Trang

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Nữu Ước Thời Báo và liên hệ Vatican-Trung Hoa

Nữu Ước Thời Báo và liên hệ Vatican-Trung Hoa
Vũ Văn An
01/Mar/2018

Ký giả Ian Johnson của Nữu Ước Thời Báo, ngày 2 tháng 1 năm 2018, viết rằng động thái Vatican yêu cầu hai giám mục “hầm trú” Trung Hoa nhường chỗ cho hai giám mục do Nhà Nước bổ nhiệm, mà một còn bị Vatican “rút phép thông công” đã khiến nhiều người trong Giáo Hội Công Giáo lo âu.

Tha thiết muốn có thỏa thuận

Động thái trên, theo Nữu Ước Thời Báo, được nhiều quan sát viên mô tả là một cố gắng phi thường của Vatican nhằm đẩy mạnh các cuộc thương thảo để nối lại liên hệ với Bắc Kinh sau gần 70 năm ly giáo nơi người Công Giáo của xứ sở đông dân nhất hoàn cầu. 

Nữu Ước Thời Báo sau đó đã dựa vào lời Đức Hồng Y Zen để thuật lại vụ hai giám mục “hầm trú” bị Tòa Thánh yêu cầu nhường chỗ cho hai giám mục “quốc doanh” và lời hứa của Đức Phanxicô sẽ không có một vụ Mindszenty khác. Tờ báo này không có một nhận định tiêu cực nào đối với tường thuật vừa kể. Trái lại đã thuật lại phản ứng của Cha Bernardo Cervellera, chủ bút của Asianews.it.Vị linh mục này cho rằng các khai triển mới đây cho thấy các nhà thương thuyết của Vatican “sẵn sàng dành cho chính phủ Trung Hoa ‘toàn quyèn hành động’, và chấp nhận mọi yêu sách và không đặt ra một chống đối nào về các vấn đề gây ảnh hưởng tới Giáo Hội ở Trung Hoa”.

Tuy nhiên, theo Cha Cervellera, lời hứa của Đức Phanxicô báo hiệu: ngài không hoàn toàn nhất trí với các nhà thương thuyết của mình.

Nữu Ước Thời Báo cũng cho rằng những người theo dõi vấn đề nói rằng hàng loạt các biến cố bất thường một cách cao độ chứng tỏ Vatican tha thiết muốn có 1 thỏa thuận xiết bao.

Bái gối, cúi đầu

Tác giả Yi-Zheng Lian, một bình luận gia về Hồng Kông và Á Châu và là giáo sư kinh tế tại Đại Học Yamanashi Gakuin ở Kofu, Nhật, ngày 8 tháng Hai, 2018 thì đặt câu hỏi: Why the Pope Is Genuflecting to China (Tại Sao Đức Giáo Hoàng lại bái gối với Trung Hoa). Thực vậy, ký giả này viết rằng “Ngày 1 tháng Hai, cùng ngày các qui định áp chế mới đối với tôn giáo có hiệu lực ở Trung Hoa, Vatican đã cúi đầu sâu trước Bắc Kinh. Sau khi từ chối lâu dài, cuối cùng họ đã bằng lòng nhìn nhận một số giám mục ‘làm mướn’ (hack) do Đảng Cộng Sản Trung Hoa chỉ định, thậm chí còn gạt qua một bên hai trong số những người do mình chỉ định đã phục vụ lâu năm”.

Theo tác giả này, các lý do khiến Tòa Thánh nhượng bộ chính phủ Cộng Sản (vô thần) Trung Hoa không hoàn toàn trong sáng nhưng hình như hy vọng có được một vụ tan băng lịch sử, sau hơn 60 năm gián đoạn ngoại giao.

Tác giả này cho rằng Vatican biện minh chủ trương hòa dịu của mình với Bắc Kinh như là 1 cố gắng giải quyết cuộc ly giáo đã và đang chia rẽ cộng đồng Công Giáo ở Trung Hoa gần 70 năm nay, 1 cuộc ly giáo khiến người Công Giáo Trung Hoa “không sống hiệp thông với nhau và với Đức Giáo Hoàng”.

Việc xích lại gần nhau này ít nhất, trên danh nghĩa, cũng đem lai cho Đức Giáo Hoàng thẩm quyền tối cao đối với mọi người Công Giáo Trung Hoa, một vị thế, bất kể chỉ có tính tượng trưng bao nhiêu đi nữa, vẫn là điều quan trọng đối với Tòa Thánh, một định chế đang mất “đất” cho các hệ phái Kitô Giáo khác nơi người tân tòng Trung Hoa.

Dân số Kitô Giáo ở Trung Hoa đã gia tăng đáng kể, từ vào khoảng 4 triệu vào năm 1949 nay đã lên khoảng 100 triệu. Tuy nhiên, số người Công Giáo không gia tăng theo mức độ đó. Thực vậy, năm 1949, tỷ lệ người Công Giáo so với Thệ Phản là 3 thắng 1, thì hiện nay tỷ lệ người Thệ Phản so với người Công Giáo là 5 thắng 1. Giải thích thông thường nhất là tại Giáo Hội Công Giáo không những có thẩm quyền về tôn giáo và luân lý, mà còn thực thi cả thẩm quyền chính trị và ngoại giao nữa.

Giáo Hội Công Giáo vốn có hệ thống chỉ huy thống nhất, một mạng lưới kỷ luật hoàn cầu chặt chẽ, có lẽ còn hơn, hay ít nhất cũng bằng, hệ thống của Đảng Cộng Sản Trung Hoa. Nên lẽ tự nhiên, Đảng này coi việc nguời Công Giáo Trung Hoa trung thành với Đức Giáo Hoàng là một đe dọa đối với lòng trung thành của họ với Đảng.

Nhiều Giáo Hội Thệ Phản, mặc dù cũng bị nghi ngờ, nhưng được lòng Đảng Cộng Sản Trung Hoa hơn. Sau khi viếng thăm Trung Hoa năm 1983, Đức TGM Canterbury đã nói rất tốt về việc tự do hóa ở Trung Hoa và ca ngợi việc ra đời của “một giáo hội với các đặc điểm Trung Hoa”.

Giống vị tiền nhiệm của mình, Tổng Giám Mục Anh Giáo có nhiệm vụ giám sát Hồng Kông và Macao hiện nay là thành viên của Hội Đồng Cố Vấn Chính Trị Nhân Dân Trung Hoa, một cơ chế gồm những người nổi tiếng có nhiệm vụ cố vấn cho Đảng Cộng Sản Trung Hoa, nhưng thường chỉ cổ vũ quyền lợi của Đảng này một cách bất chính thức hay lén lút. Cả hai vị có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh trong chủ trương hạn chế các quyền tự do tôn giáo ở Hồng Kông và chống đối Phong Trào Mang Dù phò dân chủ năm 2014.

Đại diện các tôn giáo khác còn đi xa hơn: phó chủ tịch Hội Phật Giáo Trung Hoa gọi bài diễn văn của Tập Cẩn Bình trước Đại Hội lần thứ 19 của Đảng Cộng Sản Trung Hoa mùa Thu vừa qua là “Kinh Phật thời nay”. Dù sao, người Phật Giáo ở Trung Hoa, giữa khoảng từ hơn 100 triệu tới 240 triệu người, cũng được đối xử tương đối nhẹ nhàng bởi bàn tay Đảng, ít ra nếu họ không thuộc phái Tây Tạng.

Ấy thế nhưng theo Yi-Zheng Lian, nếu việc cố gắng lấy lòng này có hiệu quả đi chăng nữa, thì việc đấu dịu của Vatican với chính phủ Trung Hoa vẫn có những mặt tiêu cực đối với chính Vatican và với thế giới.

Do việc thừa nhận cái gọi là giáo hội yêu nước, Vatican sẽ gây hại cho tính toàn vẹn của các giáo huấn Công Giáo ở trong nước. Các bài giảng tại các nhà thờ do chính phủ kiểm soát, theo Yi-Zheng Lian, đều được biết là đã loại bỏ các đoạn Thánh Kinh bị coi gây rối về chính trị (như truyện Đanien chẳng hạn) hoặc phải bao gồm những lời tuyên truyền của Đảng Cộng Sản. Hàng triệu người Công Giáo trung thành ở Trung Hoa dám cảm thấy mình bị bỏ rơi, thậm chí bị phản bội sau khi chịu đau khổ hàng bao thập niên đàn áp. Tệ hơn nữa, chính phủ, nhờ thỏa thuận này bơm hơi, dám mạnh tay hơn với những người Công Giáo này. Thực tế, các qui định mới về tôn giáo vừa có hiệu lực đã bao gồm nhiều khoản phạt nặng nề đối với các nhà thờ hầm trú cũng như khoản phạt các giáo viên trường công nào dám dạy giáo lý trong các giờ rảnh của họ.

Giáo Hội Công Giáo, theo tác giả này, vốn đã có một thành tích không hay lắm trong việc thương lượng với các nhà nước phátxít hoặc toàn trị. Ông trưng vụ Tòa Thánh bỏ rơi Đức Hồng Y Mindszenty ở Hung Gia Lợi năm 1956 sau khi thương thảo với chế độ bù nhìn ở đấy.

Việc thương thảo với Trung Hoa hiện nay chắc cũng không khá hơn gì. Vì Bắc Kinh vốn có tiếng là người không tôn trọng các cam kết của họ. Hãy nhìn chính sách “một nước, hai hệ thống” họ cam kết cho Hồng Kông ít nhất cho tới năm 2047, nhưng nào họ có tôn trọng?

Yi-Zheng Lian cho rằng với thỏa thuận có thể có hiện nay, kết cục Trung Hoa sẽ kiểm soát Giáo Hội tại Trung Hoa: chỉ cần trì hoãn việc chịu bổ nhiệm bất cứ ai làm giám mục hay không ngừng bác bỏ các ứng viên do Tòa Thánh bổ nhiệm cho tới khi toàn bộ các giám mục do Tòa Thánh bổ nhiệm về hưu hay qua đời. Giám mục phong chức các linh mục, nên nếu không có giám mục, đến lúc sẽ không còn 1 linh mục nào, hay còn rất ít, lúc ấy Đạo Công Giáo sẽ chết một cái chết âm thầm ở Trung Hoa.

Yi-Zheng Lian chua chát kết luận rằng 4 thập niên trước đây, khi Trung Hoa thoát khỏi gọng kìm của chủ nghĩa Mao, các công ty Tây Phương chếnh choáng trước viễn tượng bán thuốc trừ hôi nách cho 2 tỷ người Trung Hoa. Nay, người Trung Hoa trung bình có nhiều thu nhập để tiêu dùng hơn, các công ty lớn buộc phải chuyển giao các kỹ thuật do mình làm chủ và nhận các đảng viên Cộng Sản làm quản trị viên để được tiếp tục làm ăn. Không ai cưỡng được sự quyến rũ của thị trường Trung Hoa vĩ đại, kể cả Vatican.

Vâng lời nhưng lo lắng

Hai ký giả Ian Johnson và Adam Wu, ngày 11 tháng Hai, viết trên tờ Nữu Ước Thời Báo về phản ứng của Đức Cha Guo Xijin, Giáo Phận Mindong, một trong hai vị giám mục được Tòa Thánh yêu cầu nhường chức giám mục chính tòa cho các giám mục do nhà nước bổ nhiệm. Đức Cha cho rằng ngài sẽ vâng phục quyết định của Tòa Thánh và tôn trọng bất cứ thỏa thuận nào đạt được giữa Tòa Thánh và Trung Hoa. Nhưng ngài “cảnh báo rằng các nhà cầm quyền Trung Hoa vẫn khó có thể chấp nhận được ý niệm cho rằng người Công Giáo không nên bị đặt dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của họ”.

Nhân dịp này, Đức Cha Guo Xijin nhận định như sau về chính sách của chính phủ đối với Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa: “các nhà cầm quyền không hiểu rằng việc cắt đứt giáo hội địa phương ra khỏi giáo hội hoàn vũ khiến người Công Giáo địa phương trở thành ‘các tín hữu bậc nhì’. Trong khi người Công Giáo của các quốc gia khác có thể tạo ra các qui luật được các chi thể của giáo hội hoàn cầu sống theo, thì người Trung Hoa không được Bắc Kinh cho phép tham dự. Có lần tôi nói với chính phủ Trung Hoa rằng khi các ông hạn chế các giáo hội Trung Hoa trong việc tiếp xúc với Rôma, thì thực tế các ông đang tự vả vào mặt mình. Chúng ta cần tham dự để tiếng nói Trung Hoa có thể được giáo hội rộng lớn hơn nghe thấy”.

Chế độ độc tài chuyên chế đâu “thèm” chuyện đó.

Ai nhượng bộ ai?

Cũng Ký Giả Ian Johnson, 1 ngày sau, viết thêm rằng dù thỏa thuận sắp sửa được ký kết là một “nhượng bộ bất thường” của Bắc Kinh vì bao gồm quyền Đức Giáo Hoàng được phủ quyết việc bổ nhiệm giám mục của họ, quyền này đi ngược lại lòng nghi ngờ cố hữu của họ đối với Vatican xưa nay, nhưng “viễn tượng 1 thoả thuận như thế đã gây nên nhiều cảm xúc mạnh mẽ khắp thế giới, trong đó, có những người phê bình tố cáo Tòa Thánh ‘bán đứng’ các người Công Giáo trung thành ở Trung Hoa”.

Đặc biệt là người Công Giáo hầm trú Mindong. Ký giả này cho hay: “nhưng những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các thay đổi được đề nghị này, các cư dân ở những nơi như Mindong, nói rằng họ cảm thấy một cảm thức bất lực, như thể đang chờ một cơn bão mà họ không thể kiểm soát”.

Ký giả trên, sau đó, nói đến “nhượng bộ khổng lồ” của Tòa Thánh tại Mindong: “Vatican đã yêu cầu Đức Cha Guo Xijin, vị giám mục hầm trú ở Mindong, nhường quyền lãnh đạo của ngài đối với khoảng 70,000 người Công Giáo cho vị giáo sĩ được chính phủ bổ nhiệm chỉ cai quản chừng 10,000 tín hữu - quả là một nhượng bộ khổng lồ đối với Bắc Kinh”.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét