Trang

Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

Sáng sớm nghe được Đạo, chiều tối chết cũng vui

Sáng sớm nghe được Đạo, chiều tối chết cũng vui

Có nhiều lối tiếp cận để tìm hiểu triết lý giáo dục của Khổng Tử. Người viết chọn luận bàn chữ Đạo () trong tác phẩm Luận Ngữ (論語). Đặc biệt là chữ Đạo trong “Sáng sớm nghe được Đạo, chiều tối chết cũng vui”.
Người ta thường nói sách Luận Ngữ tập trung hầu hết vào khía cạnh xã hội-chính trị của cộng đồng, vào khía cạnh đạo đức của cá nhân. Tuy nhiên, với ý nghĩa của chữ Đạo (), chúng ta sẽ có một quan niệm khác: có điều gì đó cao sâu sẽ nổi bật hẳn lên. Để thấy được sự phong phú đáng ngạc nhiên của chữ “Đạo” theo nghĩa: “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ” (Sáng sớm nghe được Đạo, chiều tối chết cũng vui) (IV:8)[1], người viết đi tìm hiểu Học Đạo và Dạy Đạo, được nhắc tới trong lời tự thuật của Khổng Tử (II:4):
15 tuổi, ta chí tâm học tập;
30 tuổi, ta noi theo lễ mà hành động;
40 tuổi, ta không còn nghi ngờ;
50 tuổi, ta biết Thiên Mệnh;
60 tuổi, ta thuận Thiên Mệnh;
70 tuổi, ta tùy ý mà làm nhưng không vượt ra ngoài phép tắc.
 [2]
1. HỌC ĐẠO
Học Đạo, có cần thiết phải học tập không? Nơi người có bản tính tốt lành tự nhiên mà không học tập, thì Đạo (XI:19) sẽ chẳng thể cao sâu. Đạo (XV:28) được lớn mạnh và mở rộng khi con người tu dưỡng rèn luyện, chứ không phải là Đạo tự động mở rộng con người. Thế nên, Đạo (XIX:7) cần phải được chuyên tâm luyện tập mới có thể ở mức tinh vi tinh tế.
15 tuổi, ta chí tâm học tập
Chữ ‘chí’ và chữ ‘học’ trong “15 tuổi, ta chí tâm học tập” (nhi chí ư học) không phải là nghĩa thường. Chữ ‘chí’ ấy tương ứng với chữ ‘chí’ trong “chí ư Đạo, cứ ư đức, y như nhân, du ư nghệ”: để tâm vào Đạo, giữ gìn đức, nương theo nhân, chơi theo lục nghệ (VII:6; VII:24). Hiểu như thế, chí tâm ở đây không phải chỉ là chí tâm thành thục lục nghệ (sáu nghề chính thời ấy), hay nương theo đức nhân, hay giữ gìn đức. Chí tâm là vượt qua tất cả để nhắm vào, nhắm tới Đạo. Đạo là điểm tới, vượt xa lục nghệ, đức, nhân. Chữ học ấy tức là học Đạo trong “Triêu văn Đạo, tịch tử khả hỹ”: Sáng sớm nghe được Đạo, chiều tối chết cũng vui (IV:8).
Điều kiện cho kẻ học Đạo thật rõ. “Sĩ chí ư Đạo, nhi sĩ ác y, ác thực giả, vị túc dữ nghị giã”: kẻ sĩ chuyên tâm cầu Đạo, mà còn hổ thẹn vì áo xấu cơm thô thì không đáng để chúng ta bàn luận (IV:9). Mạnh mẽ hơn, kẻ sĩ cần sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Đạo: “Đốc tín, háo học; thủ tử, thiện đạo”: Đốc hậu chân thật và ham học, thà chịu chết để giữ tròn Đạo.
30 tuổi, ta noi theo lễ mà hành động
“30 tuổi, ta noi theo lễ mà hành động” là giai đoạn học Đạo có lẽ với Đạo theo nghĩa thường, theo nghĩa chính trị-xã hội, theo nghĩa đạo đức; vì là học “theo lễ”. Tuy ‘chí tâm’ và ‘học Đạo’ cao sâu và cao quý như được định hướng ở bước đầu, nhưng việc học cần khởi sự với những bước nhỏ cụ thể của lễ, rồi đạt đến nghĩa. Những bước nhỏ ấy rất quan trọng vì là xây dựng cái gốc. Việc gốc là giữ 2 nết: nết hiếu (thảo đối với cha mẹ), nết đễ (kính đối với anh chị và người lớn). Nết hiếu đễ cũng chính là gốc của đức Nhân. Từ cái gốc này, Đạo phát sinh (I:2). Thế là, tiềm năng Đạo đang trở thành hiện thực từ đức Nhân.
40 tuổi, ta không còn nghi ngờ
Theo lễ mà hành động, là hợp nghĩa chứ chưa hẳn là nghĩa, lại càng khó nói là nhân, nên ta phải có trí không còn nghi ngờ; tức là trí hiểu thấu lễ, hiểu thấu nghĩa, hiểu thấu nhân. Trí ấy đạt tới Đạo (IV:15) là một lẽ mà thông suốt tất cả. Khổng Tử chỉ nói về một lẽ này, một lẽ làm cho hành vi nghĩa là nghĩa thật và nhân là nhân thật. Lẽ ấy được Tăng Tử diễn giải thành hai đức: trung (đối với chính bản thân) và thứ (đối với người khác). “Trung” là hết lòng hết dạ, thành tâm thật ý. “Thứ” là suy lòng ta ra lòng người, là thương người như thương mình.
Giai đoạn này là giai đoạn có nhiều khó khăn, và ít người đạt được, vì Đạo (VI:10) có thể dễ được hâm mộ, nhưng khó được đi theo vì sức theo không nổi. Người ta đi nửa đường thì bỏ. Theo không nổi không phải vì không đủ sức, nhưng vì lòng người đã tự vạch sẵn mức đường cho mình, mà không sẵn lòng đi theo sự dẫn dắt của Đạo.
Người học Đạo tự phân chia thành nhiều loại, tùy theo mức độ mà họ đáp lại Đạo (IX:28): học Đạo, vào Đạo, đứng trong cõi Đạo, hành Đạo. Có ba hạng người: một là học Đạo mà không vào Đạo, hai là vào Đạo mà không đứng vững trong cõi Đạo, ba là đứng vững trong cõi Đạo mà không hành Đạo. Có thể nói, chỉ khi đứng vững trong cõi Đạo và hành Đạo, khi ấy mới nói được là “không còn nghi ngờ”.
50 tuổi, ta biết Thiên Mệnh [3]
Khi một vị đại phu nước Lỗ biết chuyện Công Bá Liêu muốn phá công cuộc giáo hóa của Khổng Tử, thì vị đại phu ấy mới trình với Khổng Tử: Ngài có muốn tôi làm cho Công bá Liêu tội chết hay không? Khổng Tử đáp lại: Đạo (XIV:38) tồn hay vong là ở Thiên Mệnh.
Biết Thiên Mệnh cũng có thể sánh với “nghe được Đạo”. Một mặt, “sáng sớm nghe được Đạo, chiều tối chết cũng vui” (IV:8). Mặt khác, Đạo (IX:22) là điều duy nhất đáng để kính sợ: “Kẻ sinh sau mình thì đáng sợ, vì họ có thể hơn mình bây giờ. Thế nhưng, đến chừng họ 40, 50 tuổi mà họ chẳng nghe được Đạo, thì họ không đủ để cho chúng ta sợ nữa”[4]. Nói cách mạnh mẽ, Đạo (XIX:2) mà không tin, đức mà không giữ, kẻ như thế là không đáng kể, là không có giá trị, hiện diện cũng như không. Thế là, “biết Thiên Mệnh” hay “nghe được Đạo” xác định giá trị của con người, của đời người.
60 tuổi, ta thuận Thiên Mệnh
Khi đã biết mệnh Trời, nghe được Đạo, thì ta vâng nghe, phục vụ Trời. Giờ đây, Đạo Trời hoàn toàn thành hiện thể và thăng hoa đức Nhân, mà trước kia Đạo mới chỉ ở dạng tiềm năng cư ngụ nơi đức Nhân. Nói cách khác, “ý Trời” (Đạo) và “ý mình” (Nhân) thành một. Tuy thế, cảnh giới này thật là hiếm hoi, đến nỗi Tử Cống nói: “bản tính con người và Đạo Trời thì chúng ta chẳng nghe Khổng Tử dạy” (V:12). Thiết nghĩ, chẳng phải là không dạy, mà dạy cũng chẳng mấy người nghe được, hoặc là đã dạy rồi (VII:23) mà Tử Cống đâu có thấy. Hơn nữa, Khổng Tử nhắc khéo tới thực tế là: Đạo (XVI:11) đạt được khi làm tròn nghĩa (hành nghĩa dĩ đạt kỳ Đạo) nhưng ta (tức Khổng Tử) vẫn nghe nói mà chưa thấy ai làm.
70 tuổi, ta tùy ý mà làm nhưng không vượt ra ngoài phép tắc
“Tùy ý” và “phép tắc”, tự do và luật lệ, vốn thường xung đột, thế mà bây giờ lại đồng nhất. Có thể nói, Nhân là cái gốc mà từ đó Đạo phát sinh. Nhân ôm ấp tất cả các tiềm năng. Để có được Nhân vẹn toàn, cần đi từ những bước đầu với Lễ, Trí, Nghĩa. Thế nhưng, Nhân không tạo hướng đi cho chính nó, nó được Đạo dẫn dắt, để kết nối với Thiên. Đạo là cái hồn siêu việt của Nhân, Nghĩa, Trí, Lễ. Đức Nhân chính là sự cụ thể hóa của Đạo Trời.
2. DẠY ĐẠO
Tương quan giữa Đạo và Thầy
Trong người Thầy đạo đức, người ta thấy Đạo. Cụ thể hơn, người ta thấy Đạo nơi Thầy, là do thấy Thầy có đức, nhất là đức nhân, nghĩa, trí, lễ. Ngoài các đức trụ cột này, còn có nhiều đức khác. Vì thế, mà người học đạo cần có những điều kiện cụ thể: không trọng cái ăn, không cầu chỗ ở, siêng năng học tập và làm việc, lời nói cẩn thận, đến với bậc thầy đạo đức để học hỏi để bản thân trở nên chính đáng (I:14).
Tuy học Thầy là quan trọng, nhưng yếu tố quyết định là Học Đạo. Hơn nữa, Đạo (XIX:22) ở mọi nơi, ở nơi cõi đời, ở nơi lòng người, siêu vượt trên ông thầy, không nhất định phải có một ông thầy. Trò cũng có vai trò lớn, vì người hiền học nhớ được phần chính yếu quan trọng, kẻ tầm thường chỉ học nhớ được phần phụ thuộc nhỏ nhặt.
Phương pháp dạy Đạo
Dạy Đạo có suy xét các mức độ ưu tiên rõ rệt: “chí ư Đạo, cứ ư đức, y như nhân, du ư nghệ”: để tâm vào Đạo, giữ gìn đức, nương theo nhân, chơi theo lục nghệ. Khi nói thì điều quan trọng hơn sẽ nói trước, nhưng khi dạy học thì đi từ những điều cụ thể dễ dàng trước: lục nghệ, nhân, đức, Đạo.
Tùy từng nhóm học trò, mà người thầy dạy các giáo án khác nhau, ngay cả có điều không dạy. Có thể tạm chia thành hai cấp độ: hạ học và thượng học. Hạ học: văn chương, tức là văn từ điển tích và cách hành xử, thì ai Khổng Tử cũng dạy; nhưng thượng học: Đạo (V:12) là Đạo Trời cùng với bản tính con người, thì không phải ai cũng có thể nghe. Thế nên, Tử Cống than phiền “chúng ta đều được nghe Thầy dạy văn chương, còn bản tính con người và Đạo Trời thì chúng ta chẳng nghe Thầy dạy”. Thực tế, chỉ có một nhóm nhỏ đệ tử mới được dạy về bản tính con người và Thiên Đạo.
Trong nhóm nhỏ ấy, tùy mức độ của từng học trò mà người thầy phân chia trình tự dạy khác nhau. Đối với học trò siêu hạng cỡ Tăng Tử, Khổng Tử dạy vỏn vẹn: Đạo (IV:15) là một lẽ mà thông suốt tất cả. Các trò khác không hiểu, Tăng Tử cắt nghĩa cho các bạn một cách chi tiết hơn, và chắc chắn là giảm thiểu nội hàm xuống: Đạo là một lẽ gồm hai đức: trung và thứ. “Trung” là hết lòng hết dạ. “Thứ” là thương người như thương mình.
Điều quan trọng đáng lưu tâm, là người thầy cần trân trọng và suy xét những thế hệ tiếp nối: “kẻ sinh sau mình thì đáng sợ, vì họ có thể hơn mình bây giờ. Thế nhưng, đến chừng 40, 50 tuổi mà họ chẳng nghe được Đạo, thì họ không đủ để cho chúng ta sợ nữa” (IX:22). Giá trị của dạy Đạo cũng chính là sự lắng nghe và chiêm ngắm Đạo nơi người trò, từ đó mà nảy sinh sự “kính sợ” mà thầy dành cho trò, cũng như sự “mãn nguyện” mà thầy có khi thấy trò “đắc Đạo”, và thầy không thiếu sự “thất vọng” khi trò đã 40, 50 tuổi mà vẫn chưa nghe được Đạo.
Kết luận
Khi ra ngoài bối cảnh triết học Trung Quốc, tiến trình được đề xuất trong phần “Học Đạo” gợi nên nhiều nét tương đồng với triết lý giáo dục của Plato trong tác phẩm Nền Cộng Hòa, về các giai đoạn huấn luyện với từng đặc tính của nó. [5]
Vai trò của người thầy và phương pháp dạy học trong phần “Dạy Đạo” gợi nên hình ảnh của Socrates với phương pháp đối thoại. Thầy gợi ý, hỗ trợ trò; nhưng chân lý không phải do thầy. Qua cuộc đối thoại, chân lý hiển hiện, cái Thiện sáng lên, vượt trên cả thầy và trò. Trong lối nhìn này, có thể nói Đạo tựa như cái Thiện trong triết học Plato. Tuy nhiên, cái Thiện của Plato nghiêng hơn về mặt tri thức, còn cái Đạo của Khổng Tử nghiêng hơn về mặt kinh nghiệm. Có thể nói cách mạnh dạn rằng, Đạo là đường kết nối Nhân với Thiên, Đạo là Thiên ở trong Nhân, Đạo là Nhân thành toàn.
Cuộc sống quá khứ cũng như hiện tại luôn bấp bênh với những khủng hoảng về kinh tế, xã hội, chính trị, tôn giáo… Có lẽ khủng hoảng kinh khủng nhất là khủng hoảng về lòng tin con người dành cho nhau. Giữa những xáo trộn hỗn mang ấy, con người khó mà thấy được lòng người. Có những câu trả lời tiêu cực với những cuộc khủng bố. Có những câu trả lời chạy trốn với những thú ăn chơi. Có những câu trả lời bằng những thói trục lợi cơ hội… Các bậc vĩ nhân tiêu biểu của nhân loại như Socrates, Plato, Aristotle (Hy Lạp), Khổng Tử, Lão Tử (Trung Hoa), Đức Phật (Ấn Độ), Thầy Giêsu (Do Thái) có những câu trả lời “tinh túy và thâm sâu” về lòng người.
Là người Công Giáo, tôi tin Thầy Giêsu là một con người thành toàn, là người có Thiên Chúa ở cùng, là Con của Thiên Chúa, và là chính Thiên Chúa. Đức tin này như Đạo trong lòng người trong lòng đời để khơi dậy những gì cao quý nhất của con người, để chữa lành vết thương, để biến đổi con người thành anh chị em của Giêsu.
Vinhsơn Vũ Tứ Quyết, S.J.
Học viên Triết
Học viện Dòng Tên
[1] Việc khảo sát, việc gọi tên (chương, tiết) và đánh số tiết, là theo bản văn (Tứ Thơ: Luận Ngữ, dịch giả: Đoàn Trung Còn, Nxb Thuận Hóa – Huế 1996); Trong kí hiệu (IV: 8), “IV” có nghĩa là chương IV của sách Luận Ngữ, “8” có nghĩa là tiết 8 của chương.
[2] Luận Ngữ (II:4): “Ngô thập hữu ngũ, nhi chí ư học; tam thập nhi lập; tú thập nhi bất hoặc; ngũ thập nhi tri Thiên Mệnh; lục thập nhi nhĩ thuận; thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du củ.”
[3] Đoàn Trung Còn đồng hóa “Thiên Mệnh” với “lẽ Đạo mầu nhiệm lưu hành trong thiên hạ” (Luận Ngữ, II:4, tr. 17); Phùng Hữu Lan cho rằng, Thiên Mệnh ở đây có thể giải thích là “mệnh lệnh của Thiên Chủ”, và “tri Thiên Mệnh” cũng là “tri Thiên” (xem. Phùng Hữu Lan, Tinh thần Triết học Trung Quốc (Tân Nguyên Đạo), Lê Anh Minh dịch, (Nxb Đại học Sư Phạm Tp HCM, 2010), tr. 39). Như thế, người viết có thể mạnh dạn đề xuất rằng, Thiên Mệnh ở đây chính là Đạo, và Đạo chính là Ý Chúa.
[4] “vô văn” được Phùng Hữu Lan hiểu là “không nghe được Đạo” chứ không phải là “không có danh tiếng” hay “không nghe thấy danh tiếng của họ” như nhiều nhà chú giải đã hiểu (xem. Phùng Hữu Lan, Tinh thần Triết học Trung Quốc, tr. 37).
[5] “Con người phải được lựa chọn và giáo dục khi “đầu còn xanh tuổi còn trẻ” [536d]. Trẻ em được dẫn nhập văn chương, âm nhạc, toán học sơ đẳng; nhưng không bị ép buộc vì đây là đặc tính tự nhiên của tâm trí [536e]. Sau đó, 2 hoặc 3 năm cho giáo dục thể chất. Ai tỏ ra bình tĩnh, khôn khéo trong thử thách, sẽ được chọn lọc [537a.b]. Đến tuổi 20, một số được tuyển chọn để học toán nâng cao, là môn học liên quan đến bản chất thực tại. 30 tuổi, các ứng viên được lựa chọn là người kiên nhẫn trong học hỏi, cương quyết trong chiến đấu, kiên định trong nhiệm vụ. Họ sẽ học phép biện chứng khoảng 5 năm [539] để tìm kiếm sự thật trong thế giới thực tại thuần túy [537c.d]. Tuy nhiên, không nên dạy quá sớm cho trẻ về phép biện chứng, vì sẽ gây hại hơn có lợi: họ có thể bất tuân cha mẹ và pháp luật, có thể dùng phép biện chứng như trò chơi. Ở tuổi đời thích hợp, họ sẽ biết biện luận để tìm sự thật. Sau đó họ đảm nhận nhiệm vụ để tôi luyện trong 15 năm. Đến 50 tuổi, những người xuất sắc về lý thuyết lẫn thực hành sẽ thông hiểu chân thiện. Họ cầm quyền chỉ vì nhu cầu của nhà nước, không vì vinh dự chức vụ [540].” (Xem. Plato, Nền Cộng Hòa, dịch giả: Đỗ Khánh Hoan, Nxb Thế giới 2013; Allan Bloom, The Republic of Plato, 2nd edition, Basicbooks 1991; các kí tự, ví dụ [536d], là các số được đánh dấu trong chính tác phẩm).
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Luận Ngữ, dịch giả: Đoàn Trung Còn, (Huế: Nxb Thuận Hóa 1996).
2. Phùng Hữu Lan, Tinh thần Triết học Trung Quốc (Tân Nguyên Đạo), Lê Anh Minh dịch, (Nxb Đại học Sư Phạm Tp HCM, 2010).
3. Lý Minh Tuấn, Tứ Thư Bình Giải, (Nxb Tôn Giáo, 2010).
4. Plato, Cộng Hòa, dịch giả: Đỗ Khánh Hoan, (Nxb Thế Giới, 2013).
5. Allan Bloom, The Republic of Plato, 2nd edition, (Basicbooks, 1991). 
6. http://ctext.org/analects
7. Ramberg, Bjørn and Gjesdal, Kristin, “Hermeneutics”, The Stanford Encyclopedia of Philosophy (Winter 2014 Edition), Edward N. Zalta (ed.),http://plato.stanford.edu/arch…/win2014/entries/hermeneutics


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét