Trang

Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

18-06-2019 : THỨ BA - TUẦN XI THƯỜNG NIÊN


18/06/2019
Thứ Ba tuần 11 thường niên


BÀI ĐỌC I: 2 Cr 8, 1-9
“Vì anh em, Đức Kitô đã nên thân phận nghèo khó”.
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, chúng tôi tỏ cho anh em biết về ân huệ Thiên Chúa đã ban cho giáo đoàn xứ Macêđônia. Trong nhiều nỗi gian truân thử thách, họ được tràn đầy vui mừng, và cảnh cùng cực thẳm sâu của họ lại trở nên kho tàng phúc hậu. Tôi làm chứng rằng: họ đã tự động nài ép tôi cho họ được ân huệ tham dự vào việc phục vụ các thánh, tuỳ sức họ và quá sức họ nữa. Không phải như chúng tôi hy vọng mà thôi, họ còn đã hiến mình, trước tiên là cho Chúa, sau là cho chúng tôi, chiếu theo ý muốn của Thiên Chúa. Vì thế, chúng tôi cũng đã xin Titô hoàn thành việc nghĩa đó cả nơi anh em nữa, như Titô đã khởi sự trước kia. Nhưng cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.
Tôi nói thế, không phải có ý truyền lệnh đâu, nhưng để nhờ lòng sốt mến của kẻ khác, thử lòng chân thành bác ái của anh em. Vì anh em biết lòng quảng đại của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 145, 2. 5-6. 7. 8-9a
Đáp: Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa (c. 2a).
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi, hãy ngợi khen Chúa, tôi sẽ ngợi khen Chúa trong cả cuộc đời, bao lâu còn có thân tôi, tôi còn ca ngợi Chúa. – Đáp.
2) Phúc thay người được Thiên Chúa nhà Giacóp phù trợ, người đặt hy vọng vào Chúa là Thiên Chúa của mình: Ngài là Đấng đã tạo thành trời đất, biển khơi và muôn vật chúng đang chứa đựng, Ngài là Đấng giữ lòng trung tín muôn đời. – Đáp.
3) Đấng trả lại quyền lợi cho người bị ức, và ban cho những người đói được cơm ăn. Thiên Chúa cứu gỡ những người tù tội. – Đáp.
4) Thiên Chúa mở mắt những kẻ đui mù. Thiên Chúa giải thoát những kẻ bị khòm lưng khuất phục, Thiên Chúa yêu quí các bậc hiền nhân. Thiên Chúa che chở những khách kiều cư. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! – Lạy Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Mt 5, 43-48
“Các ngươi hãy yêu thương thù địch”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đã nghe dạy: ‘Ngươi hãy yêu thân nhân, và hãy thù ghét địch thù’. Còn Ta, Ta bảo các con: Hãy yêu thương thù địch và làm ơn cho những kẻ ghét các con, hãy cầu nguyện cho những ai bắt bớ và nguyền rủa các con: để như vậy các con nên con cái Cha các con, Đấng ngự trên trời: Người khiến mặt trời mọc lên cho người lành kẻ dữ, và cho mưa xuống trên người liêm khiết và kẻ bất lương. Vì nếu các con yêu thương những ai mến trọng các con, thì các con được công phúc gì? Các người thu thuế không làm thế ư? Nếu các con chỉ chào hỏi anh em các con thôi, thì các con đâu có làm chi hơn? Những người ngoại giáo không làm như thế ư? Vậy các con hãy nên hoàn hảo như Cha các con trên trời là Đấng hoàn hảo”. Đó là lời Chúa.


Suy Niệm : Yêu thương kẻ thù
Sau hơn 50 ngày bị bắt làm con tin và bị sút gần 20 ký vì sống trong thiếu thốn vật chất cũng như tinh thần, một nhà truyền giáo nọ đã bình tĩnh trả lời câu hỏi của các phóng viên về những gì mình đang suy tính trong lòng: "Tôi vẫn yêu mến đất nước và dân tộc đó, như ngày tôi mới đến truyền giáo cách đây 40 năm. Tôi đã tha thứ cho những kẻ bắt giữ và hành hạ tôi. Tôi muốn nói với họ rằng tôi không có gì thù ghét họ, nhưng vẫn yêu thương và sẵn sàng trở lại đó làm việc mục vụ".
Những lời dạy của Chúa Giêsu mà Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay, cũng không mập mờ, không nhượng bộ hay chiều theo khuynh hướng tự nhiên của con người muốn giới hạn tình yêu của mình đối với tha nhân.
"Hãy yêu mến anh em mình", mệnh lệnh này được ghi rõ trong sách Lêvi 19,18. Những "anh em" được nhắc đến ở đây chỉ những kẻ thân thuộc, đồng hương, thuộc về dân riêng của Chúa. Còn câu: "Hãy ghét kẻ thù địch" thì chúng ta không gặp thấy công thức nào tương tự như vậy trong Kinh Thánh. Những lời này có thể hiểu như một diễn tả tự nhiên của tâm lý thường tình nơi con người, một hậu quả của tình yêu thương có giới hạn trong khung cảnh những kẻ thân thuộc, những người thuộc về cùng một dân tộc, một xã hội. Theo tâm thức hạn hẹp của Cựu Ước, bất cứ ai không thuộc về Dân Chúa chọn, thì người đó là kẻ xa lạn, là kẻ thù địch, không được yêu thương.
Chúa Giêsu đã đến để mạc khải sứ điệp trọn hảo hơn, bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên: "Còn Thầy, Thầy bảo các con: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi các con". Chúng ta chú ý đến hai chi tiết trong lời dạy của Chúa Giêsu: thứ nhất: không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu thương của người môn đệ Chúa và sự phân chia con người ra làm hai loại: thân thuộc và thù địch không còn nữa. Thứ hai: Tình yêu thương đó được thể hiện bằng những hành động cụ thể, và quan trọng nhất, đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không tự nhiên được chúng ta yêu thương, và đây không còn là tình yêu thương theo tình cảm, mà là tình yêu thương thực sự hướng đến lợi ích của người khác.
Nhưng tại sao phải yêu thương như vậy? Bởi vì chính chúng ta là con cái của Thiên Chúa và do đó phải noi gương trọn lành của Ngài, Ðấng cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người lành.
Xin Chúa đổ tràn trên chúng ta tình thương của Chúa, để chúng ta được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, có tính toán, mà quảng đại yêu thương tất cả mọi người, ngay cả kẻ chống đối và có ác cảm với chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 11 TN1, Năm lẻ
Bài đọc2 Cor 8:1-9; Mt 5:43-48.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bổn phận trở nên hoàn thiện
Có nhiều lý do khiến con người từ chối ơn gọi trở nên hoàn thiện: (1) Họ đang sống giữa thế gian, và phải bon chen với đời để sống còn; (2) Ơn gọi nên hoàn thiện chỉ dành riêng cho một số người, chứ không phải cho tất cả mọi người. Họ muốn khiêm nhường làm người ẩn dật bình thường; và (3) Đức Kitô đòi con người phải làm những điều vượt quá sức lực và khả năng của con người! Làm sao con người có thể trút bỏ mọi sân si để trở nên hoàn thiện đang khi mang trong mình một thân xác?
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong những đòi hỏi mà người tín hữu phải cố gắng hoàn thành. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu nhiệt thành đóng góp cho Giáo Hội Mẹ tại Jerusalem, để giúp cho Giáo Hội có phương tiện rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đòi các môn đệ phải vượt quá tiêu chuẩn của thế gian để yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những người bách hại các ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Bổn phận phải đóng góp để giúp đỡ Giáo Hội.
Tuy Jerusalem là Giáo Hội Mẹ, nhưng rất nghèo vì hoàn cảnh địa dư, và chưa có sự tổ chức đóng góp từ các giáo hội địa phương như chúng ta có bây giờ. Vì thế, Phaolô tổ chức cuộc quên góp từ các giáo hội địa phương để giúp Giáo Hội tại Jerusalem.
1.1/ Gương đóng góp của Hội Thánh ở Macedonia: Để khích lệ các tín hữu Corintô biết nhiệt thành đóng góp, Phaolô lấy gương sáng của hội thánh ở Macedonia để làm gương cho họ.
(1) Người nghèo là người quảng đại đóng góp: Macedonia là một vùng không giầu có và gặp nhiều thiên tai đau khổ, nhưng khi nghe chương trình của Phaolô muốn lạc quên giúp Giáo Hội Mẹ, ”họ đã tự nguyện theo sức họ, và tôi xin làm chứng là quá sức họ nữa; trải qua bao nỗi gian truân, họ vẫn được chan chứa niềm vui; giữa cảnh khó nghèo cùng cực, họ lại trở nên những người giàu lòng quảng đại.”
Thông thường, người giàu có là người có phương tiện để đóng góp nhất, nhưng thực tế chứng minh không luôn luôn như vậy; càng giàu càng giữ chặt của. Những người nghèo là những người quảng đại hơn cả, như chúng ta thường nói: “Lá rách đùm lá tả tơi;” vì họ có kinh nghiệm sống thiếu thốn nên dễ cảm thông với những ai đồng cảnh ngộ.
(2) Lòng yêu thương Giáo Hội đàng sau việc đóng góp: Không những sẵn sàng đóng góp, ”họ khẩn khoản nài xin chúng tôi cho họ được phúc tham dự vào việc phục vụ các người trong dân thánh. Họ đã vượt quá điều chúng tôi mong ước là tự hiến mình phụng sự Chúa trước, rồi phục vụ chúng tôi theo ý Thiên Chúa.” Đức tin con người có được là món quà vô giá Thiên Chúa ban qua tay của các môn đệ và các nhà truyền giáo. Nếu không có Giáo Hội Mẹ, chẳng bao giờ có các giáo hội con. Vì thế, như những người con thảo sẵn sàng giúp cha mẹ khi về già, các tín hữu cũng phải đóng góp cho Giáo Hội Mẹ để cùng chung mối lo làm sao cho Tin Mừng được rao truyền khắp cùng bờ cõi trái đất.
1.2/ Phaolô muốn Hội Thánh ở Corintô cũng quảng đại đóng góp cho Hội Thánh ở Jerusalem: Vì vậy chúng tôi đã xin anh Titô hoàn thành công việc lạc quyên đó nơi anh em, như anh ấy đã bắt đầu làm. Thánh Phaolô nêu bật 2 lý do nữa để khuyến khích các tín hữu Corintô nên nhiệt thành đóng góp:
(1) Đã nhận nhiều, cũng phải rộng lượng cho đi nhiều: ”Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa.”
(2) Gương của Đức Kitô: ”Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có.” Con người không thể so sánh với Đức Kitô; nhưng gương sáng của Ngài phải trở thành mẫu gương cho chúng ta noi theo.
2/ Phúc Âm: Bổn phận phải yêu thương kẻ thù.
2.1/ Luật người xưa: ”Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù.” Luật Đức Kitô: ”Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.”
(1) Phân tích từ ngữ: Có ba động từ yêu trong Hy-lạp: erein, philein, agapan. Động từ yêu dùng ở đây là “agapan” động từ này chỉ được dùng trong khuôn khổ của Kitô Giáo. Đức Kitô không đòi chúng ta yêu kẻ thù với tình yêu tự nhiên dành cho người yêu, hay dành cho những người trong gia đình (erein, philein). Nếu Chúa đòi như thế, Ngài bắt chúng ta đi ngược lại tự nhiên. Điều khác biệt giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tự nhiên là ở chỗ khi yêu cách tự nhiên, con người dùng trái tim; nhưng khi yêu kẻ thù với tình yêu Thiên Chúa, con người phải dùng tới ý muốn của mình, nó là một thỏa thuận giữa trí tuệ và lòng muốn.
(2) Con người chỉ có thể yêu kẻ thù khi con người đã được thấm nhuần đạo lý và tình yêu của Đức Kitô: Theo Gioan, tình yêu này phát xuất từ Thiên Chúa và được thông ban cho con người qua Đức Kitô. Chúa Giêsu luôn đòi các môn đệ phải ở lại trong tình yêu này qua việc giữ các giới răn, trước khi truyền cho các ông phải “yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
(3) Theo lời dạy của Đức Kitô: Để có thể yêu kẻ thù, con người cần cầu nguyện cho họ. Khi con người có thể cầu nguyện cho họ, Chúa sẽ giúp con người có thể tha thứ hoàn toàn cho kẻ thù. Trên Thánh Giá, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Lạy Cha! Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm.” Noi gương Đức Kitô, thánh Stephanô, vị tử đạo tiên khởi, cũng cầu nguyện cho những người ném đá mình: ”Lạy Chúa! Xin đừng chấp họ tội này.” Và còn biết bao gương của các vị tử đạo khác nữa; điều này chứng minh đời hỏi của Đức Kitô không vượt quá giới hạn của con người.
2.2/ Những lý do tại sao phải yêu kẻ thù: Chúa Giêsu đưa ra 4 lý do:
(1) Để trở nên con cái của Thiên Chúa: Con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh. Điều làm con người nên giống Thiên Chúa nhất là yêu thương. ”Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.”
(2) Người môn đệ phải khác với người thường: ”Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao?”
(3) Người có đạo phải khác với người vô đạo: ”Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”
(4) Để trở nên hoàn thiện: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Hoàn thiện là mục đích của Thiên Chúa khi dựng nên con người, như Sách Sáng Thế viết: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa” (Gen 1:27).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải trả lại cho Thiên Chúa những hồng ân Ngài đã ban tặng chúng ta. Chúng ta cũng phải giúp đỡ Giáo Hội vì niềm tin chúng ta có được là do tình yêu và lòng nhiệt thành truyền giáo Tin Mừng của Giáo Hội và các nhà truyền giáo.
– Chúng ta là những con cái của Thiên Chúa, và có bổn phận sống theo tiêu chuẩn của những công dân Nước Trời; chứ không được bằng lòng với những tiêu chuẩn của trần thế. Một trong những tiêu chuẩn làm chúng ta giống Thiên Chúa là yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


18/06/2019 – THỨ BA TUẦN 11 TN
Mt 5,43-48

ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng ‘Hãy yêu đồng loại và ghét kẻ thù.’ Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy anh em mới trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người cho mặt trời mọc lên soi sáng cho cả kẻ xấu cũng như người tốt.” (Mt 5,43-45)

Suy niệm: Lấy ngành hàng hải làm ví dụ, mỗi khi có sự đổi mới công nghệ thì việc di chuyển trên sông nước lại có bước đột phá. Từ rất sớm người ta đã biết dùng thuyền độc mộc với đôi mái chèo để thay cho sức quạt nước của tứ chi. Rồi cánh buồm, động cơ chạy hơi nước, động cơ đốt trong, động cơ năng lượng hạt nhân lần lượt thay thế nhau và đưa các thứ công nghệ lỗi thời vào bảo tàng viện. Trong lãnh vực tâm linh cũng cần những bước “đột phá công nghệ” như thế để thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn yêu-ghét ghét-yêu. Không còn hiệu nghiệm nữa, thứ động cơ hai thì yêu-ghét. Công nghệ mới của Chúa Giê-su để xây dựng nền văn minh tình thương là yêu và chỉ có yêu. Yêu thân nhân đã đành mà còn yêu cả kẻ thù nữa. Công nghệ chiến tranh mới này tiêu diệt kẻ thù không phải bằng vũ khí hạt nhân mà bằng cách biến kẻ thù trở thành bạn hữu.
Mời Bạn: Chắc bạn sẽ lý luận: Yêu kẻ thù ư? Không lô-gích tý nào. Đúng thế, với loài người thì không thể được. Nhưng với Thiên Chúa thì không có gì là không thể. Bạn có dám theo công nghệ mới của Đức Ki-tô không ?
Chia sẻ: Bạn có nhận ra rằng yêu kẻ thù đòi hỏi người ta phải mạnh hơn khi ghét kẻ thù không?
Sống Lời Chúa: Bạn hãy dâng lời cầu nguyện cho một người mà bạn hiện đang cảm thấy ghét họ nhất.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.
(5 Phút Lời Chúa)


Như Cha trên trời (18.6.2019 – Thứ Ba Tuần 11 TN)

Suy niệm: 
Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa. 
Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận, 
mà còn là bí tích để sống. 
Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người. 
Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy 
và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình. 
Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là Kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội. 


Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo. 
Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45). 
Đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. 
Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18). 
Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44). 
Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú. 
Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được. 
Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động. 
Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta. 


Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính, 
nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu. 
Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ. 
Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45). 
Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức. 
Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người. 
Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha. 
Khi trái tim ta giống trái tim Cha, 
ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới. 
Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn. 


Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên, 
lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời. 
Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta. 
Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46). 
Điều mà Đức Giêsu đòi các Kitô hữu phải làm hơn người khác, 
đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình 
và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình. 
Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống, 
là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng. 
Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa. 


“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48). 
Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được. 
Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta, 
- mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù - 
thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện. 


Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Giêsu, 
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, 
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, 
dễ thấy Chúa hiện diện 
và hoạt động trong đời con. 
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, 
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, 
khép kín và nghi ngờ. 
Xin dạy con sự hiền hậu 
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. 
Xin dạy con sự khiêm nhu 
để con dám buông đời con cho Chúa. 
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, 
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, 
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG SÁU
Sự Chọn Lựa Của Ta Và Kế Hoạch Không Dang Dở Của Thiên Chúa
Hãy nhớ rằng chúng ta không lẻ loi một mình khi cố gắng nhận hiểu hoạt động cứu độ của Thiên Chúa trong thế giới. Các triết gia lớn, các bậc thầy của các tôn giáo lớn, và ngay cả những người bình dân thất học cũng vẫn trăn trở với dấu hỏi khó khăn này. Thậm chí một số người còn cố giải thích hành động của Thiên Chúa bằng một loại luận cứ nào đó.
Rất nhiều câu trả lời đã được đề ra. Và không phải tất cả đều có thể được chấp nhận. Không có câu trả lời nào trong đó đạt mức toàn triệt. Từ những thời xa xưa, một số người đã nại đến định mệnh mù quáng hay số phận. Cũng có nhiều người coi thường ý chí tự do của con người khi nhấn mạnh đến sự tiền định. Trong thời đại của chúng ta, một số người cho rằng họ cần phải phủ nhận Thiên Chúa để khẳng định con người và sự tự do của con người.
Tất cả những quan điểm ấy đều cực đoan và phiến diện, nhưng ít nhất chúng giúp chúng ta nhận ra những sự thật nào bật ra khi chúng ta cố gắng nhận hiểu sự quan phòng của Thiên Chúa. Làm thế nào có thể hòa hợp hành động toàn năng của Thiên Chúa và sự tự do của chúng ta? Làm thế nào sự tự do của chúng ta có thể hòa hợp với những kế hoạch không thể gãy đổ của Thiên Chúa? Tương lai của chúng ta sẽ thế nào? Làm thế nào chúng ta có thể bắt đầu hiểu biết và nhìn nhận chân lý và sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa giữa những sự dữ ngập tràn thế giới này? Ta nghĩ sao về sự xấu xa của tội lỗi? Ta nghĩ sao về những đau khổ của bao con người vô tội?
Lịch sử của chúng ta – với bao thăng trầm của các quốc gia, với những tai họa khủng khiếp lẫn những hành động cao cả và thánh thiện tuyệt vời – tất cả có nghĩa gì? Phải chăng có thể xảy ra một đại nạn cuối cùng chôn vùi vĩnh viễn hết mọi sự sống? Hay phải chăng thật sự có một Đấng Quan Phòng yêu thương mà chúng ta gọi là Thiên Chúa? Đó là Đấng Thiên Chúa vẫn luôn bao bọc chúng ta bằng thượng trí, khôn ngoan và lòng trìu mến của Ngài. Đó là Đấng Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta thật quyết liệt nhưng cũng thật êm ái. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn thế giới, hướng dẫn cuộc đời chúng ta, và thậm chí hướng dẫn ý chí phản loạn của chúng ta – nếu chúng ta chấp nhận để cho Ngài hướng dẫn. Đó là Đấng Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta đến sự nghỉ ngơi của “ngày thứ bảy”, sự nghỉ ngơi của công trình tạo dựng đang tiến gần đến điểm thành toàn của mình.
Đây là câu trả lời. Lời Chúa đứng chênh vênh giữa hai bờ hy vọng và thất vọng. Vâng, Lời Chúa trao cho chúng ta những lý do tuyệt vời để hy vọng. Lời Chúa luôn luôn mới mẻ tinh khôi. Lời Chúa xoáy vào trong tâm trí người ta với sứ điệp lạ kỳ của nó.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 18/6
2Cr 8,1-9; Mt 5, 43-48.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.”
        Giáo huấn của Chúa Giêsu đòi buộc phải đi đến chỗ tha thứ mọi xúc phạm. Giáo huấn đó còn mở rộng giới răn yêu thương là nét độc đáo của Lề Luật mới: “yêu đến cùng của tình yêu” đến tất cả các kẻ thù.
        Lạy Chúa Giêsu. “Tha thứ là điều kiện căn bản cho sự hòa giải giữa con cái Thiên Chúa với Cha của họ và giữa con người với nhau.” (GL số 244). Xin cho chúng con nhận biết bản thân mình luôn cần đến sự tha thứ của Chúa của của người anh em, để chúng con thực hiện lời Chúa dạy bảo hôm nay.
Mạnh Phương


18 Tháng Sáu
Tạ ơn Chúa
Thi sĩ Lamartine của Pháp có kể lại một giai thoại như sau: Một hôm, tình cờ đi qua một khu rừng, ông nghe một âm thanh kỳ lạ. Cứ sau mỗi tiếng búa gõ vào đá lại vang lên một tiếng “Cám ơn”. Ðến gần nơi phát ra âm thanh, thi sĩ mới nhận thấy một người thợ đang miệt mài làm việc. Cứ mỗi lần gõ vào phiến đá, ông lại thốt lên “Cám ơn’.
Thi sĩ Lamartine mới nấn ná đến trò chuuyện, người thợ đập đá giải thích: “Tôi cảm ơn Chúa”. Ngạc nhiên về lòng tin của một con người mà cuộc sống hẳn phải lầm than lam lũ, thi sĩ mới nói: “Giả như bác được giàu có, thì tôi hiểu tại sao bác không ngừng thốt lên hai tiếng cám ơn. Ðằng này, Thiên Chúa chỉ nghĩ tới bác có mỗi một lần duy nhất đó là lúc Ngài tạo nên bác. Sau đó, Ngài ban cho bác có mỗi cái búa này để rồi không còn ngó ngàng gì đến bác nữa. Thế thì tại sao bác lại mỏi miệng để cám ơn Ngài?”.
Nghe thế, người đập đá mới hỏi vặn lại thi sĩ: “Ngài cho rằng Chúa chỉ nghĩ đến tôi có một lần thôi sao”. Thi sĩ Lamartine bèn thách thức: “Dĩ nhiên, Chúa chỉ nghĩ đến bác có mỗi một lần mà thôi”.
Người thợ đá nghèo, nhưng đầy lòng tin, mới mếu máo thốt lên: “Tôi nghĩ rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên cả. Ngài nghĩ rằng Thiên Chúa đã đoái thương đến một người thợ đá thấp hèn như tôi, dù chỉ một lần thôi. Vậy không đủ cho tôi cám ơn Ngài sao? Vâng, cám ơn Chúa, cám ơn Chúa”. Nói xong, ông bỏ mặc cho thi sĩ đứng đó và tiếp tục điệp khúc quen thuộc của ông, vừa đục đá vừa tạ ơn Chúa.
Thiên Chúa yêu thương con người. Ðó là bài ca mà chúng ta không chỉ hát lên trong mùa Giáng Sinh, mà phải được lập lại trong từng khoảnh khắc của cuộc sống. Nhưng khi chúng ta nói: Thiên Chúa yêu thương con người, điều đó trước hết phải có nghĩa là Ngài yêu thương tôi. Thiên Chúa không yêu thương con người bằng một cách chung. Thiên Chúa yêu thương mỗi người bằng một tình yêu cá biệt, riêng rẽ. Ðiều đó cũng có nghĩa là mỗi người là một chương trình trong trái tim của Thiên Chúa.
Ðối với Thiên Chúa, không có đám đông vô danh, cũng không có những con số. Ngài gọi mỗi người bằng tên gọi riêng… Chúng ta không thể đo lường Tình Yêu của Thiên Chúa bằng thước đo hẹp hòi, thiển cận của chúng ta. Trong Tình Yêu Quan Phòng của Ngài, mỗi một con người là một chương trình và mỗi một chương trình đều cao cả. Thiên Chúa không tạo dựng chúng ta theo một khuôn mẫu, mà theo một chương trình riêng cho mỗi người. Mỗi một biến cố xảy đến đều được Ngài sử dụng để đem lại điều thiện hảo cho chúng ta. Nói như thánh Phaolô, Thiên Chúa quy mọi sự về điều thiện cho những kẻ Ngài yêu thương. Cũng chính vị thánh này nói: “Tất cả nọi sự đều là ân sủng của Chúa”.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét