26/01/2020
Chúa Nhật 3 Thường
Niên năm A
MỒNG HAI TẾT CANH TÝ 2020.
KÍNH NHỚ TỔ TIÊN VÀ ÔNG BÀ CHA MẸ.
(phần II)
Phụng Vụ Lời
Chúa: Chúa Nhật III Thường Niên A - Mùng Hai Tết
MỒNG HAI TẾT -
KÍNH NHỚ ÔNG BÀ TỔ TIÊN
Hc 44,1.10-15 –
Ep 6,1-4.18.23 – Mt 15,1-6
THỜ CHA KÍNH MẸ: GIỚI RĂN VÀ ĐẠO HIẾU
“Hãy tôn kính mẹ cha... để được hạnh phúc và trường thọ” (Ep 6,2)
I. CÁC BÀI ĐỌC
Các bài đọc ngày mồng
hai tết làm nổi bật tinh thần đạo hiếu của phận làm con đối với tổ tiên ông bà
cha mẹ. Tư tưởng này mời gọi mỗi người suy nghĩ về nguồn cội của mình, của dòng
tộc mình, của dân tộc mình... mà nguồn cội của mọi nguồn cội là chính Thiên
Chúa. Đồng thời cũng nhắc nhớ mọi người về bổn phận góp phần mình vào việc củng
cố và phát triển các mối tương quan ấy.
1. Bài đọc I – Hc
44,10-15
Tác giả sách Huấn ca mời
gọi độc giả cùng ca tụng các bậc cha ông trong tư cách là những vị danh nhân. Họ
được biết đến không phải bởi tài năng hay thông minh xuất chúng của mỗi cá
nhân, nhưng họ đáng được con cháu tôn kính chỉ vì họ là những người đạo hạnh,
biết xót thương, tuân giữ Lề Luật. Điều tạo nên công đức, vinh quang, danh
thơm, khôn ngoan nơi bậc cha ông chính là chữ tín trung và niềm son sắt đến
cùng trong đức tin vào Chúa.
Mọi nỗ lực ấy đã làm
cho các ngài sống mãi nơi gia tài mà các ngài để lại là đàn con cháu, danh thơm
các ngài được lưu truyền mãi hậu thế. Chính nhờ chữ tín nơi các ngài mà con
cháu các ngài có thể giữ mãi chữ trung với giao ước với Thiên Chúa.
2. Bài đọc II – Ep
6,1-4.18.23
Trong phần bàn về ‘đời
sống mới trong Đức Kitô’, thánh Phaolô đặc biệt chú trọng tới bổn phận của những
kẻ làm con cũng như sứ mạng của những người làm cha mẹ.
Theo vị Tông đồ dân
ngoại, bí quyết giúp có được hạnh phúc và sống trường thọ chính là vâng lời cha
mẹ và tôn kính các ngài. Thánh Phaolô còn chỉ ra những cách thức giúp bậc làm
cha mẹ chu toàn sứ mạng giáo dục con cái được Chúa ủy thác cho mình: tuyệt đối
tránh làm con cái tức giận, nhưng phải luôn nhớ mình đang ‘thay mặt Chúa’ để
khuyên răn và sửa dạy các con.
Công việc giáo dục của
bậc làm cha mẹ cũng như lòng hiếu kính của kẻ làm con đều phải được đặt trong bầu
khí cầu nguyện theo Thần Khí hướng dẫn, trong sự tỉnh thức và cầu xin cho toàn
thể dân thánh.
Để có thể thực hiện được
điều đó, thánh Phaolô ước mong cho mỗi người luôn có được Đức Giêsu Kitô ban
cho ơn bình an, đức mến và đức tin.
3. Bài Phúc âm – Mt
15,1-6
Khởi đi từ thái độ duy
lề luật của những người Pharisêu và Kinh sư, Đức Giêsu đã minh định rõ cho mọi
người thấy đã có một lẫn lộn trong việc thực hành: giữa một bên là tập tục của
tiền nhân và bên kia là lề luật của Thiên Chúa. Tập tục của tiền nhân được hiểu
là những ý kiến, lối giải thích và các quyết định của các Rabbi Do thái thật tỉ
mỉ, nhiều khi được coi như ngang hàng thậm chí còn hơn cả Lề Luật. Đức Giêsu tỏ
ra nghiêm khắc với sự đảo lộn giá trị này và một lần nữa cho thấy vai trò nền tảng
của Lề Luật trong việc thực hành đức tin.
‘Thờ cha kính mẹ’ nét
đẹp của đạo hiếu trong tư cách là con. Đó cũng là mảnh đất văn hóa Việt mà chắc
chắn từ mảnh đất này, hạt giống Lời Chúa ‘thảo kính cha mẹ’ sẽ trĩu quả và nặng
hạt. Hiếu kính với bậc trên, hiếu thảo với mẹ cha, hiếu nghĩa với anh chị em,
hiếu hòa với mọi người... không chỉ là rường cột của cộng động làng xã Việt,
nhưng trước hết chính là những mối tương quan trụ cột trong việc thực hành đức
tin trên nền tảng của giao ước của Dân Thánh với Thiên Chúa.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. ‘Hãy ca tụng những
vị danh nhân, cũng là các bậc cha ông chúng ta...’ lời gợi ý này làm
chúng ta nhớ tới các vị Tử Đạo Việt nam, trong tư cách là những vị tiền bối
trong đức tin, như sự ghi nhận của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày
lễ phong thánh: ‘Máu các vị Tử Đạo là nguồn ân sủng cho anh em trước tiên, để
anh em thăng tiến trong Đức Tin. Giữa anh em, Đức Tin của Tổ Tiên vẫn tiếp tục
và còn truyền tụng sang nhiều thế hệ tương lai. Đức Tin này tồn tại để làm nền
tảng xây dựng sự kiên trì cho tất cả những người là Việt Nam thuần tuý sẽ trung
thành với quê hương đất nước, nhưng đồng thời vẫn là người tín hữu của Chúa
Kitô.’ Tri ân các bậc tiền nhân không chỉ vì nhằm tôn vinh các ngài, nhưng
việc tri ân các ngài còn làm củng cố và gia tăng đức tin nơi chúng ta hôm nay.
2. Lệnh truyền ‘Hãy
vâng lời và tôn kính mẹ cha’ nhắc nhớ chúng ta lời khẳng định của Hội Đồng
Giám Mục Việt nam trong thư chung đề ngày 04.10.2019: “Tại Việt
Nam, gia đình vẫn là ‘trường học đầu tiên’, nơi đó các Kitô hữu trẻ đón nhận những
bài học căn bản cho đời sống làm người và làm con cái Chúa”. Bài học vỡ
lòng cho mọi người dưới mái trường gia đình chính là đạo hiếu. Đạo hiếu của phận
làm con không đơn giản chỉ là một nét đẹp của văn hóa, nhưng chính là lẽ sống của
thận phận bề tôi Chúa trong tương quan với mẹ cha ông bà, những người thay mặt
Chúa để giáo dưỡng chúng ta.
3. Trong ánh sáng của
Lời Chúa ‘Thảo kính cha mẹ’, lời của Đức Tổng Giuse, vị Chủ Chăn giáo phận
trong thư chúc tết, còn đang vang vọng nơi mỗi người tín hữu nhân dịp xuân Canh
Tý đang về: “Cầu mong mỗi người trong chúng ta, không chỉ người trẻ, luôn hướng
tới sự trưởng thành toàn diện như Chúa Giêsu ‘ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan’, ‘và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2,40.52)”.
Người ta chỉ thực sự trưởng thành khi biết sống tín nghĩa với Thiên Chúa và hiếu
thảo với ông bà cha mẹ.
III. LỜI NGUYỆN
CHUNG
Chủ tế: Anh chị
em thân mến! Kính nhớ tổ tiên và thảo hiếu ông bà cha mẹ là truyền thống tốt đẹp
của người Việt Nam, rất hợp với thánh ý Chúa. Trong tâm tình tri ân cảm tạ của
những ngày đầu xuân, cộng đoàn chúng ta cùng tha thiết dâng lời cầu nguyện:
1. “Hãy ca ngợi những
vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ”. Chúng ta
cầu nguyện cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô cùng các vị chủ chăn trong Hội Thánh
luôn trung thành tiếp nối sự nghiệp và làm rạng danh công đức của các bậc tiền
nhân.
2. “Kẻ làm con, hãy
vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa”. Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người,
cách riêng các bạn trẻ, biết chu toàn bổn phận làm con cái: luôn hết lòng tôn
thờ Thiên Chúa và trọn tình hiếu kính với bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
3. “Anh em
hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi”. Chúng ta
cùng cầu xin Chúa cho những người đã khuất là tổ tiên ông bà cha mẹ của chúng
ta sớm được thông dự vào sự sống và vinh quang vĩnh cửu của Chúa trong nước trời.
4. “Xin
Thiên Chúa ban ân sủng cho tất cả những ai yêu mến Ðức Giêsu Kitô”. Chúng ta
cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta trong năm Canh Tý này biết
yêu mến và thực hành Lời Chúa, để xứng đáng đón nhận muôn phúc lành Chúa ban.
Chủ tế: Lạy
Chúa là Cha chúng con, Chúa dạy chúng con phải thảo hiếu đối với tổ tiên, ông
bà, cha mẹ. Xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn Thánh Thần giúp chúng
con biết sống cho đẹp ý Chúa trong bổn phận của bậc con cháu. Chúng con cầu xin
nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Sợi Chỉ Đỏ Chúa Nhật
3 TN Năm A
* Từ Chúa nhật thứ
3 mùa thường niên cho đến Chúa nhật 34, chúng ta đọc liên tục Tin Mừng theo
Thánh Mát-thêu.
BÌNH MINH CỦA MỘT THỜI ĐẠI MỚI :
NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN
NƯỚC TRỜI ĐÃ ĐẾN GẦN
“Từ lúc đó, Đức Giêsu bắt đầu rao giảng…” (Mt 4,17)
Sợi chỉ đỏ :
– Bài đọc 1 : lời
tiên tri của Isaia “Dân đang lần bước giữa tối tăm đã thấy một ánh sáng huy
hoàng ; đám người sống lầm than trong vùng bóng tối nay được thấy ánh sáng
bừng lên chiếu rọi”
– Đáp ca : “Chúa
là nguồn ánh sáng, là Đấng cứu độ tôi, tôi sợ gì ai nữa”.
– Tin Mừng : Đức
Giêsu thực hiện lời tiên tri của Isaia. Ngài đến miền Galilê, một miền có rất
đông lương dân, bắt đầu rao giảng rằng “Hãy sám hối, vì triều đại Thiên Chúa đã
đến gần”. Ngài cũng bắt đầu tuyển chọn môn đệ để cùng Ngài đi loan truyền tin
vui ấy.
Các kitô hữu đầu tiên
đã cảm thấy rất hạnh phúc vì được gia nhập gia đình Giáo Hội. Mỗi ngày Chúa nhựt,
họ họp nhau lại trong tâm tình kính mến Chúa và yêu thương nhau. Gương đoàn kết
yêu thương của họ đã thu hút thêm rất nhiều người xin gia nhập Giáo Hội.
Hôm nay, chúng ta cũng
họp nhau lại như cộng đoàn kitô hữu đầu tiên ấy. Nhưng có lẽ chúng ta không cảm
thấy hạnh phúc bằng họ, vì chúng ta không mến Chúa bằng họ, không thương nhau bằng
họ. Xin Đức Giêsu, Đấng đã tập họp chúng ta, ban thêm tình yêu trong lòng chúng
ta.
Đặc biệt tuần này là
tuần lễ Giáo Hội cầu nguyện cho sự hợp nhất các kitô hữu. Chúng ta tha thiết
nài xin Chúa cho những người cùng tin một Chúa Kitô biết đoàn kết yêu thương
nhau hơn.
– Chúng ta hãy xin
Chúa tha thứ vì những chia rẽ, đố kị, ganh ghét trong cộng đoàn họ đạo chúng
ta.
– Chúng ta hãy xin
Chúa tha thứ vì cuộc sống của chúng ta chưa thực sự là ánh sáng trước mặt muôn
dân.
– Chúng ta hãy xin
Chúa tha thứ vì chưa quan tâm mang ánh sáng Tin Mừng đến cho lương dân.
Bối cảnh lịch sử :
năm 721, đế quốc Assyria chiếm miền Bắc xứ Palestina (vương quốc Israel, về sau
được gọi là miền Galilê, trong đoạn Tin Mừng này nó được gọi là “đất Dabulon và
Néptali”). Assyria bắt thành phần ưu tú của xứ này đi lưu đày và đem nhiều dân
ngoại từ các xứ khác đến lập cư ở xứ này, vì thế Galilê lại được gọi là vùng đất
của lương dân, là vùng đất tối tăm.
Nhưng ngôn sứ Isaia đã
tiên báo rằng sẽ tới ngày Ánh sáng sẽ bừng lên ở miền đất đó, và đám dân lầm
than trong bóng tối ấy sẽ được ánh sáng chiếu rọi.
Ý chính của Tv này là
ánh sáng hy vọng loé lên từ cảnh khốn cùng : cho dù khốn khổ có nặng nề đến
đâu, thử thách có khắc nghiệt thế nào, thì vẫn có một điều chắc chắn, đó
là : Thiên Chúa vẫn là ánh sáng và ơn cứu độ. Đó chính là niềm hy vọng của
mọi tín hữu khiến họ luôn đứng vững : “Chúa là nguồn ánh sáng và Đấng cứu
độ tôi. Tôi sợ gì ai nữa”.
Đoạn Tin Mừng này đánh
dấu kết thúc sứ mạng của Gioan Tẩy giả và bắt đầu sứ mạng của Đức Giêsu. Đức
Giêsu bắt đầu sứ mạng tại Galilê, một miền đất vốn được coi là tối tăm, là đất
của lương dân. Chính tại miền đất này, Đức Giêsu tuyên bố “Hãy sám hối, vì Nước
Trời đã đến gần”. Như thế, Đức Giêsu thực hiện lời tiên tri của Isaia.
Đức Giêsu cũng kêu gọi
4 môn đệ đầu tiên (Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan) để cùng Ngài rao giảng Tin Mừng
Nước Trời.
Sau khi mở đầu bức thư
bằng những lời chào hỏi (đoạn được trích đọc Chúa nhựt trước), Phaolô đi ngay
vào tệ nạn thứ nhất của tín hữu Côrintô là sự chia rẽ nhau.
– Tín hữu Côrintô đã
chia ra thành 4 nhóm, mỗi nhóm dựa vào một thừa sai và chống lại các nhóm
kia : nhóm theo Phaolô, nhóm theo Apollô, nhóm theo Phêrô (Kêpha) và nhóm
theo Đức Kitô.
– Phaolô lập luận để
cho thấy việc chia bè phái như thế là sai : tất cả đều thuộc về Đức Kitô,
mà Đức Kitô không thể bị chia năm xẻ bảy như thế. Và Phaolô kêu gọi họ hãy hòa
thuận, một lòng một ý với nhau.
Đối với dân thủ đô,
Galilê chỉ là tỉnh lẻ. Đối với người mộ đạo sùng tín, miền Bắc thật đáng ngờ vực.
Đó là miền hầu như thuộc ngoại bang, nơi hội tụ dân ngoại. Một dân cư pha tạp,
nông dân và ngư dân có giọng nói nặng chịch vốn là đề tài phong phú cho các câu
chuyện diễu cợt hằng ngày…
Trong khi những tín đồ
chính thống ở kinh đô nghiền ngẫm sự khinh khi, chiêm ngưỡng sự siêu việt của
mình, chế diễu và tránh xa những người bị loại trừ ở phía Bắc, thì Đức Messia,
Cứu Chúa, ánh sáng muôn dân, tới cư ngụ tại Capharnaum, bên bờ hồ. Xa khỏi kinh
đô vĩnh hằng, khỏi thói ngạo mạn, tự tôn, và sự mù quáng của họ….
Chính trên bờ hồ chứ
không phải trên các bậc cấp của đền thờ, giữa đám ngư phủ bận rộn chứ không phải
nơi những vị tư tế chuyên lo phụng tự mà Đức Giêsu sẽ chọn các môn đệ của Người.
Đúng là một nước cờ ngược lại mọi logic.
Chính những người ít
khả năng nhất, ít được chuẩn bị nhất lại là những người đầu tiên nhận được ánh
sáng và đi theo Đấng là “đường, sự thật và sự sống”.
Ngay tức khắc, thành
phần lao động đơn sơ chất phác nhưng có trái tim nhạy bén đã tin tưởng vào ngôn
sứ… Những người tội lỗi bỗng nhiên bị chất vấn, đã cảm thấy ánh sáng mà ngay những
kẻ rắc rối khó tính nhất cũng phải nhượng bộ… và họ đã đi theo Người.
Cuộc phiêu lưu vĩ đại
đã khởi đi từ một miền đất bị nguyền rủa. Thế giới mới đã ăn rễ sâu vào vùng đất
nhơ uế nhưng cởi mở đón tiếp mọi bất ngờ của Thánh Thần, của Thiên Chúa… (F.
Delectos, được trích bởi Fiches dominicales, trang 169-170).
Cuộc đời chúng ta đầy
dẫy bóng tối :
– tối tăm về sự thật :
cho dù có nhiều phương tiện truyền thông, Nhưng khó mà biết sự thật.
– tối tăm về tương
giao : ngay cả những người sống cạnh nhau cũng chưa hiểu nhau.
– tối tăm do tội lỗi,
do mù quáng, do cố chấp hẹp hòi…
– tối tăm do hoàn cảnh
bên ngoài nhiều bất công, gian dối, thù hận…
Trong khung cảnh tối
tăm ấy, chúng ta hãy nhớ những lời của Đức Giêsu : “Ta là ánh sáng thế
gian” (Ga 9,12) ; “Hãy tin vào ánh sáng và các ngươi sẽ trở thành con cái
sự sáng” (Ga 12,36).
Nhưng tin vào ánh sáng
là gì ? Là tin vào mặc khải của Đức Giêsu, cũng như 4 môn đệ đầu tiên
trong bài Tin Mừng hôm nay. Họ đã nghe tiếng gọi của Ngài, đã từ bỏ tất cả để
đi theo Ngài. Ngài sẽ giải đáp cho tất cả những băn khoăn thắc mắc của chúng
ta ; Ngài sẽ cho ta biết ý nghĩa cuộc đời ta là gì ; Ngài cho chúng
ta biết chúng ta có một người Cha trên trời hết lòng yêu thương chúng ta ;
Ngài sẽ dạy cho chúng ta biết sống yêu thương như thế nào ; và cuối cùng
Ngài sẽ dẫn chúng ta về nhà Cha trên trời.
Chúa nhựt hôm nay nằm
trong tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các kitô hữu. Các bài đọc trong Thánh
lễ hôm nay cung cấp nhiều chất liệu cho chúng ta suy nghĩ về sự hiệp nhất
này :
– Bài đọc 1 : Đức
Giêsu là ánh sáng bừng lên giữa thế gian. Ngài muốn soi sáng tất cả mọi người,
kể cả các anh em ly khai, những người lạc giáo, những người lương và những người
vô thần…
– Bài đọc 2 : Đức
Giêsu đã chịu chết vì mọi người và cho mọi người. Nếu các kitô hữu chia rẽ nhau
thì chẳng khác gì Đức Giêsu bị chia năm xẻ bảy sao !
– Bài đáp ca :
“Điều tôi tìm kiếm khấng xin, là luôn được ở trong nhà Chúa tôi”. Tại sao những
anh em cùng tin Đức Kitô lại không sống hòa thuận với nhau trong cùng một ngôi
nhà của Chúa ?
– Bài Tin Mừng :
“Hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. Tất cả mọi người, dù là công giáo hay
tin lành, chính thống v.v. đều phải sám hối về những tội lỗi của mình để có thể
được vào Nước Chúa.
a/ Làm phép nhà
Một bà kia mời Linh mục
đến làm phép nhà mình. Bà hướng dẫn Cha đi rảy nước thánh mọi nơi trong
nhà : phòng khách, phòng ngủ, nhà bếp, phòng ăn… Cha thấy chỗ nào cũng sạch
sẽ và ngăn nắp. Cho nên chỗ nào Cha cũng rảy nước thánh, kể cả cầu thang. Ngay
cả hai con mèo đang nằm ngủ trên một bậc thang cũng được Cha rảy nước thánh,
khiến nó giật mình thức dậy kêu meo meo và chạy vội đi nơi khác, và mọi người
hiện diện phải phì cười.
Sau khi làm phép xong
mọi nơi ở nhà trên thì đến hầm kho. Bà chủ nhà chần chừ không muốn dẫn Cha xuống.
Vị Linh mục hỏi :
– Sao thế ?
– Dưới đó dơ lắm.
– Càng dơ thì càng phải
làm phép chứ.
– Nhưng nó lộn xộn lắm.
– Càng lộn xộn càng phải
làm phép.
– Và nó tối tăm lắm.
– Cho nên phải mang
ánh sáng đến cho nó.
Lời bàn : Con người
chúng ta cũng giống như một gian nhà. Những nơi mình muốn che dấu nhất chính là
những nơi tối tăm xấu xa nhất. Nhưng đó cũng là những nơi cần mang ánh sáng tới
nhất.
b/ Mang ánh sáng đến
chỗ tối tăm
Một ngày kia Mẹ Têrêsa
Calcutta đến Melbourne, Australia. Mẹ đi thăm một người nghèo không ai biết đến.
Ông sống trong một căn phòng rất tồi tệ, đồ đạc dơ bẩn ngổn ngang. Phòng không
có cửa sổ mà cũng chẳng có lấy một bóng đèn.
Mẹ Têrêsa bắt tay vào
thu dọn đồ đạc. Ông gắt lên : “Cứ để yên mọi thứ cho tôi”. Nhưng Mẹ cứ tiếp
tục. Sau khi mọi thứ đã ngăn nắp, Mẹ Têrêxa tìm thấy một chiếc đèn trong một
góc phòng. Đèn bám đầy bụi, chứng tỏ lâu lắm rồi không ai đụng đến. Mẹ lau chùi
sạch sẽ rồi hỏi :
– Sao lâu nay ông
không thắp đèn lên ?
– Thắp làm chi. Có ai
đến thăm tôi đâu. Tôi đâu cần thấy mặt ai.
– Thế ông có hứa sẽ thắp
đèn lên khi một nữ tu của tôi đến thăm ông không ?
– Vâng, nếu tôi nghe
có tiếng ai đến thì tôi sẽ thắp đèn lên.
Từ đó, mỗi ngày, hai nữ
tu của Mẹ Têrêxa đều đến thăm ông và giúp đỡ ông. Một hôm ông nói với một trong
hai nữ tu ấy :
– Bây giờ tự tôi đã biết
thu dọn phòng tôi rồi. Nhưng xin làm ơn về nói với nữ tu đầu tiên rằng ngọn đèn
mà Bà đã thắp lên đến nay vẫn sáng.
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu là ánh sáng
trần gian. Ai theo Người sẽ không phải đi trong bòng tối, nhưng sẽ nhận được
ánh sáng đem lại sự sống. Với quyết tâm sống như con cái sự sáng, chúng ta cùng
dâng lời cầu xin.
1.
Đức Kitô đã dùng các
tông đồ làm nền móng xây dựng Hội Thánh / và đã làm cho Hội Thánh lan rộng khắp
hoàn cầu / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các Giám mục / Linh mục / phó tế / biết
chu toàn sứ mạng Chúa trao cho / là nhiệt thành và khôn ngoan lãnh đạo dân
Chúa.
2.
Từ hai ngàn năm nay
/ có biết bao kitô hữu đã nhiệt tình đáp lại lời mời gọi của Đức Kitô / hăng
say rao giảng Tin Mừng cứu độ / xả thân phục vụ những kẻ bần cùng đói rách /
cũng như những người bất hạnh nhất trong xã hội / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho
những anh chị em ấy / luôn giữ được niềm phấn khởi lúc ban đầu.
3.
Chúa Giêsu kêu gọi /
“Anh em phải sám hối vì Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho mọi tín hữu hiểu rằng / sám hối là việc phải làm thường xuyên suốt cả
cuộc đời / nếu muốn được hiệp thông với Thiên Chúa / vì mang lấy thân phận con
cháu Ađam / con người rất dễ phạm tội mà khó làm việc lành.
4.
Thánh Phaolô viết /
“Anh em hãy nhất trí với nhau trong lời ăn tiếng nói / và đừng để có sự chia rẽ
giữa anh em / nhưng hãy sống hòa thuận / một lòng một ý với nhau” / Chúng ta hiệp
lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn cố gắng thực hiện trọn vẹn
lời khuyên tha thiết của Thánh Phaolô tông đồ.
CT : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã gọi chúng con
làm môn đệ Chúa. Xin ban ơn giúp chúng con luôn sống xứng đáng với tình thương
hải hà của Chúa. Chúng con cầu xin…
– Kinh Tiền Tụng :
Nên dùng Kinh Tiền Tụng Chúa nhựt thường niên I, vì có nói tới Giáo Hội, Nước
Trời ở trần gian.
– Trước kinh Lạy
Cha : Chúng ta hãy đọc kinh Lạy Cha trong tâm tình hiệp nhất với Đức
Giêsu và với tất cả những kitô hữu khác cùng một niềm tin vào Ngài.
Anh chị em đã được ánh
sáng Đức Giêsu soi sáng, anh chị em hãy cố gắng sống như con cái sự sáng, và
cùng Đức Giêsu xây dựng Nước Thiên Chúa ở trần gian này.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina:
Chúa Nhật III Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 26 Tháng 1, 2020
Khởi đầu việc
công bố Tin Mừng
và kêu gọi những
môn đệ đầu tiên
Mt 4:12-23
1. Lời
nguyện mở đầu
Trong bóng tối của một
đêm không trăng sao,
một đêm vô nghĩa
Chúa, Ngôi Lời của Sự
Sống,
giống như một tia chớp
trong cơn bão của sự lãng quên,
bước vào bên trong phạm
trù của ngờ vực
dưới sự che chở của
các giới hạn mong manh
để ẩn náu ánh sáng.
Ngôi Lời làm bằng sự
thinh lặng và điều thông thường,
ngôn ngữ nhân gian của
Chúa, sứ giả về những bí mật của Đấng Tối Cao:
giống như những cái
neo thảy vào vùng biển chết
để đi tìm nhân loại một
lần nữa, đang đắm mình trong những âu lo điên rồ của mình,
và chuộc lại họ, kẻ đã
bị tước đoạt,
nhờ vào ánh sáng đẹp
ngời của sự tha thứ.
Lạy Chúa, Đại Dương của
Hòa Bình và bóng mát của sự Vinh Quang vĩnh cửu,
con xin dâng lời cảm tạ:
Vùng biển yên bình
phía bên bờ của con đang chờ đợi một làn gợn sóng, con muốn đi tìm Chúa!
Và nguyện xin tình bằng
hữu anh em bảo vệ con
khi màn đêm buông xuống
trên nỗi ước vọng của con dành cho Chúa. Amen.
2. Bài Đọc
a) Phúc
Âm:
12 Khi ấy, nghe tin Gioan bị nộp, Chúa Giêsu lui về
Galilê. 13 Người rời bỏ thành Nagiarét, đến ở miền
duyên hải thành Capharnaum, ráp ranh đất Giabulon và Náp-ta-li. 14 Để
ứng nghiệm lời đã phán bởi miệng tiên tri Isaia rằng: 15 Hỡi
đất Giabulon và đất Náp-ta-li, đường dọc theo biển, bên kia sông Giođan,
Galilêa của ngoại bang! 16 Dân ngồi trong tối
tăm, đã thấy ánh sáng huy hoàng, ánh sáng đã xuất hiện cho người ngồi trong
bóng tối sự chết. 17Từ bấy giờ, Chúa Giêsu bắt đầu
rao giảng và nói: “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến!” 18Nhân
lúc Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển Galilêa, Người thấy hai anh em là Simon,
cũng gọi là Phêrô, và Anrê, em ông; cả hai đang thả lưới dưới biển, vì hai ông
là ngư phủ. 19 Người bảo hai ông rằng: “Các
ngươi hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư phủ lưới người
ta”. 20 Lập tức hai ông bỏ lưới đó mà theo Người. 21 Đi
xa hơn một đỗi, Người lại thấy hai anh em khác là Giacôbê con ông Giêbêđê, và
Gioan em ông đang vá lưới trong thuyền với cha là Giêbêđê. Người
cũng gọi hai ông. 22 Lập tức hai ông bỏ lưới và cha
mình mà đi theo Người. 23 Và Chúa Giêsu đi rảo quanh
khắp xứ Galilêa, dạy dỗ trong các hội đường của họ, rao giảng Tin Mừng Nước Trời,
chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
b) Giây
phút thinh lặng:
Chúng ta hãy để cho Lời
Chúa vang vọng trong chúng ta.
3. Suy gẫm
a) Một
vài câu hỏi để suy gẫm:
- Chúa
Giêsu định cư nơi miền duyên hải: Con Thiên Chúa định cư bên cạnh loài người. Biển,
thế giới bí ẩn và vô biên này, nó bao la nơi chân trời giống như các tầng trời;
cái nọ phản chiếu trong cái kia, giáp sát nhau, khác biệt, một sự phản ảnh
tương lân của yên tĩnh và hòa bình. Đức Giêsu, đất của Thiên Chúa, đến
sống nơi miền duyên hải và trở thành đất của nhân loại. Chúng ta có
sẽ đi và sống bên cạnh Thiên Chúa như Ngôi Lời đã làm trước khi Người đến với
chúng ta không? Hay là đời sống mong manh của chúng ta trong xác thịt
là đã đủ cho chúng ta rồi?
- Dân
sống trong tối tăm đã thấy ánh sáng huy hoàng: đắm chìm trong tăm tối, nhân loại đã sống đời
mình trong đau thương cam chịu và không hy vọng có bất cứ điều gì thay đổi cho
họ. Một thế giới nơi mà đức tin bị chối từ là một thế giới chìm đắm
trong tối tăm cho đến khi ánh sáng đến đó. Đức Kitô, ánh sáng cho
muôn dân, đã đến thế gian và đã xua tan tối tăm để ánh sáng có thể chiếu
soi. Sự tối tăm trong chúng ta đã bị xua tan chưa?
- Họ
lập tức bỏ lưới và đi theo Người. Lập
tức. Rời bỏ. Đi theo. Những từ ngữ khó khăn cho đời sống
của chúng ta. Để đáp lời Thiên Chúa: xin vâng, một cách
bình thản. Lìa bỏ tất cả mọi việc chúng ta đang làm để đi theo
Chúa: xin vâng, nhưng trước thết chúng ta phải suy nghĩ cho chín chắn. Mọi
chuyện sẽ ra sao nếu chúng ta làm như các thánh Tông Đồ đã làm: lập
tức, bỏ lại mọi thứ, đi theo Người?
b) Chìa
khóa dẫn đến bài đọc:
Thiên Chúa của càn
khôn là Đấng đã tạo dựng ra trời và đất với chỉ bằng Lời phán ra của Người, rời
bỏ nơi Người cư ngụ và xuống thế sống nơi miền duyên hải trong một miền đất lạ,
nói ngôn ngữ của trần thế để cho Nước Trời có thể được biết đến. Con
Thiên Chúa, cũng thế, lớn lên ở thành Nagiarét, rời bỏ quê nhà thời thơ ấu của
Người để đến đất Galilêa của các dân tộc bên kia sông Giođan. Bóng tối
của vô minh thấp thoáng qua hằng thế kỷ bị đâm thủng bởi ánh sáng huy
hoàng. Bóng tối của sự chết nghe thấy những lời mở ra cho con đường
mới và cuộc sống mới: “Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần đến”. Để
thay đổi cuộc hành trình, để đến gần với ánh sáng không phải là điều gì mới lạ
đối với những ai đã quen thuộc với sự hiện diện của Đấng Tối Cao. Bởi
vì con mắt đã quen với sự hiện diện và trái tim loài người dễ dàng quên đi những
bóng tối trong quá khứ khi nó đang vui hưởng sự huy hoàng. Hối cải. Bằng
cách nào? Mối tương quan loài người trở thành con đường mới dọc theo
bờ biển. Có những anh em dọc theo bờ biển, các cặp anh
em: Simon và Anrê, Giacôbê và Gioan. Thiên Chúa không đến
để phá vỡ những mối quan hệ này, nhưng cất nhắc họ lên để các ông làm ngư phủ
trong một cuộc sống mới sáng ngời hơn, trong đời sống của Chúa và biển của Người.
Nhân lúc khi Người
đang đi… đường đi là một bí mật lớn lao của đời sống tinh thần. Chúng
ta không được gọi để đứng yên tại chỗ, mà vì chúng ta cũng phải đi bằng đường
biển, biển thế gian nơi mà con người là cá, bị đắm chìm trong nước cay đắng, mặn
chát và vô nhân đạo. Các ngư phủ lưới người. Người ta
không thể đánh cá mà không có cái lưới yêu thương, không có một người cha để bảo
vệ con thuyền, không có một con thuyền để ra vùng nước sâu. Cái lưới
của mối quan hệ nhân loại là vũ khí duy nhất cho những người đi truyền bá Phúc
Âm, bởi vì với tình yêu chúng ta có thể đi làm một chuyến đánh cá viễn chinh vĩ
đại, và tình yêu không phải chỉ được công bố mà còn phải được mang tới. Để
được gọi đi từng đôi một có nghĩa chính xác là điều này mang đến một tình yêu cụ
thể và trông thấy được; tình yêu của anh em có cùng cha mẹ, tình yêu mà trong
huyết quản có cùng một dòng máu, cùng một sự sống.
Hãy theo Ta… để kêu gọi
những người khác bước đi, lưới cá và làm chứng tá. Cái lưới cá có thể
bị rách, nhưng mỗi ngư phủ thì có khả năng vá lại cái lưới
rách. Tình yêu không phải là một món đồ lặt vặt bị hư hỏng vì việc xử
dụng! Nghệ thuật của sự hòa giải có thể khiến cho mọi mối quan hệ giữa
người ta trở nên quý giá. Điều đáng nói là tin tưởng vào cái tên mới,
luôn luôn và vẫn còn được gọi là SỰ SỐNG.
Những người được mời gọi,
và đi theo Chúa Giêsu. Nhưng Chúa Giêsu đi đâu? Người đi
quanh khắp xứ Galilêa, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước
Trời, chữa lành mọi bệnh hoạn và tật nguyền của dân chúng. Mỗi người
ngư phủ, tông đồ của Nước Trời, sẽ hành động như Chúa Giêsu: sẽ đi
trên những con đường của thế giới và dừng lại nơi phố chợ đông người, sẽ nói về
Tin Mừng của Thiên Chúa và sẽ chăm sóc kẻ bệnh hoạn và tật nguyền, sẽ làm cho sự
quan tâm của Chúa Cha dành cho các con cái Người được hiển thị.
4. Cầu
nguyện (Is 43:1-21)
Đừng sợ, vì Ta đã chuộc
ngươi về,
đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!
Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi,
ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn;
ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì,
ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.
Vì chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi thờ,
là Đức Thánh của Israel, Đấng cứu độ ngươi.
Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá,
vốn được Ta trân trọng và mến thương,
nên Ta đã thí bao người đổi lấy ngươi,
nộp bao dân nước thế mạng ngươi.
Đừng sợ, có Ta ở với ngươi!
Chính các ngươi là nhân chứng của Ta
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, là bề tôi Ta đã tuyển chọn,
để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta.
Chính Ta, chính Ta đây là ĐỨC CHÚA,
ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.
Đây là lời ĐỨC CHÚA,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
"Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
Này, Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!
Ngươi có băng qua nước, Ta sẽ ở cùng ngươi,
ngươi có vượt qua sông, cũng không bị nước cuốn;
ngươi có đi trong lửa, cũng chẳng hề hấn gì,
ngọn lửa không thiêu rụi ngươi đâu.
Vì chính Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa ngươi thờ,
là Đức Thánh của Israel, Đấng cứu độ ngươi.
Vì trước mắt Ta, ngươi thật quý giá,
vốn được Ta trân trọng và mến thương,
nên Ta đã thí bao người đổi lấy ngươi,
nộp bao dân nước thế mạng ngươi.
Đừng sợ, có Ta ở với ngươi!
Chính các ngươi là nhân chứng của Ta
- sấm ngôn của ĐỨC CHÚA -, là bề tôi Ta đã tuyển chọn,
để các ngươi nhận biết và tin Ta, và hiểu rõ Ta vẫn là Ta.
Chính Ta, chính Ta đây là ĐỨC CHÚA,
ngoài Ta ra, chẳng có ai cứu độ.
Đây là lời ĐỨC CHÚA,
Đấng đã vạch một con đường giữa đại dương,
một lối đi giữa sóng nước oai hùng,
"Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa,
chớ quan tâm về những việc thuở trước.
Này, Ta sắp làm một việc mới,
việc đó manh nha rồi, các ngươi không nhận thấy hay sao?
Phải, Ta sẽ mở một con đường giữa sa mạc,
khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn.
Ta đã gầy dựng cho Ta dân này, chúng sẽ lên tiếng ngợi khen Ta.
5. Chiêm
Niệm
Các vùng nước biển bao
phủ trái đất, lạy Chúa, xin hãy nói với con về những dòng chảy của sự sống của
Chúa. Khi bầu trời và biển cả hòa quyện ở chân trời, có vẻ như là
con đang nhìn thấy tất cả những gì Chúa đang chất nạp lại vào trong con người
chúng con. Một dòng chảy là một làn sóng nhẹ nhàng của sự hiện hữu
và một câu chuyện tình yêu không thể kể xiết, tạo thành bởi các tên, các sự kiện,
tuổi tác, bí mật, những cảm xúc êm đềm và các khó khăn không lường trước, một
câu chuyện được tạo ra từ những thời gian rực rỡ cũng như lúc u ám, từ những
nhiệt tình và sự bình tĩnh uể oải. Biển loài người này đã được xâm
chiếm bởi sự hòa bình của Chúa, chứa đựng những lời không bao giờ dứt, những lời
của Ngôi Lời Chúa, Đấng thật lòng muốn gánh vác chiếc áo cát của thời
gian. Bao nhiêu lời trên bờ và dưới lòng biển đã âm thầm thu nhặt, nếu
chỉ có con được lắng nghe, những Lời của Chúa đã làm thành những con sóng của sự
sống dạt vào bờ và là những hải đồ cho các nhà hàng hải, những lời từ cổ chí
kim, những lời không bao giờ bị quên lãng và những lời được gói ghém trong bí ẩn. Lạy
Chúa, nguyện xin cho những con sóng của nhân thế sẽ không cuốn hút con đi,
nhưng xin hãy cho chúng trở thành những con đường hiệp thông với con thuyền
mong manh của cuộc hành trình đời con. Nguyện xin cho con có thể học
hỏi được từ Chúa để biết nhổ neo con thuyền đi vào trong vùng biển sâu để đi lưới
cá trong những đêm tối của câu chuyện loài người, khi mà những con cá có thể được
lưới dễ dàng hơn. Vâng theo Lời Người, lạy Chúa của con, con sẽ thả
lưới, và khi con đem thuyền trở về bờ, con sẽ tiếp tục đi theo những bước chân
của Chúa đã để lại trên bờ lịch sử, khi Chúa đã chọn để mặc cho mình với những
quần áo lấm đầy bùn nhơ của chúng con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét