01/07/2019
Thứ Hai tuần 13 thường niên.
BÀI ĐỌC I: St 18, 16-33
“Chúa sắp tiêu diệt người công
chính cùng với kẻ tội lỗi sao?”
Trích sách Sáng Thế.
Khi những vị ấy chỗi dậy,
ra khỏi thung lũng Mambrê, liền trông về phía thành Sôđôma. Abraham cùng đi để
tiễn chân các đấng. Chúa phán: “Nào Ta có thể giấu Abraham điều Ta sắp làm
không? Vì Abraham sẽ trở nên một dân tộc vĩ đại và hùng cường, và muôn dân thiên
hạ chẳng nhờ đó mà được chúc phúc sao? Ta biết Abraham sẽ truyền dạy cho con
cháu và gia tộc mai sau phải tuân theo đường lối của Chúa, ăn ở ngay lành công
chính, để Thiên Chúa ban cho Abraham những gì Người đã hứa cùng ông”. Vậy Chúa
phán: “Tiếng kêu la của dân Sôđôma và Gômôra đã gia tăng, và tội lỗi chúng quá
nặng nề! Ta sẽ xuống coi việc chúng làm có như tiếng kêu thấu đến tai Ta hay
không, để Ta sẽ biết rõ”.
Các vị ấy bỏ nơi đó,
đi về hướng thành Sôđôma. Nhưng Abraham vẫn còn đứng trước mặt Chúa. Ông tiến lại
gần Người và thưa: “Chớ thì Chúa sắp tiêu diệt người công chính cùng với kẻ tội
lỗi sao? Nếu có năm mươi người công chính trong thành, họ cũng chết chung hay
sao? Chúa không tha thứ cho cả thành vì năm chục người công chính đang ở trong
đó sao? Xin Chúa đừng làm như vậy, đừng sát hại người công chính cùng với kẻ dữ,
đừng đối xử với người công chính như với kẻ dữ! Xin đừng làm thế! Chúa phán xét
thế giới, Chúa không xét đoán như thế đâu”. Chúa phán cùng Abraham rằng: “Nếu
Ta tìm thấy trong thành Sôđôma năm mươi người công chính, Ta sẽ vì họ mà tha thứ
cho cả thành”. Abraham thưa lại: “Dù con chỉ là tro bụi, con đã bắt đầu nói,
nên con xin thưa cùng Chúa con: Nếu trong số năm mươi người công chính đó còn
thiếu năm người thì sao? Vì thiếu năm người Chúa có tàn phá cả thành không?”
Chúa phán: “Nếu Ta tìm thấy bốn mươi lăm người công chính, Ta sẽ không phá huỷ
cả thành”. Abraham lại thưa cùng Chúa rằng: “Nhưng nếu có bốn mươi người thì
Chúa sẽ làm gì?” Chúa phán: “Ta sẽ vì bốn mươi người đó mà không trừng phạt cả
thành”. Abraham thưa: “Lạy Chúa, nếu con lên tiếng, xin Chúa đừng nổi giận. Nếu
ở đây tìm được ba mươi người công chính thì sao?” Chúa phán: “Nếu Ta tìm được
ba mươi người, Ta sẽ không phạt”. Abraham nói: “Vì con đã trót nói thì con sẽ
thưa cùng Chúa: Nếu trong thành tìm được hai mươi người công chính thì sao?”
Chúa phán: “Vì hai mươi người đó Ta sẽ không tàn sát”. Abraham thưa: “Lạy Chúa,
xin đừng nổi giận, con chỉ xin thưa lần này nữa thôi: Nếu tìm được mười người
công chính ở đó thì sao?” Chúa phán: “Vì mười người đó, Ta sẽ không tàn phá”.
Khi đã nói với Abraham
xong, Chúa ra đi, và Abraham trở về nhà mình. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 102, 1-2.
3-4. 8-9. 10-11
Đáp: Chúa là Đấng từ
bi và hay thương xót (c. 8a).
Xướng:
1) Linh hồn tôi ơi,
hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người.
Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá quên mọi ân huệ của Người. –
Đáp.
2) Người đã tha thứ
cho mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc mạng ngươi
khỏi chỗ vong thân; Người đội đầu ngươi bằng mão từ bi ân sủng. – Đáp.
3) Chúa là Đấng từ bi
và hay thương xót, chậm bất bình và hết sức khoan nhân. Người không chấp tranh
triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. – Đáp.
4) Người không xử với
chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan trái chúng tôi.
Nhưng cũng như trời xanh vượt cao trên trái đất, lòng nhân hậu Người siêu việt
hơn thế trên kẻ kính sợ Người. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 118, 27
Alleluia, alleluia!
– Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con suy gẫm các
điều lạ lùng của Chúa. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 8, 18-22
“Con hãy theo Ta”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy
đám đông dân chúng vây quanh Người, thì Người ra lệnh sang qua bờ bên kia. Một
luật sĩ đến thưa Người rằng: “Lạy Thầy, bất cứ Thầy đi đâu, con cũng xin theo
Thầy”. Chúa Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, Con Người không
có chỗ gối đầu”. Một môn đệ khác thưa Người rằng: “Thưa Thầy, xin cho phép con
về chôn cất cha con trước đã”. Chúa Giêsu trả lời: “Con hãy theo Ta, và hãy để
kẻ chết chôn kẻ chết”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Theo Chúa
Có hai tu sĩ lên đường
hành hương: một người chủ trương cần phải có tiền bạc và phương tiện vật chất đầy
đủ mới có thể đảm bảo cho đời sống tu trì; một người thì luôn tin tưởng nơi tinh
thần từ bỏ. Hai người trao đổi, tranh luận với nhau về hai tinh thần khác nhau
mà không ai có thể thuyết phục được ai. Khi họ đến bờ sông thì trời cũng đã tối.
Người có tinh thần từ bỏ đề nghị: - Chúng ta không có tiền để qua sông? Chúng
ta hãy ngủ lại đây và dâng lời chúc tụng Chúa.
Người kia đáp lại:
- Nơi này không có
làng mạc, nhà cửa, thú dữ có thể cắn xé; bên kia sông, chúng ta có thể nghỉ lại
một cách an toàn. Tôi có mang theo tiền, chúng ta hãy thuê một người lái đò.
Sau khi đã qua
sông, vị tu sĩ trả tiền cho người lái đò và nói với người bạn của mình như sau:
- Anh đã thấy được cái lợi của việc giữ tiền trong túi chưa? Chính nhờ có chút
tiền bạc, tôi đã có thể cứu mạng anh và mạng tôi. Ðiều gì sẽ xẩy ra, nếu tôi
cũng sống tinh thần từ bỏ như anh?
Nghe thế, vị tu sĩ
luôn sống trong tinh thần từ bỏ mỉm cười và nói:
- Chính sự từ bỏ của
anh đã cứu sống chúng ta; anh đã không tiếc của để thuê người lái đò là gì? Hơn
nữa, tôi không có đồng xu dính túi, thế mà tôi vẫn sống; tôi tin rằng chính
tinh thần từ bỏ đã cho tôi có được mọi sự cần thiết.
Tin Mừng Giáo Hội cho
chúng ta lắng nghe hôm nay kể lại rằng: Ngày nọ, Chúa Giêsu và các môn đệ đang
đi đường, thì có người đến thưa Ngài: "Tôi xin theo Thầy bất cứ nơi nào Thầy
đi". Chúa Giêsu trả lời: "Chồn có hang, chim có tổ, Con Người không
có nơi tựa đầu". Một người khác cũng muốn theo Ngài, nhưng xin được về
chôn cất cha trước đã. Chúa Giêsu nói: "Anh hãy theo tôi, cứ để kẻ chết
chôn kẻ chết".
Chúa Giêsu đòi hỏi các
môn đệ và tất cả những ai muốn theo Ngài một thái độ từ bỏ, dứt khoát tận căn;
Ngài không bao giờ chấp nhận bất cứ một thỏa hiệp nào. Qua những đòi hỏi ấy,
Chúa Giêsu muốn nhắc nhở cho chúng ta giới răn cơ bản: mến Chúa hết linh hồn, hết
trí khôn, hết sức lực. Ðây không phải là một điều không tưởng, cũng không phải
là một lý tưởng cao vời mà là một mệnh lệnh. Quả thật, con người chỉ thực sự đạt
được ơn gọi làm người của mình, khi nó sống trọn vẹn cho Thiên Chúa; con người
chỉ thực sự hạnh phúc khi nó thuộc trọn về Chúa. Những việc làm, như hy sinh,
hãm mình, khổ chế, chỉ thực sự có ý nghĩa và giá trị, nếu chúng được thực thi
như một cố gắng dốc cạn chính mình để sống tin tưởng phó thác cho Thiên Chúa,
và đó cũng là mục đích cuộc đời người Kitô hữu.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 13 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Gen
18:16-23; Mt 8:18-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thương lượng
với Thiên Chúa!
Con người có thói quen
tính toán và thương lượng; vì thế, họ thương lượng ngay cả với Thiên Chúa. Ví dụ:
Nếu Chúa muốn con theo đạo, hãy ban cho con được khỏe mạnh, hay cho con có việc
làm tốt, hay cho con cái con biết ngoan ngoãn vâng lời. Nếu Chúa muốn con đi
theo Chúa, xin Chúa hãy săn sóc và bảo vệ cha mẹ và gia đình của con … Tuy
nhiên, sự thương lượng của con người luôn thay đổi: khi thì cho Thiên Chúa làm
như vậy mới công bằng, khi thì cho Thiên Chúa làm như vậy là bất công.
Các Bài Đọc hôm nay
đưa ra những trường hợp con người muốn thương lượng với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc
I, Thiên Chúa muốn phá hủy hai thành Sodom và Gomorrah vì tội lỗi quá nhiều của
họ. Abraham muốn cứu cháu mình là gia đình ông Lot; nên Abraham thương lượng:
“Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ sao?” Trong Phúc Âm, khi
một người mong muốn theo Chúa, nhưng thương lượng với Chúa hãy đợi cho anh về
chôn cất cha anh trước đã; Chúa Giêsu nói với anh: “Hãy để kẻ chết chôn kẻ chết!
Phần anh, hãy theo Ta.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật với kẻ dữ
sao?”
1.1/ Thiên Chúa quan tâm
đến Abraham: Có hai ký do khiến Ngài quan
tâm đến ông: vì ông là tổ-phụ của mọi dân tộc và là bạn nghĩa thiết của Thiên
Chúa. Như một Tổ-phụ, ông phải biết đường lối của Thiên Chúa để dạy dỗ con
cháu. Vì thế, Thiên Chúa cân nhắc: “Ta có nên giấu Abraham điều Ta sắp làm
chăng? Abraham sẽ trở thành một dân tộc lớn mạnh và mọi dân tộc sẽ được chúc
phúc nhờ nó. Thật vậy, Ta đã chọn nó, để nó truyền cho con cái nó và gia tộc nó
sau này phải giữ đường lối của Đức Chúa mà thực hiện điều công minh chính trực;
như thế Đức Chúa sẽ làm cho Abraham điều Người đã phán về nó.” Sau đó, Đức Chúa
mặc khải cho Abraham biết ý định của Ngài về số phận của hai thành Sodom và
Gomorrah.
1.2/ Abraham thương lượng
với Thiên Chúa:
(1) Cách phán xét của
Thiên Chúa: Đức Chúa phán: “Tiếng kêu trách Sodom và Gomorrah thật quá lớn! Tội
lỗi của chúng quá nặng nề! Ta phải xuống xem thật sự chúng có làm như tiếng kêu
trách đã thấu đến Ta không. Có hay không, Ta sẽ biết.” Trong vai trò của độc giả,
chúng ta biết hai thành này có tội, và án phạt của Thiên Chúa đã xảy ra cho hai
thành. Chúng ta cũng biết Thiên Chúa công chính: Ngài trả cho con người theo những
gì họ đã gây ra.
(2) Lối suy nghĩ của
Abraham: Ông thưa với Thiên Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt người lành một trật
với kẻ dữ sao?”
– Theo Abraham, Thiên
Chúa không nên tiêu diệt người lành cùng một trật với kẻ dữ; vì như thế là
không công bằng. Có nhiều điều khúc mắc về thần học ở đây:
+ Nếu Abraham tin ơn
phúc của người lành có thể đủ để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của kẻ dữ, như khi
ông thương lượng với Thiên Chúa ở dưới; thì tội của kẻ dữ cũng phải ảnh hưởng
trên người lành. Vì thế, Thiên Chúa có thể tiêu diệt cả hai một trật. Hơn nữa,
tội của kẻ dữ nhiều khi là hậu quả của sự vô tâm từ phía người lành: cha mẹ không
chịu dạy dỗ con, xã hội vô tâm không chịu giúp đỡ người yếu thế. Vì sự vô tâm
không chịu giáo dục và chăm sóc, họ vô tình đẩy những người yếu thế vào con đường
tội lỗi. Vì vậy, tội vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính cộng đoàn; chẳng một
tội cá nhân nào mà không ảnh hưởng đến cộng đoàn. Nếu muốn cho cộng đoàn tốt đẹp,
mọi người đều có bổn phận dạy dỗ và chăm sóc cho các phần tử của cộng đoàn.
+ Thiên Chúa có thể
tiêu diệt cả hai một trật; nhưng sẽ phân biệt họ khi phán xét để hưởng hạnh
phúc đời sau. Như thế, Ngài vẫn công bằng khi đối xử.
+ Nếu Thiên Chúa không
tiêu diệt kẻ dữ, có người cũng sẽ than trách Ngài không công bằng: để kẻ dữ tha
hồ tác hại người lành!
– Khi Abraham thương
lượng với Thiên Chúa và giảm con số người lành từ 50 xuống tới 10, ông hy vọng
ơn phúc của người lành có thể đủ để Thiên Chúa tha thứ tội lỗi của kẻ dữ. Làm
sao con người biết khi nào cán cân sẽ thăng bằng giữa phúc của kẻ lành và tội của
kẻ dữ?
2/ Phúc Âm: Theo Chúa là phải chấp nhận đường lối của Ngài.
2.1/ Giá phải trả của việc
đi theo Chúa Giêsu: Chúa Giêsu rất thực tế:
Ngài nói cho các môn đệ về phần thưởng sẽ được, nhưng cũng không giấu diếm các
ông về giá phải trả của việc đi theo Ngài. Điều này làm cho người muốn theo phải
suy nghĩ: Nếu họ chấp nhận vinh quang qua con đường đau khổ, hãy bỏ mọi sự, vác
thánh giá hàng ngày, và theo Chúa tới cùng. Nếu họ cảm thấy không theo được,
hãy có can đảm từ khước từ ngay từ đầu, để đừng bỏ giữa đường và mất cả hai: đời
này và đời sau.
Thánh Matthew tường
thuật một kinh sư tiến đến thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi
cũng xin đi theo.” Đức Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng
Con Người không có chỗ tựa đầu.” Chúa Giêsu muốn người kinh sư nhận ra ít là
hai điểm:
(1) Tương lai bấp
bênh: Nhà rao giảng Tin Mừng phải di chuyển luôn luôn, chứ không sống cố định một
chỗ như phần đông con người. Khi đã hoàn tất sứ vụ ở một nơi, ông lại phải đến
một nơi khác và bắt đầu làm lại từ đầu.
(2) Sống nghèo khó:
Nhà rao giảng không có nhà cửa, tài sản; nhưng hoàn tòan sống theo sự quan
phòng của Thiên Chúa.
2.2/ Phải kính mến Thiên
Chúa trên hết mọi người: Một môn đệ khác
thưa với Người: “Thưa Ngài, cho phép con về chôn cất cha con trước.” Đức Giêsu
bảo: “Anh hãy đi theo tôi, cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.” Câu trả lời của
Chúa Giêsu không dễ hiểu; nhiều người cho Chúa Giêsu dạy điều bất hiếu với cha
mẹ!
(1) Chúa có dạy phải bất
hiếu với cha mẹ? Theo truyền thống Á-đông, một trong những điều bị coi là bất
hiếu khi con cái sống xa cha mẹ lúc các Ngài cao niên. Con cái, nhất là con
trai trưởng, phải ở gần cha mẹ để lo lắng cho các ngài lúc tắt lửa tối đèn; nhất
là phải chôn cất cha mẹ trước khi lo cho tương lai của mình.
(2) Chúa đòi người môn
đệ phải làm theo thánh ý của Thiên Chúa trên hết tất cả ý của con người, bao gồm
ý của cha mẹ, như Ngài đã từng dạy: Tiên vàn, các con hãy lo tìm Nước Thiên
Chúa trước, còn mọi sự khác, Ngài sẽ quan phòng lo liệu cho các con sau. Khi phải
chọn lựa giữa việc đi theo Thiên Chúa và việc ở nhà phụng dưỡng cha mẹ, con người
phải chọn Thiên Chúa trước theo như giới răn thứ nhất dạy. Tuy thế, Thiên Chúa
không thua lòng quảng đại của con người, Ngài sẽ lo liệu để có người chăm sóc
cho cha mẹ.
Hơn nữa, Chúa muốn con
người phải biết nắm lấy cơ hội và thi hành ngay. Ngài biết nếu cứ để con người
hẹn lần hẹn mòn, con người sẽ để cho cơ hội qua đi mà không chịu thực hiện.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta hãy để cho
Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất. Đừng thương lượng và bắt Ngài phải suy nghĩ và
hành động như con người hay thay đổi của chúng ta.
– Khi đã chấp nhận làm
môn đệ của Đức Kitô, chúng ta tình nguyện đi theo con đường đau khổ để đạt tời
vinh quang. Chúng ta phải yêu mến và phục vụ Ngài trên hết mọi người và mọi sự.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Không chỗ tựa đầu (01.7.2019 -
Thứ Hai tuần 13 TN)
Suy niệm:
“Thưa Thầy, Thầy đi
đâu tôi cũng xin đi theo.”
Đó là lời yêu cầu của
một vị kinh sư đáng kính, thông thạo Thánh Kinh.
Vị này gọi Đức Giêsu
là Thầy, dù chính ông là một bậc thầy trong dân.
Tại sao ông lại muốn
đi theo Đức Giêsu, một ông thợ mộc ở Nadarét?
Tại sao một người có sự
nghiệp ổn định như ông
lại chịu hạ mình làm
môn đệ của Ngài?
Tại sao ông lại muốn
theo Ngài đến tận chân trời góc biển?
Điều gì nơi con người
Đức Giêsu đã khiến ông quyết định như thế?
Điều gì nơi Ngài đã cuốn
hút con người ông
đến độ ông không muốn
xa Ngài nữa,
và muốn gắn bó đời
mình với Ngài?
Chúng ta không có câu
trả lời cho các câu hỏi đó.
Chúng ta chỉ nghe câu
trả lời của Đức Giêsu cho vị kinh sư.
“Con chồn có hang,
chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu.”
Ngài nhắc cho ông biết
cái giá phải trả
để đi theo Ngài làm
môn đệ.
Đó là cuộc sống bấp
bênh, lang thang, nay đây mai đó.
Trên bước đường rao giảng,
Đức Giêsu sống như kẻ vô gia cư.
Ngài tạm trú ở nơi nhà
của người mở lòng đón nhận.
Chẳng rõ sau câu trả lời
thẳng thắn của Đức Giêsu,
vị kinh sư có còn muốn
theo Ngài nữa không?
Khi một môn đệ của Đức
Giêsu xin phép về chôn cất cha trước đã,
thì Ngài đã trả lời bằng
một câu khó hiểu:
“Anh hãy đi theo tôi.
Cứ để kẻ chết chôn kẻ chết của họ.”
Người Do Thái coi trọng
chữ hiếu và việc tống táng cho cha mẹ.
Có thể ở đây anh môn đệ
này muốn xin về nhà,
ở với cha già cho đến
ngày cha qua đời, rồi chôn cất cha để báo hiếu.
Không phải là anh
không muốn làm môn đệ Thầy Giêsu nữa,
nhưng trước hết, anh
muốn làm tròn bổn phận của một người con.
Đức Giêsu cho anh thấy
báo hiếu không phải là bổn phận hàng đầu,
dù tôn kính cha mẹ là
luật quan trọng trong xã hội Do Thái.
Ngài cho anh thấy có
Ai đó còn quan trọng hơn cả cha mẹ.
“Hãy theo tôi”, tiếng
gọi này đòi dành ưu tiên cho Ngài,
đến độ nghĩa vụ thiêng
liêng nhất là chôn cất cha phải nhường bước.
Tin Mừng hôm nay cho
thấy cái giá phải trả để làm môn đệ Đức Giêsu.
Có người xin đi theo
Thầy khắp mọi nơi Thầy đi.
Nhưng đi vào Vườn Dầu,
đi lên Núi Sọ, ít người dám theo Thầy.
Có người đã là môn đệ
rồi, nhưng lại băn khoăn vì nghĩa vụ.
Anh phải nghe được tiếng
gọi mới của Thầy: “Hãy theo tôi” (c. 22).
và đơn sơ đặt sứ mạng
lên trên hết.
Thân phận người môn đệ
xưa nay đều giống nhau.
Theo Thầy là phải chịu
long đong, thiếu thốn, bị từ chối và bách hại,
thậm chí phải chấp nhận
cái chết.
Nhưng hạnh phúc vẫn chờ
họ, chỉ vì họ đã cùng thân phận với Thầy.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không
ngần ngại
chọn những cầu thủ
bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời
mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết
chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn
đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược
dòng,
theo Chúa là bước vào
con đường hẹp:
con đường nghèo khó và
khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục
vụ.
Hôm nay, chúng con chọn
Chúa
không phải vì Chúa
giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên
Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng
con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như
Chúa.
Ước gì chúng con can đảm
chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ
bé,
để Chúa chiếm lấy toàn
bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ
cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG BẢY
Đấng Cầm Quyền Tối
Cao Luôn Ân Cần Săn Sóc
Các biểu tượng cổ xưa
của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng
từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator”
(cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự
hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục
tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần
linh.
Thật vậy, người mục tử
là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn
ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài
người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền
lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách
Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân
trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là,
nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền
bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc
đàn chiên của mình.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01/7
St 18, 16-33; Mt 8,
18-22.
LỜI SUY NIỆM: Một kinh sư
tiến lại thưa Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu, tôi cũng xin di theo.” Đức
Giêsu trả lời: “Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ
tựa đầu.”
Đọc trong Tin Mừng, phần nhiều chúng ta thấy, giới kinh sư và biệt phái thường
bị Chúa Giêsu khiển trách, và phần đông những nhóm này đều chống đối và muốn loại
bỏ Người ra khỏi xã hội của họ. Nhưng không phải tất cả họ đều là như thế cả
đâu. Điển hình như là người kinh sư này đòi đi theo Người, cũng như Nicôđêmô,
như Giuse người Arimathê, và cũng có những vị kinh sư có lòng tốt với Chúa
Giêsu như trong Tin Mừng Lu ca 13,31. Cho chúng ta vững tin vào quyền năng yêu
thương của Người và sự hoạt động của Chúa Thánh Thần đang tác động trên những
người đang sống chung quanh của chúng ta và để chúng ta biết mà cùng nhau cầu
nguyện luôn cho tất cả những người anh em đó.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng
con đang được Chúa đặt để chúng con trong xã hội như ngày hôm nay, để giúp cho
chúng con không còn cậy dựa vào chiếc hang, hay cái tổ hoặc là nơi gối đầu,
nhưng là để nhận ra tình thương của Chúa đang dành để cho chúng con. Xin cho
chúng con nhận ra tình thương của Chúa để trung thành đi theo Chúa cho đến tận
cùng.
Mạnh Phương
01 Tháng Bảy
Một Cách Trả Thù
Những người thổ dân
Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ
dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ
thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của
cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa
đắc trí hô lớn: “Ta đã trả thù được rồi”.
Mười mấy năm sau,
cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến
gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô
cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng
vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành
khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta
xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”.
“Lấy ân trả oán”: đó
phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù
nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh
Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ
có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo
động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.
Cuộc cách mạng bạo động
và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu
hệ lụy khổ đau khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng
duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề
ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Ðó
là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì
tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng
ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét