Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2018

23-09-2018 : (phần II) CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN năm B


23-09-2018
Chúa Nhật Tuần XXV Mùa Thường Niên Năm B
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật 25 thường niên- năm B
CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN B
(Kn 2,12.17-22; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36)
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỐNG TƯ CÁCH NGƯỜI CÔNG CHÍNH


Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người” (Mc 9,31)
Các bài đọc hôm nay cho thấy cái giá mà người công chính phải trả trước mặt người đời. Điều này không có gì khó hiểu, vì chính Đức Giêsu là Đấng công chính của Thiên Chúa mà cũng phải chịu đau khổ và chết. Vậy dựa vào đâu để người công chính có thể vượt qua những thử thách gian nan đó? Nhìn vào gương các Thánh Tử đạo Việt Nam, câu trả lời là tín thác và tựa nương vào Thiên Chúa và noi gương Đức Giêsu, cũng như nghĩ về hạnh phúc ngàn đời mai hậu mà thôi.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc I (Kn 2,12.17-22):
Tác giả sách Khôn Ngoan cho thấy bốn hành động mà quân gian ác tự xem là đầy “khôn ngoan” khi đối xử với người công chính, đó là:
- Vây bắt người công chính vì những người này không những chẳng làm gì có ích cho họ, mà còn chống đối việc họ làm, khiển trách họ lỗi luật và tố cáo họ vô kỷ luật.
- Xem xét điều người công chính nói có thật hay không, những gì sẽ xảy đến cho những người này và chung cuộc đời sống của họ sẽ ra sao.
- Nhục mạ và làm khổ người công chính để đo sự hiền lành và tính nhẫn nại của họ.
- Kết án người công chính phải chết cách nhục nhã để xem Thiên Chúa có đến cứu họ không.
Qua đó, tác giả sách khôn ngoan giúp độc giả nhận ra được những nét tương phản mang tính đặc thù của người công chính, đó là:
- Không thỏa hiệp với những hành động của kẻ gian ác.
- Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa.
- Nỗ lực rèn luyện các nhân đức.
- Phó thác hoàn toàn cho sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đây là chìa khóa để người công chính vượt qua thử thách gian lao để giữ vững đức tin của mình, như các Thánh Tử Đạo Việt Nam đã làm gương cho chúng ta.
2. Bài đọc II (Gc 3,16-4,3):
Cuộc đời công chính, trong cái nhìn của Thánh Giacôbê, chỉ được ban tặng cho những ai nỗ lực xây dựng hòa bình. Người xây dựng hòa bình đó cũng là một đối tượng được chúc phúc trong Tám Mối Phúc Thật mà Đức Giêsu đã công bố (Mt 5,9), và hòa bình cũng chính là hoa trái tất yếu của Đức khôn ngoan Chúa ban cho con người, được biểu hiện rõ nét qua những đặc tính: “thanh khiết, hiếu hòa, khoan dung, mềm dẻo, đầy từ bi và sinh nhiều hoa thơm trái tốt, không thiên vị cũng chẳng giả hình”.
Khi người ta không còn sống công chính và thiếu vắng hòa bình thì điều gì sẽ xảy ra? Thánh Giacôbê minh định rõ: sự hỗn độn, mọi tệ đoan, mọi xung đột là hậu quả tất yếu của cuộc nổi loạn vì những nhu cầu của khoái lạc đã không được đáp ứng. Từ đó thánh nhân đã chỉ ra lý do tại sao những lời cầu của chúng ta đã không được đoái nhận: là vì đó là những gì xuất phát từ tà ý, với ước mong hưởng lạc thú ở đời này.
3. Bài Tin Mừng (Mc 9,29-36):
Trước đây, khi sắp tiến vào Giêrusalem, ông Phêrô đã tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô”. Dù tuyên xưng như vậy, nhưng lúc này các môn đệ chưa hiểu đúng về vai trò của Đấng Kitô, vì các ông vẫn mang nếp nghĩ và nhãn quan xã hội: Đức Giêsu sẽ trở thành Đấng Kitô được xức dầu làm vua huy hoàng ở Giêrusalem, nên các ông cản lối, không cho Người đi trên con đường khổ giá. Cản lối bởi vì nếu Thầy đi trên con đường này, chắc chắn các ông sẽ bị liên lụy và thiệt thòi. Trong bối cảnh như thế, Đức Giêsu đã loan báo cuộc thương khó và phục sinh lần thứ I (x. Mc 8,27-35). Qua đó, Đức Giêsu cho biết Người là Tôi Trung, là người đến để phục vụ, nghĩa là hy sinh mạng sống mình để cho người khác được sống dồi dào.
Để mặc khải cho họ cách tiệm tiến về điều này, Đức Giêsu loan báo lại lần thứ II, như được thuật lại trong bài Tin Mừng hôm nay, về cuộc thương khó và phục sinh mà Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại.” Lần loan báo này giúp các môn đệ biết đến thân phận của người công chính. Những nỗ lực trong việc rao giảng Tin Mừng, làm phép lạ, trừ quỷ của Đức Giêsu đã không được mọi người đón nhận, thậm chí bị kết án. Lý do là Đức Giêsu đến để thi hành Thánh ý Chúa Cha (Mc 14,46), không đến để làm theo ý của loài người. Giáo huấn và việc làm của Đức Giêsu đã đụng chạm đến nhiều người, nhất là giới lãnh đạo Do thái, nên đã nhiều lần họ tìm cách giết hại Đức Giêsu. Vì thế, cái chết mà Đức Giêsu sẽ phải chịu tại Giêrusalem là hậu quả tất yếu cho thân phận của người công chính như lời Thánh Vịnh 53,5 trong bài đáp ca: “Phường kiêu ngạo nổi lên chống đối, bọn hung tàn tìm hại mạng sống con, chúng không kể gì đến Thiên Chúa”.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi tham dự mầu nhiệm Thập Giá của Đức Giêsu. Mầu nhiệm này xem ra nghịch lý theo quan niệm của người đời. Tuy nhiên, nếu chúng ta tin vào và bước theo Đức Giêsu thì cuối con đường khổ nạn và chết là phục sinh khi vượt qua.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Phường vô đạo lên tiếng nói: Ta gài bẫy hại tên công chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta,…”. Đời nào cũng thế, luôn có sự tương phản giữa lối sống của kẻ gian ác và người công chính. Nhiều khi sự tương phản ấy dường như lại nghiêng về phía những kẻ gian ác. Điều ấy sẽ khiến cho người công chính bị thiệt thòi, mất mát, thậm chí phải trả giá đến mức hy sinh bản thân để trung tín với tư cách người công chính của mình. Trong bối cảnh của một xã hội vàng thau lẫn lộn, những giá trị phi đạo đức lại được nhiều người đồng tình và rập khuôn vào lối sống hằng ngày của mình, thì lời mời gọi sống thân phận người công chính liệu có còn trở nên hấp dẫn đối với chúng ta?
2. “Anh em không có, là vì anh em không xin; anh em xin mà không được, là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí trong việc hưởng lạc.” Lời thánh Giacôbê là một lý giải rõ nét nguyên nhân của sự nghèo nàn, của những lời cầu đã không được nhận lời nơi đời sống của mỗi người Kitô hữu, thiếu tinh thần kiến tạo hòa bình và mang tà ý. Phải chăng một lời cầu xin hữu hiệu khi có một ý hướng ngay lành, để kiến tạo một cuộc sống hòa bình hạnh phúc cho bản thân và cho mọi người?
3. “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Đức Giêsu đã vui lòng chịu khổ nạn và chết như một cái giá phải trả cho việc sống đúng tư cách của một người công chính. Chúng ta đã tin Đức Giêsu là Đấng Kitô - Đấng sẽ đem lại cho chúng ta ơn cứu độ và vinh quang muôn đời, thì chúng ta cũng cần sẵn sàng tiến bước trên nẻo đường Giêsu đã đi, đó là con đường Thập Giá. Tuy nhiên, chúng ta có tin rằng đích đến của con đường đầy gian lao đó không phải là đau khổ và sự chết, mà là cuộc sống vĩnh cửu và hạnh phúc muôn đời cho bản thân và cũng góp phần đem lại ơn cứu độ cho tha nhân, như các Thánh Tử đạo Việt Nam đã xác tín để giữ vững đức tin trong thử thách?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tếAnh chị em thân mến! Do ý định yêu thương của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đến thế gian không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và chịu chết trên thập giá hầu đem lại ơn cứu độ cho nhân loại. Chúng ta hãy thành tâm cảm tạ Chúa và tha thiết cầu xin.
1. “Ai muốn làm lớn, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, hàng giám mục và các linh mục trong Hội Thánh, luôn là những tôi tớ tận tâm với sứ mạng phục vụ phần rỗi của mọi người.
2. “Đức Kitô sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho con người trong thế giới hiện đại đang chối bỏ Thiên Chúa để tôn thờ ngẫu tượng vật chất, biết quan tâm tìm kiếm những giá trị thiêng liêng và cuộc sống vĩnh cửu.
3. “Ai đón tiếp một trong những em nhỏ vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các trẻ em và những người nghèo khổ bất hạnh trên khắp thế giới, luôn nhận được sự tôn trọng và cảm thông chia sẻ của mọi thành phần kitô hữu.
4. “Anh em xin mà không nhận được, là vì anh em xin không đúng.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho các gia đình và mọi người trong cộng đoàn chúng ta, biết ưu tiên tìm kiếm và thực thi những điều đẹp ý Chúa, hầu luôn được Người che chở và chúc lành.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, Chúa mời gọi chúng con theo gương Con Chúa mà yêu thương phục vụ lẫn nhau. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban Thánh Thần giúp chúng con luôn sống xứng đáng là môn đệ đích thực của Đức Kitô. Người hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.


SCĐ CHÚA NHỰT XXV TN.B
Chủ đề :
Người công chính bị bách hại

“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời. Họ sẽ giết chết Người”
(Mc 9,31)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc I (Kn 2,12.17-20) : Phường vô đạo âm mưu hãm hại người công chính.
– Tin Mừng (Mc 9,29-36) : Lần thứ hai Đức Giêsu loan báo người sẽ chịu nạn chịu chết.
Dẫn vào Thánh  lễ
Anh chị em thân mến
Trong một thế giới còn nhiều sự dữ và nhiều người xấu, người sống công chính có thể chịu nhiều thiệt thòi vì bị người khác dèm pha, đố kỵ, hãm hại… Tuy nhiên, những khổ đau mà người công chính phải chịu lại sinh nhiều ơn ích cho chính những kẻ làm hại mình.
Kitô hữu chúng ta được kêu mời noi gương Đức Giêsu sống công chính như thế đó. Tuy nhiên, nếu không được Chúa giúp sức thì chúng ta khó mà sống được như thế.
Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy xin Chúa giúp chúng ta can đảm sống theo gương Ngài.
Gợi ý sám hối
– Nhiều lần chúng ta ganh ghét đố kỵ với những người tốt hơn chúng ta.
– Nhiều lần vì sợ dư luận dèm pha, chúng ta không dám sống tốt như lý tưởng kitô giáo đòi hỏi.
– Nhiều lần vì muốn yên thân, chúng ta không can đảm bênh vực những người vì làm tốt mà bị ganh ghét.
III. Lời Chúa
Bài đọc I (Kn 2,12.17-20)
Những lý do khiến phường vô đạo bách hại người công chính : (1) Người công chính chống lại những việc làm xấu xa của phường vô đạo ; (2) Cách sống tốt của người công chính làm lộ rõ cách sống xấu xa của chúng ; (3) Phường vô đạo bách hại người công chính để thử xem Thiên Chúa có bênh vực người công chính hay không.
Đáp ca (Tv 53)
Mặc dù bị phường vô đạo chống đối và tìm hại mạng sống, nhưng người công chính vẫn trông cậy vào Chúa và kêu xin Chúa cứu giúp mình.
Tin Mừng (Mc 9,29-36)
Chính Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ biết Ngài là ai : Ngài là Đấng Messia đến cứu thoát loài người, nhưng cứu thoát qua con đường chịu nạn, chịu chết và sống lại.
Do đã quen với quan niệm về một Đấng Messia vinh quang hiển hách, các môn đệ không hiểu gì cả. Nhưng không dám hỏi lại Đức Giêsu. Và cũng vì đã quen với quan niệm thế tục ấy nên dọc đường các ông tranh luận xem ai sẽ là người lớn nhất trong Nước Trời mà Đức Giêsu thành lập.
Đức Giêsu sửa dạy các ông : trong Nước Trời, đừng ai để ý tới địa vị lớn hoặc nhỏ. Điều thứ nhất phải để ý là phục vụ : càng có chức vụ cao thì càng phải phục vụ nhiều (để nhấn mạnh ý tưởng phục vụ, Đức Giêsu dùng hình ảnh người đầy tớ). Điều thứ hai phải để ý nữa là có thái độ tiếp đón mọi người không phân biệt gì cả, dù là một người hèn hạ, vô ích thì người môn đệ Chúa cũng phải tiếp đón (để nhấn mạnh ý tưởng tiếp đón, Đức Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ, tức là một con người không mang lại lợi ích gì cho kẻ tiếp đón nó, mà còn mang tới phiền muộn).
Bài đọc II (Gc 3,16–4,3) (Chủ đề phụ)
Thánh Giacôbê thuyết phục tín hữu từ bỏ thói xấu ganh tị tranh chấp : (1) Ở đâu có ganh tị tranh chấp thì ở đó có xáo trộn và đủ thứ xấu xa ; (2) Người xây dựng hòa bình sẽ thu hoạch hoa trái là sự công chính ; (3) Xung đột và chiến tranh bắt nguồn từ những ham muốn bất chính của con người.
Gợi ý giảng
* 1. Người công chính bị bách hại
Elia Wiesel, một nhà văn do thái từng đoạt giải Nobel, kể câu chuyện sau đây :
Hồi đó ông đã bị quốc xã Đức bắt giam trong trại tập trung Auschwitz. Đây là một trại giam nổi tiếng là tàn bạo. Thỉnh thoảng bọn cai ngục bắt một số người đưa vào phòng hơi ngạt cho họ bị chết một cái chết rất khủng khiếp. Một hôm, có một đám trẻ do thái được chọn để hôm sau được đưa vào phòng hơi ngạt ấy. Nhìn thấy đám trẻ ngày mai phải chết, Elia Wiesel động lòng thương nên xin bọn cai tù cho phép ông được ở chung với bọn trẻ ấy một đêm. Thật là ngạc nhiên, bọn cai tù đồng ý ngay. Đêm đó Elia Wiesel kể cho đám trẻ hết chuyện này đến chuyện khác, mong làm chúng được vui. Nhưng kết quả trái ngược hẳn, ông không làm chúng vui được mà chỉ làm cho chúng khóc, và chính ông cũng phải khóc theo. Sáng hôm sau, ông buồn bã tiễn chân đám trẻ vào phòng hơi ngạt rồi trở về phòng giam của mình, mặt mày tiu nghỉu. Bọn cai tù thấy thế thì cười ngặt nghẽo. Thật là vô tình và cũng thật tàn nhẫn.
Câu chuyện trên chứa đựng những ý tưởng chính của Lời Chúa hôm nay. Qua chuyện ấy, chúng ta thấy sự trơ tráo của những kẻ làm điều ác, người vô tội bị bách hại và chiến thắng của sự dữ (bài đọc I) ; chúng ta cũng thấy một tấm gương phục vụ những người bé mọn mà Đức Giêsu đề cao trong bài Tin Mừng.
Trong hoàn cảnh càng tối tăm bi thảm thì hành động phục vụ những kẻ bé mọn càng chói sáng rực rỡ. Trong trại tù Auschwitz, tất cả những gì tốt lành và tử tế đều bị chà đạp, còn những gì là ích kỷ, tự tư tự lợi thì lại được coi là khôn ngoan. Lòng thương xót thì hiếm hoi như một cánh hoa giữa mùa đông giá lạnh.
Elia Wiesel đã vươn lên trên tất cả. Ông dám mạo hiểm cuộc sống để kết bạn với những đứa trẻ sắp bị xử tử. Thực ra ông chẳng có câu trả lời nào để giải đáp cho các em, cũng chẳng làm gì được để cứu các em. Tất cả những gì ông làm được chỉ là cùng sống với các em trong những giờ cuối cùng của cuộc sống, để các em không cô đơn trong đau khổ. Phần nào đó ông là hình ảnh của Đức Kitô.
Đức Kitô là một người công chính. Tuy nhiên Ngài cũng phải chịu khổ : suốt đời Ngài đã bị kẻ thù săn đuổi. Sở dĩ Ngài bị như thế là vì Ngài quá tốt lành, tốt quá nên những kẻ gian ác không chịu nổi. Sự tốt lành của Ngài vạch trần sự gian ác của họ, Ngài càng tốt lành thì sự gian ác của họ càng lộ rõ.
Đức Kitô đã chiến thắng, chiến thắng không phải bằng cách đè bẹp sự gian ác hay trốn tránh sự gian ác, mà bằng cách đối diện với nó và vượt qua nó. Ngài ban can đảm và hy vọng cho tất cả những ai hy sinh bản thân cho tha nhân vì sự công chính. (Viết theo Flor McCarthy)
2.                  Bàn về cao vọng
Có cao vọng không phải là gì sai trái cả. Thực vậy, sống thì phải biết đặt mục tiêu cho đời mình, làm việc thì phải muốn thành công. Tuy nhiên cao vọng có thể vượt quá tầm kiểm soát của mình, khiến mình quên hết tất cả mọi sự khác để chỉ còn biết đeo đuổi điều mình ước vọng.
Bởi đó, chúng ta phải cẩn thận để ý xem những gì mình hy sinh khi theo đuổi cao vọng. Chúng ta có thể hy sinh cuộc sống gia đình, sự công bình, sự khả ái và thậm chí cả cuộc sống của mình nữa. Cao vọng có thể khiến người ta đối xử với người khác một cách bất công và tàn nhẫn. Thế nhưng, dù được lời lãi cả thế gian mà phải đánh mất chính mình thì nào có ích gì ?
Trong bài Tin Mừng hôm nay, các môn đệ tranh cãi nhau xem ai là người lớn nhất. Chuyện này chẳng tốt đẹp gì. Nó chứng tỏ các ông chưa học được bao nhiêu từ những giáo huấn của Đức Giêsu. Nó cho thấy các ông chả hiểu gì về sứ mạng Đức Giêsu. Bởi đó, Đức Giêsu gọi họ lại và dạy cho họ biết ý nghĩa của việc làm lớn.
Đức Giêsu không huỷ bỏ cao vọng, nhưng Ngài định nghĩa nó lại cho đúng. Thay vì cao vọng thống trị người khác, Ngài dạy họ phục vụ người khác. Thay vì cao vọng muốn người khác hầu hạ mình, Ngài dạy họ biết hầu hạ người khác. Như thế điều Ngài lên án không phải là cao vọng mà là cao vọng sai.
Cao vọng sai làm hại cho sự hiệp nhất của cộng đoàn, nó biến thành ích kỷ và ganh ghét, và nó có thể sinh ra đủ thứ thái độ xấu xa đối với nhau.
3.                  Nghề nghiệp và địa vị
Khi Nelson Mandela còn là một sinh viên trường Luật ở Johannesburg, ông có một người bạn tên là Paul Mahabane, một thành viên của Hội nghị quốc gia Châu Phi và là một người có tiếng tăm. Một hôm, hai người đang đứng ngoài cổng Bưu điện thì gặp một công chức da trắng khoảng 60 tuổi. Ông này bảo Mahabane vào mua cho ông vài con tem. Thời đó việc một người da trắng sai bảo một người da đen làm một việc gì đó cho mình chẳng có gì lạ. Nhưng Paul Mahabane từ chối. Viên công chức rất giận, ông hỏi :
– Mày có biết tao là ai không ?
Paul bình tĩnh trả lời :
– Tôi không cần biết ông là ai. Tôi chỉ biết ông là  thôi.
Ông công chức da trắng hét lên : “Mày sẽ phải trả giá về việc này đó”. Rồi ông bỏ đi.
Người da trắng này nghĩ rằng phẩm giá của ông cao hơn Paul Mahabane chỉ vì ông là một công chức; và vì là công chức nên ông có quyền sai khiến kẻ khác, nhất là người da đen.
Chúng ta cũng có khuynh hướng đánh giá người khác theo địa vị và nghề nghiệp. Gặp một bác sĩ thì chúng ta kính trọng, còn gặp một người công nhân thì chúng ta coi thường. Nhưng như thế là vừa bất công vừa ngớ ngẩn, bởi vì cái làm nên một con người không phải là địa vị và nghề nghiệp mà chính là con người của người đó. (Viết theo Flor McCarthy)
4.                  Bài học bất ngờ về giá trị con người
Nếu muốn hiểu đoạn Tin Mừng này rõ hơn, chúng ta cần xác định thời điểm của nó : Khi ấy, Đức Giêsu đã rao giảng được khoảng 3 năm., sắp tới lúc Ngài kết thúc sự nghiệp của mình ở trần gian, một kiểu kết thúc mà không ai có thể ngờ được, nghĩa là kết thúc bằng cái chết đớn đau tủi nhục trên Thập Giá. Chính vì đoán trước rằng không ai có thể ngờ được việc đó cho nên Đức Giêsu phải nói trước cho các môn đệ mình hay, để khi sự việc xảy ra thì họ sẽ không quá ngỡ ngàng và hoang mang. Những lời báo trước về cuộc khổ nạn mà chúng ta vừa nghe trong đoạn Tin Mừng này là lần loan báo thứ 3 rồi đó. Dù vậy, các môn đệ vẫn không hiểu. Họ cũng đoán là Đức Giêsu sắp kết thúc hoạt động rao giảng, nhưng kết thúc một cách huy hoàng bằng cách chiếm lấy quyền bính và lên ngôi vua. Chính vì nghĩ như vậy nên họ bắt đầu tranh dành nhau xem trong cái chính phủ mà Đức Giêsu sắp lập ấy, ai trong nhóm họ sẽ được giữ địa vị nào.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Đức Giêsu dạy cho các môn đệ mình một bài học, bài học thật bất ngờ : Chúa nói : “Ai muốn làm lớn thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”.
Bài học này rất bất ngờ. Bởi vì nó không giống quan niệm của người ta vẫn nghĩ từ xưa tới nay. Theo quan niệm cũ ấy thì ai là người lớn ? Thưa là người ở địa vị cao, người được những kẻ khác hầu hạ. Còn ai là người nhỏ ? Thưa là người ở địa vị thấp, người phải hầu hạ kẻ khác. Thí dụ như khi chúng ta thấy một chiếc xe du lịch, trong số có hai người ngồi : một người ăn mặc đàng hoàng sang trọng ngồi ở băng sau, và một người ăn mặc xuề xoà ngồi cầm lái phía trước. Tự nhiên ta biết trong hai người đó, ai lớn, ai nhỏ : người lớn chính là cái ông ăn mặc sang trọng đang ung dung ngồi phía sau, còn người nhỏ là kẻ ăn mặc xuề xoà phải lái xe cho ông kia. Hay khi chúng ta đang ngồi trong một phòng khách : có một người đang ngồi tiếp chuyện với ta, uống nước trà, ăn bánh, hút thuốc, và một người nữa lo bưng bánh, rót nước. Hỏi ai là người lớn ? Dĩ nhiên là người đang ngồi. Còn ai là đầy tớ ? Dĩ nhiên đó là người đang phục vụ.
Nhưng Đức Giêsu thì dạy ngược lại,. Nếu Đức Giêsu cũng chứng kiến những cảnh trên và ta hỏi Chúa : Thưa Chúa, trong chiếc xe du lịch ấy có hai người, ai lớn ai nhỏ ? Đức Giêsu sẽ trả lời ngay : cái ông ngồi phía sau là nhỏ, còn người tài xế là lớn. Nếu ta hỏi tiếp : còn trong phòng khách cũng có hai người, vậy thưa Chúa ai lớn ai nhỏ ? Đức Giêsu cũng trả lời không chần chừ : người đang ngồi là nhỏ, còn người đang phục vụ là lớn.
Tuy nhiên chúng ta đừng hiểu lầm, Đức Giêsu không chủ trương đảo lộn tất cả, biến kẻ ở địa vị cao thành người nhỏ và cho kẻ ở địa vị thấp thành người lớn đâu. Tiêu chuẩn Chúa đưa ra để đánh giá một người, ấy là sự phục vụ. Như thế ai biết phục vụ thì là người lớn. Còn kẻ không phục vụ thì là người nhỏ. Người ở địa vị cao mà biết phục vụ thì vẫn là người lớn, còn kẻ ở địa vị thấp mà không phục vụ thì cũng vẫn là người nhỏ.
Nghĩa là : giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
Để minh hoạ cho bài học này, sau đó Đức Giêsu đưa ra hình ảnh một em bé. Hình ảnh của một em bé đối với bất cứ người nào nhìn, cũng thấy là dễ thương. Cho nên khi thấy một em bé, ai cũng muốn bồng ẵm, muốn ôm hôn, muốn cho nó ăn bánh, ăn kẹo. Tại sao người ta thương em bé và muốn cho nó đủ thứ như vậy ? Có phải tại nó giỏi giang, tại nó giúp cho người ta được việc này việc nọ không ? Thưa hoàn toàn không, đứa bé còn quá nhỏ, chưa biết là gì, chưa giúp ích được gì. Nhưng người ta thương nói chỉ vì người ta thương nó, thế thôi. Một tình thương hoàn toàn vô vụ lợi. Người ta cho nó cái này cái nọ, cũng không phải để trả ơn nó hay để mong nó làm gì giúp mình. Cũng chỉ vì thương mà phục vụ thôi. Chúa dùng hình ảnh em bé để minh hoạ cho bài học phục vụ trên kia : chúng ta cũng phải cư xử với mọi người theo kiểu chúng ta cư xử với một em bé : hết lòng yêu thương phục vụ một cách hoàn toàn vô vụ lợi. Người nào biết phục vụ kẻ khác như thế thì là phục vụ Chúa, và mới xứng đáng làm môn đệ Chúa.
Chúng ta hãy nhớ bài học của Chúa : giá trị con người không tuỳ vào địa vị của người đó, mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
– Trong một gia đình, ai là người lớn nhất ? Có phải là người cha, người chồng không ? Bề ngoài là như vậy. Nhưng đối với Chúa thì chưa chắc. Người cha ấy, người chồng ấy nếu chỉ biết có ra lệnh bảo người này người nọ làm mọi việc, nếu chỉ biết ngồi đó mà chê món ăn này dỡ, cái bàn này lau chưa sạch, nhà cửa này lộn xộn lung tung ; nếu chỉ biết ăn no rồi đi chơi, chỉ biết có nhậu nhẹt và để mặc vợ con làm tất cả, thì đó chính là kẻ nhỏ nhất trong nhà, nhỏ hơn cả vợ mình, nhỏ hơn cả con mình. Bởi vì người chồng người cha ấy là một người vô ích.
– Trong một khu xóm cũng vậy, trong một cơ quan cũng vậy, trong một họ đạo cũng vậy. Nếu xét theo tiêu chuẩn của Chúa, thì kẻ lớn nhất không hẳn là người có địa vị cao nhất, không hẳn đó là ông trưởng xóm, không hẳn đó là ông giám đốc, không hẳn đó là ông Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Xứ. Mà rất có thể kẻ được Chúa xét là lớn lại chính là một người mà ít ai để ý tới, người đó không có chức có quyền nào, người đó âm thầm ít nói, nói ít mà làm nhiều ; luôn luôn chu toàn nhiệm vụ mình, luôn tìm cách giúp ích cho người khác.
– Thí dụ như Linh mục Jean Marie Vianney. Cha là một người vừa kém thông minh và vừa có tư cách cục mịch như một người nhà quê. Sau nhiều năm học ở Chủng viện, Vianney thi không đủ điểm nên đáng lẽ bị loại. Nhưng người ta chỉ thương tình mà cho đậu vớt và được phong chức Linh mục. Vì thấy Cha quá kém cỏi. Đức Giám Mục đưa Cha đi làm Cha sở một họ đạo nhỏ xíu ở miền quê mà giáo dân đã bỏ đạo gần hết, đó là họ Ars. Thế nhưng Cha Vianney đã tận dụng tất cả các khả năng và sức lực Chúa ban để hết lòng phục vụ họ đạo. Mỗi ngày Cha chỉ nghỉ ngơi 3,4 tiếng đồng hồ. Nhưng ngồi toà giải tội thì liên miên, có khi tới 16 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Cha không có giờ nấu cơm, nên chỉ nấu một nồi khoai lớn để ăn dần cho suốt một tuần lễ. Dần dần cả họ Ars trở lại, thành một họ đạo sốt sống gương mẫu. Giáo dân từ các họ khác cũng đến đó để dự lễ, để nghe giảng, để xưng tội. Có cả các tu sĩ, các Linh mục, Giám mục từ khắp nơi đến để nhờ Cha giúp đỡ về mặt linh hồn. Sau này người viết tiểu sử của Cha đã nhận định : Nếu cả Giáo Hội Nước Pháp mà có được chỉ một vài Linh mục như Cha Vianney thôi thì cả nước Pháp đã nên Thánh,. Đó mới là người lớn thật mặc dù chỉ là một Linh mục học kém, một Cha sở nhà quê, bởi vì sức phục vụ của Cha thật là lớn.
Bài học của CG hôm nay thật là dễ hiểu, nhưng lại khó thực hành.
Ai muốn làm lớn thì phải hạ mình phục vụ mọi người như một kẻ đầy tớ.
Giá trị của một con người không phải do địa vị của người đó, mà là do khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó.
Xin Chúa ban thêm cho chúng ta sự khiêm nhường và sự siêng năng, để chúng ta có thể thực hành bài học phục vụ mà Chúa dạy chúng ta hôm nay.

5.                  Tính ganh ghét
Trong lúc Đức Giêsu gần tới giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc đời là sắp bị bắt và chịu chết để chuộc tội loài người, thì các tông đồ lại còn ganh ghét nhau, tranh dành địa vị với nhau xem ai lớn ai nhỏ trong nước mà họ tưởng Chúa sẽ thành lập. Như thế đủ biết cái tính ganh ghét có thể xâm nhập vào bất cứ ai (kể cả các tông đồ), và bất cứ hoàn cảnh nào (kể cả lúc Đức Giêsu sắp chịu chết). Cho nên ganh ghét được coi là một trong 7 mối tội đầu, mối thứ 3.
Trong bài Thánh Thư hôm nay, Thánh Giacôbê cũng bàn về tính ganh ghét này. Ngài nói “Ở đâu có ganh ghét và cải vả thì ở đó có hỗn độn và đủ thứ tệ đoan”. Thánh Giacôbê là một người thực tế, nhận xét này của Ngài cũng rất thực tế. Thật vậy chỗ nào có ganh ghét thì chỗ đó phát sinh đủ thứ tệ đoan :
a/ Gia đình chẳng hạn : lẽ ra đó phải là một tổ ấm hạnh phúc mà mọi người sống trong đó yêu thương, nâng đỡ, nhường nhịn, ủi an nhau. Nhưng nếu chẳng may trong gia đình có một người ganh ghét, thí dụ như một người chị ganh với một đứa em vì nó đẹp hơn, thông minh hơn, được mọi người thương mến hơn…thì trong nhà có những háy nguýt, phân bì, nói bóng nói gió, cải vả nhau, thậm chí xô xát nhau nữa… Gia đình hết là tổ ấm mà trở thành gần như hoả ngục.
b/ Ở sở làm cũng thế, nhất là những chỗ có nhiều đàn bà con gái. Nhiều chị em đã phải vất vả tốn công tốn của để tìm cho được một chỗ làm. Bắt đầu đi làm thì vui vẻ hăng hái lạc quan. Nhưng làm một thời gian rồi thì đụng phải sự ganh ghét của chị em đồng nghiệp, và khởi sự chán nản, buồn bả, bi quan, chỉ muốn thôi việc đi tìm chỗ khác.
c/ Ngay trong những nơi đạo đức như các dòng tu cũng thế. Lẽ ra chốn tu trì phải là nơi sốt sắng thánh thiện. Các Tu sĩ thương yêu nhau và giúp nhau nên thánh. Khi một người đi tu, họ tự nguyện từ bỏ mái ấm gia đình và chọn tu viện là gia đình mới, chọn các tu sĩ sống chung trong nhà là những người anh chị em mới. Lẽ ra họ sẽ được hưởng một thứ hạnh phúc siêu nhiên bù đắp cho thứ hạnh phúc tự nhiên mà họ đã tự nguyện từ bỏ. Nhưng nếu trong cộng đoàn có một vài người ganh ghét, thì chân tu viện trở thành ngột ngạt, đời sống cộng đoàn trở thành gánh nặng.
Quả thực thánh Giacôbê tông đồ đã nói rất đúng “Ở đâu có ganh ghét thì ở đó có đủ thứ tệ đoan”. Ta hãy phân tích thêm câu nói này. Ganh ghét đưa đến những tai hại như thế nào ?
1/ Trước hết là hại cho chính bản thân người ganh ghét :
. Người ganh ghét tự nung nấu ruột gan mình bằng ngọn lửa khó chịu âm ỉ mãi. Thấy người ta dở, người ta xấu, người ta làm sai làm quấy thì mình khó chịu đã đành ; mà thấy người ta hay, người ta tốt, người ta thành công mình cũng khó chịu. Thành ra khi người ta vui thì mình buồn, người ta sung sướng thì mình đau khổ, người ta càng vui sướng chừng nào thì mình càng buồn khổ chừng nấy.
. Hại hơn nữa là người ganh ghét tự làm giảm giá trị và tư cách của mình nữa. Ganh ghét với ai là tự đặt mình vào thế tranh đua với người đó. Mà trong cuộc tranh đua này, nếu mình cảm thấy khó chịu, bực tức khổ sở trước thành công của người khác, thì đó là dấu mình đã thua kém. Thua kém mà còn khó chịu bực tức thì cho thấy tư cách của mình cũng thấp kém nữa.
2/ Tai hại thứ 2 của tính ganh ghét là gây cho nạn nhân bị mình ganh ghét. Vì ganh ghét mà mình làm cho người ta buồn người ta khổ một cách hết sức bất công. Chứ nếu công bình mà xét thì người ta đều có gì để đáng phải buồn khổ như vậy. Chỉ vì người ta hay, người ta tốt, người ta giỏi mà người ta phải khổ. Lẽ ra người ta phải được khen thưởng, phải được mừng vui thì vì ganh ghét mà mình làm cho người ta khổ sở. Người bị ganh ghét như thế lâm vào một hoàn cảnh thật khó xử : một đàng là công việc phải làm, đã làm thì phải làm cho tốt, cho hay – mà càng tốt càng hay thì càng bị mỉa mai dằn vật. Biết xử thế nào bây giờ ! Thật là khó. Thôi chỉ còn nước cứ tiếp tục làm và cắn răng, nuốt nước mắt mà chịu đựng những lời mỉa mai của kẻ ganh ghét.
3/ Sau cùng tính ganh ghét còn làm hại cho tập thể nữa. Người ganh ghét như một con sâu, một con vi trùng độc hại, âm thầm mà hiểm độc phá hoại tập thể, làm cho tập thể mất đoàn kết, mất bình an, mất hăng hái. Cho nên thật là tai hại cho tập thể nào có một vài người ganh ghét ; và cũng thật là xui xẻo cho ai lỡ thuộc về tập thể có vài kẻ ganh ghét như thế.
Những tai hại vừa kể dẫu không nói ra thì ai cũng có thể nhận thấy. Nhưng có một điều khó nhận thấy là ít ai nhận thấy mình mang tính ganh ghét. Ai cũng có thể bị tính ganh ghét xâm nhập, nhưng ít ai biết mình đang có tính xấu ấy. Chị em có thể ganh ghét nhau mà không hay ; bạn bè có thể ganh ghét nhau mà không biết ; những người đồng lý tưởng có thể ganh ghét nhau làm hại nhau mà không ngờ. Các con của ông Giacóp ganh ghét đến nỗi bán em là Giuse mà vẫn thản nhiên ; các tông đồ ganh ghét tranh dành địa vị với nhau đang lúc Đức Giêsu sắp bị bắt bị giết mà vẫn không thấy là kỳ. Chúng ta cũng có thể đang ganh ghét với người đồng nghiệp của mình, với người hàng xóm của mình, với chính anh chị em bạn bè của mình mà vẫn không hay. Vì thế chúng ta phải hết sức khiêm nhường mỗi khi xét mình, kiểm điểm dời sống. Dấu hiệu rõ ràng nhất cho biết mình đang có tính ganh ghét là khi mình thấy người khác thành công, mình chẳng những không vui mừng với người ta mà còn bực bội khó chịu với họ, hay thấy người ta thất bại thì mình lại vui sướng.
Xin Chúa giúp chúng ta biết khiêm nhường nhìn đúng khả năng và giới hạn của mình. Và xin Chúa giúp chúng ta biết cố gắng vui với thành công của người khác, buồn với thất bại của người khác, và đoàn kết với nhau, giúp nhau càng ngày càng hay hơn, tốt hơn.
6.                  Người lớn nhất
Một linh mục kể lại câu chuyện đầy kịch tính sau đây :
Tại một vùng hoang dã, những tay giang hồ tứ chiếng tập trung trong một khu trại. Một phụ nữ duy nhất sống giữa đám đàn ông sa đọa. Ban ngày cuốc xới bới tìm, đêm về là rượu chè bài bạc. Người phụ nữ đã gian díu với một tay quái nào đó và đang mang thai. Ngày sinh con, chị suy nhược không chịu nổi phút thử thách đã chết trên giường sinh.
Biến cố này bắt những tay giang hồ phải suy nghĩ một cái gì khác hơn là chuyện tranh chấp vàng bạc, rượu chè. Thơ nhi được đặt nằm trên tấm ván cạnh xác người mẹ. Bên dưới người ta đặt một cái nón ngửa để nhận quà tặng. Chiếc nón đầy đồng hồ, dây chuyền, nhẫn cưới, đồng vàng. Tất cả quà tặng dùng để chôn xác người mẹ xấu số và nuôi đứa bé thơ dại. Một ông già tình nguyện lo cho cháu nhỏ.
Người ta vô cùng bỡ ngỡ là ngày góp mặt đứa bé trong trại, cuộc sống đám quái đã đổi hẳn. Họ bỏ đánh bạc đêm để cho em bé ngủ yên, dừng lại những câu tục tĩu khi ở trước mặt bé, những nụ hôn thắm thiết như mưa trên nét mặt vô tội.
Một hôm vỡ đê, nước cuồn cuộn tràn lều. Nhảy khỏi giường, ai cũng đến tìm bé. Không ngờ bé và cụ già bố nuôi đã bị cuốn trôi lúc nửa đêm. Hai tay bé vẫn níu chặt cổ bố. Ngày đào hố chôn hai xác thiên thần cũng là ngày những người trong trại giang hồ chôn hết quá khứ. Họ vẫy tay, từ giã nhau mỗi người về một nẻo. Có phải chính nét thơ ngây thiên thần kia làm cho khách giang hồ trực cảm được một ý nghĩa cao đẹp trong cuộc đời trôi nổi phi lý đó ? Có phải chính ánh mắt, nụ cười, nét đẹp thiên thần đã khơi một hương sống mới lạc quan và tươi vui hơn.
*
Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính mình Thầy” (Mc.9,37).
“Trẻ nhỏ” ở đây được xem là những người không quan trọng, không đáng kể, không cần lưu ý ; những người nghèo hèn, tàn tật, bị bỏ rơi. Đức Giêsu muốn đồng hòa với những con người bất hạnh ấy, để khi đón tiếp họ, chúng ta hoàn toàn vô vị lợi, vì không mong chờ sự đáp trả của những kẻ khốn khổ ấy. Đó chính là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn gởi tới chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay.
Người còn khẳng định : “Ai muốn làm lớn nhất hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”(Mc.9,35). Với tinh thần phục vụ vô vị lợi, chúng ta thực sự lớn lên trước mặt Thiên Chúa và anh em. “Người lớn nhất” là người phục vụ nhiều nhất, hăng say nhất. “Người lớn nhất” là người làm trước nhất và nghỉ sau cùng.
Đó là một cuộc cách mạng về quan điểm “Người lớn nhất” nơi Đức Giêsu. “Người lớn nhất” theo kiểu của Đức Giêsu không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng đôi tay để phục vụ. “Người lớn nhất” không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng con tim để yêu thương. Thế giới ngày nay rất cần những người đứng đầu theo kiểu mẫu ấy : khiêm tốn, phục vụ, và yêu thương. Bourdaloue có nói : “Đặt mình trên kẻ khác chính là tự buộc mình làm việc và phục vụ họ”. Nhà truyền giáo Albert Schweitzer nói : “Người hạnh phúc nhất trong anh em là người đã tìm thấy con đường hiến thân phục vụ”.
*
Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng là người đứng đầu trong một tập thể nhỏ bé nào đó, xin cho chúng con biết dùng quyền hạn của mình để phục vụ những người Chúa giao phó cho chúng con. Nhất là xin cho chúng con luôn thao thức, làm cho họ ngày càng được an vui và hạnh phúc hơn. Amen. (Thiên Phúc, “Như Thầy đã yêu”)
7.                  Tiếp đón em nhỏ
 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy”.
Tôi thán phục giáo huấn của Đức Giêsu về cách làm lớn, một giáo huấn rất ngược đời nên rất đặc biệt : “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ”. Nghĩa là làm lớn không phải để sai khiến người ta phục vụ mình, trái lại phải phục vụ người ta.
Nhưng tôi càng thán phục hơn vì Đức Giêsu đã không nói phục vụ suông, Ngài còn chỉ rõ phải ưu tiên phục vụ những kẻ nhỏ nhất.
Gia đình bên cạnh nhà tôi có một người cha được con cái thương mến còn hơn thương mẹ chúng, bởi vì người cha này tự dành lấy trách nhiệm chăm sóc các con : chính tay ông tắm rửa cho các con ; chính ông dỗ ngủ các con ; ông bồng bế con nhiều hơn mẹ chúng. Ông là người lớn nhất trong nhà nên phục vụ nhiều nhất. Ông còn đặc biệt ở điểm này nữa là quan tâm chăm sóc đứa con nhỏ nhất hơn các đứa khác. Bởi vậy khi có thêm một đứa em chào đời, thì đứa anh hay chị gần nó nhất tự biết “thân phận” của mình, nhường cho em nhỏ được hưởng những chăm sóc ưu tiên của ba.
Tóm lại, bài học phục vụ đã hay, mà bài học ưu tiên phục vụ kẻ nhỏ nhất còn hay hơn.
Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã dạy : “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”, và chính Người đã thực hành điều Người dạy, là chịu tử hình thập giá để mọi người được cứu độ. Chúng ta hãy cảm tạ Chúa và dâng những lời nguyện sau đây :
  1. Xin cho mọi giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân trong Hội thánh / biết loại bỏ mọi hình thức thống trị và chuyên chế / để trở thành người phục vụ theo gương Chúa Kitô.
  2. Xin cho những người đang làm lớn trong xã hội / đừng lợi dụng chức quyền để tìm hiểu giàu sang danh vọng / nhưng biết quan tâm trước hết đến việc phục vụ đồng bào mình.
  3. Xin cho những người nghèo đói, thất nghiệp, tị nạn, không nhà không cửa, bị xã hội bỏ rơi / được gặp những người biết quan tâm an ủi và giúp đỡ thật tình.
  4. Xin cho mọi người trong họ đạo chúng ta biết chú ý đến những người gặp khó khăn thử thách / người ở trong họ đạo cũng như mọi người mình có thể gặp / để cùng nhau tìm cách phục vụ họ.
Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa đã làm gương và dạy chúng con phục vụ cho nhau, khi Chúa rửa chân cho các môn đệ, và nhất là khi Chúa hy sinh mạng sống chuộc tội chúng con ; xin giúp chúng con luôn sẵn sàng phục vụ mọi người như Chúa đã dạy. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.
Trong Thánh lễ
– Sau kinh Lạy Cha : “Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin giải thoát chúng con khỏi những tính xấu ganh ghét, đố kỵ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…”
VII. Giải tán
Sống công chính theo gương Đức Giêsu thật là khó. Nhưng đó là sứ mạng của người môn đệ Chúa. Với sự trợ giúp tích cực của Chúa, chúng ta hãy cố gắng sống công chính, cho dù có thể gặp những khó khăn, thiệt thòi.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Lectio Divina: Chúa Nhật XXV Thường Niên (B)
Chủ Nhật 23 Tháng Chín, 2018
Người lớn nhất trong Nước Trời
Mc 9:30-41


1.  Lời nguyện mở đầu 
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Văn bản Tin Mừng cho phụng vụ của Chúa Nhật tuần này giới thiệu cho chúng ta với lời tiên báo thứ hai về Cuộc Thương Khó, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Nhưng trong lời tiên báo lần thứ nhất (Mc 8:31-33), các môn đệ đã khiếp sợ và vượt qua bởi sự sợ hãi.  Các ông không hiểu gì về thập giá, bởi vì các ông không có khả năng hiểu biết cũng như chấp nhận việc một Đấng Cứu Thế làm người để trở thành tôi tớ cho anh em mình.  Các ông vẫn viễn mơ về một Đấng Cứu Thế vinh quang (Mt 16:21-22).  Có một sự khác biệt lớn giữa các môn đệ.  Trong khi Chúa Giêsu công bố Cuộc Thương Khó và cái Chết của Người, thì các ông lại tranh luận ai sẽ là người lớn nhất trong bọn họ (Mc 9:34).  Chúa Giêsu muốn phục vụ, các ông chỉ nghĩ đến cai trị!  Tham vọng đã khiến cho các ông muốn chiếm một vị trí bên cạnh Chúa Giêsu.  Điều gì nổi bật trong cuộc sống của tôi:  nỗ lực ganh đua và khát vọng cai trị hay là mong muốn phục vụ và khuyến khích tha nhân?
Phản ứng của Chúa Giêsu về những yêu cầu của các môn đệ giúp chúng ta hiểu được một chút liên quan đến phương pháp sư phạm tình huynh đệ được Chúa dùng để đào tạo các môn đệ.  Nó cho chúng ta thấy bằng cách nào Người đã giúp các ông vượt qua “men của người Biệt Phái và nhóm Hêrôđê” (Mc 8:15).  Loại men như thế có gốc rễ sâu.  Nó mọc đi mọc lại mãi!  Nhưng Chúa Giêsu không chịu thua!  Người liên tục chiến đấu chống lại và chỉ trích những cái sai của “men”.  Ngày nay cũng thế, chúng ta có loại men của tư tưởng thống trị: sự truyền bá của hệ thống tân tự do, kỹ nghệ thương mại, tiêu thụ, tiểu thuyết, trò chơi, tất cả đều ảnh hưởng sâu xa đến đường lối tư duy và hành động của chúng ta.  Chúng ta ngày nay cũng có loại men tư tưởng thống trị.  Giống như các môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta cũng không luôn luôn có khả năng duy trì được thái độ quyết định đối với việc xâm lấn của loại men này.  Quan điểm của Chúa Giêsu như huấn luyện viên tiếp tục trợ giúp chúng ta.

b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Mc 9:30-32:  Công bố về cuộc Thương Khó
Mc 9:33-37:  Cuộc tranh luận về ai là kẻ lớn nhất
Mc 9:38-40:   Vì danh Đức Giêsu
Mc 9:41:  Phần thưởng cho một ly nước

c) Tin Mừng:
30 Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. 31 Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”.32 Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
33 Các ngài tới Caphárnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” 34 Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất. 35 Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. 36 Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: 37 “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
38 Ông Gioan nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” 39 Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. 40 Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta. 41“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Lời nào trong văn bản này làm bạn hài lòng nhất hay tạo sự chú ý cho bạn nhất?
b)  Các môn đệ có thái độ nào trong mỗi đoạn Tin Mừng:  các câu 30-32; 33-37; 38-40?  Thái độ trong ba đoạn Tin Mừng này có giống nhau không?
c)  Lời giáo huấn của Chúa Giêsu trong mỗi đoạn là gì?
d)  Câu nói “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” mang ý nghĩa gì đối với chúng ta ngày nay?

5.  Chìa khóa dẫn đến bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bình luận


Mc 9:30-32:  Công bố về Thập Giá.
Chúa Giêsu đang đi ngang qua miền Galilêa, nhưng Người không muốn dân chúng biết điều này, bởi vì Người đang bận lo đào tạo các môn đệ.  Chúa nói với các ông về “Con Người” phải bị bắt nộp.  Chúa Giêsu rút tỉa giáo huấn của Người từ những lời tiên tri.  Trong việc đào tạo các môn đệ, Chúa dùng Kinh Thánh.  Các môn đệ lắng nghe, nhưng các ông không hiểu.  Thế mà các ông đã không được nghe những lời giải thích.  Có lẽ các ông sợ để lộ ra việc kém hiểu biết của mình!

Mc 9:33-34:  Cuộc ganh đua cân não.
Khi các ông về đến nhà.  Chúa Giêsu hỏi:  Dọc đường các con tranh luận gì thế?  Các ông không trả lời.  Đó là sự im lặng của những kẻ cảm thấy tội lỗi, bởi vì các ông đã tranh luận xem ai là người lớn nhất trong bọn.  “Men” của sự cạnh tranh và thanh thế, là đặc điểm của xã hội dưới Đế Chế La Mã, đã thâm nhập vào trong cộng đoàn nhỏ bé vẫn còn trong thời kỳ phôi thai!  Ở đây chúng ta thấy có sự tương phản!  Trong khi Chúa Giêsu đang suy nghĩ về việc làm Đấng Cứu Thế Tôi Tớ, thì các ông lại lo nghĩ xem ai là người lớn nhất trong bọn họ.  Chúa Giêsu cố hạ mình xuống trong khi các ông lại cố nâng mình lên!

Mc 9:35-37:   Để phục vụ chứ không để cai trị.
Câu trả lời của Chúa Giêsu là một bản tóm lược về sự chứng tá Người đã đưa ra ngay từ thuở ban đầu:  Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người!  Và người sau cùng chẳng được lợi ích gì.  Anh ta là người đày tớ vô dụng (xem Lc 17:10).  Việc xử dụng quyền lực không phải để thăng tiến hay cai trị, mà là để hạ mình xuống và phục vụ.  Đây là điểm mà Chúa Giêsu nhấn mạnh nhiều nhất và đó là căn bản cho sự chứng tá của Người (xem Mc 10:45; Mt 20:28; Ga 13:1-16).
Chúa Giêsu đem một em bé.  Những người chỉ nghĩ đến việc nâng mình lên và cai trị thì không dành thì giờ cho những kẻ bé mọn, cho các trẻ nhỏ.  Nhưng Chúa Giêsu đảo ngược tất cả mọi thứ!  Người nói:  Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy.  Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy!  Chúa ví mình với các trẻ nhỏ.  Ai đón tiếp những kẻ bé mọn vì danh Đức Giêsu là đón tiếp chính Thiên Chúa!

Mc 9:38-40:  Não trạng bị giới hạn.
Có người không thuộc về cộng đoàn mà nhân danh Đức Giêsu để trừ quỷ.  Môn đệ Gioan thấy vậy và đã ngăn cản anh ta:  Bởi vì người ấy không phải là người của chúng ta nên chúng ta cố gắng ngăn cản kẻ ấy.  Gioan nhân danh cộng đoàn ngăn cản một hành động tốt đẹp.  Ông nghĩ rằng mình sở hữu Chúa Giêsu và muốn ngăn chặn những kẻ khác không được nhân danh Chúa Giêsu để làm việc nghĩa.  Đây là trường hợp não trạng cổ hủ và hẹp hòi của “Dân Riêng, Dân Được Chọn!”  Chúa Giêsu đáp lại:  Đừng ngăn cản người ta!  Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta! (Mc 9:40).  Điều quan trọng đối với Chúa Giêsu không phải là người ấy có thuộc về cộng đoàn hay không, mà là người ấy có làm những việc tốt lành mà cộng đoàn cần phải làm hay không.
Mc 9:41:  Phần thưởng cho một ly nước.
Ở đây chúng ta có một câu được đưa vào dùng bởi Chúa Giêsu:  Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.  Chúng ta hãy xem xét hai tư tưởng:  1) Nếu bất cứ ai cho anh em một chén nước:  Chúa Giêsu đang trên đường đi về Giêrusalem để hy sinh mạng sống mình.  Cử chỉ của món quà to lớn!  Nhưng Người không xem thường những cử chỉ nhỏ nhặt của những quà tặng trong đời sống hằng ngày:  một ly nước, câu chào đón, một lời nói, rất nhiều cử chỉ khác.  Ngay cả những cử chỉ nhỏ nhặt nhất cũng được cảm kích.  2) Vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô:  Chúa Giêsu tự nhận mình với chúng ta là những kẻ muốn thuộc về Người.  Điều này có nghĩa là đối với Chúa, chúng ta có giá trị tuyệt vời.
b)  Phần phụ chú để giúp cho hiểu rõ văn bản hơn

  • Chúa Giêsu, “Con Người”
Đây là tên gọi được ưa thích của Chúa Giêsu.  Nó xuất hiện khá thường xuyên trong Tin Mừng Máccô (Mc 2:10-28; 8:31-38; 9:9-12,31; 10:33-45; 13:26; 14:21,41,62).  Danh hiệu này xuất phát từ Cựu Ước.  Trong sách tiên tri Êdêkien, Người đại diện cho tình trạng phàm nhân của tiên tri (Êd 3:1,10,17; 4:1; v.v.).  Trong sách tiên tri Đanien, cùng một danh hiệu xuất hiện trong một thị kiến về ngày cánh chung (Đn 7:1-28), nơi mà tiên tri Đanien mô tả các đế quốc Babylon, Mêđian, Ba Tư và Hy Lạp,  Trong thị kiến của tiên tri, bốn đế chế này xuất hiện như “các quái vật” (xem Đn 7:3-8).  Chúng là những đế chế dã thú, tàn bạo, vô nhân đạo, bắt bớ và tiêu diệt (Đn 7:21-25).  Trong thị kiến của tiên tri, sau khi hai chế độ vô nhân đạo cai trị thì Vương Quốc Nước Trời xuất hiện không trong dạng thức một con vật mà là hình ảnh loài người, Con Người.  Đó là vương quốc với sự xuất hiện của người ta, một vương quốc loài người quảng bá sự sống và đầy tình người (Đn 7:13-14).
Trong lời tiên tri Đanien, hình ảnh Con Người đại diện không cho một cá nhân, mà như “Chư Thánh của Đấng Tối Cao” (Đn 7:27, 18).  Đó là dân Thiên Chúa sẽ không để cho mình bị lừa dối hoặc thao túng bởi tư tưởng thống trị của các đế quốc dã thú.  Sứ vụ của Con Người, đó cũng là của dân Thiên Chúa, bao gồm việc nhận thức Vương Quốc Thiên Chúa như một vương quốc loài người.  Một vương quốc không phá hủy cuộc sống, mà là xây dựng nó!  Nó nhân đạo hóa người ta.
Khi Chúa Giêsu tự giới thiệu với các môn đệ mình là Con Người, Người giả định rằng sứ vụ của Người cũng là sứ vụ của toàn thể Dân Chúa.  Như thể Chúa đang nói với các ông và với chúng ta:  “Hãy đi cùng Thầy!  Sứ vụ này không phải chỉ của riêng Thầy, mà là của tất cả chúng ta!  Cùng nhau, chúng ta hãy hoàn thành sứ vụ mà Thiên Chúa đã giao phó cho chúng ta để xây dựng Vương Quốc nhân đạo như ước mong của Người!  Chúng ta hãy làm những gì Chúa đã làm và đã sống trong suốt cuộc đời của Người, hơn hết cả, trong ba năm cuối của cuộc đời của Chúa.  Đức Thánh Cha Leo Cả đã thường nói:  “Chúa Giêsu là con người, rất con người, như chỉ có Thiên Chúa mới có thể làm!”  Càng là con người, càng trở nên thiêng liêng.  Chúng ta càng là “con người” thì chúng ta càng sẽ là “con Thiên Chúa”.  Tất cả những điều gì làm người ta trở nên ít nhân bản hơn thì càng làm cho người ta rời xa Chúa, ngay cả trong đời sống tu trì, ngay cả trong đời sống Cát Minh!  Đây là những gì Chúa Giêsu đã lên án và Người đặt lợi ích của con người lên trên lề luật và ngày Sabbát (Mc 2:27).

  • Đức Giêsu, nhà Huấn Luyện

“Đi theo” là một thuật ngữ thuộc về một phần của hệ thống giáo dục thời bấy giờ.  Nó được dùng để chỉ cho mối quan hệ giữa người môn đệ và vị thầy dạy.  Mối liên hệ Sư Phụ-Đồ Đệ thì khác hơn là mối liên hệ thày giáo-học sinh.  Các học sinh theo dõi bài học của thày giáo về một chủ đề nhất định.  Các môn đệ “đi theo” thầy và sống với thầy mình mọi ngày.
Chính là trong quá trình “sống chung” với Chúa Giêsu trong ba năm này thì các môn đệ đã nhận được sự huấn luyện.  Chương trình huấn luyện trong việc “đi theo Chúa Giêsu” không chỉ là việc truyền thụ một ít chân lý trang trí, mà là việc thông tri về một kinh nghiệm mới với Thiên Chúa và về đời sống tỏa sáng từ Chúa Giêsu cho các môn đệ.  Chính cộng đoàn phát triển chung quanh Chúa Giêsu là sự biểu hiện của kinh nghiệm mới mẻ này.  Việc huấn luyện này đã khiến cho mọi người nhìn thấy những sự việc với một cái nhìn khác, có những thái độ khác.  Nó phát sinh trong các ông một nhận thức mới về sứ vụ và sự tự trọng.  Nó đã khiến các ông đứng về phía những kẻ bị gạt ra ngoài xã hội.  Nó tạo nên “sự hoán cải”, hệ quả của việc chấp nhận Tin Mừng (Mc 1:15).
Đức Giêsu là trục chính, là trung tâm điểm, là mẫu mực, là điểm tham chiếu cho cộng đoàn.  Người chỉ cho con đường để đi theo, Người “là đường, là sự thật, và là sự sống” (Ga 14:6).  Thái độ của Người là bằng chứng và sự trình bày Nước Trời:  Người làm cho tình yêu của Chúa Cha nên rõ ràng; Người là hiện thân của tình yêu Chúa Cha và đã mặc khải về điều ấy (Mc 6:31; Mt 10:30-31; Lc 15:11-32).  Chúa Giêsu là một “người đầy ý nghĩa” đối với các ông, Đấng sẽ lưu lại trong các ông một dấu ấn vĩnh viễn.  Nhiều cử chỉ nhỏ nhặt phản ảnh lời chứng tá này về đời sống mà Chúa Giêsu đã ban cho bởi sự hiện diện của Người trong đời sống của các môn đệ.  Đây là phương cách ban cho của Chúa trong bản tính loài người, kinh nghiệm mà chính Người đã có với Chúa Cha.  Trong phương cách và chia sẻ này, về tương quan với tha nhân, về việc hướng dẫn dân chúng và lắng nghe những ai đến với Người, Chúa Giêsu được nhìn thấy như là:
*  một người của bình an, linh ứng và hòa giải:  “Bình an cho các con!” (Ga 20:19; Mt 10:26-33; Mt 18:22; Ga 20:23; Mt 16:19; Mt 18:18);
*  một người của tự do và giải thoát, đánh thức sự tự do và giải phóng:  “Ngày Sabbát đã được tạo nên cho con người, chứ không phải con người được tạo nên cho ngày Sabbát” (Mc 2:27; 2:18-23);
*  một người của cầu nguyện, chúng ta thấy Người cầu nguyện vào tất cả những khoảnh khắc quan trọng của đời mình và khuyến khích người khác cầu nguyện:  “Lạy Thày, xin dạy cho chúng con cầu nguyện!” (Lc 11:1-4; Lc 4:1-13; 6:12-13; Ga 11:41-42; Mt 11:25; Ga 17:1-26; Lc 23:46; Mc 15:34);
*  một người của yêu thương, gợi lên những phản ứng đầy tình yêu thương (Lc 7:37-38; 8:2-3; Ga 21:15-17; Mc 14:3-9; Ga 13:1);
*  một người chào đón, luôn luôn hiện diện trong đời sống các môn đệ và chào đón khi các ông trở về sau khi hoàn thành sứ vụ (Lc 10:7);
*  một người thực tế và quan sát, gợi lên sự chú ý của các môn đệ về các vấn đề của đời sống bằng cách giảng dạy cho các ông qua các dụ ngôn (Lc 8:4-8);
*  một người săn sóc, luôn luôn để ý đến các môn đệ (Ga 21:9), chăm sóc cho sự nghỉ ngơi và muốn ở lại với các ông để họ có thể nghỉ ngơi (Mc 6:31);
*  một người bận tâm với tình huống thậm chí còn quên cả sự mệt mỏi và nghỉ ngơi của mình khi Người trông thấy dân chúng đang tìm kiếm Người (Mt 9:36-38);
*  một người bạn chia sẻ mọi điều, ngay cả những bí mật về Chúa Cha (Ga 15:15);
*  một người hiểu biết, chấp nhận các môn đệ của mình như con người các ông, ngay cả khi các ông bỏ chạy, hay cho dù họ chối bỏ và phản bội, mà Chúa vẫn không hề lìa xa họ (Mc 14:27-28; Ga 6:67);
*  một người tận tụy, bảo vệ các bạn hữu mình khi họ bị chỉ trích bởi những kẻ đối nghịch (Mc 2:18-19; 7:5-13);
*  một người khôn ngoan, biết sự mong manh của loài người, biết điều gì sẽ xảy ra trong lòng người ta, và do đó nhấn mạnh vào việc cảnh giác và dạy cho họ cầu nguyện (Lc 11:1-13; Mt 6:5-15).
Nói tóm lại, Chúa Giêsu cho thấy là một con người thực sự, rất con người, con người đến độ chỉ Thiên Chúa mới có thể biết thế nào là con người!  Con Thiên Chúa.

6.  Thánh Vịnh 30 (29)

Cảm tạ Chúa đã cứu khỏi chết
Lạy CHÚA, con xin tán dương Ngài,
vì đã thương cứu vớt,
không để quân thù đắc chí nhạo cười con.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
con kêu lên cùng Chúa, và Ngài đã cho con bình phục.
Lạy CHÚA, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên,
tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống.
Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng CHÚA,
cảm tạ thánh danh Người.
Người nổi giận, giận trong giây lát,
nhưng yêu thương, thương suốt cả đời.
Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống,
hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.
Thuở được yên vui, có lần tôi tự nhủ:
mình sẽ chẳng bao giờ nao núng!
Lạy CHÚA, vì yêu thương,
Ngài đã đặt con trên núi an toàn.
Nhưng khi Ngài vừa ẩn mặt đi,
con liền thấy bàng hoàng sợ hãi.
Lạy CHÚA, con đã kêu lên Ngài,
năn nỉ với Ngài là Chúa của con.
Chúa được lợi gì khi con phải chết,
được ích chi nếu con phải xuống mồ?
Nắm tro tàn làm sao ca tụng Chúa
và tuyên dương lòng thành tín của Ngài.
Lạy CHÚA, xin lắng nghe và xót thương con,
lạy CHÚA, xin phù trì nâng đỡ.
Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng.
Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.
Lạy CHÚA là Thiên Chúa con thờ,
xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu..

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét