Trang

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

19-09-2019 : THỨ NĂM - TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN


19/09/2019
 Thứ năm tuần 24 thường niên


BÀI ĐỌC I: 1 Tm 4, 12-16
“Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: như thế con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, chớ có ai khinh dể con vì con còn trẻ: nhưng con hãy nêu gương sáng cho các tín hữu, trong lời nói, cách ăn nết ở, trong đức bác ái, đức tin và đức thanh khiết. Cho tới khi cha đến, con hãy chăm chú đọc sách, khuyên bảo và dạy giáo lý. Con chớ quên lãng ân sủng trong con, là ơn đã ban cho con bởi lời tiên tri cùng với việc đặt tay của bậc Lão thành. Con hãy suy ngắm những sự đó, hãy để tâm đến các việc ấy, để mọi người đều thấy rõ con đã tiến tới. Con hãy thận trọng giữ mình và giữ lấy giáo lý: hãy kiên trì trong những việc ấy. Vì khi con làm như vậy, con sẽ cứu lấy chính mình con và những kẻ nghe lời con. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 110, 7-8. 9. 10
Đáp: Vĩ đại thay công cuộc của Chúa (c. 2a).
Xướng:
1) Công cuộc tay Chúa làm ra đều chân thật và công chính, mọi giới răn của người đều đáng cậy tin. Những giới răn đó được lập ra cho đến muôn ngàn đời, được ban hành một cách chân thành và đoan chính. – Đáp.
2) Chúa đã gởi tặng ơn giải phóng cho dân Người, đã thiết lập lời minh ước tới muôn đời, danh Người thực là thánh thiện và khả úy! – Đáp.
3) Đầu sự khôn ngoan là tôn sợ Chúa, bao nhiêu người thờ Chúa đều hành động cách khôn ngoan. Lời khen ngợi Chúa còn tồn tại tới muôn đời. – Đáp.

ALLELUIA: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! – Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. – Alleluia. 

PHÚC ÂM: Lc 7, 36-50
“Tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có một người biệt phái kia mời Chúa Giêsu đến dùng bữa với mình; Người vào nhà người biệt phái và vào bàn ăn. Chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang dùng bữa trong nhà người biệt phái, liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, nước mắt ướt đẫm chân Người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm. Thấy thế, người biệt phái đã mời Người, tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà đang động đến mình là ai, và thuộc hạng người nào chứ: là một đứa tội lỗi (mà)!” Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông”. Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói”.
– “Một người chủ nợ có hai con nợ, một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn”. Chúa Giêsu bảo ông: “Ông đã xét đoán đúng”.
Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này từ lúc vào không ngớt hôn chân Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít”.
Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi”. Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” Và Người nói với người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con, con hãy về bình an”. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)


SUY NIỆM : Lòng Sám Hối
Tin Mừng hôm nay ghi lại một phiên tòa; phiên tòa này không có luật sư biện hộ, không có bản án được đọc lên, nhưng kẻ được ân xá ra về với bình an trong tâm hồn.
Có được bình an trong tâm hồn là điều quí giá nhất Chúa Giêsu mang lại cho con người. Nhưng để có được bình an ấy, điều kiện tiên quyết là con người phải có lòng sám hối. Sám hối vốn là nội dung chủ yếu trong sứ điệp của Chúa Giêsu. Lời đầu tiên của Ngài khi bắt đầu sứ vụ công khai là: "Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng". Ngài đến là để khơi dậy lòng sám hối của con người; Ngài đến là để hòa giải tội nhân với Thiên Chúa. Cái chết của Ngài trên Thập giá không phải là cái chết của nhà cách mạng hay chính trị gia, mà thiết yếu là để đền bù tội lỗi con người.
Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay đã nhận ra sự cần thiết của sám hối. Bất chấp những lời dị nghị, bất chấp sự khinh bỉ của người xung quanh, bà đã thể hiện một cách chân thành và trọn vẹn lòng sám hối của mình. Chúa Giêsu đã nói lên ý nghĩa hành động của người phụ nữ này như sau: "Bà đã được tha nhiều, vì bà đã yêu mến nhiều". Càng cảm nhận được ơn tha thứ, con người càng được thôi thúc thể hiện lòng yêu mến nhiều hơn.
Lịch sử Giáo Hội được tô điểm bằng lòng sám hối thể hiện qua tình mến. Cuộc đời của bất cứ vị thánh nào cũng đều bắt đầu bằng lòng sám hối, nghĩa là ý thức sâu xa về tội lỗi của mình. Nhưng sám hối không chỉ là ý thức về tội lỗi của mình. Có lẽ không ai ý thức được hành động phản bội của mình cho bằng Yuđa, nhưng ý thức ấy chưa hẳn là sám hối. Phêrô cũng đã chối Thầy, nhưng nơi ngài lòng sám hối không chỉ dừng lại ở ý thức tội lỗi, nhưng đã biến thành tình yêu thương; Phêrô đã nói lên lòng sám hối bằng ba lần thưa với Chúa: "Lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa".
Người ta thường nói đến cuộc khủng hoảng về đức tin. Trong thực tế, khủng hoảng đức tin cũng chính là khủng hoảng về lòng sám hối. Khi con người đánh mất ý thức về tội lỗi, con người cũng không còn cảm nhận được thế nào là ơn tha thứ của Chúa, và dĩ nhiên cũng đánh mất sự cảm thông và tha thứ đối với người khác. Thái độ khoan nhượng của con người chỉ xuất phát từ ý thức về nỗi bất toàn và sự tha thứ mà mình cảm nhận được. Xét cho cùng, bác ái chính là hoa trái của lòng sám hối: càng cảm thấy mình được yêu thương và tha thứ, con người càng được thúc đẩy để tha thứ và yêu thương.
Nguyện xin Chúa nung nấu tâm tình sám hối đích thực nơi chúng ta và ban cho chúng ta niềm an bình nội tâm, để chúng ta cũng biết chia sẻ niềm an bình ấy với mọi người bằng cảm thông, tha thứ, và những thể hiện của bác ái.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 24 TN1
Bài đọcI Tim 4:12-16; Lk 7:36-50

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết sống xứng đáng với ơn gọi của mình.
Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên Timothy hãy sống xứng đáng với ơn gọi làm Giám-quản mà Thiên Chúa và Hội-thánh đã trao phó: phải làm cho mọi người tin cậy mình trong lời nói cũng như trong hành động; xây dựng mọi sự trên nền tảng Lời Chúa; và luôn ý thức về sứ vụ mình phải chu toàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cư xử như một người Mục Tử Nhân Lành: Ngài tha thứ và ban bình an cho chị phụ nữ nổi tiếng tội lỗi, và kiên nhẫn sửa sai người Biệt-phái chỉ biết xét đoán cách hời hợt bên ngoài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Các đức tính quan trọng của nhà lãnh đạo Công Giáo
1.1/ Nhà lãnh đạo là người chín chắn: Khi chọn nhà lãnh đạo, con người có khuynh hướng chọn những người lớn tuổi, đã chín chắn, và có nhiều kinh nghiệm. Trường hợp của Timothy là trường hợp ngoại lệ: làm Giám-quản khi tuổi vẫn còn trẻ. Vì thế, Phaolô khuyên: “Chớ gì đừng có ai coi thường anh vì anh còn trẻ.” Để tránh bị khinh thường, Timothy cần tập luyện để trở thành người đáng tin cậy trong:
(1) Lời nói: Phải biết cẩn thận trong lời nói và làm sao để các tín hữu tin những gì mình nói. Cần tránh nói một đàng làm một nẻo; đừng vội hứa, khi đã hứa phải giữ lời; đừng nói những chuyện nhảm nhí, tục tĩu, vô bổ. Nói có sách, mách có chứng; đừng nói mà không có bằng chứng kèm theo. Nói tóm, phải nói sự thật.
(2) Cách cư xử: Phải biết cách cư xử đúng với mọi người: kính trên, nhường dưới; cẩn thận trong việc tiếp xúc với phụ nữ.
(3) Đức ái, đức tin và lòng trong sạch: Yêu thương mọi người; trung thành trong ơn gọi và các mối liên hệ; và có tâm hồn trong sạch.
1.2/ Xây dựng cá nhân và cộng đoàn trên Lời Chúa: Mỗi khoa học hay nghề nghiệp đều có một lãnh vực để chuyên chăm và đào sâu, lãnh vực của nhà lãnh đạo Công Giáo là Kinh Thánh.
(1) Phải chú trọng đến việc học hỏi Kinh Thánh: Không biết Kinh Thánh là không biết Thiên Chúa (St. Jerome). Nếu không biết Thiên Chúa, làm sao nói về Thiên Chúa cho các tín hữu của mình? Khi không am tường Kinh Thánh, nhà rao giảng có khuynh hướng rao giảng những gì mình biết mà chẳng có liên hệ gì đến Lời Chúa.
(2) Hiểu biết Kinh Thánh để dạy dỗ: Khi rao giảng, nhà lãnh đạo phải rao giảng Lời Chúa, chứ không rao giảng lời của mình hay của người nào khác. Phải dành địa vị ưu việt cho Lời Chúa, vì chỉ có Lời Chúa có uy quyền để giải thoát con người.
(3) Dùng Kinh Thánh để khuyên nhủ: Nhà lãnh đạo Công Giáo không phải là nhà tâm lý hay nhà xã hội, mặc dù những lãnh vực này giúp trong việc khuyên nhủ; nhưng trước tiên nhà lãnh đạo phải dùng lời khôn ngoan của Thiên Chúa qua Kinh Thánh để giúp giải quyết vấn đề.
1.3/ Ý thức ơn gọi của mình: Một sự xét mình thường xuyên sẽ giúp nhà lãnh đạo biết:
(1) Mình đã được thánh hiến: “Đừng thờ ơ với đặc sủng đang có nơi anh, đặc sủng Thiên Chúa đã ban cho anh nhờ lời ngôn sứ, khi hàng kỳ mục đặt tay trên anh.” Phải chú trọng đến việc thánh hiến mình trước khi có thể thánh hiến người khác.
(2) Phải nhiệt thành với ơn gọi của mình: “Anh hãy tha thiết với những điều đó, chuyên chú vào đó, để mọi người nhận thấy những tiến bộ của anh.” Cần phải thường xuyên xét mình để xem mình có còn sự nhiệt thành thuở ban đầu không, vì thời gian và nhiều va chạm dễ làm phai lạt sự nhiệt thành của nhà lãnh đạo.
(3) Phải làm gương sáng và chu toàn nhiệm vụ: “Anh hãy thận trọng trong cách ăn nết ở và trong lời giảng dạy. Hãy kiên trì trong việc đó. Vì làm như vậy, anh sẽ cứu được chính mình, lại còn cứu được những người nghe anh giảng dạy.” Lời nói lung lay, gương bày lôi cuốn. Cuộc sống chứng nhân là dấu chỉ hùng hồn để nhà lãnh đạo làm chứng cho Thiên Chúa.
2/ Phúc Âm: Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.
2.1/ Hai phản ứng khác nhau: Trình thuật hôm nay là một ngoại lệ trong mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và những người Biệt-phái. Thường thường, chúng ta thấy luôn có sự đụng độ giữa Chúa Giêsu và họ; nhưng hôm nay, có người thuộc nhóm Biệt-phái mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Tuy nhiên, chân tướng họ dần dần lộ ra, và kết quả cũng chẳng khác gì những lần khác.
(1) Phản ứng chân thành của người phụ nữ tội lỗi: Trình thuật kể: “Có một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Biệt-phái, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.” Có nhiều điều khác thường trong cách cư xử của người phụ nữ: Thông thường, người ta chỉ rửa chân bằng nước và lau bằng khăn, chị rửa chân Chúa bằng nước mắt và lau bằng tóc; người ta tỏ dấu tình yêu bằng hôn má, chị tỏ bằng hôn chân như Chúa Giêsu hôn chân các môn đệ; người ta chỉ nhỏ vài giọt dầu thơm, chị dùng cả một bình bạch ngọc. Tất cả những điều này có ý muốn nói lên lòng ăn năn chân thành, sự can đảm, và tình yêu thâm sâu của chị dành cho Chúa Giêsu.
(2) Phản ứng của người Biệt-phái: Thấy vậy, ông Biệt-phái đã mời Chúa Giêsu liền nghĩ: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Ông không nhìn thấy tình yêu và lòng ăn năn thống hối trong tâm hồn người phụ nữ; nhưng chỉ nhìn thấy quá khứ tội lỗi và thái độ bất cẩn của Chúa Giêsu, để sẵn sàng kết án.
2.2/ Phản ứng của Chúa Giêsu: Biết những gì ông đang nghĩ, Chúa Giêsu vẫn kiên nhẫn tìm cách thuyết phục ông, bằng cách trước tiên đưa ra nguyên tắc ông phải chấp nhận, sau đó chỉ cho ông thấy sự kết án sai trái của mình.
(1) Đưa ra nguyên tắc: Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ về hai con nợ: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn?” Ông Simon đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.”
(2) Áp dụng vào thực tế: Người nói với ông Simon: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.”
(3) Chúa tha tội cho người phụ nữ: Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội?” Nhưng Đức Giêsu nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Là những nhà lãnh đạo tinh thần, chúng ta hãy chứng tỏ cho mọi người thấy mình biết sống khôn ngoan, nhân đức, và trung thành hoàn tất sứ vụ được trao phó bởi Thiên Chúa.
– Đừng giam tha nhân trong quá khứ tội lỗi để kết án họ; nhưng hãy cho tha nhân một cơ hội để ăn năn trở về, như Thiên Chúa đã cho chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


19/09/2019 – THỨ NĂM TUẦN 24 TN
Th. Gia-nu-a-ri-ô, giám mục, tử đạo
Lc 7,36-50


ĐƯỢC THA NHIỀU, YÊU MẾN NHIỀU
Chúa Giê-su nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,47)

Suy niệm: “Được tha nhiều” “yêu mến nhiều”, công thức diễn tả một tương quan tỷ lệ thuận: Càng nhận ra mình tội lỗi, người ta càng cảm thấy cần được tha thứ, càng được tha thứ nhiều, người ta càng yêu mến nhiều. Chính ở điểm này mà ta thấy được tình yêu cũng có những lý lẽ của nó, mặc dù lý lẽ đó thật là kỳ lạ: một người càng là thánh thì lại càng cảm thấy mình là tội nhân. Thánh Phan-xi-cô Át-si-si đã nói: “Không thể tìm thấy ở đâu có một tội nhân tồi tệ và đáng thương hơn tôi đây”. Và kỳ diệu hơn nữa, công thức trên cũng có thể phát biểu thành một định lý đảo: người thiếu phụ kia không còn thiết gì ngoài việc gặp được Đức Ki-tô, Đấng mà bà yêu mến tha thiết, vì chỉ có Ngài có thể tha thứ cho bà; chính nhờ đó, bà đã được tha thứ. Như thế có nghĩa là “yêu mến nhiều” “được tha nhiều”.
Mời Bạn: Bạn có thể bắt đầu từ chỗ nhận ra mình tội lỗi để rồi cảm thấy mình được tha thứ và yêu thương. Hoặc bạn cứ yêu mến Chúa Ki-tô hết lòng đi, bạn sẽ thấy tội lỗi của mình là không thể chấp nhận được để rồi bạn đến xin ơn tha thứ của Ngài.
Chia sẻ: Thảo luận trong tổ của bạn câu nói: “Tội lớn nhất của thời đại ngày nay là đánh mất ý thức về tội lỗi”.
Sống Lời Chúa: Mỗi tối hoặc trước khi lãnh nhận bí tích hoà giải, bạn xét mình một cách kỹ lưỡng, không chỉ để thấy mình có tội mà còn để cảm nhận mình xấu xa đáng ghét chừng nào vì đã xúc phạm đến Thiên Chúa tình yêu.
Cầu nguyện: Đọc kinh “Ăn Năn Tội” một cách chậm rãi và với trọn tâm tình.
(5 Phút Lời Chúa)


Chị hãy đi bình an

Suy niệm :
Chỉ Luca mới nói đến chuyện các người Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa.
Họ mời Đức Giêsu dự tiệc ba lần (7, 36; 11, 37; 14, 1).
Họ còn báo cho ngài biết về việc Hêrôđê toan ám hại ngài (13, 31).
Xem ra không phải mọi người Pharisêu đều có ác cảm với Đức Giêsu.
Hôm nay Đức Giêsu là khách mời của ông Simon.
Ngài chẳng ngại đáp lại lời mời của một người thuộc phái Pharisêu,
cũng như ngài đã chẳng sợ làm bạn với người thu thuế và tội lỗi (Lc 7, 34).
Khi ăn tiệc lớn ở xứ Palestine thời đó,
các vị khách thường ngả người nằm trên những chiếc ghế dài, có gối,
chân đưa ra ngoài, tay trái dùng để tựa, còn tay phải để lấy thức ăn.
Khi nhà có đại tiệc, người ngoài được tự do ra vào.
Bất ngờ có một phụ nữ mạnh dạn bước vào phòng tiệc.
Người ta nhận ra chị là một người tội lỗi sống trong thành phố,
nhưng không chắc chị có phải là một cô gái điếm không.
Chị cố ý đến đây vì biết Đức Giêsu đang có mặt trong bữa tiệc.
Đây là người mà chị đã từng gặp và đã nhận được ơn tha thứ.
Chị đã chuẩn bị khá kỹ và biết rất rõ việc mình sắp làm cho Ngài.
Chị đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm (c. 37).
Đứng ở gần chân Đức Giêsu, chị bật khóc nức nở.
Nước mắt chị làm ướt chân Ngài.
Những giọt nước mắt ăn năn vì tội lỗi quá khứ,
hay vui sướng vì biết mình đã đựoc thứ tha ?
Sau đó chị cởi khăn choàng đầu và xõa tóc để lau khô chân Đức Giêsu.
Cuối cùng, chị còn hôn lên chân và xức dầu thơm nữa.
Nói chung, những cử chỉ táo bạo của chị thật hết sức chướng mắt
đối với những người dự tiệc trong xã hội thời đó (và bây giờ cũng vậy !).
Xõa tóc trước công chúng là điều phụ nữ Do Thái không được phép làm,
vuốt ve và hôn chân một người đàn ông hẳn là những cử chỉ khêu gợi.
Hơn nữa, chị lại là một người tội lỗi có tiếng trong thành.
Một con người nhơ uế như chị khi đụng chạm sẽ làm người khác nhơ uế.
Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy ông Simon nghĩ thầm:
“Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn ông phải biết
người phụ nữ đang đụng vào mình là ai, vì chị ta là một người tội lỗi.”
Đức Giêsu có biết không? Nếu không, thì Ngài không phải là ngôn sứ.
Nhưng nếu Ngài biết, mà ngài lại cứ để chị làm như vậy,
thì còn gì là danh dự của ông Simon và của chính Ngài nữa!
Đức Giêsu biết chị là ai, biết cả điều Simon thầm nghĩ (x. 5, 21-22; 6, 7-8).
Ngài không phản ứng gì vì ngài hiểu ý nghĩa điều chị làm.
Đó không phải là cử chỉ khêu gợi của một cô gái làng chơi,
nhưng là những hành vi diễn tả lòng biết ơn của người được tha thứ.
Đức Giêsu hiểu những giọt nước mắt của chị, vừa hối hận, vừa hạnh phúc.    
Ngài hiểu cả những cử chỉ có vẻ quyến rũ của chị trên đôi chân mình:
rửa chân bằng nước mắt, lau chân bằng tóc, hôn chân và xức dầu thơm.
Ngài đọc thấy trong đó lòng trân trọng và biết ơn.
Đó là sự trào dâng không thể cưỡng lại được của tâm tình yêu mến.
Tuyệt đối không có chút nhơ uế nào nơi những cử chỉ ấy.
Và Đức Giêsu đã đón nhận tất cả với trái tim thanh khiết của mình.
Để soi sáng cho ông Simon hiểu về hành động của người phụ nữ,
Đức Giêsu kể cho ông nghe một dụ ngôn kèm theo một câu hỏi (cc. 41-42)
Hai người cùng mắc nợ, một người 500 quan tiền, một người 50.
cả hai cùng được chủ nợ tha vì họ không có gì để trả.
“Vậy trong hai người đó, ai sẽ yêu mến chủ nợ hơn ?”
Câu hỏi chẳng có gì khó đối với Simon và ông đã trả lời đúng.
Ta nên lưu ý: yêu mến ở đây có nghĩa là biết ơn.
Tự nhiên người được tha nhiều thì sẽ biết ơn nhiều, kẻ được tha ít sẽ biết ơn ít.
Dụ ngôn đơn giản của Đức Giêsu được áp dụng vào thực tế.
Rõ ràng là chị phụ nữ đã yêu mến Đức Giêsu hơn ông Simon.
Đức Giêsu làm một so sánh giữa cách tiếp đón của hai người (cc.44-46).
Simon đã chẳng cho Ngài nước để rửa chân, chẳng hôn, chẳng xức dầu trên đầu.
Dĩ nhiên đó chẳng phải là những đòi hỏi bắt buộc khi tiếp khách,
nhưng dù sao cách tiếp khách của Simon cũng nhạt nhẽo hơn so với chị kia.
Câu 47 là một câu quan trọng để hiểu đúng ý của đoạn Tin Mừng này.
Câu này trước đây thường được dịch như sau:
“Tội của chị ấy tuy nhiều, nhưng đã được tha, vì (hoti) chị đã yêu mến nhiều.
Còn ai được tha ít thì yêu mến ít,”
Dịch như thế dễ gây hiểu lầm rằng vì yêu nhiều nên chị được tha nhiều.
Thật ra phải hiểu ngược lại mới đúng.
Chính vì chị được tha nhiều nên chị mới yêu mến biết ơn nhiều.
Lòng yêu mến là kết quả, chứ không phải là nguyên nhân của sự tha thứ.
Lòng biết ơn đến sau khi nhận ơn.
Hiểu như thế sẽ hợp với ý nghĩa của dụ ngôn (cc. 41-42),
và hợp với vế sau của câu 47: còn ai được tha ít thì yêu mến ít.
Chẳng rõ ông Simon có nhận ra mình là ai chưa.
Ông đúng là người yêu ít hơn chị phụ nữ tội lỗi kia,
vì ông được tha ít hơn, vì ông có ít tội hơn !!!
Nhưng có thật ông ít tội hơn người phụ nữ tội lỗi này không?
Hay vì tự hào mà ông không thấy cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa?
Tự hào về đạo đức vẫn là một vật cản khiến người ta khép lại và vô ơn.
Người phụ nữ tội lỗi là người yêu hơn (c. 42) và yêu nhiều (c. 47).
Tội quá khứ, khi được tha, lại tạo nên một hứng khởi mới để người ta yêu hơn.
Những vấp ngã khi được chữa lành lại trở nên một khởi đầu cho cuộc sống mới,
can đảm hơn, quảng đại hơn và nồng cháy hơn.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã quay lại nói chuyện với người phụ nữ.
Ngài khẳng định lại ơn mà chị đã lãnh nhận trước khi chị bước vào phòng tiệc:
“Tội của chị đã được tha rồi”, Ngài nhắc cho mọi người biết chuyện đó.
Như thế Đức Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ như Simon nghĩ.
Ngài còn lớn hơn một ngôn sứ nữa khi dám tha tội cho chị.
Cuối cùng, Đức Giêsu lại ca ngợi lòng tin của chị.
Lòng tin thắm đượm tình yêu, hay tình yêu thắm đượm lòng tin.
Cả hai quyện vào nhau giúp chị đón lấy ơn cứu độ, ơn bình an:
“Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an” (c. 50).
Chúng ta có thể học được nhiều điều nơi người phụ nữ:
lòng tin mãnh liệt vào sự tha thứ, lòng mến táo bạo của sự biết ơn,
Chúng ta cũng cảm nghiệm được sức mạnh của ơn tha thứ của Thiên Chúa.
Sức mạnh ấy có thể làm mới lại cuộc đời một phụ nữ hư hỏng,
và dạy chị biết yêu như yêu lần đầu.
Chẳng rõ ông Simon có học được điều gì từ biến cố này không?

Cầu nguyện :
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện :
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. (R. Tagore)
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
19 THÁNG CHÍN
Thường Xuyên Lãnh Nhận Các Bí Tích
Chương trình mục vụ mà Hội Thánh đã triển khai kể từ sau Công Đồng cung ứng cho chúng ta những sự giúp đỡ kịp thời để củng cố việc huấn luyện tu đức và canh tân tình yêu đối với con người. Trước hết, tôi mời gọi anh chị em tham dự vào các nỗ lực phúc âm hoá mọi người cho Đức Kitô và hướng dẫn các tín hữu sống đời sống bí tích. Sống đời sống bí tích, đó là cách để anh chị em hiểu và đón nhận những ân sủng mà Đức Kitô muốn thông ban cho anh chị em.
Bằng việc thường xuyên lãnh nhận các bí tích với ý ngay lành, anh chị em sẽ trở thành những chứng nhân dạt dào niềm vui trong đời sống Kitô hữu đích thực. Anh chị em sẽ tìm thấy sự đỡ nâng mà mình cần để bước theo Chúa của sự sống. Ngài sẽ sử dụng anh chị em để mạc khải cho con người của thời đại đầy xao xuyến này dung mạo đích thực của Thiên Chúa, Đấng luôn “chan chứa lòng xót thương” (Ep 2,4).
Trong khi năng lãnh nhận các bí tích, anh chị em cũng hãy cộng tác với các mục tử của mình, vì chính sự hiệp nhất với các ngài là điều kiện để anh chị em nhận được tràn trào sức sống của Chúa Thánh Thần. Nhờ vậy, các mục tử sẽ có thể hướng dẫn anh chị em trong công cuộc xây dựng Hội Thánh trên trần gian này, một Hội Thánh đúng nghĩa là cộng đoàn yêu thương, phản ảnh chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. (Thánh Augustinô, De Trinitate, 4,9).
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 19/ 9
Thánh Jannariô, giám mục, tử đạo
1Tm 4, 12-16; Lc 7, 36-50.

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu nói vơi người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
          Tin Mừng tường thuật câu chuyện người phụ nữ tội lỗi tìm đến với Chúa Giêsu, trước những cặp mắt phê phán và khinh thường của những người tự cho mình là người tốt; giúp cho mỗi người chúng ta thấy được nỗi thống khổ của những người tội lỗi, để có được con tim và con mắt yêu thương của Chúa Giêsu; hầu có thể giúp cho người tội lỗi mạnh dạn tiến bước đến với Chúa mà nhận được ơn tha thứ và bình an của Chúa.
          Lạy Chúa Giêsu. Chúng con đều đang mang thân phận làm người với nhiều tội lỗi; chỉ có Chúa mới có quyền tha tội cho chúng con. Xin cho chúng con nhận ra tội của mình; biết sám hối, ăn năn, dóc lòng chừa, chạy đến với Chúa để lãnh ơn tha thứ mà nhận lại sự bình an cho tâm hồn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
NGÀY 19-09 THÁNH GIANUARIÔ GIÁM MỤC, TỬ ĐẠO (THẾ KỶ IV)

Thánh Gianuariô danh tiếng không vì cuộc sống hay cái chết của ngài mà chỉ vì việc máu Ngài được lưu giữ tại Naples tan loãng định kỳ.
Câu chuyện Ngài chịu tử đạo còn rất mù mờ vì không được kể từ sớm trong sách các vị tử đạo, mà có lẽ chỉ được đưa vào đó do các tác phẩm của Bêđê viết năm 733. Người ta tin rằng: Ngài là giám mục Bênêventô nước Ý, thời hoàng đế Diôclêtianô. Khi nghe 4 Kitô hữu bị tống giam vì đức tin, Ngài đã tới thăm họ. Bọn người dò xét sau đó đã khám phá ra và Ngài bị bắt giam. Những tường thuật về cái chết của Ngài không giống nhau.
Xem như Ngài cùng các bạn bị ném cho thú dữ xâu xé tại vận động trường Puzzuoli…. nhưng thú dữ đã không xâm phạm tới các Ngài. Thánh nhân sau đó bị xử trảm vào năm 305. Thoạt đầu thi thể Ngài được lưu giữ tại Bênêven tô, nhưng sau này vì sợ chiến tranh tàn phá nên được dời về Monte Vergine và sau này về Naples. Dấu chứng đầu tiên về Ngài dường như là của Uraniô (431) là người cho rằng: nhờ sự chuyển cầu của Ngài mà núi lửa Vesuviô không phun nữa.
Tới thế kỷ XV những hiểu biết trên là bối cảnh cho lòng sùng kính thánh nhân. Nhưng từ đó về sau, máu Ngài được lưu giữ tại Naples đã làm tăng sự chú ý của rất nhiều người. Thánh tích được chứa trong ống nghiệm có hình một chiếc bình và lại được đặt trong một ống kính đặt trên giá trang hoàng lộng lẫy. Như vậy thánh tích được đặt trong hai lớp kính và được gắn kín, không tiếp xúc với khí trời. Chính thánh tích là một chất đen đục chiếm nửa bình đựng. Mỗi năm khoảng 18 lần được trưng bày cho dân chúng, cùng với một thánh tích khác được coi là đầu của vị thánh tử đạo.
Sau một khoảng thời gian thay đổi từ ít phút đến vài giờ, trong khi vị linh mục đảo ngược vài lần bình đựng và cầu nguyện xin trời cao làm phép lạ, thì khối đặc tan loãng ra, đổi thành mầu đỏ, thỉnh thoảng còn sôi lên và sủi bọt nữa. Rất nhiều người nghi ngờ sự kiện này nhưng không có sự đồng nhất trong việc giải thích. Vấn đề chưa được chứng minh.
(daminhvn.net)


19 Tháng Chín
Ôi Lạy Ðấng Tối Cao
Ðể nói lên tình yêu vô biên và mầu nhiệm của Thiên Chúa, người Hồi Giáo thường kể câu chuyện sau đây:
Một hôm, Ðấng Allah cho gọi một thiên sứ đến và sai xuống trần gian. Ngài truyền lệnh cho vị thiến sứ như sau: “Ngươi hãy xuống trần gian và đưa về đây người đàn bà góa có bốn đứa con thơ”.
Vị thiên sứ ra đi. Ngài gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài hết nhìn người đàn bà với bốn đứa con dại, lại ngước mắt lên nhìn về Ðấng Allah như xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm để tách biệt người mẹ với những đứa con thơ còn lại… Nhưng ánh mắt van xin của vị sứ thần đã không mảy may đánh động được Ðấng Allah. Cuối cùng, vị sứ thần đành phải vâng lệnh Ðấng Allah để cướp lấy người đàn bà khỏi đám con thơ và đưa về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị sứ thần không thể vui được. Vui thế nào được trước cảnh chia cách giữa mẹ và con. Thấy vị sứ thần buồn bã, Ðấng Allah mới cho gọi ngài lại và đưa ngài vào giữa sa mạc. Ðấng Allah chỉ cho vị sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo ngài hãy đập vỡ nó ra…
Tảng đá vừa vỡ ra, vị sứ thần ngạc nhiên vô cùng, vì từ trong đó, một con sâu nhỏ từ từ bò ra… Hiểu được ý nghĩa của cử chỉ ấy, vị sứ thần thốt lên: “Ôi lạy Ðấng tối cao, màu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự không ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật nhỏ bé như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được bốn đứa bé mồ côi là con cái của Ngài”.
Ðâu là hình ảnh chúng ta có về Chúa? Ngài là Thiên Chúa từ nhân, luôn tha thứ, Ngài là người Cha nhân hậu luôn yêu thương săn sóc cho từng đứa con, hay trái lại, Ngài chỉ là một ông thần độc ác mà vì sợ hãi chúng ta phải chạy đến để khỏi bị trừng phạt…?
Trở về với Thiên Chúa, trước tiên là phải gạt bỏ ra khỏi tâm hồn chúng ta hình ảnh bất xứng mà chúng ta gán cho Chúa. Hãy phục hồi lại trong tâm hồn chúng ta hình ảnh của một Thiên Chúa mà Tin Mừng đã mạc khải cho chúng ta: đó là một người Cha luôn yêu thương và không ngừng tha thứ cho chúng ta, một người Cha mà tình thương vượt hẳn những tính toán cân lường của trí khôn loài người chúng ta…
Có những lúc chúng ta cảm thấy tội lỗi đang đè nặng trong tâm tư ư? Hãy mau mắn chạy đến với Ngài.
Có những lúc đau khổ, mất mát che phủ khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài ư? Hãy tin tưởng rằng, Ngài đang nhìn thấy và cảm thông với từng nỗi khốn khổ của chúng ta và tình yêu nhiệm màu của Ngài luôn nhào nặn để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho chúng ta.
(Lẽ Sống)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét