24/02/2019
Chúa Nhật 7 Thường Niên năm C
(phần I)
BÀI ĐỌC I: 1 Sm 26, 2.
7-9. 12-13. 22-23
“Chúa trao đức vua trong tay
tôi mà tôi không nỡ ra tay”.
Trích sách Samuel
quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy,
Saolê cùng với ba ngàn quân sĩ tinh nhuệ của Israel kéo xuống hoang địa Ziphô để
vây bắt Đavít. Ban đêm Đavít và Abisai đến nơi quân sĩ (của vua) đóng, và thấy
Saolê đang nằm ngủ trong lều, cây giáo của ông thì cắm xuống đất ở phía đầu.
Abner và quân sĩ thì ngủ chung quanh ông.
Abisai liền nói với Đavít
rằng: “Hôm nay, Thiên Chúa đã trao kẻ thù trong tay ngài; vậy giờ đây xin cho
tôi lấy giáo đâm ông ấy một phát thâu xuống đất, không cần đến phát thứ hai”.
Nhưng Đavít nói với Abisai rằng: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng
Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Đavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu của
Saolê và cả hai ra đi. Không ai hay biết và không ai thức dậy, nhưng mọi người
vẫn ngủ, vì Chúa khiến họ ngủ say.
Đavít sang phía bên
kia, đứng trên ngọn núi đàng xa, đôi bên cách xa nhau. Ngài hô lên rằng: “Đây
là ngọn giáo của nhà vua, một trong các cận vệ của vua hãy qua đây mà lấy, Chúa
sẽ báo đáp cho mỗi người tuỳ theo sự công minh và thành tín cuả họ, vì hôm nay
Chúa trao đức vua trong tay tôi mà tôi không nỡ ra tay giết đấng được Chúa xức
dầu”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2.
3-4. 8 và 10. 12-13.
Đáp: Chúa là Đấng từ
bi và hay thương xót. (c. 8a).
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi,
hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng danh Người. Linh hồn
tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. – Đáp.
2) Người đã tha thứ
cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi
khỏi chỗ vong thân, Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi, ân sủng. – Đáp.
3) Chúa là Đấng từ bi
và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không xử với
chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
– Đáp.
4) Cũng như từ đông
sang tây xa vời vợi, Người đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. Cũng như người cha
yêu thương con cái, Chúa yêu thương những ai kính sợ Người. – Đáp.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 15,
45-49
“Như chúng ta đã mang hình ảnh
của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người thiên quốc
như vậy”.
Trích thư thứ nhất
của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, Ađam
cũ là người có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Những điều có
trước, không phải thuộc linh giới, mà là thuộc thể giới, rồi mới đến cái thuộc
về linh giới. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc về địa giới, còn người thứ
hai bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì
những người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào,
thì những người khác thuộc thiên giới cũng vậy. Bởi thế, như chúng ta đã mang
hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người
thiên quốc như vậy. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Ga 6, 64b và
69b
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, lời của Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống
đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 6, 27-38
“Các con hãy tỏ lòng thương xót
như Cha các con hay thương xót”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy
yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền
rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì
đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo
trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con
muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu
các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội
lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các
con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các
con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những
người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ
thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các
con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu
với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân
từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét
đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được
tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn,
đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng
sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”. Đó là lời Chúa.
Suy niệm:Tinh thần Phúc
Âm mới. Yêu mến thù địch
Có thể nói ai cũng biết
bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe đọc, kể cả người ngoài Kitô giáo. Hết mọi người
đều biết đạo Chúa dạy phải yêu mến thù địch và làm ơn cho những kẻ oán ghét
mình. Hơn nữa, người ta còn biết đến cả chi tiết của lời Chúa dạy: Nào kẻ tát
má này thì hãy chìa má kia nữa cho nó, và người đoạt áo choàng cũng đừng cản nó
lấy áo lót. Không biết trong thế gian này đã được mấy người thi hành triệt để
những điều dạy này? Hay người ta phải giải thích lệnh Chúa truyền một cách
“bóng bẩy” hơn? Hai bài Kinh Thánh kia đọc trong thánh lễ hôm nay có giúp chúng
ta hiểu bài Tin Mừng chính xác hơn không? Chúng ta cứ thử xem thế nào!
1. Bài sách Cựu Ước
Câu chuyện Ðavít xứng
đáng đi trước bài Tin Mừng. Ngay ở thời Cựu Ước, người ta đã biết tha thứ cho cừu
địch. Ðavít tha chết cho Saul mặc dù vua này chỉ muốn thủ tiêu Ðavít. Ðọc kỹ lại
câu chuyện, chúng ta còn khám phá được nhiều chi tiết đáng kể nữa.
Như mọi người biết
Saul là vị vua đầu tiên của con cái Israen. Ông đã có thời được Chúa tin dùng
và chúc phúc. Nhưng ông đã bất trung, làm nhiều điều tội lỗi, khiến Chúa phải
chọn một người khác để thay thế ông. Ðó là Ðavít, một cậu bé chăn chiên có mái
tóc hoe, đôi mắt xinh xắn và dáng vẻ khôi ngô. Chúa cho Ðavít thắng được tên
Gôliát từng đe dọa thách thức con cái Israen. Nhờ đó Ðavít được đưa vào đền
vua. Nhưng những tiếng ken của dân chúng lại làm cho Saul ghen ghét Ðavít. Bao
nhiêu cạm bẫy ông đặt ra, Ðavít đều thoát khỏi. Lòng Saul lại càng như lửa
cháy. Ðavít biết thân phận đành bỏ trốn, lang thang lâu năm nơi đất khách quê
người và thường phải lấy sa mạc mênh mông làm nơi ẩn núp. Nhưng Saul vẫn không
buông thả. Bài sách Samuen hôm nay cho thấy ông lấy cả 3,000 tinh binh, thân
hành di truy lùng Ðavít.
Chắc chắn cuộc săn đuổi
đã khiến ông mệt nhọc. Ông phải nằm ngủ, nhưng quân binh vẫn đóng trại chung
quanh. Ðavít nhìn thấy, Và đem theo một người bộ hạ. Ðavít đã có thể lén đến gần
Saul mà chẳng ai biết gì. Sung sướng, tên bộ hạ xin phép hạ thủ Saul. Ðavít
không cho, chỉ lấy cây giáo và chóe nước nơi đầu chỗ Saul nằm rồi đi. Sang đến
bên kia sườn núi, Ðavít mới lên tiếng đánh thức quân binh của Saul và nói cho họ
rõ: Hôm nay nếu muốn sát hại Saul, thì Ðavít đã làm xong.
Người ta có thể nghĩ
Ðavít có thái độ quân tử không? Lịch sử cũng kể nhiều vị đại tướng và hoàng đế
tha chết cho kẻ thù một cách cao thượng như vậy. Nhưng bấy giờ Ðavít không phải
là hoàng đế hoặc đại tướng mà vẫn còn là một kẻ cô đơn phải lẩn trốn sự truy
lùng của quân binh nhà vua. Ðavít đã không hành động như các nhà chính trị và
quân sự hào hiệp. Chàng nhỏ bé hơn nhiều. Mặc dù được Chúa chọn, chàng vẫn cư xử
như kẻ bầy tôi của vua Saul. Chàng chưa thay đổi gì cả, kể từ ngày được xức dầu,
ngoại trừ bản chất đơn sơ, đạo đức của kẻ mục tử bây giờ được thêm ơn Chúa đã
dám liều mạng trong nhiều cử chỉ hào hiệp.
Chính vì vậy đoạn văn
này không thể là một trang anh hùng ca, mặc dù có nhiều yếu tố khiến tác giả có
thể dùng để tạo nên một áng văn như thế.
Ở đây, Ðavít không tỏ
ra là một tay anh hùng, nhưng chỉ là một tâm hồn đạo đức, Ðavít không để cho bộ
hạ lấy đầu Saul chỉ vì chàng kính sợ Chúa và giữ lời Chúa truyền dạy. Chàng biết
Saul là đấng đã được xức dầu và Luật pháp không cho phép ai động đến một con
người như thế. Chàng không nghĩ đến quyền lợi của mình, chàng tôn trọng ý Chúa.
Chàng để Chúa quyết định cho Saul.
Do đó, nếu chỉ đọc đoạn
văn hôm nay, chúng ta mới chỉ thấy lòng đạo đức của Ðavít. Lòng kính sợ Chúa đã
khiến chàng không muốn tra tay trên đấng được xức dầu của Ðức Giavê. Phải đọc
thêm nữa, đọc tất cả những đoạn nói đến quan hệ giữa Saul và Ðavít, chúng ta mới
thấy rõ lòng yêu kẻ thù của Ðavít. Mặc dù Saul luôn tìm cách hạ sát mình, Ðavít
từ đầu chí cuối vẫn một lòng kính yêu đối với chủ mình. Chàng không xét đến quyền
lợi riêng nhưng luôn chỉ muốn cầu hòa và không bao giờ có lòng thù ghét Saul. Với
bối cảnh chung như vậy, chúng ta có thể bảo đoạn văn hôm nay cũng nói lên lòng
yêu thương thù địch của Ðavít. Chàng đã tha chết cho kẻ luôn tìm cách sát hại
mình một cách vô cớ. Và đoạn văn này xứng đáng đi trước bài Tin Mừng hôm nay.
Tuy nhiên một lần nữa
chúng ta đừng quên lòng đạo đức của Ðavít. Chính vì kính sợ Chúa mà chàng đã cư
xử rất quảng đại và hào hiệp với Saul. Nhà vua không ngớt thù ghét chàng, nhưng
chàng lại luôn giữ một lòng kính yêu. Ðavít vẫn còn treo cao tấm gương đó cho
chúng ta khi muốn thi hành lời Tin Mừng hôm nay.
2. Bài Tin Mừng
Tác giả Luca trong đoạn
văn này tỏ ra không quan tâm nhiều lắm đến khía cạnh văn chương. Nghe đọc lần đầu
chúng ta chẳng thấy luận lý gì cả. Các tư tưởng xem ra được viết ra bừa bãi
không theo một thứ tự nào cả. Cũng có láy đi láy lại một vài ý nhưng tác giả
không dụng ý xếp thành hệ thống, khiến người đọc và nghe khó nhớ được tất cả.
Là vì đây là đoạn văn
tiếp nối Bài giảng trên Núi về các Mối phúc thật, diễn tả tinh thần Phúc Âm mới
mẻ của Chúa Giêsu. Người tiếp tục bài giảng lạ lùng ấy bằng đoạn văn hôm nay,
có thể nói không phải để đưa ra thêm ý tưởng nào, nhưng chỉ để trưng ra một số
các thí dụ để giải thích thêm về tinh thần Phúc Âm. Tinh thần này là một sự sống
mới, sự sống của chính Thiên Chúa muốn chia sẻ với loài người. Chắc chắn không
một công thức nào có thể diễn tả đầy đủ. Một bài thuyết minh dài với cấu trúc
chặt chẽ cũng không hứa hẹn hơn. Người ta phải chọn nhiều quan điểm, nhiều khía
cạnh để nhìn vào, họa may chân lý mới, hiện lên được trong sự phong phú của nó.
Vậy, ở đây Chúa Giêsu
muốn dùng nhiều ví dụ khác nhau để đưa thính giả của Người vào tinh thần mới của
Phúc Âm. Và đám thính giả này, theo Luca cho biết ở đầu Bài Giảng Trên Núi, là
nhóm đông môn đệ cùng đoàn lũ dân chúng đông đảo. Nhưng thật ra khi nói, Chúa
Giêsu lại ngước mắt nhìn riêng các tông đồ. Chúng ta có thể hiểu các môn đồ đây
là Nhóm 12 tông đồ mà Người mới chọn. Tuy nhiên, đúng hơn nên hiểu từ ngữ theo
một nghĩa rộng hơn, bao gồm tất cả các môn đệ. Nhất là nơi Luca, chữ môn đồ thường
ám chỉ mọi tín hữu trong Hội Thánh buổi sơ nguyên. Như vậy, có thể nói Luca viết
bài này cho tất cả chúng ta nay là môn đồ của Chúa Giêsu.
Người dùng một số ví dụ
để đưa chúng ta vào tinh thần Phúc Âm mới của Người. Trước hết, Người dạy chúng
ta “hãy yêu mến thù địch và làm ơn cho những người oán ghét các ngươi”. Những ý
sau chỉ diễn tả thêm. Nào là hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa, khẩn cầu cho kẻ
ngược đãi, kẻ tát má này hãy chìa má kia nữa. Chúng ta không có điều kiện để
phân tách tỉ mỉ từng câu từng chữ, nhưng chúng ta phải biết Chúa muốn dạy gì
đây.
Người thế gian thường
oán ghét thù địch và chỉ muốn làm hại nó hoặc chỉ muốn cho nó bị hại. Còn tinh
thần mới của Chúa đem đến là lòng yêu thương và làm ơn. Nhưng để hiểu rõ ý của
Chúa, có lẽ tiên vàn chúng ta phải xác định ai là thù địch. Ðối với người Do
Thái, hết mọi người không phải là con cái Israen đều là thù địch - vì họ có tôn
giáo khác và luôn luôn trở thành cạm bẫy dụ dỗ họ rơi vào đa thần tà giáo. Thế
nên có thể nói vì muốn bảo vệ một cách quá khích mà người Do Thái coi mọi người
như thù địch... Sang đến môi trường của Luca, nói với các môn đồ của Chúa, thù
địch theo nghĩa trên bây giờ lại là những người Do Thái và đặc biệt là hoàng đế
Rôma và các khanh tướng của ông đang bắt đạo thời bấy giờ.
Vậy tinh thần mới của
Phúc Âm bây giờ không giống như các lệnh truyền thời Cựu Ước nữa. Chúa Giêsu đã
đến thiết lập Nước Trời, không đóng khung trong một dân tộc và truyền thống của
dân tộc ấy, nhưng mở rộng hai cánh tay trên thập giá để đón nhận mọi tâm hồn thống
hối ăn năn. Người đến đem tình yêu cứu độ đến cho mọi người tội lỗi. Môn đệ của
Người không còn được kỳ thị ai nữa. Ngay đối với những kẻ bắt bớ mình, họ cũng
phải theo gương Chúa trong mầu nhiệm Cứu Thế; chấp nhận sỉ nhục, đau thương và
khẩn cầu chúc phúc cho kẻ làm khổ mình “vì chúng không biết việc chúng làm”.
Trong mầu nhiệm thánh giá cứu chuộc Chúa Giêsu Kitô giống như Người Tôi Tớ đau
khổ trong sách các tiên tri. Thế nên ở đây tác giả Luca gợi lên hình ảnh tát
má, giật áo... những điều mà Ðức Giêsu Kitô cũng đã phải chịu. Tác giả không có
ý bảo chúng ta phải thi hành theo chữ đen, nhưng dạy chúng ta phải có tinh thần
như Chúa chúng ta trong mầu nhiệm Thánh Giá. Hiểu như vậy, chúng ta sẽ đọc thấy
một tinh thần mới, tinh thần của các mối phúc thật, được diễn tả trong đoạn văn
này, hơn là khẳng định đây là những việc mà chúng ta phải thi hành theo nghĩa
đen. Nói đúng hơn, có tinh thần của Chúa Cứu Thế trong mầu nhiệm Tử nạn - Phục
sinh rồi, thì mới hiểu và mới làm được những lệnh truyền kia, và còn làm hơn thế
nữa, miễn sao chứng tỏ được mình là môn đồ của Chúa.
Cũng vì vậy mà Luca
không dừng lại ở những việc trên. Người còn đi xa hơn, nói đến việc cho vay mượn
và cho của cải. Người không nghĩ đến những điều người viết trong sách Công vụ Sứ
đồ sao? Các môn đồ thời ấy biết chia sẻ cho nhau để ở giữa họ không ai phải thiếu
thốn. Lòng yêu mến thù địch đã biến sang tình huynh đệ chân thật mà Chúa Giêsu
đã dạy bảo và đã gọi là lệnh truyền và giới răn mới của mình. Và nền tảng, nguồn
gốc của tinh thần và lệnh truyền ấy, chính là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Người thương xót con cái loài người, trước đây thù địch với Người và với nhau.
Người cho Con Một của Người xuống thế, đem lòng thương xót đó đến hòa giải hết
thảy nên một dân tộc mới là đoàn con và là đoàn chiên của Chúa. Chính lòng
thương xót đã đổi mới họ và ban cho họ sự sống mới, sự sống của lòng thương
xót, khiến ai có sự sống mới cũng phải đầy lòng thương xót.
Sách Tin Mừng Luca đã
được mệnh danh là tác phẩm của lòng thương xót. Ðoạn văn hôm nay nằm trong tác
phẩm ấy. Nó cũng chẳng muốn nói gì hơn là dạy ta hãy theo gương lòng thương xót
của Chúa biểu lộ đặc biệt trong mầu nhiệm Cứu Thế để chúng ta luôn có nếp sống
và thái độ xót thương mọi người, khiến không ai còn là thù địch hoặc xa lạ,
nhưng hết thảy đã trở thành anh em vì đã là môn đồ của Chúa. Nếu ngay trong đạo
Do Thái cũng chỉ có một loại thù nghịch đáng kể là thù nghịch làm hư hỏng niềm
tin; mà tinh thần mới của Phúc Âm đã hủy bỏ loại thù nghịch đó rồi, thì đối với
người môn đồ của Chúa không còn có thể có một mối thù nghịch nào nữa, khiến đạo
của họ mới thật là bác ái yêu thương. Thực tế họ có thể sống được như vậy
không?
3. Bài thơ Phaolô
Thánh Tông Ðồ rất thực
tế. Bức thư này của người thường được gọi là Bức Thư của người Công Giáo, nói đến
nếp sống Công Giáo trong Hội Thánh Công Giáo, đang khi thư Rôma được gọi là thư
của người Tin Lành vì được những người này yêu thích cách riêng. Vậy trong thư
nói về nếp sống Công Giáo, Phaolô không ảo tưởng nghĩ rằng mọi môn đồ của Chúa
đều đã hoàn toàn và có thể thi hành các lệnh truyền của Chúa cách dễ dàng. Ðặc
biệt tinh thần mới mà Chúa Giêsu đã mang đến, theo thánh nhân, chúng ta đón nhận
trong thân xác yếu hèn, chẳng khác những bình sành lọ đất. Chúng ta khó giữ được.
Và càng khó thi hành được. Bởi vì chúng ta không thần thiêng như Thiên Chúa.
Chúng ta được cấu tạo bằng thể xác và linh hồn. Hơn nữa Ơn Chúa đến đổi mới
chúng ta, nâng cao bản tính con người lên, kết hợp và chia sẻ sự sống Thiên
Chúa, khiến nơi chúng ta vừa có con người cũ do Ađam lưu truyền vừa có con người
mới do Chúa Giêsu mặc cho. Con người Ađam do tự đất, nên luôn hướng chiều về đất.
Con người Giêsu do tự trời, nên muốn kéo chúng ta lên những sự cao siêu. Con
người do đất là người trần ai, muốn sống như người phàm trần, con người do Chúa
kéo chúng ta bắt chước nếp sống của Người. Vì người môn đồ ở trong một thế hai
chiều như vậy, nên họ luôn bị giằng co. Tự nhiên họ muốn đối xử với mọi người
theo cách thế gian là yêu bạn hữu ghét thù địch. Nhưng ơn của Chúa, tinh thần mới
của Phúc Âm mà họ nhận được khi tái sinh trong phép rửa, lại thúc giục họ thi
hành lệnh truyền của Chúa là yêu mến thù địch.
Do đó, kết luận hiển
nhiên là nếu muốn thi hành điều Chúa dạy, họ phải tăng cường tinh thần của Người.
Thánh lễ cho ta cơ hội đặc biệt để làm công việc này. Nhờ thân thể vinh quang của
Chúa Giêsu mà chúng ta được lãnh nhận, Thánh Thần được ban thêm cho ta, sức sống
thần linh được tăng cường để chúng ta lựa chọn nếp sống Phúc Âm. Chúng ta được
hạnh phúc hơn đã sống theo tinh thần của Chúa, Ðấng đã đến để thi hành công cuộc
hòa giải. Người lôi kéo chúng ta vào mầu nhiệm Cứu Thế, nơi mà kẻ tội lỗi và
trước đây là thù địch cũng được hưởng lòng thương xót, để hết thảy trở nên Dân
mới và là anh em với nhau. Xin cho chúng ta nhờ thánh lễ này được nhiều tinh thần
ấy.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa - của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 7 Thường Niên, Năm C
Bài đọc: 1
Sam 26:2, 7-9, 12-13, 22-23; 1 Cor 15:45-49; Lk 6:27-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:Anh
em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.
Một lần, sau khi đã giảng bài Phúc Âm hôm nay cho đám trẻ, và nhấn mạnh đến những
lời dạy dỗ của Đức Kitô, tôi muốn thử đám trẻ xem coi chúng sống Lời Chúa như
thế nào. Tôi bảo đứa em là Anjali (7 tuổi) thử tát anh là Raj (9 tuổi) xem coi
anh mình phản ứng thế nào. Anjali quay lại, lấy hết sức bình sinh tát anh một
cái như trời giáng. Raj túm lấy em đánh túi bụi ngay khi đang tham dự thánh lễ
trước sự chứng kiến của cha mẹ và nhiều người. Cha mẹ phải can hai anh em. Tôi
không ngờ Anjali tát anh mình một cái tát mạnh như thế, có lẽ là tích tụ của
bao năm bị anh bắt nạt! Tôi hỏi Raj: “Tại sao cha mới dạy em về cách hành xử
theo Đức Kitô dạy là hễ ai tát má này, hãy đưa má khác cho người ta, mà con đã
không đưa má khác thì chớ, lại còn đánh em túi bụi?” Raj trả lời: “Tại vì nó
tát con đau quá. Nếu nó chỉ tát nhẹ thôi, con sẽ đưa má khác cho nó!”
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến cách hành xử của Đức Kitô và của những người
con Thiên Chúa. Trong bài đọc I, vua Saul tiếp tục truy lùng để tìm giết David
cho dẫu David không ngừng làm những điều tốt lành cho nhà vua. Khi cơ hội ngàn
năm một thuở đến để David có thể trả thù, David từ chối hành xử theo kiểu của
thế gian, ông lấy cây Phủ Việt và bình nước của nhà vua khi vua đang say ngủ,
đi ra mộtquãng xa, và gọi vua sai binh lính sang lấy về. Vua Saul rất ngạc
nhiên về cách cư xử của David, và nhà vua thay đổi lòng dạ với David. Trong bài
đọc II, Đức Kitô tuy không có tội chi cả, nhưng sẵn sàng chấp nhận làm người để
chết thay cho nhân loại. Chính hành động dũng cảm này đã xóa tội cho nhân loại
và ban Thần Khí của Thiên Chúa cho mọi người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các
môn đệ cách hành xử của người Kitô hữu đối với kẻ thù. Ngài cũng cho những lý
do tại sao họ phải làm như thế.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Phải có kiên nhẫn để thay đổi lòng dạ của kẻ
thù.
1.1/ Mối thù hận của vua
Saul đối với David: Vua Saul ghen tị với
David vì David được mọi người khen ngợi (1 Sam 18:7). Khi được biết Thiên Chúa
đã truất phế mình, và ngôn sứ Samuel đã xức dầu phong vương cho David; Saul nhất
định tìm cách để tiêu diệt David. Vua Saul lên đường và xuống sa mạc Ziph, cùng
với ba ngàn quân tinh nhuệ của Israel, để tìm bắt ông David trong sa mạc Ziph.
Khi cơ hội để David có thể tiêu diệt Saul và sống an lành tới, người cháu
Abishai thuyết phục David để ông giết vua Saul, cho David khỏi vấy máu nhà vua:
“Hôm nay Thiên Chúa đã nộp kẻ thù của cậu vào tay cậu. Bây giờ, xin cho cháu
dùng giáo ghim nó xuống đất, một nhát thôi; cháu không cần đâm nhát thứ hai.”
David từ chối vì ông là người biết kính sợ Thiên Chúa: “Đừng giết vua! Có ai
tra tay hại đấng Đức Chúa đã xức dầu tấn phong mà vô sự
đâu?”
1.2/ Cách hành xử cao đẹp
của David: David lấy cây giáo và bình nước ở
phía đầu vua Saul, rồi cả hai người ra đi. David đi sang phía bên kia và đứng
trên đỉnh núi, ở đàng xa; có một khoảng cách lớn giữa họ. Rồi David la to: “Cây
giáo của đức vua đây. Một trong các đầy tớ hãy sang mà lấy. Xin Đức Chúa thưởng
công cho mỗi người tuỳ theo sự công chính và lòng trung thành của họ: hôm nay Đức
Chúa đã nộp cha vào tay con, nhưng con đã không muốn tra tay hại đấng Đức Chúa
đã xức dầu tấn phong.”
Bằng hành động cao thượng này, David đã cải hóa được tâm hồn vua Saul. Từ đó,
ông nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa, và không còn tìm giết David nữa. Ông phải
thú nhận David những lời này: “Cha thật đắc tội! David con cha, trở về đi! Cha
sẽ không hại con nữa, bởi vì ngày hôm nay con đã coi mạng sống của cha là quý.
Phải, cha đã hành động ngu xuẩn, cha đã sai lỗi nặng nề!” (1 Sam 26:21).
2/ Bài đọc II: Chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.
2.1/ Sự giống nhau và
khác biệt giữa Adam và Đức Kitô: Thánh
Phaolô nhìn ra sự liên hệ giữa Adam và Đức Kitô trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên
Chúa. Hai nhân vật quan trọng này có những điểm tương đồng và dị biệt.
(1) Giống nhau: Cả hai cùng mang bản tính con người. Cả hai cùng phải chịu đau
khổ; nhưng đau khổ của Adam phải chịu là do tội của ông gây ra. Đức Kitô không
có tội, Ngài chịu đau khổ để xóa mọi tội cho con người.
(2) Khác biệt: Đức Kitô có nguồn gốc từ trời, trong khi Adam bởi đất mà ra.
Ngoài bản tính con người, Đức Kitô còn mang bản tính Thiên Chúa. Đức Kitô có Thần
Khí của Thiên Chúa.
Người bởi đất phải chết,
Người có Thần Khí của Thiên Chúa sẽ sống muôn đời.
2.2/ Chúng ta cũng được
mang hình ảnh của Adam và của Đức Kitô: Con
người chúng ta được mang cả hai hình ảnh của Adam và của Đức Kitô. Chúng ta giống
Adam vì chúng ta bởi đất mà ra. Chúng ta giống Đức Kitô vì chúng ta đã được rửa
sạch và Ngài đã ban Thánh Thần của Ngài cho chúng ta. Vì thế, chúng ta cũng phải
chết cho tội lỗi và sống cho Thiên Chúa.
3/ Phúc Âm: Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.
3.1/ Anh em muốn người ta
làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy: Thoạt mới nghe qua những lời Chúa dạy, chúng ta thấy
chúng rất giống những lời khôn ngoan hay đạo lý của các tôn giáo khác, chẳng hạn
lời của Khổng-Tử mà thường được gọi là Luật Vàng hay Luật Hỗ-Tương: “Đừng làm
cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Nhưng nếu cẩn
thận nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy chúng khác xa và vượt lên trên tất cả các đạo
lý từ trước tới nay. Luật của Chúa dạy là luật tích cực: “Làm cho người khác những
gì mình muốn người khác làm cho mình;” trong khi Luật Vàng là luật tiêu cực: “Đừng
làm cho người khác điều gì mình không muốn người khác làm cho mình.” Luật tích
cực khó thực hiện hơn luật tiêu cực, và nó đòi con người phải thấm nhuần tình
yêu Thiên Chúa mới có thể làm được.
3.2/ Làm thế nào có thể
yêu kẻ thù? Một sự phân biệt về từ ngữ sẽ
giúp chúng ta hiểu rõ những đòi hỏi của Chúa Giêsu. Trong tiếng Hy-Lạp, có 3 động
từ để diễn tả hành động “yêu”:
(1) Để diễn tả tình yêu lãng mạn giữa trai gái, họ dùng động từ “eran.”
(2) Để diễn tả tình yêu giữa những người thân trong gia đình hay tình bằng hữu,
họ dùng động từ “filein.”
(3) Để diễn tả tình yêu giữa những người tin vào Chúa Kitô như được dùng hôm
nay, các Thánh Ký dùng động từ “agapan.” Động từ này chỉ dùng trong
khuôn khổ của Kitô giáo.
Con người không thể yêu kẻ thù với nghĩa “eran,” vì họ không thể yêu kẻ
thù bằng tiếng sét ái tình. Họ cũng không thể yêu kẻ thù bằng nghĩa “filein,”
vì làm như vậy là trái với tự nhiên. Nhưng con người có thể yêu kẻ thù bằng
nghĩa “agapan,” bằng tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu này không chỉ tùy
thuộc vào con tim mà còn tùy thuộc rất nhiều nơi lòng muốn. Với tình yêu đến từ
Thiên Chúa, con người có thể làm những điều không thể như Chúa đòi hôm nay:
“Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa
anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ
cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong.
Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại.”
3.3/ Tại sao phải yêu kẻ
thù? Để biết những lời dạy của các bậc thánh
nhân có hiệu quả hay không, chúng ta cần phải xét tới hậu quả mà lối sống đó
mang lại. Chúng ta có thể liệt kê một số hậu quả của những lời Đức Kitô dạy
chúng ta hôm nay.
(1) Để được Thiên Chúa xót thương và tha thứ: Nếu chúng ta không tin Thiên Chúa
là Người vẫn đang quan phòng và xét xử thế gian này, chúng ta có lý do để xét xử
và báo thù những người đối xử cách bất công với chúng ta. Nhưng nếu chúng ta
tin Thiên Chúa là Đấng quan phòng và xét xử mọi người, chúng ta hãy để cho
Thiên Chúa làm chuyện ấy. Phần chúng ta, cứ việc sống đúng như những lời Ngài
truyền dạy. Điều Ngài dạy chúng ta: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không
bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án.
Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha.” Nếu chúng ta không tha thứ
cho tha nhân, Thiên Chúa cũng chẳng tha thứ cho các tội lỗi của chúng ta.
Chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng thông suốt mọi sự và nhìn thấu tâm hồn; hơn nữa,
Ngài có uy quyền để làm mọi sự. Khi chúng ta rộng lượng cho đi, Ngài sẽ tiếp tục
ban cho chúng ta, “Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy
tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ
đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” Ngược lại, nếu một người chỉ biết nắm chặt những
gì Thiên Chúa ban, họ chỉ có bằng đó, hay có thể mất luôn những gì họ đang có.
Tại sao không rộng lượng cho đi để chúng ta tiếp tục có nhiều hơn và mọi người
chung quanh đều được hưởng nhờ.
(2) Để có thể trở nên giống Thiên Chúa: Thiên Chúa dựng nên con người giống
hình ảnh Thiên Chúa. Điều làm cho con người trở nên giống Thiên Chúa nhất là
tình yêu dành cho mọi người. Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người vì tất cả đều
do Ngài dựng nên và là những con cái của Ngài. Thiên Chúa cho mặt trời chiếu
soi và cho mưa rơi xuống trên cả ác nhân lẫn người công chính. Con nhà tông chẳng
giống lông cũng giống cánh. Là con Thiên Chúa phải nên giống Cha mình, nhất là
nên giống Cha trong nét đẹp của yêu thương và tha thứ.
Nếu mọi người đều là con cái Thiên Chúa, chúng ta đều là anh chị em với nhau.
Chúng ta không thể coi nhau như kẻ thù, vì như thế không đẹp lòng Thiên Chúa.
Khi đọc Kinh Lạy Cha hàng ngày, chúng ta tuyên xưng những điều này khi đọc: “Lạy
Cha chúng con ở trên trời. Chúng con nguyện Danh cha cả sáng, Nước Cha trị đến,
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời…” Khi coi nhau như kẻ thù, chúng ta
không xứng đáng đọc kinh nguyện này.
(3) Để có tâm hồn bình an: Người nuôi dưỡng hận thù sẽ không bao giờ được bình
an trong tâm hồn. Lúc nào họ cũng sợ bị đối phương trả thù hay phải luôn nghĩ
cách để trả thù đối phương. Nhưng nếu một người tin tưởng nơi những lời dạy của
Thiên Chúa, họ tha thứ, cầu nguyện, và tìm cách làm ơn cho kẻ thù, tâm hồn họ sẽ
có sự bình an.
(4) Để có thể hoán cải kẻ thù thành bạn hữu: Tha thứ và yêu thương là cách hiệu
nghiệm nhất để hoán cải kẻ thù và mang lại sự sống cho cả hai bên. Ngược lại
thù hận chỉ càng ngày càng chồng chất và mang lại sự chết cho một hay cả hai
bên.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Không ai có quyền tước lấy đi sự sống của người khác, trừ trường hợp phải bảo
vệ sự sống của mình. Chúng ta đừng lo việc báo thù, hãy để việc xét xử cho
Thiên Chúa.
– Chúng ta hãy noi gương Đức Kitô. Ngài chấp nhận hy sinh để hòa giải con người
với nhau và hòa giải mọi người với Thiên Chúa.
– Chúng ta không được đối xử với ai như kẻ thù; ngược lại, chúng ta phải đối xử
với mọi người như anh/chị/em một nhà, con cùng Cha. Người khác sẽ nhận ra tình
yêu của chúng ta dành cho mọi người và họ sẽ tin tưởng vào Thiên Chúa.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/02/2018 – CHÚA NHẬT TUẦN 7 TN – C
Lc 6,27-38
CON ĐANG NGHE CHÚA DẠY
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy
yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em
và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6,27-28)
Suy niệm: Thật tình, chúng ta đã quá “thuộc lòng” và biết rõ cách lý thuyết các
câu chữ này! Tuy nhiên, lúc này đây Đức Giê-su đang trực tiếp dạy bạn và tôi
không phải cách thuộc lòng và lý thuyết đâu! Những “kẻ thù” Ngài muốn nói ở
đây, đã được chỉ định rõ ràng, đó là: kẻ ghét ta, nguyền rủa ta, vu khống ta,
đánh đập ta, chiếm đoạt ta… Tất cả những con người khó thương này đâu phải là
những ý tưởng suông hay những hồn ma, nhưng là những con người bằøng xương bằng
thịt bạn ạ!
Mời Bạn: Thử nhìn xung quanh, ai là người “khó thương” đối với bạn? Ai đang làm
bạn “đau khổ” cách này hay cách khác? Thật oái oăm, đó chính là những người
mà Chúa dạy bạn phải yêu mến, chúc phúc, cầu nguyện, trao ban mà không đòi lại
nơi họ điều gì! Cách Chúa dạy bạn yêu mến cũng khác thường: không phải là ý tưởng,
tình cảm, nhưng là hành động và thái độ sống cụ thể!
Chia sẻ: Bạn có ý thức rằng mình đang được trực tiếp nghe Chúa dạy
sống Tin Mừng hôm nay không?
Sống Lời Chúa: Để sống Lời Chúa dạy, từ hôm nay tôi quyết tâm sẽ không bỏ
qua một cơ hội nào sống tinh thần yêu thương như Lời Chúa dạy trong bài Tin Mừng
này!
Cầu nguyện: Chúa ơi, xin cho
các lời: yêu kẻ thù, làm ơn cho kẻ ghét con, chúc lành cho kẻ nguyền rủa con,
và cầu nguyện cho kẻ vu khống con, vang vọng trong tâm hồn và trí khôn con từng
tiếng một. Xin Chúa đến giúp con sống những lời dạy này! Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Hãy yêu kẻ thù (24.2.2019
– Chúa nhật 7 Thường niên năm C)
Suy Niệm
Khi đọc lời nhắn nhủ trên đây của Ðức Giêsu,
chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
chúng ta thường thấy đó là chuyện không thể làm nổi,
hay nếu làm được, ắt sẽ sinh ra những hậu quả tồi tệ.
Chắc chắn Ðức Giêsu không dạy ta bao che cho kẻ ác,
hay đòi hủy bỏ luật hình sự để phạt các phạm nhân.
Ngài không cổ vũ việc ăn xin khi nói: “Ai xin, con hãy cho.”
Ngài cũng không biến chúng ta thành người bạc nhược.
Bài Tin Mừng hôm nay là một viên ngọc,
vì nó cho thấy nét đặc trưng của người Kitô hữu.
Nó vén mở một lý tưởng mà ta phải vươn tới.
Chúng ta cần vượt lên trên nghĩa đen của mặt chữ
để cảm được tinh thần mà Chúa muốn ta sống.
Không sống lời Ngài, ta vẫn là kẻ đứng ngoài Kitô giáo.
“Hãy yêu kẻ thù”: câu này được nhắc lại hai lần.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.
Theo bài Tin Mừng này thì kẻ thù của tôi là ai?
Ðó là kẻ ghét tôi, kẻ nguyền rủa tôi và vu khống.
Ðó là kẻ tát vào mặt tôi và đoạt áo ngoài của tôi.
Như thế kẻ thù tôi chẳng đâu xa, ngày ngày tôi vẫn gặp.
Họ là những người hay làm phiền và lợi dụng tôi,
là những kẻ xúc phạm đến danh dự và quyền lợi của tôi.
Họ là những người tự nhiên tôi không ưa, hay không ưa tôi.
Ðức Giêsu không đòi tôi yêu kẻ thù như yêu người thân:
về mặt tình cảm, chuyện đó khó thực hiện.
Nhưng Ngài mời tôi yêu bằng hành động.
Yêu là làm ơn, là chúc lành, là cho vay.
Yêu là cầu nguyện điều lành cho kẻ thù (cc. 27-28).
Khi làm điều tốt cho kẻ thù,
tôi được giải phóng khỏi cái tôi ăn miếng trả miếng,
và nhờ đó chính kẻ thù tôi cũng có thể được giải phóng
khỏi cái tôi ích kỷ của họ.
Khi yêu kẻ thù bằng những hành động tử tế,
tôi không còn coi họ là kẻ thù của tôi nữa.
Dần dần, tình cảm của tôi đối với họ cũng biến đổi.
Cần can đảm biết bao khi chào hỏi, bắt tay
một người làm tôi vô cùng đau khổ.
Ðó chẳng phải là một hành động giả hình,
nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên.
Ðó chẳng phải là một hành vi của kẻ yếu,
nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm anh hùng.
Kitô hữu được mời gọi vượt lên trên cái tự nhiên.
Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên…
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới siêu nhiên,
thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Suy nghĩ tự nhiên, tình cảm tự nhiên, phản ứng tự nhiên…
Phải ra khỏi cái tự nhiên, thường tình,
mới vào được thế giới siêu nhiên,
thế giới của những người con, sống nhân hậu như Cha.
Sống nhân hậu như Cha là trở nên hoàn thiện.
Thế giới văn minh không chỉ nhờ tiến bộ của khoa học,
nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
nhưng chủ yếu nhờ những chiến thắng trên lòng ích kỷ
của từng người cũng như của mọi tập thể lớn nhỏ.
Trái đất chỉ tồn tại nhờ tha thứ yêu thương.
Kitô giáo chỉ sống còn nhờ yêu thương tha thứ.
Cầu Nguyện
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG HAI
Chiến Thắng Trên
Cám Dỗ
Chúng ta phải có thái
độ dứt khoát đối với tội lỗi. Nếu chúng ta không chặt phăng gốc rễ của ích kỷ
nơi mình, nó sẽ ngoi lên lại hết lần này đến lần khác. Không dứt khoát một lần
đối với căn nguyên ích kỷ nơi mình, chúng ta không thể tiến lên được trên đường
lối Thiên Chúa.
Câu chuyện Đức Giêsu bị
cám dỗ trong sa mạc là một bài học tuyệt vời cho mỗi người chúng ta. Chúng ta
thấy Người quyết liệt nói KHÔNG với trò phỉnh gạt của tham vọng ích kỷ và kiêu
căng để hoàn toàn vâng phục tiếng gọi của Thiên Chúa. Bằng cách từ bỏ mọi tham
vọng, Người đáp trả trọn vẹn lời Thiên Chúa và đặt mình tùy thuộc thánh ý Thiên
Chúa.
Trung thành vâng phục
Thánh Kinh xét như là Lời Thiên Chúa, Đức Giêsu đã vượt qua cơn cám dỗ đòi độc
lập khỏi Thiên Chúa khi Người nói với tên quỉ cám dỗ rằng: “Người ta không chỉ
sống nhờ cơm bánh” (Lc 4, 4). Người đã cự tuyệt cơn cám dỗ tự mình làm phép lạ
khi Satan xúi quẩy: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống khỏi đây đi
nào” (Lc 4, 9). Người cũng cự tuyệt cơn cám dỗ của tham vọng hão huyền và của sự
thèm khát quyền lực khi Satan đề nghị tặng cho Người các vương quốc trần gian:
“Tôi sẽ cho ông tất cả quyền lực này” (Lc 4, 6). Đức Giêsu đã chiến thắng ba thứ
cám dỗ mà dân It-ra-en đã ngã vào trong khi họ rong ruổi ở sa mạc; và Người đã
trao cho chúng ta một mẫu gương để biết phải hành động thế nào khi đối diện với
những trò lừa phỉnh ấy.
Mùa Chay là một thời
gian đặc biệt quan trọng để lắng nghe Lời Chúa – để đặt mình tuân phục Lời Chúa
bằng cách từ bỏ con người cũ của mình. Rồi, chúng ta sẽ được chuyển hóa thành
những tạo vật mới, sẽ sống theo thánh ý Thiên Chúa chứ không phải theo ý riêng
mình. Học nơi gương mẫu và nơi chiến thắng của Đức Giêsu, chúng ta cũng có thể
chiến thắng những cám dỗ và tội lỗi trong cuộc đời mình.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 24/2
Chúa Nhật VII Thườn
Niên
1Sm 26, 2. 7-9.
12-13. 22-23; 1Cr 13, 45=49; Lc 6, 27-38.
LỜI SUY NIÊM: “Thầy nói với anh
em, là những người đang nghe Thầy nói đây: “Hãy yêu kẻ thù, và làm ơn cho kẻ
ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống
anh em…”
Chúa Giêsu đang dạy chúng ta về đức tính yêu thương đối với người đồng loại, hầu
giúp mỗi người trong chúng ta trở nên giống Người và xứng đáng làm con cái
Thiên Chúa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài là Đấng giàu lòng nhân từ. Tình
yêu của Chúa ôm ấp thánh nhân cũng như tội nhân. Mỗi người chúng ta phải noi
gương mẫu tình yêu đó.
Lạy Chúa Giêsu, Những lời Chúa đưa ra trong Tin Mừng ngày hôm nay là một “Luật
Vàng” cho đời sống đạo cũng như đời sống xã hội. Xin cho chúng con tập sống từng
lời Chúa dạy hôm nay để sống đẹp lòng Chúa và đẹp lòng nhau.
Mạnh Phương
24 Tháng Hai
Không Khí
Trong kho tàng văn
chương Ấn giáo, có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị
linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng
một cái mỉm cười thinh lặng.
Ngày hôm sau, người
môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười và tiếp
tục giữ thinh lặng cố hữu của ông. Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người thanh
niên đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử
cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất thần vị linh đạo túm lấy
anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để trồi
lên mặt nước. Lúc bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh: “Khi bị dìm xuống nước như
thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không một chút suy nghĩ, người đệ tử đáp:
“Thưa, con cần có không khí để thở”.
Lúc bấy giờ vị linh
đạo mới dẫn giải: “Con có cảm thấy ước ao gặp gỡ Thiên Chúa như vậy không? Nếu
con khao khát như thế, con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không
hề có ước muốn ấy, thì dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ
không bao giờ gặp được Ngài”.
Chúng ta thánh thiện
không phải vì chúng ta đã làm việc thiện. Chúng ta thánh thiện không phải vì
chúng ta đã tránh được điều xấu. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã
cầu nguyện. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta đã sống tử tế. Chúng ta
thánh thiện không phải vì chúng ta can đảm. Chúng ta thánh thiện không phải vì
chúng ta cố gắng rèn luyện ý chí. Chúng ta thánh thiện không phải vì chúng ta
hy sinh phục vụ…
Sự thánh thiện của
chúng ta chính là Thiên Chúa. Chính nhờ tham dự vào sự sống của Ngài mà chúng
ta mới có thể làm việc thiện, mới có thể tránh được điều xấu, mới có thể cầu
nguyện, mới có thể can đảm, vui tươi…
Cũng như người đệ tử
khao khát gặp Chúa, chúng ta hãy xin Ngài ban cho chúng ta được thông dự vào sự
sống của Ngài, để nhờ đó chúng ta mới có thể mang lại hoa trái của sự thánh thiện.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét