23 tháng 11, 2018
Thứ Sáu sau Chúa Nhật 33 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm
II) Kh 10, 8-11
"Tôi cầm lấy cuốn sách mà nuốt".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông đồ.
Tôi là Gioan, tôi đã nghe có tiếng từ trời phán cùng tôi rằng:
"Ngươi hãy đi lấy cuốn sách mở sẵn trên tay thiên thần đứng trên biển và
trên đất". Tôi liền đến xin thiên thần trao cho tôi cuốn sách ấy và người
nói với tôi: "Ngươi hãy cầm lấy sách mà nuốt đi; nó sẽ làm cho ruột gan
ngươi đầy cay đắng, nhưng miệng ngươi lại cảm thấy ngọt ngào như mật". Tôi
cầm lấy cuốn sách từ tay thiên thần mà nuốt; miệng tôi cảm thấy ngọt ngào như mật,
nhưng khi tôi đã nuốt rồi thì nó làm cho ruột gan tôi đầy cay đắng. Bấy giờ tiếng
lại phán cùng tôi rằng: "Ngươi còn phải nói tiên tri cho nhiều dân, nhiều
nước, nhiều ngôn ngữ và nhiều vua chúa nữa".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 118, 14. 24.
72. 103. 111. 131
Ðáp: Những lời sấm của Chúa ngon ngọt
thay cho cổ họng con (c. 103a).
Xướng: 1) Con vui vì đường lối lời Ngài nghiêm huấn, dường như được mọi
thứ giàu sang. - Ðáp.
2) Vì lời nghiêm huấn của Ngài là điều con ưa thích, các thánh chỉ Ngài
là những bậc cố vấn của con. - Ðáp.
3) Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu
muôn ngàn. - Ðáp.
4) Những lời sấm của Ngài ngon ngọt thay cho cổ họng con, ngọt hơn cả mật
ong đổ miệng con. - Ðáp.
5) Lời Ngài nghiêm huấn là sản nghiệp của con muôn đời, vì những điều đó
khiến cho lòng con hoan hỉ. - Ðáp.
6) Con há miệng để hút nguồn sinh khí, vì con ham muốn những chỉ thị của
Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật
pháp của Chúa, và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 19, 45-48
"Các ngươi đã biến đền thờ Thiên Chúa thành sào huyệt trộm cướp".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu vào đền thờ, Người liền xua đuổi các người buôn bán tại
đó và phán bảo họ rằng: "Có lời chép rằng: Nhà Ta là nhà cầu nguyện, các
ngươi đã biến thành sào huyệt trộm cướp". Và hằng ngày Người giảng dạy
trong Ðền thờ. Các thượng tế, luật sĩ và kỳ lão trong dân tìm cách hại Người,
nhưng họ không biết phải làm cách nào, vì dân chúng hết thảy đều chăm chú nghe
Người.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Nơi Gặp Gỡ Chúa
Ðền thờ Giêrusalem luôn được gắn liền với những thăng trầm của lịch sử
dân Do thái. Ngay từ lúc được vua Salomon xây cất khoảng năm 950 (Trước Công
Nguyên), đền thờ Giêrusalem đối với người Do thái luôn đóng vai trò quan trọng
vừa chính trị, vừa tôn giáo, đây là nơi biểu trưng cho sự thống nhất quốc gia
và là trung tâm sinh hoạt tôn giáo của Israel. Chính vì thế, sau khi tiến vào
Giêrusalem, Chúa Giêsu vào Ðền Thờ và theo trình thuật Tin Mừng hôm nay, Ngài
thực hiện việc thanh tẩy Ðền thờ, xua đuổi những người lạm dụng Ðền thờ, rồi bắt
đầu giảng dạy ở đó.
Ðền thờ là nơi cầu nguyện, nhưng đã bị trần tục hóa, bị con người biến
thành hang trộm cướp, nơi lường gạt nhau; đây là một sự xuống dốc tinh thần
không thể nào chấp nhận được. Trong biến cố đuổi con buôn ra khỏi Ðền thờ, tác
giả Luca xem ra nhấn mạnh đến khía cạnh Chúa Giêsu hằng ngày đến giảng dạy tại
Ðền thờ và có nhiều người chăm chú lắng nghe Ngài. Như thế, Luca nhấn mạnh đến
dung mạo trung tâm của Chúa Giêsu tại Ðền thờ thay thế các luật sĩ và tư tế;
giai đoạn mới đã đến, đó là giai đoạn mà theo trình thuật Gioan, Chúa Giêsu đã
loan báo cho người phụ nữ Samari nơi bờ giếng Giacob: "Ðã đến lúc những
người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì
Chúa Cha tìm kiếm những kẻ thờ phượng Người như thế". Sự thật đó được mạc
khải nơi Chúa Giêsu, và thần khí đó là thần khí của Chúa Giêsu được ban xuống
tràn đầy cho các môn đệ.
Qua cử chỉ thanh tầy Ðền thờ khỏi sự lạm dụng của những người Do thái thời
đó và hằng ngày giảng dạy tại Ðền thờ, Chúa Giêsu nói lên cho mọi người biết
giai đoạn mới đã bắt đầu: Ðền thờ xét như một tòa nhà, bàn thờ, những lễ vật có
giá trị, nhưng tự chúng chưa đủ, cần phải có một yếu tố quan trọng khác nữa để
hoàn thành việc thờ phượng Thiên Chúa hằng sống, đó là đức tin cá nhân của người
đến Ðền thờ dâng lễ vật và đức tin của cộng đoàn cùng nhau tôn thờ Thiên Chúa.
Nếu đến Ðền thờ mà không có đức tin và không sẵn lòng lắng nghe Lời Chúa, thì
con người sẽ dễ lạm dụng và bị lôi kéo theo sự lạm dụng của người khác.
Những gì xẩy ra cho dân Do thái ngày xưa cũng có thể xẩy đến cho các môn
đệ của Chúa trong hoàn cảnh hiện tại. Chúng ta có thể tự vấn: Ðền thờ có là nơi
cầu nguyện, nơi con người gặp gỡ Thiên Chúa và củng cố đức tin, hay đã bị lôi
cuốn vào cám dỗ của tinh thần thế tục?
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 33 TN2
Bài đọc: Rev 10:8-11; Lk 19:45-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thanh tẩy Đền Thờ
Những cám dỗ của thế gian và sự bận rộn của cuộc sống làm con người nhiều
khi không còn nhận ra được đâu là sự thật và ý nghĩa của cuộc đời. Hậu quả xảy
ra là thay vì con người phải chủ động điều khiển cuộc đời mình, con người lại để
cho cuộc đời điều khiển. Ví dụ: để cho giới con buôn hướng dẫn tòan bộ cuộc đời:
mua nhà đắt tiền, xe cộ phải như thế nào mới xứng đáng, khi đi ăn phải ở nhà
hàng nào mới sang trọng, uống rượu phải rượu XO nào mới sang trọng mà không cần
biết chai rượu đó đã trị giá cả ngày lương lao động của mình. Vì quen xài sang
nên phải kiếm ra nhiều tiền để xài, chẳng cần xét xem cách kiếm tiền có chính
đáng hay không? Bác sĩ khám bệnh nhân nghèo qua loa 5-10 phút rồi chém đẹp bằng
những giá cả bằng cả tuần lương của dân lao động. Ngày Chủ Nhật để nghỉ ngơi và
thờ phượng Chúa, cũng dùng luôn để kiếm tiền trang trải, mà không cần biết đến
những thiệt hại cho sức khỏe và cho đời sống tâm linh của mình.
Các Bài đọc hôm nay mời gọi chúng ta nhìn sâu vào Đền Thờ tâm hồn để nhận
ra những bụt thần cần được gạn lọc và thanh tẩy. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan
được mời gọi thanh tẩy tâm hồn bằng Lời Chúa qua việc nuốt Cuộn Sách Nhỏ. Trong
Phúc Âm, Chúa Giêsu vào Đền Thờ xua đuổi những kẻ đã biến Nhà Cầu Nguyện của
Cha Ngài thành hang trộm cướp.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự ngọt ngào và cay đắng
của Lời Chúa
1.1/
Sự ngọt ngào của Lời Chúa: Sau tiếng kèn thứ sáu và trước tiếng kèn thứ bảy, Gioan được chứng
kiến 2 thị kiến nhỏ: Nuốt Cuốn Sách Nhỏ trong Bài đọc hôm nay và Hai Nhân Chứng
trong Bài đọc ngày mai. Ông nghe lệnh từ trời truyền: "Hãy đi lấy cuốn
sách mở sẵn trong tay thiên thần đang đứng trên biển và đất." Ông đến gặp
thiên thần và xin người cho ông Cuốn Sách Nhỏ. Rồi tiếng từ trời lại truyền:
"Cầm lấy mà nuốt đi! Nó sẽ làm cho bụng dạ ông phải cay đắng, nhưng trong
miệng ông, nó sẽ ngọt ngào như mật ong."
Cuốn Sách Nhỏ đã mở sẵn này khác với Cuộn Sách Lớn với 7 ấn niêm phong mà
chỉ có Con Chiên mới có quyền mở. Tiếng từ trời có lẽ là tiếng của Đức Kitô.
Sách Tiên Tri (Eze 2:8-3:3) là nền tảng cho thị kiến này. Việc nuốt lấy Lời
Chúa giống như việc thanh tẩy miệng lưỡi của Jeremia (x/c Jer 15:16), chỉ sự
hòan tòan thông hiểu của Gioan về Cuốn Sách Nhỏ trước khi rao giảng cho người
khác. Hai hiệu quả trái ngược của việc nuốt Sách, ngọt trong miệng nhưng chua
trong bụng, tương xứng với nội dung của Sách: Nó loan báo chiến thắng vinh
quang của các tín hữu; nhưng nó cũng chỉ cho thấy giá đau đớn phải trả (Rev
11:1-13), trước cuộc chiến thắng vinh quang này.
1.2/
Sự cay đắng của Lời Chúa: Gioan cầm lấy cuốn sách nhỏ từ tay thiên thần và nuốt đi. Ông cảm thấy nó
ngọt ngào như mật ong trong miệng ông, nhưng khi ông nuốt rồi, thì bụng dạ ông
cay đắng. Và có tiếng bảo ông: "Một lần nữa, ông phải tuyên sấm về nhiều
nước, nhiều dân, nhiều ngôn ngữ và vua chúa."
Sự kiện này cũng xảy ra cho mọi tín hữu: Lời Chúa là ngọn đèn soi
sáng cho cuộc đời của họ. Khi bắt đầu tìm hiểu, nó êm đềm dịu ngọt; nhưng khi
phải áp dụng Lời Chúa trong cuộc đời, nó trở nên cay đắng vì phải hy sinh và chịu
đựng đau khổ mới có thể thực hiệc được. Tương tự như thế cho sứ vụ tiên tri: giảng
giải Lời Chúa đòi phải hy sinh vì không phải ai cũng sẵn lòng đón nhận sự thật.
Hậu quả các tiên tri phải lãnh nhận là sự ngược đãi và ngay cả cái chết.
2/ Phúc Âm: Thanh tẩy Đền Thờ
2.1/
Đừng biến Đền Thờ thành sào huyệt của bọn cướp: Đền Thờ là Nhà Cầu Nguyện. Các thượng tế và tư tế
là những người chịu trách nhiệm gìn giữ vẻ thánh thiêng cho Đền Thờ, nhưng họ
đã để lợi lộc vật chất lên trên việc thờ phượng Chúa. Họ lợi dụng Đền Thờ để
làm giầu, lợi dụng lòng tin để cướp của dân chúng. Có 2 cách họ có thể lợi dụng
để kiếm lời:
(1) Đổi tiền: Jerusalem là nơi giao lưu của nhiều quốc gia: Do Thái,
Hy-Lạp, Rôma, Syrian. Họ lập những quầy đổi tiền và tính phân lời trên số tiền
muốn đổi. Những quầy đổi tiền như thế vẫn còn gặp thấy nhiều trong Thành
Jerusalem ngày nay.
(2) Bán những vật hy sinh: Bất cứ người Do-Thái nào vào Đền Thờ cũng
phải dâng lễ vật hy sinh để đền tội. Họ có thể mua những con vật bên ngòai với
giá rẻ hơn nhiều; nhưng họ phải qua sự kiểm sóat của các tư tế, để những người
này xác nhận nếu vật hy sinh hội đủ điều kiện như Luật qui định. Để chắc chắn
có vật hy sinh hội đủ điều kiện, đa số dân chúng phải bấm bụng mua những con vật
này bên trong Thành (của các tư tế hay người nhà của họ) với giá cắt cổ.
Lý do chính Chúa Giêsu tức giận vì họ đã lợi dụng tôn giáo để bắt chẹt
dân nghèo, nên Ngài vào Đền Thờ, bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán và nói với
họ: "Đã có lời chép rằng: Nhà Ta sẽ là Nhà Cầu Nguyện, thế mà các ngươi đã
biến thành sào huyệt của bọn cướp!"
2.2/
Sự cay đắng của Lời Chúa: Chúa Giêsu rất can đảm khi làm công việc này vì nó động đến quyền lợi của
các nhà lãnh đạo. Vì không muốn mất uy quyền, danh vọng, và lợi lộc vật chất;
các Thượng-tế, Kinh-sư, và các nhà lãnh đạo đã quay lưng với sự thật, và họ tìm
cách giết Người.
- Đền Thờ được nói tới đây không chỉ thuần túy là Đền Thờ tại Jerusalem,
nhưng được mở rộng tới tất cả Đền Thờ tại các nơi trên thế giới, tới cả Đền Thờ
của gia đình và của mỗi cá nhân, vì như lời Thánh Phaolô, “thên xác anh em là Đền
Thờ của Chúa Thánh Thần.”
- Thanh tẩy Đền Thờ có nghĩa trả lại vị thế cho Thiên Chúa trong Đền Thờ:
đừng để bất cứ một người nào hay một điều gì lên trên Ngài, vì con người phải
kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự. Thanh tẩy Đền Thờ cũng có nghĩa là sống
công bằng bác ái với tha nhân, đừng lợi dụng bất cứ lý do gì để bóc lột và làm
giầu trên mồ hôi nước mắt của tha nhân.
- Cách thanh tẩy Đền Thờ hữu hiệu nhất là hãy trực diện với Lời Chúa, như
Gioan đã nuốt lấy Cuốn Sách Nhỏ trong Bài đọc I; hay như các Thượng-tế và
Kinh-sư trước những Lời của Chúa Giêsu thách thức họ trong Phúc Âm. Mặc dầu cay
đắng vì “sự thật luôn mất lòng;” nhưng đồng thời chỉ có “sự thật mới giải
thóat.” Như trình thuật hôm nay kể: “Vẫn còn những người nhìn ra sự thật. Tòan
dân say mê nghe Người.”
- Từ chối không chịu để cho Lời Chúa thanh tẩy, hay tệ hại hơn như các
Thượng-tế và Kinh-sư hôm nay muốn bóp nghẹt hay tìm cách tiêu diệt sự thật là
khai tử chính mình; là muốn sống theo sự giả trá và ở trong bóng tối của thế
gian. Một đền thờ như thế, như lời Chúa nói từ đầu, không còn là Đền Thờ của
Thiên Chúa, nhưng là một sào huyệt của bọn cướp.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phải thường xuyên thanh tẩy tâm hồn để luôn xứng đáng là Đền
Thờ cho Thiên Chúa ngự. Chúng ta cần xét lại những động lực thúc đẩy chúng ta
làm việc thờ phượng: Có phải vì lòng kính mến Chúa hay vì danh dự, uy quyền, và
các mối lợi vật chất?
- Lời Chúa là khí cụ tốt nhất cho việc thanh tẩy tâm hồn. Đọc và suy gẫm
Lời Chúa đêm ngày sẽ soi sáng trí lòng chúng ta để nhận ra những bụt thần và tội
lỗi trong tâm hồn trước khi có thể thanh tẩy chúng.
- Chúng ta phải chấp nhận sự cay đắng của Lời Chúa mới có thể thanh tẩy
tâm hồn được. Quay lưng lại Lời Chúa hay tìm cách bóp nghẹt Sự Thật là làm cho
Đền Thờ trở thành nơi ở của Satan và tội lỗi.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên OP
23/11/18 THỨ SÁU TUẦN
33 TN
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 19,45-48
Th. Clê-men-tê I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 19,45-48
SAY MÊ LỜI CHÚA
Hằng ngày Người giảng dạy trong Đền Thờ… toàn dân say
mê nghe Người. (Lc 19,47-48)
Suy
niệm: Hitler được kể tên trong số
những nhà hùng biện hàng đầu của nhân loại, lời nói của ông có một uy lực huyền
bí có sức thu hút quần chúng tin theo đường lối của ông; thế nhưng ông đã dùng
năng lực đó để xô đẩy cả thế giới vào một cuộc chiến tranh huỷ diệt tàn khốc
chưa từng thấy trong lịch sử loài người. Thật trái ngược hẳn với Đức Giê-su:
Ngài giảng dạy như một Đấng có uy quyền, nhưng Ngài không rao giảng sự thù hận
giết chóc; sứ điệp của Ngài là tình thương. Lời Ngài tiễu trừ ma quỉ, tha thứ tội
lỗi, khơi dậy hy vọng cho người thất vọng. Lời Ngài làm cho “người mù được thấy, kẻ què được đi, người
cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”
(Lc 7,22). Lời Ngài thật đơn sơ, gần gũi với cuộc sống nhưng cũng thật sâu
sắc, đánh động tâm hồn, thúc bách người ta hoán cải. Vì thế “toàn dân say mê nghe Lời Người.”
Mời
Bạn: Lời Chúa có làm bạn say mê
và lôi cuốn bạn đi theo và sống như Ngài không? Trong sứ điệp Truyền Giáo 2009,
ĐTC Bê-nê-đi-tô XVI nói: “Sứ mạng truyền
giáo của Giáo Hội là làm cho mọi dân tộc được ‘nhiễm’ niềm hy vọng [cứu độ]” (số 1). Cách sống
của bạn có sức “truyền nhiễm” Lời Chúa khiến anh em lương dân cảm nhận, say mê
và tin theo Lời Ngài không?
Chia sẻ: Việc loan báo Tin Mừng của bạn có trở nên phản cảm vì lối sống “ngôn hành
bất nhất” không?
Sống
Lời Chúa: Trung thành suy niệm Lời
Chúa hằng ngày và quyết tâm làm một việc cụ thể có hướng truyền giáo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết say mê Lời Chúa là lẽ sống đời con.
(5 phút Lời Chúa)
Nhà cầu nguyện
Nơi nào có
Chúa hiện diện, nơi ấy là đền thờ. Cần bỏ dép ở ngoài trước khi bước vào ngôi đền
thờ là trái tim tha nhân. Cần năng thanh tẩy lại đền thờ tâm hồn mình bằng bí
tích Hòa Giải.
Suy niệm:
“Đức Giêsu vào Đền thờ” (c. 45),
ngay sau khi Ngài vẻ vang tiến vào thành phố Giêrusalem.
Ngài vào Nhà của Cha Ngài, nơi Ngài đã được tiến dâng (Lc 2, 22),
nơi Ngài đã muốn ở lại năm mười hai tuổi (Lc 2, 49).
Ngài đã lên Đền thờ nhiều lần trong đời, nhưng đây là lần cuối.
Lên Đền thờ lần cuối là một quyết định sinh tử (Lc 9, 51),
vì Ngài biết những gì đang chờ đợi mình ở đây (Lc 13, 33).
“Ngài bắt đầu đuổi những kẻ đang buôn bán ở đó.”
Người ta bán những con vật, để người mua dâng cúng cho Đền thờ.
Nơi buôn bán này ở chung quanh Đền thờ,
tuy vẫn nằm trong khu vực Đền thờ, nơi Dân Ngoại được phép lui tới.
Dĩ nhiên việc buôn bán ở đây là có phép của ban an ninh Đền thờ,
nên chúng ta không hiểu tại sao Đức Giêsu lại muốn đuổi họ.
Hiếm khi chúng ta thấy Đức Giêsu nổi giận hay dùng sức mạnh.
Còn ở đây Ngài mạnh mẽ cả trong hành động lẫn lời nói.
“Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện,
thế mà các ngươi đã biến nó thành hang trộm cướp” (c. 46).
Đức Giêsu đã vào thành Giêrusalem như một vị vua khiêm hạ.
Còn bây giờ Ngài đuổi những người buôn bán như một ngôn sứ.
Vị ngôn sứ giận dữ vì thấy nhà cầu nguyện trở thành nơi kinh doanh.
Đức Giêsu đã muốn làm cho Đền thờ được sạch khỏi chuyện bán buôn,
dù chuyện này cũng nhắm phục vụ cho việc tế tự.
Sau khi thanh tẩy Đền thờ, Ngài đã chọn nơi thánh này
làm nơi Ngài tập trung dạy dỗ từng ngày cho đến lễ Vượt Qua (c. 47).
Ngài đã sống những ngày cuối đời như một vị Thầy dạy.
Lời giáo huấn của Đức Giêsu đã gây ra những phản ứng ngược nhau.
Dân chúng thì say sưa với những lời Ngài dạy (c. 48),
còn giới lãnh đạo tôn giáo ở Đền thờ lại tìm cách giết Ngài (c. 47).
Phải chăng họ khó chịu với việc Đức Giêsu được dân chúng tung hô,
hay bực bội về việc Ngài như có quyền đuổi những người buôn bán,
hay ghen tương với việc dân chúng mê mải nghe Ngài?
Đời người Kitô hữu gắn liền với nhiều đền thờ.
Có những đền thờ, nhà thờ bằng gỗ đá, được cung hiến.
Có những đền thờ thiêng liêng như Hội Thánh, như các tín hữu.
Chính bản thân tôi, thân xác tôi, tâm hồn tôi cũng là đền thờ.
Nơi nào có Chúa hiện diện, nơi ấy là đền thờ.
Cần bỏ dép ở ngoài trước khi bước vào ngôi đền thờ là trái tim tha nhân.
Cần năng thanh tẩy lại đền thờ tâm hồn mình bằng bí tích Hòa Giải.
Chúng ta thường thiếu sự giận dữ của Đức Giêsu
khi đứng trước những đền thờ là tâm hồn của những người trẻ bị ô uế.
Chúng ta dửng dưng khi Chúa bị trục xuất ra khỏi đền thờ lòng mình,
để thay vào đó là những thần tượng vô hồn, rẻ tiền và câm lặng.
Xin Giêsu giúp ta quét dọn các rác rưởi nơi đền thờ của trí tuệ,
để lời Chúa làm chúng ta say mê lắng nghe và thực hành.
Cầu nguyện:
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ
khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng
thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh
bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng
của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm
đoạt,
để biết tự hiến trong yêu
thương.
Xin đừng để con phung phí sức
lực
vào những chuyện tình cảm
chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện
mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời
gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 11
23 THÁNG MƯỜI MỘT
Mở Rộng Tấm Lòng
Để Đón Nhận
“Bất cứ ai đón nhận em bé này nhân danh Thầy là đón nhận chính Thầy” (Lc
9,48). Lời ấy của Chúa Giêsu soi sáng ý nghĩa của việc đón nhận trẻ em làm con
nuôi. Quyết định nhận nuôi một đứa trẻ luôn luôn phát xuất từ tình yêu đối với
trẻ em và từ nỗi khát khao được làm cha làm mẹ. Việc nhận con nuôi là một chứng
tá độc đáo loan báo cho thế giới thấy tấm lòng rộng mở để chia sẻ sự sống và
tình yêu tự nguyện đối với một đứa trẻ đang cần có cha mẹ và cần một mái ấm gia
đình.
Dù trong thời đại chúng ta những đám mây đen đang vần vũ trên các gia
đình, chúng ta vẫn được khích lệ bởi vô số những tấm gương quảng đại rực sáng
lên trong các gia đình Kitôhữu. Chúng ta ngập tràn hy vọng khi nhìn thấy các chứng
tá ấy. Những sự chọn lựa theo tinh thần Kitô giáo thường trái ngược với não trạng
thế gian xung quanh chúng ta. Những sự chọn lựa ấy sẽ thách đố và chất vấn những
người cần nghe Tin Mừng, những người có khuynh hướng muốn sống một cuộc sống
đóng kín và ích kỷ. Việc nhận con nuôi là một dấu hiệu qua đó các gia đình Kitôhữu
tuyên bố rằng mình không muốn khép kín nơi chính mình – trái lại, muốn mở ra
đón nhận một đứa trẻ đáng thương và nhận một trách nhiệm cao cả cách vui tươi
và vô vụ lợi.
Quyết định nhận con nuôi không bao giờ là một quyết định dễ dàng. Thật vậy,
quyết định đó luôn luôn kèm theo với nó những bổn phận hết sức quan trọng và phức
tạp. Tuy nhiên, đó là một quyết định có sức làm phong phú cộng đồng.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng trong thời đại chúng ta ngày càng có nhiều gia
đình ước ao nhận ocn nuôi. Đây rõ ràng là một chiều hướng tích cực. Đây là một
sự đáp trả đầy yêu thương trước một tiếng gọi cao cả. Đó là lý do tại sao tôi
muốn bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với những gia đình đang đảm nhận công việc
quan trọng này. Tôi cũng muốn khích lệ công việc của những người liên hệ đến việc
giới thiệu nhận con nuôi. Xin Chúa chúc lành cho công việc đầy ý nghĩa này và
chúc lành cho mọi gia đình đang nuôi dạy những đứa con nuôi một cách đầy yêu
thương và quảng đại.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Thánh Clêmentê I
giáo hoàng Tử đạo;
Kh 10, 8-11; Lc 19,
45-48.
LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu vào Đền Thờ. Người bắt
đầu duổi những kẻ đang buôn bán, và nói với họ: “Đã có lời chép rằng:Nhà ta sẽ
là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt của bọn cướp.” (Lc
19,45-46).
Tất cả mọi tâm hồn của mọi Ki-tô hữu đều là Đền thờ của Chúa Thánh Thần,
không những thế, Máu Thịt của Chúa Ki-tô đang hòa lẫn với máu thịt người Tín Hữu
khi chúng ta rước Mình Thánh Chúa vào trong tâm hồn của mình. Nhưng tình trạng
tâm hồn của chúng ta sẽ ra sao? Nó có trở thành nơi mua bán, gian lận và chèn
ép, hay là sào huyệt của bọn cướp? Chúng ta phải cầu khẩn xin Chúa đến để tẩy sạch
vả đổi mới tâm hồn mình. Bởi chính Chúa Giêsu, Ngài luôn tìm cách được sống
trong chúng ta, Ngài đang tha thiết muốn lập lại giao ước với chúng ta dù chúng
ta đang ở trong tình trạng nào. Bởi Thiên Chúa là tình yêu.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-11
Thánh CLÊMENTÊ I
Giáo Hoàng Tử Đạo
Cuộc tử đạo của ĐGH Clementê I |
Người ta biết được về thánh Clêmentê, vị giáo hoàng trị vì trong 10 năm
chỉ nhờ bức "thư gởi giáo hữu Corintô" thôi. Vào thế kỷ thứ IV có lưu
hành những chứng thư đầy huyền thoại. Theo đó, cha Ngài là Phaustin thuộc dòng
dõi Giacop. Sinh tại Roma, được nuôi dưỡng trong Do thái giáo.
Thánh Clêmentê đã nghe theo những diễn từ của các thánh tông đồ và trở
thành môn đệ các Ngài. Ngài đã theo thánh Phaolô trong các hành trình đi truyền
giáo và đã trở thành đấng kế vị thứ ba của thánh Phêrô. Vua Trajanô đang bách hại
các Kitô hữu biết được rằng: vị giáo hoàng đã đem được nhiều người trở lại đạo.
Ông kết án Ngài phải làm việc khổ sai tại các hầm mỏ bên kia Bắc Hải, trong các
miền hoang vắng. Hai ngàn Kitô hữu đẽo đá tại đây chịu cảnh khát nước thảm khốc.
Tương truyền rằng thánh Clêmentê cầu nguyện rồi lên một ngọn đồi và thấy
một con chiên ghi dấu chân đúng vào chỗ có dòng nước tươi mát vọt lên làm giảm
khát cho người mang án. Các bức tranh cẩn đâu tiền còn diễn lại biểu tượng một
con chiên đứng trên ngọn núi xanh. Nhà vua khi biết được rằng thánh Clêmentê đã
dùng lời nói và phép lạ để an ủi các Kitô hữu, liền sai các sứ giả tới cột cổ
Ngài vào một cái neo rồi ném xuống biển. Lệnh đường thi hành. Nhưng trong khi
các tín hữu cầu nguyện trên bờ, họ thấy dòng nước rút đi một cách lạ lùng và có
thể đưa xác vị tử đạo lên đất liền.
Điều chắc chắn kính là bức thư của thánh Clêmentê đã thành một trong các
tài liệu quí giá của Kitô giáo thời Chúa xưa. Các Kitô hữu Côrintô chạy đến Đức
giáo hoàng để tìm hoà giải những cuộc tranh chấp, đã kính cẩn đón tiếp thư của
Ngài. Những thư này được đọc cho các cộng đoàn tín hữu. Thư của thánh Clêmentê
chứng thực việc thánh Phêrô đến và chịu chết ở Roma, việc Nêrô bắt các Kitô hữu
làm trò mua vui. Thư cũng gợi ý cho chúng ta việc tổ chức Giáo hội. Giữa các sự
việc lớn lao khác, thánh Clêmentê đã nói:
- "Ai mạnh hãy lo cho người yếu. Người giầu hãy giúp đỡ người nghèo
và người nghèo hãy chúc tụng Chúa và điều Ngài muốn cung ứng cho các nhu cầu của
họ. Người khôn ngoan hãy tỏ ra khôn ngoan không phải chỉ trong lời nói mà còn
trong các việc lành. Người khiêm tốn đùng nóí gì về mình và đừng tìm phô diễn
hành động của mình. Người lớn không thể tồn tại mà không có người nhỏ và người
nhỏ cũng không thể tồn tại mà không có người lớn... Thân thể không thể bỏ qua sự
phục vụ của những chi thể nhỏ bé hơn.
Các tín hữu còn học biết bằng qua những âu lo vô ích và sống đời sám hối,
mỗi người phải biết vâng phục để trở nên tôi tớ hoàn tất vinh quang Thiên Chúa.
Đức Kitô đã không đến trong kiêu sa, nhưng đã tự hạ, đã chịu khổ cực. Vậy phải
nên thánh và tín thác cho Chúa.
Chỉ một bức thư này còn quan trọng trong sự thật vượt xa mọi truyện thần
thoại.
(Daminhvn.net)
23 Tháng Mười Một
Tấm Gương Trong Lâu Ðài Versailles
Lâu đài Versailles. |
Lâu đài Versailles ở ngoại ô Paris là một trong những danh lam thu hút
nhiều du khách nhất. Trong lâu đài, nơi mà du khách cảm thấy bị giữ chân lâu nhất
đó là phòng khánh tiết bằng pha lê, được trang bị bằng hàng ngàn tấm kính từ
trên trần nhà đến các vách tường.
Du khách sẽ ngỡ ngàng vì một hiện tượng lạ lùng: Nếu bạn đưa tay ra và chỉ
về một phía nào đó, bạn sẽ thấy có hàng trăm ngàn cánh tay và hàng ngàn khuôn mặt
đang hướng về bạn như đang ngắm nhìn bạn. Bạn sẽ cảm thấy như mọi người đang
chú ý đến bạn. Nhưng nhìn cho kỹ thì tất cả những cánh tay, tất cả những khuôn
mặt đó đều là của bạn.
Ðó là hình ảnh của mỗi người trong chúng ta. Ai trong chúng ta cũng cho
mình là quan trọng nhất. Tất cả mọi hành động, mọi ý nghĩ, mọi lời nói, đều tập
trung vào bản thân chúng ta và trong lòng chúng ta không còn một chỗ trống nào
dành cho người khác.
Cái tôi trong chúng ta có thể là một trở ngại cho tương giao giữa chúng
ta và người khác cũng như tương giao giữa chúng ta và Chúa. Sự sống của Chúa chỉ
có thể lớn mạnh trong chúng ta và sự sống của chúng ta chỉ có thể triển nở là
lúc chúng ta thực sự sống cho Chúa. Lời của Ngài phải tiêu diệt cái tôi ích kỷ
trong chúng ta để chúng ta có thể lớn lên trong Người. Nói như thánh Gioan Tẩy
Giả khi gặp chúa Giêsu: "Ngài phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ lại".
Thưa bạn, đó là bí quyết trong cuộc sống của người Kitô chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét