29/01/2020
Thứ Tư tuần 3 thường niên.
BÀI ĐỌC I: 2 Sm 7, 4-17
“Ta sẽ cho con của ngươi kế vị,
và bảo đảm triều đại ngươi”.
Trích sách Samuel
quyển thứ hai.
Trong những ngày ấy,
Chúa phán cùng Nathan lời này rằng: “Hãy đi và nói với Đavít tôi tớ Ta rằng:
Chúa phán thế này: Có phải ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng? Vì
từ ngày Ta dẫn dắt con cái Israel ra khỏi đất Ai-cập cho đến ngày nay, Ta không
ở trong nhà, nhưng Ta di chuyển trong nhà tạm và trong trại. Khắp mọi nơi Ta đi
qua với con cái Israel, có khi nào Ta nói cùng một trong các chi họ Israel mà
Ta truyền dạy chăn dắt Israel dân Ta rằng: ‘Tại sao không xây cất cho Ta một
ngôi nhà bằng cây hương nam?’
Giờ đây, ngươi hãy nói
cùng Đavít tôi tớ Ta rằng: ‘Chúa các đạo binh phán thế này: Ta đã đem ngươi ra
khỏi đồi cỏ lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh Israel
dân Ta và Ta đã ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta sẽ tiêu diệt mọi quân
thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh các bậc
vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt để một nơi cho Israel dân Ta, và Ta sẽ vun trồng
nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị quấy rối nữa. Con cái sự dữ sẽ không
còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán trên
Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù. Và Chúa phán
trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một ngôi nhà. Đến khi qua đời,
ngươi sẽ được an giấc cùng các tổ phụ ngươi. Kế đó Ta sẽ cho con của ngươi kế vị
và làm cho vương quốc ngươi vững mạnh. Chính người sẽ xây dựng cho danh Ta một
ngôi nhà, và Ta bảo đảm ngôi báu triều đại ngươi tồn tại đến muôn đời. Ta sẽ là
Cha người, và người sẽ là con Ta. Nếu người có phạm lỗi, Ta sẽ sửa trị người bằng
roi người lớn và bằng tai hoạ con cái loài người. Nhưng Ta sẽ không cất khỏi
người lòng từ bi của Ta, như Ta đã xử với Saolê, kẻ đã bị Ta khai trừ khỏi mặt
Ta. Và nhà của ngươi và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta;
ngôi báu ngươi sẽ vững bền mãi mãi!” Nathan đã thuật lại cho Đavít tất cả những
lời và thị kiến này. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 88, 4-5.
27-28. 29-30
Đáp: Đời đời Ta sẽ
dành cho người lòng sủng ái (c. 29).
Xướng: 1) Ta đã ký
minh ước cùng người Ta tuyển lựa. Ta đã thề cùng Đavít là tôi tớ của Ta rằng:
“Cho tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi
qua muôn thế hệ”. – Đáp.
2) Chính người sẽ thưa
cùng Ta: “Chúa là Cha con, là Thiên Chúa và Đá Tảng cứu độ của con”. Và Ta sẽ đặt
người làm trưởng tử, cao sang hơn các vua chúa ở trần gian. – Đáp.
3) Đời đời Ta sẽ dành
cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được mãi mãi duy trì. Ta
sẽ gìn giữ miêu duệ người tới muôn đời, và ngai báu người như những ngày của
cõi cao xanh. – Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia!
– Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự
sống đời đời. – Alleluia.
PHÚC ÂM: Mc 4, 1-20
“Người gieo hạt đi gieo hạt giống”.
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu bắt
đầu giảng dạy ở bờ biển và có đám đông dân chúng tụ lại gần Người, nên Người xuống
ngồi trong một chiếc thuyền trên mặt biển, tất cả đám đông thì ở trên đất theo
dọc bờ biển. Người dùng dụ ngôn mà dạy họ nhiều điều, và khi giảng, Người nói với
họ rằng: “Các ngươi hãy nghe! Này người gieo hạt đi gieo hạt giống. Khi gieo, một
phần hạt rơi xuống vệ đường và chim trời đến ăn hết. Phần khác rơi trên đất sỏi,
nơi không có nhiều đất. Hạt giống đã mọc lên ngay, vì lớp đất không sâu. Nhưng
khi mặt trời mọc lên, hạt giống bị nắng đốt và vì không rễ, nên bị chết khô. Một
phần khác rơi vào bụi gai, và gai mọc lên làm hạt giống chết và không sinh hoa
trái được. Phần hạt khác rơi vào đất tốt, mọc lên, nẩy nở và sinh quả, hạt thì
sinh được ba mươi, hạt được sáu mươi, hạt được một trăm”. Và Người phán rằng:
“Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
Khi Người còn lại một
mình, thì mười hai ông là những kẻ luôn ở với Người, hỏi Người về ý nghĩa dụ
ngôn, Người liền bảo các ông: “Các con được ơn biết mầu nhiệm về nước Thiên
Chúa, còn những kẻ khác ở ngoài thì mọi sự được giảng dạy bằng dụ ngôn, vì
chúng nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu, kẻo chúng trở lại mà được tha tội”.
Người nói với các ông:
“Các con không hiểu dụ ngôn đó sao? Vậy thì hiểu sao được tất cả những dụ ngôn
khác? Người gieo hạt là gieo lời Chúa. Vệ đường mà lời Chúa được gieo vào, là
những kẻ vừa nghe xong, thì Satan đến và cất lấy lời Chúa gieo trong tâm hồn họ.
Và cũng thế, những hạt giống rơi trên đất sỏi là những kẻ khi nghe lời Chúa thì
đón nhận vui vẻ, nhưng chúng không đâm rễ bên trong và là những người hay thay
đổi: sau đó gặp phải cơ cực hay bắt bớ vì lời Chúa, thì họ sa ngã liền. Lại có
những hạt giống rơi trong bụi gai. Đây là những kẻ nghe lời Chúa, nhưng những
lo lắng trần tục, sự quyến rũ của giàu sang và những đam mê khác xâm chiếm họ,
bóp nghẹt lời Chúa, khiến không thể sinh hoa trái được. Còn những hạt giống
gieo trong đất tốt: đó là những người nghe lời Chúa, biết giữ lấy và làm sinh lợi,
hạt ba mươi, hạt sáu mươi, và hạt một trăm”. Đó là lời Chúa.
Suy Niệm : Hạt giống Lời
Chúa
Phan Linh là một
nhân vật nổi tiếng trong nhiều lãnh vực khoa học kỹ thuật và văn chương. Một
hôm ông nhận được một món quà của một người bạn từ Ấn Ðộ, đó là một cái chổi
rơm. Nhận thấy có những hạt lúa dính ở cọng rơm, ông nhặt lấy và đem đi gieo,
sau đó ông cũng phân phát cho bà con cùng gieo, thu hoạch rất khả quan và dần dần
lan ra cả nước. Ông là người đầu tiên nhập giống lúa mới và khai sinh kỹ nghệ
làm chổi phục vụ cho cả nước.
Trong Tin Mừng hôm
nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người gieo giống để giảng về Nước Trời. Việc gieo
giống có lẽ rất quen thuộc với người Việt Nam, vì có đến 4/5 dân số sống bằng
nghề nông nghiệp. Người gieo giống nào cũng muốn gieo hạt trên đất đã cày bừa cẩn
thận; Thiên Chúa cũng muốn tâm hồn con người được trở nên như thửa đất để hạt
giống Lời Ngài có thể mọc lên, phát triển và sinh nhiều hoa trái, làm ích cho
mình và cho người khác nữa.
Nhìn lại cuộc đời của
mình, có lẽ chúng ta phải thành thật nhận rằng từ trước tới nay chúng ta chưa
đón nhận và sống Lời Chúa được bao nhiêu, bởi vì chúng ta vẫn để cho tâm hồn
xao xuyến lo lắng, những đam mê sự đời, tham vọng địa vị và của cải làm chết ngạt
Lời Chúa. Ðấy là chưa kể những biến cố xảy đến trong cuộc sống bản thân, gia
đình, xã hội, đều là những tiếng Chúa nhắc nhở, mời gọi chúng ta, nhưng chúng
ta vẫn chưa thoát khỏi những đam mê, ích kỷ trong đời sống. Lời Chúa vẫn chưa
bén rễ sâu trong tâm hồn chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta
biết mở rộng tâm hồn đón nhận hạt giống Lời Chúa. Xin làm cho những hạt giống ấy
được bám rễ, mọc lên tươi tốt và trổ sinh được nhiều bông hạt, để mỗi ngày
chúng ta được lớn lên trong tình yêu Chúa và góp phần xây dựng Giáo Hội Chúa
ngày một lớn mạnh hơn.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày
Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 3 TN
Bài đọc: Heb
10:11-18; 2 Sam 7:4-17; Mk 4:1-20.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa có
tiềm năng sinh lợi ích vô hạn cho con người.
Cha ông chúng ta thường
nói “Điều kiện để thành công, phải có đủ 3 yếu tố: thiên thời, địa lợi, nhân
hòa.” Hay, phải có 4 đúng: “đúng người, đúng vật, đúng nơi, đúng thời.” Thiếu một
trong những điều kiện đòi hỏi là sẽ không thành công hay không đạt được kết quả
mong muốn.
Các Bài Đọc hôm nay
xoay quanh việc cộng tác làm việc giữa Thiên Chúa và con người. Trong Bài Đọc
I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái so sánh hiệu quả của lễ hy sinh của Cựu-Ước và
Tân Ước, và của hai Giao Ước cũ và mới. Theo tác giả, Giao Ước mới và lễ hy
sinh của Đức Kitô có hiệu quả hơn Giao Ước cũ và các lễ hy sinh của Cựu Ước; vì
Giao Ước mới được ghi tạc trong trái tim con người, chứ không trên hai bia đá
như Giao Ước cũ. Trong Bài Đọc I, năm chẵn, mặc dù vua David muốn xây nhà cho
Thiên Chúa; nhưng Thiên Chúa không muốn điều đó. Trái lại, Ngài hứa sẽ xây một
dòng dõi muôn đời cho nhà David. Trong Phúc Âm, Lời Chúa được ví như hạt giống,
có tiềm năng để sinh lợi ích cho con người; nhưng hạt giống có sinh lợi thực sự
hay không tùy thuộc vào nơi mà hạt giống được gieo vào; nói cách khác, tùy thuộc
vào sự cộng tác tích cực của con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.
1.1/ Hiệu quả của hy lễ đền
tội: Trong Cựu Ước, “Vị tư tế nào cũng phải
đứng trong Đền Thờ lo việc phụng tự mỗi ngày và dâng đi dâng lại cũng ngần ấy
thứ lễ tế; mà những lễ tế đó chẳng bao giờ xoá bỏ được tội lỗi.” Điều này có thể
thấy qua việc dâng hai con chiên mỗi ngày: một con ban sáng và một con ban chiều.
Đấy là chưa kể việc sát tế các súc vật trong Ngày Xá Tội mỗi năm bởi thầy Thượng
Tế. “Còn Đức Kitô, sau khi dâng lễ tế duy nhất để đền tội cho nhân loại, Người
đã lên ngự bên hữu Thiên Chúa đến muôn đời. Và từ khi đó, Người chờ đợi ngày
các kẻ thù bị đặt làm bệ dưới chân. Quả thật, Người chỉ dâng hiến lễ một lần,
mà vĩnh viễn làm cho những kẻ Người đã thánh hoá được nên hoàn hảo.” Hy lễ của
Chúa Giêsu không thể và cũng không cần lặp lại.
1.2/ Hiệu quả của Giao Ước
cũ và mới: Giao Ước cũ được ghi khắc trong
hai bia đá, đến từ bên ngòai con người; nhưng Giao Ước mới được Thiên Chúa phán
qua Tiên-tri Jeremiah như sau: “Đây là giao ước Ta sẽ lập với chúng sau những
ngày đó, thì Đức Chúa phán: Ta sẽ ghi vào tâm khảm chúng, sẽ khắc vào lòng trí
chúng lề luật của Ta. Ta sẽ không còn nhớ đến lỗi lầm và việc gian ác của chúng
nữa. Mà nơi nào đã có ơn tha tội, thì đâu cần lễ đền tội nữa.”
Những gì đến từ bên
ngoài đều tạm thời chóng qua, và không có đủ sức mạnh để thay đổi lòng trí con
người. Những gì được ghi khắc trong tâm khảm sẽ vững bền lâu dài, và có sức mạnh
để thay đổi con người, làm cho họ biết nhận ra sự thực và đáp trả tình yêu của
Thiên Chúa.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): “Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi
trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”
2.1/ Không phải David sẽ
xây nhà cho Thiên Chúa: Việc xây dựng đền thờ
hay nhà cho Thiên Chúa ngự tự nó không xấu; nhưng ý hướng xây dựng nhà thờ phải
được thấu hiểu cách rõ ràng:
(1) Thiên Chúa không cần
con người xây nhà cho Ngài; vì mọi sự là của Thiên Chúa. Điều này hiển nhiên,
vì con người không thể giới hạn hay đóng khung Thiên Chúa trong phạm vi của
ngôi nhà. Sở dĩ Thiên Chúa muốn hiện diện trong căn lều hay trong ngôi thánh đường
là vì Ngài muốn cho con người một dấu chứng, để họ biết chắc Thiên Chúa đang hiện
diện với họ. Ngài nhắc nhở tiên-tri Nathan về cuộc hành trình vào Đất Hứa của
con cái Israel và sự hiện diện của Ngài ở giữa họ: “Trong suốt thời gian rày
đây mai đó với toàn thể con cái Israel, có bao giờ Ta đã lên tiếng hỏi một
trong các thủ lãnh Israel mà Ta đã đặt lên chăn dắt dân Ta là Israel: “Sao các
ngươi không xây cho Ta một ngôi nhà bằng gỗ bá hương?””
(2) Đền Thờ được dựng
nên không phải cho lợi ích của Thiên Chúa; nhưng cho lợi ích của con người. Con
người cần sự hiện diện của Thiên Chúa để được Ngài dạy dỗ, bảo vệ và ban ơn. Đền
thờ là nơi con người qui tụ để lắng nghe và học hỏi Lời Chúa; nếu không có cơ hội
học hỏi, làm sao con người biết thi hành những gì Ngài dạy? Đền thờ cũng là nơi
Thiên Chúa ban ơn cho con người: tha tội qua những lễ vật hy sinh của Cựu Ước
hay ban ơn thánh qua các bí-tích của Tân Ước. Vì thế, điều con người cần tránh
là thái độ tự mãn khi xây nhà thờ: cho là mình đã có công khi xây dựng cho
Thiên Chúa một chỗ ở
2.2/ Chính Thiên Chúa sẽ
“xây nhà” cho David: Trong mối tương quan giữa
Thiên Chúa với con người, Thiên Chúa luôn là người đi bước trước trong mọi sự,
con người chỉ là người đáp trả tình yêu và ân phúc của Thiên Chúa. Phía của
Thiên Chúa luôn chắc chắn và vững bền; phía của con người hay thay đổi và nông
nổi. Trong trình thuật hôm nay, Thiên Chúa liệt kê những gì Ngài đã, đang, và sẽ
làm cho vua David và dòng dõi của ông.
(1) Những gì Thiên
Chúa đã làm cho vua David: “Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên
ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Israel. Ngươi đi đâu, Ta cũng
đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi.”
(2) Những điều Thiên
Chúa hứa sẽ làm cho nhà David:
– Cho cá nhân của
David: Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân
trên mặt đất… Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa.
– Cho dân chúng một
nơi cư ngụ vĩnh viễn: “Ta sẽ cho dân Ta là Israel một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng,
và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng
không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ
lãnh cai quản dân Ta là Israel.”
– Cho Solomon, người kế
vị vua David: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông,
Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh
ra – và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà
để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với
nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó
bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời
khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Saul, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi.”
– Cho dòng dõi của vua
David: Ngai vàng của David sẽ vững bền muôn thuở: “Nhà của ngươi và vương quyền
của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi
mãi.” Tất cả các vua cai trị Israel sẽ xuất thân từ dòng dõi David; điều này
bao gồm Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Ngài cũng xuất thân từ dòng dõi David, và
Ngài sẽ làm vua cai trị toàn dân đến muôn đời.
Tất cả những gì Thiên
Chúa hứa, Ngài đã thực hiện; cho dù phải trải qua thời gian chờ đợi về phía con
người, vì những việc làm hay những quyết định nông nổi của họ.
3/ Phúc Âm: Hiệu quả tùy thuộc ở các nơi mà Lời Chúa được gieo vào.
Dụ ngôn Chúa Giêsu nói
tới hôm nay nhắm tới 2 điểm chính: (1) Hạt giống là Lời Chúa, tự nó có tiềm
năng sinh lợi như hạt giống có tiềm năng sinh nhiều hạt khác; (2) Nơi gieo vào
là lòng trí con người, Lời Chúa có sinh lợi hay không, và sinh lợi bao nhiêu,
tùy thuộc vào lòng trí con người.
3.1/ Bốn nơi mà hạt giống
Lời Chúa được gieo vào:
(1) Vệ đường: Chúa giảng:
“Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất.” Chúa cắt
nghĩa: “Những kẻ ở bên vệ đường, nơi lời đã gieo xuống, là những kẻ vừa nghe
thì Satan liền đến cất lời đã gieo nơi họ.” Hạng người này là những người dửng
dưng và vô tâm, họ coi Lời Chúa không quan trọng trong cuộc đời của họ.
(2) Sỏi đá: Chúa giảng:
“Có hạt rơi trên sỏi đá, chỗ không có nhiều đất; nó mọc ngay, vì đất không sâu;
nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô.” Chúa cắt
nghĩa: “Những kẻ được gieo trên sỏi đá là những kẻ khi nghe lời thì liền vui vẻ
đón nhận, nhưng họ không đâm rễ mà là những kẻ nông nổi nhất thời; sau đó, khi
gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, họ vấp ngã ngay.” Hạng người này không chịu
suy xét để đào sâu và sống Lời Chúa, nên dễ dàng bỏ cuộc sau một thời gian ngắn.
(3) Bụi gai: Chúa giảng:
“Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt và không sinh hoa kết quả.”
Chúa cắt nghĩa: “Những kẻ khác là những kẻ được gieo vào bụi gai: đó là những kẻ
đã nghe Lời, nhưng những nỗi lo lắng sự đời, bả vinh hoa phú quý cùng những đam
mê khác xâm chiếm lòng họ, bóp nghẹt lời khiến lời không sinh hoa kết quả gì.”
Đây là những kẻ đã nghe Lời, nhưng không chịu mang ra sinh sống trong cuộc đời.
Thay vào đó, họ chạy theo bả vinh hoa phú quí, hay theo tính đam mê xác thịt.
(4) Đất tốt: Chúa giảng:
“Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nó mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả: hạt
thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Chúa cắt
nghĩa: “Còn những người khác nữa là những người được gieo vào đất tốt: đó là những
người nghe Lời và đón nhận, rồi sinh hoa kết quả, kẻ thì ba mươi, kẻ thì sáu
mươi, kẻ thì một trăm.” Đây là những kẻ nghe, hiểu thấu, và mang ra sống trong
cuộc đời. Tùy thuộc vào cách ứng dụng, họ sinh lời được 30, 60, hay 100.
3.2/ Bí mật của Mầu Nhiệm
Nước Trời: Khi còn một mình Đức Giêsu, những
người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về các dụ ngôn. Người nói với
các ông: “Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với
những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn, để họ
có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy, có lắng tai nghe cũng không hiểu, kẻo họ trở lại
và được ơn tha thứ.”
Thoạt nghe những lời
này, một người có thể hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời chỉ ban cho một số người thuộc về
Thiên Chúa; và sẽ dễ rơi vào chủ thuyết “tiền định:” người nào được Thiên Chúa
tiền định cho được cứu rỗi, Ngài sẽ ban cho hiểu; và ngược lại. Hiểu biết như vậy
là sai vì 2 lý do sau đây:
(1) Marcô trích dẫn
Isa 6:10 của Bản Bảy Mươi, nhưng không hoàn toàn cả câu: “Vì tim của dân này đã
bị chai đá, tai của họ đã điếc, và mắt họ đã nhắm lại, kẻo mắt nó thấy, tai nó
nghe và lòng nó hiểu, mà nó trở lại và được chữa lành.” Một điều khác biệt là Bản
Bảy Mươi dùng thời thụ động cho động từ đầu tiên “đã bị chai đá,” và muốn hiểu
như thế cho 2 động từ theo sau. Điều này muốn nói người chịu trách nhiệm cho những
hậu quả này là dân chúng chứ không phải Thiên Chúa. Bản dịch của MT dùng thời
truyền lệnh: Chúa phán: “Hãy đi nói với dân này rằng: Cứ nghe cho rõ, nhưng đừng
hiểu, cứ nhìn thật kỹ, nhưng đừng nhận ra. Hãy làm cho lòng dân này ra đần độn,
cho tai nó điếc, cho mắt nó mù; kẻo mắt nó thấy, tai nó nghe và lòng nó hiểu,
mà nó trở lại và được chữa lành.” Bản dịch này xem ra có vẻ qui trách nhiệm cho
Thiên Chúa.
(2) Thực ra, nếu xét
toàn bộ văn mạch và tất cả Kinh Thánh, đây chỉ là lối nói của người Do-thái khi
qui trách mọi việc xảy ra là trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nếu
xét theo kinh nghiệm cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu cũng như của tiên-tri
Isaiah, mặc dù cả hai đã cố gắng rao giảng, nhưng nếu con người không chịu mở
lòng để đón nhận, mở tai để nghe, mở mắt để nhìn; làm sao họ có thể hiểu và thi
hành những lời rao giảng? Và nếu không hiểu, làm sao có thể thi hành để sinh
hoa kết quả? Đó chính là mục đích mà trình thuật nhắm tới hôm nay.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Thiên Chúa luôn
trung thành yêu thương và ban mọi ơn lành. Vấn đề là về phía chúng ta có nhận
ra tình yêu và cộng tác với Ngài để sinh lợi ích cho chính chúng ta và tha nhân
hay không. Chúng ta không thể sinh lợi ích gì cho Thiên Chúa.
– Lời Chúa có tiềm
năng sinh lợi ích vô hạn cho con người. Lời Chúa có sinh ích hay không hoàn
toàn tùy thuộc vào thái độ và khả năng lãnh nhận của chúng ta.
– Chúng ta cần phải
chuẩn bị tâm hồn để lắng nghe Lời Chúa, dành nhiều thời gian để học hỏi và suy
niệm, đồng thời phải để Lời Chúa hướng dẫn mọi sự trong cuộc đời.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
29/02/2020 – THỨ TƯ TUẦN 3 TN
Mc 4,1-20
CÓ HẠT SINH MỘT TRĂM!
“Người gieo giống ra đi gieo giống…” (Mc 4,3)
Suy niệm: Thiên Chúa gieo Lời của
Ngài vào mọi thứ đất. Dù là chỗ đá sỏi, vệ đường, bụi gai hay là mảnh đất tốt,
hễ chỗ nào có khoảng trống là Ngài lại gieo. Dường như Ngài cứ mặc tình gieo Lời
một cách hào phóng, chẳng ngại phí phạm và cũng không hề quan tâm tới chất lượng
đất hay sản lượng thu hoạch được. Thực ra, có đấy! Ngài có quan tâm đến sản lượng
đấy! Hạt giống Lời Chúa tất nhiên là tốt rồi. Nhưng Lời có sinh hoa trái hay
không và sinh nhiều hay ít là tuỳ theo chất lượng đất, tuỳ theo khâu dọn đất và
chăm sóc. Có điều là, khâu dọn đất, chăm sóc – mảnh đất tâm hồn mình hay của
tha nhân – thì Chúa lại giao cho chúng ta thực hiện. Mà ai lại không muốn hạt
giống sẽ sinh lời gấp trăm? Sứ mạng truyền giáo không chỉ là gieo giống mà còn
phải bắt đầu sớm hơn, từ công việc cải tạo đất, làm cho đất sẵn sàng đón nhận hạt
giống.
Mời Bạn: phiên dịch những ẩn dụ
trong dụ ngôn thành mệnh lệnh cụ thể cho những hoạt động truyền giáo của bạn: –
nhổ cỏ, dọn gai góc sỏi đá phải chăng là sám hối, chừa bỏ tính hư nết xấu? –
cày bừa phải chăng là rèn tập nhân đức, cởi mở tâm hồn để đón nhận ơn cứu độ?
Chia sẻ: Bạn có thể làm gì để anh em lương dân nghe biết về Đức
Ki-tô và yêu mến Ngài nhiều hơn?
Sống Lời Chúa: Dâng các việc trong ngày,
và cầu nguyện cho một người bạn lương dân, và khi tiếp xúc, bạn hãy cư xử bác
ái với người đó và chia sẻ với họ cảm nghiệm đức tin của bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, con ước ao được đáp lại lòng mong mỏi của
Chúa là đem Tin Mừng đến cho biết bao người đang khao khát mong chờ. Xin Chúa
biến đổi con thành tông đồ của Chúa.
(5 Phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Hạt giống
Lời Chúa
Suy niệm :
Chỉ cần một hạt giống lời Chúa rơi vào tâm hồn bạn,
như rơi vào thửa đất màu mỡ,
đời bạn có thể thay đổi hoàn toàn.
Têrêsa Hài Đồng đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Ai không nên như trẻ thơ thì chẳng được vào Nước Trời.”
Chị đã nên thánh nhờ suốt đời sống phó thác như trẻ thơ.
Têrêsa Calcutta đã để lòng mình đón lấy lời này:
“Những gì ngươi làm cho một anh em nhỏ nhất, là làm cho chính Ta.”
Mẹ Têrêsa đã không bao giờ quên mình đang tiếp xúc với Giêsu
mỗi khi Mẹ gặp người nghèo khổ, bệnh tật.
Là Kitô hữu, chúng ta thường xuyên được nghe Lời Chúa,
nhưng một tiếp xúc thực sự với hạt giống Lời Chúa vẫn ít xảy ra.
Điều này đã là vấn đề của các Kitô hữu sơ khai rồi.
Tất cả bốn hạng người trong dụ ngôn Người gieo giống đều nghe.
Tuy nhiên kết quả lại rất khác nhau,
vì vấn đề không phải là nghe bằng tai, nhưng là nghe bằng cả tâm hồn.
Vẫn có thứ tâm hồn hời hợt như đất cứng ở vệ đường.
Hạt giống chưa bao giờ thâm nhập được vào đất,
mới chỉ nằm trơ vơ trên bề mặt.
Hạt giống này nhanh chóng làm mồi cho chim chóc, cho Xatan.
Vẫn có thứ tâm hồn chai đá, như mảnh đất chỉ có lớp đất mỏng bên trên.
Hạt giống mọc ngay, nhưng sau đó bị khựng lại,
không đâm rễ được vì đất nhiều sỏi đá.
Khi nắng lên, cây bị héo khô vì không có rễ hút nước.
Để cho Lời Chúa đâm rễ sâu trong đời mình và nuôi dưỡng mình,
đó là nỗ lực suốt đời của người Kitô hữu.
Vui vẻ đón nhận Lời ngay lập tức mà không chịu đào sâu, đâm rễ,
thì cũng sẽ bỏ cuộc ngay lập tức khi cơn bách hại đến từ bên ngoài.
Vẫn có thứ tâm hồn nặng nề, vì những lo lắng sự đời, đam mê giàu có.
Chính những lệch lạc từ bên trong như bụi gai đã bóp nghẹt hạt giống.
Lời Chúa đòi ta vượt lên trên những thèm muốn, khoái lạc và âu lo.
Để Lời Chúa sinh trái phải làm cỏ, dọn bụi gai cho sạch.
Nhưng vẫn có những tâm hồn mềm mại như mảnh đất tốt.
Hạt giống Lời Chúa thoải mái đâm rễ sâu, và sinh hoa trái gấp trăm.
Dù gặp bách hại vì Lời, dù bị danh lợi thế gian lôi kéo,
họ vẫn không đánh mất căn tính Kitô hữu của mình.
Tâm hồn chúng ta thuộc loại đất nào?
Đó là câu hỏi cho từng Kitô hữu xưa cũng như nay.
Thiên Chúa vẫn cứ kiên nhẫn và miệt mài gieo giống cho đến tận thế.
Ngài vẫn mời ta ra khỏi sự hời hợt, cứng cỏi, chai đá của lòng mình.
Nếu ta dám để cho Lời Chúa thực sự đi vào đời ta, dù chỉ một lần,
ta sẽ thấy được sức biến đổi kỳ diệu của Lời Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.
Chúng con thường xây nhà trên cát,
vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,
nhưng lại không dám đem ra thực hành.
Chính vì thế
Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.
Xin cho chúng con
đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,
đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.
Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,
để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.
Ước gì ngôi nhà đời chúng con
được xây trên nền tảng vững chắc,
đó là Lời Chúa,
Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
29 THÁNG GIÊNG
Làm Việc – Con Đường
Nên Thánh
Trong đời sống, rõ
ràng có một bậc thang các giá trị. Chúng ta đề cao lao động. Đúng. Chúng ta đề
cao con người hơn, trong quan hệ với lao động. Điều này thậm chí càng đúng hơn.
Nhưng con người cần một cái gì đó vượt quá chính mình. Con người cần cơm bánh hằng
ngày, vâng, nhưng con người không sống duy chỉ nhờ vào cơm bánh.
Con người luôn luôn được
nội tâm mình thôi thúc kiếm tìm một cái gì đó khác. Những kho báu giấu ẩn trong
thâm sâu cõi lòng con người thật nhiều vô kể. Lương thức, mỹ cảm, lòng quảng đại,
hoài niệm, hy vọng, thao thức về huyền nhiệm, cảm thức đạo đức và luân lý, khát
vọng công lý, khát vọng tự do, khả năng liên đới và cộng tác … – tất cả những
điều ấy tiềm ẩn trong sâu thẳm trái tim con người.
Càng vượt qua chính
mình hơn, con người càng trở thành ‘người’ hơn. Đó chính là chân trời của những
giá trị tâm linh. Những giá trị ấy vượt ngoài kinh nghiệm giác quan và tạo
thành thế giới siêu nhiên.
Như vậy, những suy tư
của tôi hôm nay lại trở về với cốt lõi của Tin Mừng lao động. Khi Giáo Hội sát
cánh với người lao động và khi Giáo Hội nỗ lực thăng tiến phẩm giá của họ –
không phân biệt chủng tộc, niềm tin, giai cấp – thì đấy là Giáo Hội đang thực
thi sứ mạng được Đức Kitô trao phó cho mình. Đức Kitô đã và vẫn đang tiếp tục
là đồng minh và là trạng sư vĩ đại nhất của con người. Vì loài người chúng ta
và để cứu rỗi chúng ta – như ta tuyên xưng trong Kinh Tin Kính – Người đã từ trời
xuống thế để làm một con người ở giữa chúng ta.
Bất cứ ai tin vào Người
sẽ tìm thấy ánh sáng soi dẫn mình tại mỗi bước quặt cuộc đời. Dưới ánh sáng Thập
Giá Đức Kitô, lao động là một con đường hoàn thiện nhân bản và là một tiếng gọi
siêu nhiên. Đó là một con đường nên thánh.
Ngày nay, sau Công Đồng,
người giáo dân Công Giáo chúng ta đạt được một bước trưởng thành hơn, và chiều
kích tâm linh của lao động cũng được nhận thức nhiều hơn. Đó là một linh đạo phải
được đào sâu thêm mãi qua việc nỗ lực xây dựng tình huynh đệ chân thành đích thực,
và qua việc nỗ lực làm thấm nhập ơn bình an của Đức Kitô vào môi trường lao động.
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 29/1
2Sm 7,4-17; Mc 4,
1-20.
Lời Suy Niệm: “Khi còn một
mình Đức Giêsu, những người thân cận cùng với Nhóm Mười Hai mới hỏi Người về
các dụ ngôn.”
Trong dụ ngôn người gieo giống Chúa Giêsu đã đưa ra các thế đất: trên vệ đường
– trên sỏi đá – vào bụi gai – vào đất tốt. Và rồi các Tông Đồ của Chúa đã
không hiểu. Nhưng tất cả đã đợi khi chỉ mình Người mới hỏi; Người đã giải
thích, giúp các ông hiểu. Điều này gợi lên cho mỗi người trong chúug ta khi đọc
Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội chưa hiểu. Mỗi người trong chúng ta cần
phải tìm đến những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong Giáo Hôi hướng dẫn,
giải thích, giúp chúng ta hiểu biết rõ và đầy đủ hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con có tinh thần học hỏi Giáo Lý và Kinh Thánh với
một lòng tin để sinh lợi ích cho phần rỗi linh hồn của chúng con.
Mạnh Phương
29 Tháng Giêng
Ðứng Núi Này Trông Núi Nọ
Một tác giả nọ đã kể
lại một câu chuyện ngụ ngôn về con lừa, con rùa và một con ruồi mà tuổi thọ chỉ
vỏn vẹn một ngày như sau: Nhận thấy kiếp sống của mình quá vắn või, con ruồi đã
than thân trách phận như sau: “Nếu tôi có được nhiều thì giờ hơn, thì có lẽ mọi
sự sẽ dễ dàng hơn. Các bạn cứ nghĩ xem: chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi phải
sinh ra, phải lớn lên, phải học hỏi kinh nghiệm, phải vui hưởng cuộc sống, phải
đau khổ, phải già rồi cuối cùng phải chết? Tất cả chỉ diễn ra trong vòng 24 tiếng
đồng hồ”.
Con lừa quanh năm
ngày tháng chỉ bị đày đọa trong những việc nặng nhọc thì lại than vãn: “Giả như
tôi chỉ có 24 tiếng đồng hồ để sinh ra, để sống thì có lẽ tôi sẽ hạnh phúc hơn,
bởi vì cái gì tôi cũng nếm thử được một chút và cái gì tôi cũng chỉ phải chịu đựng
trong một khoảnh khắc”.
Ðến lượt con rùa,
nó phát biểu như sau: “Tôi không hiểu được các bạn. Tôi đã sống được 300 năm
nhưng tôi vẫn không thấy đủ giờ để kể hết những kinh nghiệm tôi đã trải qua.
Khi được 200 tuổi, tôi chỉ ước mơ được chết cho xong. Tôi thương hại chú ruồi,
nhưng tôi lại ghen với ông bạn lừa”.
Sau khi đã kể cho
nhau nghe kinh nghiệm sống của mình, xem chừng như không thấy ai thỏa mãn kiếp
sống của mình. Người thì than phiền sống quá ngắn, người thì ngán ngẩm vì sống
quá lâu. Cuối cùng, ba chú mới rủ nhau đến vấn kế con nhện, vì con nhện vốn được
xem là một con vật khôn ngoan. Sau khi nghe mọi lời kể lể, con nhện mới dõng dạc
ban cho mỗi con một lời khuyên. Với con rùa, nó nói như sau: “Hỡi lão rùa già,
đừng than phiền nữa. Hỏi thử có ai được giàu kinh nghiệm cho bằng lão
chưa?”.
Quay sang con ruồi,
con nhện ra lệnh: “Hỡi chú ruồi, chú cũng đừng than thân trách phận nữa. Hỏi thử
có ai có nhiều trò vui cho bằng chú không?”.
Với chú lừa, thì
xem ra lời cảnh cáo của con nhện có vẻ nặng nề hơn cả: “Còn đối với ông bạn lừa,
tôi không có lời khuyên nào cho ông bạn cả. Oâng bạn là người bất mãn suốt đời.
Oâng bạn vừa muốn được sống lâu như lão rùa lại vừa muốn sống ngắn ngủi như chú
ruồi. Trời nào có thể làm vừa lòng chú”.
Câu chuyện ngụ ngôn
trên đây có thể nói lên sự bất mãn thường xuyên trong tâm hồn của con người. Thất
bại hay thành công, nghèo hèn hay sang trọng, dốt nát hay thông minh, bệnh tật
hay khỏe khoắn. Xem chừng như không bao giờ con người cảm thấy hoàn toàn hài
lòng với chính mình, với người khác và với cuộc sống. con người dễ dàng đứng ở
núi này nhìn sang núi nọ. Tựu trung, có lẽ sự bất mãn là biểu hiện của một thiếu
sót lớn lao trong tâm hồn con người: đó là thiếu sót Tình Yêu. Có tình yêu, người
ta sẽ không còn bất mãn. Có tình yêu, xem chừng người ta cũng không màng đến thời
gian. Một tác giả nào đó đã nói: “Thời gian qúa chậm đối với những kẻ chờ đợi
và sợ hãi. Thời gian lại quá dài đối với những kẻ than phiền. Nhưng với những
người đang yêu, thì thời gian không còn nữa”.
Phải chăng tình yêu
không là liều thuốc để chữa trị căn bệnh bất mãn trong lòng người? Có chấp nhận
chính mình, có yêu thương chính mình, chúng ta sẽ không còn phải than thân
trách phận nữa. Có yêu thương tha nhân, chúng ta sẽ thấy được tha nhân là nguồn
hạnh phúc của mình. Có yêu đời, chúng ta mới đời dễ thương.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét