Đời người chỉ như hơi thở
Đời người chỉ như hơi thở (G 7,1-4.6-7; CN V TN B)
Trích sách ông Gióp:
“Cuộc sống con người nơi dương thế chẳng phải là thời khổ
dịch sao? Và chuỗi ngày lao lung vất vả đâu khác gì đời kẻ làm thuê? Tựa người
nô lệ mong bóng mát, như kẻ làm thuê đợi tiền công, cũng thế, gia tài của tôi
là những tháng vô vọng, số phận của tôi là những đêm đau khổ ê chề. Vừa nằm xuống,
tôi đã nhủ thầm: "Khi nào trời sáng? "Mới thức dậy, tôi liền tự hỏi:
"Bao giờ chiều buông? "Mãi tới lúc hoàng hôn, tôi chìm trong mê sảng.
Ngày đời tôi thấm thoát hơn cả thoi đưa, và chấm dứt, không một tia hy vọng. Lạy
Chuá, xin Ngài nhớ cho,cuộc đời con chỉ là hơi thở, mắt con sẽ chẳng thấy hạnh
phúc bao giờ.” (G 7,1-4.6-7)
“Cuộc đời con chỉ là hơi thở”. Câu nói đơn sơ này của ông
Gióp diễn tả được tất cả sự ngắn ngủi, giòn mỏng, mau qua của kiếp người. Đây
là thực tại ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thản nhiên chấp nhận và cố gắng
sống thời gian ngắn ngủi ấy một cách tràn đầy trọn vẹn. Câu chuyện cuộc đời ông
Gióp nêu lên một vấn nạn khiến cho con người thuộc mọi thế hệ khắp nơi trên thế
giới này khắc khoải tìm câu trả lời: đó là tại sao những người ngay lành thánh
thiện, những người đạo đức, những người vô tội lại phải gánh chịu nhiều khổ đau
khốn khó như vậy?
Ông Gióp rất giầu và có mọi điều con người thường mơ ước:
nào là vợ đẹp con khôn, nhà cao cửa rộng, sang trọng bề thế, con ăn người làm
đông đúc, súc vật đầy đàn, bò bê, chiên cừu, lạc đà hàng ngàn con. Thế nhưng chỉ
một sớm một chiều ông mất hết mọi sự: gia tài bị cướp, con cái chết hết, thế rồi
thân mình lại bị bệnh đầy vết lở loét giòi bọ rúc riả lúc nhúc, phải ra ngồi
trên đống tro lấy mảnh sành gãi và gạt giòi, bị mọi người, kể cả chính vợ ông
khinh rẻ, xa lánh, mạt sát. Ông Gióp đã không biết rằng mọi khổ đau khốn khó của
ông là do Satan gây ra. Vì không tin vào khả năng của con người có thể yêu
thương vô vị lợi Satan thách đố với Thiên Chúa cho nó hành khổ ông, để
xem ông có thực sự yêu thương và tôn kính Chúa hay không. Trước mọi bất hạnh
xảy ra cho mình ông Gióp vẫn một mực yêu kính Thiên Chúa. Khi nghe tin báo của
cải súc vật bị cướp hết, con cái bị bão đánh sập nhà chết hết, ông Gióp thưa :
“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Chúa đã
cho, Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Chúa”. Và khi vợ cám dỗ ông nguyền rủa
Thiên Chúa rồi chết đi cho rảnh, ông trả lời: “Cả bà cũng nói như một mụ điên.
Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ lại không biết đón nhận
sao?”. Tuy sau này trong những lúc đớn đau quá như ông tả: “Thịt tôi chai ra,
giòi bọ lúc nhúc, da tôi nứt nẻ, máu mủ đầm đià”, ông Gióp nguyền rủa ngày sinh
của mình. Nhưng trong mọi sự ông đã không xúc phạm đến Thiên Chúa. Trong cuộc
tranh luận với ba người bạn thân bênh vực lập trường cổ điển của nền thần học
do thái cho rằng vì con người phạm tội nên mới bị Thiên Chúa đánh phạt với csc
tai ương khốn khó, ông Gióp đã cho họ thấy các thực tại hằng ngày chứng minh
ngược lại: kẻ gian tham ác độc càng ngày càng giầu có và sung sướng hạnh phúc,
trong khi những người ngay lành công chính lại cứ gặp khốn khó khổ đau. Công lý
ở đâu, tại sao lại phải sống đạo đức khổ hạnh để rồi nhận được gì?
Đây cũng đã là điều tác giả thánh vịnh 73 đề cập đến khi viết:
“Thiên Chúa nhân hậu biết dường nào với nhà Ít-ra-en, với những kẻ có lòng
trong sạch! Thế mà tôi đã gần như hụt bước, một chút nữa là tôi phải trượt
chân, bởi ganh tị những người lên mặt và thấy ác nhân thịnh đạt hoài. Quả là
chúng không nếm mùi tân khổ, chúng có thân hình mạnh mẽ phương phi, không hề vất
vả như ai khác, chẳng bị tai ương giống người đời. Vì vậy, chúng lấy vẻ kiêu
căng làm vòng đeo cổ, lấy thói bạo tàn làm áo che thân. Xác đầy mỡ tiết ra toàn
gian ác, và tâm địa chan chứa những mưu mô. Chúng chế giễu, buông lời thâm độc,
lại kiêu căng bàn chuyện ức hiếp người; miệng chẳng từ xúc phạm trời cao, lưỡi
tự do tung hoành cõi đất. Nên dân ta hướng về chúng cả, lời chúng thốt ra, hăm
hở nuốt vào. Chúng bảo: "Chúa Trời đâu có biết, Đấng Tối Cao nào hiểu chuyện
chi! " Ác nhân như vậy đó, chúng vẫn cứ an nhàn, thu tích thêm của cải. Lạy
Chúa, như thế là con đã uổng công giữ lòng trong trắng, giữ tay thanh sạch!”
Các vấn nạn của ông Gióp cũng đã từng khiến cho các tác giả
thánh vịnh âu lo khắc khoải kiếm tìm câu trả lời. Đề cập tới cuộc đời mau qua
ngắn ngủi tác giả thánh vịnh 39 viết: “Lạy Chúa, xin dạy cho con biết:đời sống
con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù
du là thế. Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể
bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, thấp thoáng trên đường
tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ
hưởng dùng." (Tv 39,5-7).
Tác giả thánh vịnh 49 cho biết của đời phù vân như sau:
“Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền. Nhưng nào có ai tự chuộc
nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa? Mạng người dù giá cao mấy nữa,
thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời. Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải
đến ngày tận số? Kìa thiên hạ thấy người khôn cũng chết, kẻ ngu đần dại dột
cũng tiêu vong, bỏ lại tài sản mình cho người khác. Tuy họ lấy tên mình mà đặt
cho miền này xứ nọ, nhưng ba tấc đất mới thật là nhà, nơi họ ở muôn đời muôn kiếp…
Đừng sợ chi khi có kẻ phát tài, hoặc cửa nhà tăng thêm vẻ phong lưu, vì
khi chết, nó đâu mang được cả, kiếp vinh hoa chẳng theo xuống mộ phần.” (Tv 49,
7-13.17-29).
Tuy nhiên, tác giả thánh vịnh 73 đã tìm ra câu trả lời: Nếu
cuộc đời con người mau tàn lụi như thế và con người không mang theo được gì khi
chết, thì điều quan trọng nhất là phải sống thế nào để được ở với Thiên Chúa
luôn mãi trong cuộc sống mai sau. Đó mới là hạnh phúc tối hậu đích thật của con
người, hạnh phúc mà người gian tham ác độc sẽ không bao giờ được hưởng. Chúa
Giêsu cũng nhắc cho chúng ta biết sự thật quan trọng này: “Được cả thế giới mà
phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân thì nào có lợi gì?”(Lc 9,25)
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét