Vatican và đại dịch virus corona
Từ gần 2 tuần nay, các vị hữu trách tại Vatican đang tìm
cách thích ứng hoạt động và đề ra các biện pháp trước nạn đại dịch lan tràn.
G. Trần Đức Anh OP
Đã 3 tuần rồi, Italia và Vatican ở trong tình trạng
”Giáo Hội thầm lặng” và ”hầm trú” vì đại dịch coronavirus. Sinh hoạt tôn giáo tại
Italia, với sự ngưng cử hành các thánh lễ công cộng từ ngày 8-3-2020 và HĐGM
Italia cũng phổ biến trên mạng cách thức các linh mục cử hành an toàn các bí
tích khác, xức dầu, giải tội, và viếng thăm bệnh nhân tại tư gia, và mang Mình
Thánh Chúa cho họ, v.v.
Quảng trường và Đền thờ thánh Phêrô bị đóng cửa từ
ngày 10-3-2020. Thánh đường thánh Anna là nhà thờ giáo xứ duy nhất ở Vatican
cũng không cử hành thánh lễ công cộng cho các tín hữu nữa, giống như thánh lễ hằng
ngày tại nguyện đường nhà trọ thánh Marta, không còn giáo dân từ bên ngoài vào
tham dự. Thay vào đó là thánh lễ trực tuyến do ĐTC cử hành.
Ngoài ra, ban trưa lúc 12 giờ mỗi ngày có buổi đọc
kinh Mân Côi và kinh Truyền Tin tại Đền thờ Thánh Phêrô do ĐHY Angelo Comastri,
giám quản Đền thờ, chủ sự và được phát đi qua Internet.
1 trường hợp duy nhất tại Vatican
Quốc gia thành Vatican chỉ có 1 trường hợp duy nhất bị
nhiễm coronavirus trong những ngày họp toàn thể của Hàn lâm viện Tòa Thánh các
khoa xã hội về luân lý đạo đức trong lãnh vực trí tuệ nhân đạo từ 26 đến
28/2/2020. Một nhân viên Vatican tham dự khóa họp ấy bị phát hiện nhiễm
coronavirus ở Vatican và được chở tới Nhà thương Gemelli để chữa trị. Các phòng
khám của Vatican bị đóng cửa để khử trùng và tiếp tục đóng cho đến cuối tháng
3-2-2020 và có thể kéo dài. Có một số trường hợp khác bị lây nhiễm ở Vatican
nhưng họ là những người không có cư trú tại Vatican nên không kể vào số những
người thuộc Quốc gia thành Vatican.
Nhà trọ thánh Marta
Tại nhà ăn chung trong Nhà trọ Thánh Marta, cùng vì để
phòng ngừa coronavirus, ĐTC không dùng bữa chung nữa, nhưng ăn riêng. Các mặt
bàn trong nhà ăn cũng được thay bằng kiếng thay vì bằng kim loại như cho đến
nay, vì virus corona có thể sống tới 3 ngày trên mặt bàn kim loại như vậy.
1 GM Pháp bị dương tính coronavirus tại Vatican
Cũng có những người nghĩ xa hơn, đi từ sự kiện: ngày
thứ hai 9-3-2020, ĐTC đã tiếp một đoàn 30 GM từ Pháp về Roma hành hương viếng mộ
hai thánh Tông Đồ và thăm Tòa Thánh. Sáng hôm đó, ĐTC đã trao đổi với đoàn GM
Pháp trong 2 tiếng rưỡi đồng hồ, và bắt tay chào thăm từng GM. Trong cuộc gặp gỡ,
giữa các GM Pháp với nhau và với ĐTC có một khoảng cách an toàn, ít là từ 1 tới
2 mét, để tránh lan lây coronavirus, theo đề nghị của các giới chức y tế.
Nhưng sau đó, khi về Pháp, trong một cuộc thử nghiệm,
người ta khám phá ra một vị trong đoàn là Đức GM giáo phận Angers bị nhiễm
virus corona và ngài bị cách ly. Có người lo xa, đặt câu hỏi: ĐTC đã bắt tay và
chào hỏi Đức GM Angers, liệu ngài có bị lây virus hay không? Cho đến nay ngài
không có triệu chứng gì về việc nhiễm Virus. Nhưng thời gian ủ bệnh của virus
corona vào khoảng 12 đến 14 ngày, và cũng có trường hợp lâu hơn. Vậy phải đợi
thêm đến ngày 23-3-2020 hoặc lâu hơn, mới có thể xác quyết ĐTC hoàn toàn không
bị coronavirus đe dọa.
Nếu phải triệu tập mật nghị Hồng Y bầu Giáo Hoàng thì
sao?
Trên trang blog của ký giả Aldo Maria Valli ngày
17-3-2020, cũng có đăng thắc mắc do một độc giả, ông Lorenzo Gnavi Bertea, nêu
lên, đó là: Giả sử Tòa Thánh phải triệu tập mật nghị bầu Giáo Hoàng trong thời
dịch corona như hiện nay thì sao? Luật lệ Giáo Hội về việc này thế nào? Các HY
từ các nước đâu có về Roma được vì các chuyến bay tới Roma bị hủy bỏ hết và
biên giới Italia với các nước khác cũng bị đóng. Liệu các HY cử tri có thể bầu
Giáo Hoàng qua Skype không?
Giải đáp
Chắc chắn là không, vì điều khoản số 41 của Tông Hiến
”Universi Dominici Gregis”, Mục Tử toàn thể đoàn chiên Chúa, qui định rằng việc
bầu Giáo Hoàng phải diễn ra trên lãnh thổ Quốc gia thành Vatican.
Ông Gnavi Bertea cũng nêu đề nghị một giải pháp: hiện
có các Tòa Sứ Thần Tòa Thánh rải rác ở các nơi trên thế giới, và trên nguyên tắc
pháp lý, các Sứ quán này được coi như lãnh thổ ngoại địa của Quốc gia thành
Vatican. Theo tinh thần đó, liệu các Hồng Y cử tri có thể bỏ phiếu bầu Giáo
Hoàng tại Tòa Sứ Thần hay tòa Khâm Sứ Tòa thánh tại địa phương của mình hay
không?
Thực ra, ý kiến của Ông Gnavi Bertea cũng không giải
quyết vấn đề vì khoản số 42 của Tông Hiến qui định: Tất cả các Hồng Y cử tri phải
cư ngụ trong Nhà trọ Thánh Marta”. Và bao nhiêu thủ tục các về việc bỏ phiếu
khiến cho ý tưởng bầu Giáo Hoàng qua Skype là điều khó lòng tưởng tượng và
thành sự, hợp pháp được, ngoại trừ trường hợp ĐTC đương kim qui định sự thay đổi
trong trường hợp thiên tai trầm trọng, dịch tễ, tuy vẫn không hủy bỏ Tông Hiến
hiện hành.
Ý kiến của một luật sư
Blog của ký giả Valli có đăng câu trả lời của Luật sư
Francesco Patruno: Trước kết không cần tu chính Tông Hiến ”Mục tử toàn thể đoàn
chiên Chúa”, vì khoản số 37 của Văn kiện này qui định trong trường hợp các HY
khác bị ngăn trở không đến Roma được thì việc bầu Giáo Hoàng vẫn tiến hành với
các HY hiện diện tại Roma lúc ấy, nhưng phải đợi 15 ngày trọn và hồng y đoàn có
thể kéo dài thời gian chờ đợi thêm vài ngày nếu có lý do hệ trọng. Điều này đã
từng xảy ra trong lịch sử. Ví dụ khi thánh Piô 10 Giáo Hoàng và mật nghị Hồng y
đã bầu ĐGH Biển Đức 15 mà không có sự hiện diện của các Hồng Y người Mỹ vì tàu
các vị đến Roma quá chậm.
Ngoài ra, Hội đồng Hồng Y chuẩn bị có quyền ấn định
ngày giờ bắt đầu việc bỏ phiếu bầu Giáo Hoàng mới theo các qui định của Tông Hiến.
Ông Lorenzo Gnavi Bertea, người nêu thắc mắc, cầu mong
triều đại của ĐTC Phanxicô tiếp tục kéo dài, và những câu hỏi trên đây chỉ là đề
tài để tìm hiểu mà thôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét