Bí Tích Thánh Thể và đời sống
Ki-tô hữu
(tiếp theo)
(tiếp theo)
L.M.Nguyễn công Đoan S.J.
5. Giao Ước Mới
Thánh Phao-lô Tông Đồ và cả bốn sách Tin Mừng đều kể về Giao
Ước Mới trong Đức Giê-su Ki-tô, cho thấy Thiên Chúa đã thực hiện những lời hứa
liên quan tới Giao Ước Mới do các ngôn sứ đã loan báo. Đặc biệt thư Hip-ri khai
triển dựa theo lời hứa trong Gr 31,31-34. Bản văn này được
trích dẫn ở giữa thư, như thể tóm tắt chủ đề của toàn thể bức thư. Bản văn này
dễ gây ngộ nhận về một sự gián đoạn hoặc thay thế giữ Giao Ước Xi-nai với Giao
Ước Mới. Nhưng đọc trong mạch văn của toàn thể sách Sách Thánh thì sẽ thấy là
cách Thiên Chúa thực hiện từng bước các lời hứa, mở đầu là lời hứa cho
Áp-ra-ham. Sách Khải Huyền sẽ cho thấy viễn tượng sự hoàn tất cuối cùng, hòa hợp
Mười Hai chi tộc Ít-ra-en với Mười Hai Tông Đồ của Con Chiên để làm nên
Giê-ru-sa-lem trên trời, ở đó sẽ không còn bóng dáng tội lỗi nào nữa. Trời Mới
Đất Mới sẽ trong suốt như pha-lê, Thiên Chúa và Con Chiên sẽ là ánh sáng và trực
tiếp hiện diện, không cần Đền Thờ bằng gỗ, đá nữa.
Tin Mừng Mác-cô cho thấy Nước Thiên
Chúa đã đến trong Đức Giê-su Ki-tô, khi kể về Chúa Giê-su chịu phép rửa ở sông
Gio-đan. Lời cầu xin của Is 63,19 :
Từ lâu rồi, chúng con là những kẻ không còn được
Ngài cai trị,
không còn được cầu khẩn danh Ngài.
Phải chi Ngài xé trời mà ngự xuống,
cho núi non rung chuyển trước Thánh Nhan.
Trời đã xé ra, Thánh Thần đã ngự xuống trên Chúa Giê-su,
Chúa Cha đã lên tiếng xác nhận. Các yếu tố của Giao Ước Mới đã có rồi.
Trong cuộc đụng độ với Xa-tan tại sào huyệt của nó, trong
hoang địa, Chúa đã biến hoang địa thành Vườn Địa Đàng, thiên thần đên hầu hạ
Chúa, để xác nhận Chúa quả là Con Thiên Chúa, như lời Chúa Cha phán ở bờ sông
Gio-đan. Chúa đến cứu độ toàn thể thọ tạo, vì thế Chúa sẽ sai môn đệ đi loan
tin mừng cho mọi loài thụ tạo.
Chúa Giê-su đã chữa người mù, người câm, người điếc. Trước
khi ông Phê-rô tuyên xưng đức tin thì Chúa Giê-su còn áp dụng lời Mô-sê cho các
môn đệ. Họ giống như dân của Giao Ước Xi-nai ở cuối con đường qua hoang địa :
Các môn đệ quên đem bánh theo ; trên thuyền, các ông
chỉ có một chiếc bánh. 15 Người răn bảo các ông :
“Anh em phải coi chừng, phải đề phòng men Pha-ri-sêu và
men Hê-rô-đê !” 16 Và các ông bàn tán với nhau về
chuyện các ông không có bánh. 17 Biết thế, Người nói với
các ông : “Sao anh em lại bàn tán về chuyện anh em không có
bánh ? Anh em chưa hiểu chưa thấu sao ? Lòng anh
em ngu muội thế ! 18Anh em có mắt mà không thấy,
có tai mà không nghe ư ?Anh em không nhớ sao : 19 khi
Thầy bẻ năm chiếc bánh cho năm ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao nhiêu
thúng đầy mẩu bánh ?” Các ông đáp : “Thưa được mười hai.” 20 “Và
khi Thầy bẻ bảy chiếc bánh cho bốn ngàn người ăn, anh em đã thu lại được bao
nhiêu giỏ đầy mẩu bánh ?” Các ông nói : “Thưa được bảy.” 21 Người
bảo các ông : “Anh em chưa hiểu ư ?” (8,14-21)
Mc kể về cuộc trao đổi thân thiện giữa Chúa
Giê-su với một kinh sư về điều răn đứng đầu, hai bên tâm đắc. Chúa kết luận :
“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu !” (12,28-31). Ông đang đứng
trước cửa, ông chỉ còn thiếu một bước : bước vào, bằng cách đi theo Chúa
Giê-su, như lời Chúa mời gọi người thanh niên giàu có : “Anh chỉ còn
thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được
một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (10,17-21).
Sau cuộc trao đổi thân thiện kia, Chúa gọi các môn đệ lại,
chỉ cho họ thấy một bà góa nghèo vừa “dâng cúng tất cả những gì bà có để
nuôi sống mình”, nghĩa là bà đã sống đúng diều răn đứng đầu. Bà là hình ảnh
của Chúa Giê-su đang đi vào cuộc Khổ Nạn. Chúa Giê-su sống trọn Giao Ước, thực
thi cả hai điều răn mến Chúa yêu người đến cùng, bằng cả trái tim, cả mạng sống
và tất cả những gì Ngài có. (12,41-44).
Điều kiện để làm môn đệ là sống điều răn đứng đầu đối với
Chúa Giê-su : bỏ tất cả mọi người thân yêu, bỏ mọi sự mình có và cả đến mạng
sống vì Chúa.
Chúa chọn nhóm Mười Hai để ở với Chúa và để Ngài sai họ đi với
quyền trừ quỉ, đó là thời gian huấn luyện. Khi Chúa Phục sinh đã lên ngự bên hữu
Thiên Chúa và sai họ đi loan bái Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo, thì Chúa cùng
hành động với họ. Chúa Giê-su đến với quyền năng Thánh Thần để tiêu diệt quyền
thống trị của Xa-tan. Bằng cái chết và sự phục sinh, Chúa đã chiến thắng Xa-tan
và sự chết. Chúa sai môn đệ đi tiếp tục thực hiện cuộc chiến thắng này, giải
thoát cho mọi loài thọ tạo. Cuộc chiến giữa Thiên Chúa và Xa-tan tiếp tục cho đến
tận cùng thế giới và tận cùng thời gian.
Môn đệ không đi một mình mà Chúa Phục Sinh luôn ở với họ và
cùng hành động với họ khi sai họ đi (16,14-20).
Trước khi đi đón cái chết trên thập giá, Chúa đã công bố
Giao Ước bằng máu của Chúa. Đó là Giao Ước Mới. Môn đệ đã được chữa
lành : có tai để nghe, mắt để thấy và lòng để hiểu, vì Thánh
Thần đã đến trong Chúa Giê-su và họ được liên kết với Chúa, Chúa sống trong
họ bằng Mình và Máu Chúa mà Chúa đã ban làm “lương thực hàng ngày”, Chúa
cùng hành động với họ.
Tin Mừng Mát-thêu mở đầu với gia phả
dựa trên hai cột mốc Đa vít và Áp-ra-ham, là hai tổ phụ nhận được những lời hứa.
Áp-ra-ham sẽ thành cha của nhiều dân tộc. Dòng dõi Đa-vít sẽ làm vua muôn đời.
Giao Ước của Thiên Chúa với Áp-ra-ham đạt tới Tột đỉnh trong Giao Ước bằng Máu
của Chúa Giê-su, sinh bởi dòng dõi Áp-ra-ham ; Giao Ước với Đa-vít cũng được
thực hiện trong Đức Giê-su, sinh bởi dòng dõi Đa-vít, là Thiên-Chúa-ở--cùng-chúng-ta.
Chúa Giê-su lập Giao ước Mới bằng máu của Chúa.
Mát-thêu gom những lời dạy của Chúa thành 5 bài
giảng, gợi lại năm cuốn sách Luật Mô-sê. Với bài giảng trên núi, Chúa đã giảng
trong tư thế là Thiên Chúa làm người ở cùng chúng ta : “Thấy đám đông,
ĐứcGiê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người
mở miệng dạy họ rằng”, hoàn toàn khác với cảnh Thiên Chúa ban Lề Luật trên
núi Xi-nai (x. Xh 19,9-24). Chúa Giê-su cũng đẩy việc giữ luật
Giao Ước vào tận đáy lòng, dạy tha thứ thay vì báo thù, dạy tìm kiếm Nước Thiên
Chúa trước đã (Mt 5,1-7.29). Bốn bài giảng tiếp theo sẽ đề cập từng
khía cạnh trong đời sống môn đệ.
Vị Tiền Hô đã cảnh báo những người Pha-ri-sêu và Xa-đốc :
“Đừng tưởng có thể bảo mình rằng : ‘Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.’
Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên
con cháu ông Áp-ra-ham. 10 Cái rìu đã đặt
sát gốc cây : bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng
vào lửa. (3,9-10).
Trong Nước Trời không có chỗ cho “con ông cháu cha”, không
có chuyện thừa kế theo huyết nhục. “Tôi nói cho các ông hay : Từ phương
đông phương tây, nhiều người sẽ đến dự tiệc cùng các tổ phụ Áp-ra-ham,I-xa-ác và Gia-cóp trong Nước Trời. 12 Nhưng
con cái Nước Trời thì sẽ bị quăng ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người
ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng.” (8,11-12). Mỗi người sẽ bị xét xử theo
những gì mình làm (x. 25,31-46).
Khi đã phục sinh, Chúa sai các phụ nữ ra viếng mộ : “Bỗng
Đức Giê-su đón gặp các bà và nói : “Chào chị em !” Các bà
tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. 10 Bấy
giờ, Đức Giê-su nói với các bà : “Chị em đừng sợ ! Về
báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”
Khi đến gặp nhóm Mười Một ở Ga-li-lê trên “ngọn núi Chúa
đã truyền cho họ”, Chúa công bố :
16 Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê,
đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. 17 Khi
thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giê-su đến
gần, nói với các ông : “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy
anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân
danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ
tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế (28,16-20).
“Ngọn núi Chúa đã truyền” gợi lại ngọn núi Thiên Chúa chỉ
cho ông Áp-ra-ham đem con lên tế lễ, tại đó Thiên Chúa đã nhận tấm lòng của
Áp-ra-ham và xác nhận lại lời hứa về dòng dõi đông đúc (X. St 22,1-28).
Lời hứa cho Đa-vít đã thành sự, vì Chúa Giê-su đã nhận mọi
quyền trên trời dưới đất và ở cùng mô đệ mọi ngày cho đến tận thế, Chúa
là Em-ma-nu-en, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng- ta. Lời hứa cho
Áp-ra-ham cũng thành sự, vì môn đệ là anh em của Chúa Giê-su, được sai đi làm
cho muôn dân thành môn đệ, tức là thành anh em của Chúa, con cái của Áp-ra-ham.
Thánh Phao-lô giải thích “Ông [Áp-ra-ham] là
cha của mọi kẻ tin mà không được cắt bì, và vì tin nên được kể là
công chính. 12 Ông cũng là cha của những người được cắt
bì, nhưng không phải chỉ được cắt bì, mà còn dõi bước tổ phụ chúng
ta là ông Áp-ra-ham, trên đường đức tin, đức tin ông đã có trước khi
được cắt bì.” (Rm 4,11-12).
Mát-thêu không nói đến cột mốc nào ngoài sự hiện
diện của “Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng- ta”, Người tự đồng hóa với những người
nhỏ bé nhất như anh em ruột thịt của Người, và sẽ đích thân phán xét từng người :
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : ‘Lạy
Chúa ! Lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu !
Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào
mà thôi. 22 Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng :
‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên
tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó
sao ?’ 23 Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ :
Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều
gian ác ! (Mt7,21-23)
Đức Vua sẽ đáp lại rằng : ‘Ta bảo thật các
ngươi : mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em
bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.’
Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng : ‘Ta bảo thật các
ngươi : mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những
người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ (25,40.4)
Tin Mừng Lu-ca kể Bí Tích Thánh Thể
như là Bí Tích của Giao Ước Mới.
“Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho
các ông và nói : “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy
làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.” 20 Và tới tuần
rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm như vậy và nói : “Chén này là Giao Ước
Mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em.” (22,19-20)
Nhớ đến Chúa là Đấng đã tự hiến tế chính mình vì chúng ta, Đấng
đã lấy máu mình mà lập Giao Ước Mới.
Lc giải thích ý nghĩa hiện sinh của Bí Tích này
bằng cách đưa bài học về phục vụ vào đây, và Chúa Giê-su tự đặt mình làm gương
mẫu :
“Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi
là người lớn nhất. 25 Đức Giê-su bảo các
ông : “Vua các dân thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì
tự xưng là ân nhân. 26 Nhưng anh em thì không phải như thế,
trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ
làm đầu thì phải nên như người phục vụ. 27 Bởi lẽ, giữa
người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai ? Hẳn là người ngồi ăn chứ ?
Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ.
Trong thư thứ nhất Cô-rin-tô, Thánh
Phao-lô sẽ dựa vào bí tích Thánh Thể để giải quyết các vấn đề trong đời sống cá
nhân, gia đình và cộng đoàn của Ki-tô hữu (mời đọc toàn thể thư này để thấy
rõ).
Trong thư Rô-ma, từ chương 12 đến chương
14, thánh Phao-lô nói về sống bí tích Thánh Thể bằng cách trở nên và sống như một
của lễ toàn thiêu sống động.
Tin Mừng Gio-an giới thiệu Chúa
Giê-su là “Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian”, là Chàng
Rể gợi lại những lời hứa trong sách Hô-sê và I-sai-a về
giao Ước Mới, sau đó vận dụng các ngày lễ của Cựu Ước để cho thấy Chúa Giê-su
là thực tại đã được loan báo trong Cựu Ước.
Gio-an không kể việc Chúa lập bí tích Thánh Thể,
nhưng kể việc Chúa rửa chân cho môn đệ để làm gương mẫu trước khi ban Điều Răn
Mới. Cuộc Thương Khó được trình bày như cuộc Vượt Qua Mới, Giao Ước Mới và Chúa
Giê-su là Thượng Tế dâng hy lễ xá tội. Máu của Chúa vừa là máu Chiên Vượt Qua,
vừa là Máu Xá tội và là Máu Giao Ước Mới. Chúa trao lạo hơi thở từ trên thập
giá và sau khi từ cõi chết trỗi dậy, Người ban Thánh Thần khi đến với các môn đệ.
Trong tin Mừng Nhất Lãm và thư 1
Cô-rin-tô Chúa truyền làm như Thầy vừa làm, tức là cử hành bí tích
Thánh Thể mà nhớ đến Chúa. Trong Tin Mừng Gio-an Chúa truyền “rửa
chân cho nhau”, yêu mến nhau như Chúa đã làm, đã yêu : hiến
mạng sống cho nhau. Rất gần với cách trình bày của Lu-ca và
thư Rô-ma. Và Chúa lấy làm dấu hiệu để người ta nhận biết môn
đệ của Chúa. Chính chúng ta thành “cột mốc” để “nhớ” Giao Ước Mới, nhờ Thánh Thần
và quả tim biết yêu thương.
6. Dân của Giao Ước Mới có nguy cơ thoái hóa không ?
Câu trả lời là CÓ. Thư 1 Cô-rin-tô đã
cho thấy gương công đoàn Cô-rin-tô. Họ vẫn họp nhau, nhưng kết
quả là gì :
Nhân lúc đưa ra các chỉ thị này, tôi chẳng khen anh em
đâu, vì những buổi họp của anh em không đem lại lợi ích gì, mà chỉ gây hại. 18 Thật
thế, trước tiên tôi nghe rằng khi họp cộng đoàn, anh em chia rẽ nhau,
và tôi tin là điều ấy có phần nào đúng. 19 Những sự chia rẽ
giữa anh em, thế nào cũng có, nhưng nhờ vậy mới rõ ai là người đạo đức chắc chắn. 20 Khi
anh em họp nhau, thì không phải là để ăn bữa tối của Chúa. 21 Thật
vậy, mỗi người lo ăn bữa riêng của mình trước, và như thế, kẻ thì đói, người lại
say. 22 Anh em không có nhà để ăn uống sao ? Hay anh
em khinh dể Hội Thánh của Thiên Chúa và làm nhục những người không có của ?
Tôi phải nói gì với anh em ? Chẳng lẽ tôi khen anh em sao ? Về điểm
này, tôi chẳng khen đâu. (11,17-22)
Sách Khải Huyền (2-3) đã có bảy bức thư gởi
cho bảy cộng đoàn Hội Thánh, để nhắc mọi cộng đoàn Hội Thánh tự kiểm điểm về sự
trung thành của mình với Giao Ước. Điều quở trách đầu tiên là : “Ngươi
đã để mất tình yêu thuở ban đầu” (Kh 2,4). Đó là căn nguyên
của mọi thứ suy thoái khác.
Những cuộc khủng hoảng nhiều mặt trong Hội Thánh hiện nay bắt
chúng ta suy nghĩ. Nhưng đừng vội trách người khác. Mỗi người hãy xét mình và đấm
ngực mình, vì mỗi người là một phần thân thể của Hội Thánh (x. 1 Cr 12,12-30),
nên “nếu một bộ phận nào đau thì mọi bộ phận cùng đau” (12,26). Mỗi người
đều có trách nhiệm xây dựng Hội Thánh. Mỗi người là một viên đá sống động (1
Pr 2,4). Ngọn lửa Chúa đã làm bừng lên trong Hội Thánh tùy ở mỗi người
có để cho lửa ấy thiêu đốt mình không (x. Lc 12,49). Chúa
Giê-su đã băn khoăn : “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng
tin trên mặt đất này hay không ?” (Lc 18,8). Liệu mỗi người
chúng ta có thể trả lời : “Lạy Chúa, nếu Chúa đến nhôm nay thì còn có con
tin Chúa đây !”
Đừng nguyền rủa bóng tối quanh ta, hãy trở thành tia lửa,
thành ngọn đuốc như Chúa mời gọi : “Chính anh em là ánh sáng
cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. 15 Cũng
chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi
chiếu cho mọi người trong nhà. 16Cũng vậy, ánh sáng của
anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp
anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,14-16).
Giê-ru-sa-lem, ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa 2019.
L.M. Giu-se Nguyễn công Đoan, S.J.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét