Cái chết thể lý của Chúa
Giêsu, kỳ 2
Vũ Văn An
27/Mar/2018
Đóng Đinh
Các thực hành đóng đinh
Có lẽ việc đóng đinh khởi đầu trước nhất với người Ba Tư (34). Alexander Đại Đế du nhập thực hành này vào Ai Cập và Carthage, và dường như người Rôma học được nó từ người Carthage (11). Dù người Rôma không sáng chế ra việc đóng đinh, nhưng họ đã hoàn hảo nó thành một hình thức tra tấn và tử hình nhằm tạo ra một cái chết từ từ nhưng thật nhiều đau đớn và thống khổ (10,17). Đây là một trong các phương pháp xử tử gây xấu hổ nhất và tàn độc nhất, và thường chỉ dành cho nô lệ, ngoại kiều, người nổi loạn và những tội nhân xấu xa nhất (3, 25, 28). Luật Rôma thường thường che chở công dân Rôma khỏi bị đóng đinh (5), ngoại trừ trường hợp lính đào ngũ.
Trong hình thức xưa nhất tại Ba Tư, nạn nhân hoặc bị cột vào một cây hay bị trói hoặc bị đóng vào một chiếc cột đứng thẳng, thường để giữ cho chân nạn nhân khỏi chạm mặt đất (8,11,30,34,38).
Chỉ sau đó, một thập gía thực mới
được sử dụng. Nó gồm một cây thẳng (stipes) và một cây ngang (patibulum) và có
nhiều kiểu khác nhau (11). Mặc dù bằng chứng khảo cổ và lịch sử mạnh mẽ cho thấy
thập giá hình chữ T (Tau) được người Rôma thích dùng ở Palestine vào thời Chúa
Giêsu hơn (Hình 3) (2,7,11), nhưng các thực hành đóng đinh thường thay đổi theo
vùng địa dư và theo óc tưởng tượng của các lý hình, và thập giá kiểu Latinh (†)
và các hình thức khác cũng có thể được dùng (28).
Thói quen là người bị kết án phải vác thập giá của mình từ chỗ đánh đòn tới chỗ bị đóng đinh ở bên ngoài tường thành (8,11,30). Thường người này bị trần truồng, ngoại trừ bị phong tục địa phương ngăn cấm (11). Vì sức nặng toàn diện của thập giá lên tới quá 300 cân Anh (136 kg) nên chỉ cây ngang bị vác thôi (Hình 3) (11). Cây ngang này, nặng từ 75 tới 125 cân Anh (34 tới 57 kg) (11,30), được đặt ngang gáy và được cân bằng bằng đôi vai nạn nhân. Thông thường, hai cánh tay nạn nhân bị trói vào cây ngang này (7,11). Đoàn hộ tống tới địa điểm đóng đinh được dẫn đầu bởi đội canh gồm các binh lính Rôma do 1 viên bách quản chỉ huy (3,11). Một người lính mang tấm bảng (titulus) ghi tên người bị kết án và tội trạng của người này (hình 3) (3,11). Sau đó, tấm bảng này sẽ được đóng lên đỉnh thập giá (11). Lính canh Rôma không rời nạn nhân cho tới khi họ biết chắc nạn nhân đã chết (9,11).
Ngoài tường thành, đã trồng sẵn cây gỗ thẳng đứng trên đó, cây ngang sẽ được lắp vào. Trong trường hợp thập giá hình T (Tau), việc lắp vào này sẽ được thực hiện nhờ một lỗ mộng và một chốt mộng, với một chiếc dây thừng chống đỡ hay không (10,11,30). Để kéo dài diễn trình đóng đinh, một khúc gỗ, dùng làm chỗ dựa chân (sedile hay sedulum) thường được gắn vào khoảng giữa cây dọc (3,11,16). Chỉ rất họa hiếm, và có lẽ sau thời Chúa Giêsu, người ta mới đóng đinh qua bàn chân nạn nhân mà thôi (9,11).
Thói quen là người bị kết án phải vác thập giá của mình từ chỗ đánh đòn tới chỗ bị đóng đinh ở bên ngoài tường thành (8,11,30). Thường người này bị trần truồng, ngoại trừ bị phong tục địa phương ngăn cấm (11). Vì sức nặng toàn diện của thập giá lên tới quá 300 cân Anh (136 kg) nên chỉ cây ngang bị vác thôi (Hình 3) (11). Cây ngang này, nặng từ 75 tới 125 cân Anh (34 tới 57 kg) (11,30), được đặt ngang gáy và được cân bằng bằng đôi vai nạn nhân. Thông thường, hai cánh tay nạn nhân bị trói vào cây ngang này (7,11). Đoàn hộ tống tới địa điểm đóng đinh được dẫn đầu bởi đội canh gồm các binh lính Rôma do 1 viên bách quản chỉ huy (3,11). Một người lính mang tấm bảng (titulus) ghi tên người bị kết án và tội trạng của người này (hình 3) (3,11). Sau đó, tấm bảng này sẽ được đóng lên đỉnh thập giá (11). Lính canh Rôma không rời nạn nhân cho tới khi họ biết chắc nạn nhân đã chết (9,11).
Ngoài tường thành, đã trồng sẵn cây gỗ thẳng đứng trên đó, cây ngang sẽ được lắp vào. Trong trường hợp thập giá hình T (Tau), việc lắp vào này sẽ được thực hiện nhờ một lỗ mộng và một chốt mộng, với một chiếc dây thừng chống đỡ hay không (10,11,30). Để kéo dài diễn trình đóng đinh, một khúc gỗ, dùng làm chỗ dựa chân (sedile hay sedulum) thường được gắn vào khoảng giữa cây dọc (3,11,16). Chỉ rất họa hiếm, và có lẽ sau thời Chúa Giêsu, người ta mới đóng đinh qua bàn chân nạn nhân mà thôi (9,11).
Theo luật, tại địa điểm hành
hình, nạn nhân được cung cấp một chút rượu đắng pha với mộc dược (mật) làm thuốc
giảm đau (7,17). Sau đó, tội nhân bị đẩy nằm ngửa, hai tay giăng ra cột ngang
(11). Hai bàn tay bị đóng đinh hay trói vào cây ngang, nhưng dường như đóng
đinh được người Rôma thích dùng hơn (8,11). Di tích khảo cổ của một thân thể bị
đóng đinh, tìm thấy trong một bình đựng hài cốt gần Giêrusalem và được định
niên biểu vào thời Chúa Giêsu, cho thấy những chiếc đinh này là những đinh nhọn
bằng sắt dài khoảng từ 13 tới 18 cm với đầu vuông khoảng 1cm (23,24,30). Ngoài
ra, các khám phá về hài cốt và Khăn Liệm Turin cung cấp tài liệu cho thấy các
đinh này được đóng qua cổ tay hơn là qua bàn tay (Hình 4) (22,24,30).
Sau khi cả hai cánh tay đã được đóng chặt vào cây ngang, nó cùng nạn nhân được nâng lên cây dọc (11). Với hình thức thập giá hình T, 4 người lính có thể làm việc này tương đối dễ dàng. Tuy nhiên, với hình thức thập giá Latinh, binh lính có thể sử dụng hoặc chạc cây (forks) hoặc thang gỗ (11).
Tiếp theo, bàn chân được cột chặt
vào thập giá hoặc bằng đinh hoặc bằng dây cột. Các khám phá về hài cốt và Khăn
Liệm Turin cho thấy hình thức đóng đinh được người Rôma thích dùng hơn
(23,24,30). Dù các bàn chân có thể được cột vào hai bên cây dọc hoặc tấm đỡ
chân, nhưng chúng thường được đóng đinh vào phía trước cây dọc (hình 5) (11). Để
hoàn tất việc này, việc uốn đầu gối thường được thực hiện, và các cẳng chân có
thể bị xoay theo chiều ngang (Hình 6) (23,25,30).
Khi việc đóng đinh đã xong, bảng
ghi tên và tội danh sẽ được gắn vào thập giá, bằng đinh hay bằng dây, ngay phía
trên đầu tội nhân (11). Binh lính và đám đông thường dân thường mắng nhiếc và
chế giễu tội nhân và binh lính có thói quen chia chác áo quần của người này
(11,25). Thời gian sống thêm thường thay đổi từ 3 hoặc 4 giờ tới 3 hoặc 4 ngày
và dường như thường theo tỷ lệ ngược với độ tàn khốc của việc đánh đòn (8,11).
Tuy nhiên, dù việc đánh đòn có nhẹ đi chăng nữa, thì binh lính Rôma có thể làm
cho cái chết đến mau hơn bằng cách đánh giập ống chân phía dưới đầu gối (gọi
là crurifragium hay skelokopia) (8,11).
Việc cũng thường diễn ra là côn trùng có thể tấn công và rúc rỉa các vết thương toang hoác hoặc mắt, tai và mũi của nạn nhân đang hấp hối và bất lực, và chim ăn thịt có thể cắn xé các vết thương này (16). Ngoài ra, người ta cũng có thói quen để xác chết trên thập giá cho thú dữ ăn thịt (8,11,12,28). Tuy nhiên, theo luật Rôma, gia đình của tội nhân có thể lãnh xác về chôn cất, sau khi được phép của một thẩm phán Rôma (11).
Vì người ta có ý định không để ai sống sót việc đóng đinh, nên thân xác không được trao cho gia đình cho tới khi binh lính biết chắc nạn nhân đã chết. Theo phong tục, một trong các lính canh Rôma sẽ dùng đòng hay gươm đâm xác nạn nhân (8,11). Theo truyền thống, họ thường đâm vào trái tim qua phía phải của ngực, một kiểu đâm chết người mà hầu hết binh lính Rôma đều được học qua (11). Khăn Liệm Turin làm chứng cho kiểu gây thương tích này (5,11,22). Ngoài ra, cái đòng tiêu chuẩn của lục quân, dài khoảng 1.5 tới 1.8 mét (30), có thể đụng tới ngực nạn nhân bị đóng đinh vào loại thập giá hình chữ T một cách dễ dàng (11).
Các khía cạnh y khoa của việc đóng đinh
Với kiến thức về cả khoa mổ xẻ lẫn các thực hành đóng đinh cổ thời, người ta có thể dựng lại các khía cạnh y khoa có thể có trong hình thức hành quyết chầm chậm này. Mỗi vết thương đều nhằm gây cơn thống khổ cực độ, và các nguyên nhân góp phần gây nên cái chết thì khá nhiều.
Việc đánh đòn trước khi đóng đinh dùng để làm người bị kết án yếu sức đi và, nếu việc mất máu đáng kể, sẽ tạo ra việc hạ huyết áp thế đứng (orthostatic hypotension) và thậm chí cả cơn sốc giảm thể tích máu (hypovolemic sock) (8,12). Khi nạn nhân bị đẩy nằm ngửa dưới đất, để chuẩn bị cho việc đóng đinh hai tay, các vết thương lúc bị đánh đòn của họ phần lớn sẽ lại toác ra và bị nhiễm bụi (2,16). Hơn nữa, với mỗi hơi thở, các vết thương lúc bị đánh đòn còn bị cọ xát vào mặt gỗ xù xì của cây dọc (7). Hậu quả, việc mất máu ở lưng có lẽ sẽ kéo dài suốt diễn trình đóng đinh.
Với hai cánh tay giang ra nhưng không còn căng thẳng, các cổ tay bị đóng đinh vào cây ngang (7,11). Người ta đã chứng minh rằng các gân và xương của cổ tay có thể đỡ được sức nặng của cơ thể đang đè xuống trên chúng, nhưng lòng bàn tay thì không đỡ được (11). Thành thử, đinh sắt có lẽ đã được đóng giữa xương quay (radius) và xương cổ tay (carpal) hay giữa hai hàng xương cổ tay (2,10,11, 30), hoặc giáp cận hoặc qua dây chằng vòng cơ gấp (flexor retinaculum) khá cứng và một số gân giữa các xương cổ tay (Hình 4). Dù một chiếc đinh ở 1 trong 2 chỗ ở cổ tay này có thể đi xuyên qua các xương và không làm bể các xương này, nhưng vết thương ở màng xương (periosteal) cũng gây đau đớn ghê gớm. Ngoài ra, chiếc đinh đóng chắc chắn cũng sẽ làm bể dây thần kinh giữa điều khiển vận động và cảm giác khá lớn ở đấy (Hình 4) (2,7,11). Dây thần kinh bị kích thích này sẽ tạo ra những cơn đau nhói không thể nào tả được ở cả hai cánh tay (7,9). Mặc dù dây thần kinh giữa bị bể sẽ đem lại hậu quả làm tê liệt một phần bàn tay, nhưng chứng co cứng do thiếu máu cục bộ (ischemic contractures) và việc đinh sắt xuyên qua một số gân khác nhau chắc chắn tạo ra những cơn đau như thể bị cua kẹp.
Thông thường nhất, hai bàn chân sẽ bị đóng chặt vào phía trước cây dọc bằng đinh nhọn xuyên qua khoảng trống giữa xương đốt thứ nhất và thứ hai của bàn chân, phía đầu mút khớp xương cổ chân và xương đốt bàn chân (tarsometatarsal joint) (2,5,8,11,30). Có điều chắc là thần kinh xương mác (peroneal) và các nhánh của các thần kinh giữa và bên cạnh gan bàn chân sẽ bị đinh sắt gây thương tích (Hình 5). Dù việc đánh đòn có thể đã làm mất rất nhiều máu, nhưng việc đóng đinh tự nó là một thủ tục tương đối không đổ máu vì không có động mạch lớn nào chạy qua khu bị đinh thâu qua, có lẽ, ngoại trừ cung động mạch gan bàn chân (2,10,11).
Hậu quả sinh lý bệnh học (pathophysiologic) chính của việc đóng đinh, ngoài sự đau đớn kinh hồn ra, còn là sự can thiệp lớn lao vào việc hô hấp bình thường nhất là lúc thở ra (Hình 6). Sức nặng của cơ thể, trì xuống hai cánh tay giang ra và đôi vai, có khuynh hướng cố định hóa các bắp thịt ở giữa các xương sườn (intercostal) trong tình trạng hít vào và do đó, cản trở việc thụ động thở ra (2,10,11). Thành thử, việc thở ra chủ yếu nhờ màng ngăn (diaphragmatic) và hơi thở rất ngắn. Rất có thể hình thức hô hấp này sẽ không đủ, chẳng mấy chốc sẽ đưa đến tình trạng tăng thán huyết (hypercarbia). Việc xuất hiện các chứng chuột rút hoặc các chứng co cứng cơ kiểu uốn ván (tetanic contractions), do mệt mỏi và tăng thán huyết, càng cản trở việc hô hấp hơn nữa (11).
Việc thở ra muốn thích đáng đòi phải nâng cơ thể lên bằng cách lấy chân đẩy, gập khủyu tay lại và giạng vai ra (Hình 6) (2). Tuy nhiên, thao tác này sẽ đặt toàn bộ sức nặng của cơ thể lên các xương cổ chân và việc này sẽ gây ra sự đau đớn xé ruột xé gan (7). Hơn nữa, việc uốn cánh tay sẽ làm cổ tay bị chuyển quanh đinh sắt và gây ra đau đớn khủng khiếp dọc các thần kinh giữa bị tổn thương (7). Nâng cơ thể lên cũng làm cho chiếc lưng bị đánh đòn chạm một cách đau đớn vào cây ngang bằng gỗ sần sùi (2,7). Các cơn chuột rút và dị cảm (paresthesias) ở hai cánh tay giang ra và nâng lên càng làm cho nạn nhân khó chịu hơn (7). Kết quả, mỗi cố gắng để thở đều gây khốn khổ và mệt mỏi và cuối cùng dẫn đến ngạt thở (2,3,7,10).
Nguyên nhân thực sự gây ra cái chết trong cuộc đóng đinh thì do nhiều nhân tố và thay đổi tùy theo mỗi vụ, nhưng hai nguyên nhân nổi bật có lẽ là cơn sốc giảm thể tích máu và kiệt lực vì ngạt thở (2,3,7,10). Các nhân tố góp phần khác có thể có là sự mất nước (7,16), loạn nhịp tim do quá bị căng thẳng gây ra (3) và suy tim sung huyết với việc kết tụ mau chóng các tràn dịch ngoại tâm mạc và có lẽ cả tràn dịch màng phổi (pericardial and pleural effusions) nữa (2,7,11). Việc đánh giập ống chân bên dưới đầu gối, nếu tiến hành, sẽ dẫn đến cái chết vì nghẹt thở trong vòng vài phút (11). Nói theo tiếng Anh, cái chết do đóng đinh quả là “excruciating” (cực kỳ đau đớn) (tiếng Latinh, Excruciatus có nghĩa là (đau như) “từ trên thập giá”).
Việc đóng đinh Chúa Giêsu
Sau khi cuộc đánh đòn và chế giễu, vào khoảng 9 giờ sáng, binh lính Rôma mặc áo lại cho Chúa Giêsu, rồi điệu Người và hai tên ăn trộm đi đóng đinh (1). Chúa Giêsu rõ ràng bị đuối sức do trận đòn đau điếng đến nỗi không vác nổi cây ngang từ Dinh Tổng Trấn tới địa điểm đóng đinh chỉ cách nhau từ 600 tới 650 mét (1,3,5,7). Simong thành Xirênê được vời đến vác cây ngang cho Chúa Giêsu và đoàn hộ tống lên đường tới Gôngôta (hay Canvariô), một địa điểm dành cho việc đóng đinh.
Ở đây, áo sống Chúa Giêsu, trừ chiếc khố, một lần nữa được cởi bỏ, do đó lại mở toang các vết thương lúc bị đánh đòn ra. Sau đó, Người được cung cấp rượu pha với mộc dược (mật), nhưng, sau khi nếm nó, Người từ chối uống (1). Sau cùng, Chúa Giêsu và hai tên ăn trộm bị đóng đinh. Dù Thánh Kinh có nhắc đến đinh đóng vào bàn tay (1), điều này không hẳn ngược với chứng cớ khảo cổ cho là đóng vào cổ tay, vì người xưa coi cổ tay là thành phần của bàn tay (7,11). Bảng ghi tên (Hình 3) được gắn lên phía trên đầu Chúa Giêsu. Người ta không rõ Chúa Giêsu bị đóng vào thập giá hình T hay hình thập giá Latinh; các khám phá của khảo cổ thì nghiêng về hình thức đầu (11), còn truyền thống tiên khởi thì cho là hình chữ thập La tinh (38). Sự kiện Chúa Giêsu được cung cấp rượu pha mật đắng trong một miếng bọt biển đặt ở một cành hương thảo (dài khoảng 50cm) mạnh mẽ cho thấy thập giá của Người rất có thể là thập giá Latinh (6).
Các binh lính và đám đông dân sự mắng nhiếc Chúa Giêsu suốt trong diễn trình đóng đinh, riêng các binh lính thì bốc thăm áo sống của Người (1). Chúa Giêsu lên tiếng 7 lần trên thập giá (1). Vì ngôn từ nói ra trong lúc thở ra, nên những câu nói ngắn ngủi, cụt lủn này hẳn rất khó khăn và gây đau đớn. Vào khoảng 3 giờ chiều Thứ Sáu hôm đó, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng, gục đầu xuống và tắt thở (1). Binh lính Rôma và người đứng trông nhìn nhận khoảnh khắc Người qua đời này (1).
Vì người Do Thái không muốn để xác chết trên thập giá sau lúc hoàng hôn, tức lúc bắt đầu ngày Sabát, nên họ yêu cầu Pontius Pilate làm nhanh cái chết của ba người bị đóng đinh (1). Binh lính đánh giập ống chân hai tên ăn trộm, nhưng khi đến chỗ Chúa Giêsu và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người (1). Thay vào đó, một binh lính đã đâm cạnh sườn Người, có lẽ bằng một chiếc gươm lục quân, và khiến chẩy ra một dòng máu và nước (1). Xế chiều ngày đó, xác Chúa Giêsu được lấy xuống khỏi thập giá và được đặt trong một ngôi mộ (1).
Kỳ sau: Cái Chết của Chúa Giêsu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét