Ơn gọi của sơ Libby Osgood –
kỹ sư không gian trở thành nữ tu
Mọt phi thuyền không gian.- ANSA |
Từ bỏ sự nghiệp thành công của một kỹ sư không gian để trở
thành một nữ tu, đó là chọn lựa của sơ Libby Osgood.
Hồng Thủy - Vatican
Libby Osgood là một kỹ sư gốc Canada, có bằng tiến sĩ về kỹ
sư cơ khí. Cô đã làm kỹ sư hàng không vũ trụ tại NASA và cũng là một giáo sư tại
một trường đại học ở Hoa Kỳ. Cô đã dạy hơn 12 khóa học về lãnh vực chuyên môn của
mình, cho đến ngày cô quyết định giã từ tất cả mọi thứ để trở thành một nữ tu.
Vào ngày 26 tháng 8 năm 2017, nữ kỹ sư Libby 35 tuổi đã gia nhập nhà Tập của hội
dòng Notre Dame, một dòng có đặc sủng chuyên lo về giáo dục. Trong cuộc trò
chuyện với hãng tin CTV, sơ Libby cho biết sơ đã xin nghỉ dạy tại Đại học
Prince Edward Island (UPEI) để thực hành năm nhà tập trong dòng theo giáo luật.
Đức tin có đi ngược với văn hóa không?
Libby bắt đầu làm việc như một kỹ sư hệ thống tại NASA vào
năm 23 tuổi. Nhiệm vụ đầu tiên của cô là đảm bảo rằng các khoa học gia sẽ điền
vào các tài liệu cần thiết để xác minh rằng một vệ tinh đã được phóng như đã dự
kiến. Khi làm việc, Libby không thực hiện hoặc tuyên xưng đức tin của mình, bởi
vì nó là một vấn đề thật khó để nói một cách công khai. Cô cũng phải che dấu
cây thánh giá đã thừa kế từ bà ngoại của mình bên trong những chiếc áo.
Sơ Libby thú nhận: “Thật là rất khó để thừa nhận rằng điều
mà tôi đã muốn làm nó giống như đi ngược lại dòng nước và có thể nói cho người
khác… Thay đổi, nói cho người khác biết rằng tôi luôn mang theo một cây thánh
giá ... Sự thực là việc tôi luôn đi dự Thánh Lễ chưa bao giờ là một bí mật,
nhưng thừa nhận rằng Giáo hội và Thiên Chúa là một khía cạnh rất quan trọng của
cuộc đời tôi thì lại là một cái gì đó tôi chưa bao giờ làm… Tôi đã cảm thấy nói
về việc phục vụ Thiên Chúa gần như là một điều "phản văn hóa".
Năm 2010, Libby trở về Canada và định cư ở Charlottetown,
trung tâm của một trạm không gian NASA. Ở đó, Libby cũng bắt đầu giảng dạy tại
Đại học Prince Edward Island. Cô được hỗ trợ bởi cộng đồng Công giáo ở
Charlottetown, và điều này đã giúp cô không ngại bày tỏ đức tin của họ.
Khoa học và tôn giáo có thể đồng hành với nhau
Năm 2012, Libby bắt đầu suy nghĩ về lời mời gọi sống đời tu
trì. Một trong những kinh nghiệm đã đánh dấu đức tin của cô và giúp cô đưa ra
quyết định liên quan đến ơn gọi đó là chuyến thăm Charlottetown của tu sĩ dòng
Tên Guy Consolmagno, một tiến sĩ khoa học về trái đất và các hành tinh, một nhà
thiên văn học và là giám đốc hiện tại của Đài quan sát thiên văn Vatican.
Khi lắng nghe cha Consolmagno, tâm trí Libby sáng ra và cô
có thể hiểu rằng "khoa học và tôn giáo có thể cùng tồn tại". Tuy
nhiên, sơ Libby thừa nhận rằng mình đã nghi ngờ về việc mình sẽ trở thành nữ
tu. Sơ nói: "Tôi rất yêu ngành kỹ thuật, nhưng sau đó tôi nhận ra rằng tôi
có thể vừa là một kỹ sư đồng thời cũng vưà là một nữ tu". Sơ khẳng định:
"Tôi có thể làm cả hai và sống cách tràn đầy hơn.” Sơ Libby chia sẻ rằng
khi sơ tuyên bố quyết định trở thành nữ tu, các nhà khoa học có đức tin đã gửi
những tin nhắn ủng hộ sơ.
Nữ kỹ sư trẻ Libby thực hành hai năm tập trong dòng Notre
Dame ở New York, và sau khi đã tuyên khấn, sơ Libby dự định trở về
Charlottetown để thực hiện sứ mệnh mục vụ của mình như một nữ tu và tiếp tục giảng
dạy tại đại học Prince Edward Island.
Mặc dù có thể có một sự thay đổi căn bản trong việc giảng dạy
khoa học khi sống trong một tu viện, sơ Libby tin rằng việc nghiên cứu khoa học
và suy tư tâm linh bổ sung cho nhau, và cả hai đều là những cách diễn tả tình
yêu của Thiên Chúa. Sơ giải thích rằng lý do chúng ta quan tâm đến khoa học là
bởi vì chúng ta đã thấy các ngôi sao và tự hỏi chúng là gì; bằng cách kết hợp
tôn giáo và khoa học, người ta có thể có một hình ảnh tốt hơn.
Sơ kết luận: "Tôi cảm thấy mình đã hoàn toàn thực hiện
ơn gọi của mình. Tôi cảm thấy rằng ban đầu, những mảnh rắc rối khác nhau rải
rác đây đó. Ngược lại bây giờ tất cả phù hợp với nhau cách hoàn hảo. Với chiều
kích khoa học và tôn giáo, tôi đang đào sâu thêm hai đam mê của mình và tôi
quan sát cách thế những người khác liên kết hai lãnh vực này thế nào”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét