Trang

Thứ Hai, 19 tháng 3, 2018

Toà Thánh công bố toàn văn lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò


Toà Thánh công bố toàn văn lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò
Đặng Tự Do
18/Mar/2018


Vụ tai tiếng liên quan đến lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò đã lan rộng thành xì-căng-đan rất kinh hoàng. Báo chí gọi là vụ “LetterGate”. Nhiều tiếng nói nổi lên kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô cách chức Đức Ông Dario Viganò, Vụ trưởng Vụ Truyền Thông Tòa Thánh để Giáo Hội khỏi mang tiếng xấu tung “fake news”, ngụy tạo, và xuyên tạc ý kiến Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16.

Trong bài “Toàn văn lá thư của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 gởi cho Đức Ông Dario Viganò”, chúng tôi đã dịch bản văn do National Catholic Register công bố, ghi lại từ những gì Đức Ông Dario Viganò đọc trong buổi họp báo giới thiệu tuyển tập 11 cuốn sách nói về Thần học của Đức Phanxicô.

Dưới những áp lực rất mạnh, ngày thứ Bẩy 17 tháng Ba, 2018, Vụ Truyền Thông Tòa Thánh đã công bố toàn bộ lá thư này, trong đó có một đoạn rất quan trọng giải thích tại sao Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã từ chối viết lời giới thiệu cuốn sách và tại sao ngài tỏ ra chẳng hứng thú gì trong việc đọc tuyển tập 11 cuốn sách này.

Dưới đây là cập nhật toàn bộ lá thư

Kính gởi Đức Ông Dario Edoardo Viganò

Vụ trưởng, Vụ Truyền thông Tòa Thánh


Vatican, ngày 7 tháng 2 năm 2018

Thưa Đức Ông,

Cảm ơn Đức Ông vì bức thư tử tế của Đức Ông ngày 12 tháng Giêng và món quà kèm theo là mười một tập sách nhỏ do Roberto Repole biên soạn.

Tôi hoan nghênh sáng kiến của Đức Ông muốn phản đối và phản ứng lại với định kiến ngu xuẩn, theo đó Đức Giáo Hoàng Phanxicô chỉ là một người thực tế mà không được đào tạo về thần học hay triết học cụ thể, trong khi tôi chỉ là một nhà lý thuyết thần học với sự hiểu biết rất ít về cuộc sống cụ thể của Kitô hữu ngày nay.

Những quyển sách nhỏ cho thấy Đức Giáo Hoàng Phanxicô là một người được đào tạo sâu về triết học và thần học, và vì vậy chúng giúp cho thấy sự liên tục bên trong giữa hai triều Giáo Hoàng, bất chấp những khác biệt về phong cách và tính khí.

Tuy nhiên, tôi không muốn viết một đoạn văn ngắn và nặng về thần học vì trong suốt cuộc đời, tôi luôn rõ ràng rằng, tôi chỉ viết và bày tỏ ý kiến bản thân mình trên những quyển sách mà tôi đã đọc thật kỹ. Chẳng may, vì những lý do thể chất, tôi không thể đọc 11 tập sách này trong thời gian ngắn sắp tới, đặc biệt là vì còn những công việc khác mà tôi đã hứa thực hiện.

Chỉ là một ý bên lề, tôi muốn lưu ý sự kinh ngạc của tôi trước thực tế là trong số các tác giả cũng có Giáo sư Hünermann, là người mà trong suốt triều đại Giáo Hoàng của tôi đã nổi bật lên với những sáng kiến chống lại Đức Giáo Hoàng. Ông ta đã đóng một vai trò quan trọng trong việc công bố “Kölner Erklärung”, trong đó, phần liên quan đến thông điệp “Veritatis splendor” (Chân lý Huy hoàng), đã tấn công một cách tàn bạo huấn quyền của Đức Giáo Hoàng, đặc biệt là các vấn đề về thần học luân lý. Cũng vậy tổ chức “Europaische Theologengesellschaft”, mà ông ta thành lập, ban đầu đã được ông ta hoài thai như một tổ chức chống lại huấn quyền của giáo hoàng. Sau đó, tình cảm đối với giáo hội của nhiều nhà thần học đã giúp ngăn cản định hướng này, để tổ chức đó trở thành một công cụ gặp gỡ bình thường giữa các nhà thần học.

Tôi chắc chắn Đức Ông sẽ hiểu được sự từ chối của tôi và tôi chào Đức Ông với lời chào trân trọng.

Bênêđíctô XVI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét