16/01/2016
Thứ Bảy tuần 1 thường niên.
Bài Ðọc
I: (năm II) 1 Sm 9, 1-4. 17-19; 10, 1a
"Này là
người mà Chúa nói đến. Saolê sẽ cai trị dân Người".
Trích sách
Samuel quyển thứ nhất.
Lúc bấy giờ có
một người thuộc dòng dõi Bengiamin tên là Cis, con trai của Abiel, Abiel con
ông Sêror, Sêror con ông Bêcora, Bêcora con ông Aphia, Aphia con một người dòng
dõi Bengiamin. Cis là một người cường tráng. Ông có một con trai tên là Saolê rất
đẹp trai và tốt lành, không một con cái Israel nào xinh đẹp bằng chàng và anh
ta cao hơn mọi người từ vai trở lên.
Vậy ông Cis,
cha của Saolê, lạc mất mấy con lừa cái, nên ông bảo con ông là Saolê rằng:
"Con hãy đem một đứa đầy tớ theo con, và đi tìm mấy con lừa". Họ đi
khắp miền núi Ephraim, sang vùng Salisa mà không tìm thấy, họ liền sang vùng
Salim, cũng không tìm thấy, đoạn qua vùng Giêmin, cũng chẳng thấy.
Khi Samuel vừa
thấy Saolê, thì Chúa phán cùng ông rằng: "Này là người Ta đã nói với
ngươi, chính người này sẽ cai trị dân Ta". Saolê đến gần Samuel đang đứng ở
giữa cửa và nói rằng: "Tôi xin ông làm ơn chỉ giùm nhà của vị tiên tri ở
đâu?" Samuel trả lời Saolê rằng: "Chính tôi là vị tiên tri đây; xin mời
anh đi trước tôi lên lầu, để hôm nay các anh sẽ dùng bữa với tôi, rồi ngày mai
tôi sẽ cho anh về. Tất cả những gì anh đang có trong lòng, tôi sẽ chỉ bảo cho
anh".
Samuel lấy bình
dầu đổ trên đầu Saolê, rồi hôn anh và nói rằng: "Ðây Thiên Chúa xức dầu
phong anh làm vua thống trị cơ nghiệp của Người, và anh sẽ cứu dân Người thoát
khỏi kẻ thù ở chung quanh".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 20,
2-3. 4-5. 6-7
Ðáp: Lạy Chúa, do quyền năng Chúa mà
vua vui mừng (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy
Chúa, do quyền năng Chúa mà vua vui mừng, do ơn Chúa phù trợ, vua bao xiết hân
hoan! Chúa đã ban cho sự lòng vua ao ước, và điều môi miệng vua xin, Chúa chẳng
chối từ. - Ðáp.
2) Chúa đã tiên
liệu cho vua được phước lộc, may mắn, đã đội triều thiên vàng ròng trên đầu
vua. Vua xin Chúa cho sống lâu, thì Chúa đã ban cho một chuỗi ngày dài tới muôn
thuở. - Ðáp.
3) Nhờ Chúa
giúp mà vua được vinh quang cao cả, Chúa khoác lên người vua, oai nghiêm với
huy hoàng. Chúa đã khiến vua nên mục tiêu chúc phúc tới muôn đời, Chúa đã cho
vua được hân hoan mừng rỡ trước thiên nhan. - Ðáp.
Alleluia: Tv
129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
Phúc Âm: Mc 2,
13-17
"Ta
không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
Tin Mừng Chúa
Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy Chúa
Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ. Khi vừa
đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo
ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi
Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với
Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ
và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền
nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những
người thu thuế và tội lỗi?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người
khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến
để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Kêu gọi người tội lỗi
Ơn gọi của Lêvi
được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi
vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một
trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị
xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị
dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.
Ðối với người
Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện
tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại
quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có
trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn
cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại
những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền
thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng
nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.
Nhưng đó không
phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi.
Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các
Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù:
"Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu
nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần
thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người
công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".
Cũng như thời
Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức,
thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu
thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc
khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so
sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc,
và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu
thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của
Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho
phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát
con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn
sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình
và trở lại với Ngài.
Hãy để ơn Chúa
tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết
lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng
ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa,
các ngươi đừng cứng lòng nữa".
Veritas
Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần I TN2
Bài đọc: I Sam 9:1-4, 17-19, 10:1a; Mk 2:13-17.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Công hiệu của Lời Chúa
Theo truyền thống
Do-Thái, một khi lời nói phát xuất từ miệng một người, nó có thể hiện
hữu cách độc lập. Nó không chỉlà một âm thanh với một ý nghĩa, nó còn có một
năng lực thoát ra để hoàn thành ý định của người nói. Ví dụ, biết bao việc
làm là hậu quả của những lệnh truyền của vua chúa và các vĩ nhân trên thế giới.
Điều này càng đúng hơn với Lời Chúa. Theo tiên-tri Isaiah: “Cũng như mưa với
tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống,
cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng
Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện
ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Isa 55:10-11).
Các Bài Đọc hôm
nay đặt trọng tâm trong việc đề cao sự quan trọng của Lời Chúa. Trong
Bài Đọc I, năm chẵn, Thiên Chúa chọn ông Saul để làm vị vua đầu tiên
của Israel, và Ngài xếp đặt mọi sự để ông ngôn-sứ Samuel gặp và
xức dầu phong vương cho ông. Trong Phúc Âm, Lời của Chúa Giêsu có sức hấp dẫn một
người thu thuế như Matthew, làm cho ông bỏ dĩ vãng và sự nghiệp
thu thuế, để trở nên một Tông-đồ và một Thánh-ký nhiệt thành của
Chúa Giêsu.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I
(năm chẵn): Đức Chúa đã xức
dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người.
1.1/ Thiên Chúa chọn
Saul làm vua đầu tiên của Israel: Nhìn lại cách chọn người lãnh đạo của Thiên Chúa, chúng ta thấy
Ngài không theo cách chọn lựa của con người. Con người thường có khuynh hướng
chọn người trong những dòng tộc quan trọng, Thiên Chúa chọn Saul từ dòng
dõi Benjamin, một dòng tộc nhỏ nhất trong 12 chi tộc của Israel. Khi chọn
David để thay thế Saul cũng thế, Thiên Chúa không chọn các người con
lớn và khỏe mạnh của ông Jesse; nhưng lại chọn David, người con út là đứa chăn
chiên đang ở ngoài đồng.
Sau khi đã chọn
lựa, Ngài quan phòng để ngôn-sứ Samuel có cơ hội gặp Saul bằng
việc mất các con lừa. Vì chuyện mất lừa, nên ông Kish, cha ông Saul, sai con
ông đi tìm lừa: "Con hãy đem một trong các người đầy tớ đi với con và
lên đường đi tìm lừa." Ông Saul đi qua miền núi Ephraim, rồi đi qua đất
Shalishah, mà không tìm thấy. Họ đi qua đất Saalim: cũng không thấy gì.
Ông đi qua đất Benjamin, mà không tìm thấy. Khi thấy trời đã tối, Saul muốn
quay trở về nhà để cha mình khỏi mong mỏi; nhưng người đầy tớ thúc
giục ông đi vào thành trước mặt để vấn ý thầy thị kiến cho biết những
con lừa cái thất lạc hiện đang ở đâu.
1.2/ Ông Samuel xức
dầu phong vương cho Saul: Cùng
lúc ấy, Thiên Chúa cũng mặc khải cho ông Samuel trong một thịkiến, về người
mà Ngài đã chọn để làm vua đầu tiên của Israel (I Sam 9:16). Khi ông
Samuel thấy ông Saul thì Đức Chúa mách bảo ông: "Đây là người mà Ta đã nói
với ngươi: chính nó sẽ cai trị dân Ta."
Khi ông Saul lại
gần ông Samuel ở giữa cửa thành và nói: "Xin ông làm ơn cho
tôi biết nhà thầy thị kiến ở đâu." Ông Samuel trả lời
ông Saul rằng: "Tôi là thầy thị kiến đây. Ông hãy lên nơi cao, trước
mặt tôi. Các ông sẽ dùng bữa với tôi hôm nay. Sáng mai tôi sẽ để cho
ông đi và sẽ nói cho ông biết tất cả những gì đang làm ông bận
tâm."
Hôm sau, ông
Samuel dậy sớm để tiễn Saul lên đường; và trên đường đi, ông Samuel lấy lọ dầu
và đổ trên đầu ông Saul, rồi hôn ông và nói: "Chẳng phải Đức Chúa đã
xức dầu tấn phong ông làm người lãnh đạo cơ nghiệp của Người sao?'' Và ông
Samuel cũng cho ông Saul biết về chuyện những con lừa cái đã được cha ông
tìm lại được.
Qua sự quan
phòng kỳ diệu này cho chúng ta thấy tất cả tiến trình chọn người và phong
vương được xếp đặt bởi Thiên Chúa. Saul không biết và cũng không có ý định trở thành
vua. Khi Thiên Chúa đã chọn ai, Ngài sẽ xếp đặt mọi sự để việcấy
thành sự.
2/ Phúc Âm: Tôi không đến để kêu gọi người công
chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.
2.1/ Chúa Giêsu gọi
Lêvi, người thu thuế: “Đi
ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ởđó.
Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.”
Người Do-Thái
quan niệm: người thu thuế như ông Lêvi là người tội lỗi công khai, vì
đã toa rập với nước ngòai để bóc lột dân chúng. Họ bị ngăn cấm
không cho vào Đền Thờ, và được xếp hạng cùng với hàng đĩ điếm và trộm cướp.
Chúa Giêsu không những chọn Matthew, mà còn công khai dùng bữa với các người
thu thuế khác tại nhà ông. Thái độ của Matthew rất anh hùng và dứt
khoát, vì một khi đã bỏ nghề thu thuế là ông đã mất tất cả về phương
diện vật chất. Nhưng bù lại, ông đã nhận được rất nhiều về phương diện
tinh thần: bình an vì từ nay không còn bị khinh thường, trở thành
Tông-đồ, và trởthành Thánh-sử để loan báo Tin Mừng của Chúa.
2.2/ Xung đột ý kiến
giữa Chúa Giêsu và Nhóm Biệt-phái: Có hai phản ứng chính trong cuộc trở lại của Matthew:
(1) Những
kinh-sư thuộc nhóm biệt-phái: Thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi
và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: "Sao! Ông ấy ăn
uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!" Họ có lý phần nào khi kết
tội Chúa Giêsu, vì như quan niệm của cha mẹ Việt-nam "gần mực
thì đen, gần đèn thì rạng." Nhưng quan niệm này không thể áp dụng cho
Đức Kitô, vì Ngài đến để chinh phục và mang con người về cho Thiên
Chúa.
(2) Đức Giêsu
nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm
mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người
tội lỗi." Ngược lại với cách cư xử của con người, Thiên Chúa
không giữ quá khứtội lỗi của con người; trái lại Ngài không ngừng kêu gọi
con người từ bỏ quá khứ tội lỗi để hướng về tương lai.
Như một bác sĩ rành nghề, Chúa Giêsu biết Ngài có thể chữa bệnh cho
Matthew, và dùng những tài năng sẵn có của ông cho việc rao giảng Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời Chúa có sức
để làm hiện thực những chuyện không thể đối với con người. Chúng ta đừng
bao giờ khinh thường hiệu quả của Lời Chúa.
- Lời Chúa có
uy quyền thay đổi những tâm hồn tội lỗi thành thánh thiện. Khi chúng ta quyết định
áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, chúng ta sẽ gặt hái những kết quả mà
chúng ta không bao giờ nghĩ có thể đạt được.
- Chúng ta phải
dành địa vị quan trọng cho Lời Chúa trong cuộc đời, được chứng tỏ qua
việc chúng ta dành thời gian, cốgắng khắc phục khó khăn, và thực thi Lời Chúa.
Linh mục
Anthony Đinh Minh Tiên, OP
16/01/16 THỨ BẢY TUẦN 1
TN
Mc 2,13-17
Mc 2,13-17
Suy niệm: Chúa
Giê-su là Đấng thánh, nhưng sứ mạng của Ngài là đến để kêu gọi những người tội
lỗi trở lại với Chúa. Không những mời gọi họ hoán cải ăn năn và tha thứ cho họ,
Ngài còn trao ban cho họ niềm vui được làm mới lại cuộc đời. Việc Ngài kêu gọi
Lê-vi, người thu thuế, là một điển hình. Chính vì được đánh động bởi tình yêu
bao dung của Chúa Ki-tô, ông đã dứt khoát đứng dậy, thoát ra khỏi vòng nô lệ
cho tiền bạc để trở thành một tông đồ cần mẫn của Đức Ki-tô. Đúng như Tông Sắc Dung Mạo Lòng Thương Xót nói, những ai bước vào lòng Chúa thương xót sẽ “cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa Cha
là Đấng an ủi, thứ tha và trao ban niềm hy vọng.” Chính nhờ kinh nghiệm có một không hai này,
Lê-vi lắng nghe, ghi nhớ lời Chúa và trở nên người viết Tin Mừng loan báo Chúa
Giê-su là Đấng “chạnh lòng thương”.
Mời Bạn: Thiên
Chúa thương xót người tội lỗi, và Ngài không mệt mỏi khi tha thứ cho chúng ta.
Nhưng Ngài cần sự ưng thuận và cộng tác của bạn như một lời thỉnh cầu để được
Ngài chữa lành. Như người bệnh cộng tác khai bệnh rành rọt để sớm được chữa
lành, sự sám hối nơi bạn là lòng thành thực chứng tỏ bạn cần đến vị thầy thuốc
Giê-su.
Sống Lời Chúa: Kể
cho người khác nghe về lòng Chúa thương xót.
Cầu nguyện: “Lạy Chúa, khi tạo dựng con, Chúa không cần con, nhưng khi cứu độ
con, Chúa cần con cộng tác.” Xin cho con thành tâm sám hối và thiết tha được
Chúa thứ tha chữa lành. Xin cho con nên sứ giả của lòng thương xót.
Kêu
gọi người tội lỗi
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang
qua đời tôi, tưởng như tình cờ, vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ
ngồi vững chãi của mình, và bỏ lại tất cả sau lưng.
Suy niệm:
Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho
anh bất toại.
Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc
2, 6).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn
công,
vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.
Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.
Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang
làm việc.
Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với
tiền bạc và sổ sách.
Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.
Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy
theo tôi.”
Lêvi có ngỡ ngàng không?
Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế
vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối
trá tham lam.
Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân
Chúa.
Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình
Đức Giêsu có liều lĩnh không?
Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của
Lêvi không?
Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những
người hoàn hảo,
nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.
Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị
xóa.
Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình
bạn và sứ vụ.
Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa
tiệc,
trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia
tay.
Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.
Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù
đây là điều bị cấm.
Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như
người đau ốm.
Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn
sóc của lương y.
Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét
và lên án.
Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội
lỗi (c. 17).
Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?
Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện
đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?
Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như
tình cờ,
vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi
vững chãi của mình,
và bỏ lại tất cả sau lưng.
Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.
Cầu
nguyện:
Lạy
Cha,
thế
giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn
có những người bơ vơ lạc hướng
vì
không tìm được một người để tin;
vẫn
có những người đã chết từ lâu
mà
vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn
có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế
của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn
có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh
hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn
có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
16 THÁNG
GIÊNG
Thờ Ơ Hay Chống
Lại Các Giá Trị Của Gia Đình Là Tự Chuốc Lấy Tai Họa
Quyền lợi của
gia đình, như chúng ta thấy, không phải chỉ là những vấn đề thuần túy thuộc địa
hạt tâm linh tín ngưỡng mà xã hội trần thế có thể phớt lờ không đếm xỉa đến. Để
thực thi sứ mạng của mình, Giáo Hội tích cực cổ võ cho các giá trị nền tảng của
gia đình. Nhưng các nhà cầm quyền dân sự cũng phải đảm nhận trách nhiệm bảo vệ
và đề cao các quyền lợi giúp thăng tiến và nâng đỡ đời sống hôn nhân.
Vận mệnh của cộng
đồng nhân loại gắn kết chặt chẽ với “sức khỏe” của gia đình xét như một cơ chế
trong xã hội. Khi quyền bính trần thế xem thường những giá trị mà gia đình
Kitôhữu đem lại cho xã hội và khi quyền bính trần thế bàng quan đứng ngoài các
giá trị đạo đức ấy, thì điều sẽ xảy ra là gia đình bị sụp đổ trong xã hội. Đồng
thời, một thái độ dễ dãi đối với tình trạng sống chung chạ bên ngoài mối ràng
buộc hôn nhân xem ra có thể là giải pháp cho một số vấn đề nào đó nhất thời.
Song, về lâu về dài, tình trạng này sẽ phá hoại ghê gờm chính bản chất và phẩm
cách của hôn nhân. Một xã hội như thế không thể tránh khỏi các hậu quả cay đắng.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công
Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 16/01
1Sm 9, 1-4.
17-19; Mc 2, 13-17.
Lời Suy
Niệm: Những
kinh sư thuộc nhóm Pharisêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người
thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế
và quân tội lỗi!”
Những kinh sư
thuộc nhóm người Pharisêu, họ thường tự cho mình là đạo đức hơn người và cũng tự
cho mình có quyền đánh giá người khác theo quan niệm sống của họ. Điều này, họ
đã thể hiện qua việc khi nhìn thấy Chúa Giêsu, cùng ngồi ăn uống với những người
thu thuế, họ đã lên án và đánh giá Chúa một cách sai lạc. Chúa Giêsu hiểu điều
đó, nên Chúa đã nói cho họ biết Người như vị lương y: “Người khỏe mạnh không cần
thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà
để kêu gọi người tội lỗi.”
Lạy Chúa Giêsu.
Chúa muốn chúng con biết nhìn nhau với một tình thương chân thật, không chụp
mũ, không phân loại, không lên án và loại trừ bất cứ ai. Nhưng phải nhìn nhau với
một tình yêu thương, như Chúa đã yêu thương chúng ta, Xin Chúa ban cho mọi
thành viên trong gia đình chúng con luôn biết sống đức ái với nhau và với hết mọi
người vì Chúa.
Mạnh Phương
16 Tháng
Giêng
Giấc Mơ Của Mẹ Têrêxa Calcutta
Mẹ Têrêxa
Calcutta, người được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 và là người sáng lập
viện của dòng Nữ Tử thừa sai Bác Aùi chuyên phục vụ người nghèo và hấp hối, đã
kể lại ơn gọi phục vụ của Mẹ trong một lá thư viết từ Calcutta như sau:
"Trong
những ngày đầu khi mới khởi sự làm việc cho những người cùng khổ nhất trong
vùng ngoại ô, tôi bị sốt liệt giường. Trong cơn mê sảng, tôi bỗng thấy mình được
đến trình diện trước mặt thánh Phêrô, người giữ cửa Thiên Ðàng. Nhưng Thánh
Phêrô chận lại không cho tôi vào Thiên Ðàng. Ngài nói như sau: "Không thể
để cho một người thuộc khu ổ chuột được vào Thiên Ðàng. Thiên Ðàng không có nơi
cùng khổ".
Tôi mới tức
giận nói với Ngài như sau: "Thế ư? Vậy thì con sẽ làm mọi cách để làm cho
Thiên Ðàng đầy dẫy dân cư của các khu ổ chuột và lúc đó, Ngài bị bắt buộc sẽ để
cho con vào Thiên Ðàng".
Tội nghiệp
thánh Phêrô. Kể từ sau giấc mơ ấy, Mẹ Têrêxa và các nữ tu của Mẹ đã không để
cho Ngài được ở yên phút nào. Không biết bao nhiêu người cùng khổ và cô đơn đã
qua đời trong vòng tay ôm ấp của Mẹ và các nữ tu. Thiên Ðàng đã trở thành nơi
cư trú của những người cùng khổ.
Giai thoại trên
đây của Mẹ Têrêxa Calcutta như muốn nói lên một chân lý: không ai nên Thánh một
mình, không ai lên Thiên Ðàng một mình.
Ðức Cha Fulton
Sheen, vị diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình tại Hoa Kỳ,
đã có lần phát biểu như sau: "Không ai trong chúng ta có thể vào Thiên
Ðàng, nếu ở đó không có ai nói với chúng ta: chính tôi đã giúp đỡ để bạn được
vào Thiên Ðàng".
Ai cũng có thể
là một trợ giúp để đưa chúng ta vào cửa Thiên Ðàng. Họ có thể là những người
cùng khổ mà chúng ta chìa tay để san sẻ, để giúp đỡ. Họ cũng có thể là những
người cách này hay cách khác làm cho chúng ta đau khổ. Nhưng ưu tiên hơn cả vẫn
là những người chúng ta cố gắng làm cho hạnh phúc. Chính những người đó là kẻ
giúp đỡ chúng ta được vào Thiên Ðàng. Nhưng Thiên Ðàng không đợi chờ ở đời sau.
Hạnh phúc cũng không chỉ dành lại cho đời sau: Thiên Ðàng và Hạnh Phúc có thể đến
với chúng ta ngay từ cõi đời này. Và Thiên Ðàng và Hạnh Phúc ấy là gì nếu không
phải là mỗi lần chúng ta cố gắng làm cho người khác được hạnh phúc.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét