30/01/2020
Thứ Năm tuần 3 thường
niên
Bài Ðọc I: (năm II) 2 Sm
7, 18-19. 24-29
"Lạy Chúa là Thiên Chúa,
tôi là ai và gia đình tôi là chi?"
Trích sách Samuel quyển thứ hai.
Sau khi Nathan nói với Ðavít
xong, vua Ðavít đến ngồi trước Thiên Chúa mà nói rằng: "Lạy Chúa là Thiên
Chúa, con là ai và gia đình con là chi mà Chúa dẫn con đến đây? Nhưng lạy Chúa
là Thiên Chúa, như thế Chúa còn cho là ít, nên Chúa còn nói đến nhà tôi tớ Chúa
trong tương lai lâu dài, vì lạy Chúa, đó là thường tình của loài người.
"Chúa đã thiết lập dân
Israel làm dân Chúa đến muôn đời, và lạy Chúa, chính Chúa trở thành Thiên Chúa
của họ. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên Chúa, xin hãy thực hiện mãi mãi lời Chúa
đã nói về tôi tớ và về nhà của nó, và hãy làm như Chúa đã phán, để danh Chúa được
ca khen đến muôn đời, và được truyền tụng rằng: 'Chúa các đạo binh là Thiên
Chúa của Israel'. Xin cho nhà tôi tớ Chúa được vững chắc trước nhan thánh Chúa.
Lạy Chúa các đạo binh, Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã mạc khải cho tôi tớ
Chúa biết những lời này: 'Ta sẽ xây dựng cho ngươi một ngôi nhà', vì thế, tôi tớ
Chúa vững tâm thốt lên lời khẩn nguyện trên đây. Vậy giờ đây, lạy Chúa là Thiên
Chúa, và lời Chúa thì chân thật, vì Chúa đã tỏ ra cho tôi tớ Chúa những điều hạnh
phúc ấy. Giờ đây, xin hãy khởi sự chúc phúc cho nhà tôi tớ Chúa, để nhà tôi tớ
Chúa tồn tại trước mặt Chúa đến muôn đời, vì lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa đã
phán và xin giáng phúc cho nhà tôi tớ Chúa đến muôn đời".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 131, 1-2. 3-5. 11. 12.
13-14
Ðáp: Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ
Người (Lc 1, 32a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, để thương
Ðavít, xin Chúa nhớ đến mọi nỗi ưu tư của người: người đã thề như thế nào với
Chúa, người đã khấn hứa cùng Ðấng toàn năng nhà Giacóp rằng: - Ðáp.
2) "Tôi sẽ không vào lều trại
nhà tôi, tôi sẽ không bước lên giường nằm, tôi sẽ không nhắm mắt ngủ, không để
cho mi mắt tôi được nghỉ an, cho tới khi tôi gặp được nơi ngự điện cho Chúa, gặp
được cung lâu cho Ðấng Toàn năng nhà Giacóp". - Ðáp.
3) Chúa đã thề hứa cùng Ðavít một
lời hứa quả quyết mà Người sẽ chẳng rút lời, rằng: "Ta sẽ đặt lên ngai báu
của ngươi một người con cháu thuộc dòng giống của ngươi". - Ðáp.
4) "Nếu các con ngươi tuân
giữ điều ước của Ta và những luật lệ mà Ta ban ra dạy chúng, thì cả con cháu
chúng cũng được muôn đời ngồi cai trị trên ngai báu của ngươi". - Ðáp.
5) Bởi chưng Chúa đã kén chọn
Sion, đã thích lựa Sion làm nơi cư ngụ cho mình. Ngài phán: "Ðây là nơi
nghỉ ngơi của Ta tới muôn đời, Ta sẽ cư ngụ nơi đây, vì Ta ưa thích". -
Ðáp.
Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa,
xin dạy bảo con về lối bước của Chúa, và xin hướng dẫn con trong chân lý của
Ngài. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 4, 21-25
"Ðèn đốt lên là để đặt trên
giá đèn. Các ngươi đong đấu nào, thì người ta sẽ đong đấu ấy cho các
ngươi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo
Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân
chúng rằng: "Có ai đem đèn sáng đặt trong thùng hay dưới gầm giường chăng?
Chẳng phải là để đặt trên giá đèn sao? Vì chẳng có gì giấu kín mà chẳng tố lộ
ra và chẳng có gì kín đáo mà không bị đưa ra ánh sáng. Ai có tai để nghe, thì
hãy nghe". Và Người bảo họ rằng: "Hãy coi chừng điều các ngươi nghe
thấy. Các ngươi đong bằng đấu nào, thì người ta sẽ đong lại cho các ngươi bằng
đấu ấy, và người ta còn thêm nữa. Vì ai có, sẽ được cho thêm; và ai không có, cả
cái đang có cũng bị lấy mất".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ðong đấu nào
Thi hào Tagore có kể câu truyện
ngụ ngôn như sau: Có một người hành khất nọ ngồi bên vệ đường. Hôm ấy, đức vua
ngự giá đi ngang qua. Người hành khất cố lê lết đến cổng làng, ngồi đó và nhủ
thầm: "Ðây là dịp may hiếm có, tôi sẽ xin đức vua bố thí cho tôi".
Từ xa, khi thấy xe đức vua, người
hành khất đã vẫy tay chào. Nhưng không ai ngờ, khi xe dừng lại, vua chẳng cho
gì mà còn giơ tay xin người hành khất bố thí. Người hành khất liền đưa tay vào
cái bị, lấy ra một nắm thóc và đặt vào bàn tay vua một hạt thóc. Ðức vua cám
ơn, rồi tặng lại một món quà nhỏ bỏ vào cái bị ấy.
Khi về đến nhà, người hành khất
mở bị ra, thì thấy giữa những hạt thóc một hạt kim cương sáng ngời. Lúc đó, người
hành khất mới hối tiếc: "Phải chi ta cho đức vua cả bị thóc này, thì ta đã
được cả một bị kim cương".
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa
Giêsu nói với các môn đệ: "Các con đong đấu nào thì Thiên Chúa cũng sẽ
đong cho các con đấu ấy, và còn cho các con hơn nữa". Nói khác đi, chỉ có
một đấu duy nhất, là nếu chúng ta làm điều gì đó cho người anh em, thì chính đấu
ấy sẽ đong lại cho chúng ta. Có một tội mà ít ai tránh khỏi, đó là tội ích kỷ.
Vì ích kỷ là chỉ muốn thu vén điều tốt cho mình, còn dành điều xấu cho người
khác, do đó chẳng quan tâm gì đến những bất hạnh của người khác.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp
chúng ta suy xét và điều chỉnh lại cuộc sống trong tương quan với tha nhân, với
ý thức rằng những gì chúng ta làm cho người anh em, là làm cho chính Chúa, và rằng
Chúa sẽ đối xử với chúng ta theo cung cách chúng ta đối xử với người khác.
Veritas
Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 3 TN
Bài đọc: Heb 10:19-25; 2 Sam 7:18-19, 24-29; Mk 4:21-25.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu là trung gian giữa Thiên Chúa và con người.
Làm sao con người có thể tiến gần tới Thiên Chúa? Phải chăng bằng kiến thức
bí mật? Phải chăng bằng máu chiên bò? Phải chăng qua Đức Kitô, Người Con của
Thiên Chúa?
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh Chúa Giêsu, Người là trung gian giữa Thiên
Chúa và con người. Trong Bài Đọc I, năm lẻ, tác-giả Thư Do-thái so sánh Bức Màn
trong Đền Thờ, ngăn cản giữa con người với Thiên Chúa, với Bức Màn mới, là
chính thân thể của Đức Kitô. Ngài đã xé tan bức màn trong Đền Thờ để con người
có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi thời. Trong Bài Đọc I, năm
chẵn, lời hứa của Thiên Chúa sẽ xây dựng một dòng dõi tồn tại muôn đời cho vua
David được thực hiện khi Chúa Giêsu xuống trần. Ngài sinh ra trong dòng dõi
David và Ngài sẽ làm vua cai trị dân Chúa đến muôn đời. Trong Phúc Âm, Thánh
Marcô dẫn chứng một số những câu nói của Chúa Giêsu về ánh sáng, về sự thật, về
sự liên hệ giữa việc cho đi và nhận lại, và về sự cần thiết phải luôn cố gắng
trau dồi thêm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I (năm lẻ): Chúa Giêsu đã mở toang bức
màn ngăn cản giữa con người và Thiên Chúa.
1.1/ Bức màn ngăn cản giữa Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh trong Đền Thờ: Để
hiểu ý tác-giả, chúng ta cần phải trở về với cấu trúc trong Đền Thờ của Cựu-Ước.
Để phân biệt Nơi Thánh và Nơi Cực Thánh, một “bức màn” che kín từ trên xuống dưới
được dựng nên, để ngăn cách con người khỏi sự hiện diện của Thiên Chúa. Chỉ có
thầy Thượng Tế mới được vượt qua bức màn này để dâng của lễ đền tội mỗi năm một
lần mà thôi.
Khi Chúa Giêsu trút hơi thở trên Thánh Giá, các tác giả của Tin Mừng Nhất
Lãm đều tường thuật sự kiện “bức màn này trong Đền Thờ bị xé ra làm đôi từ trên
xuống dưới” (Mt 27:51, Mk 15:38, Lk. 23:45).
1.2/ Ý nghĩa của biến cố này: Tác giả Thư Do-thái chú giải: “Vậy, thưa
anh em, nhờ máu Đức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh.
Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính
thân xác của Người.”
Nhờ Chúa Giêsu, từ nay con người có thể đến trực tiếp với Thiên Chúa và bất
cứ lúc nào; chứ không phải đợi cho đến Ngày Xá Tội (Yom Kippur) xảy ra mội năm
một lần, khi thầy Thượng Tế vào cung thánh để dâng lễ đền tội cho mình và cho
dân chúng.
Nhờ Chúa Giêsu, con người thấu hiểu tình thương Thiên Chúa đã lấy chính
máu mình để rửa sạch mọi tội của nhân loại; để rồi con người cũng biết hiệp
thông với Thiên Chúa, hy sinh đời mình cho tha nhân.
2/ Bài đọc I (năm chẵn): Nhà của tôi tớ Ngài là David sẽ vững
bền trước nhan Ngài.
2.1/
David suy nghĩ về những lời hứa của Thiên Chúa: Trình thuật kể: "Vua David vào ngồi chầu trước
nhan Đức Chúa và thưa: "Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con là ai và nhà của
con là gì, mà Ngài đã đưa con tới địa vị này? Nhưng lạy Đức Chúa là Chúa Thượng,
Ngài còn coi đó là quá ít; Ngài lại hứa cho nhà của tôi tớ Ngài một tương lai
lâu dài. Phải chăng đó là định mệnh (luật chung, bản dịch
NPVGK) cho con người, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng?"
Bản dịch của RSV không đúng với bản LXT và MT, họ dịch: "Ngài đã hứa
hẹn cho nhà tôi tớ Ngài một tương lai huy hoàng sắp tới, và đã cho con nhìn thấy
các thế hệ tương lai." (Thou hast spoken also of thy servant's house for a
great while to come, and hast shown me future generations).
Điều vua David đang suy nghĩ ở đây là con người được Thiên Chúa hứa ban
cho một tương lai lâu dài mãi mãi; chứ không phải chỉ chấm dứt sau khi chết.
Truyền thống Do-thái không có quan niệm rõ ràng về cuộc sống đời sau và muôn đời
(7:16) như chúng ta có bây giờ. Họ hiểu hạnh phúc của những người được Thiên
Chúa chúc phúc là cuộc sống lâu dài đời này; nhưng một khi đã chết là hết.
2.2/
David cầu xin cho những lời hứa của Thiên Chúa được ứng nghiệm: Nội dung của đoạn văn 24-29 chứng
minh những gì chúng ta phân tích bên trên. Chữ "mãi mãi" được tác giả
lặp lại 5 lần trong các câu 24, 25, 26, và 29. Ngay cả nội dung của câu 27 và
28 cũng hàm chứa lời hứa "mãi mãi" của Thiên Chúa.
24 Ngài
đã lập Israel, dân Ngài, để nó thành dân Ngài mãi mãi; còn Ngài, lạy
Đức Chúa, Ngài đã trở thành Thiên Chúa của chúng. 25 Giờ
đây, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa, lời Ngài đã phán về tôi tớ Ngài và nhà của nó,
xin Ngài giữ mãi mãi, và xin hành động như Ngài đã phán. 26 Danh
Ngài sẽ vĩ đại mãi mãi và người ta sẽ nói: "Đức Chúa các
đạo binh là Thiên Chúa thống trị Israel. Nhà của tôi tớ Ngài là David sẽ vững bền
trước nhan Ngài. 27 Thật vậy, lạy Đức Chúa các đạo binh,
Thiên Chúa của Israel, chính Ngài đã mặc khải cho tôi tớ Ngài rằng: Ta sẽ xây
cho ngươi một nhà. Vì thế tôi tớ Ngài đủ can đảm dâng lên Ngài lời cầu nguyện ấy.
28 Giờ
đây, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài là Thiên Chúa, những lời Ngài phán
là chân lý, và Ngài đã hứa ban cho tôi tớ Ngài điều tốt đẹp ấy. 29 Vậy
giờ đây, cúi xin Ngài giáng phúc cho nhà của tôi tớ Ngài, để nhà ấy được tồn tại mãi
mãi trước nhan Ngài. Bởi vì, lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, chính Ngài
đã phán, và nhờ Ngài giáng phúc mà nhà của tôi tớ Ngài sẽ được chúc lành mãi
mãi."
Lời hứa này bị đe dọa trầm trọng khi các vua của Israel và Judah bị triệt
hạ và phải lưu đày sang Assyria và Babylon, vì đã bất tuân lời Thiên Chúa phán
qua miệng các ngôn sứ. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn trung thành với lời hứa, và
cho dân Israel hồi hương để xây dựng lại quê hương và Đền Thờ; cho đến ngày Đức
Kitô nhập thể làm người.
3/ Phúc Âm: Những thực tại trần gian và trên
trời.
Trong Tin Mừng hôm nay, Marcô tường thuật một lúc những câu dạy dỗ của
Chúa Giêsu ở nhiều biến cố khác nhau. Một người có thể nhận ra điều này khi đối
chiếu với Tin Mừng của Matthew. Vì thế, chúng ta sẽ phân tích từng câu một; vì
mỗi câu tự nó đã đầy đủ ý nghĩa; sau đó chúng ta sẽ tìm xem nếu các câu có liên
hệ với nhau.
3.1/
Mục đích của đèn là để soi sáng: Chúa Giêsu nói: "Chẳng lẽ đèn được mang tới để bị đặt dưới cái thùng
hay dưới gầm giường? Nào chẳng phải là để được đặt trên trụ đèn sao?” Ai ai
cũng đều hiểu công dụng của đèn là để soi sáng cho mọi người; vì thế, cần phải
đặt trên trụ cao để soi sáng một diện tích lớn chung quanh. Đèn để dưới sàn chỉ
có thể soi sáng một diện tích nhỏ. Lấy thùng úp vào đèn hay đặt dưới gầm giường
là làm mất công dụng của đèn.
Sự Thật được ví như đèn; mục đích của sự thật là để hướng dẫn đời sống
con người. Vì thế, con người cần phải học, nói, và sống theo sự thật. Con người
không được che đậy hay ẩn giấu sự thật, cho dẫu “sự thật mất lòng.” Sống theo sự
thật có thể làm một người bị chê bai, ghét bỏ, thiệt hại, ngay cả mất mạng sống;
nhưng chỉ có sự thật mới thực sự giải thóat con người. Các thánh tử đạo là những
ví dụ của những người dám sống theo sự thật.
3.2/
Sự Thật không thể bị che giấu: “Vì chẳng có gì che giấu mà không phải tỏ bày, chẳng có gì bí ẩn mà không
phải đưa ra ánh sáng. Ai có tai nghe thì nghe!" Con người có thể làm ngơ,
từ chối, đàn áp, hay tiêu diệt sự thật; nhưng sau cùng, họ cũng phải đương đầu
với sự thật: không ở đời này cũng ở đời sau. Ví dụ: Giáo Hội, trong quá khứ, đã
từ chối không chấp nhận nguyên lý “trái đất xoay chung quanh mặt trời” của
Copernicus và Galileo (thế kỷ 16 và 17); nhưng sau cùng Giáo Hội cũng phải chấp
nhận sự kiện khoa học này. Vì thế, con người phải rất cẩn thận khi sống ngược với
sự thật, vì phải lãnh mọi hậu quả của nó. Sức mạnh có thể làm cho người ta sợ;
nhưng không thể nào bưng bít sự thật. Hơn nữa, cho dẫu con người có thể giấu sự
thật khỏi tất cả mọi người, nhưng họ không thể giấu khỏi Thiên Chúa, Đấng nhìn
xem và thấu suốt mọi bí ẩn trong lòng.
3.3/
Cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại bấy nhiêu: Chúa Giêsu dạy: "Anh em đong đấu nào, thì Thiên
Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” Điều này phải
trở thành nguyên tắc làm việc cho con người: hậu quả hay phần thưởng có được
tùy thuộc vào cố gắng hay nỗ lực một người bỏ ra. Nếu một người chuẩn bị và cố
gắng nhiều, họ sẽ thu thập nhiều; và nếu một người chuẩn bị và cố gắng ít, họ sẽ
thu thập ít.
Ví dụ, trong lãnh vực học hỏi, nếu một người chịu bỏ thời gian nghiên cứu
học hỏi, người đó sẽ càng ngày càng có kiến thức rộng rãi về lãnh vực chuyên
môn người đó theo đuổi. Tương tự trong lãnh vực thờ phượng, nếu một giáo dân chịu
khó chuẩn bị đọc các bài đọc ngay từ lúc còn ở nhà, họ sẽ dễ dàng hiểu và thâu
thập được nhiều hơn khi vị linh mục chia sẻ Tin Mừng. Điều này càng đúng trong
lãnh vực phục vụ, nếu vị chủ chiên chịu bỏ thời giờ để dạy dỗ và huấn luyện
đoàn chiên, giáo dân sẽ hiểu biết và hăng say tích cực trong việc giữ đạo hơn.
Ngược lại, nếu con người không chịu bỏ thời gian chuẩn bị, và cố gắng; làm sao
con người có thể đòi kết quả như mình mong ước được?
3.4/
Phải biết dùng thời gian, tài năng, và của cải Chúa ban: “Ai đã có, thì được cho thêm;
còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy mất.” Đây cũng là một
nguyên lý sống cho con người: phải năng dùng tài năng mình đang có, sẽ càng
ngày càng tinh luyện hơn; nếu không, sẽ mất dần những tài năng mình có. Ví dụ,
việc học ngọai ngữ: Nếu một người tiếp tục học hỏi và áp dụng những gì học ở
trường, người đó sẽ dần dần thông thạo về ngọai ngữ đó; nhưng nếu người đó
không chịu tiếp tục học hỏi, vốn liếng đã thâu nhận ở trường cũng từ từ mất đi.
Tương tự với món quà vô giá là đức tin: Nếu một tín hữu chịu khó đào sâu và tìm
cơ hội để sống đức tin, người đó sẽ sở hữu một đức tin vững chắc, không gì có
thể lay chuyển được; nhưng nếu người đó không chịu đào sâu và tìm dịp sống đức
tin, người đó sẽ có ngày mất niềm tin đã được trao ban.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúa Kitô là Vị Trung Gian đem Thiên Chúa đến cho con người, và đem con
người về cho Thiên Chúa.
- Chúng ta phải là những ngọn đèn soi cho thế gian bằng cuộc sống thực
theo Tin Mừng, để soi sáng cho mọi người nhìn thấy và tin tưởng vào Chúa.
- Những gì chúng ta sẽ nhận lãnh tùy thuộc vào những gì chúng ta cho đi.
Thiên Chúa và tha nhân sẽ bù đắp lại tất cả những gì chúng ta đã hy sinh cho
đi, và còn hơn thế nữa. Nếu chúng ta chỉ ích kỷ giữ lại cho mình, chúng ta sẽ mất
dần những gì chúng ta đang sở hữu.
Lm. Anthony ĐINH MINH
TIÊN, OP.
30/01/2020
THỨ NĂM TUẦN 3 TN
Mc 4,21-25
Mc 4,21-25
LÀ ÁNH SÁNG CHO ĐỜI
“Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?
Nào chẳng phải là để đặt trên đế sao?” (Mc 4,21)
Suy niệm: “Có hai cách tỏa sáng; là ngọn đèn hay là gương phản
chiếu ngọn đèn ấy” (Nhà văn E. Wharton). Ngọn đèn ở đây là chính Đức Giê-su, nguồn ánh
sáng của nhân loại, không thể bị che dấu, nhưng phải được các Ki-tô hữu giới
thiệu, rao truyền cho những người lân cận. Đức Giê-su đã cống hiến cho nhân loại
một mẫu người lý tưởng sống mối tương quan với Chúa, với tha nhân, và với chính
mình qua đời sống và lời rao giảng của Ngài. Rồi tựa như đèn được đặt trên đế
cao, ta cũng không được đem Lời Ngài, sứ điệp Tin Mừng của Ngài đi chôn giấu,
nhưng phải truyền bá cho mọi người biết, vui hưởng, và sống Tin Mừng hay Lời Hằng
sống ấy. Tin Mừng của Ngài đem lại ý nghĩa cho cuộc sống con người; Lời Ngài
soi sáng cho lối ứng xử mẫu mực của ta với Chúa và với nhau.
Mời Bạn: “Ngọn nến nhỏ tỏa ra ánh sáng xa biết bao! Cũng vậy, một việc tốt
soi sáng cả một thế giới buồn chán” (Thi hào W. Shakespeare). Chúa Ki-tô
cũng gọi bạn là ánh sáng, muối men cho đời. Bạn là tấm gương phản chiếu ánh
sáng Chúa Ki-tô cho người lân cận qua các nghĩa cử bác ái, hy sinh quên mình,
quảng đại chia sẻ, đỡ nâng người khác.
Sống Lời Chúa: Tôi không giữ Chúa Ki-tô cho riêng mình, nhưng phải nói về Ngài, giới
thiệu Tin Mừng vui tươi của Ngài cho người trong chính gia đình, gia tộc, bạn hữu,
láng giềng của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tuyên xưng Chúa là ánh sáng cho thế gian lắm
bóng đêm này. Con cũng cảm tạ Chúa tin tưởng giao cho con nhiệm vụ là ánh sáng
cho trần gian. Xin giúp con làm trọn nhiệm vụ này. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Suy Niệm : Đặt trên
đế
Bài Tin Mừng hôm nay gồm bốn câu có vẻ rời rạc
được Đức Giêsu nói trong những dịp khác nhau.
Thánh Máccô chia bốn câu này thành hai cặp (cc. 21-22 và 24b-25).
Trong mỗi cặp, câu thứ hai được nối với câu thứ nhất bằng chữ “vì”.
Đức Giêsu nhấn mạnh tầm quan trọng của bốn câu nói trên
qua việc Ngài nhắc nhở ta phải nghe một cách nghiêm túc (cc. 23. 24a).
Thầy Giêsu vẫn quen giảng khởi đi từ những chuyện hàng ngày.
Thời xưa, khi chưa có điện, ngọn đèn dầu đem lại ánh sáng cho cả căn nhà.
Bởi vậy không thể nào hiểu được chuyện ai đó thắp đèn lên,
rồi lại đặt nó dưới cái thùng hay gầm giường.
Cứ sự thường phải đặt nó trên đế để soi sáng mọi sự.
Ngọn đèn mà Thầy Giêsu nói ở đây có thể ám chỉ Tin Mừng của Ngài,
và cũng có thể ám chỉ chính Con Người của Ngài.
Tin Mừng ấy không được phép đem giấu đi,
nhưng phải được quảng bá và rao giảng.
Con Người Đức Giêsu không được che kín sau bức màn,
nhưng phải được từ từ vén mở cho mọi người thấy.
Trong sách Tin Mừng theo thánh Máccô,
Đức Giêsu cấm các môn đệ không được nói với ai Ngài là Đức Kitô (8, 30),
vì chữ “Kitô” khiến người ta lầm tưởng Ngài sẽ đứng lên làm cách mạng.
Nhưng vào cuối đời, khi tay không đứng trước vị thượng tế (14, 61-62),
Đức Giêsu đã nhìn nhận tước vị này, vì nó không còn có thể bị hiểu lầm nữa.
Như thế, những gì được tạm thời che giấu, cuối cùng đã được tỏ lộ,
những gì bí ẩn đã được đưa ra ánh sáng (c. 22).
Đức Giêsu là Kitô, nhưng là một Kitô chịu đau khổ như Người Tôi Tớ (Is
53).
Cuộc đời người Kitô hữu, người đã lãnh nhận phép thanh tẩy,
cũng giống như ngọn đèn đã thắp sáng đặt trên đế.
Không được vì bất cứ lý do gì mà che giấu đi :
vì khiêm tốn không muốn cho ai thấy ánh sáng của mình,
hay vì không dám đương đầu với sức mạnh của bóng tối.
Thế giới hôm nay cần những ngọn đèn Kitô hữu.
Hai tỷ Kitô hữu làm nên hai tỷ ngọn đèn.
Ánh sáng bừng lên xua tan bóng tối của dối trá, hận thù, sa đọa.
Ánh sáng đem lại sự ấm áp của cảm thông, an bình và nâng đỡ.
Khi cảm nhận được ánh sáng, người ta sẽ nhận ra được Kitô hữu là ai.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An của Chúa. (Helder Câmara)
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
30 THÁNG GIÊNG
Kỹ Thuật: Đồng Minh
Hay Kẻ Thù?
Kỹ thuật và những máy móc tinh xảo là những sản phẩm và là công cụ của
lao động con người. Chủ thể thật sự của lao động vẫn là chính con người. Không
bao giờ một công cụ lại có thể được nâng lên hàng chủ thể. Nó không thể được đặt
trên người lao động hay người sử dụng nó – bởi vì nếu làm thế, trật tự của thực
tại đã bị đảo lộn. Đó sẽ là điều không may. Phương tiện và cứu cánh của lao động
đã bị xáo trộn!
Kinh nghiệm hiện đại cho thấy rằng sự áp dụng kỹ thuật – một khi không được
hướng dẫn và được soi sáng bởi một trật tự đạo đức cao hơn – có thể trở thành một
kẻ thù thay vì là một đồng minh của con người. Một ví dụ của điều này đó là khi
sự tự động hóa trong công nghiệp hất cẳng con người, tước đi chỗ làm của nhiều
người lao động. Một ví dụ khác: những trường hợp máy móc được đề cao và con người
bị hạ xuống chỉ còn là một cái gì đó phục vụ cho máy móc (Laborem exercens 5).
Chúng ta được mời gọi làm chủ trái đất và làm chủ những sự thay đổi – chứ
không phải phó mặc cho nó thống trị mình. Chỉ có thể làm chủ được như vậy nếu
chúng ta vượt qua được sự đứt đoạn giữa đạo đức và kinh tế – chính sự đứt đoạn
này đã làm cho những thành tựu ngoạn mục của thời hiện đại không thể phục vụ
hoàn toàn cho thiện ích của con người.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 30/01
2Sm 7, 18-19.
24-29; Mc 4, 21-25.
Lời Suy Niệm: Người nói với
các ông: “Chăng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường? nào
chẳng phải là để đặt trên đế sao?... “Hãy để ý tới điều anh em nghe.”
Sau khi Chúa Giêsu dùng
“dụ ngôn người gieo giống” và Người “cắt nghĩa dụ ngôn người gieo giống”, cho
các môn đệ của Người. Người lại tiếp nối nói thêm “dụ ngôn cái đèn và đấu
đong”. Hạt giống gặp được đất tốt thì sinh nhiều bông hạt. Cũng vậy đối với Lời
của Người, khi con người đã nghe. Có nhận ra đó là ánh sáng cho cuộc đời của
mình hay không? Có biết giương cao để soi rọi cho mình và cho những người chung
quanh? Hay là để dưới gầm giường. Lời Chúa Giêsu đang nói với tất cả chúng ta:
“Hãy để ý điều anh em nghe”. Mỗi người trong chúng ta cần phải suy xét mình về
cách đón nhận Lời Chúa. Tùy vào cách đón nhận của mỗi người. Thiên Chúa sẽ ban
thêm dư đầy hay sẽ bị Ngài lấy đi.
Lạy Chúa Giêsu. Lời
Chúa là ánh sáng soi đường con đi. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng
con luôn đón nhận và suy niệm Lời Chúa, để trong cuộc sống của chúng con được
Chúa yêu thương nhiều hơn.
Mạnh Phương
30 Tháng Giêng
Tình Yêu Là Sức Mạnh Vạn Năng
Ngày 30 Tháng Giêng
cách đây đúng 40 năm, Mahatma Gandhi, người cha già của dân tộc Aán Ðộ đã vĩnh
viễn ngã gục sau mấy nhát gươm của một thanh niên Aán Giáo quá khích.
Hôm đó, như thường
lệ, Gandhi được hai người cháu dìu đi cầu nguyện. Cả một đám đông đang đi theo
đằng sau Ngài. Bỗng nhiên, một thanh niên từ trong đám đông sấn tới đâm bổ vào
Người của vị cha già dân tộc. Ba nhát gươm đâm xới xả vào một thân thể khô gầy
vì không biết bao nhiêu hy sinh cho đất nước.
Thinh lặng bao chùm
lấy đám đông. Người ta chỉ còn nghe được hai tiếng từ miệng của vị thánh
"Rama, Rama" nghĩa là "Chúa ơi, Chúa ơi". Với một cố gắng
cuối cùng, Ngài giơ hai tay lên, đan lại trong một cử chỉ cầu nguyện và tha thứ,
rồi ngã gục.
Người thanh niên
Aán Giáo quá khích đã sát hại Gandhi vì anh không thể chấp nhận ssược sự kiện
Gandhi bày tỏ lòng quảng đại yêu thương ngay cả với những người Hồi Giáo.
400 triệu người Aán
Ðộ đã than khóc và để tang cho vị cha già của dân tộc. Không khí buồn thảm cũng
bao trùm khắp thế giới. Mọi người đều cảm nhận rằng ngày hôm đó trái đất trở
nên cằn cỗi, nghèo nàn hơn, bởi vì đã mất đi một người con vĩ đại, một người
con đã lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập cho tổ quốc mà không cần dùng đến
khí giới của bạo động và hận thù. Chính Ngài đã từng nói: Tình Yêu là sức mạnh
khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có.
Tình Yêu là sức mạnh
khiêm tốn nhất, nhưng cũng là sức mạnh vạn năng mà thế giới đang có trong tay.
Chiến tranh và không
biết bao nhiêu vấn đề mà thế giới ngày nay đang phải giải quyết, dường như thế
giới chỉ muốn giải quyết bằng bạo động, bằng vũ khí giết người. Sức mạnh vạn
năng mà thế giới đang có trong tay là tình yêu, chỉ có một số ít người đang
dùng đến.
Mục sư Luther King,
người da đen, đang sử dụng khí giới của tình yêu. Oâng đã ngã gục, nhưng hàng
triệu người da đen được đứng lên làm người như người da trắng. Giám mục Desmond
Tutu, người Nam Phi da đen cũng đang đi theo vết chân của Gandhi và Luther
King. Mẹ Têrêxa thành Calcutta cũng đang dùng khí giới của tình thương để cho
những người không nhà không cửa, những người hấp hối đầu đường xó chợ được sống
và chết như những con người.
Tất cả những mẫu gương
trên đây chỉ là những phản ánh của một tình yêu trọn vẹn hơn, đó là tình yêu của
Ðấng đã chịu chết cho người mình yêu. Chính Ngài đã nói: Khi nào Ta chịu treo
lên khỏi đất, Ta sẽ kéo tất cả mọi người về với Ta.
Người Kitô chúng ta
đang ở trong sức kéo ấy. Ngài đã cho chúng ta được sát nhập vào thân thể của
Ngài và truyền cho chúng ta chính sức sống của Ngài. Người Kitô chỉ có thể là
người Kitô khi họ sống bằng chính Sức Sống và Tình Yêu của Ngài.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét