ĐTC gửi thông điệp cho Diễn đàn
Kinh tế Thế giới
Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (REUTERS) |
Thứ Ba 21/01/2020, ĐTC Phanxicô gửi thông điệp cho Diễn đàn
Kinh tế Thế giới. Đại diện Tòa Thánh tại Diễn đàn có Đức Hồng Y Peter Turkson,
Tổng trưởng Bộ Phục vụ và phát triển con người toàn diện. Chủ đề năm nay là
“Các bên liên quan vì một Thế giới Gắn kết và Bền vững”.
Ngọc Yến - Vatican
Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra từ ngày 21-24/01 tại
Davos, Thụy Sĩ. Lần họp này cũng là dịp kỷ niệm 50 năm của tổ chức.
Tạo cơ hội cho các bên liên quan tham gia
Sau lời chào và lời cầu chúc tốt lành đến Diễn đàn, ĐTC viết
trong thông điệp: “Trong thời gian qua, Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tạo cơ hội
cho các bên liên quan tham gia, khám phá những cách thức sáng tạo và hiệu quả để
xây dựng một thế giới tốt hơn. Nó cũng đã cung cấp một đấu trường nơi ý chí
chính trị và hợp tác lẫn nhau có thể được hướng dẫn và củng cố, trong việc khắc
phục chủ nghĩa cô lập, chủ nghĩa cá nhân và tư tưởng thuộc địa”.
Tiếp đến, ĐTC ca ngợi chủ đề được chọn cho những ngày hội thảo:
“Các bên liên quan cho một Thế giới Gắn kết và Bền vững”. ĐTC nói: “Chủ đề chỉ
cho thấy sự cần thiết phải tham gia nhiều hơn của mọi cấp, giúp giải quyết hiệu
quả các vấn đề đa dạng mà nhân loại đang phải đối diện”.
Đặt con người là trung tâm
ĐTC nhấn mạnh rằng không bao giờ được quên, tất cả chúng ta
đều là thành viên của một gia đình nhân loại. Bổn phận đạo đức luân lý phải khởi
đi từ thực tế này. Vì thế, trong khi theo đuổi quyền lực hay lợi nhuận, phải
quan tâm đến đến con người, đặt con người ở trung tâm. Vấn đề này thuộc trách
nhiệm của những ai đang tham gia vào lĩnh vực kinh doanh và chính phủ. Việc tìm
kiếm các giải pháp công bằng cho những thách đố mà chúng ta đang đối diện là việc
không thể thiếu. Do đó, cần phải vượt lên trên các đường lối kinh tế hoặc công
nghệ ngắn hạn và xem xét đến chiều kích đạo đức, trong việc tìm kiếm các giải
pháp để đưa ra các đề xuất, các sáng kiến cho tương lai.
Phát triển toàn diện
Đức Thánh Cha viết tiếp: “Nếu các kế hoạch chỉ quy về vật chất
hoặc thực dụng, nó sẽ đưa đến các thực hành phần lớn chỉ vì lợi ích cá nhân,
xem người khác là một phương tiện. Hậu quả là thiếu tình liên đới và bác ái, dẫn
đến bất công. Phát triển toàn diện con người là khi tất cả các thành viên trong
gia đình nhân loại được tham gia và đóng góp để theo đuổi lợi ích chung”.
Để nhấn mạnh giá trị của việc phát triển toàn diện, Đức
Thánh Cha đã trích dẫn số 141 Thông điệp Laudato Sì, Đức Thánh Cha nói đến việc
phát triển toàn diện cần phải chú ý đến ngôi nhà chung. Cần phải tập hợp các
lãnh vực tri thức, bao gồm cả kinh tế để phục vụ một tầm nhìn toàn diện hơn.
Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu chúc cho cuộc gặp gỡ đem lại
nhiều kết quả tốt đẹp và ban phép lành của Thiên Chúa cho các tham dự viên của
Diễn đàn. (CSR_344_2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét