34-37; Mt 13,54-58.

LỜI SUY NIỆM: Người về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế?”
          Trong câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê nhà giúp cho mỗi người trong chúng ta một bài học là mỗi khi chúng ta tụ họp lại để cử hành giờ thờ phượng Thiên Chúa; hay nghe Lời Ngài. Mỗi người chúng ta cần phải mang theo một tinh thần mong muốn và khao khát được nhận lãnh sự lợi ích cho linh hồn và thân xác của mình, chứ không đến như một người quan sát; nhưng là một người tham dự thật sự.
          Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban cho mỗi người chúng con luôn biết mở rộng tâm hồn, trí óc để đón nhận ơn ban soi sáng của Chúa Thánh Thần, giúp cho chúng con được vui hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc khi tham dự thờ phượng và nghe Lời Chúa.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 02-08
Thánh EUSÊBIÔ VERCELLÊSI
Giám Mục (+371)

Thánh Eusêbiô sinh tại Sardinia trong một gia đình quí phái. Nhưng trổi vượt sự sao sang giàu có trần thế. Ngài được vinh dự là con của một người cha chịu chết vì đức tin dưới thời Diôclêtianô. Mẹ Ngài đã đưa hai người con về sống tại Roma. Ngài được Đức giáo hoàng Eusêbiô rửa tội và lấy chính tên mình đặt cho con trẻ.
Eusêbiô được nuôi dưỡng trong bầu khí đạo đức, Ngài theo học văn chương và nghệ thuật. Gia nhập hàng giáo sĩ, Ngài được phong chức đọc sách.
Ngài được sai đi Vercelli và năm 345 được chọn làm giám mục tiên khởi của giáo phận này. Xét rằng phương cách hữu hiệu nhất để thánh hóa các linh hồn là phải có một hàng giáo sĩ được huấn luyện tử tế, Ngài thiết lập một trường đào tạo linh mục. Cùng với nhóm môn sinh, Ngài sống đời ẩn tu ngay giữa thành phố. Nhưng lời khuyên dạy đầy cảm kích đã làm cho Vercellêsi thay đồi hẳn. Các tội nhân tìm về lãnh nhận các bí tích và nhiệt thành phụng sự Chúa.
Chịu bách hại vì đạo, cuộc đời Eusêbiô đã đạt tới vinh quang cao cả. Khi ấy bè rối Ariô bành trướng mạnh mẽ, với sự bảo trợ của hoàng đế Constantino. Eusêbiô mãnh liệt chống lại và đức tin không thể lay chuyển của Ngài mang lại niềm an ủi cho Đức giáo hoàng chỉ định dẫn dầu phái đoàn các giám mục đến gặp hoàng đế để bênh vực đức tin. Đầy nhiệt tâm Ngài thuyết phục được hoàng đế triệu tập một công đồng.
Năm sau công đồng khai diễn tại Milan. Tại công đồng, hoàng đế thúc bách các giám mục phải để cho Eusêbiô tham dự. Nhưng những người theo bè rối Ariô ngăn cản. Cuối cùng Ngài được tham dự. Thấy phần đông theo lạc giáo, Ngài trình biểu thức đức tin của công đồng Nicea, đòi mọi người ký nhận trước khi bàn đến điều gì khác nữa. Bọn lạc giáo tức giận. Ngược lại, Ngài cương quyết không chịu ký vào văn bản lên án thánh Athanasiô, vị giám mục chúng sợ nhất. Tức giận chúng vận động hoàng đế đẩy Ngài đi Palestina.
Nơi lưu đầy, Eusêbiô chịu không biết bao nhiêu là điều cực khổ bởi cách đối xử dã man của các địch thù, Ngài bị giam trong phòng tối, bị bỏ đói. Khi biết rằng không thể bắt phục được con người sắt đá này, chúng còn trói chân Ngài lại và lôi kéo Ngài qua các bậc thang nhiều lần. Theo lời thánh Hiêrônimô kể lại, thánh nhân còn bị gởi đi Cappadocia và tới miền thượng Thébaide bên Ai cập. Tại những nơi nầy thánh nhân còn chịu muôn vàn cực hình cho đến khi hoàng đế Constantiô băng hà và được hồi hương.
Dầu vậy trên đường về theo lệnh Đức giáo hoàng, thánh Eusêbiô còn phải ghé nhiều giáo đoàn để an ủi khích lệ các giáo hữu bị đau khổ bởi những tàn phá của phái Ariô để lại, dàn xếp những tranh chấp nội bộ của một số giáo đoàn.
Trở về Vercelli, thánh Eusêbiô được tiếp đón nồng nhiệt như một vị anh hùng. Già cả và yếu sức, Ngài vẫn tận tụy phục vụ giáo phận cho đến khi qua đời năm 371. Người ta tôn kính Ngài như vị thánh tử đạo, vì những đau khổ mà Ngài đã chịu suốt những ngày lưu đày.
(daminhvn.net)


02 Tháng Tám
Nghệ Thuật Làm Lửa
Thời xa xưa, tìm được cách làm ra lửa là cả một phát minh vĩ đại…
Có một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Có nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát minh của ông.
Cũng giống như những bộ lạc trước, bộ lạc cuối cùng mà ông mang đến nghệ thuật làm ra lửa cũng hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xóa bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát ông, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát minh.
Ðể đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lưòi giải thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa.
Câu chuyện ngụ ngôn trên đây đã được một vị linh đạo nổi tiếng của Ấn Ðộ là linh mục Anthony De Mello ghi lại trong các câu chuyện có nội dung giáo lý của cha. Qua câu chuyện này, cha De Mello như muốn nhắn nhủ với chúng ta rằng cái khuynh hướng chung của những người có tôn giáo là dễ dàng quên đi chính cái cốt lõi của tôn giáo. Con người dẽ bám vào những nghi thức bên ngoài của tôn giáo mà quên đi sứ điệp thiết yếu của nó. Chiến tranh tôn giáo, sự bất khoan dung của các tín đồ đều bắt nguồn từ khuynh hướng trên.
Người tín hữu Kitô chúng ta có lẽ cũng không thoát khỏi khuynh hướng ấy. Chúng ta dễ bị cám dỗ nhìn vào đạo của chúng ta như một hệ thống của những cơ cấu, của những nghi thức, của những điều phải tin, phải giữ, nhưng lại quên đi cái cốt lõi của đạo chúng ta chính là tình yêu. Chúng ta sẵn sàng nhân danh Chúa, nhân danh đạo lý để loại trừ, để bách hại người anh em bằng cách này hay cách khác. Rốt cục cũng giống như bộ lạc cuối cùng trong câu chuyện ngụ ngôn trên đây, lửa của yêu thương mà Chúa Giêsu đã mang đến, chúng ta đã dập tắt đi để thay vào đó bằng những nghi thức thừa thãi trống rỗng. Chúng ta dễ dàng thay thế đạo của yêu thương, đạo của Tin Mừng bằng đạo của hình thức, đạo của giả hình…
Quên đi cốt lõi của Tin Mừng là Yêu Thương, chúng ta cũng loại bỏ chính Chúa Kitô ra khỏi cuộc sống của chúng ta. Không chừng chúng ta cũng đang đóng đinh Ngài một lần thứ hai. Lời Kinh của chúng ta sẽ chỉ là những tiếng kêu trống rỗng, các nghi thức của chúng ta sẽ chỉ là những trò hề, nếu cuộc sống của chúng ta chưa được thấm nhuần, tưới gội bằng Lửa của Yêu Thương mà Chúa Giêsu đã mang đến cho chúng ta.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét