Trang

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2018

Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần III Chương II, tiếp theo


Tài Liệu Làm Việc của Thượng Hội Đồng năm 2018: Giới Trẻ, Đức Tin và Biện Phân Ơn Gọi, Phần III Chương II, tiếp theo
Vũ Văn An
03/Sep/2018

Bên trong kết cấu văn hóa tuổi trẻ

Đào tạo một nền công dân và chính trị tích cực

156. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đề cập đến sự nhạy cảm của giới trẻ đối với các vấn đề đạo đức xã hội (tự do, công lý, hòa bình, sinh thái, kinh tế, chính trị), và việc này cần được đồng hành, hỗ trợ và khuyến khích. Điều răn yêu thương có một giá trị xã hội cố hữu, trong đó có việc ưu tiên chọn người nghèo và cam kết xây dựng một xã hội ít tham nhũng và công bằng hơn. Sự tham gia xã hội và chính trị là một ơn gọi thực sự, ít nhất đối với một số người, mà sự trưởng thành cũng cần được đồng hành theo quan điểm thiêng liêng. Dù sao, sự biện phân ơn gọi không thể chỉ tập chú vào việc tìm vị trí riêng của mình trong thế giới, mà không xem xét một cách sáng tạo phần đóng góp chuyên biệt vào ích chung mà tất cả chúng ta đều được mời gọi hiến tặng.

157. Qua sự tham gia xã hội của họ, nhiều người trẻ tự hỏi về, và (tái) khám phá ra một sự quan tâm đối với đức tin Kitô giáo. Hơn nữa, sự dấn thân của họ cho công lý và cho người nghèo là một dịp để gặp gỡ và đối thoại với những người không phải tín hữu và những người tuyên xưng các tín ngưỡng khác. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đang du nhập, hoặc đang đi tìm các cách thức mới để đào tạo người trẻ trong việc họ dấn thân về dân sự, xã hội và chính trị, cách riêng bằng cách kích thích họ tham gia, nhận trách nhiệm và dấn thân đối thoại với các người đồng trang đồng lứa với họ. Tầm quan trọng của một số yếu tố khá nổi bật: nâng cao kỹ năng chuyên nghiệp của người trẻ và các chương trình học thuật, cung cấp cho họ các cơ hội trở thành người chủ đạo; cung cấp cho họ các kinh nghiệm phục vụ và tiếp xúc thực tế với những người bé nhỏ nhất trong các anh chị em của chúng ta và với môi trường xã hội khác với môi trường của họ, trong đó có các kinh nghiệm ở các quốc gia khác và kinh nghiệm chăm sóc môi trường và thiên nhiên; cung cấp các yếu tố để giải thích và đánh giá bối cảnh, bắt đầu từ việc hiểu biết tốt hơn về giáo huấn xã hội của Giáo hội – mà giá trị của nó cũng đã được nhấn mạnh bởi cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng (xem GMTHĐ 3) - và sinh thái toàn diện; tạo điều kiện cho việc thăng tiến một linh đạo công lý, làm nổi bật sự trợ giúp của Thánh Thánh trong việc giải thích các động lực xã hội; hỗ trợ các đường hướng thay đổi lối sống, biết tập chú vào tầm quan trọng của các hành động thường nhật, mà không quên các chiều kích cơ cấu và định chế.

158. Người trẻ cũng thường rất nhạy cảm đối với cuộc chiến đấu chống tham nhũng và vấn đề kỳ thị. Cách riêng, cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng mạnh mẽ phát biểu rằng «Giáo hội có thể đóng một vai trò sinh tử trong việc bảo đảm rằng những người trẻ tuổi này không bị đẩy ra bên lề nhưng cảm thấy được chấp nhận» (GMTHĐ 5), cho thấy việc cổ vũ phẩm giá phụ nữ là phạm vi đầu tiên để dấn thân. Các xã hội đa văn hóa, tức các xã hội có đặc điểm di dân và sự hiện diện của các nhóm thiểu số sắc tộc, văn hóa hay tôn giáo, ngày càng yêu cầu phải đưa ra các biện pháp giúp chống lại sự thiên vị và vượt qua các hình thức kỳ thị chủng tộc hoặc đẳng cấp khác nhau.

159. Một lần nữa, liên quan đến việc dấn thân xã hội và dân sự, cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng cũng nhấn mạnh một số tình huống chúng ta nên tập chú vào. Tình huống đầu tiên liên quan đến những người trẻ đang phục vụ trong lực lượng vũ trang hoặc thi hành pháp luật, những người phải được giúp đỡ để sở hữu một số giá trị nào đó và tích nhập chiều kích phục vụ dân vốn tiềm ẩn trong vai trò của họ, nhất là trong các hoàn cảnh đặc thù (các phái bộ hòa bình, các thiên tai, vv). Thứ hai, tình huống những người trẻ đang tham gia vào các kinh nghiệm phục vụ toàn thời gian, mang nhiều tên khác nhau khắp trên thế giới (nghĩa vụ dân sự, năm nghỉ chuẩn bị vào đại học [gap year], năm tình nguyện làm công tác xã hội, vv); như cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã nhấn mạnh, đây thường là thời điểm thuận lợi để biện phân tương lai (xem GMTHĐ 15). Chúng ta phải tránh nguy cơ coi những người trẻ tuổi dấn thân vào các kinh nghiệm này như lao động rẻ tiền, những người nên làm một công việc mà không ai khác có thể làm, hay muốn làm.

Học cách sống trong thế giới kỹ thuật số

160. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, cũng như cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng, thừa nhận sự cần thiết phải mạnh mẽ giải quyết vấn đề đồng hành với người trẻ trong việc sử dụng kỹ thuật kỹ thuật số một cách tỉnh táo. Cuộc Gặp Mặt Tiền Thượng Hội Đồng đã đề nghị cách này: «Đầu tiên, nhờ dấn thân đối thoại với người trẻ, Giáo hội nên thâm hậu hóa cái hiểu của mình về kỹ thuật để giúp chúng tôi trong khi biện phân việc sử dụng nó. Hơn nữa, Giáo Hội nên xem kỹ thuật - đặc biệt là internet - như một nơi màu mỡ để Tân Phúc Âm Hóa. […] Thứ hai, Giáo hội nên giải quyết cuộc khủng hoảng văn hóa khiêu dâm khá rộng rãi hiện nay, trong đó có việc lạm dụng trẻ em trên liên mạng, cũng như việc bắt nạt trên trực tuyến và các thiệt hại do chúng tạo ra cho nhân tính của chúng tôi”(GMTHĐ 4).

161. Nhiều HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC nhìn nhận tiềm năng của Internet như một phương thế để tiếp xúc mục vụ và hướng dẫn ơn gọi, đặc biệt ở những nơi mà vì nhiều lý do khác nhau, Giáo Hội gặp khó khăn trong việc tiếp cận những người trẻ qua các phương tiện khác. Về phương diện này, kỹ năng của những người sinh ra và lớn lên thời kỹ thuật số (digital natives) cũng phải được nâng cao trong Giáo hội. Khái niệm qua đó các phương tiện truyền thông xã hội và vũ trụ kỹ thuật số không phải chỉ là các công cụ được sử dụng trong việc săn sóc mục vụ, cũng không phải chúng đại biểu cho một thực tại ảo trái với thực tại thực, mà thực sự là một nơi sống động có nền văn hóa riêng cần được phúc âm hóa, chưa được chấp nhận hoàn toàn. Chỉ cần nghĩ tới các trò chơi điện tử, vốn là một thách thức lớn đối với xã hội và Giáo hội ở một số quốc gia, vì chúng cổ vũ một viễn kiến đáng tra vấn về con người và thế giới nơi giới trẻ, khuyến khích một phong thái liên hệ có tính bạo lực.

Âm nhạc giữa nội tại tính và sự khẳng nhận căn tính

162. Trong tất cả các ngôn ngữ nghệ thuật, âm nhạc đặc biệt gắn liền với chiều kích lắng nghe và nội tâm tính. Tác động của nó đối với thế giới cảm xúc có thể tạo cơ hội cho sự đào tạo biện phân. Hơn nữa, việc lựa chọn thể loại và các nhạc sĩ là một trong các yếu tố xác định căn tính của người trẻ, đặc biệt là căn tính xã hội của họ. Một không gian được mở ra cho việc sản xuất âm nhạc, một không gian có thể giúp phát triển linh đạo. Chúng ta cũng cần trân trọng việc ca hát và âm nhạc trong các sinh hoạt và hành trình đức tin của cộng đồng chúng ta. Một số người trẻ bị thu hút bởi phẩm chất âm nhạc của các truyền thống Kitô giáo khác nhau (như bình ca Grêgôriêng và kiểu hát của các đan viện Chính thống, hay các ca đoàn phúc âm). Dù vậy, đôi khi, các sản phẩm mô phỏng các ngôn ngữ âm nhạc đương thời có tính thương mại không có lợi cho việc chiêm niệm (recollection) và lắng nghe bên trong. Một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC cho rằng các đề xuất của các giáo phái và tôn giáo khác dường như đang hấp dẫn hơn đối với giới trẻ, kể cả giới trẻ Công Giáo, vì ngôn ngữ của họ đơn giản và trực tiếp hơn, nhờ «âm nhạc sống động và có phẩm chất cao».

163. Cần chú ý đặc biệt đến các biến cố âm nhạc lớn: các cơ hội tái khám phá giá trị lễ hội và xã hội hóa thực sự của âm nhạc cần được cổ vũ, bắt đầu từ các sản phẩm được chính những người trẻ coi là có phẩm chất cao. Ngày Giới Trẻ Thế Giới và các biến cố quốc gia hoặc khu vực lớn có thể cung cấp một cách nhìn khác đối với các cuộc tụ tập như vậy, trong việc tích hợp âm nhạc trong một chương trình gặp gỡ trong giáo hội của giới trẻ.

Thể thao và thi đua

164. Xem xét việc các môn thể thao có ảnh hưởng xiết bao như thế nào, một vài HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đề nghị cần phải nâng cao chúng cho các mục đích chăm sóc giáo dục và mục vụ. Sự chăm sóc và kỷ luật đối với cơ thể chúng ta, các động lực nhóm vốn làm nổi bật sự hợp tác, giá trị của việc chơi đẹp (fairplay) và việc tôn trọng các quy tắc, tầm quan trọng của tinh thần hy sinh, hào phóng, ý thức thuộc về, niềm đam mê, óc sáng tạo, làm cho thể thao trở thành một cơ hội giáo dục đầy hứa hẹn trên con đường thống nhất hóa bản thân. Thành công và thất bại kích hoạt các động lực xúc cảm; các động lực này có thể trở thành cơ sở huấn luyện việc biện phân. Để việc này xảy ra, người trẻ phải được cung cấp các kinh nghiệm thi đua lành mạnh, một kinh nghiệm vượt quá mong muốn thành công bằng mọi giá, và giúp biến các nỗ lực huấn luyện thành một cơ hội cho sự phát triển nội tâm. Do đó, chúng ta cần câu lạc bộ thể thao nào - đặc biệt là các câu lạc bộ có liên kết với Giáo hội – nhắm mục đích trở thành cộng đồng giáo dục thực sự, chứ không chỉ là những cơ sở cung cấp dịch vụ. Đây là lý do tại sao cần phải cổ vũ việc ý thức được vai trò giáo dục của các huấn luyện viên, nhân viên kỹ thuật và quản lý viên, bằng cách lưu ý tới việc đào tạo họ suốt đời. Vượt quá lãnh vực chỉ có tính đua tranh, cần phải nghĩ tới các cấu hình mới của các địa điểm giáo dục để có thể góp phần vào việc tăng cường sự nhìn nhận lẫn nhau, kết cấu xã hội và dây nối kết cộng đồng của chúng ta, nhất là trong các bối cảnh liên văn hóa.

Tình bạn và việc đồng hành cùng trang lứa 

165. Điều quan trọng là nhìn nhận các nhóm cùng trang lứa như các phương thế giải thoát khỏi các bối cảnh gia đình, để củng cố căn tính và phát triển của các kỹ năng liên hệ. Các cơ hội để tăng trưởng trong tình bạn là điều quan trọng nhất, trong thời gian nhàn tản và đi nghỉ chung với nhau, và cả trong các dịp người trẻ trở thành người dìu dắt (mentor) cho người cùng trang lứa hay các em nhỏ, để họ khám phá ra vẻ đẹp của trách nhiệm và sự thỏa mãn phát sinh từ việc phục vụ. Các mối dây của việc sống chung với nhau (communality), chia sẻ ý tưởng, thoải mái trong việc đồng nhất hóa và thông đạt với người khác, đều là các lý do căn bản cho sự thành công của sáng kiến giáo dục đồng trang lứa và “cộng đồng học tập” mà chúng đã tạo ra. Cách riêng, chúng hữu ích khi liên hệ đến các vấn đề mà từ ngữ của người lớn nghe có vẻ xa cách hơn và ít đáng tin cậy hơn (tính dục, phòng chống nghiện ngập, vv) và do đó, ít hữu hiệu hơn trong việc mang lại các thay đổi về tác phong.

Sự gần gũi và hỗ trợ trong các tình huống buồn phiền và bị đẩy qua bên lề

Khuyết tật và bệnh tật

166. Trong cuộc sống của nhiều người trẻ, sự đau đớn ảnh hưởng đến cơ thể và linh hồn họ một cách không thể đoán trước và không thể hiểu được. Đôi khi các căn bệnh và suy yếu về tâm thần, giác quan và thể lý có thể dập tắt hết hy vọng của họ và biến cảm giới và tính dục của họ thành nỗi đau khổ. Như một người trẻ khuyết tật nói trong phần đóng góp Tiền Thượng Hội Đồng của mình, «bạn không bao giờ được chuẩn bị đủ để sống với một khuyết tật: nó nhắc bạn đặt ra nhiều câu hỏi về đời sống của chính bạn, và tự hỏi về tính hữu hạn của bạn». Những người trẻ trải nào trải nghiệm các tình huống này cũng được kêu gọi khám phá ra cách giải thích lời kêu gọi bước vào niềm vui và sứ mệnh - «làm thế nào bạn có thể là người mang niềm vui của Tin Mừng khi đau khổ là chuyện hàng ngày?» - và khám phá ra các sức mạnh bên trong của họ: «Tôi có thể được quyền khóc, nhưng chiến đấu và yêu thương là các bổn phận của tôi». Những người trẻ này đang dựa vào sự giúp đỡ của người đồng trang lứa của họ, nhưng đến lượt họ, họ cũng dạy bạn bè của họ biết đối phó với các giới hạn của họ, giúp họ lớn lên trong nhân tính của họ. Các phong trào và cộng đồng nào biết cách tích hợp các người trẻ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật hoặc khuyết tật đều hữu ích một cách đặc biệt, qua việc hỗ trợ gia đình họ và nâng cao sự đóng góp họ có thể hiến cho các người trẻ khác và cho mọi người. Tính sáng tạo mà cộng đồng, khi được sinh động bởi niềm vui Tin Mừng, có thể thay thế cho sự buồn phiền, thì vô tận. Ví dụ, trong một số bối cảnh, nhất là ở châu Phi, các cách sáng tạo để tích hợp các bệnh nhân HIV / AIDS trẻ vào việc chăm sóc mục vụ giới trẻ hiện đang rất phồn thịnh.

Nghiện ngập và các yếu đuối khác

167. Việc sử dụng ma túy, rượu chè và các chất thay đổi ý thức khác, giống như những nghiện ngập cũ và mới, nô lệ hóa người trẻ và đe dọa tính mạng của họ. Một ít người trong số họ, bị rơi vào những tình huống buồn phiền này, có thể gặp được cơ hội tốt để bắt đầu lại, cũng nhờ sự giúp đỡ họ có thể nhận được từ các định chế như các nhà nhận nuôi (foster homes), hoặc các cộng đồng giáo dục và phục hồi. Họ cần được đồng hành để nhận ra các sai lầm của họ và biện phân đâu là các bước khác nhau họ cần phải làm, ngoài việc được trợ giúp để đối phó với việc tái hòa nhập vào một bối cảnh xã hội thường có xu hướng bêu xấu và cô lập họ. Việc làm của một số định chế giáo hội trong trận tuyến này là điều đáng được lưu ý và xứng đáng được hỗ trợ bởi mọi cộng đồng Kitô hữu, họ phải vượt thắng cơn cám dỗ tự rút lui vào chính mình. Việc đào tạo các chuyên gia và tình nguyện viên làm việc trong các cơ sở này là điều cực kỳ quan trọng, từ cả quan điểm tâm linh. Tuy nhiên, việc làm này không thể miễn chước chúng ta khỏi cổ vũ nền văn hóa ngăn ngừa và khỏi đưa ra một lập trường với tư cách Giáo hội trong cuộc chiến đấu chống các lái buôn ma túy và bất cứ ai lợi dụng các cơ chế nghiện ngập.

Với các tù nhân trẻ

168. Việc phục hồi các tù nhân trẻ đòi có sự tham gia của họ vào các dự án được bản vị hóa bằng cách kích thích, qua hành động giáo dục, việc đọc lại các kinh nghiệm quá khứ, thừa nhận các sai lầm quá khứ, hòa giải các chấn thương họ vốn gánh chịu trong quá khứ và thu lượm các kỹ năng xã hội và việc làm để họ có thể tái hòa nhập. Các chiều kích tâm linh và tôn giáo có thể đóng một vai trò rất quan trọng và Giáo Hội rất biết ơn tất cả những ai làm việc nhằm làm cho Giáo Hội hiện diện trong các bối cảnh này (tuyên uý nhà tù, tình nguyện viên, vv), và cung cấp việc đồng hành với các tù nhân. Họ cũng yêu cầu Thượng hội đồng tìm cách bao gồm và đem hy vọng tới các tù nhân trẻ. Cuối cùng, chúng ta không nên quên tầm quan trọng của việc đào tạo nhân bản và chuyên nghiệp, cả đồng hành nữa, cho những người làm việc trong hệ thống nhà tù (các người canh gác nhà tù, các nhà tâm lý học, các nhà giáo dục, vv), tức những người phải đối phó với những tình huống cực kỳ phức tạp và đôi khi khó xử lý.

Trong các tình huống chiến tranh và bạo lực

169. Có rất nhiều người trẻ trên thế giới đang sống trong những tình huống chiến tranh hoặc xung đột vũ trang với các cường độ khác nhau. Một số bị buộc hoặc phỉnh gạt tham gia các nhóm bán quân sự hoặc băng đảng vũ trang, trong khi một số phụ nữ trẻ bị cưỡng hiếp và lạm dụng. Những người sống sót thường chịu các hậu quả tâm lý và xã hội đa dạng. Nói chung, lớn lên trong các bối cảnh bạo lực lớn lao là một trở ngại cho sự trưởng thành bản thân, và điều này đòi phải có việc đồng hành và cố gắng giáo dục cụ thể chuyên biệt, nhất là xây dựng lại các kỹ năng liên hệ và vượt thắng chấn thương quá khứ. Những yếu tố này cũng phải được tính đến trong các nẻo đường biện phân ơn gọi, vì lời kêu gọi bước vào niềm vui cũng được ngỏ với những người trẻ tuổi này. Những con đường hòa giải ở bình diện quốc gia hoặc địa phương cũng không kém phần quan trọng, vì chúng cung cấp một bối cảnh trong đó cuộc sống của những người trẻ từng chịu bạo lực, thậm chí bạo lực phũ phàng, có thể phục hồi và cung cấp năng lực quí giá để thắng vượt chia rẽ, hiềm thù và trả thù.

Các di dân trẻ và nền văn hóa hiếu khách 

170. Sự gia tăng liên tục con số di dân và người tỵ nạn, và đặc biệt tình huống các nạn nhân của việc buôn bán và bóc lột người, đòi hỏi phẩm giá và khả năng hành động của họ phải được dành cho một số hình thức bảo vệ pháp lý nào đó và, đồng thời, các nẻo đường hội nhập phải được cổ vũ ở các nước chủ nhà. Đây là lý do tại sao các sáng kiến của nhiều cơ quan giáo hội, và sự tham dự của toàn bộ cộng đồng Kitô hữu là điều hết sức quan trọng. Việc đồng hành với các di dân trẻ thế hệ thứ nhất và thứ hai để họ tìm được đường hướng tới niềm vui và khả thể đóng góp vào việc phát triển xã hội là một thách đố đặc thù về phương diện đồng hành để biện phân ơn gọi, vì nó phải tính đến chiều kích liên văn hóa (interculturality). Cuộc sống của các cặp vợ chồng hỗn hợp về phương diện văn hóa và tôn giáo phải được đồng hành một cách tế nhị và chú ý lớn lao, cũng như các cựu di dân cảm thấy được ơn gọi làm linh mục hoặc đời sống tu trì. Trong các bối cảnh có sự hiện diện của các nền văn hóa khác nhau trong cộng đồng Kitô hữu, mọi việc chăm sóc mục vụ, kể cả việc chăm sóc mục vụ người trẻ, đều được kêu gọi nhằm tránh các hình thức cô lập và cổ vũ các dịp gặp gỡ thật sự.

Đối diện với sự chết

171. Thật không may, cái chết của người trẻ không phải là một trải nghiệm bất thường, và điều này cũng đúng đối với những người trẻ phạm tội giết người. Trong lĩnh vực này, chức phận làm mẹ của Giáo hội và khả năng lắng nghe và đồng hành của Giáo Hội là điều có tính quyết định. Đôi khi, sự chết là kết quả cuối cùng của sự thất bại nơi một thế giới, một xã hội và một nền văn hóa lừa dối, bóc lột và, cuối cùng, vứt bỏ người trẻ; trong những trường hợp khác, đó là cuộc gặp gỡ đau thương với các giới hạn của đời người qua trải nghiệm bệnh tật và mầu nhiệm đau đớn; ngoài ra còn có kinh nghiệm ngỡ ngàng của các vụ tự tử của người trẻ, tạo ra những vết thương khó chữa lành nơi nhiều người; trong các tình huống khác, cái chết của người trẻ vì đức tin của họ, những cái chết đúng là tử vì đạo, đã trở thành chứng từ tiên tri và hữu hiệu của sự thánh thiện. Dù sao, sự chết, và đặc biệt sự chết của giới trẻ, là một nguồn của nhiều câu hỏi tối hậu cho tất cả chúng ta. Nếu, đối với Giáo Hội, kinh nghiệm này luôn là một cơ hội mới mẻ để đề cập đến cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, thì một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC tự hỏi làm thế nào cái chết của những người trẻ thực sự có thể trở thành lý do để công bố và mời gọi mọi người hồi tâm.

Đồng hành và Công Bố

172. Những người hiện đang làm việc trong nhiều lĩnh vực xã hội, giáo dục và mục vụ nơi đồng hành diễn ra, đã làm chứng cho việc hình ảnh của Đấng Tạo Hóa hiện diện một cách không thể xóa nhoà ra sao nơi mọi người trẻ, và Chúa Thánh Thần nói với từng người trong họ thế nào, ngay cả khi họ không có khả năng hoặc sẵn lòng nhìn nhận Người. Giáo hội được kêu gọi góp phần vào việc làm của Thiên Chúa, bằng cách giới thiệu nhiều con đường giúp người trẻ nhìn đời sống như một hồng phúc và chiến đấu chống lại nền văn hóa vứt bỏ và nền văn hóa chết chóc. Sự cam kết này là một phần cấu tạo ra sứ mệnh công bố của Giáo Hội: «Tin Mừng nói về vương quốc của Thiên Chúa (xem Lc 4:43); nó nói về vị Thiên Chúa yêu thương, Đấng đang ngự trị trong thế giới của chúng ta. Bao lâu Người còn thống trị trong chúng ta, đời sống xã hội vẫn sẽ là một khung cảnh cho tình huynh đệ, cho công bằng, hòa bình và phẩm giá phổ quát» (EG 180). Vì lý do này, Giáo Hội không thể chấp nhận mình chỉ là một cơ quan phi chính phủ (NGO) hay một cơ quan từ thiện: các chi thể của Giáo Hội phải công khai tuyên xưng danh Chúa Giêsu (xem EN 22), làm cho việc làm của họ trở thành dấu chỉ hùng hồn của tình yêu của Người, một tình yêu luôn chia sẻ, đồng hành và tha thứ.

173. Mọi cuộc đồng hành đều là cách để giới thiệu lời mời gọi bước vào niềm vui và do đó, có thể trở thành nơi thích hợp để công bố tin mừng Phục Sinh và cổ vũ cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô sống lại: một kerygma (giáo lý sơ truyền) «nói lên tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, vốn đi trước bất cứ nền luân lý và nghĩa vụ tôn giáo nào về phía chúng ta; nó không nên áp đặt sự thật mà là lôi cuốn tự do; nó phải có các đặc điểm: vui tươi, khuyến khích, sống động và cân bằng hài hòa » (EG 165). Đồng thời, mọi phục vụ đồng hành là một cơ hội để lớn lên trong đức tin, cho những người cung cấp nó và cho cộng đồng họ thuộc về. Vì lý do này, đòi hỏi chính đối với một nhà dìu dắt tốt, là phải nếm trải “niềm vui yêu thương” một cách trực tiếp, một điều sẽ lột mặt lạ tính giả tạo của các thoả mãn thế gian và làm trái tim tràn đầy mong ước được truyền đạt nó cho người khác.

174. Sự thao thức có tính phúc âm này giữ chúng ta khỏi cơn cám dỗ muốn đổ lỗi cho người trẻ đã giữ khoảng cách đối với Giáo hội hoặc phàn nàn về việc này trong khi, thay vào đó, chúng ta nên nói - như một số HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC đã nói – về một “Giáo hội xa cách đối với giới trẻ ” và được mời gọi bước vào các nẻo đường hồi tâm, mà không đổ lỗi cho người khác về việc Giáo Hội thiếu thúc đẩy giáo dục và nhút nhát việc tông đồ. Việc thắng vượt “Hội chứng Giôna”, về nhiều khía cạnh, vẫn còn là một mục tiêu để đạt tới (xem GE 134). Khi vị tiên tri này được sai đi công bố lòng thương xót của Thiên Chúa cho dân cư Ninivê, ông đã bỏ chạy vì trái tim ông không chia sẻ ý định vốn sinh động trái tim Thiên Chúa. Vấn đề thực sự mà tình trạng khó khăn của Giô-na làm nổi bật là vấn đề phúc âm hóa những người truyền giảng phúc âm và phẩm chất Kitô hữu của cộng đồng tín hữu, vì chỉ có một cộng đồng được phúc âm hóa mới có khả năng phúc âm hóa.

Kỳ sau: Phần III, Chương III: Một cộng đồng được phúc âm hoá và đi phúc âm hóa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét