Trang

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

07-02-2018 : THỨ TƯ - TUẦN V THƯỜNG NIÊN

07/02/2018
Thứ Tư tuần 5 thường niên


Bài Ðọc I: (Năm II) 1 V 10, 1-10
"Nữ hoàng Saba đã nhìn thấy mọi sự khôn ngoan của vua Salomon".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, nữ hoàng Saba nghe biết Salomon nổi tiếng vì danh Chúa, bà đến hỏi thử ông nhiều câu đố. Bà đến Giêrusalem với đoàn tuỳ tùng đông đảo và nhiều của cải, gồm có lạc đà chở thuốc thơm, vô số vàng và đá ngọc quý báu. Bà yết kiến Salomon và bày tỏ cùng vua mọi nỗi niềm tâm sự. Salomon giải đáp mọi vấn nạn bà nêu ra, và không một lời bí ẩn nào mà không được vua giải đáp.
Nữ hoàng Saba nhìn thấy sự khôn ngoan của Salomon, thấy nhà ngài xây cất, món ăn ngài dùng, nhà của quần thần, trật tự của các công thần và y phục của họ, các quan chước tửu, và các của lễ toàn thiêu mà ngài hiến dâng trong đền thờ Chúa, thì bà hết hồn. Bà thưa cùng vua rằng: "Thật đúng như lời tôi nghe đồn trong xứ tôi về các công trình và sự khôn ngoan của ngài. Và lúc đó tôi không tin những điều người ta kể cho tôi, cho tới khi tôi đến đây, chính mắt tôi đã trông thấy, và tôi quả quyết rằng những điều đồn đại tôi nghe chưa bằng một phân nửa. Sự khôn ngoan và các công trình của ngài còn vĩ đại hơn tiếng đồn tôi đã nghe. Phúc cho thần dân của ngài, và phúc cho các cận vệ của ngài, luôn luôn được ở trước mặt ngài và nghe lời khôn ngoan của ngài. Chúc tụng Thiên Chúa của ngài là Ðấng yêu thương ngài, và đặt ngài lên ngôi báu Israel. Vì Chúa yêu quý Israel muôn đời, nên đã đặt ngài làm vua, để ngài cai trị công minh chính trực". Vậy bà tặng vua một trăm hai mươi nén vàng, một số rất lớn thuốc thơm và đá ngọc quý giá. Người ta không khi nào thấy một số thuốc thơm nhiều hơn thuốc thơm mà nữ hoàng Saba tặng cho vua Salomon. Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 36, 5-6. 30-31. 39-40
Ðáp: Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan (c. 30a).
Xướng: 1) Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền lợi bạn tỏ như giờ ngọ. - Ðáp.
2) Miệng người hiền thuyết đức khôn ngoan, và lưỡi người nói điều đoan chánh. Luật Thiên Chúa ở trong lòng người, và bước chân người không xiêu té. - Ðáp.
3) Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga. 15, 15b
Alleluia, alleluia - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết.- Alleluia.

Phúc Âm: Mc 7,14-23
"Những gì từ con người ta xuất ra, đó là cái làm cho người ta ra ô uế"
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: "Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe".
Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy.
Người liền bảo các ông: "Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra".
Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch.
Người lại phán: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng.
Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".
Ðó là Lời Chúa.


Suy Niệm: Vấn đề sạch dơ
Khi bàn về chế độ ăn uống của các dân tộc và của cá nhân, những nhà văn hóa xã hội phải thú nhận không thể đưa ra một tiêu chuẩn chung để qui định đâu là thức ăn ngon, đâu là thức ăn dở, đâu là thức ăn sạch sẽ bổ dưỡng, đâu là cái bẩn thỉu và độc hại. Bởi vì, đối với dân tộc này, món óc khỉ chẳng hạn là một món ăn bổ dưỡng và sang trọng, nhưng đối với dân tộc khác, đó là một thức ăn của người còn mang nặng thú tính, chưa có nhân tính thuần thục. Người Do thái ngày xưa cũng tự qui định cho mình một số thức ăn được phép và một số thức ăn không được phép. Còn thái độ của Chúa Giêsu đối với vấn đề này như thế nào?
Trước hết, phải nhìn nhận rằng cả Chúa Giêsu lẫn người Do thái đều không đứng trên bình diện sinh học để cứu xét thức ăn sạch hay dơ, tốt hay xấu, nhưng cả hai phê phán giá trị thức ăn theo quan điểm luân lý. Người Do thái qui định một số thức ăn không được phép dùng, ban đầu có thể là do yếu tố vệ sinh, y học, nhưng về sau họ đánh giá theo một góc độ khác. Chẳng hạn người Do thái không ăn máu và những thú vật bị chết ngạt, vì họ cho rằng máu tượng trưng cho sự sống, mà sự sống là độc quyền của Thiên Chúa, do đó con người không được phép đụng tới. Quan niệm này tiếp tục tồn tại trong Giáo Hội Kitô tiên khởi và các tín hữu gốc ngoại giáo được yêu cầu nhượng bộ các Kitô hữu gốc Do thái ở điểm này.
Thắc mắc của các môn đệ và giải đáp của Chúa Giêsu được tác giả Marcô ghi lại ở đây, có lẽ phản ánh bầu khí tranh luận của Giáo Hội tiên khởi lúc ấy và hướng giải quyết vấn đề mà Giáo Hội dần dần phải theo, đó là mọi thức ăn đều thanh sạch; điều quan trọng hơn chính là tâm hồn con người, bởi vì thức ăn sạch, chén đĩa sạch, tay chân sạch có ích gì cho việc mưu cầu ơn cứu độ, nếu con người còn có tâm hồn lừa dối Thiên Chúa và phỉnh gạt người khác.
Có một lần Phêrô đã phản ứng như mọi người Do thái. Trong một thị kiến, Phêrô được lệnh phải giết và ăn các thú vật nằm trên tấm khăn lớn từ trời buông xuống, nhưng Phêrô lập tức từ chối vì cho đó là thức ăn dơ. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã sửa sai quan niệm của ông: những gì Thiên Chúa tuyên bố là thanh sạch, thì con người chớ gọi là ô uế. Thật ra, thị kiến này chỉ có ý nghĩa tượng trưng: Phêrô được lệnh phải tiếp đón lương dân vào Giáo Hội, những người mà Do thái giáo cho là nhơ uế. Như vậy, khi trả lời cho câu hỏi về vấn đề sạch, dơ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng người ta không thể đánh giá người khác dựa trên mầu da, chủng tộc, văn hóa, ngôn ngữ, giai cấp, vì tất cả những điều ấy chỉ là những hình thức phụ thuộc; mỗi người sẽ bị Thiên Chúa đánh giá dựa vào tâm địa tốt hay xấu của mình và những hành vi xuất tự tâm địa ấy.
Từ chỗ không kỳ thị về các sự vật, Kitô giáo tiến tới chỗ không kỳ thị về con người. Bằng chứng là trong giáo lý Công giáo hiện nay, không hề có dị ứng trước các thực tế của nhân loại, cũng không đặt bảng phân loại con người để tiếp nhận và Giáo Hội hay lập thang giá trị để đáng giá các phần tử trong Giáo Hội. Trái lại Kitô giáo mang tinh thần đại đồng và phổ quát, xứng đáng được gọi là đạo Công Giáo.
Xin cho chúng ta là những người mang danh hiệu Kitô, không bao giờ có óc kỳ thị đối với các thực tại cuộc sống cũng như đối với nhau.

Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần V TN
Bài đọc I Kgs 10:1-10; Mk 7:14-23.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự cần thiết của khôn ngoan
Có người cho việc sống gần gũi với những kẻ tội lỗi là điều không nên làm, vì “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.” Nhưng điều này chỉ có thể xảy ra, chứ không nhất thiết phải xảy ra. Chẳng hạn, người quân tử “sống gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.” Hay như Chúa Giêsu chủ trương: Ngài như một thầy thuốc đến tìm các con bệnh để chữa lành, mặc dù các biệt-phái và kinh-sư nghĩ Ngài cũng tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm vì Ngài giao thiệp với họ. Điều làm cho bậc quân tử khác kẻ tiểu nhân và Chúa Giêsu khác với người thường là vì họ có khôn ngoan: biết cách hành xử đúng đắn và không dễ bị lây nhiễm bởi những điều xấu.
Các Bài Đọc hôm nay nêu bật sự quan trọng của khôn ngoan. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, nữ hoàng Sheba từ xa đến triều kiến vua Solomon; vì muốn thử xem sự khôn ngoan của ông. Bà phải nhìn nhận sự khôn ngoan của Solomon còn hơn tiếng đồn. Trong Phúc Âm, truyền thống Do-thái cho con người ra xấu xa tội lỗi là vì không cẩn thận giữ các luật thanh tẩy. Chúa Giêsu phủ nhận truyền thống này khi Ngài tuyên bố chỉ có những gì phát ra từ tâm hồn, mới làm con người ra xấu xa tội lỗi mà thôi. Ngài cắt nghĩa cho các môn đệ hiểu điều này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
2/ Bài đọc I (năm chẵn): "Chính vì lòng yêu thương Israel đến muôn đời, mà Đức Chúa đã đặt ngài làm vua, để ngài thi hành luật pháp và công lý."
2.1/ Nữ hoàng Sheba khao khát được lắng nghe sự khôn ngoan của vua Solomon: Chúng ta đã được nghe biết lý do Solomon được khôn ngoan là vì ông đã cầu xin với Thiên Chúa. Tiếng lành đồn xa đến nỗi nữ hoàng Sheba từ Phi Châu, khi nghe biết vua Solomon nổi tiếng vì danh Đức Chúa, thì đến đặt câu đố để thử tài vua. Bà vào hội kiến với vua Solomon và xin vua giải đáp tất cả những gì bà suy nghĩ trong lòng. Vua Solomon giải đáp tất cả những vấn nạn bà đưa ra; không có chuyện bí ẩn nào mà vua không giải đáp được cho bà. Bà khen ngợi nhà vua: "Những điều tôi đã nghe nói ở nước tôi về ngài và sự khôn ngoan của ngài quả là sự thật. Tôi đã không tin những điều người ta nói, cho tới khi tôi đến và thấy tận mắt; nhưng thực ra người ta cho tôi biết chưa tới một nửa. Ngài còn khôn ngoan và giàu có hơn tiếng đồn tôi đã nghe."
2.2/ Những lợi ích vua Solomon được hưởng từ khôn ngoan: Trình thuật hôm nay liệt kê một số lợi ích vua Solomon nhận lãnh do sự có được khôn ngoan.
(1) Lợi ích cá nhân: Danh tiếng khôn ngoan đồn ra khắp nơi. Nữ hoàng Sheba tặng vua: "ba ngàn sáu trăm ký vàng, một số rất lớn hương liệu và đá quý. Chưa từng có một số lượng hương liệu nhiều như nữ hoàng Sheba đã tặng vua Solomon."
(2) Lợi ích cho quốc gia: Nữ hoàng nhận xét: "Phúc thay thần dân của ngài! Phúc thay quần thần của ngài, những kẻ luôn luôn được túc trực trước mặt ngài và nghe biết sự khôn ngoan của ngài!" Triều đại của vua Solomon được mệnh danh là triều đại phồn thịnh nhất trong lịch sử của Israel.
Bà cũng nhận ra nguồn gốc khôn ngoan mà vua Solomon có được: "Chúc tụng Đức Chúa Thiên Chúa của ngài, Đấng đã ưu ái đặt ngài lên ngai Israel; chính vì lòng yêu thương Israel đến muôn đời, mà Đức Chúa đã đặt ngài làm vua, để ngài thi hành luật pháp và công lý."
2.3/ Đặc điểm của khôn ngoan của vua Solomon: Khi suy nghĩ về cuộc đời của vua Solomon và những lời khen tặng của nữ hoàng Sheba, chúng ta có thể nhận ra những đặc điểm khôn ngoan của vua Solomon:
(1) Nguồn gốc của khôn ngoan đến từ Thiên Chúa: Ngài là căn nguyên mọi sự và cùng đích muôn loài. Người khôn ngoan không chỉ bằng lòng với một số những kiến thức; nhưng khao khát truy tầm đến căn nguyên và mục đích của những sự việc. Để thấu triệt khôn ngoan, con người phải tìm đến với Thiên Chúa. Kính sợ Thiên Chúa là nguồn gốc mọi khôn ngoan. Người khôn ngoan lắng nghe Lời Chúa và cư xử theo những gì Ngài dạy dỗ.
(2) Người khôn ngoan không bằng lòng với những kết quả tạm thời; nhưng muốn sở hữu kết quả vững bền. Vua Solomon không tìm tiền bạc, uy quyền, danh vọng, hay sức khỏe, vì vua biết tất cả những thứ này đều chóng qua. Vua tìm sự khôn ngoan vững bền vì nó gúp vua giải quyết mọi sự khác.
(3) Người khôn ngoan biết cách cư xử với Thiên Chúa và với tha nhân: Người khôn ngoan là người biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, và với mọi tạo vật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan biết tôn thờ một Thiên Chúa thay vì những loài thọ tạo Ngài dựng nên. Người khôn ngoan biết cách tránh tội bằng cách nhìn trước được những hậu quả của tội, những nguyên nhân đưa đến tội, và luôn thực hành lề luật của Thiên Chúa. Người khôn ngoan biết những yếu điểm và giới hạn của mình, những nguy hiểm và âm mưu của địch thù; đồng thời cũng biết nhận ra những ưu điểm của người khác để học hỏi và tôn trọng. Nói tóm, có được khôn ngoan của Thiên Chúa là có tất cả.
3/ Phúc Âm: Con người lẫn lộn giữa dơ bẩn bên ngoài và xấu xa tội lỗi bên trong.
3.1/ Truyền thống Do-thái và việc thanh tẩy: Họ tin việc giữ luật thanh tẩy không phải cho những lý do vệ sinh bên ngoài; nhưng cho sự thanh sạch bên trong để xứng đáng dâng lễ vật cho Thiên Chúa và được Ngài nhận lời cầu xin. Ví dụ, nếu một tư-tế đụng phải xác chết, ông sẽ không còn thanh sạch để dâng lễ vật; ăn vật dơ bẩn làm ô uế toàn thể con người.
3.2/ Giáo huấn về sự thanh sạch của Chúa Giêsu:
(1) Phân biệt giữa dơ bẩn thân xác và xấu xa tâm hồn. Chúa Giêsu giải thích: "Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được… Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài?" Tác giả dùng cẩn thận 2 danh từ Hy-lạp khác nhau: tim, “kardia” và bao tử, “koilia.”
Thực phẩm có dơ bẩn đến đâu chăng nữa, cũng không thể làm tâm lòng con người ra xấu xa tội lỗi; vì thực phẩm không thể nào vào tim, nhưng qua bao tử và rồi những chất dơ được thải ra ngoài. Thực phẩm có thể làm cho con người bệnh về phần xác, nhưng không bao giờ có thể đem bệnh tật về phần linh hồn.
(2) Xấu xa tội lỗi bên trong gây thiệt hại hơn: Chúa Giêsu tiếp tục giải thích: "Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." Ngài có ý muốn nói cho họ biết Thiên Chúa là Đấng nhìn thấu suốt mọi sự trong tâm hồn con người. Họ không thể đánh lừa Thiên Chúa bằng việc quan sát qua loa những luật lệ thanh tẩy bên ngoài. Rất nhiều lần trong Cựu Ước cũng như trong Tân Ước, Thiên Chúa đã từng nói với dân chúng: của lễ Ngài ưa thích không phải là những hiến tế hay nghi lễ bên ngoài, nhưng là một tâm hồn thống hối và một trái tim ước muốn thi hành thánh ý của Thiên Chúa.
Lối giải thích của Chúa Giêsu đảo ngược những giá trị mà người Do-thái vẫn tin từ bao đời. Họ khó chịu vì Chúa Giêsu đã vô hiệu hóa bao nhiêu luật thanh tẩy của họ. Rất khó cho họ chấp nhận cách giải thích của Chúa Giêsu, vì một số trong họ, như 7 anh em nhà Maccabees sẵn sàng chấp nhận cái chết chứ không ăn thịt heo mà họ coi là con vật dơ bẩn.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần xin cho được sự khôn ngoan của Thiên Chúa như vua Solomon để giúp chúng ta biết cách phán đoán và hành xử trong cuộc đời.
- Điều làm con người ra xấu xa tội lỗi không phải là thực phẩm, hoàn cảnh, hay làm bạn với tội nhân; nhưng chính là những ước muốn và việc làm xấu của con người.
- Chúng ta không thể đánh lừa Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi sự trong tâm hồn, bằng những lễ nghi và lề luật hời hợt bên ngoài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

07/02/2018 - THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 5 TN
Mc 7,14-23
TỐT GỖ HƠN TỐT NƯỚC SƠN

“Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,20)
Suy niệm: Một trong những điều dân miền quê, miền núi lo ngại nhất đối với nơi ‘an cư’ của họ, đó chính là: mối. Không từ một súc gỗ nào, không ngại một ngóc ngách nào, hễ loại cây gì có thể ăn được thì chúng xơi tái. Ngặt một nỗi người trong nhà không ai hay biết gì, vì nhìn bên ngoài cây gỗ còn ngon lành và mới mẻ lắm. Thế nhưng chỉ cần một thời gian ngắn thôi cây gỗ tự dưng rớt xuống, bấy giờ gia chủ mới hay: mối đã đục ruỗng bên trong hết rồi. Nơi con người cũng vậy, nhìn bên ngoài ai biết tâm địa bên trong thế nào: “Sông sâu còn có kẻ dò; nào ai bẻ thước mà đo lòng người”. Lối sống hình thức hào nhoáng và tính tự ái sĩ diện làm người ta trau chuốt những cái bên ngoài mà quên rằng chính những đam mê dục vọng, những âm mưu và toan tính tội lỗi làm cho con người ra xấu xa, chúng như loài mối đục khoét từ bên trong, để rồi một ngày kia bừng con mắt dậy thấy mình đã lún sâu trong tội lỗi tự bao giờ. Thật là nguy hiểm!
Mời Bạn: Bạn có phát hiện thấy mình đang bị ‘mối tội lỗi’ làm hư hoại không, hay Bạn cũng như gia chủ trên kia: mình vẫn còn đạo đức và tốt lành? Cũng như loài mối, những tội lỗi bị che đậy phát triển rất nhanh chóng. Để khử trừ chúng, bạn có cách: - kiểm điểm đời sống cách nghiêm túc; - siêng năng đến với bí tích hoà giải.
Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và siêng năng lãnh nhận bí tích hoà giải không đợi đến ngày lễ lớn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con một lương tâm trong sáng, để con có thể nhìn mọi sự trong vẻ đẹp thanh cao của chúng. (Epphata)
(5 Phút Lời Chúa)

T trái tim con người (7.2.2018 – Th tư Tun 5 Thường niên)

Suy nim:
Sách Lêvi chương 11 nói đến một số cấm kỵ về ăn uống dành cho người Do thái.
Chỉ được ăn những con vật vừa có móng chẻ hai, vừa nhai lại.
Bởi đó không được ăn thịt lạc đà, thỏ, heo (Lv 11, 3-8).
Chỉ được ăn những con vật ở dưới nước nếu chúng có vây và có vẩy.
Chỉ được ăn các côn trùng có cánh đi bằng bốn chân,
nếu chúng có thêm càng để nhảy trên đất.
Bởi đó được ăn dế, châu chấu, cào cào (Lv 11, 20-23).
Nếu ai ăn những thức ăn bị cấm, người đó sẽ trở nên ô uế,
không được tham dự những nghi lễ ở nơi thờ tự.
Chúng ta không quên chuyện bảy anh em bị vua Antiôkhô ép ăn thịt heo,
và họ đã chấp nhận cái chết hơn là vi phạm luật Chúa (2 Mcb 7).
Ngày nay chúng ta ngạc nhiên về chuyện cấm đoán này,
nhưng vấn đề ăn uống đã từng là chuyện nóng bỏng trong Giáo Hội sơ khai.
Một câu hỏi đã khiến Giáo Hội phải suy nghĩ:
Sau khi trở nên Kitô hữu, dân ngoại có phải giữ những cấm kỵ trên không?
Công đồng đầu tiên chỉ cấm họ không được ăn huyết và thú chết ngạt (Cv 15, 20).
Lập trường của Đức Giêsu trong đoạn Tin Mừng hôm nay rất khác thường.
Ngài nói một nguyên tắc có vẻ như đi ngược với sách Lêvi:
Không có gì từ ngoài vào trong con người, lại có thể làm nó ra ô uế” (c.15),
Mọi thứ từ bên ngoài vào trong con người không thể làm nó ra ô uế” (c. 18).
Đối với Đức Giêsu, chính cái xấu xa từ bên trong, từ trái tim con người,
cái ấy mới làm cho con người nên ô uế. (cc. 15, 20, 23).
Con người hôm nay dễ mắc bệnh tim mạch.
Trái tim, một cơ quan nhỏ bé nằm ở bên trái lồng ngực,
thường bị căng thẳng và quá tải, dẫn đến đột quỵ.
Đức Giêsu mời chúng ta đi vào trái tim mình (c.21),
khám phá ra thế giới tối tăm ẩn khuất của nó.
Chúng ta có thể ngỡ ngàng khi thấy ở đó không có tình yêu bác ái vị tha,
mà chỉ có những tình cảm hỗn độn của lòng vị kỷ (cc. 21-22).
Đức Giêsu mời chúng ta nhận ra
những cái ô uế từ ngoài đi vào bên trong trái tim (c. 19),
và những ý định ô uế từ trong trái tim xuất ra ngoài.
Những ý định này có thể biến thành hành động hết sức nguy hiểm.
Vấn đề không phải là khám tim định kỳ hay khi thấy đau ngực.
Vấn đề là thanh lọc trái tim khỏi những đam mê tội lỗi
đang làm nó bị hư hỏng từ bên trong.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin dẫn con vào nhà của con,
căn nhà của trái tim,
căn nhà vừa quen vừa lạ.
Xin hãy cho con thấy
những phức tạp, rắc rối, những che đậy, giằng co,
những mâu thuẫn và vô lý nơi con.
Xin hãy cho con thấy
những nhỏ mọn, ích kỷ,
những yếu đuối, khô khan,
những cứng cỏi và tự ái nơi con.
Xin cho con ý thức
những lo âu, sợ hãi
đang đè nặng làm con ngột ngạt,
những nỗi đau thầm kín khiến đời con mất vui,
những vết thương không biết bao giờ lành,
những đổ vỡ khiến lòng con khép lại.
Lạy Chúa Giêsu,
xin giúp con dọn những bề bộn nơi tim con.
Xin biến đổi tim con, để nó trở nên đơn sơ hơn,
hồn nhiên hơn và tươi tắn hơn.
Ước gì con nhìn mọi sự, mọi người,
bằng trái tim bao dung của Chúa.
Và ước gì khi đã ra khỏi nỗi bận tâm về mình,
trái tim con được nhẹ nhàng hơn và tự do hơn
để yêu mến mọi người. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7 THÁNG HAI
Tài Năng Của Người Nghệ Sĩ
Sau khi dẫn con cái It-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Mô-sê hoạch định chuyện dựng lều thánh – tức đền thờ lưu động đầu tiên của dân It-ra-en trong sa mạc. Ông ủy nhiệm công việc đó cho những người đầy “thần khí”. Và, sau khi đã gọi đích danh các nghệ nhân, Đức Chúa ban cho họ ơn khôn ngoan. Ngài ban cho họ những ơn mà họ cần để họ có khả năng vạch dự án và triển khai công việc dựng lều thánh (Xh 35, 30 – 35; 36, 1).
Như chúng ta có thể thấy trong chương trích dẫn trên của Sách Xuất Hành, cái mà ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật thánh vốn đã có những nguồn gốc rất rạng rỡ thuở xưa. Tận đáy lòng tôi, tôi muốn nói với các bạn là những nghệ sĩ rằng các bạn phải ý thức rằng tài năng nghệ thuật của mình là một món quà do Thiên Chúa ban tặng. Người nghệ sĩ phải tri ân Thiên Chúa và phải dấn thân trung thành theo tiếng gọi mà mình đã nhận lãnh. Người nghệ sĩ Kitô giáo có thể tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ ban cho mình “thần khí” để chuyển hóa các tài năng tự nhiên thành hoa trái thiêng liêng, nhất là khi họ đảm nhận những công trình nghệ thuật tôn giáo và phụng vụ.
Trong ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu những đường nét trác tuyệt của các thánh đường thời Trung Cổ. Nếu đứng ngoài lãnh giới đức tin, chúng ta không thể cảm nhận đầy đủ cái tuyệt vời ấy. Có thể kể một số ví dụ, như các công trình của Giotto, Fra Angelico, Michelangelo, những vần thơ của Dante, những áng văn của Manzoni, những khúc nhạc của Pierluigi da Palestrina, vv…
Đành rằng tài năng của một nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác phẩm kiệt xuất không dính dáng gì đến niềm tín ngưỡng của mình; nhưng, nếu bên cạnh tài năng tự nhiên, người nghệ sĩ có thao thức muốn bộc lộ đức tin, cậy, mến của mình, thì với tác phẩm của mình, họ sẽ trở thành một sức khích lệ lớn lao cho người ta. Tác phẩm của họ sẽ chuyển tải các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II




07 Tháng Hai
Một Lý Tưởng Ðể Ðeo Ðuổi
Một buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ mà người khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy, ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới: đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa Bình.
Có một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của con người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh nhất phải chăng không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống chứng tá của họ.
Khi nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau: "Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo. Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao họ sống như thế giữa chúng ta?".
Ðâu là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét