Kiếm sĩ Takayama: Liệu
ông có trở thành vị thánh Kiếm sĩ đầu tiên của Nhật Bản hay chỉ là một người tội
lỗi?
Đặng Tự Do 07/Nov/2024
Quá trình thẩm tra bí ẩn này mất ít nhất năm năm và là một
trong những bí mật được giữ kín nhất của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng, ở đâu đó
trong những hội trường và phòng họp vang vọng rộng lớn của Vatican, các viên chức
được cho là sắp đưa ra phán quyết liệu một chiến binh Nhật Bản có phải là thánh
hay không.
Nếu được xác nhận, Kiếm sĩ Justo Takayama Ukon sẽ trở thành chiến binh đáng sợ
đầu tiên của Nhật Bản đạt được vinh quang lớn nhất của Kitô giáo.
Một khái niệm lãng mạn? Vâng, có thể là như vậy, đặc biệt là khi một Kiếm sĩ
không có một số bí mật đen tối – thực sự, có những người ở Nhật Bản cho rằng
ông ta là tội đồ nhiều hơn là thánh nhân.
Chuyên gia về Kiếm sĩ ở Tokyo, Tamura Ryo, cho biết: “Takayama có thể đã bảo vệ
những tín hữu Kitô nhưng ông ta cũng là một kẻ giết người, hành động vì lợi ích
cá nhân và không hoàn toàn là một người tốt”.
Những người ủng hộ việc phong thánh cho Takayama phản đối kịch liệt.
Người ủng hộ Takayama, Đức Hồng Y Thomas Maeda nhấn mạnh: “Người đàn ông dũng cảm
này đã hiến dâng cuộc đời mình cho Chúa Kitô và chắc chắn nên được phong
thánh.”
Trước khi chúng ta xem xét sự hấp dẫn đằng sau con đường trở thành thánh nhân của
Kiếm sĩ Takayama, lịch sử cuộc đời của ông đã được ghi chép lại đầy đủ và không
có gì phải bàn cãi.
Ông sinh vào khoảng năm 1552 trong một gia đình quý tộc trong thời kỳ Sengoku đầy
biến động khi vùng nông thôn Nhật Bản gần như liên tục bị tàn phá bởi chiến
tranh và bất ổn xã hội.
Ban đầu ông được nuôi dạy theo đạo Phật. Ông cải đạo sang Công Giáo vào năm 11
tuổi sau cuộc tranh luận giữa cha ông và một nhà truyền giáo dẫn đến lễ rửa tội
của họ.
Takayama và cha ông đã chịu trách nhiệm cải đạo cho hàng chục ngàn người Nhật Bản
và trong suốt cuộc đời, Takayama đã trở thành người bảo vệ những người Công
Giáo Nhật Bản, sử dụng ảnh hưởng của mình để hỗ trợ các nỗ lực truyền giáo mặc
dù phải đối mặt với sự đàn áp nghiêm trọng.
Nhưng vào năm 1587, bộ trưởng hoàng gia Toyotomi Hideyoshi đã ra lệnh trục xuất
các nhà truyền giáo và yêu cầu các lãnh chúa phong kiến Công Giáo, như
Takayama, phải từ bỏ đức tin của mình.
Takayama đã hai lần từ chối từ bỏ niềm tin của mình và vì thế ông đã bị tước bỏ
cấp bậc và quyền hạn.
Ông bị trục xuất khỏi Nhật Bản và chạy trốn cùng 300 người Công Giáo khác đến
Phi Luật Tân, nơi ông qua đời vào năm 1615, được cho là do các vết thương vì bị
ngược đãi trước đó ở quê nhà.
Người ta nói rằng trước khi trút hơi thở cuối cùng, ông đã kêu gọi các cháu của
mình hãy kiên định với đức tin Công Giáo.
Những người ủng hộ cho rằng di sản của Takayama vẫn tiếp tục truyền cảm hứng
cho nhiều người như một biểu tượng của niềm tin vững chắc và khả năng phục hồi
trước nghịch cảnh.
Tuy nhiên, những người đặt câu hỏi về sự thánh thiện của ông chỉ ra rằng có bằng
chứng không thể chối cãi rằng Tamayaka đã chỉ huy các nhóm đột kích để phá hủy
các đền thờ và chùa chiền Phật giáo và Thần đạo.
Tệ hơn nữa: một nguồn tin Công Giáo cao cấp của Nhật Bản, yêu cầu giấu tên, cho
biết: "Takayama chắc chắn đã giết ít nhất một người - đó không phải hành động
của một vị thánh."
Tamura Ryo, thuộc Bảo tàng Kiếm sĩ Tokyo, cũng có mối quan ngại tương tự và
tuyên bố Takayama chỉ là một kẻ cơ hội thèm khát quyền lực.
Bắt đầu từ thế kỷ 16, hàng trăm ngàn nông dân Nhật Bản đã được các nhà truyền
giáo từ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha cải đạo.
Ryo cho biết: “Kitô giáo là một xu hướng mới”.
“Takayama cho rằng việc gia nhập và bảo vệ họ là một cách thức tàn nhẫn để
giành quyền lực trong thời kỳ hỗn loạn.”
Khi được hỏi về những nỗ lực nhằm phong thánh cho Takayama, Ryo nói thêm:
“Chúng tôi coi quá trình này chỉ là một phần của lịch sử, không phải là điều xấu,
nhưng cũng không phải điều tốt”.
Ở Osaka, Đức Hồng Y Maeda, một trong những người lãnh đạo phong trào phong
thánh cho Tamayaka, đã phản đối mạnh mẽ.
“Takayama nên được phong thánh vì ông đã dâng hiến toàn bộ cuộc đời mình cho
Chúa Kitô, ngay cả trong những thời kỳ bị đàn áp,” ông nói.
“Ông đã bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình không chỉ một lần mà là hai lần và
ông đã từ chối. Kết quả là ông đã mất tất cả và bị lưu đày.
“Nhưng chắc chắn, Chúa Kitô là trung tâm cuộc sống của ông. Chúa Kitô là Chúa của
ông.”
Kiếm sĩ Takayama rõ ràng không nằm trong cùng phạm trù về lòng tốt và sự toàn vẹn
như Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Teresa. Nhưng vào năm 2016, Đức Thánh Cha
Phanxicô đã phê chuẩn một sắc lệnh xác nhận cái chết của Takayama là một cuộc tử
đạo, và ông đã chính thức được phong chân phước vào tháng 2 năm 2017.
Để được phong thánh là vị thánh Kiếm sĩ đầu tiên của Giáo hội, Vatican phải chấp
thuận ít nhất một phép lạ được xác minh là do sự can thiệp của Takayama.
Cho đến nay, Vatican chưa bao giờ tiết lộ phép lạ mà họ đang xem xét, nhưng một
nguồn tin Công Giáo cao cấp giấu tên tại Nhật Bản cho biết: “Tòa án đang xem
xét việc Takayama chữa lành cho một người Nhật Bản vào thời điểm nào đó trong
năm 2017 hoặc sau đó.
“Tôi không thể cho bạn biết người được chữa lành là đàn ông hay phụ nữ hoặc họ
mắc bệnh gì, đó vẫn là một bí mật.”
Nguồn tin tiếp tục: “Có những người trong Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản đang nỗ lực
hết sức để phong thánh cho Takayama.”
Khi được hỏi về khung thời gian tiềm năng và phán quyết của tòa án Vatican, nguồn
tin này cho biết thêm: “Vatican sẽ quyết định vào đầu năm 2025 và tôi dự đoán
câu trả lời sẽ là có”.
Source:Catholic HeraldSamurai
Takayama: should he become Japan’s first samurai saint, or was he more sinner?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét