30/09/2018
Chúa Nhật tuần 26 Thường Niên năm B
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Ds 11, 25-29
“Ngươi phân bì giùm ta làm chi?
Ước gì toàn dân được nói tiên tri”.
Trích sách Dân Số.
Trong những ngày ấy,
Chúa ngự xuống trong đám mây, và phán cùng Môsê, đồng thời lấy thần trí trong
Môsê mà phân phát cho bảy mươi vị bô lão. Khi Thần Trí ngự trên các ông, các
ông liền nói tiên tri, và về sau các ông không mất ơn ấy.
Vậy có hai vị ở lại
trong lều trại, một người tên là El-đad, và người kia tên là Mê-đad. Thần Trí
đã ngự trên hai ông: vì hai ông được ghi tên vào sổ, nhưng không đến ở trong
nhà xếp. Khi hai ông nói tiên tri trong lều trại, thì có đứa trẻ chạy đến báo
tin cho ông Môsê rằng: “El-đad và Mê-đad đang nói tiên tri trong lều trại”. Tức
thì Giosuê, con ông Nun, tuỳ tùng của ông Môsê, và là kẻ được chọn trong số
đông người, liền thưa rằng: “Hỡi ông Môsê, xin hãy cấm chỉ các ông ấy đi”. Ông
Môsê đáp lại rằng: “Ngươi phân bì giùm ta làm chi? Chớ gì toàn dân được nói
tiên tri và Chúa ban Thần Trí Người cho họ”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 18, 8. 10.
12-13. 14
Đáp: Giới răn Chúa
chính trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Xướng: 1) Luật pháp
Chúa toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. – Đáp.
2) Lòng tôn sợ Chúa
thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thật, công minh hết thảy.
– Đáp.
3) Dù tôi tớ Chúa quan
tâm về những điều luật đó, lại hết sức ân cần tuân giữ, nhưng có nhiều chuyện lầm
lỗi, nào ai hay? Xin rửa con sạch những lỗi lầm không nhận thấy. – Đáp.
4) Cũng xin ngăn ngừa
tôi tớ Chúa khỏi tính kiêu căng, đừng để tính đó làm chủ trong mình con. Lúc đó
con sẽ được tinh toàn và thanh khiết, khỏi điều tội lỗi lớn lao. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gc 5, 1-6
“Của cải các ngươi bị mục nát”.
Trích thư của Thánh
Giacôbê Tông đồ.
Này đây, hỡi những
người giàu có, các ngươi hãy than khóc kêu la, vì các tai hoạ sắp giáng xuống
trên các ngươi. Của cải các ngươi bị mục nát, áo quần các ngươi đã bị mối mọt gặm.
Vàng bạc của các ngươi đã bị ten sét, và ten sét sẽ là bằng chứng tố cáo các
ngươi, và sẽ ăn thịt các ngươi như lửa đốt. Các ngươi đã tích trữ cho các ngươi
cơn thịnh nộ trong ngày sau hết. Này tiền công thợ gặt ruộng cho các ngươi mà
các ngươi đã gian lận, tiền đó đang kêu gào và tiếng kêu gào của người thợ gặt
đã lọt thấu đến tai Chúa các đạo binh. Các ngươi đã ăn uống say sưa ở đời này,
lòng các ngươi đã tận hưởng khoái lạc trong ngày sát hại. Các ngươi đã lên án
và giết chết người công chính, vì họ đã không kháng cự lại các ngươi. Đó là lời
Chúa.
ALLELUIA: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia!
– Chúa phán: ” Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết
nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết”. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 9, 37-42.
44. 46-47
“Ai chẳng chống đối các con, là
ủng hộ các con. Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Gioan thưa
cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con thấy có kẻ nhân danh Thầy mà trừ quỷ,
kẻ đó không theo chúng ta, và chúng con đã ngăn cấm y”. Nhưng Chúa Giêsu phán:
“Đừng ngăn cấm y, vì chẳng ai có thể nhân danh Thầy mà làm phép lạ, rồi liền đó
lại nói xấu Thầy. Ai chẳng chống đối các con, là ủng hộ các con. Ai nhân danh
Thầy mà cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật
các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm
cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ
người ấy mà xô xuống biển thì hơn.
“Nếu tay con nên dịp tội
cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn
là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con
làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi
sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm
dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa,
còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó
không hề chết và lửa không hề tắt”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm: Phải Cố Gắng
Các bài Thánh Kinh hôm
nay không quy về một mối. Người ta thấy có nhiều điểm giáo huấn khác nhau.
Nguyên bài Tin Mừng cũng đã nêu ra nhiều điều không liên ý. Tuy nhiên nếu nhìn
vào chỗ giống nhau trong bài Cựu Ước và bài Tin Mừng, chúng ta có thể thấy Lời
Chúa dường như muốn giáo huấn chúng ta về các tương quan đạo đức ở trong xã hội.
Dân Chúa nhiều khi cũng khó: không những nội bộ có khi không được vui vẻ; mà đối
ngoại nhiều lần cũng không rộng rãi. Huấn giáo của Chúa nhật hôm nay vì thế có
tính cách thực hành và gợi lên nhiều điểm khác nhau. Chúng ta lần lượt thông
qua những điều chính yếu.
1. Toàn Dân Thiên Chúa
Có Ðặc Sủng Tiên Tri
Bài sách Dân số cho
chúng ta thấy những khó khăn trong cộng đồng Israel, mà cộng đồng Dân Chúa ngày
nay cũng khó thoát khỏi. Môsê hồi đó mới đưa dân ra khỏi Aicập. Công lao của
ông thật lớn vì giúp dân thoát được cảnh tôi đòi. Mặc dầu Ðất Hứa còn xa, nhưng
kẻ thù cũng đã thoái lui, không nghĩ đến việc đuổi theo dân bị trị ngày trước nữa.
Ðáng lẽ những người này phải nhất trí với người lãnh đạo của mình để vượt thắng
những khó khăn hiện tại, nhưng đáng tiếc là họ chỉ muốn được hạnh phúc tức khắc.
Họ bắt đầu phàn nàn, kêu trách vì cuộc hành trình về Ðất Hứa xem ra còn dài, và
nhất là vì thiếu thốn những thức ăn mỹ vị của những đô thị trù phú. Họ nhớ bánh
nhớ thịt. Họ làm Môsê phải điên đầu vì các yêu sách khẩn trương của họ. Ông nản
chí, đến đập đầu trước mặt Chúa. Ông không thể một mình đảm đang dân khó tính
này nữa. Dưới ông cũng có các bô lão đứng đầu các chi tộc; nhưng họ chẳng biết
làm gì và cũng chẳng giúp được gì, ngoại trừ việc còn làm khổ ông, khi phóng đại
các yêu sách và phàn nàn của dân. Môsê muốn trả gánh nặng lãnh đạo cho Chúa.
Chúa an ủi ông. Không
những hứa sẽ ban thịt và bánh cho dân, Người còn bảo sẽ thêm cho ông những cộng
sự viên đắc lực. Ông hãy chọn lấy 70 người trong hành bô lão để chính Chúa sẽ lấy
một phần thần trí của ông mà san sẻ cho họ; và như vậy họ sẽ chia sẻ trách nhiệm
lãnh đạo với ông.
Lời sách Dân số thật
là ý nghĩa. Nó làm vọng lại một thời đại đã khá văn minh với những quan niệm
chính trị khá độc đáo. Tất cả trong dân Cựu Ước vẫn thuộc thần quyền, tức là lấy
Chúa làm nền tảng. Người trị dân bằng vị tiên tri của Người là Môsê. Nhưng ông
phải có những cộng sự viên là bậc bô lão. Họ phải nhất trí với ông, vì cơ sở
giá trị của họ là phần thần trí của ông mà họ đã nhận được, tức là phần trách
nhiệm và khôn ngoan mà Thiên Chúa đã lấy nơi ông mà san sẻ cho họ.
Những lời tiếp theo
trong sách Dân số lại còn ý nghĩa hơn nữa. Nhận được thần trí của Môsê rồi, các
bậc bô lão kia đều "nói tiên tri" tức là đều xuất thần và nói lên những
lời ca tụng Chúa, giống như các Tông đồ trong buổi lễ Thánh Thần Hiện Xuống. Sự
kiện này có ý khẳng định: các bậc lãnh đạo Dân Chúa đều được đầy Thánh Thần.
Giá trị và uy tín của họ nằm ở chỗ đó. Ngày họ nhậm chức là lúc họ được Thánh
Thần chiếu cố và chiếm hữu. Nhưng lập tức, sách Dân số viết ngay: sự kiện
"nói tiên tri" này không tiếp tục, tức là sau đó các bô lão kia không
"xuất thần" nữa. Cũng như các Tông đồ của đạo mới cũng sẽ không luôn
mãi "say ơn Thánh Thần", để cho dù dân Chúa được lãnh đạo bằng
"thần quyền" những vẫn nhờ các con người và qua các con người.
Yếu tố nhân loại này
không đợi thời gian để bộc lộ. Sách Dân số kể: có hai người trong danh sách Bô
lão được Môsê đề nghị đã không đến dự hội. Nhưng họ vẫn được ơn nói tiên tri tại
lều của họ. Những người khác bất mãn muốn chấm dứt nhiệm vụ củ hai kẻ
"đánh mảnh" này. Nhưng Môsê đã tỏ ra phi thường khi tuyên bố:
"Tôi còn ao ước cho toàn dân được ơn tiên tri là khác".
Và bài sách Dân số hôm
nay đã chấm dứt ở đây để chúng ta còn nhớ khuôn mặt cao cả của Môsê và để lời
ông nói vọng tới các thế hệ như một nguyện ước cần được thực hiện. Chúng ta như
quên những khó khăn trong nội bộ dân Chúa cũng như thái độ nhỏ mọn của hàng bô
lão, để chỉ còn hướng về tương lai, muốn thấy ngày Thần trí của Thiên Chúa chan
hòa đổ xuống trên toàn dân của Người. Ngày đó dĩ nhiên đã đến khi Ðức Yêsu đã
lên trời và ban Thánh Thần xuống cho Hội Thánh. Nhưng dân mới của Chúa được đầy
Thánh Thần có bỏ được những thái độ nhỏ mọn và lướt thắng được những khó khăn
trước mắt không?
2. Dân Chúng Còn Phải
Cố Gắng
Thánh Marcô đã mượn lại
một câu truyện xảy ra khi Ðức Yêsu còn tại thế để Hội Thánh suy nghĩ. Người kể:
hôm ấy Yoan đến thưa Chúa về việc có người không ở trong hàng ngũ môn đệ mà cứ
lấy Danh mà trừ quỷ. Và các môn đệ muốn xin Chúa cấm hẳn người ấy làm như vậy.
Câu truyện có vẻ hơi
giống thời Môsê như sách Dân số đã kể. Nó cũng nói lên tham vọng của một số người
ở trong dân Chúa muốn có những đặc quyền và độc quyền, kể cả quyền trừ quỷ.
Không hiểu sao thánh Marcô lại nêu rõ tên tông đồ Yoan trong câu truyện này. Bản
chất của người tông đồ Chúa yêu đâu có như vậy, ít là như chúng ta nghĩ. Hay là
ở đây tác giả Marcô có ý nói đến người Tông đồ đã sống già nhất và còn sót lại
sau khi mọi vị khác đã qua đời? Và như vậy đã có ngụ ý rằng thái độ muốn độc
quyền này nằm trong hàng ngũ những bậc lãnh đạo dân Chúa?
Ðó là thái độ vô lý.
Vì tại sao lại cấm người ta trừ quỷ? Ðây không phải là nhiệm vụ chung của dân
Chúa sao? Sứ mệnh của Hội Thánh và lý do tồn tại của dân mới, tựu trung chỉ là
dẹp sức mạnh của Satan đi để Nước Chúa được lan rộng. Ai có thể làm được công
việc này, nếu không kết hợp với Ðức Kitô là Ðấng duy nhất đã chiến thắng được
ma quỷ? Và thấy những người như vậy các người có sứ mệnh cứu thế phải nhận ra
ngay họ là đồng nghiệp của mình. Chứ cớ sao lại muốn ngăn cấm họ?
Thánh Marcô muốn chống
lại một thái độ như thế. Người nhắc cho Hội Thánh lời Ðức Yêsu: "Ai không
chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta" để con cái Hội Thánh biết quý chuộng
và cộng tác với mọi người có thiện chí trên mặt đất này cho dù họ không ở trong
hàng ngũ của Hội Thánh và chia sẻ hoàn toàn niềm tin của Hội Thánh. Nếu chúng
ta hiểu được bài học như thế, thì bài Tin Mừng hôm nay cũng đã quý hóa lắm rồi.
Nhưng không phải chỉ có như vậy. Thánh Marcô còn lưu ý chúng ta đừng quên ơn những
người cho chúng ta uống một bát nước vì họ biết chúng ta là người của Chúa...
Và nhất là các tín hữu hãy luôn nhớ vinh dự của mình. Khốn cho những ai làm hư
ơn gọi của một tín hữu! Khốn cho những kẻ để tay hoặc chân hoặc mắt làm dơ nhớp
linh hồn mình. Phải gìn giữ ơn gọi bằng sự tu thân như người ta dùng muối để
xát các vật hy sinh. Nếu muối ra nhạt, tức là nếu lơ là việc hãm mình, con người
tín hữu sẽ không còn là lễ hy sinh nữa. Và sự hy sinh mà bài Tin Mừng muốn nhắn
nhủ hôm nay là sự kềm chế tham vọng độc quyền và đặc quyền để mọi người "sống
an hòa với nhau".
Như vậy, dù thuộc những
thời đại xa nhau và khác nhau, bài sách Dân số và bài Tin Mừng Marcô dường như
cùng nhắm giáo dục chúng ta về thái độ bao dung, cộng tác với mọi người. Nhưng
viễn tượng của hai bài rất khác nhau. Ở thời Môsê rất ít người được "đặc sủng"
và ơn họ nhận được chỉ là một phần thần trí lãnh đạo của ông. Chính ông lại hướng
mắt nhìn về thời toàn thể dân Chúa được tràn đầy Thánh Thần. Theo Marcô, chúng
ta còn phải có viễn tượng rộng hơn nữa. Không những dân Chúa đã được dư đầy
Thánh Thần và ơn của Người thật là mạnh mẽ vì xua trừ được ma quỷ. Chính Danh Ðức
Yêsu đã đem lại sự kiện mới mẻ này. Nhưng đừng giới hạn ảnh hưởng của Người nơi
nguyên các phần tử trong Hội Thánh - huống nữa là chỉ nơi những người lãnh đạo
trong Giáo hội - Thánh Thần đã được đổ xuống chan hòa trong vũ trụ. Chúng ta phải
quý chuộng và cộng tác với mọi tâm hồn thiện chí đang làm việc trong kế hoạch cứu
thế mầu nhiệm của Thiên Chúa. Và đừng ai làm hư hỏng ơn gọi Kitô hữu cao cả của
mình khi không biết hãm dẹp các dục vọng như xát muối vào các vật hy sinh.
Chúng ta cứ suy nghĩ thêm để thấy giáo huấn phụng vụ hôm nay rất phong phú và
thực tế, đang khi bài thư Yacôbê lại đưa chúng ta sang một mặt khác trong đời sống
xã hội.
3. Dân Chúa Phải Coi
Chừng Của Cải
Dân Chúa mạnh mẽ vì có
ơn Thánh Thần phong phú chứ không nhờ sự phong phú về của cải. Hơn nữa, Hội
Thánh phải luôn nhớ lời Ðức Yêsu dạy: khốn cho kẻ giàu có. Hôm nay thánh Yacôbê
nói với "12 chi tộc kiều ngụ tha phương", tức là với những người Kitô
hữu gốc Dothái tản mác ở mọi nơi. Ða số họ biết làm ăn và giàu có. Người bảo họ:
"Khóc đi, rú lên, vì những khốn khó sắp giáng xuống trên các ngươi".
Không phải người nhìn thấy những nguy hiểm cụ thể và vật chất nào sắp ập đến
trên họ. Lời của người lặp lại hoàn toàn lời các tiên tri và phát xuất từ quan
điểm đức tin và đạo đức. Hết mọi tiên tri đều đã cảnh cáo bọn giàu có. Hạng người
này cậy của, không những ít giữ đạo mà còn nhờ thế đàn áp bóc lột người nghèo
khó và phạm những tội tầy đình... Thánh Yacôbê nói rằng: của cải đã làm họ hư hỏng
thối nát, khác nào mối mọt làm hư áo quần và sét rỉ ăn hại đồ đạc. Như vậy,
tích trữ của cải nào có khác gì tích trữ lý hình cho ngày cánh chung.
Ðàng khác muốn tích trữ
của cải, người giàu có phải quịt hay giữ công thợ, khiến tiếng kêu ca của những
người này thấu đến tai Chúa, như tiếng oan ức của Abel ngày xưa khi bị anh là
Cain giết chết. Gợi ý tưởng này lên, thánh Yacôbê dứt khoát coi hạng người giàu
có là kẻ sát nhân. Người nói: "Các ngươi đã sung sướng, hưởng lạc... trong
ngày hạ sát", tức là trên mồ hôi xương máu của người nghèo hay là đang khi
người này đau khổ. Và người tiếp theo: "Các ngươi đã kết án và hạ sát người
công chính" để nói lên quan điểm của người cũng là quan điểm của đức tin,
thường vẫn coi người nghèo khó là thành phần công chính. Và tư tưởng này dẫn đến
kết luận xa hơn, đồng hóa với Ðấng Công Chính là Ðức Yêsu cứu thế, Người đã
sinh ra khó nghèo và bị các kẻ có thế lực bấy giờ bắt bớ� "mà không cưỡng lại".
Bài học của thư Yacôbê
vì thế đã mở sang chân trời mới tích cực hơn. Không những người ta phải coi chừng
của cải; mà hơn nữa còn phải biết nhận ra Ðức Yêsu nơi những người khó nghèo và
phải ăn ở khó nghèo như Người.
Và nếu được phép đúc kết
các bài đọc của Lời Chúa hôm nay, chúng ta có thể nói phụng vụ Chúa nhật này cảnh
cáo mọi người về nguy cơ của quyền và tiền. Người đời cho đó là sức mạnh.
Nhưng đức tin lại bảo: sức mạnh đích thực là Thánh Thần được Thiên Chúa ban cho
Hội Thánh và mọi người.
Giờ đây qua mầu nhiệm bàn thờ, chúng ta được tuôn đổ ơn cao cả đó để
trong đời sống chúng ta không còn hẹp hòi ích kỷ muốn được đặc quyền hay độc
quyền, hoặc tệ hơn còn muốn cậy tiền của kèn cựa với người khác...; nhưng sẽ muốn
cho cả dân Chúa và xã hội loài người được dư dật ơn thiêng và sống trong hạnh
phúc bình an. Có như vậy, chúng ta mới tỏ ra đã lãnh hội được giáo huấn của
Chúa nhật hôm nay.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 26 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Num
11:25-29; Jas 5:1-6; Mk 9:38-43, 45, 47-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải
diệt trừ mọi ghen tị và tham lam.
Tính phe đảng, ghen tị, và tham lam, làm con người dễ quên đi mục đích và khai
trừ những ai không có cùng quan niệm hay không thuộc nhóm của mình. Người tín hữu
phải nhớ điều quan trọng hàng đầu là làm cho Tin Mừng được lan rộng khắp nơi;
còn cách thức làm sao để thực hiện điều này là tùy vào ơn riêng Thiên Chúa ban
cho mỗi người. Cần tránh thái độ chỉ có người của mình hay cách của mình mới
quan trọng. Đừng ghen tị khi người khác được bằng mình hay hơn mình. Vì một người
không thể làm hết, và cũng không có sức để chịu đựng tất cả; do đó, Thiên Chúa
cần nhiều thợ nhiệt thành để làm việc trong vườn nho của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay muốn dạy con người phải diệt trừ tính phe đảng, ghen tị, và
tham lam. Trong Bài Đọc I, ông Moses ước mong ơn Thánh Thần được ban cho mọi
con cái Israel, để họ đừng than phiền, kêu trách Thiên Chúa, và kêu trách ông nữa.
Trong Bài Đọc II, thánh Giacôbê quan niệm của cải trong trời đất là của Thiên
Chúa ban cho mọi người; không ai có quyền vơ vét và tích trữ của cải cho mình đến
nỗi để người khác phải chịu thiệt thòi và túng thiếu. Trong Phúc Âm, khi Gioan
nói với Chúa Giêsu ông ngăn cấm một người đã lấy danh Chúa Giêsu trừ quỉ, vì
người đó không ở trong nhóm môn đệ của Chúa. Ngài trả lời ông: đừng ngăn cản họ
vì “ai không chống đối chúng ta là thuộc về chúng ta.”
KHAI TRIỂN BÀI
ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi và trong mọi người.
1.1/ Thần Khí được ban
cho cả bảy mươi kỳ mục, Eldad và Medad.
(1) Bảy mươi kỳ mục: Tổng số dân chúng khi ra khỏi Ai-cập cả gần triệu người. Họ
tiếp tục đòi hỏi, than phiền, và trách mắng ông Moses về việc thiếu bánh ăn, nước
uống, thịt, rau cải… Ông Moses đã quá mệt mỏi khi nghe những lời than phiền của
dân chúng, nên ông tâm sự với Đức Chúa, ông không thể tiếp tục vác gánh nặng từ
dân nữa. Thiên Chúa hiểu nỗi đau khổ và gánh nặng của Moses; nên Ngài bảo ông
chọn 70 kỳ-mục (những người lớn tuổi trong dân) để họ cùng chia sẻ gánh nặng với
ông (Num 11:17). Trình thuật hôm nay tường thuật: “Đức Chúa ngự xuống giữa đám
mây và nói chuyện với ông Moses. Người lấy một phần Thần Khí đang đậu trên ông
mà đặt trên bảy mươi kỳ mục.”
(2) Endad và Medad: Thánh Thần của Thiên Chúa không chỉ hoạt động trên 70 kỳ-mục;
nhưng bấy giờ có hai người ở lại trong trại, một người tên là Eldad, một người
tên là Medad. Các ông đã được ghi trong danh sách kỳ mục, nhưng đã không đến Lều.
Thánh Thần đậu xuống trên các ông và các ông bắt đầu phát ngôn trong trại.
1.2/ Sự ghen tị của ông
Joshua: Khi thấy những điều này xảy ra, một
người thanh niên chạy đi báo tin cho ông Moses rằng: “Ông Endad và ông Medad
đang phát ngôn trong trại!”
(1) Phản ứng của ông Joshua: Ông Joshua con ông Nun, từng theo hầu ông Moses từ
hồi còn nhỏ, lên tiếng nói với ông Moses: “Thưa thầy, xin thầy ngăn cản họ!”
(2) Phản ứng của ông Moses: Ông Moses hiểu Thánh Thần, cũng giống như Thiên
Chúa, hoạt động và điều khiển mọi người trong mọi nơi, chứ không phải chỉ trên
những người Moses đã chọn; nên ông trả lời ông Joshua: “Anh ghen dùm tôi à? Phải
chi Đức Chúa ban Thánh Thần trên toàn dân của Người để họ đều là ngôn sứ!”
Chúng ta thường có khuynh hướng giới hạn hoạt động của Thiên Chúa hay của Thánh
Thần nơi một số người hay chỉ trong Giáo Hội; nhưng hoạt động của Thiên Chúa
cũng như của Thánh Thần bao trùm cả vũ trụ này. Kinh Thánh nhiều lần chứng minh
quyền lực Thiên Chúa hoạt động trên các vua Dân Ngoại như Ai-cập, Assyria,
Babylon, và Ba-tư… khiến họ phải thi hành thánh ý Ngài; và Thánh Thần hoạt động
trên những người Dân Ngoại chưa chịu Phép Rửa, như gia đình Cornelius, viên sĩ
quan người Rôma (Acts 10).
2/ Bài đọc II: Của cải Thiên Chúa ban trong vũ trụ, phải được chia sẻ cho
mọi người.
2.1/ Kẻ tham lam sẽ phải
đền tội: Một khuynh hướng xấu xa nơi con người
là lòng tham lam vô đáy. Kẻ tham lam muốn thu tích của cải cho mình bằng mọi
cách, mà không cần biết mình sẽ gây đau khổ và thiệt hại cho người khác thế
nào. Thánh Giacôbê đã chứng kiến kẻ giầu bóc lột người nghèo trong cộng đồng của
ngài, nên ngài tuyên cáo họ: ”Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các người hãy than
van rên rỉ về những tai hoạ sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các
ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã
bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các người; nó sẽ như lửa
thiêu huỷ xác thịt các ngươi. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết
này.”
2.2/ Những tội gây ra bởi
lòng tham lam của con người: Kẻ tham lam
không chỉ phạm tội vơ vét của cải; nhưng còn kéo theo nhiều tội khác nữa.
+ Lỗi đức công bằng: ”Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ
đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách
các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh.”
+ Tiêu xài xa hoa vào những việc bất chính: Trong khi người nghèo không có của
ăn, kẻ giàu có phung phí tiền bạc trong những sòng bạc và những cuộc truy hoan.
Thánh Giacôbê trách cứ hành động bất công của họ: ”Trên cõi đất này, các ngươi
đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thoả mãn
trong ngày sát hại.”
+ Giết hại người công chính: Để thỏa mãn lòng tham, kẻ gian ác loại trừ tất cả
những ai dám ngăn cản, phê bình, hay tố cáo lối sống của họ: ”Các ngươi đã kết
án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các ngươi.”
3/ Phúc Âm: Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
3.1/ Cần có tâm hồn rộng
lượng bao dung: Một hôm, ông Gioan nói với Đức
Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con
đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Sở dĩ, môn đệ Gioan nói những
lời này, vì ông muốn đặc quyền trừ quỉ chỉ giới hạn trong thành phần môn
đệ của Chúa Giêsu; vì nếu bất cứ ai cũng làm được, nhóm môn đệ của Chúa Giêsu sẽ
không còn gì đặc biệt nữa.
(1) Cần loại trừ tính phe đảng, độc tài: Đức Giêsu bảo: “Đừng ngăn cản người
ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể
nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.”
Nguyên lý Chúa đưa ra là một người không thể mâu thuẫn với chính mình: hoặc có
hoặc không, chứ không thể chọn cả hai một lượt. Để một người trừ được quỉ, họ
phải có một đức tin vững mạnh nơi Chúa Giêsu và phải nhân danh Ngài mà nói, thì
mới trừ được. Nếu một người không có đức tin, và không nhân danh Chúa, họ không
bao giờ họ có thể trừ được quỉ. Đức tin có được hay mất đi phải có thời gian
lâu dài; chứ không một sớm một chiều mà có hay mất được. Vì thế, khi họ trừ được
quỉ là họ đã có đức tin vào Thiên Chúa, tại sao cần phải ngăn cấm họ.
Hơn nữa, mục đích của Chúa Giêsu khi chọn các môn đệ là để huấn luyện các ông
loan truyền Tin Mừng, chứ không chú trọng đến danh nghĩa và quyền lợi của cá
nhân hay của nhóm. Ngài ban cho các ông quyền trừ quỉ để khơi dậy niềm tin, chứ
không phải là đặc quyền để bảo vệ. Tính phe đảng nhiều khi làm con người không
còn biết chú trọng đến mục đích, nhưng chú trọng đến tiếng tăm, quyền lợi, và dễ
dàng khai trừ người khác.
(2) Con người có tự do để chấp nhận sự thật: Chúng ta cần biết rộng lượng để chấp
nhận tự do của con người. Khi rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu chỉ có thể trình
bày sự thật để thuyết phục con người tin vào Ngài, đồng thời kèm theo những
phép lạ; nhưng nếu họ cứng lòng, Chúa Giêsu không bắt họ phải tin vào Ngài.
Chúng ta cũng thế, chúng ta cũng chỉ có thể trình bày sự thật, hay phân tích
cái lợi và cái hại của việc không sống theo sự thật, rồi để tha nhân có quyết định
muốn theo hay không. Chúng ta không thể bắt người khác làm theo ý mình.
(3) Trên con đường tìm kiếm sự thật, có nhiều cách để dẫn con người đến sự thật
và khơi dậy niềm tin của con người vào Thiên Chúa; chứ không phải chỉ có một
cách. Hãy để Thiên Chúa làm việc trong tha nhân và cho họ có thời gian để nhận
ra sự thật. Cần tránh thái độ võ đoán: chỉ có cách của chúng ta mới làm cho con
người nhận ra sự thật hay mới được cứu độ.
3.2/ Bác ái và gương sáng
là hai cách hiệu quả để rao giảng Tin Mừng.
(1) Phải biết chia cơm sẻ áo cho mọi người: “Ai cho anh em uống một chén nước
vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất
phần thưởng đâu.” Đạo của Chúa Giêsu là đạo bác ái yêu thương. Người môn đệ của
Chúa không thể mến Chúa mà không yêu người. Tiêu chuẩn Chúa dùng để phán xét
người môn đệ là đức bác ái (x/c Mt 25). Nếu ai làm cho tha nhân là làm cho
chính Chúa, người đó sẽ được hưởng cuộc sống đời đời.
(2) Phải làm gương lành cho người khác: “Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn
đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển
còn hơn.” Cùng một tư tưởng như trên: ai không làm cho tha nhân, là không làm
cho chính Chúa. Hậu quả là họ sẽ không được hưởng hạnh phúc với Ngài. Nếu đã
không làm điều tốt cho tha nhân, họ còn ngăn cản tha nhân đến với Chúa bằng
gương xấu họ làm, chắc chắn họ phải sống xa Thiên Chúa.
3.3/ Phải đoạn tuyệt mọi
tội lỗi: Năm câu kế tiếp có vấn đề về văn mạch:
câu 44 và câu 46 được các nhà chú giải coi giống như câu 48: “nơi giòi bọ không
hề chết và lửa không hề tắt.” Năm câu được sắp xếp như sau: “Nếu tay anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là
có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ
cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn
là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã,
thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt
mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.” Có ít
nhất hai cách để hiểu đoạn văn này:
(1) Theo những người theo chủ thuyết Fundamentalism, những người hiểu theo
nghĩa đen, Chúa Giêsu muốn con người phải cắt bỏ các phần thân thể, nếu họ muốn
được vào Nước Trời.
(2) Con người phải nhận ra nguy hiểm của tội: Tội lỗi làm con người có nguy cơ
sa hỏa ngục; vì thế, cần phải tìm mọi cách để diệt trừ tội lỗi. Nếu hiểu theo
nghĩa đen như trên, con người chắc chẳng còn gì để cắt hay loại bỏ nữa, vì con
người vẫn thường xuyên phạm tội. Chúa Giêsu muốn con người nhận ra nguy hiểm của
tội, vì tội có thể làm con người sa hỏa ngục, và không đạt được cuộc sống đời đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thánh Thần của Thiên Chúa hoạt động ở mọi nơi và trong mọi người. Chúng ta đừng
bao giờ giới hạn hoạt động của Thánh Thần nơi mình, nơi một cộng đoàn, hay chỉ
trong Hội Thánh mà thôi.
– Mục tiêu quan trọng của cuộc đời là làm sao cho Nước Chúa trị đến, và ý Chúa
được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Để được như thế, chúng ta cần sự cộng
tác của tất cả mọi người.
– Của cải trong vũ trụ là của Thiên Chúa ban cho mọi người. Chúng ta đừng tham
lam thu tích của cải để tích trữ cho mình; trong khi bao anh chị em phải đói
khát.
– Chúng ta có bổn phận làm gương sáng cho mọi người bằng cuộc sống nhân đức.
Chúng ta cũng phải cố gắng để tránh mọi tội và đừng tạo gương mù làm lung lạc đức
tin của tha nhân.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
30/09/18 – CHÚA NHẬT TUẦN 26 TN – B
Mc 9,38-43.45.47-48
BAO DUNG THAY CHO LOẠI TRỪ
Đức Giê-su bảo: “Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng
hộ chúng ta.” (Mc 9,40)
Suy niệm: Gio-an đòi loại trừ những người “không thuộc nhóm chúng ta” mà lại dám
nhân danh Thầy Giê-su để trừ quỉ. Chúa Giê-su bác bỏ quan điểm đó và dạy các
môn đệ phải có cái nhìn bao dung: Sứ mạng tại thế của Chúa Giê-su là xây dựng
Nước Thiên Chúa. Khác với nước thế gian có ranh giới, có lãnh thổ, Nước Thiên
Chúa không bị giới hạn bởi đất đai, màu da, hay chủng tộc, nhưng được loan báo
cho mọi người thành tâm thiện chí, những người đứng về phía sự thật (Ga 19,37).
Vì thế, chỉ có sự dữ là kẻ thù phải loại trừ, còn mọi người đều được đón nhận
vào Nước Thiên Chúa với điều kiện họ đứng về phía sự thật.
Mời Bạn: Tiếp nối sứ mạng của Chúa Giê-su, sứ mạng của Giáo Hội là làm cho Nước
Thiên Chúa được loan báo đến cho mọi người. Trong một thế giới đa nguyên về ý
thức hệ, văn hóa và tôn giáo, việc sống tinh thần bao dung của Chúa Ki-tô là rất
quan trọng. Thay vì loại trừ người khác chỉ vì họ không thuộc về nhóm của mình,
chúng ta được mời gọi để nhận ra trong thế giới đầy dẫy khác biệt này vẫn có
đông đảo những người đứng về phía sự thật, họ là những người ủng hộ Chúa Ki-tô
bởi vì họ không chống lại Ngài.
Chia sẻ: Chúng ta đang có thái độ, cách cư xử thiếu khoan dung nào
khiến cho Tin Mừng Chúa Ki-tô không đến được với anh em lương dân?
Sống Lời Chúa: Làm một việc phục vụ với ý cầu nguyện cho công cuộc rao
giảng Tin Mừng.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy
con biết đón nhận những dị biệt của anh em và để nhờ đó hạt giống Tin Mừng được
gieo vãi và nảy nở trong tâm hồn họ.
(5 Phút Lời Chúa)
Làm cớ sa ngã (30.9.2018
– Chúa nhật 26 Thường niên, Năm B)
Suy Niệm
Chúng ta sống trong một thế giới có nhiều gương xấu.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn.”
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.
Gương xấu lan nhanh nhờ các phương tiện truyền thông,
tạo nên một bầu khí ô nhiễm thấm vào buồng phổi.
Ngay trong Hội Thánh cũng có kẻ gây gương xấu,
khiến cho đức tin một số người gặp khủng hoảng.
Ðức Giêsu tỏ thái độ không khoan nhượng đối với kẻ này:
“… thà buộc cối đá lớn vào cổ nó
mà ném xuống biển còn hơn.”
Có thể chúng ta đã ít nhiều gây gương xấu.
Cha mẹ làm ăn bất chính khiến con cái mất niềm tin.
Nhà tu hành mê say vật chất khiến tín hữu thất vọng.
Những phe phái chia rẽ khiến giới trẻ nghi ngờ tình yêu.
Có biết bao duyên cớ đẩy đưa một người sa ngã.
Nhiều khi chúng ta, vì vô tình hay thiếu khôn ngoan,
không biết hạn chế tự do của mình,
nên đã làm tổn thương lương tâm của những người yếu đuối.
Tôi có thể gây dịp tội khiến anh em tôi sa ngã,
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!).
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.
Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.
nhưng chính thân xác tôi lại có thể là dịp tội cho tôi.
Ðức Giêsu đòi ta chặt tay, chặt chân, móc mắt,
nếu những bộ phận đó làm ta phạm tội.
Hội Thánh không bao giờ hiểu đòi hỏi này theo nghĩa đen
(nếu thế thì khó mà có một Kitô hữu lành lặn!).
Nhưng chúng ta lại không được coi thường
tính chất mạnh mẽ và quyết liệt của đòi buộc này.
Chẳng ai trong chúng ta ngạc nhiên
nếu thấy có người dám chịu cắt bỏ một phần thân thể
hầu cứu lấy sinh mạng của mình.
Người khôn là người dám từ bỏ một điều quý
để giữ lại một điều quý hơn.
Chỉ ai coi cuộc sống vĩnh cửu là điều quý nhất,
người ấy mới dám hy sinh mắt và tay chân,
những gì vốn là tốt, nhưng nay lại thành vật cản trở.
Có bao điều thiết thân, gắn liền với đời ta,
nhưng nay đã trở thành vật cản trở.
Cả những điều ấy, ta cũng phải cắt đứt, đoạn tuyệt.
Chấp nhận đoạn tuyệt là chấp nhận đớn đau.
Bỏ một tật xấu, một thói quen, một kế hoạch
có khi còn đau hơn móc mắt hay chặt tay.
Nếu chúng ta can đảm thắng vượt nỗi đau,
chúng ta sẽ được tự do thanh thoát.
Nếu cần một cuộc giải phẫu cho linh hồn.
Giải phẫu không phải chỉ là cắt bỏ,
mà còn là thay thế:
thay ước muốn nơi trái tim, thay lối nghĩ nơi bộ óc,
thay cái nhìn nơi đôi mắt, thay cách hành động nơi tay.
Ðức Giêsu đưa ra những đòi hỏi tận căn.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.
Ðể vươn tới Tuyệt Ðối thì cần hy sinh cái tương đối.
Ước gì chúng ta ra khỏi thái độ lấp lửng, nửa vời,
và dứt khoát chọn Thiên Chúa là Tuyệt Ðối.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Vẫn Ở Lại
Với Chúa Giêsu Trong Thánh Thể
“Thầy là cây nho … ai
ơ ûlại trong Thầy thì sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Đức Kitô ở lại trong
chúng ta qua Bí Tích Thánh Thể. Chúa Giêsu mời gọi ta ở lại trong Ngài, lời mời
gọi này nhắc chúng ta nhớ một chân lý khác mà Ngài đã đề cập trong bối cảnh diễn
từ về Bánh Hằng Sống. “Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta, sẽ được sống đời đời” (Ga
6,56). Đức Giêsu đã nói như thế với đám đông.
Bản văn song song này
cho chúng ta thấy rằng trong biểu tượng cây nho có chứa đựng ý nghĩa của Bí
Tích Thánh Thể. Chúng ta hiểu ra cách thế để mình ở lại trong Đức Giêsu, Cây
Nho Thật: đó là đón nhận Ngài làm của ăn của uống cho mình. Thánh Thể chính là
Chúa Giêsu ở lại giữa chúng ta một cách thực sự. Ngài thực sự hiện diện với
chúng ta, ngay cả dù chúng ta thấy có vẻ như Ngài hiện diện qua các dấu chỉ bí
tích là bánh và rượu.
Thực ra những dấu chỉ ấy
không đem lại cho chúng ta niềm vui được cảm giác Ngài, nhưng chúng bảo đảm với
chúng ta rằng Ngài đang hiện diện trọn vẹn giữa chúng ta. Qua bí tích này, Chúa
Giêsu trở thành lương thực mọi nơi và mọi thời cho linh hồn người ta. Và chúng
ta là những người được hưởng dụng. Chúng ta hãy tiến tới với bàn tiệc của Chúa
để lãnh nhận thứ lương thực quí giá này.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 30/9
Chúa Nhật XXVI Thường
Niên
Ds 11, 25-29; Gc 5,
1-6; Mc 9, 38-43.45.47-48.
LỜI SUY NIỆM: Ông Gioan nói
với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ.
Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giêsu bảo: “Đừng
ngăn cấm người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau
đó lại có thể nói xấu về Thầy.”
Qua đoạn Tin Mừng này. Giáo Hội muốn mỗi người trong chúng ta phải đón nhận những
lời khuyên dạy của Chúa Giêsu. Trước hết đối với những người có thiện chí phục
vụ vì yêu thương con người , dù họ là ai, chúng ta không nên ngăn cản họ; điều
thứ hai là mọi cử chỉ bác ái đối với con người, cho dù nhỏ đến đâu cũng được
Thiên Chúa ghi nhận và thưởng công; điều thứ ba là phải biết tránh xa những
phương tiện và cơ hội có thể đưa đến phạm tội Và điều quan trọng hơn hết
đó là không làm cớ, làm gương xấu cho người khác phạm tội nhất là đối các trẻ
nhỏ.
Lạy Chúa Giêsu. với ân sủng của Chúa ban. Xin cho chúng con sống tốt đẹp trước
nhan thánh Chúa và với mọi ngươi đang sống xung quanh chúng con.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
NGÀY 30-09 THÁNH
HIÊRÔNIMÔ – LINH MỤC, TIẾN SĨ HỘI THÁNH (340 – 420)
Thánh Hiêrônimô chào đời
khoảng năm 340 tại Stridon gần Aquila, miền tam biên giữa Dalmatia, Pannonia và
Italia. Tên đầy đủ của Ngài là Eusêbiô Hiêrônimô Sôphrôniô. Dường như Ngài thuộc
một gia đình giàu có và được giáo dục đầy đủ về văn chương, theo thường lệ dành
cho các thiếu niên thượng lưu thời đó. Trước hết Ngài đã theo học tại Stridon rồi
sau đó tại Roma với nhà văn phạm thời danh Donatô, Ngài đã học để viết văn
Latin cho tuyệt diệu tinh ròng và chính xác. Bởi đó Ngài say mê các tác phẩm cổ,
dầu sau này Ngài coi chúng như một thứ cám dỗ.
Trong một bức thư gởi
cho Eustochium, Ngài có kể lại một giấc mơ khi nằm tại bệnh viện Antiochia.
Trong giấc mơ Ngài thấy mình phải đến trước vị quan án. Ngài tự xưng mình là
Kitô hữu, nhưng quan án trả lời : – Ngươi không phải là Kitô hữu. Ngươi là đồ đệ
Cicêrô. Kho tàng ngươi ở đâu thì lòng ngươi cũng ở đó. Mà kho tàng của ngươi là
các thứ tác phẩm của Cicêrô.
Sau đó Ngài bị đánh
đòn và hứa sẽ từ bỏ các tác phẩm trần tục này.
Thánh Hiêrônimô được
giáo dục để trở thành Kitô hữu và luôn coi trọng tôn giáo. Dầu vậy 19 tuổi Ngài
mới lãnh bí tích rửa tội ở Roma vào ngày Phục sinh năm 366. Khi viếng thăm
Trier, sau khi hoàn tất việc học ở Roma, Ngài hiểu biết ít nhiều về lối sống khổ
hạnh, có lẽ do thánh Athanasiô bị lưu đày tới và đã quyết rằng đó là ơn gọi của
Ngài. Ngài gia nhập một cộng đoàn linh mục và giáo dân tại Aquileia năm 370. Cộng
đoàn bị tan vỡ vì một cuộc tranh chấp nào đó.
Năm 375, Hiêrônimô đi
về hướng đông với mấy người bạn, tới miền tổ đời khổ hạnh Kitô giáo. Sau khi dừng
lại ở Antiochia ít lâu, Ngài đến sống trong sa mạc Chalcis như một ẩn sĩ, nơi
dây Ngài “không có bè bạn nào khác ngoài bò cạp và hoang thú”. Ngài khổ cực vì
bệnh tật mà nhất là các cơn cám dỗ. “Trong đầu óc tôi thường thấy mình giữa đám
gái nhảy”. Và Ngài khóc thương rằng: “Một người chết yểu trong xác thịt như vậy
mà ngọn lửa thèm muốn còn cháy lên dữ dội”.
Để kiềm chế óc tưởng
tượng, sau khi đã xử phạt xác mà không được, Ngài chú tâm học tiếng Do thái.
Như vậy Ngài đã khởi đầu công trình chính yếu trong đời làm học giả nhiệt thành
giải thích thánh kinh.
Năm 378, Ngài trở lại
Antiochia và đến với Constantinople để học thánh kinh với nhà thần học lừng
danh là thánh Gregôriô thành Nazian. Năm 382, Ngài đến Roma và trở thành thư ký
của Đức giáo hoàng Đamasô. Tại đây Ngài bắt đâu công trình hệ trọng về thánh
kinh. Ngài hiệu đính các bản dịch Latinh về Phúc âm và thánh vịnh. Ngoài ra
Ngài cũng hăng hái khích lệ phong trào sống khổ hạnh giữa các phụ nữ Roma.
Nỗ lực này đã gây nên
một số chống đối của một số giáo sĩ Roma. Chống lại, Ngài đã viết những dòng sống
dộng: – “Cái gì sơn phết lên khuôn mặt người Kitô hữu. Các miếng cao dán đầy
tham vọng này là dấu chỉ của đầu óc thiếu trong sạch. Làm sao có thể nói được rằng
một phụ nữ khóc than tội mình mà nước mắt họ cầy luống trên cặp má tô vẽ của họ.
Hạnh phúc trông đợi gì từ thiên đàng khi mà cầu khẩn Chúa, họ lại chường mặt ra
cho đấng tạo thành không còn nhận diện được họ nữa ?”
Do những lời quở trách
này mà Ngài trở nên xa lạ với dân gian. Sau cái chết của thánh Damasô, Ngài lại
lui về phương đông (năm 348).
Một nhóm phụ nữ đã sống
dưới sự hướng dẫn của Ngài đã theo Ngài, đứng đầu là thánh nữ Paula với con
Ngài là thánh nữ Eustochium. Họ lập thành một nhóm các tu viện gần đại giáo đường
Giáng sinh tại Bêlem, tại đây thánh Hiêrônimô đã trải qua những ngày an bình hạnh
phúc cuối đời, Ngài cũng dự phần vào nhiều cuộc tranh luận dữ dội. Một trong
các cuộc tranh luận ấy là cuộc tranh luận giáo thuyết của Origen. Nhưng công cuộc
lớn lao nhất của đời Ngài … chính là công cuộc Ngài đã chuẩn bị từ sa mạc
Chalcis, đã khởi sự từ Roma, công cuộc phiên dịch thánh kinh ra tiếng Latinh. Dựa
vào công trình này mà thế giá Ngài tồn tại mãi trong Giáo hội công giáo, cũng
như sự thánh thiện của Ngài có được một bằng chứng hùng hồn.
Toàn bộ thánh kinh bằng
tiếng Latinh, gọi là bản phổ thông đều được thánh Hiêrônimô phiên dịch hay nhuận
đính trừ các sách: Khôn ngoan, Huấn ca, Baruch và hai sách Macabê. Ngài thực hiện
bản dịch thứ nhất đã làm tại Roma, chính bản dịch thứ hai này nằm trong bản dịch
thánh kinh phổ thông và được Giáo hội dùng trong phụng vụ giờ kinh.
Thánh Hiêrônimô qua đời
bình an tại Belem ngày 30 tháng 9 năm 420. Thánh Paula và Eustochium đã chết
trước Ngài. Thi thể Ngài được chôn cất với họ trong nhà thờ Giáng sinh, nhưng
sau này được đưa về Roma và nay đang được chôn cât tại đề thờ Đức bà Cả.
(daminhvn.net)
30 Tháng Chín
Tình Thương Ðáp Trả Hận Thù
Bà Coretta King, vợ
của cố mục sư Martin Luther King, đã ghi lại trong quyển hồi ký của bà như sau:
Martin ra trước cửa
nhà. Một cách nào đó, đây là giờ phút quan trọng nhất của cuộc đời của anh.
Trước đó vài hôm, một
quả bom đã được quăng vào nhà. Vợ và con anh suýt bị sát hại. Ðây là thử thách
đầu tiên nặng nề nhất mà anh phải chịu đựng. Ðồng thời nó cũng là trắc nghiệm để
xem anh có thể sống nguyên tắc Kitô và thuyết bạo động mà anh hằng rao giảng không.
Anh xuất hiện một cách bình thản trước đám đông người da đen đang sôi sục hận
thù.
Khi anh vừa giơ tay
lên làm hiệu thì mọi tiếng động bỗng như dừng lại. Anh đã chiếm lĩnh được tâm hồn
mọi người, từ những người đứng tuổi đến các bạn trẻ bốc đồng nhất, từ các cảnh
sát viên cho đến những người sợ hãi đang đứng nép bên các bậc thang trước cổng
nhà.
Với một giọng nói
bình tĩnh, nhẹ nhàng, anh khuyên nhủ mọi người như sau:
“Vợ tôi và con gái
tôi vẫn bình an. Tôi xin anh em hãy trở về nhà và hãy buông khí giới. Chúng ta
không thể giải quyết vấn đề bằng bạo động. Chúng ta phải yêu thương những người
da trắng anh em của chúng ta, dù họ có làm gì cho chúng ta đi nữa. Chúng ta phải
làm cho họ hiểu rằng chúng ta yêu thương họ thật sự. Chúng ta phải sống như thế
đó: nghĩa là lấy tình thương đáp trả hận thù”.
Lời kêu gọi trên đây của
mục sư Luther King và cái chết của ông là một bản sao trung thành nhất của Tin
Mừng: đó là Tin Mừng của Ðấng yêu thương và yêu thương cho đến chết trên thập
giá…
Vào tù ra khám, bị đòn
vọt, trải qua trăm nghìn gian lao khốn khổ do những người không tiếp nhận Tin Mừng
gây ra, thánh Phaolô vẫn có thể khuyên nhủ các tín hữu Roma như sau:
“Hãy chúc lành cho kẻ
bắt bớ, chúc lành chứ đừng chúc dữ. Hãy vui với kẻvui, hãy khóc với kẻ khóc.
Cùng nhau tâm đầu ý hợp. Ðừng qúa cao vọng về mình. Trái lại, hãy biết bỏ mình,
chuộng phần yếu kém… Ðừng lấy ác báo ác: điều thiện trước mắt mọi người, hãy cố
quan tâm. Hãy sống an hòa với mọi người… Anh em thân mến, hãy sống an hòa với hết
thảy mọi người. Ðừng báo oán. Chớ để sự dữ thắng được ngươi, nhưng hãy lấy lành
mà thắng dữ”.
Ước gì những lời
khuyên nhủ trên đây trở thành khuôn vàng thước ngọc trong mọi giao tiếp và gặp
gỡ của chúng ta với mọi người.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét