Đôi nét về Madagascar trước
chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô
Madagascar |
Chỉ còn vài ngày nữa, Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm
Madagascar. Trong bài này, chúng tôi xin giới thiệu đôi nét về đất nước và Giáo
hội Madagascar.
Văn Yên, SJ - Vatican
Madagascar là một đảo quốc với diện tích gần 600 ngàn
kilomét vuông, rộng gần gấp đôi Việt Nam, nằm trên Ấn Độ Dương, về phía tây bắc
thềm lục địa Châu Phi. Madagascar phong phú về các loại chủng động thực vật, ước
tính có khoảng 5% các loại chủng động và thực vật trên toàn thế giới được biết
đến hiện nay.
Dù diện tích rộng, nhưng dân số Madagascar chỉ khoảng hơn 24
triệu, với hai ngôn ngữ hành chính là tiếng Malgascio và tiếng Pháp.
Đất nước Madagascar độc lập năm 1960 khỏi sự đô hộ của Pháp.
Đến nay, Madagascar là đất nước dân chủ lập hiến với thủ đô là Antananarivo.
Về tôn giáo hiện nay, đa số dân chúng theo những tín ngưỡng
truyền thống với 52% dân số, tiếp đến là Công giáo với 35%, và Hồi giáo khoảng
7%.
Lịch sử giáo hội
Kitô giáo đến quần đảo Madagascar từ thế kỷ 16 nhờ các cha
dòng Đa Minh, sau đó là các cha Dòng Tên và dòng Lazarit. Cuộc bách hại đầu
tiên diễn ra năm 1674 khi tất cả các nhà truyền giáo người Pháp bị giết.
Từ thế kỷ 19, khi các giáo hội Tin lành đến, đảo quốc này lại
xảy ra đợt bách hại Kitô giáo một lần nữa.
Sau đó, Dòng Tên, lúc đó đã có người bản xứ, cùng với các
dòng Lasan, Lazarit, dòng Chúa Thánh Thần,… đã vực lại Giáo hội sau cuộc bách hại
với các dấn thân về bác ái, giáo dục, y tế…
Bước sang thế kỷ 20, năm 1925 lần đầu tiên thánh lễ phong chức
linh mục được tổ chức tại Madagascar. Một trong những linh mục này đã trở thành
giám mục đầu tiên người Madagascar năm 1939.
Năm 1966, Madagascar thiết lập quan hệ ngoại giao với Toà
Thánh. 3 năm sau (1969), Madagascar có vị hồng y đầu tiên.
Năm 1989, ĐTC Gioan Phaolo II là vị giáo hoàng đầu tiên đã
viếng thăm Madagascar. Những ngày sắp tới đây của ĐTC Phanxicô sẽ là chuyến viếng
thăm lần thứ hai của một vị giáo hoàng đến miền đất Madagascar.
Giáo hội hiện nay
Giáo hội Công giáo tại Madagascar phục vụ tích cực trong các
lĩnh vực giáo dục , chăm sóc sức khỏe, các dự án bác ái và thăng tiến con người.
Madagascar là một trong những nước nghèo nhất thế giới với mức
sống của người dân ở đây thấp hơn so với mức trung bình được ghi nhận ở châu
Phi cận Sahara. Do đó, sự dấn thân của Giáo hội địa phương về nhiều mặt giúp
cho dân chúng có một cuộc sống xứng đáng, loại trừ bạo lực, nghèo đói và bệnh tật.
Ưu tiên của mục vụ giới trẻ
Giáo hội Madagascar quan tâm đặc biệt đến mục vụ trẻ em và
thanh thiếu niên. Điều kiện của trẻ thơ tại đất nước này còn nhiều bất cập. Do
đó, Giáo hội đầu tư nhiều nguồn lực vào giáo dục, đặc biệt tại trường học của
các ngôi làng, tổ chức các khóa đào tạo cho giáo viên và hỗ trợ trẻ em và người
trẻ muốn học.
Về mặt mục vụ giới trẻ, các giám mục rút ra được nhiều kinh
nghiệm và hoa trái từ Ngày Giới trẻ Thế giới. Do đó, ngoài việc khuyến khích
người trẻ tham gia Đại hội Giới trẻ Thế giới, các giám mục cũng đã quyết định
thành lập một Đại hội Giới trẻ Quốc gia. Lần mới đây được tổ chức là tháng 10
năm 2018 tại Mahajanga với chủ đề “Maria, đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên
Chúa”. Nhân dịp này, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã gửi một thông điệp video đến Đại
hội, khuyến khích những người trẻ trở thành “sứ giả của hòa bình và hy vọng”.
Đối với trẻ em, năm 2013 Uỷ ban tông đồ giáo dân của HĐGM
Madagascar đã tổ chức “Ngày thiếu nhi Malagascar” lần đầu tiên tại Antananarivo
với chủ đề “Trẻ em tin vào Chúa Kitô và nói chuyện với nhau trong vườn ươm của
Giáo hội”.
Giáo hội Malagascar trên phương tiện truyền thông.
Sau khi thông tin được tự do từ những năm 1990, Giáo hội
Malagascar đã tăng cường hiện diện trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt
về phát thanh. Năm 1998 có sáu đài phát thanh Công giáo lớn, đến nay hầu như tất
cả 22 giáo phận của Madagascar đều có đài phát riêng. Trong số này, nổi bật nhất
là Đài phát thanh Don Bosco ở Antananarivo: được thành lập năm 1996 bởi dòng
Don Bosco. Đài phát thanh Don Bosco phát sóng suốt 24 giờ mỗi ngày và là đài
Công giáo được nghe nhiều nhất trong cả nước, với sự chuyên nghiệp và chương
trình phong phú về giáo dục tôn giáo, chương trình cho người trẻ, văn hóa và âm
nhạc, cũng như tin tức về các vấn đề tôn giáo và chính trị.
Năm 2015, Radio Maria Madagascar cũng bắt đầu phát sóng tại
giáo phận Ambositra, không chỉ đóng góp về giáo dục đức tin Công giáo, mà còn
giúp liên đới, hòa giải và thăng tiến phúc lợi xã hội. Đài phát thanh được
thành lập nhờ sự quảng đại của thính giả ủng hộ chiến dịch “Mariathon” để gây
quỹ từ năm 2013-2014.
Quan hệ giữa Nhà nước và Giáo hội
Hiến pháp mới năm 2010 của Madagascar xác định tính thế tục
của nhà nước và tính trung lập của Nhà nước đối với tất cả các tôn giáo. Tuy
nhiên, trong những năm qua, một số quan chức Chính phủ đã bị cáo buộc làm tổn hại
bản chất thế tục của Nhà nước khi sử dụng các sự kiện tôn giáo cho những mục
đích chính trị.
Sau những căng thẳng vào những năm cuối của Chính phủ cựu tổng
thống Ravalomanana với những cuộc biểu tình năm 2009, mối quan hệ giữa Giáo hội
và chính quyền Malagascar đã được thiết lập và đến nay đã ổn định.
Mối quan hệ được thêm cải thiện sau cuộc viếng thăm vào
tháng 1/2017 của ĐHY Pietro Parolin nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao
giữa Toà Thánh và Madagascar.
Tương quan với các Giáo hội Kitô khác
Các giám mục Madagascar có một mối tương quan tốt với các
giáo hội Kitô khác (Tin lành Luther, Anh giáo, Tin lành Cải cách). Đặc biệt,
các Giáo hội Kitô cùng nhau hợp tác trong Hội đồng các Giáo hội Kitô để dấn
thân cho việc hoà giải và kiến tạo hoà bình, cũng như giải quyết những thách đố
hiện tại của đất nước.
Tương quan với Hồi giáo
Một điểm quan trọng đối với Giáo hội Công giáo Malagascar là
tương quan với Hồi giáo. Trong một cuộc phỏng vấn với tổ chức Trợ giúp các Giáo
hội Đau khổ hồi tháng 6 năm 2018, ĐHY Tsarahzana nhấn mạnh: “hiện có thể nhìn
thấy một sự phát triển của chủ nghĩa Hồi giáo”, đặc biệt ở giới trẻ, và một
trong những lý do thu hút là những lời hứa thuận lợi về kinh tế, ví dụ như đối
với ai đồng ý chuyển sang Hồi giáo sẽ được các ưu đãi hỗ trợ tài chính và giáo
dục miễn phí, bao gồm việc học các bài học kinh Koran và ở các cấp đại học.”
Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi có một vai trò quan trọng
trong việc truyền bá đạo Hồi ở Madagascar, ngày nay chiếm khoảng 7% dân số.
Chương trình viếng thăm của ĐTC
Trong chuyến viếng thăm sắp tới, sau hai ngày viếng thăm
Mozambique, ĐTC sẽ đáp máy bay khoảng gần 3 tiếng đồng hồ để đến thủ đô
Antananarivo của Madagascar, bắt đầu chuyến viếng thăm 2 ngày tại đất nước này.
Sau đó, ĐTC đến thăm đảo quốc Maurice và sẽ trở lại thủ đô Antananarivo một lần
nữa, nhưng lần sau này ngài chỉ nghỉ đêm để sáng hôm sau bay về Roma.
Tại Madagascar, Đức Thánh Cha có tổng cộng 8 cuộc gặp với
các thành phần khác nhau, bao gồm việc gặp chính quyền dân sự, các giám mục
Madagascar, giới trẻ, các linh mục và tu sĩ nam nữ.
Phỏng vấn ĐHY Pietro Parolin
Trong cuộc phỏng vấn với Vatican News trước chuyến viếng
thăm của Đức Thánh Cha, ĐHY Pietro Parolin, quốc vụ khanh Toà Thánh, cho biết:
“tôi có cơ hội đến thăm Madagascar vài năm trước và tôi nhận ra đây là một đất
nước sống động, một đất nước trẻ đang đối diện với nhiều thách đố. Điều đầu
tiên chính là thách đố đối với người trẻ vì đất nước phải mang lại những cơ hội
và phát triển tương lai cho nhiều người trẻ. Sau đó là nghèo đói: cần phải vượt
qua một khoảng cách lớn giữa một vài nhóm giàu có và phần lớn dân số đang trong
tình trạng nghèo đói. Tôi tin rằng chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng sẽ thúc
đẩy nỗ lực này. Ngay cả Giáo hội cũng nghèo nhưng cùng lúc đó cũng đang cố gắng
hiện diện và đóng góp một cách đáng kể, đặc biệt qua các tổ chức trợ giúp, giáo
dục. Tôi hy vọng rằng, Đức Giáo Hoàng sẽ đến để cũng cố và tăng cường nỗ lực dấn
thân này từ phía Giáo hội.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét