Trang

Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2018

Khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội mờ mịt hơn bao giờ


Khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội mờ mịt hơn bao giờ
Đặng Tự Do
30/Nov/2018

Sau một cuộc gặp gỡ giữa vị Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X và Bộ Giáo Lý Đức Tin, Huynh Đoàn nói rằng vấn đề trong quan hệ với Tòa Thánh về cơ bản là vấn đề tín lý.

Cha Davide Pagliarani, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn, đã có cuộc gặp gỡ trong vòng hai giờ trong ngày 22 tháng 11 với Đức Hồng Y Luis Francisco Ladaria Ferrer, tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, tại Vatican.

Cùng hiện diện trong cuộc gặp gỡ này còn có Đức Tổng Giám Mục Guido Pozzo, thư ký của Ủy ban Giáo Hội Chúa – hay còn gọi là Ecclesia Dei, và Cha Emmanuel du Chalard, một linh mục của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau đó, Huynh Đoàn Thánh Piô X nói Cha Pagliarani đã được Đức Hồng Y Ladaria mời đến “gặp lần đầu tiên để thảo luận về quan hệ giữa Tòa Thánh và Huynh Đoàn” sau cuộc bầu cử Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn vào tháng Bảy vừa qua.

Sau cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Ladaria, cha Pagliarani nói:

“Trong cuộc họp vấn đề cơ bản được nhắc đến thực sự là vấn đề tín lý… Vì sự khác biệt tín lý không thể chối cãi này, trong bảy năm qua mọi nỗ lực nhằm soạn thảo một bản tuyên ngôn về tín lý chấp nhận được cho cả hai bên đã không thành công. Đây là lý do tại sao vấn đề tín lý vẫn tuyệt đối là cần thiết.”

Vì thế, theo cha Pagliarani, khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội còn rất xa xôi.

Quan điểm khác biệt giữa Đức Cha Bernard Fellay và cha Pagliarani

Trong hai năm trở lại đây, có lúc người ta thấy như khả năng Huynh Đoàn Thánh Piô X quay lại với Giáo Hội đã rất gần kề. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi rất sâu sắc.

Thật vậy, trong một diễn biến gây ngạc nhiên cho nhiều người, trong phiên khoáng đại được tổ chức tại Ecône, Thụy Sĩ, hôm 11 tháng 7 vừa qua, Giám Mục Bernard Fellay, 60 tuổi, Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X, đã không được tái cử.

Linh mục Davide Pagliarani, 47 tuổi, người Ý, đã được bầu với một đa số áp đảo hơn 2/3 số phiếu để làm Tân Bề Trên Tổng Quyền Huynh Đoàn Thánh Piô X thay thế cho Đức Cha Bernard Fellay trong một nhiệm kỳ 12 năm.

Cha Pagliarani là người được chính Đức Cha Bernard Fellay truyền chức linh mục, nhưng có một lập trường đối kháng với ngài trong việc hòa giải với Tòa Thánh.

Đức Cha Fellay là người chủ trương đạt đến một giải pháp giáo luật về tình trạng của Huynh Đoàn. Ngài ca ngợi thái độ cởi mở của Đức Phanxicô đối với Huynh Đoàn và đề cao tầm quan trọng của việc kết thúc sự chia rẽ với Vatican.

Vào tháng 3 năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo cho các giám mục giáo phận hay các vị bản quyền địa phương khác quyết định của ngài ban năng quyền cho các linh mục của Huynh Đoàn được cử hành bí tích Hôn Phối một cách thành sự và hợp pháp cho các tín hữu dưới sự chăm sóc mục vụ của Huynh Đoàn.

Trước đó, vào tháng 9 năm 2015, Đức Thánh Cha đã thông báo rằng các tín hữu có thể nhận được bí tích Hoà Giải một cách thành sự và hợp pháp từ các linh mục của Huynh Đoàn trong Năm Thánh Lòng Thương Xót. Năng quyền này sau đó được Đức Thánh Cha Phanxicô mở rộng vô thời hạn trong Tông thư Misericordia et Misera vào năm 2016.

Đức Cha Fellay đã nồng nhiệt ca ngợi những quyết định này của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong khi đó, cha Pagliarani tiêu biểu cho khuynh hướng chờ đợi cho đến khi tình hình bên trong Giáo Hội là “hoàn toàn thỏa đáng” dưới con mắt của Huynh Đoàn Thánh Piô X.

Vài nét về Huynh Đoàn Thánh Piô X

Huynh Đoàn Thánh Piô X được thành lập bởi Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre vào năm 1970 để đào tạo các linh mục, như là một phản ứng với những gì ngài mô tả là những sai lầm đã len lỏi vào Giáo hội sau Công Đồng Vatican Hai.

Quan hệ giữa Huynh Đoàn Thánh Piô X với Tòa Thánh trở nên đặc biệt căng thẳng vào năm 1988 khi Tổng Giám mục Lefebvre và Giám mục Antonio de Castro Mayer tấn phong bốn giám mục mà không được sự cho phép của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Việc tấn phong giám mục bất hợp pháp đã dẫn đến vạ tuyệt thông của các giám mục liên quan. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông cho các giám mục thuộc Huynh Đoàn vào năm 2009, và kể từ đó các cuộc đàm phán nhằm tái lập sự hiệp thông toàn bộ với Giáo Hội đã được bắt đầu giữa Huynh Đoàn và Vatican.

Những trở ngại lớn nhất cho sự hòa giải giữa Huynh Đoàn và Tòa Thánh là những tuyên bố về tự do tôn giáo trong tuyên bố Dignitatis Humanae, nghĩa là Phẩm Giá Con Người, của Công Đồng Vatican II cũng như tuyên ngôn Nostra aetate, mà Huynh Đoàn cho rằng mâu thuẫn với giáo huấn Công Giáo trước đó. Cách riêng, Huynh Đoàn chống lại chủ trương đại kết và các buổi cầu nguyện liên tôn xuất phát từ tuyên ngôn Nostra aetate. Gần đây, Tông huấn Amoris Laetitia cũng trở thành một vấn đề. Các đề nghị cho người Tin Lành rước lễ của các Giám Mục Đức cũng là một mối quan tâm khác của các vị trong Huynh Đoàn.

Riêng về tuyên bố Dignitatis Humanae, điều 2 của tuyên bố này khẳng định:

“Công Đồng Vatican này tuyên bố rằng con người có quyền tự do tôn giáo. Quyền tự do này có nghĩa là tất cả mọi người đều không thể bị ép buộc bởi các cá nhân, các nhóm xã hội, hay bất kỳ quyền lực trần thế nào, trong những vấn đề liên quan tôn giáo sao cho không ai bị buộc phải hành động trái ngược với niềm tin của mình. Cũng không ai bị cấm hành động theo niềm tin của họ, dù là trong bối cảnh riêng tư hay công cộng, dù là một mình hay kết hợp với những người khác, trong những giới hạn chính đáng”.

Huynh Đoàn Thánh Piô X quyết liệt chống lại điều này. Họ chủ trương Công Giáo phải là quốc giáo trong các nước có truyền thống Kitô. Theo Huynh Đoàn, tuyên bố Dignitatis Humanae này đặt Giáo Hội vào vị thế phải tôn trọng thẩm quyền của nhà nước. Theo ý kiến của họ vấn đề cần phải là ngược lại: Nhà nước phải tùng phục đức tin Công Giáo và phải công nhận Công Giáo là tôn giáo của Quốc Gia.

Trong điều kiện cụ thể của thế giới hiện nay, người tín hữu Công Giáo sống trong một quốc gia không bị nhà nước bách hại đã là may mắn lắm rồi. Người ta không hiểu làm sao Huynh Đoàn lại hoang tưởng đến mức kỳ vọng các nhà nước trên thế giới này công nhận Công Giáo là quốc giáo! Và trở thành quốc giáo để làm gì cơ chứ?

Theo thống kê vào năm 2017, Huynh Đoàn hiện có mặt tại 62 quốc gia với 6 chủng viện, 175 giáo xứ, 3 Giám Mục, 590 linh mục, 187 chủng sinh, 103 nam tu sĩ và 248 nữ tu.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét