Trang

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

Đức Phanxicô là mục tiêu của các vận động chính trị


Đức Phanxicô là mục tiêu của các vận động chính trị
bibliobs.nouvelobs.com, Marco Politi, 2018-09-01
 
Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến riêng ngày 22 tháng 6 tại Vatican. (Alberto PIZZOLI / AFP)
Sau khi bức thư của cựu sứ thần Viganò tố cáo Đức Phanxicô bao che hồng y McCarrick, người bị tố lạm dụng tình dục, nhà vatican học uy tín người Ý Marco Politi phân tích những gì Đức Phanxicô đang bị chống đối. Ông là tác giả quyển “Phanxicô giữa đàn sói”.
Với vụ bùng nổ Viganò, cựu sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ tố cáo Đức Phanxicô đã không hành động để chống lại hạnh kiểm vô luân của hồng y người Mỹ McCarrick, cuộc nội chiến trong lòng Giáo hội leo thang thêm một bước trong việc chống Đức Phanxicô. Sau ba năm kiến nghị của các nhà bảo thủ truyền thống, các thư chỉ trích của các hồng y bảo thủ, các tuyên bố của các nhà trí thức tố cáo ngài dị giáo, các tấn công liên tục trên mạng chống đường lối cải cách của Đức Bergoglio và quan điểm của một Giáo hội không giới hạn vào những điều giáo điều quy định, nhưng mở lòng thương xót ra với giáo dân nam nữ thời buổi chúng ta, bức thư của cựu sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ nhắm đến cá nhân Đức Phanxicô. Bức thư chạm đến uy tín và gieo hoang mang trong lòng quần chúng, từ người không tin đến người theo thuyết bất khả tri thậm chí đến cả người vô thần, những người đi theo Đức Phanxicô từ năm năm nay với tấm lòng cảm thông và thấy mình được cảm hứng trong sứ điệp của ngài.
Hành vi của Giám mục Carlo Maria Viganò là một hành vi chính trị, ở đây không có một mảy may nào liên quan đến thần học. Thực chất của bức thư là đòi Đức Phanxicô từ chức. Nhưng đọc 11 trang thư, độc giả không bao giờ thấy cựu sứ thần tố cáo giáo hoàng bao che các lạm dụng tình dục của hồng y McCarrick, cựu Tổng Giám mục giáo phận Washington. Ở đây là chuyện bê bối quen thuộc mà hồng y McCarrick thường đem một nhóm chủng sinh và linh mục cuối tuần về nhà nghỉ mát của ngài ở McCarrick. Và lên giường với ngài. Một hạnh kiểm không chấp nhận được và vô luân theo luật của Giáo hội công giáo, ở đây không phải là lạm dụng trẻ vị thành niên. Ở đây là lạm dụng quyền lực thì đúng hơn. Và đương nhiên là phải bị phạt, vì một Weinstein (người lạm dụng tình dục trong giới phim ảnh Hollywood) đội lốt áo chùng không thể nào là Tổng Giám mục giáo phận Washington và nhận phẩm phục tím hồng y như đã nhận dưới triều Đức Gioan-Phaolô II. Dù sao đi chăng nữa thì Viganò đã đạt được mục đích của mình. Trong các tựa đề lớn của báo giới, người ta nói không biết Đức Giáo hoàng có biết chuyện và ngài có giấu hay không các “lạm dụng tình dục của hồng y McCarrick”.
Như bóng dáng của Banquo trong lâu đài Macbeth, nỗi ám ảnh ấu dâm hằn lên ba triều giáo hoàng gần đây, đã đưa ra ánh sáng các mâu thuẫn, các vận động chính trị ở Giáo triều La Mã và ở các hội đồng giám mục trên các châu lục khác nhau. Đức Gioan-Phaolô II trong lần gặp các Giám mục Mỹ năm 2002 đã định nghĩa vết thương của các vụ lạm dụng trong hàng giáo sĩ không phải là một tội nhưng là tội ác, nhưng ngài là giáo hoàng mà các cộng sự thân cận của ngài – Hồng y Quốc Vụ Khanh Angelo Sodano và thư ký riêng Stanislao Dziwisz – ngăn không đưa ra ánh sáng vụ Marcial Maciel, người săn mồi hàng loạt, người sáng lập Huynh đoàn Chúa Kitô.
Từ Đức Bênêđictô XVI đến Đức Phanxicô
Đức Bênêđictô XVI là giáo hoàng đã dứt khoát muốn lật qua một trang khác. Trong “Thư gởi tín hữu Ai Len” năm 2010, ngài viết: “Nhân danh Giáo hội, tôi xin nói với anh chị em sự xấu hổ và hối hận của tất cả chúng tôi”. Đồng thời chính xác ngài cho biết, “một suy nghĩ không đúng về danh tiếng của Giáo hội và về việc tránh các vụ tai tiếng” đã là nguồn gốc cho các che giấu và không phạt nhiều người phạm tội. Đức Bênêđictô XVI đã trục xuất khỏi hàng ngũ giáo sĩ hàng trăm linh mục lạm dụng.  Dù vậy ngài không có đủ can đảm để xét xử Maciel, chỉ ra lệnh ông phải rời bỏ ban lãnh đạo Huynh đoàn Chúa Kitô và rút lui về đời sống cầu nguyện ẩn dật. Đây là một sự tấn công vào các nạn nhân và khẳng định trong Giáo hội, có những người Không Đụng Chạm vào được (ít nhất là khi họ còn sống).
Bây giờ, dưới mắt của ý kiến quần chúng ghê tởm bởi bản danh sách của Bồi thẩm đoàn Pennsylvania, về danh sách vô số kể các đau khổ của các nạn nhân ở Ai Len, làn sóng tai tiếng đổ trên Đức Phanxicô.
Đức Phanxicô là giáo hoàng đầu tiên xử theo giáo luật sứ thần Tổng Giám mục Jozef Wesolowski, người phạm tội ở Saint Domingue. Wesolowski bị  cách chức giám mục và bị trục xuất khỏi hàng giám mục. Gần đây nhà ngoại giao linh mục Carlo Cappella ở tòa sứ thần Washington bị kết án năm năm tù vì tàng trử hình ảnh khiêu dâm trẻ em. Đức Phanxicô cũng đã đưa các chuẩn mực khắc khe vào giáo luật về ấu dâm và vào mùa xuân vừa qua, khi ngài biết các vụ lạm dụng trên trẻ vị thành niên của hồng y McCarrick thì ngài buộc đương sự phải rời hồng y đoàn và tiến hành vụ án chống lại hồng y.
“Không khoan nhượng” chống lại ấu dâm
Không có lý do nào để nghi ngờ sự chân thành trong ý định của ngài khi ngài theo đuổi con đường “không khoan nhượng” đối với nạn ấu dâm. Nhưng đứng trước di sản để lại và đứng trước tầm mức nặng nề của các tiết lộ thì uy tín của người cầm quyền, người lãnh đạo, dù là giáo hoàng, cũng phải có thời gian để dần dần chuộc lại.
Vụ tấn công của cựu sứ thần Viganò, được khối thiên hà bảo thủ hỗ trợ sung sướng, vui mừng với ý nghĩ duy nhất, vị tất và không thể được, là hạ bệ giáo hoàng, vụ tấn công này nguy hiểm ở một mức độ chưa từng có, và là lần đầu tiên nó kết hợp với sự giận dữ về mặt thần học của những người không chia sẻ cùng tinh thần mở rộng mục vụ ra của Đức Phanxicô với sự phẫn nộ của quần chúng đứng trước tầm rộng lớn của các vụ lạm dụng tình dục trong hàng giáo sĩ.
Không còn nghi ngờ gì, một mặt trận giáo hội nhưng cũng gần như một mặt trận chính trị-kinh tế muốn dí Đức Phanxicô vào chân tường.  Các đệ tử của “Biện pháp Bênêđictô” (Option Benoît), những người chủ trương sự tập trung chặt chẽ vào quyền của Rôma và dòng thần học của Ratzinger về cái gọi là “các nguyên tắc không thương lượng”, họ muốn tẩy chay các ý muốn cải cách của Đức Phanxicô trên nhiều lãnh vực, kể cả việc đưa phụ nữ vào các vị trí quan trọng trong Giáo hội. Các đối thủ chính trị và kinh tế của Đức Phanxicô thì cho ngài theo “chủ thuyết cộng sản”, họ muốn làm giảm uy tín của ngài trên chính trường quốc tế, vì họ không thể chịu đựng được và thấy có hại về sự dấn thân đấu tranh của ngài chống các bất bình đẳng, chống nền kinh tế tài chánh ăn cướp, chống sự hủy hoại môi sinh và xã hội, cũng như ý kiến khăng khăng của ngài về vấn đề nhập cư. Một vụ “ám sát cá nhân” thì không có gì hợp thời hơn là bức thư của cựu sứ thần Viganò.
Sự bám riết của những người chủ trương giữ nguyên vẹn và những người bài ngoại
Đó cũng là môi trường của những người Mỹ chủ trương giữ quyền tối thượng của quốc gia, chủ trương giữ nguyên vẹn và chủ trương bài ngoại, họ muốn phá hủy hệ thống Liên hiệp Âu châu (như nhiều giám chức Vatican đã nói), họ bám riệt phản đối sự lãnh đạo đạo đức của Đức Phanxicô trên bình diện quốc tế. Điều thú vị ở đây là, trong những ngày gần đây đã có các nhóm bài ngoại biểu dương lá cờ ba màu và “cách chào La Mã” của thời phát xít để chống lại việc một trăm người di dân được một trung tâm của Giáo hội công giáo Ý tiếp nhận ở thành phố nhỏ Rocca di Papa, chỉ cách Rôma vài cây số, ho trưng biểu ngữ một cách xấc xược đối với Đức Phanxicô: “Phanxicô, đem họ về Đền thánh Phêrô đi!” («Francé, portateli a San Pietro»). Một hỗn hợp của bài ngoại, của chủ trương quyền tối thượng quốc gia, của “căn tính công giáo” quá khích, từ đảng mặt trận Quốc gia Le Pen của Pháp cho đến chính trị gia bảo thủ Viktor Orbán, Thủ tướng chính phủ của Hung hiện nay, đó là đặc nét của chủ nghĩa toàn trị phát xít của những năm 2000 của Âu châu.
Tuy nhiên các cộng sự viên của giáo hoàng sẽ sai lầm khi khi núp mình theo kiểu nạn nhân hóa, cứ thích ngồi than phiền các âm mưu dàn xếp để chống giáo hoàng. Chúng ta có thể lên tiếng tố cáo tất cả các vu khống, các cáo buộc không căn cứ trong thư của cựu sứ thần Viganò. Chúng ta cũng có thể nhắc lại các chứng cứ hồ sơ pháp lý của vụ giáo phận Minneapolis tiết lộ có một bức thư của cựu sứ thần Viganò, trong đó cựu sứ thần xin một giám mục phụ tá ngăn cuộc điều tra chống tổng giám mục địa phương và xin tiêu hủy bằng chứng.
Nhưng như linh mục Dòng Tên uy tín người Mỹ Tom Reese nhắc lại, luật minh bạch trong Giáo hội phải được áp dụng ở tất cả mọi cấp bậc, linh mục Tom Reese là người ủng hộ Đức Phanxicô hết mình. Như thế Vatican phải tiết lộ những gì mình biết, khi nào biết, những gì mình đã làm và những gì mình không làm. Và những gì đã diễn ra giữa cựu sứ thần Viganò và Giáo hoàng trong cuộc gặp gỡ của hai người vào tháng 6 năm 2013.
Đây là thời điểm khó khăn nhất và nguy hiểm nhất của triều giáo hoàng Bergoglio. Từ trước đến bây giờ, quần chúng dành cho ngài một sự tiếp nhận nồng hậu, nhưng bây giờ họ cho ngài là người hay thay đổi. Cách duy nhất để ngài chủ động làm lại, đó là tiến hành lại công việc cải cách của mình. Một cách cụ thể có nghĩa là đưa ra một hệ thống hiệu quả và minh bạch, thông báo cho công chúng các tiến trình mà nạn nhân các vụ lạm dụng đã làm để tố cáo các giám mục và các hồng y phạm tội ấu dâm hay có trách nhiệm trong các vụ bao che. 
Nhà vatican học Marco Politi: là một trong những người am tường của Vatican. Cựu nhà báo làm việc ở báo “La Repubblica” và có chân trong ban biên tập báo “Il Fatto quotidiano”, ông cũng là tác giả nhiều tác phẩm về Đức Gioan-Phaolô II (đồng tác giả với Carl Bernstein trong tác phẩm bán chạy trên thế giới “Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và câu chuyện ẩn giấu của thời chúng ta”, nhà xuất bản Plon, 1996), về các đề tài như sự trở về với thần thánh, về giáo hội vàø đồng tính. Trong quyển “Joseph Ratzinger, Khủng hoảng của một giáo hoàng” (Joseph Ratzinger, Crisi di un papato) xuất bản năm 2013, ông đã tiên đoán Đức Bênêđictô XVI sẽ từ nhiệm. Năm 2015, ông xuất bản quyển “Phanxicô giữa đàn sói”, nhà xuất bản Philippe Rey.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét