22/11/2018
Thứ năm tuần 33 thường niên
Thánh Cêcilia, trinh nữ, tử đạo.
Lễ nhớ.
LỄ TẠ ƠN HOA KỲ – THANKSGIVING MASS
* Cuối thế kỷ V, câu chuyện về cuộc thương khó của các chứng nhân tử đạo Cêcilia, Valêrianô và Tibuốc đã ca ngợi đức đồng trinh của Kitô giáo, khiến cho tên tuổi của một thiếu nữ người Rôma tên là Cêcilia trở thành lừng lẫy. Chị đã chịu tử đạo và được mai táng ở nghĩa trang Calíttô. Một thánh đường đã được xây dựng để kính thánh nữ và một đoản văn trong câu chuyện trên đã khiến cho các nhạc sĩ chọn chị làm bổn mạng.
LỄ TẠ ƠN HOA KỲ –
THANKSGIVING MASS
BÀI ĐỌC I: Hc 50, 24-26
(Hl 22-24)
“Thiên Chúa đã thực thi những
việc vĩ đại trên khắp địa cầu”.
Trích sách Huấn Ca.
Các ngươi hãy cầu nguyện cùng Thiên Chúa vũ trụ, Đấng đã thực thi những
việc vĩ đại trên khắp địa cầu, đã làm cho đời sống chúng ta phấn khởi từ khi
chúng ta còn trong lòng mẹ và đã đối xử với chúng ta theo lòng từ bi của Người.
Nguyện xin Người ban cho chúng ta niềm hân hoan tâm hồn và cho đời sống chúng ta
ở Israel được an bình đến muôn đời. Israel tin tưởng rằng lòng từ bi của Thiên
Chúa ở cùng chúng ta, để Người giải thoát chúng ta trong những ngày chúng ta
đang sống. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a.
2bc-3. 4-5
Đáp: Lạy Chúa, con
sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa (2bc).
Lạy Chúa, con sẽ ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con
xin. Trước mặt các Thiên Thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên
thánh điện Ngài. – Đáp.
Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa.
Khi con kêu cầu, Chúa nhận lời con, Chúa ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. –
Đáp.
Lạy Chúa, các vua địa cầu sẽ ca ngợi Chúa, khi họ nghe những lời miệng
Chúa phán ra; và họ sẽ ca ngợi đường lối của Chúa: Thực vinh quang của Chúa lớn
lao. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 1, 3-9
“Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho
anh em”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúc cho anh em đầy ân sủng và bình an của Thiên Chúa là
Cha chúng ta, và của Đức Giêsu Kitô. Tôi hằng cảm tạ Chúa thay cho anh em, vì
ơn đã ban cho anh em trong Chúa Giêsu Kitô. Vì chưng, trong Ngài, anh em được
tràn đầy mọi ơn: ơn ngôn ngữ và ơn hiểu biết, đúng như Chúa Kitô đã minh chứng
nơi anh em, khiến anh em không còn thiếu ơn nào nữa trong khi mong chờ Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta tỏ mình ra. Cũng chính Ngài sẽ ban cho anh em bền vững
đến cùng, không có gì đáng khiển trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta
ngự đến. Thiên Chúa là Đấng Trung Tín đã kêu mời anh em hiệp nhất với Con của
Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Tv 125, 5
Alleluia, alleluia!
– Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. Alleluia.
2. Hoặc: Ep 1, 3
Alleluia, alleluia!
– Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã chúc lành
cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trong Đức Kitô. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 17, 11-19
“Người ấy đến sấp mình dưới
chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới
Samaria và Galilêa. Khi Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi
đang đứng ở đàng xa, họ cất tiếng thưa rằng: “Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót
chúng tôi”. Thấy họ, Người bảo họ rằng: “Các ngươi hãy đi trình diện với các tư
tế”. Trong lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình
được lành sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp
mình dưới chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người; mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng Chúa Giêsu phán rằng: “Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch
sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ
có người ngoại bang này”. Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: “Ngươi hãy đứng dậy mà về:
vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi”. Đó là lời Chúa.
LỄ THƯỜNG NIÊN
BÀI ĐỌC I: Kh 5, 1-10
“Chiên con đã bị sát tế và đã lấy
máu mình mà cứu chuộc chúng tôi thuộc mọi nước”.
Trích sách Khải Huyền
của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã
thấy nơi tay hữu Đấng ngự trên ngai một cuốn sách viết cả trong lẫn ngoài, có ấn
niêm phong. Và tôi thấy một thiên thần hùng dũng lớn tiếng tuyên bố rằng: “Ai xứng
đáng mở sách và tháo ấn?” Nhưng cả trên trời, dưới đất và trong lòng đất không
ai có thể mở và đọc sách ấy. Tôi khóc lớn tiếng vì chẳng có ai xứng đáng mở và
đọc sách ấy. Rồi một trong các trưởng lão nói với tôi rằng: “Thôi đừng khóc nữa,
này đây sư tử của chi tộc Giuđa, dòng dõi của Đavít đã toàn thắng, chính Người
sẽ mở sách và tháo bảy ấn niêm phong”.
Tôi đây cũng trông thấy
khoảng giữa ngai và bốn con vật cùng các trưởng lão, có một Chiên Con đang đứng
như đã bị sát tế, có bảy sừng và bảy mắt: tức là bảy thần linh của Thiên Chúa
được sai đi khắp địa cầu. Chiên Con tiến đến lấy cuốn sách nơi tay hữu Đấng ngự
trên ngai. Khi Chiên Con vừa cầm sách, thì bốn con vật phủ phục trước Chiên
Con, cả hai mươi bốn trưởng lão cũng làm như thế, mỗi người mang đàn huyền cầm
và chén vàng đầy hương thơm, tức là lời cầu nguyện của các thánh. Họ hát một
bài ca mới rằng:
Ngài, Ngài đáng lãnh
sách và tháo ấn, vì Ngài đã chịu chết và đã lấy máu Ngài mà cứu chuộc chúng con
thuộc mọi chi tộc, mọi ngôn ngữ, mọi dân và mọi nước, về cho Thiên Chúa. Ngài
đã làm chúng con trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa; và chúng con sẽ
được cai trị địa cầu”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 149, 1-2. 3-4.
5-6a và 9b
A+B:Ngài đã làm cho
chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).
A 1)Hãy ca mừng Chúa một
bài ca mới; hãy vang lên lời khen ngợi trong công hội các tín đồ. Israel hãy mừng
vui vì Đấng tạo tác bản thân; con cái Sion hãy hân hoan vì vua của họ. – Đáp.
B)Họ hãy hoà nhạc để
ngợi khen Người; hãy hát mừng Người với cây đàn cầm, với trống con: bởi vì Chúa
yêu thương dân Người, và ban cho kẻ khiêm nhường chiến thắng vẻ vang. – Đáp.
A)Các tín đồ hãy mừng
rỡ trong vinh quang, hãy hoan hỉ trong những nơi khu phố. Miệng họ hãy reo lên
lời hoan hô Thiên Chúa. Đó là vinh quang cho mọi tín đồ của Chúa. – Đáp.
A+B:Ngài đã làm cho
chúng tôi trở thành vương quốc và tư tế cho Thiên Chúa (Kh 5, 10).
ALLELUIA: x. Cv 16, 14b – Lạy Chúa, xin hãy mở lòng chúng con, để
chúng con nghe lời Con Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 19, 41-44
“Chớ chi ngươi hiểu biết sứ điệp
mang hoà bình lại cho ngươi”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến
gần Giêrusalem, trông thấy thành thì Người khóc thương thành ấy mà rằng: “Chớ
chi hôm nay ngươi hiểu biết sứ điệp mang hoà bình lại cho ngươi! Nhưng giờ đây,
sứ điệp ấy bị che khuất khỏi mắt ngươi. Vì sẽ đến ngày quân thù đắp luỹ bao vây
ngươi, xiết chặt ngươi tứ bề. Chúng sẽ tàn phá ngươi bình địa, ngươi cùng con
cái ở trong thành. Chúng sẽ không để lại hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi
đã không nhận biết giờ ngươi được thăm viếng”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Giờ Chúa viếng
thăm
Nhìn trong văn mạch,
biến cố được nhắc đến trong Tin Mừng hôm nay, đi liền sau biến cố Chúa Giêsu tiến
vào thành Giêrusalem. Nhưng không như bao lần khác, Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem lần cuối cùng này để thực hiện cuộc Vượt Qua đem lại ơn cứu rỗi, hòa
giải giữa con người với Thiên Chúa, và giữa con người với nhau. Ðây là giờ
Thiên Chúa viếng thăm, giờ mang đến ơn cứu rỗi, tuy nhiên, những vị lãnh đạo Do
thái tại Giêrusalem, như chúng ta sẽ thấy trong cuộc khổ nạn của Chúa, họ không
những từ chối, mà còn xách động dân chúng chối bỏ Chúa, yêu cầu quan Philatô ra
lệnh đóng đinh Chúa vào Thập giá và tha Baraba cho họ. Như thế, dù có sự nồng
nhiệt hoan hô Chúa khi Ngài cỡi trên lưng lừa tiến vào thành thánh, thì sự nồng
nhiệt đó cũng chỉ là thoáng qua, và Chúa Giêsu nhận thấy ơn cứu rỗi mà Ngài
mang đến bị con người khước từ hơn là đón nhận.
Ðiều xẩy ra cho thành
Giêrusalem cũng có thể xẩy đến cho mỗi người ở mọi thời: mỗi người đều có những
giây phút hồng phúc được Chúa viếng thăm đem đến ơn lành. Theo quan niệm Kinh
Thánh, giây phút Thiên Chúa viếng thăm là giây phút Ngài thực hiện lòng nhân từ.
Thánh Luca đã nhấn mạnh ý nghĩa này trong hai bài thánh ca ở đầu sách Tin Mừng
của Ngài, đó là bài ca của ông Dacaria và của Ðức Maria. Trong bài ca chúc tụng
của mình, Dacaria đã nêu bật lòng nhân nghĩa của Thiên Chúa: chính vì lòng nhân
nghĩa mà "Thái dương từ cao xanh khấng viếng thăm ta". Còn về phần
mình, ý thức giờ Thiên Chúa viếng thăm đang xẩy ra không những cho bản thân, mà
còn cho cả dân tộc và toàn thể nhân loại, Ðức Maria đã nhận định về ý nghĩa sâu
xa của việc Thiên Chúa viếng thăm: "Lòng nhân nghĩa của Người suốt đời nọ
đến đời kia, trên những kẻ kính sợ Người". Chỉ có một lý do cho cuộc viếng
thăm của Thiên Chúa, đó là thể hiện lòng nhân nghĩa đối với những người được
Ngài viếng thăm. Do đó, nếu không đón nhận giờ Chúa viếng thăm, con người không
những gây thiệt hại cho chính mình, mà còn cho cả người khác nữa.
Xin Chúa cho chúng ta
luôn biết lắng nghe tiếng Chúa cảnh tỉnh, đồng thời biết mở rộng tâm hồn đón nhận
những giây phút ân sủng của Chúa để được sống an vui hạnh phúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev
5:1-10; Lk 19:41-44.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Khóc!
Con người khóc vì nhiều
lý do: (1) Vì tiếc, vì không đạt được điều mình muốn: Em bé muốn xem tivi; bố mẹ
bắt vào đi ngủ. (2) Vì thương, thân nhân và bạn hữu khóc thương người chết; vì
họ không còn được sống nữa. (3) Vì tội nghiệp, khi thấy một người chịu quá nhiều
đau khổ, nhất là chịu đau khổ cho mình. (4) Vì vui sướng, khi nhìn thấy kết quả
vinh quang sau khi đã trải qua bao hy sinh gian khổ để đạt được (cầu thủ TVH
khi đạt huy chương vàng). Trong Bài đọc I, Thánh Gioan khóc nức nở vì sợ không
đạt được ý muốn. Ngài muốn biết những gì trong Cuộn Sách, vì nó liên quan đến lịch
sử của nhân lọai sắp xảy ra; nhưng không tìm được ai xứng đáng để mở 7 ấn niêm
phong của Cuộn Sách. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khóc vì tội nghiệp cho dân Thành
Giêrusalem, vì họ không nhận ra ý nghĩa và mục đích sự thăm viếng của Ngài.
Chúa cũng khóc vì Ngài biết Thành sẽ bị phá hủy bình địa (70 AD), và dân Thành
sẽ tan tác như chiên không người chăn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến Cuộn Sách và 7 ấn niêm phong
“Tôi thấy trong tay hữu
Đấng ngự trên ngai một Cuộn Sách viết cả trong lẫn ngoài, được niêm bảy ấn. Rồi
tôi thấy một thiên thần dũng mãnh lớn tiếng công bố: “Ai xứng đáng mở cuốn sách
và tháo ấn niêm phong?” Nhưng không ai ở trên trời, dưới đất hay trong lòng đất,
có thể mở Cuộn Sách và nhìn vào đó.”
– Cuộn Sách chứa đựng
ý muốn kỳ diệu của Thiên Chúa liên quan đến mọi biến cố sẽ xảy ra trong thời kỳ
sau hết như đã nói từ ban đầu (x/c Rev 1:9). Nội dung của Cuộn Sách có những
gì? Có nhiều ý kiến khác nhau; nhưng đa số các học giả đồng ý nội dung của Cuộn
Sách là những gì được viết trong (Rev 6:1-8:1).
– Gioan khóc nức nở,
vì không ai được coi là xứng đáng mở cuốn sách và nhìn vào đó. Nếu không ai mở
Cuộn Sách, làm sao con người biết được những gì sẽ xảy ra? Gioan muốn biết, đó
là lý do tại sao ông khóc.
– Một trong các vị Kỳ
Mục bảo tôi: “Đừng khóc nữa! Này đây, Sư Tử xuất thân từ chi tộc Giuđa, Chồi
Non của Đavít đã chiến thắng, Người sẽ mở cuốn sách và bảy ấn niêm phong.” Truyền
thống Do-Thái tin Đấng Thiên Sai sẽ xuất thân từ chi tộc Giuđa và là chồi non của
Nhà Đavít.
– “Con Chiên, trông
như thể đã bị giết; Chiên đó có bảy sừng và bảy mắt, tức là bảy thần khí của
Thiên Chúa đã được sai đi khắp mặt đất. Con Chiên đến lãnh cuốn sách từ tay hữu
Đấng ngự trên ngai.” Con Chiên là danh hiệu chính thức của Đức Kitô, được dùng
28 lần trong Sách Khải Huyền. Ngài được gọi là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội
trần gian (Jn 1:29).
– Khi Con Chiên đã
lãnh cuốn sách từ tay của Đấng ngự trên Ngai, thì bốn Con Vật và 24 vị Kỳ Mục
phủ phục xuống trước mặt Con Chiên, mỗi vị tay cầm đàn, tay nâng chén vàng đầy
hương thơm, tức là những lời cầu nguyện của dân thánh.
– Các vị hát một bài
ca mới: Bài ca mới tương xứng với tên mới được tặng cho Người chiến thắng, cho
Jerusalem mới, cho trời mới đất mới, và cho vũ trụ được đổi mới.
– Ngài xứng đáng lãnh
nhận Cuộn Sách và mở ấn niêm phong, vì Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào chuộc
về cho Thiên Chúa: Bằng Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển, Đức
Kitô đã bắt đầu một vương quốc mới cho Thiên Chúa.
– Muôn người thuộc mọi chi
tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân:
4 danh từ này có ý nói tất cả mọi dân tộc trên địa cầu. Sách Khải Huyền giới hạn
trong vòng các Kitô hữu trên địa cầu, những người đã đáp trả lời mời gọi và
tháp tùng Con Chiên mà thôi.
– Ngài cũng làm cho họ
thành một vương quốc, thành những tư tế, để phụng thờ Thiên Chúa chúng ta, và họ
sẽ làm chủ mặt đất này: Những người đi theo Con Chiên là dân của Con Chiên, họ
trở thành những tư tế để ca ngợi và phụng thờ Thiên Chúa; và cùng với Con
Chiên, họ sẽ làm chủ mặt đất.
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu khóc thương Thành Jerusalem.
2.1/ Chúa Giêsu khóc: Mang thân xác con người, Chúa Giêsu có đầy đủ cảm xúc như
một con người. Tin Mừng đã tường thuật 2 lần Chúa khóc:
(1) Vì thương Thành
Jerusalem như trình thuật hôm nay (Lk 19:41). Trong Cuộc Thương Khó, chặng thứ
8 của 14 Đàng Thánh Giá, Chúa Giêsu đứng lại yên ủi dân Thành Jerusalem vì họ
khóc thương Ngài. Chúa Giêsu yên ủi họ: “Đừng khóc thương Ta, nhưng hãy khóc
thương các ngươi và con cháu của các ngươi” (Lk 23:28). Chúa Giêsu biết rõ mục
đích tại sao Ngài chịu đau khổ, nhưng dân Thành không biết. Điều có lẽ Chúa muốn
nhấn mạnh cho họ biết ở đây là họ hãy khóc thương cho chính họ và cho con cháu
của họ; vì tội lỗi của họ và con cháu mà Chúa đã phải gánh lấy Cuộc Thương Khó mà
Ngài đang chịu.
(2) Vì tiếc thương
Lazarô (Jn 11:35)? Nhiều người tin Chúa khóc vì thương Lazarô không còn sống nữa;
nhưng suy nghĩ này cần được xét lại vì không có căn bản vững chắc. Có lẽ việc
ông đừng trở lại thế gian có lẽ hạnh phúc cho ông hơn vì ít lâu nữa ông sẽ cùng
được chung phần vinh quang với Chúa, và kẻ thù không có lý do để giết Chúa
Giêsu. Ngài khóc là vì thấy sự chết gây đau khổ cho con người. Ngài muốn Mary
và mọi người hiểu: “Ai sống và tin vào Ngài, sẽ không chết bao giờ” (Jn 11:25).
Nếu ai cũng hiểu như thế, cái chết sẽ là một niềm vui.
2.2/ Hai lý do tại sao
Chúa khóc:
(1) Vì dân Thành
Jerusalem không nhận ra Chúa: Khỏang lưng chừng Đồi Olive, ngày nay có một nguyện
đường gọi là Nguyện Đường Chúa Khóc. Truyền thống tin chính tại đây, Chúa Giêsu
đã nhìn thấy tòan bộ Đền Thánh Jerusalem và sự huy hòang của nó, và Ngài đã
khóc vì thương dân Thành. Lý do Ngài khóc vì tội nghiệp họ đã không nhận ra Đấng
đem bình an: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an
cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất mắt ngươi không thấy được.”
Nguyên ngữ Jerusalem ghép bởi 2 chữ: động từ yrw, có nghĩa là “thiết
lập,” và danh từ salem, có nghĩa là “bình an.” Chúa Giêsu là Đấng từ
Trời xuống thiết lập bình an và chính Ngài đang ở giữa họ; nhưng họ đã không nhận
ra Ngài.
(2) Vì Thành sẽ bị phá
hủy tan tành: “Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao
vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa
ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết
thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.” Lời tiên tri này ứng nghiệm năm 70
AD, khi quân đội Rôma đem quân vây hãm và phá hủy bình địa Đền Thờ và Thành.
Cho tới ngày nay Đền Thờ vẫn chưa được xây lại và vết tích của hoang tàn đổ nát
vẫn còn cho các du khách viếng Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Con người khóc vì tiếc
và vì thương. Cái khóc của con người có thể sai vì lý do tiếc hay thương có thể
sai. Cái khóc của Chúa Giêsu luôn luôn đúng vì lý do tại sao Ngài khóc là sự thật.
Chúng ta cần tìm hiểu rõ lý do tại sao mình khóc.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
22/11/2018 – THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Th. Xê-xi-li-a, trinh nữ, tử đạo
Lc 19,41-44
KHÓC VỚI NGƯỜI KHÓC
“Khi đến gần Giê-ru-sa-lem và trông thấy thành, Đức Giê-su
khóc thương.” (Lc 19,41)
Suy niệm: Đức Giê-su đã khóc vì đau
buồn trước viễn cảnh thành Giê-ru-sa-lem sẽ bị tàn phá bình địa, “không còn hòn
đá nào trên hòn đá nào.” Đền thờ là nơi Ngài thường đến hành hương hàng năm,
nơi đầy ắp kỷ niệm thời thơ ấu, nhà của Cha Ngài, nơi linh thiêng của cả dân tộc.
Vậy mà Đền thờ ấy sẽ phải bị tàn phá: Quả thật, năm 70, nhân cuộc nổi dậy của
người Do Thái, tướng Ti-tô đã tàn phá bình địa thánh đô, và cho cày một luống
dài giữa Đền thờ, để cho thấy từ nay nơi đây đã trở thành hoang phế. Cùng với Đền
thờ là biết bao người dân, trong đó có cả những trẻ thơ vô tội, bị tàn sát dưới
lưỡi gươm của lính Rô-ma. Thế mà giờ đây, Chúa Giê-su đến đem bình an cho dân
thành; Ngài là Thiên Chúa đến viếng thăm dân Ngài. Vậy mà, tiếc thay, dân thành
đã dửng dưng, không đón nhận!
Mời Bạn: “Nước mắt là quà tặng của
Chúa cho ta. Là nước thánh của ta. Nước mắt chữa lành ta khi chúng tuôn chảy”
(R. Schiano). Khóc là làm giảm đi chiều sâu của sự đau buồn, là sử dụng nước
thánh Chúa ban để chữa lành những đau khổ trong tâm hồn. Phúc cho bạn khi bạn
khóc lóc, không phải để than thân trách phận, nhưng vì liên đới với những sầu
khổ của người lân cận.
Sống Lời Chúa: Tôi bớt “khóc lóc” cho
riêng mình, do bị đối xử bất công, hay số phận, nhưng tập “khóc lóc” với người
khác, vì “chạnh lòng thương” trước những đau khổ, buồn sầu của người chung
quanh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su,
Chúa đã khóc thương Đền thờ và dân thành Giê-ru-sa-lem. Xin cho con cũng biết
khóc than với người than khóc. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Đức Giêsu khóc (22.11.2018 – Thứ
Năm Tuần 33 TN)
Suy niệm:
Người ta có thể khóc vì nhiều lý do.
Khóc vì buồn thương, khóc vì tình yêu của mình bị từ chối.
Khóc vì tiếc nuối một điều tốt đẹp bị hủy hoại.
Một người đàn ông khóc là chuyện không thường xảy ra.
Chính vì thế chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Đức Giêsu khóc.
Con Thiên Chúa nhập thể biết đến nỗi đau của phận người.
Giọt nước mắt của Ngài cho thấy Ngài thật sự có một trái tim.
Đức Giêsu khóc khi đến gần và trông thấy thành phố Giêrusalem.
Trong thành Giêrusalem có ngôi Đền thờ lộng lẫy (Lc 21, 5).
Đền thờ ấy là Đền thờ thứ hai được xây sau khi dân lưu đày trở về.
Còn Đền thờ thứ nhất do Salômôn xây, đã bị quân Babylon phá hủy.
Vua Hêrôđê Cả đã trùng tu và nới rộng Đền thờ thứ hai này.
Công việc sửa sang kéo dài từ năm 20 trước công nguyên,
đến năm 64 sau công nguyên mới hoàn tất.
Vào thời gian này, người Do Thái nổi dậy chống lại quân Rôma.
Vào lễ Vượt qua năm 70, thành phố bị vây hãm (c. 43).
Đền thờ bị thiêu hủy sau tám mươi tư năm tu sửa.
Đây là một bi kịch lớn mà Đức Giêsu đã linh cảm với nỗi đớn đau.
Bài Tin Mừng hôm nay
nằm ngay sau biến cố Đức Giêsu lên Giêrusalem lần cuối (Lc 19, 28).
Ngài biết đây là lần cuối, nên giữa bầu khí tung hô của dân chúng,
Đức Giêsu lại rơi vào nỗi đau buồn, xót xa.
Ngài sẽ là vị ngôn sứ phải chết ở trong thành này (Lc 13, 33).
Như mọi người Do Thái khác, Đức Giêsu quý thành phố và Đền thờ.
Thành phố Giêrusalem là thủ đô của đất nước.
Đền thờ là nơi mỗi năm Ngài lên đó dự các lễ lớn đôi ba lần.
Đây là nhà Cha của Ngài, là nhà cầu nguyện (Lc 2, 49; 19, 46).
Nhưng mọi điều tốt đẹp Ngài đang thấy, có ngày sẽ đổ vỡ tan hoang.
“Không để hòn đá nào trên hòn đá nào” (c. 44).
Thiên Chúa là Đấng đã đi thăm Dân Israel (Lc 1, 68; 7, 16; 19, 44).
Ngài thăm Dân Ngài qua Người Con là Đức Giêsu (Lc 1, 78).
Ngài đến thăm để đem ơn cứu độ, đem lại bình an (c. 42).
Hôm nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục đi thăm nhân loại.
Ngài vẫn sai Con của Ngài đến với chúng ta để ban ơn bình an.
Nhưng con người hôm nay có thể khép lòng, và để lỡ cơ hội quý báu.
“Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1, 11).
Làm sao mỗi Kitô hữu nhận ra thời điểm Ngài đến thăm mình? (c. 44).
Thế giới Tây phương hôm nay đang có khuynh hướng loại trừ Thiên Chúa.
Họ nhân danh tự do tôn giáo để loại trừ tôn giáo ra khỏi đời sống xã hội.
Nhưng không có Trời thì ai ở được với ai.
Nhân loại bị kéo vào những cuộc chiến tranh, thù hận không lối thoát.
Hãy để Thiên Chúa đi vào đời bạn và chi phối những chọn lựa của bạn.
Chỉ trong Thiên Chúa mọi sự mới có nền tảng vững bền.
Nếu không, như Giêrusalem, chúng ta chỉ còn là những bức tường than khóc.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG MƯỜI MỘT
Đồng Cảm Với Những
Nỗi Khó Khăn Của Người Khác
Giáo Hội không thể chỉ
đóng khung mình trong những gia đình Kitôhữu gắn bó với mình. Không, Giáo Hội
phải mở rộng các chân trời của mình ra để bao gồm tất cả mọi gia đình, nhất là
những gia đình đang ở trong những hoàn cảnh bi đát nhất.
Tất cả chúng ta đều biết
rõ những hoàn cảnh khó khăn đang đè nặng trên nhiều gia đình. Có những gia đình
của người tị nạn, những gia đình của người phục vụ trong quân ngũ, những gia
đình của các thủy thủ hay của những người rày đây mai đó thuộc đủ mọi lý do. Có
những gia đình của các tù nhân, của những người trốn tránh sự bách hại … Tất cả
những gia đình ấy đều phải chịu sự chia cách lâu dài. Có những gia đình có con
cái bị khuyết tật hoặc có người nghiện rượu hay ma túy. Có những gia đình chỉ
còn đôi vợ chồng cao niên sống cô quạnh lẻ loi. Mọi người đều biết rõ bi kịch của
các gia đình thường xuyên xảy ra bất hòa và cãi vã kịch liệt. Có những gia đình
có con cái vô ơn và bướng bỉnh chống cưỡng lại cha mẹ. Có những gia đình mà người
vợ hay người chồng mất đi, kẻ ở lại phải sống cô đơn suốt đời. Có những gia
đình mà cái chết bi đát của một thành viên xuân trẻ phủ trùm trên mọi người một
nỗi tiếc thương da diết khôn nguôi.
Cuối cùng, có những
gia đình là sào huyệt của tội lụy, theo góc nhìn của người Kitôhữu. Tất cả những
bối cảnh đó đặt ra những vấn đề mục vụ gay go cho Giáo Hội. Giáo Hội phải ý thức
những hậu quả nghiêm trọng mà chúng gây ra. Giáo Hội không thể dửng dưng với
con người trong các hoàn cảnh khó khăn đó, vì Giáo Hội phải cảm thông và quan
tâm đến phần rỗi của họ.
Chúng ta hãy cầu nguyện
khẩn thiết cho các gia đình, nhất là cho các gia đình đang vướng mắc trong những
hoàn cảnh khó khăn.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 22-11
Thánh Cêcilia,
trinh nữ tử đạo
Kh 5, 1-10; Lc 19,
41-44.
LỜI SUY NIỆM: ‘Chúng sẽ đè
bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá
nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”
Chúa Giêsu nhìn thành Giêrusalem và Người thấy trước nó sẽ bị sập đổ không còn
hòn đá nào trên hòn đá nào, nên Người đã thương khóc, với lời trách móc: “ Phải
chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi.”
Lạy Chúa Giêsu. Chúa biết rõ mọi sự trong từng người. Xin cho chúng con luôn ý
thức là Chúa đang nhìn ngắm chúng con, như Chúa đã nhìn ngắm thành thánh
Giêrusalem trước khi bị sụp đổ; để chúng con biết đón nhận ân sủng bình an mà sống
cuộc đời tốt đẹp hơn để thân xác và tâm hồn chúng con được nguyên vẹn trong ơn
cứu độ của Chúa.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 22-11
Thánh CÊCILIA
Đồng Trinh Tử Đạo
Cuộc tử nạn của thánh
CÊCILIA rất được nhiều người biết đến, quí chuộng thán phục và ưa lập lại.
Nhưng những thế kỷ đầu
không thấy nói gì tới vị thánh này cả. Thánh Ambrôsiô. Hierônimô rất kính các
trinh nữ tử đạo, nhưng không nhắc đến tên Ngài. Ba trăm năm sau cuộc tử đạo giả
định này, câu chuyện của thánh nữ xem ra là một trong những áng văn đẹp nhất
làm say mê tín hữu và phổ biến rộng rãi lạ thường. Câu chuyện tưởng tượng về
thánh nữ Cêcilia được chen vào giữa hai vị tử đạo có thật là Valêriô và
Tiburtiô. Truyện đó như sau:
Cêcilia thuộc gia đình
quí phái sống tại Roma dưới thời vua Alexander Sêvêrô. Cuộc bách hại thật dữ dằn.
Một mình trong gia đình là Kitô hữu, Ngài luôn mang theo cuốn Phúc âm và sống đời
cầu nguyện bác ái. Mỗi khi tới hang toại đạo là nơi Đức giáo hoàng Urbanô bí mật
cử hành thánh lễ, đoàn người ăn xin đợi chờ Ngài trên đường đi Roma chìa tay
xin Ngài phân phát của bố thí. Dưới lớp áo thêu vàng, Cêcilia mặc áo nhậm mà vẫn
tỏ ra bình thản dịu dàng.
Trong khi tuổi trẻ ngoại
giáo mê say nhạc trần tục, lòng Cêcilia hướng về Chúa và ca tụng một mình Ngài
thôi. Đáp lại lòng đạo đức của Ngài, Thiên Chúa cho Ngài được đặc ân được thấy
thiên tnần hộ thủ hiện diện bên mình.
Cha mẹ Cêcilia gả Ngài
cho một nhà quí phái tên là Valêriô yêu Cêcilia nồng nhiệt, ông không biết Ngài
theo Kitô giáo, nhưng ông có một tâm hồn ngay thẳng.
Ngày cưới, Cêcilia mặc
chiếc áo nhặm duới lớp áo ngoài sang trọng và khẩn cầu Chúa giữ cho mình được
trinh nguyên. Giữa những tiếng ca vui nhộn, Cêcilia vẫn theo thói quen cùng với
các thiên thần ca hát những khúc thánh thi. Bởi đó mà các người Kitô hữu hay nhận
Ngài là bổn mạng của các nhạc sĩ. Chúa Giêsu khấng nghe lời ca trong trắng tự
lòng vị hôn thê trẻ dâng lên Ngài. Khi chiều về, Cêcilia nói với Valêriô:
– Thưa Chúa công, em
có điều này muốn nói với anh, không bàn tay trần tục nào được động tới em, vì
em có một thiên thần bảo vệ. Nếu anh tôn trọng em, Ngài cũng yêu mến anh và ban
ân phúc cho anh.
Ngạc nhiên và rất cảm
kích, Valêriô đã ao ước nhìn thấy thiên thần. Cêcilia mới nói rằng: ông phải chịu
phép rửa tội đã, rồi nàng giải thích mầu nhiệm cứu rỗi các linh hồn do đức Kitô
cho ông nghe. Ngài đề nghị: – Anh hãy tới đường Appianô. Anh sẽ gặp những người
nghèo khổ và lấy danh nghĩa em để xin họ dẫn anh tới gặp cụ già Urbanô đang ẩn
náu trong hang toại đạo. Vị giám mục này sẽ dạy dỗ anh hay hơn em, Ngài sẽ chúc
bình an cho anh, sẽ mặc cho anh bộ áo trắng tinh. Rồi trở lại đây anh sẽ thấy
thiên thần của em.
Valêriô theo lời vị
hôn thê của mình, đến đường Appianô và được dẫn tới vị giám mục. Ngài dạy đạo
và rửa tội cho ông. Trở về với Cêcilia . Ông gặp nàng đang cầu nguyện, có thiên
thần bên cạnh, khuôn mặt thiên thần rực sáng, tay cầm hai triều thiên kết bằng
hoa huệ và hoa hồng. Ngài đặt một chiếc trên đầu Cêcilia và một chiếc trên đầu
Valêriô và nói:
– “Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này, chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương”.
– “Hãy giữ lòng trong trắng để xứng đáng bảo vệ những triều thiên này, chúng từ vườn của Thiên Chúa, không bao giờ tàn tạ, chẳng hề lạt hương”.
Thiên thần còn nói
thêm: – “Hỡi Valêriô, bởi vì anh đã biết nghe lời hiền thê của anh, vậy anh xin
điều gì anh muốn”.
Valêriô có người em
ông yêu thương lắm tên là Tiburtiô, ông xin: – “Con muốn em con cũng biết đạo
thật như con”
Thiên thần trả lời: –
Điều anh xin rất đẹp lòng Chúa. Vậy hãy biết rằng: Tiburtiô và anh sẽ lên trời
với ngành vạn tuế tử đạo”.
Ngay lúc ấy Tiburtiô
xuất hiện. Ông thấy mùi hoa huệ và hoa hồng và muốn biết từ đâu mà có hương
thơm như vậy giữa mùa này, thứ hương thơm như làm con người ông trẻ lại.
Cêcilia đã nói cho Cêcilia ông hiểu sự hư không của các ngẫu thần, đã tỏ cho
ông thấy sự rực rỡ của đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Tiburtiô muốn được sự chỉ dạy,
và đến lượt ông, cũng đã lãnh nhận bí tích rửa tội do đức giáo hoàng Urbanô.
Cêcilia, Valêriô và
Tiburtiô cùng nhau sống đời thánh thiện. Họ phân phát của bố thí cho các Kitô hữu
bị bắt bớ, bí mật cầu nguyện với những người bị kết án và khuyến khích họ can đảm
chịu cực hình. Đêm về hai anh em lo chôn cất xác các vị tử đạo.
Chẳng bao lâu họ bị
phát giác. Tổng trấn Almachiô ngac nhiên hỏi: – Các người quan tâm tới các tử tội
bị ta kết án hay sao ?
Cêcilia trả lời: – Thật
đẹp lòng Chúa biết bao, nếu chúng tôi xứng đáng được làm nô lệ cho những người
mà Ngài kết án là tử tội.
Quan tổng trấn nhún vai
cho rằng: người đàn bà này mất trí. Ông tách riêng Valêriô và Tiburtiô và cũng
hỏi như vậy. Nhưng các Ngài đã khinh thường danh vọng với sang giàu mà Almachiô
rất coi trọng. Ông liền kết án trảm quyết các Ngài. Tác giả kể lại cuộc tử nạn
các Ngài đã nói: – Người ta thấy các Ngài chạy xô tới cái chết như tới dự một đại
lễ.
Cêcilia thu lượm và
chôn cất xác các Ngài. Nàng vẫn tiếp tục bao bọc cho các Kitô hữu bị bách hại.
Almachiô liền tống giam các Ngài. Bị vấn danh Ngài nói: – Tôi tên là Cêcilia,
nhưng Kitô hữu là tên đẹp hơn nhiều của tôi.
Quan tổng trấn bắt nộp
tài sản của Valêriô và Tiburtiô. Cêcilia trả lời để tất cả đã được phân phát
cho người nghèo rồi. Tức giận Almachiô truyền cho Cêcilia phải dâng hương tế thần
ngay nếu không sẽ phải chết. Cêcilia cười trả lời: – Chư thần của ông chỉ là
đá, đồng chì, và Ngài tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô mà thôi. Các binh sĩ xúc
động nghị rằng Ngài sắp phải chết nên nài nỉ: – Cô sang trọng và trẻ đẹp, hai
mươi tuổi đầu hãy dâng hương tế thần đi, đừng để chết uổng.
Nhưng Cêcilia trả lời
họ rằng: – Các ông không biết rằng chết vào tuổi tôi, không phải là đánh mất tuổi
trẻ, nhưng là đổi chác vì Thiên Chúa sẽ trả lại gấp trăm cái người ta dâng cho
Ngài sao ? Nếu người ta đưa quí kim để đổi lấy vật tầm thường, các ông có ngập
ngừng không ?
Nghe Ngài các binh sĩ
hoán cải. Almachiô mất bình tĩnh truyền giam Ngài vào phòng tắm. Căn phòng đầy
hơi nóng. Cêcilia không hề thấy khó chịu. Almachiô truyền chém đầu Ngài lý hình
ba lần dùng gươm mà chỉ gây nên được một vết thương ghê rợn. Thánh nữ đã cầu
xin để được gặp Đức Giáo hoàng Urbanô đến lo linh hồn mình. Ngài còn sống được
3 ngày, được gặp Đức Urbanô, rồi lãnh triều thiên thiên thần đã hứa.
Các Kitô hữu chôn táng
Ngài và tôn trọng thái độ lúc Ngài tắt hơi, đầu không cúi gục như bông hao
không tàn.
Hơn một nghìn năm sau,
người ta thấy trong hang toại đạo một thi thể được coi như là của Cêcilia, huyền
thoại kể lại và nghệ sĩ trẻ Maderna tạc tượng đã nghĩ đây là tuyệt phẩm của ơn
thánh.
Vào thế kỷ thứ V, một
nhà quí phái trùng tên đã dâng nhiều dinh thự làm nhà thờ đặt tên là Cêcilia
danh hiệu bà đã được mang.
(daminhvn.net)
22 Tháng Mười Một
Nồi Cháo Tuyệt Vời
Một hôm, có một người
lạ mặt đến gõ cửa nhà của một bà góa nghèo để xin ăn. Nhưng người đàn bà cho biết
trong nhà bà không còn gì để ăn cả. Người lạ mặt mới nói: “Bà đừng lo, tôi có
mang theo một hòn đá có thể biến nước thành một thứ cháo tuyệt vời nhất trần
gian. Nhưng trước tiên bà hãy cho tôi mượn một cái nồi lớn”.
Thấy người lạ mặt đề
nghị một cách nghiêm chỉnh, cho nên người đàn bà mới cho nước vào cái nồi lớn
nhất và đặt lên bếp. Khi nước vừa sôi, thì người đàn bà chạy đến các nhà láng
giềng để mời sang chứng kiến điều lạ lùng sắp xảy ra. Trước đôi mắt mở to của mọi
người, người khách lạ mới cho viên đá vào nồi, rồi dùng muỗng lấy nước đưa lên
miệng nếm, ông vừa hít hà: “Thật là tuyệt diệu! Nhưng giá có thêm một ít khoai
thì tốt hơn”. Nghe thế, một người đàn bà có mặt bèn sốt sắng đề nghị: “Trong bếp
tôi còn một ít khoai”. Nói xong, bà đon đả chạy về nhà mang khoai sang. Người
khách lạ cho những miếng khoai tây được thái nhỏ vào trong nồi. Một lát sau,
ông nếm thử và nói: “Tuyệt! Nhưng giá có thêm chút thịt thì chắc chắn phải ngon
hơn”.
Nghe thế , một người
đàn bà khác chạy về mang thịt đến. Người lạ mặt cũng cho thịt vào nồi, đảo lên
trộn xuống một hồi rồi nếm thử và nói: “Bây giờ thì quý vị thưởng thức nồi cháo
của tôi, nhưng nếu có thêm một chút rau cỏ cho vào thì là hoàn hảo”. Dĩ nhiên,
ai cũng muốn nếm thử nồi cháo, cho nên ai cũng hăm hở đi tìm rau. Có người mang
đến nguyên một giỏ củ cà rốt và hành. Người lạ mặt cho các thứ rau vào nồi rồi
ra lệnh cho người đàn bà chủ nhà: “Bây giờ tôi cần một ít muối và tiêu nữa là
có được một nồi cháo ngon nhất trần gian”. Khi nồi cháo đã sẵn sàng, ông hối
thúc mọi người đi tìm chén bát đến. Có người mang cả bánh mì và trái cây.
Mọi người vui vẻ ngồi
vào một bàn tiệc bất ngờ. Trong khi mọi người nói cười rộn rã, thì người khách
lạ lẻn đi. Ông vẫn để lại hòn đá mà mỗi khi cần đến, những người hàng xóm có thể
sử dụng để cùng nấu chung với nhau một nồi cháo ngon nhất thế giới.
Một hòn đá, cộng với một
ít thực liệu và gia vị sẽ tạo nên một nồi cháo ngon nhất trần gian: đó là hình ảnh
của sự đóng góp vào phép lạ mà Thiên Chúa không ngừng thực thi cho con người.
Bà góa thành Sarepta
đã dâng cúng một ít bột mì cho tiên tri Êlia để từ đó được lương thực hằng ngày
trong suốt mùa hạn hán. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã nhân bánh và cá cho hơn
năm ngàn người ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá của một cậu bé…
Với một chút đóng góp
từ lòng quảng đại của con người, Thiên Chúa có thể làm những phép lạ cả thể. Tất
cả những công trình bác ái và giáo dục trong Giáo Hội đều bắt nguồn một cách
khiêm tốn: Chúng ta hãy nhìn vào công trình của Mẹ Têrêxa thành Calcutta, của
cha Pierre, sáng lập cộng đồng Emmaus, của cha Van Straatten, sáng lập Hội trợ
giúp các Giáo Hội đau khổ: một căn nhà nhỏ, một miếng thịt mỡ, một công việc vô
danh… Phép lạ của Thiên Chúa thường bắt đầu bằng những đóng góp nhỏ và âm thầm
của con người.
Thiên Chúa luôn ban
cho mỗi người chúng ta cơ may để đón nhận phép lạ của Ngài. Ngài chỉ cần một
chút lòng quảng đại của cúng ta. Nếu chúng ta sẵn sàng dâng tặng cho Ngài một
chút những gì chúng ta có thì có biết bao nhiêu người chung quanh sẽ được chung
hưởng phép lạ của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét