Đức Thánh Cha : Xã hội văn minh
chống lại "nền văn hóa loại bỏ"
Đức Thánh Cha đề cao một xã hội “văn minh” khi chống lại nền
văn hóa loại bỏ, khi nhận ra giá trị thánh thiêng của sự sống con người. Ngài
khuyến khích quan tâm, chăm sóc những người đau bệnh ở giai đoạn nguy hiểm và
cuối đời.
Hồng Thủy - Vatican
Trưa ngày 30/01 Đức Thánh Cha đã tiếp các tham dự viên Đại hội
toàn thể của Bộ Giáo lý Đức tin về chủ đề “chăm sóc cho các bệnh nhân ở giai đoạn
hiểm nghèo và cuối đời”.
Tính năng động của giáo lý Kitô giáo
Trong bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng giáo lý
Kitô giáo không phải là một hệ thống cứng nhắc và khép kín, nhưng cũng không
thay đổi theo mùa; “nó là một thực tại năng động và trong khi trung thành với nền
tảng của mình, nó canh tân từ thế hệ này qua thế hệ khác và được tóm gọn trong
một khuôn mặt, trong một thân thể và trong một tên gọi: Chúa Giêsu Kitô Phục
Sinh.” Từ đó, ngài nhắc rằng việc chuyển trao đức tin đòi phải quan tâm đến đối
tượng đón nhận đức tin. Dưới ánh sáng này, việc suy tư về đề tài trên rất có ý
nghĩa.
Xã hội là “văn minh” khi nhận ra giá trị thánh thiêng của
sự sống con người
Tiếp đến, Đức Thánh Cha nhận xét rằng bối cảnh văn hóa xã hội
đang làm tiêu mòn đi nhận thức về sự quý giá của sự sống con người, và giá trị
sự sống được đánh giá trên tiêu chuẩn hiệu quả và tính hữu dụng, đến mức xem rằng
những cuộc sống không đáp ứng các tiêu chuẩn này bị xem là “cuộc sống bị bỏ đi”
hay “cuộc sống không xứng đáng”. Nhưng một xã hội được gọi là “văn minh”, “nếu
nó phát triển kháng thể chống lại văn hóa loại bỏ; nếu nó nhận ra giá trị thánh
thiêng của sự sống con người; nếu sự liên đới được thực hành tích cực và được bảo
vệ như là nền tảng của sự cùng chung sống.”
Cần có lòng trắc ẩn
Đề cao gương mẫu của người Samaria tốt lành, Đức Thánh Cha
nhắc rằng cần phải hoán cải con tim, cần có lòng trắc ẩn. Không có lòng trắc ẩn,
người ta nhìn nhưng không quan tâm đến những gì mình thấy và rồi bỏ đi; ngược lại,
những người có trái tim nhân hậu thì được đánh động và can thiệp, dừng lại và
chăm sóc.
Không bỏ rơi bất cứ bệnh nhân nan y nào
Cần có một tương quan thật sự với bệnh nhân, xem họ là duy
nhất và toàn vẹn và không bao giờ được bỏ rơi bất cứ ai bị bệnh nan y không chữa
trị được. Sự sống con người, với đích đến vĩnh cửu, có tất cả giá trị và phẩm
giá trong mọi điều kiện, bao gồm cả sự bấp bênh và mong manh, và vì thế luôn
đáng được quan tâm tối đa.” Đức Thánh Cha đề cao Mẹ Têrêsa Calcuta, người đã sống
sự gần gũi và chia sẻ với các bệnh nhân khi nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của
họ cho đến cuối cùng. Mẹ nói: “Một người mà trong cuộc đời chỉ thắp một ngọn đuốc
trong giờ phút đen tối của ai đó thôi thì không sống vô nghĩa.”
“Liệu pháp của phẩm giá”
Cuối cùng, Đức Thánh Cha đề cao các trung tâm chăm sóc giảm
đau, nơi những người bệnh cuối đời được đồng hành với sự trợ giúp y tế, tâm lý
và tinh thần tốt. Ngài hy vọng những trung tâm này tiếp tục là nơi thực hành
cách dấn thân việc “liệu pháp của phẩm giá”, bằng cách nuôi dưỡng tình yêu và sự
tôn trọng sự sống. (REI 30/01/2020)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét