Cha Giampietro Carraro, người
mang niềm hy vọng đến những người nghiện ma túy
Thánh Thể được mang tới cho người nghiện. |
Từ 13 năm nay, cha Giampietro Carraro chia sẻ cuộc sống với
những người mà cha gọi là "các anh em đường phố của tôi": những người
nghiện ma túy, nghiện rượu và những người vô gia cư. Cha là một trong số ít người,
có lẽ là người duy nhất được cảnh sát cho phép vào Cracolandia, vùng đất của những
người nghiện ma túy ở San Paolo, Brazil. Khu vực này ở trung tâm thành phố rộng
khoảng một cây số vuông, nơi hàng trăm người mua bán ma túy trái phép giữa ban
ngày.
Ngọc Yến - Vatican
Khi nói về sứ vụ mình đang thực hiện cha Giampietro Carraro
xác tín rằng đây là "một tiếng gọi trong tiếng gọi". Cha nói:
"Chúng tôi đi xuống phố, để sống hiệp thông với những người sống ở đó: những
người, trong hầu hết các trường hợp, cảm thấy rốt hết, bị mọi người từ chối,
không có hy vọng".
Từ nô lệ đến thánh nhân
Trung tâm của Sứ vụ Bêlem nằm trong một khu ổ chuột ở trung
tâm của San Paolo; "ngôi nhà" của cha Giampietro không gì hơn là một
căn phòng nhỏ chật chội làm bằng gạch, thậm chí không trát vữa và đồ nội thất
được trang bị từ đồ tái chế. Ở đây, ngày này qua ngày khác, cha và các cộng tác
viên bền bỉ đến với những người dường như đã chết để cho họ cơ hội thứ hai.
Giampietro nhấn mạnh: “Không có gì là thơ mộng khi bạn đến gần
người nghèo. Những hoàn cảnh mà chúng ta gặp trên đường phố thật khủng khiếp,
vì dưới ảnh hưởng của ma túy hoặc rượu sinh hoạt hàng ngày của những người này
thật là khổn khổ. Chăm sóc những người trong tình trạng đó không phải là dễ
dàng”.
Cha chia sẻ: «Năm đầu tiên của Sứ vụ Bêlem tôi và một người
bạn đến Assisi. Trước thánh Phanxicô, chúng tôi đã hiểu một điều cơ bản: có một
cái nghèo thánh thiện, đó là Chúa Giêsu đã trở thành người vì chúng ta ở Bêlem,
và một cái nghèo nô lệ, đó là nạn nhân của rượu, ma túy và bị loại trừ. Chúng
tôi muốn biến cái nghèo nô lệ trở thành nghèo thánh thiện. Đây là thử thách của
chúng tôi, mà chúng tôi gọi là ‘Loan báo Tin Mừng cho địa ngục’".
Cha Giampietro khẳng định rất nhiều về điều này: "Nếu
ngày nay, trong thực tế, Sứ vụ Bêlem là một nơi tiếp nhận chính dành cho người
nghèo ở Brazil, chúng tôi xác tín mình không phải là những nhà hoạt động xã hội,
mà là người loan báo Tin Mừng".
Thánh Thể nơi hỏa ngục
Nhiều năm đã trôi qua, nhưng cha Giampietro không bao giờ
quên lần đầu tiên cha tổ chức rước kiệu Thánh Thể đến Cracolandia: "Đám rước
của chúng tôi có khoảng 200 người, tôi ở trước Thánh Thể. Chúng tôi gặp một số
đông khoảng hơn 500 người như một bức tường thành kiên cố. Lúc đó tôi cầu nguyện
với Đức Mẹ và bỗng nhiên bức tường mở ra, mọi người di chuyển, kể cả những người
buôn ma túy, và chúng tôi đi ngang qua giữa họ. Kể từ đêm đó, chúng tôi đã lặp
đi lặp lại những lần viếng thăm này giữa những người nghèo với Chúa Giêsu Thánh
Thể và chúng tôi chưa bao giờ gặp khó khăn gì với họ”.
Cha giải thích tại sao lại có ý tưởng kiệu Thánh Thể đến nơi
này: "Ở đây có một bức tượng lớn Chúa Giêsu phục sinh. Kiệu Chúa Giêsu
Thánh Thể, trong bối cảnh khốn cùng và bị gạt ra lề xã hội của những người ở
đây, chúng tôi muốn tái khẳng định rằng Chúa Kitô là Đấng Kitô Phục Sinh mang lại
sự phục sinh nơi mà mọi thứ đều nói về cái chết».
170 ngôi nhà cho người nghèo
Cha Giampietro nói: “Hơn 13 năm, Sứ vụ Bêlem đã tiếp đón 100
nghìn người, giúp ích cho 60 nghìn người. Tôi nói điều này không phải để khoe
khoang, nhưng để làm rõ những nỗ lực mà chúng tôi làm cho người nghèo, trong
trường hợp không có sự can thiệp của nhà nước. Tại Brazil, các cơ sở của Sứ vụ
Bêlem có 2.200 giường, phân bố ở 170 ngôi nhà, 600 trong số này được dành riêng
cho bệnh nhân. Một trong những người cuối cùng mà chúng tôi đón nhận, một người
nghiện rượu nặng, người này thậm chí đã không nhận thấy một con chuột đang gặm
bắp chân mình; chúng tôi lo sợ người này sẽ bị cắt cụt chi, nhưng may mắn thay,
các bác sĩ đã xoay xở để ngăn chặn".
Viên đá bị loại bỏ trở nên đá góc
Cha Giampietro tiếp tục: “Để quản lý các ngôi nhà, phần lớn
là tình nguyện viên: những người đến từ đường phố và, một khi đã bình phục, họ
tự nguyện phục vụ cho người khác. Cha Gilson là một trong số họ, người có nụ cười
dễ lây lan. Hôm nay Gilson là một linh mục, nhưng trước đây Gilson là một người
nghiện ma tuý. Chính cha Gilson là một trong những người sáng lập Cracolandia.
12 năm trước, khi Gilson thoát khỏi ma túy, đã đến gặp chúng tôi và, với chúng
tôi, dần dần phát hiện ra ơn gọi linh mục mà Chúa đã đặt trong tâm hồn cha. Và
một trường hợp khác: Marcio, trước đây là một tay ăn trộm và bị kết án tù.
Nhưng hôm nay anh là người lãnh trách nhiệm một mạng lưới các căn nhà đón tiếp
của chúng tôi. Đây là trường hợp thật đúng với Tin Mừng: Viên đá bị người thợ
xây loại bỏ trở nên tảng đá góc” (Mt 21, 42)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét