27/09/2019
Thứ Sáu tuần 25 thường niên
Thánh Vinh sơn Phaolô, linh mục.
Lễ
nhớ
* Thánh
nhân sinh năm 1581 tại Gát-côn, nước Pháp. Người làm linh mục rồi
đi Pa-ri phục vụ một giáo xứ. Người sáng lập Tu Hội Thừa Sai để giúp
đào tạo các giáo sĩ và nâng đỡ những người nghèo. Được thánh nữ Lu-y
Ma-ri-lắc cộng tác, người đã lập Tu Hội Nữ Tử Bác Ái.
Người là gương mẫu hoàn hảo về việc sống
đức bác ái như Chúa Kitô dạy, luôn sẵn sàng cứu giúp những người cùng khốn. Người nhận
ra khuôn mặt của Chúa Kitô nơi bất cứ ai đang gặp đau khổ. Người
qua đời tại Pa-ri năm 1660.
BÀI ĐỌC I: Kg 2, 1b-10 (Hr 1, 15b – 2, 9)
“Còn một ít lâu nữa, Ta sẽ làm cho đền thờ này đầy
vinh quang”.
Trích sách Tiên tri Khác-gai.
Năm thứ hai triều đại vua Đariô, đến
ngày hai mươi mốt tháng bảy, có lời Chúa dùng tiên tri Khác-gai mà phán rằng:
“Ngươi hãy nói với Giorôbabel, con trai tướng lãnh Giuđa, là Saluthiel, nói với
Giosua, con trai thượng tế Giosêđec, và với những kẻ sống sót lại trong dân rằng:
‘Ai trong các ngươi là kẻ sống sót lại đã nhìn thấy vinh quang thuở xưa của đền
thờ này: và giờ đây các ngươi xem thấy nó thế nào? Chớ thì nó chẳng là không
trước mắt các ngươi sao? Và Chúa lại phán: Hỡi Giorôbabel, giờ đây hãy can đảm.
Hỡi Giosua, con trai thượng tế Giosêđêc, hãy can đảm; và toàn dân trên lãnh thổ,
hãy can đảm, đây Chúa các đạo binh phán: Các ngươi hãy khởi công, vì Ta ở cùng
các ngươi, Chúa các đạo binh phán như vậy. Có lời Ta đã giao ước với các ngươi,
khi các ngươi ra khỏi đất Ai-cập, là thần linh Ta sẽ ở giữa các ngươi, nên các
ngươi đừng sợ’ “.
Chúa các đạo binh phán như thế này:
“Còn ít lâu nữa, Ta sẽ khiến trời đất, biển khơi và đất cạn chuyển động. Ta
cũng sẽ khiến mọi dân tộc chuyển động; và Đấng mọi dân tộc trông đợi sẽ đến: Ta
sẽ làm cho đền thờ đầy vinh quang, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vàng bạc đều
là của Ta, Chúa các đạo binh phán như vậy. Vinh quang đền thờ sau hết này sẽ
cao trọng hơn vinh quang đền thờ trước, Chúa các đạo binh phán như vậy: trong
nơi này, Ta sẽ ban hoà bình, Chúa các đạo binh phán như vậy”. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 42, 1. 2. 3. 4
Đáp: Hãy cậy trông Đức Chúa Trời, vì con còn ca tụng Chúa, Đấng
cứu thể diện và là Thiên Chúa của con (c. 5bc).
Xướng:
1) Xin Chúa minh xét cho con, ôi Thiên
Chúa, xin bênh vực quyền lợi con đối nghịch với dân vô đạo, xin cứu con khỏi
tay người độc ác, điêu gian! – Đáp.
2) Vì lạy Chúa, Chúa là sức mạnh con,
cớ chi Chúa bỏ con? Cớ chi con phải sống ngậm ngùi vì bị quân thù áp bức? –
Đáp.
3) Xin chiếu giãi quang minh và chân
thật của Chúa, để những điều đó hướng dẫn con, đưa con lên núi thánh và cung
lâu của Ngài. – Đáp.
4) Con sẽ tiến tới bàn thờ Thiên Chúa,
đến cùng Thiên Chúa làm cho con được hoan hỉ mừng vui. Với cây cầm thụ con sẽ
ca ngợi Chúa, ôi Thiên Chúa, Thiên Chúa của con. – Đáp.
ALLELUIA: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia! – Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa,
và đừng cứng lòng. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 9, 18-22
” Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải
chịu nhiều đau khổ”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện
riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người, thì Người hỏi các ông rằng: “Những
đám dân chúng bảo Thầy là ai?” Các ông thưa rằng: “Người thì bảo là Gioan Tẩy
giả, kẻ khác lại cho là Êlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri
thời xưa, đã sống lại”. Người lại hỏi các ông rằng: “Phần các con, các con bảo
Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Và Người
ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: “Con Người phải chịu
nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết,
nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Cầu nguyện như Chúa
Lời tuyên xưng của thánh tông đồ
Phêrô: "Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" được nhắc lại
trong đoạn Phúc Âm hôm nay. Lời tuyên xưng đó chuẩn bị cho một giai đoạn mới
trong cuộc đời của Chúa Giêsu, giai đoạn được bắt đầu cuộc hành trình tiến về Giêrusalem
để hoàn tất công trình cứu chuộc nhân loại.
Ðoạn Phúc Âm được chia ra làm ba phần:
- Chúa Giêsu hỏi các tông đồ xem người
ta nghĩ gì về chính Ngài và hỏi các tông đồ xem các ông nghĩ như thế nào về
Chúa.
- Lời tuyên xưng của Phêrô: "Thầy
là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa"
- Chúa Giêsu loan báo lần đầu tiên về
cuộc thương khó của Ngài. Biến cố này cũng được kể như Phúc Âm theo thánh Marcô
và Mátthêu, nhưng Luca có ghi thêm chi tiết đặc biệt, đó là việc Chúa Giêsu cầu
nguyện trước khi hỏi các môn đệ về thực thể mình là ai?
Chúng ta biết rằng thánh sử Luca luôn
luôn ghi lại chi tiết Chúa Giêsu cầu nguyện trong những giây phút quan trọng của
cuộc đời Chúa. Chúa cầu nguyện khi lãnh nhận phép rửa của Gioan tiền hô để bắt
đầu cuộc đời rao giảng Tin Mừng; Chúa cầu nguyện suốt đêm trước khi gọi riêng
mười hai tông đồ; rồi Chúa cầu nguyện trước khi hỏi các môn đệ: "Các con
nghĩ Thầy là ai?"; Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh Lạy
Cha; Chúa Giêsu cầu nguyện nơi vườn cây dầu trước khi bước vào cuộc thương khó
và Chúa Giêsu cầu nguyện trên thập giá. Việc Chúa cầu nguyện cho những giây
phút quan trọng của cuộc đời Chúa, mời gọi chúng ta tự vấn về đời sống thiêng
liêng của mình: "tôi thường cầu nguyện lúc nào và trong những giây phút
quan trọng của cuộc đời tôi có cầu nguyện hay không và cầu nguyện như thế
nào?"
Biến cố Chúa Giêsu tra hỏi các môn đệ
về thực thể Ngài là ai để cuối cùng đi đến lời tuyên xưng đức tin: "Thầy
là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống" là một biến cố quan trọng. Chúa
Giêsu đã cầu nguyện trước khi bắt đầu tra hỏi các môn đệ: "Phần các con,
các con bảo Thầy là ai?" để theo Chúa trọn vẹn, không cần biết rõ cái chết
của Chúa cho bằng có được mối tương quan thân tình mật thiết với Chúa. Chúa
Giêsu không hỏi các môn đệ về giáo lý nhưng về chính mình, về chính thực thể
Ngài là ai đối với họ. Và để trả lời được cho câu hỏi này thì cần phải trả lời
hai điều: thứ nhất là biết Chúa và thứ hai là yêu mến Chúa. Ðây không phải là vấn
đề biết Chúa một cách trí thức qua sách vở, nhưng là biết cảm nghiệm trực tiếp
giữa người với người, giữa Chúa và đích thân mỗi người, biết Chúa như biết một
người bạn; đây không phải là vấn đề giáo thuyết nhưng là vấn đề cụ thể con người,
hoặc trực tiếp tiếp xúc với con người Chúa Giêsu Kitô, là Ðấng hằng luôn luôn
hiện diện bên cạnh mỗi người chúng ta. Do đó, cần phải có đức tin và tình yêu
thương thì ta mới có thể trả lời đúng cho câu hỏi Chúa Giêsu là ai đối với tôi?
Một người không có đức tin hay ít đức tin, sống nguội lạnh thì quả thực là khó
để trả lời cho câu hỏi của Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho con được ơn trưởng
thành trong đức tin và trong tình thương Chúa. Xin cho con luôn được trung
thành với lời tuyên xưng "Thầy là Ðấng Kitô" để rồi có thể múc lấy từ
đó sức mạnh để dấn thân phục vụ Chúa và anh chị em chung quanh trong mọi hoàn cảnh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời
Chúa Mỗi Ngày
Thứ
Sáu Tuần 25 TN1
Bài
đọc: Hag 2:1-9; Lk 9:18-22
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Xây dựng kết quả lâu dài hơn là những chấp vá tạm thời.
Khi phải đương đầu với những thách đố của cuộc sống, nhiều người
thích những giải quyết dễ dãi, nhanh chóng, và tạm thời; nhưng những giải quyết
như thế không đem lại cho con người những kết quả tốt đẹp và lâu bền. Rốt cuộc,
họ lại phải bắt đầu lại từ đầu. Ví dụ, việc học sinh ngữ: thay vì phải bắt đầu
với việc học văn phạm và nhớ từ ngữ, nhiều người lại bắt đầu ngay với việc nhớ
các câu thông dụng. Vì thế, khi phải nói những “câu có sẵn,” họ trả lời được;
nhưng khi phải làm câu mới, họ không biết phải xếp đặt làm sao! Để đạt được kết
quả lâu bền, con người cần tìm ra căn nguyên thật sự của vấn đề, và kiên nhẫn
tìm cách thức thích hợp để giải quyết, cho dù phải tốn nhiều thời gian và phải
chấp nhận gian khổ.
Các Bài Đọc hôm nay đưa ra hai ví dụ để giúp con người biết giải
quyết tận gốc vấn đề. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Haggai khuyên tất cả những người
có trách nhiệm và dân chúng chú trọng đặc biệt đến việc xây dựng Đền Thờ, hơn
là cố gắng ổn định đời sống; vì Đền Thờ là nơi Thiên Chúa ở với con người để dạy
dỗ và ban ơn. Việc xây dựng Đền Thờ sau Thời Lưu Đày chắc chắn sẽ gặp khó khăn,
nhưng họ phải cố gắng khắc phục hoàn cảnh, vì Đền Thờ sẽ mang lại nhiều lợi ích
đến cho con cái Israel. Trong Phúc Âm, sau khi Phêrô tuyên xưng căn tính của
Chúa Giêsu, Ngài báo trước Cuộc Thương Khó lần thứ nhất để các tông-đồ chuẩn bị
đương đầu với đau khổ khi nó xảy đến; đồng thời, Ngài cũng báo trước Ngài sẽ sống
lại vinh quang sau ba ngày trong huyệt mộ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Diễn từ thứ hai của tiên-tri Haggai
1.1/ Tiên-tri Haggai đốc thúc dân xây cất Đền Thờ Thiên Chúa.
(1) Lý do Đền Thờ bị phá hủy: Đền Thờ Jerusalem do vua Solomon
xây dựng bị phá hủy là vì con cái Israel đã bỏ Thiên Chúa để chạy theo các thần
ngoại và đối xử bất công với đồng loại của mình. Sau hơn 50 năm lưu đày, giờ
đây họ được hồi hương trở về để tái thiết xứ sở. Phản ứng đầu tiên của dân
chúng là chỉ biết nghĩ đến cá nhân và gia đình của họ; để tìm cách ổn định đời
sống cách nhanh chóng hết sức có thể. Tiên-tri Haggai không suy nghĩ như dân
chúng. Ông biết căn nguyên của vấn đề là phải sống đúng mối liên hệ với Thiên
Chúa và với tha nhân. Việc xây dựng Đền Thờ cần thiết để qui tụ và dạy dỗ dân
chúng; nếu không, họ sẽ mạnh ai nấy sống, và việc phải lưu đày lần nữa chắc chắn
sẽ xảy ra.
(2) Phải biết nhìn lại quá khứ và suy xét: Tiên-tri Haggai mời gọi
dân chúng nhìn lại Đền Thờ quá khứ: “Ai trong các ngươi trong số người còn sót
lại đã từng được chứng kiến cảnh rực rỡ vinh quang của Đền Thờ ban sơ? Và bây
giờ các ngươi thấy Đền Thờ như thế nào? Trước mắt các ngươi, nó chẳng còn là gì
nữa đó sao?” Dĩ nhiên, Haggai không chỉ giới hạn việc xây dựng Đền Thờ bên
ngoài; nhưng còn chú trọng đến việc xây dựng đền thờ trong tâm hồn, là biết sống
đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, và với anh chị em đồng loại.
1.2/ Vinh quang có được sau này là hậu quả của cố gắng khắc phục
khó khăn bây giờ.
(1) Phải can đảm khắc phục hoàn cảnh khó khăn: Con cái Israel phải
đương đầu với rất nhiều khó khăn khi hồi hương: công ăn, việc làm, nhà ở, chính
quyền địa phương, kẻ thù chung quanh… Haggai biết tất cả những điều đó; nhưng
ông nhìn thấy những lợi ích của Đền Thờ: sự hiện diện của Thiên Chúa, lòng đạo
đức của dân chúng, và sự an toàn quốc gia. Vì thế, ông khuyên tất cả phải khắc
phục khó khăn, để dốc toàn lực vào việc xây dựng Đền Thờ trước hết, các sự khác
không quan trọng bằng Đền Thờ, và Thiên Chúa sẽ chúc lành cho họ sau. Ông nói:
“Vậy bây giờ, hỡi Zerubbabel, hãy mạnh bạo lên! Này thượng tế Joshua, con ông
Jehozadak, mạnh bạo lên nào! Toàn dân trong xứ hãy mạnh bạo lên! Sấm ngôn của Đức
Chúa. Hãy bắt tay vào việc, vì chính Ta ở với các ngươi. Sấm ngôn của Đức Chúa
các đạo binh.”
(2) Vinh quang sẽ xảy đến trong tương lai: “Quả thật, Đức Chúa
các đạo binh phán thế này: Chỉ còn một thời gian ngắn nữa thôi, Ta sẽ làm rung chuyển
trời đất, biển khơi và đất liền. Ta sẽ làm cho tất cả các dân tộc phải chấn động
và các kho tàng của các dân tộc sẽ đổ về, rồi Ta sẽ làm cho Đền Thờ này rực rỡ
vinh quang. Đức Chúa các đạo binh phán. Bạc là của Ta, vàng là của Ta.”
Lời sấm này không chú trọng đến của cải vật chất cho bằng tài sản
tinh thần. Hai điều quan trọng và có liên quan Haggai muốn chú trọng ở đây là
(1) Đấng Thiên Sai sẽ đến; và (2) Niềm tin vào Thiên Chúa của các dân tộc trên
địa cầu. Niềm tin vào Thiên Chúa không chỉ còn giới hạn trong vòng con cái
Israel; nhưng sẽ được mở rộng đến tất cả các quốc gia trên địa cầu, và Đền Thờ
Jerusalem sẽ là trung tâm cho các dân tộc hướng về (Isaiah).
2/ Phúc Âm: Con Người phải chịu đau khổ nhiều… và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.
2.1/ Cần nhận ra căn tính của Đấng Thiên Sai: Hôm
ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi
các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai?”
(1) Dân chúng không nhận ra căn tính của Chúa Giêsu: Có người
cho Chúa Giêsu là
– Gioan Tẩy Giả, như tiểu vương Herode: vì Chúa dám nói thật và
thẳng tay sửa sai.
– Có kẻ khác bảo là ông Elijah: vì lời Chúa có uy lực và Ngài
làm nhiều phép lạ.
– Kẻ khác nữa lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống
lại.
(2) Ông Phêrô tuyên xưng căn tính của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đặt
câu hỏi cho các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô thưa:
“Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, hay mối liên hệ giữa
người môn đệ với Đức Kitô là một mối liên hệ cá nhân. Người khác có thể nói cho
chúng ta biết về Thiên Chúa. Họ có thể chỉ đường và tạo cơ hội cho chúng ta đến
gặp gỡ Thiên Chúa; nhưng để sống mối liên hệ với Ngài, chúng ta cần bỏ thời
gian để học hỏi, cầu nguyện, và sống mối liên hệ với Ngài.
2.2/ Cần nhận ra con đường cứu độ của Đấng Thiên Sai: Truyền
thống Do-thái đang mong một Đấng Thiên Sai sẽ dùng uy quyền và sức mạnh để dẹp
tan quân thù, lên ngôi cai trị, và phục hồi danh dự và uy quyền cho con cái
Israel. Điều này không phải là ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Đấng Thiên Sai
phải chấp nhận gian khổ và cái chết để cứu chuộc con người khỏi tội, và cho con
người được sống muôn đời.
(1) Con người sẽ phải chịu đau khổ và bị giết chết: Chúa Giêsu
báo trước Cuộc Thương Khó lần thứ nhất: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị
các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi
dậy.”
(2) Con Người sẽ sống lại hiển vinh ngày thứ ba: Đau khổ của
Chúa Giêsu chỉ tạm thời; nhưng Ngài sẽ phục sinh vinh hiển vào ngày thứ ba.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta cần đương đầu với sự thật của mọi vấn đề, với căn
nguyên của chiến tranh và đau khổ; trước khi có thể giải quyết vấn đề, và xây dựng
một cuộc đời tốt đẹp hơn.
– Để đạt được thắng lợi vinh quang, chúng ta cần có can đảm để
chấp nhận đau khổ tạm thời. Nếu không chấp nhận đau khổ, làm sao có vinh
quang?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
27/09/19
– THỨ SÁU TUẦN 25 TN
Th.
Vinh-sơn Phao-lô, linh mục
Lc
9,18-22
CHỌN
CÂU TRẢ LỜI ĐÚNG NHẤT
“Thầy
là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” (Lc 9,20)
Suy niệm: Hơn hai ngàn năm qua, đã có nhiều đáp án cho câu hỏi “Thầy
Giê-su là ai?” Thời các tông đồ, người ta gọi Ngài là Gio-an Tẩy giả, là
Ê-li-a, hay một ngôn sứ nào đó tái sinh. Ngày nay Thầy Giê-su là một vĩ nhân của
nhân loại, là Đấng sáng lập đạo Ki-tô, là nhà cải cách hay nhà cách mạng đứng về
phía người nghèo… Tất cả những danh xưng ấy đều phiến diện và bất cập, chưa phải
là đáp án đúng nhất cho câu hỏi Chúa đặt ra. Chỉ có câu trả lời của Phê-rô là
đúng ý Chúa hơn cả: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Danh xưng này vừa bao
hàm sứ mạng cao trọng Chúa Cha giao phó, vừa là tước hiệu cao quí nhất Cha dành
riêng cho Người Con Một là Con Yêu Dấu của Ngài. Người Con này đẹp lòng Cha lắm,
là khuôn mẫu lòng hiếu thảo của con người với Chúa Cha, được chính Cha nhắn nhủ
tại sông Gio-đan hay trên núi Ta-bo: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời
Người” (Mc 1,11; Lc 17,5).
Mời Bạn: “Đấng Ki-tô của Thiên Chúa” không chỉ là một danh xưng, nhưng
còn là một sứ vụ quan trọng Chúa Giê-su phải chu toàn khi xuống thế làm người.
Sứ vụ ấy là làm cho nhân loại nhận biết, yêu mến, và tôn thờ Thiên Chúa, để nhờ
vậy, được hưởng ơn cứu độ của Ngài. Bạn đã làm theo Lời Ngài chưa?
Sống Lời Chúa: Là Ki-tô hữu, tôi được mời gọi thực thi sứ mạng tông đồ là loan
báo và làm chứng cho Chúa Giê-su, Đấng cứu nhân độ thế. Tôi sẽ nỗ lực hết mình
cho sứ mạng này.
(5 Phút Lời Chúa)
Anh
em bảo Thầy là ai?
Suy niệm :
Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu đã đi cầu
nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi quan trọng
cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?” (c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ gì về
mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là một ngôn sứ
đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến của những
người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”
(c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả lời: “Thầy
là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm và chưa đến
lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã cấm các môn
đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì Thầy Giêsu
quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà dân Do
Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai khuôn mặt
của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là người sẽ giải
phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người muốn nắm quyền
lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ hình và bị
giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt đau khổ của
Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát đang chờ đợi
Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng người chúng ta
như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi không nên đi
theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi chặng đường
của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu trả lời
khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu nhiệm
không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời, tôi lại
khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang nhiều dáng
dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại những khát vọng sâu thẳm
nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu
không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu trả lời của
mình.
Đời tôi là một chuỗi những câu trả lời
cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy, xin được ngồi
nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn, xin được
dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai Thiên
Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy trước tình
yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa, xin được hiến
trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế hoạch cứu
độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng Giải Phóng,
xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với Ngài giúp
thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ Ngài yêu
tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại tình yêu.
Cầu nguyện :
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con. (Mẹ Têrêxa Calcutta)
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)
Hãy
Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG CHÍN
Được Xức Dầu Là Được Tăng Lực
Đức Giám Mục, chung quanh có các linh mục hữu trách cộng đoàn
giáo xứ, kêu xin Chúa Thánh Thần ban cho mỗi người chúng ta ân sủng của Ngài:
“Xin ban cho họ… thần trí khôn ngoan và thông hiểu, thần trí lo liệu và sức mạnh,
trần trí suy biết và đạo đức, xin ban cho họ đầy lòng kính sợ Chúa”.
Lời cầu nguyện ấy được nối tiếp bởi việc xức dầu thánh. Đức Giám
Mục đã kêu xin Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta trở thành đồng hình đồng dạng với
Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Thực vậy, Con Thiên Chúa đã làm người để dẫn dắt mọi
người đến sự viên mãn của Chúa Thánh Thần, Đấng mà Ngài không ngừng ban tặng
cho con cái loài người. Đây là Đức Kitô, Đấng Mêsia, có nghĩa là Đấng được xức
dầu. Người là Đấng đầu tiên được Thánh Thần xức dầu và thông ban sức mạnh. Qua
Bí Tích Thêm Sức, bằng một cách thế đặc biệt, chúng ta trở thành người thông dự
trong Thánh Thần mà Đức Kitô đã mang đến cho chúng ta.
Đức Giám Mục vừa xức dầu trên trán những người lãnh nhận Bí Tích
Thêm Sức vừa cầu nguyện: “Hãy lãnh nhận ấn tín ơn Chúa Thánh Thần”, và từng người
đáp lại: “Amen” (ước gì được như vậy). Sau đó Đức Giám Mục chào những người
lãnh nhận Bí tích Thêm Sức: “Bình an của Chúa ở cùng con !” (Ga 20,19). Đây
chính là những lời mà Đức Kitô Phục sinh đã nói khi Ngài ban Thánh Thần cho các
tông đồ. Vâng, chúng ta hãy hoan hỷ trong ân sủng mà Chúa Thánh Thần đang trao
ban các bạn trẻ của chúng ta. Chúa Thánh Thần là nguồn suối bình an của Thiên
Chúa vọt lên trong con người và đem lại cho họ sự sống đời đời. Hãy chúc tụng
Thiên Chúa !
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên
tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27/ 9
Thánh Vinh Sơn Phaolô linh mục
Kg 1, 15-2,9; Lc 9, 18-22.
LỜI SUY NIỆM: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ
mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy”
Sau khi
Phêrô tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.” Chính trong giờ hệ trọng
này, Chúa Giêsu đã công khai loan báo sự Thương Khó và Phục Sinh của Người cho
các môn đệ của Người biết.
Lạy Chúa
Giêsu. Chúa đã vâng phục Chúa Cha để đi vào sự Thương Khó và Phục Sinh, để cứu
chuộc chúng con. Xin cho chúng con hằng ghi nhớ mọi ngày, bằng cách tham dự
thánh lễ hằng ngày.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
NGÀY 27-09 THÁNH VINHSƠN PHAOLÔ – LINH MỤC (1581 – 1660)
Gia đình Phaolô là những nông dân tại Pouy, gần Dax. Vincentê
sinh năm 1581 là con thứ ba trong gia đình sáu người con. Trong những ngày còn
thơ ấu, Ngài lo chăn cừu cho cha. Giữa miền đồi lộng gió này, Vincentê đã trải
qua nhiều giờ trong ngày để chiêm ngắm cảnh đồng quê và hướng lòng lên cùng
Chúa. Thời gian này cũng cho Ngài những kinh nghiệm đầu tiên về số phận của người
dân quê. Từ đó, lòng bác ái sớm nẩy nở trong tâm hồn Vincentê. Có lần thu góp
được 30 xu, số tiền đáng kể đối với Ngài, nhưng Ngài đã tặng tất cả cho những
người cùng khốn. Lần khác trên đường tới nhà máy xay Ngài âm thầm lấy một số bột
bố thí cho người nghèo.
Thấy con mình có lòng bác ái lại thông minh, ông Gioan đệ Phaolô
quyết hy sinh cho Vincentê theo ơn gọi làm giáo sĩ. Vincentê theo học các cha
dòng Phanxicô tại Dax. Nhưng để tiếp tục chương trình đại học của Vincentê, cha
Ngài đã phải bán bầy cừu lo cho tương lai của con. Dầu vậy, khi học thần học tại
Toulouse, Vincentê cũng vừa lo học vừa lo dậy kèm tư gia kiếm tiền bớt gánh nặng
cho gia đình.
Sau khi thụ phong linh mục trong hai năm trời Vincentê biến mất.
Cho đến ngày nay người ta vẫn không biết rõ trong thời gian này Vincentê ra
sao. Người ta kể lại rằng có một góa phụ tại Toulouse đã công đức tất cả tài sản
của bà. Trên đường từ Marseille tới Narbonne để nhận gia tài Ngài đã bị bọn cướp
bắt bán cho một ngư phủ. Không quên nghề Ngài lại bị bán cho một người hồi giáo
làm thợ kim hoàn. Sau cùng Ngài lại bị rơi vào tay một người phản đạo tên là
Gautier. Nhờ đời sống thánh thiện cha đã cải hóa được ông. Chính ông đã đưa cha
trở lại đất Pháp. Năm sau, ông theo cha đi Roma và vào hội bác ái để đền tội
cho đến ngày qua đời.
Từ đây, cha Vincentê bắt đầu thi hành chức vụ linh mục của Ngài.
Ngài được chỉ định làm tuyên úy cho nữ hoàng Marguerrite de Valois. Lúc này,
cha Vincentê có dịp quen biết cha Phêrô Berulle, Đấng sáng lập dòng giảng thuyết
và sau này làm Hồng y. Dưới ảnh hưởng của cha Phêrô Bérulle, cha Vincentê bắt đầu
nhiệt tình sống đời hy sinh nhiệt tình. Theo lời khuyên của Ngài, cha Vicente
nhận làm tuyên úy cho gia đình Gondi. Hướng dẫn một số một nông dân trong vùng
này, Vincentê đã khám phá ra tình trạng phá sản về tôn giáo và luân lý. Chính sự
dốt nát và biếng nhác của nhiều giáo sĩ là duyên cớ gây nên tình trạng này.
Ngài quyết tâm sửa đổi thực trạng.
Vincentê đã trở nên bạn của người nghèo và dùng mọi phương tiện
khả năng có được để hoạt động nhàm tái tạo cuộc sống luân lý và tôn giáo của họ.
Một thử nghiệm nhỏ như một linh mục quản sở tại Chatillon les Dober cho Ngài thấy
rõ vấn đề còn rộng lớn hơn nhiều. Dầu nỗ lực cải tiến họ đạo, Ngài vẫn ưu tư
cho công cuộc được bành trướng rộng rãi hơn. Trở lại Paris với sự trợ giúp của
bà Gondi Ngài bắt đầu công cuộc nâng đỡ cảnh khốn cùng bất cứ ở nơi đâu, Ngài tổ
chức “hội bác ái” trên khắp đất Pháp cung cấp áo xống thuốc men cho người nghèo
khổ hết sức rợ giúp những nô lệ bị bắt chèo thuyền từ Paris tới Marseille. Ngài
thành lập một hội dòng Lazarits với mục đích truyền đạo cho dân quê và đào tạo
giáo sĩ. Từ hội dòng bác ái ấy còn mọc lên hội nữ tử bác ái mà y phục của họ
toàn thế giới biết đến như là biểu tượng của lòng bác ái nối liền với danh hiệu
Vincentê.
Một linh mục nhà quê đã trở nên quan trọng đối với toàn quốc từ
căn phòng tại xứ thánh Lazane Ngài bành trướng ảnh hưởng ra khắp nước Pháp, tới
Balan, Ý, Hebrider Madagascar và nhiều nơi khác nữa. Nữ hoàng Anne d’Austria
nhiếp chính cho tới khi vua Luy lên cầm quyền đã hỏi ý Ngài trong việc đặt giám
mục chống lại Mazania, Ngài đã không ảnh hưởng được tới đường lối của vị giám mục
này lại còn bị khổ vì ông khi nội chiến xảy ra.
Ngài quyên góp để hàn gắn những tàn phá do cuộc chiến xảy ra tại
Loraine. Ngài lo chuộc các nô lệ tại Bắc Phi. Các nỗ lực trên cùng với các nhu
cầu và việc quản trị hội dòng ngày càng mở rộng đã giam Ngài tại phòng riêng xứ
thánh Lazane. Ngày lại ngày bận bịu viết thơ cho các Giám mục lẫn Linh mục
nghèo khổ, cho biến cố vị vọng lẫn nhu cầu nghèo khổ trong nước. Các thư tín của
Ngài hợp thành một tuyển tập làm say mê người đọc vì trong đó pha trộn những ưu
tư cho nước Chúa lẫn đức bác ái ngập tình người.
Các thư tín và các bài giảng thuyết của Vincentê cho thấy Ngài
là một trong những nhà phục hưng của Giáo hội Pháp thế kỷ XVI. Những cuộc tĩnh
tâm Ngài tổ chức tại St. Lazane cho các tiến chức và những cuộc tĩnh tâm hàng
tháng Ngài tổ chức cho các giáo sĩ tại Paris (có cả những khuôn mặt lớn tham dự
như De Rotz, Bossuet…) cho thấy ảnh hưởng sâu rộng của Ngài trong cuộc chấn
hưng đạo đức .
Năm 1660, cha Vincentê ngã bệnh liệt giường và đau đớn vì bệnh tật
Ngài vẫn vui tươi tin tưởng : – Chúa còn phải chịu hơn tôi gấp bội.
Đối diện với cái chết Ngài bình tĩnh : – 18 năm qua, mỗi tối tôi
vẫn dọn mình chết. Ngày 27 tháng 9 năm 1660, cha Vincentê từ trần và được tuyên
thánh năm 1737.
(daminhvn.net)
27 Tháng Chín
Tuyên
Úy Của Tù Nhân
Hôm nay là ngày kính nhớ thánh Vinh Sơn đệ Phaolô. Vào khoảng giữa
thế kỷ thứ 17, linh mục Vinh Sơn được cử đi làm tuyên úy cho các tù khổ sai bị
trói vào những cột chèo lớn trên các thuyền buồm của đế quốc Pháp. Với bản chất
nóng nảy, hiếu thắng, cục mịch… cộng với những phản ứng thô lỗ mà có lẽ vị linh
mục tuyên úy đã bị tiêm nhiễm trong suốt thời kỳ ở với tù nhân, cha Vinh Sơn đã
được một nữ bá tước ra mời làm trưởng nhóm của một số linh mục đang phục vụ như
những thừa sai giữa giới nghèo trong khắp nước Pháp… Cha Vinh Sơn đã chấp thuận
lời đề nghị.
Một khúc quanh lịch sử không những bắt đầu với cha mà còn cho cả
Giáo Hội nữa: các linh mục dòng thánh Vinh Sơn đệ Phaolô mà chúng ta thường gọi
là các cha Lazaristes đã ra đời từ đó. Ngoài ba nhân đức thông thường ma các tu
sĩ phải khấn giữ, họ còn cam kết phục vụ hoàn toàn cho giới nghèo.
Thời gian sau, với sự cộng tác của chị Louise de Marillac, cha
Vinh Sơn đã thiết lập dòng Nữ Tử Bác Ái cũng đeo đuổi cùng một mục đích: đó là
phục vụ người nghèo… Cha Vinh Sơn đã định nghĩa dòng nữ này như sau: nhà dòng của
họ là nhà thương, nhà nguyện của họ là nhà thờ giáo xứ, khu nội cấm của họ là
các ngả đường phố xá.
Chúc thư và cũng là tinh thần của thánh Vinh Sơn đệ Phaolô được
chứa đựng trong các lá thư của ngài. Chúng ta hãy đọc qua một đoạn sau đây:
“Hãy cố gắng bằng lòng ngay giữa những điều làm cho chúng ta bất mãn. Hãy giải
thoát tâm trí con khỏi những điều đang làm con giao động. Chúa sẽ lo liệu cho mọi
sự… Cha van xin con, hãy tín thác nơi Chúa. Con sẽ có mọi sự tâm hồn con khao
khát”.
Chúa Giêsu đã bắt đầu bằng con số không: Ngài nghèo đến nỗi
không có nơi gối đầu. Thế nhưng ngày nay, khi nhìn vào Giáo Hội, người ta nghĩ
ngay đến quốc gia Vatican, với một bảo tàng viện phong phú nhất, với những
vương cung thánh đường lộng lẫy, với những cuộc biểu dương rầm rộ. Người ta
cũng có thể nhìn vào các tòa giám mục đồ sộ.
Các vị sáng lập dòng cũng thường bắt đầu với con số không. Nhưng
ngày nay, có ai chối cãi được rằng những cơ sở lớn mà người ta thường thấy
trong các đô thị lại thuộc về các hội dòng.
Giáo Hội và cách riêng các hội dòng có phục vụ người nghèo và có
thuộc về người nghèo không?… Có lẽ, nhiều hội dòng mà mục đích nguyên thủy là
phục vụ người nghèo và sống nghèo, cần phải đấm ngực tự thú rằng mình đã quá đi
xa tinh thần của Ðấng sáng lập… Sống nghèo trước hết đó là sống tín thác vào
Chúa quan phòng. Có thể nói đó là nhân đức trỗi vượt và cũng là mẫu số chung của
các vị thánh: phó thác hoàn toàn vào Tình Yêu của Chúa.
Chúa kêu mời chúng ta chớ có lo lắng thái quá về ngày mai. Càng
lo lắng, con người càng nuôi dưỡng sự tham lam và càng thiếu lòng tin tưởng vào
Chúa. Lòng tin của chúng ta được đo lường bằng chính sự phó thác vào Chúa.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét