THỨ NĂM 03/10/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật
26 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm I) Nkm 8, 1-4a. 5-6. 7b-12
"Thầy Esdra mở
sách luật ra, chúc phúc cho dân và toàn dân đáp lại: Amen! Amen!"
Trích
sách Nơkhemia.
Trong
những ngày ấy, toàn dân mọi người như một, tụ họp lại ở phố trước cửa Nước, họ
xin thầy Esdra mang ra sách Luật của Môsê mà Chúa đã truyền cho dân Israel. Vậy
thầy tư tế Esdra mang luật ra trước cộng đồng, gồm đàn ông, đàn bà và tất cả những
ai có thể hiểu luật: hôm đó là ngày đầu tháng bảy. Từ sáng đến giữa trưa, thầy
đứng ở công trường, trước cửa Nước, đọc sách trước mặt đàn ông, đàn bà và những
người hiểu luật. Tất cả dân chúng đều lắng tai nghe đọc sách luật.
Thầy
thư ký Esdra đứng trên bệ bằng cây mà đọc sách; thầy mở sách ra trước công
chúng, vì thầy đứng nơi cao hơn mọi người. Khi thầy mở sách, thì tất cả đều đứng
lên. Esdra chúc tụng Chúa là Thiên Chúa Cao Cả. Toàn dân đưa tay lên đáp lại:
Amen, Amen. Họ cúi mình và phủ phục trước Thiên Chúa, mặt họ cúi sát đất. Các
thầy Lêvi khiến dân chúng thinh lặng để nghe đọc Lề Luật: Dân chúng mỗi người đứng
nơi mình. Một số người đọc từng đoạn trong sách luật Chúa, giải thích ý nghĩa,
và người ta hiểu được điều đã đọc.
Nơkhemia
là tổng trấn, Esdra là tư tế và là thư ký, các thầy Lêvi huấn luyện dân chúng,
nói với họ rằng: "Ngày hôm nay được thánh hoá dâng cho Chúa là Thiên Chúa
chúng ta: anh chị em đừng mang tang chế, đừng than khóc". Vì lúc đó toàn
dân khóc lóc khi nghe đọc các lời trong luật.
Họ
nói với dân chúng rằng: "Hãy đi ăn thịt béo và uống rượu ngon, hãy gởi phần
cho kẻ không có dọn sẵn cho mình, vì ngày này là ngày thánh dâng cho Chúa, đừng
buồn sầu; vì niềm vui của Chúa là đồn lũy của chúng ta".
Các
Thầy Lêvi khiến toàn dân thinh lặng mà rằng: "Anh chị em hãy thinh lặng,
vì hôm nay là ngày thánh, nên chớ lo buồn". Vì thế toàn dân đi trở ra ăn uống,
gởi phần cho những người không có, và đầy hân hoan vui mừng, vì người ta hiểu
rõ những lời mình nghe giảng dạy.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 18, 8. 9. 10. 11
Ðáp: Giới răn Chúa chính
trực, làm hoan lạc tâm can (c. 9a).
Xướng: 1) Luật pháp Chúa
toàn thiện, bồi bổ tâm linh; chỉ thị Chúa cố định, phá ngu kẻ dốt. - Ðáp.
2)
Giới răn Chúa chính trực, làm hoan lạc tâm can; mệnh lệnh Chúa trong ngời, sáng
soi con mắt. - Ðáp.
3)
Lòng tôn sợ Chúa thuần khiết, còn mãi muôn đời; phán quyết của Chúa chân thực,
công minh hết thảy. - Ðáp.
4)
Những điều đó đáng chuộng hơn vàng, hơn cả vàng ròng; ngọt hơn mật, và hơn cả mật
chảy tự tàng ong. - Ðáp.
Alleluia: 1 Pr 1, 25
Alleluia,
alleluia! - Lời Chúa tồn tại muôn đời, đó là lời Tin Mừng đã rao giảng cho anh
em. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 1-12
"Sự bằng an của
các con sẽ đến trên người ấy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi
trước Người, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông
rằng: "Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng
sai thợ đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Thầy sai các con như con
chiên ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng
chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an
cho nhà này". Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con
sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở
lại trong nhà đó, ăn uống những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng
đi nhà này sang nhà nọ.
"Khi
vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta dọn
cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: "Nước Thiên
Chúa đã đến gần các ngươi". Khi vào thành nào mà người ta không tiếp đón
các con, thì hãy ra giữa các phố chợ và nói: "Cả đến bụi đất thành các
ngươi dính vào chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin phủi trả lại các ngươi. Nhưng
các ngươi hãy biết rõ điều này: Nước Thiên Chúa đã đến gần". Thầy bảo các
con, ngày ấy, thành Sôđôma sẽ được xử khoan dung hơn thành này".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Tinh Thần Nghèo Khó Ðích Thực
ó
một nhà hiền triết đến nghỉ hè tại một thành phố nọ; ông vua của đô thị này thường
tự hào mình là người giàu có nhất trần gian. Vốn là người siêu thoát mọi của cải
trần thế, nhà hiền triết quyết định đến gặp cho được con người khoe khoang này.
Khi nhà hiền triết vừa đến cung điện, nhà vua liền đưa ông đi một vòng và cho
ông thấy tất cả sự giàu sang của mình. Nhà vua hỏi một cách huênh hoang:
Nhà
ngươi nghĩ gì về tất cả sự giàu có của ta?
Nhà
hiền triết cúi đầu giữ im lặng. Nhà vua lại hỏi tiếp:
Theo
nhà ngươi, thì ai là người hạnh phúc nhất trần gian này?
Nhà
hiền triết suy nghĩ một lúc rồi kể tên của những người Hy lạp mà có lẽ không ai
biết đến, kể cả nhà vua. Nhận ra thái độ khiêu khích của nhà hiền triết, nhà
vua liền nổi giận; ông yêu cầu nhà hiền triết phải giải thích ngay về thái độ ấy.
Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mới thong thả nói:
Thưa
ngài, không ai có thể được xem là hạnh phúc, khi trái tim người đó còn gắn bó với
của cải vật chất. Ðiều này cũng giống như một cuộc hôn phối, của cải vật chất
qua đi, người có của sẽ thành một người góa, mà người góa thì đương nhiên sẽ
khóc lóc; hoặc giả như người có của cải qua đi, người đó cũng chẳng mang theo
được một đồng xu nào, lúc đó cũng chỉ có khóc lóc mà thôi.
Tin
Mừng hôm nay nhắc nhớ chúng ta về tinh thần nghèo khó đích thực. Cuộc sống
nghèo khó của Chúa Giêsu là một chọn lựa: Ngài đã chọn sinh ra trong nghèo khó;
Ngài đã lớn lên trong khó nghèo; và trong ba năm sống công khai, Ngài đã chọn lựa
nếp sống nghèo khó. Khi sai các môn đệ đi rao giảng Nước Trời, Ngài cũng đã
khuyến dụ các ông hãy sống khó nghèo. Ra đi hai tay không, người ta tiếp đón
thì ở lại, người ta không niềm nở thì ra đi, giũ bỏ lại mọi thứ bụi trần, đó là
hình ảnh của sự siêu thoát mà Chúa Giêsu luôn đòi hỏi ở những môn đệ của Ngài.
Ðây không chỉ là điều kiện của những người môn đệ, những nhà truyền giáo hay
các tu sĩ: nghèo khó là đồng phục của mọi người mang danh hiệu Kitô. Nghèo khó
là bộ mặt đích thực của các nghĩa tử của Thiên Chúa, họ phải giũ bỏ tất cả để mặc
lấy phẩm giá của những con người được tái sinh.
Trong
thực tế, người Kitô hữu phải sống thế nào mới gọi là nghèo khó? Ðó là thắc mắc
mà trong xã hội nào, ở thời đại nào, các Kitô hữu cũng có thể nêu lên. Phải
chăng sống nghèo khó, họ phải từ bỏ mọi thứ của cải trần thế? Phải chăng về lý
tưởng nghèo khó, Kitô giáo chủ trương bần cùng hóa xã hội? Thực tế, nghèo không
hề mâu thuẫn với sự phát triển hay làm giầu tài nguyên vốn có trong thiên nhiên
mà Kitô giáo luôn cổ võ và nâng đỡ. Kitô giáo vốn là sức mạnh tiên phong trong
việc khai hóa và mở mang vào thời Trung Cổ tại Âu Châu; những khám phá khoa học
và tiến bộ kỹ thuật ở khởi đầu đều phát xuất từ Kitô giáo, như vậy, phát triển
hay làm giầu không hề mâu thuẫn với Tin Mừng.
Thế
nhưng, làm thế nào để sống tinh thần nghèo khó theo Tin Mừng? Kinh nghiệm cuộc
sống cho chúng ta thấy rằng tự nó, của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh
phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người.
Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân
cũng như trong quan hệ với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người
tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Như vậy,
có tinh thần nghèo khó đích thực có nghĩa là luôn biết giữ khoảng cách đối với
của cải vật chất, biết sử dụng nó như phương thế để tìm kiếm và xây dựng những
giá trị Nước Trời, như công bằng, bác ái, liên đới. Một cách cụ thể, có tinh thần
nghèo khó đích thực là biết mưu cầu cho công ích, biết san sẻ với người túng
thiếu, biết làm ra của cải, nhưng không thuộc về của cải.
Hơn
bao giờ hết, người Kitô hữu chúng ta phải không ngừng suy nghĩ về ý nghĩa của
tinh thần nghèo khó. Túng thiếu, nghèo đói, mà vẫn tin tưởng cậy trông và giữ
bàn tay thanh sạch, chứ không bán đứng lương tâm để làm điều gian ác; may mắn
hơn người khác vì được thịnh vượng, giầu có, mà vẫn biết mở rộng trái tim và
bàn tay để chia sẻ cho người nghèo khó, đó là thể hiện của tinh thần nghèo khó
đích thực. Trong một xã hội của chụp giựt và xâu xé lẫn nhau, một cuộc sống như
thế chắc chắn là một chứng tá cao độ cho Nước Trời.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần 26
TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Neh
8:1-4a, 5-6, 7b-12; Lk 10:1-12.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhiệt thành với việc
truyền giáo cho dân chúng.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy sự khẩn thiết của Lời Chúa trong việc dạy dỗ
dân chúng biết Thiên Chúa, và trong việc hoán cải lòng dân trở về với Thiên
Chúa. Trong Bài Đọc I, thống đốc Nehemiah và tư tế Ezra, sau khi đã dựng lại Đền
Thờ và xây dựng tường thành chung quanh, đã nghĩ ngay đến việc dạy dỗ Lề Luật
cho dân chúng trong Kinh Thánh. Họ tập họp tất cả con cái Israel lại, những người
có đủ trí khôn để hiểu Lời Chúa, để học hỏi Kinh Thánh suốt từ sáng tới trưa. Hậu
quả là dân chúng nhận ra và khóc than tội lỗi của họ đã phản bội tình yêu Thiên
Chúa dành cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu không chỉ sai đi Nhóm Mười Hai, mà
còn sai đi Nhóm Bảy Mươi; để họ chuẩn bị trước cho Chúa Giêsu đến gặp gỡ dân chúng.
Ngài dặn họ đừng để bất cứ điều gì ngăn cản Triều Đại của Thiên Chúa đến với
con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ông đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà, và tất cả các trẻ em đã
tới tuổi khôn.
1.1/
Sự quan trọng của Lời Chúa: Là những nhà lãnh đạo khôn ngoan, Nehemiah và Erza biết điều gì
cần thiết cho dân chúng: Họ không thể sống đúng nếu không biết đúng; để biết
đúng, họ phải học hỏi sự dạy dỗ của Thiên Chúa trong Sách Thánh (Lề Luật). Thói
quen nghe Lời Chúa đã bị mất từ khi con cái Israel bị lưu đày; giờ đây, trong
ngày Lễ Khánh Thành Đền Thờ, họ phải tập luyện lại thói quen này. Vì thế,
"muôn người như một, tụ họp ở quảng trường trước cửa Nước. Họ xin ông Ezra
là kinh sư đem sách Luật Moses ra. Đó là Luật Đức Chúa đã truyền cho Israel.
Hôm
ấy là ngày mồng một tháng thứ bảy, ông Ezra cũng là tư tế đem sách Luật ra trước
mặt cộng đồng gồm đàn ông, đàn bà và tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đứng
ở quảng trường phía trước cửa Nước, đọc sách Luật trước mặt đàn ông, đàn bà và
tất cả các trẻ em đã tới tuổi khôn. Ông đọc từ sáng sớm tới trưa, và toàn dân lắng
tai nghe sách Luật."
1.2/
Các thầy Lêvi giải thích Lề Luật cho dân: Sau khi đã nghe tư tế Ezra long trọng công bố Lời
Chúa và chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng:
"Amen! Amen!" Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa. Lời Chúa
không phải cứ nghe là hiểu ngay. Để giúp dân chúng hiểu thấu Lời Chúa, các thầy
Lêvi liên tục giải thích Lề Luật cho dân, trong khi dân vẫn đứng tại chỗ. Trình
thuật nói rõ, vì "ông Ezra và các thầy Lêvi đọc rõ ràng và giải thích sách
Luật của Thiên Chúa, nhờ thế mà toàn dân hiểu được những gì các ông đọc."
(1)
Dân chúng hối hận và khóc lóc, vì họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Mục đích của việc
rao giảng Kinh Thánh là giúp dân nhận ra hai điều: Thứ nhất, tình thương của
Thiên Chúa dành cho họ. Ngài luôn quan tâm đến cuộc sống của họ, nhất là trong
thời gian lưu đày. Thứ hai, giúp dân nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến
Thiên Chúa và tha nhân; tội lỗi là lý do của việc lưu đày và mọi sự khốn khổ mà
dân phải chịu. Ăn năn thống hối là hậu quả của việc rao giảng Tin Mừng. Nếu
không có ăn năn thống hối, lời rao giảng chưa đạt được mục đích.
(2)
Dân chúng vui mừng và sẵn sàng chia cơm sẻ áo trong ngày thánh hiến Đền Thờ: Việc ăn năn thống hối
dẫn tới việc đền bù các tội lỗi dân chúng đã phạm. Hai tội chính mà con cái
Israel đã làm là quay lưng lại với Thiên Chúa và đối xử bất công với tha nhân.
Sau khi đã nhận ra tội và hòa giải với Thiên Chúa, con cái Israel cần phải hòa
giải tội bất công với nhau bằng cách san sẻ cơm bánh cho những anh chị em nghèo
đói. Ông Ezra khuyên bảo dân chúng: "Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu
ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến
cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo
vệ anh em."
2/
Phúc Âm: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.
2.1/
Hãy làm cho Triều Đại Thiên Chúa mau đến: Ý định muôn đời của Thiên Chúa là làm sao cho mọi
người nhận biết và tin vào Đức Kitô, để được hưởng ơn cứu độ. Ý định này không
thể hoàn tất bởi một mình Đức Kitô; nhưng là do nỗ lực góp phần của tất cả mọi
người. Chính Chúa Giêsu đã chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ
từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến.
Nhiệm vụ của các ông cũng giống như Gioan Tẩy Giả, là chuẩn bị tâm hồn con người
sẵn sàng để tiếp rước Đức Kitô.
Trước
khi sai đi, Người dặn dò các ông những điều quan trọng: "Này Thầy sai anh
em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày
dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường." Mục đích chính mà Chúa sai các môn
đệ đi là để rao giảng Tin Mừng, các ông phải loại bỏ tất cả những gì ngăn cản
việc rao giảng Tin Mừng, như các cám dỗ: tìm kiếm lợi nhuận của cải vật chất,
ăn ngon mặc đẹp, ham uy quyền danh vọng, ngay cả việc tán gẫu nhảm.
2.2/
Phản ứng của những người nghe giảng Tin Mừng: Người loan báo Tin Mừng là người
mang bình an cho dân chúng. Chúa Giêsu dặn các môn đệ: Vào bất cứ nhà nào, trước
tiên anh em hãy nói: "Bình an cho nhà này!" Nếu ở đó, có ai đáng hưởng
bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an
đó sẽ trở lại với anh em.
(1)
Những người tiếp nhận: Trong
sự quan phòng của Thiên Chúa, cả người rao giảng lẫn người nghe đều có liên hệ
hỗ tương với nhau: nhà rao giảng mang Lời Chúa và sự bình an đến cho dân chúng;
để đền bù lại, dân chúng lo sức khỏe cho nhà rao giảng bằng cách cung cấp lương
thực và những nhu cầu vật chất. Mỗi người một phần vụ giúp cho việc loan truyền
Tin Mừng. Vì lý do này mà Chúa dặn các môn đệ: ''Hãy ở lại nhà ấy, và người ta
cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả
công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp
đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu
trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các
ông."''
(2)
Những người từ chối: ''Nhưng
vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường
mà nói: "Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi
cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại
Thiên Chúa đã đến gần." Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành
Sodom còn được xử khoan hồng hơn thành đó." Từ chối nhà rao giảng Tin Mừng
là phải lãnh nhận hậu quả nặng hơn hậu quả của dân thành Sodom. Theo Sáng Thế
Ký, thành Sodom đã bị lửa từ trời xuống thiêu rụi thành tro bụi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta sống đời này không phải để vơ vét của cải để trở nên giầu có; nhưng để
cứu rỗi phần linh hồn của chúng ta và của mọi người qua việc học hỏi và rao
truyền Tin Mừng.
-
Của cải Thiên Chúa ban là để cho mọi người hưởng dùng. Chúng ta đừng đối xử bất
công để dành của cải; nhưng phải sẵn lòng san sẻ cho các anh chị em đang túng
thiếu.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN,OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 26–
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Lc 10,1-12
A. Hạt giống...
Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng Tin Mừng :
- Theo tường thuật của Thánh Luca, Chúa Giêsu đã
sai đi rao giảng không phải chỉ nhóm tông đồ mà còn cả nhóm môn đệ nữa. Luca
muốn nhấn mạnh rằng không riêng gì các tông đồ, mà tất cả mọi người đều được
Chúa Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng. Ý này lại được làm rõ thêm với con số 72.
Đây là số dân của loài người mà St 10 đã liệt kê.
- “Từng nhóm hai người” : Việc loan Tin mừng
không phải là việc của một cá nhân riêng lẻ, mà là việc của cộng đoàn, không
phải là độc quyền của riêng ai, nhưng phải liên đới và liên kết với nhiều người
khác.
- “Hãy cầu xin” : Việc đầu tiên mà nhà truyền
giáo phải làm là “cầu xin”. Thiên Chúa là chủ mùa gặt, nhận ai vào Nước Thiên
Chúa là quyền của Ngài và là ơn của Ngài. Chúa Giêsu bảo cầu xin là để các môn
đệ ý thức rằng họ được gọi là nhờ ơn Chúa, và để có thêm nhiều người nữa nhận
được ơn ấy.
- “Như chiên non vào giữa sói rừng” : Chúa Giêsu
khuyến cáo các môn đệ về những hiểm nguy và sự thù nghịch mà có thể họ sẽ gặp
phải.
- “Đừng chào ai dọc đường” : việc chào hỏi của
người Phương Đông thường kéo theo những câu chuyện rề rà rất lâu. Trong khi sứ
mạng loan Tin mừng đòi phải gấp.
- “Bình an cho nhà này” : đây vừa là một lời chúc
vừa là một lời ban ơn bởi vì nó có sức tạo nên điều nó chúc (Is 45,23). Người
rao giảng Tin Mừng phải là “con cái của sự bình an”. Họ phải có bình an trong
mình và sau đó đem bình an ấy ban lại cho người khác. Nếu nhà nào đáng được
hưởng ơn bình an thì được bình an, nếu không thì ơn bình an trở lại cho người
chúc.
- “Cứ ở lại nhà ấy” : gặp nhà nào đầu tiên cho ở
thì người môn đệ hãy ở đó. Đừng tìm hiểu nhà để so sánh chọn lựa nhà nào tiện
nghi hơn. Điều quan trọng là loan báo Tin mừng Nước Thiên Chúa chứ không phải
tiện nghi cho mình hoặc cách người ta tiếp rước mình.
- “Ăn uống của người ta cung cấp cho mình” : sứ
mạng của môn đệ đừng để bị ảnh hưởng bởi những quan tâm có tính cách trần thế
(đòi hỏi hoặc e ngại những gì của ăn uống người ta lo cho mình).
- “Thợ đáng trả lương” : đây là một nguyên tắc (1Tm 5,18 ; 1Cr 9,11).
Nhưng người thừa sai cũng có thể tự ý từ chối (1Cr 9,14-18).
- “Người ta dọn thức gì cứ ăn thức ấy” : Người rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu
không còn bị bận vướng bởi luật Môsê về sự phân loại thức ăn nào sạch, thức ăn
nào dơ (1Cr 10,27).
- “Hãy chữa lành các bệnh nhân” : đây là dấu hiệu Nước Thiên Chúa gần đến.
- “Phủi bụi chân” : người Do Thái thường phủi bụi chân khi từ một vùng đất
ngoại trở về đất Palestina vốn được coi là đất thánh. Cử chỉ này có nghĩa là
không có chung đụng giữa Israel và dân ngoại. Thành nào không đón nhận sứ điệp
của Chúa Giêsu thì cũng cắt đứt liên hệ với dân Thiên Chúa, trách nhiệm là
thuộc về họ.
- Thành đó sẽ đáng chịu phán xét trong ngày chung thẩm, họ sẽ bị trừng phạt
nặng nề còn hơn Sôđôma ngày xưa. Việc các thừa sai đến loan Tin mừng là cơ hội
cho người ta chọn lựa để hoặc được cứu độ hoặc bị luận phạt.
B.... nẩy mầm.
1. Truyền giáo là bổn phận của tất cả mọi tín hữu
không trừ ai. Thực ra, người tín hữu VN chỉ mới lo giữ đạo chứ chưa ý thức
truyền đạo.
2. Việc đầu tiên người truyền giáo phải làm là
“cầu xin”. Đây là điều mà chúng ta hay quên.
3. Điều thứ hai người truyền giáo phải lưu ý là :
cái họ cần có hơn là ơn Chúa chứ không phải là những phương tiện vật chất (túi
tiền, bao bị, giày dép…)
4. Việc làm chính của người truyền giáo là “chữa
lành các bệnh tật”, nghĩa là làm giảm bớt đi những đau khổ tinh thần và vật
chất của người ta.
5. “Anh em hãy ra đi. Đừng mang theo túi tiền,
bao bị giày dép.(Lc 10,4)
Nếu phải thực hiện một chuyến đi dài, tôi sẽ mang
theo thứ gì ? Chắc chắn là những gì gọn nhất, nhẹ nhất, cần thiết nhất. Và hôm
nay, trong lênh truyền của Chúa Giêsu tôi đọc được nét nhẹ nhàng thanh thoát ấy
trong bước chân của người môn đệ không giày dép, bao bị, tiền nong...
Và phải chăng cũng vang động trong tâm hồn tôi
lời mời gọi “ra một cuộc lữ hành” ? Nhưng lạy Chúa, khó quá, vì nơi con : Đã
quen rồi bóng râm của tiện nghi, an toàn. Đã quen rồi đôi giày của danh
vọng. Đã quen rồi chiếc đồng hồ kế hoạch. Đã quen rồi bao bị của bằng cấp, bạc
tiền.
Lạy Chúa, trên hành trình tiến về nhà Chúa, xin
giải thoát con khỏi những ràng buộc của bản thân, của lề thói xã hội, để biết
trao ban cho anh em chính Chúa chứ không phải chính con (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
03/10/13 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,1-12
Lc 10,1-12
LOAN BÁO NƯỚC THIÊN CHÚA DÙ KHÔNG
THUẬN TIỆN
“Vào bất cứ thành nào mà người
ta không tiếp đón, thì anh em ra trước quảng trường mà nói : Ngay cả bụi trong
thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin trả lại. Tuy nhiên, các
ông phải biết điều này: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.” (Lc 10,10-11)
Suy niệm: Một cuộc đánh bom tự sát tại
một nhà thờ Anh Giáo ở Peshawa, Pakistan đã khiến trên 80 tín hữu bị chết khi
họ vừa ra khỏi nhà thờ sau khi dự lễ Chúa Nhật 22/09 vừa qua. Lý do “đơn
giản” là, đại diện nhóm Taliban tổ chức cuộc tấn công đó tuyên bố, vì sự thù
địch với Kitô giáo, họ sẽ tiếp tục tấn công cho đến khi không còn người ngoài
Hồi giáo nào trên đất Pakistan. Các Kitô hữu vẫn tiếp tục bị thù ghét dưới
nhiều hình thức: từ việc bị bách hại, bị xua đuổi “từ thành này sang thành
khác” (x. Mt 10,23) đến việc người ta bịt tai trước lời rao giảng. Chúa Giêsu
dạy chúng ta phản ứng lại một cách nhẹ nhàng là “phủi bụi chân lại” nhưng vẫn
phải kiên quyết loan báo Tin Mừng mà không sợ hãi rằng: “Nước Thiên Chúa đã đến gần.”
Mời Bạn: Nhiều kitô hữu “ngại” nói đến
hai tiếng “truyền giáo” hoặc cho rằng việc truyền giáo ngày nay là không phù
hợp. Bạn nhớ, bản chất của Giáo hội là truyền giáo (AG 2). Thánh Phaolô cũng
đã khuyên Timothê “hãy rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như không
thuận tiện” (2Tm 4,2).
Sống Lời Chúa: Cầu nguyện và làm một việc
bác ái cho một bạn lương dân.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin cho các Kitô hữu đang bị bách hại được ơn sức mạnh để tiếp tục loan
báo Tin Mừng Tình Yêu Chúa; xin cũng cho những ai đang bách hại đạo Chúa,
được ơn hoán cải và nhận biết Chúa là Tình Yêu.
|
Như
chiên con
Người môn đệ hôm nay vẫn phải lại gần con người để
chia sẻ cuộc sống, như xưa các môn đệ xưa đã sống chung, ăn chung, và làm việc
như một người thợ để phục vụ.
Suy niệm:
Đức Giêsu sai các môn đệ
của mình đi trước,
từng hai người một, vào
mọi thành phố và mọi nơi Ngài sẽ đến.
Sứ mạng dọn đường này
không dễ chút nào.
Đức Giêsu biết rõ những
hiểm nguy và chống đối đang chờ đợi họ.
“Thầy sai anh em đi như
chiên con vào giữa bầy sói.” (c. 3).
Chiên con trở nên hình
ảnh của người môn đệ,
yếu đuối, không có khả
năng chống cự khi gặp sự tấn công hung hãn.
Chính Đức Giêsu cũng là
Chiên Con được Thiên Chúa sai đi.
Chính Ngài cũng “như
chiên bị đem đi làm thịt,
như cừu câm nín khi bị
xén lông, Người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).
Người môn đệ được sai vào
thế giới mãi mãi thấy mình mong manh,
trước thế lực tưởng như
không thể thắng nổi của sự dữ.
Nhưng người môn đệ lại
không được trang bị nhiều:
không túi tiền, không bao
bị, không giầy dép,
dù đó là những điều bình
thường thiết yếu cho một cuộc hành trình.
Chính vì thế họ buộc lòng
phải cậy dựa vào người khác.
Mà không phải ai cũng có
lòng, ai cũng vui vẻ đón nhận.
Như thế là chấp nhận liên
tục bấp bênh,
liên tục cậy dựa vào sự
quan phòng của Thiên Chúa.
Nhà của các tín hữu là
nơi hoạt động của người môn đệ.
Căn nhà là nơi các môn đệ
được trú ngụ, được chia sẻ bữa ăn.
Họ sống gần gũi như người
trong nhà, như người thợ làm việc.
Nếp sống giản dị và siêu
thoát của họ phải được bày tỏ
qua việc chấp nhận mọi đồ
ăn thức uống người ta dọn cho (cc. 7-8),
cũng như việc không đi
tìm một căn nhà khác tiện nghi hơn (c. 7).
Ngoài ra các thành phố
cũng là điểm đến của họ (cc. 8-12).
Nhưng dù là vào một căn
nhà hay vào một thành phố (cc. 5. 8),
thái độ của người môn đệ
đều rất tích cực và thân thiện.
Họ chúc bình an, chữa
bệnh, loan báo Nước Thiên Chúa đã đến gần.
Họ cũng khiêm tốn chấp
nhận bị từ chối,
khi ơn bình an không được
đón nhận, lời loan báo không được lắng nghe.
Những lời dặn dò của Đức
Giêsu ngày xưa, bây giờ vẫn còn giá trị.
Chúng ta vẫn tiếp tục
được sai vào các thành phố hôm nay.
Có biết bao người cần
được chữa lành về thân xác, tinh thần,
với những thứ bệnh mới
của thời đại được coi là văn minh.
Có bao người cần được
nghe một lời đem lại cho đời họ chút hy vọng.
Được sai vào thành phố
thế kỷ 21 để rao giảng, thật là một thách đố.
Làm sao ta có can đảm nói
về Nước Trời cho những người vô tín,
và những người bị cuốn
vào cơn lốc của vật chất và khoái lạc ?
Làm sao nói về Đấng Vô
Hình khi nhiều người chỉ tin vào cái hữu hình ?
Người môn đệ hôm nay vẫn
phải lại gần con người để chia sẻ cuộc sống,
như xưa các môn đệ xưa đã
sống chung, ăn chung,
và làm việc như một người
thợ để phục vụ.
Giáo Hội vẫn cần xin
nhiều thợ hiền lành và can đảm để đến với thế giới.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của
Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập
tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống
của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm
toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa
sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng
qua chúng con,
để những người chúng con tiếp
xúc
cảm nhận được Chúa đang
hiện diện nơi chúng con.
Xin cho chúng con biết
rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói
suông,
nhưng bằng cuộc sống
chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy
tình yêu của Chúa.
(Mẹ
Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Bản chất của Hội
Thánh là truyền giáo, Hội Thánh không còn là Hội Thánh nữa nếu như Hội thánh
không truyền giáo. Chính Chúa Giê-su, trước khi về cùng Thiên Chúa Cha, Người
đã trao sứ mạng truyền giáo cho Hội Thánh mà đại diện là các Tông Đồ: “Anh
em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15).
Không phải đợi đến
khi Chúa về trời, Người mới giao sứ mạng này cho các Tông Đồ mà ngay trong khi
Người còn đang thi hành sứ mạng rao giảng Tin Mừng, Người cũng đã sai phái các
môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng.
Bài Tin Mừng hôm
nay, tường thuật lại việc Chúa Giê-su sai 72 môn đệ đi loan báo Tin Mừng. Khi
thi hành sứ vụ loan báo Tin Mừng, Chúa muốn các ngài phải đặt mối ưu tư truyền
giáo lên hàng đầu, đừng quá bận tâm những chuyện vật chất khi truyền dạy: “đừng
mang theo túi tiền, bao bị, giày dép; cứ ăn những gì người ta dọn lên”
Trải qua mọi thời,
ở mọi nơi, Hội Thánh không ngừng thực hiện sứ mạng cao cả này. Từ 12 Tông Đồ,
Hội Thánh Chúa đã phát triển và lan rộng đến mọi nơi trên thế giới. Hội Thánh
cũng muốn con cái của mình cùng thao thức và hành động cho sứ mạng truyền giáo.
Phải chăng truyền
giáo là công việc của hàng giáo sỹ và những nhà chuyên môn. Không phải như thế!
Mỗi người tín hữu, khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội đều được tham dự vào 3 chức vụ
của Hội Thánh đó là: ngôn sứ, tư tế và vương giả. Với chức vụ ngôn sứ, mỗi
người tín hữu có nhiệm vụ và bổn phận phải truyền giáo tùy theo bậc sống của
mình.
Mục đích truyền
giáo là giới thiệu Chúa cho mọi người, giúp mọi người tin vào Chúa và đón nhận
ơn cứu độ. Là một tín hữu bình thường, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về
Chúa qua việc không ngừng trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới
thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Bên
cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng cho Chúa
trong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những
gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Vì ngày hôm nay người ta cần chứng
nhân hơn thầy dạy, mặc dù thầy dạy cũng rất cần.
Vậy trước tiên
chúng ta can đảm tuyên xưng mình là người tin theo Chúa, đừng vì những lợi ích
vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.
Tiếp theo, chúng ta
can đảm sống cho những giá trị Tin Mừng như: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù
đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, hiểu lầm.
Cuối cùng chúng ta
phải thực hành niềm tin của chúng ta. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi
thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và lòng bác ái. Có ai đó đã
thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo”
thật là đau lòng!
Vậy mỗi người trong
chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa
muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của
mỗi người.
Lạy Chúa, Chúa
đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn
mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con
sự can đảm và lòng hăng say giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm
việc với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng
con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng
và sức lực mà Chúa ban và xem đó như là công việc “sống còn” của chúng con và
của Gíao hội.
Lm. Seoka
Rao Giảng Và Chữa Lành Bệnh Tật
Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về
việc Chúa sai nhóm mười hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh
tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố phục sinh để thực tập, để chuẩn bị cho
cuộc sai đi quyết định sau phục sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách
vĩnh viễn: "Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy.
Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ
nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho các
con, và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế" (Mt 28,18-20).
Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến
cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi
thứ hai sau Phục Sinh, mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì
người ta dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự
bày việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do sáng kiến riêng chứ không
phải do ý muốn của Chúa Giêsu . Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục
Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng dễ dàng rơi
vào cám dỗ khác nữa, cho rằng Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau
khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta
hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa
Giêsu. Vượt qua giới hạn của thời gian, Chúa đã kêu gọi, huấn luyện và sai các
tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa
cần được tiếp tục mãi trong thời gian nhờ những con người được mời gọi cộng tác
với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.
Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong
lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa
muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc
Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ
rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể
nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và
chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống
phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau.
Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa là công bố sự thật của Chúa,
phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể
nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội,
phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh. Nhà thờ để thờ Thiên Chúa,
nhà thương chăm sóc bệnh nhân, nhà săn sóc người cao niên, nhà học tập cho
người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là
những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa.
Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ
của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành,
mặc dù không thiếu những sai sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của
Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn
trong tương lai.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con
được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã
trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện
với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Thứ Năm 3-10
Thánh Gioan Dukla
(1414-1484)
S
|
inh trưởng ở Dukla (Ba
Lan), Gioan là một nhà khổ tu trước khi gia nhập dòng Conventual (chi nhánh
dòng Phanxicô) vào năm 1440. Sau khi thụ phong linh mục, sứ vụ rao giảng đã đưa
ngài đến các nơi mà hiện nay là Ukraine, Moldavia và Belarus. Ðã vài lần ngài
làm bề trên tu hội địa phương và có một lần ngài làm giám thị trung ương dòng
Phanxicô ở Lviv (Ukraine).
Thánh Gioan Capistrano
đến Ba Lan năm 1453 và thành lập các tu viện sống nghiêm nhặt theo Quy Luật
Thánh Phanxicô. Mười năm sau, Gioan Dukla gia nhập tổ chức này, mà sau đó trở
thành Tỉnh Dòng Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Sự khó nghèo, tuân phục, khổ hạnh và sùng kính
Ðức Mẹ là đặc điểm của đời sống Cha Gioan Dukla. Ngài tìm cách hòa giải những
người ly khai với Giáo Hội Công Giáo. Mặc dù ngài bị mù năm 70 tuổi, ngài vẫn
tích cực trong công việc rao giảng và giải tội.
Ngài được phong thánh ở
Krosno (Ba Lan) năm 1997 trước một giáo đoàn khoảng 1 triệu người, đến từ Ba
Lan, Bohemia, Slovakia, Ukraine và Hungary.
Lời Bàn
Trong bài giảng lễ phong
thánh, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã nhắc nhở đến các người con của Thánh
Phanxicô khi họ đặt chân đến Trung Âu Châu vào thế kỷ 13. "Sự hoạt động
của dòng Phanxicô đã tìm thấy vùng đất mầu mỡ nơi quê hương chúng ta. Vùng đất
ấy cũng phát sinh nhiều chân phước và các thánh, là những người theo gương
Thánh Assisi Nghèo Hèn, làm sinh động Kitô Giáo ở Ba Lan với tinh thần khó
nghèo và tình huynh đệ. Các ngài đã đưa kiến thức cũng như sự khôn ngoan vào
truyền thống tinh thần nghèo hèn và lối sống đơn sơ, để từ đó có ảnh hưởng tốt
đẹp trong công việc mục vụ." Khó nghèo, đơn giản, và hăng say tìm kiếm
chân lý là đặc điểm của phương cách truyền giáo mà các tu sĩ Phanxicô theo đuổi
trong gần tám thế kỷ qua. Họ sẽ giúp chúng ta hăng say làm chứng nhân cho Tin
Mừng của Ðức Giêsu Kitô.
Lời Trích
Trong buổi lễ phong
thánh cho Cha John Dukla, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II nói: "Ðức
Giêus Kitô là vị thầy duy nhất của thánh nhân. Ngài không lùi bước trong việc
noi gương Thầy và Chúa, nên trên hết mọi sự điều ngài ao ước là phục vụ. Trong
đó bao gồm cả Phúc Âm của sự khôn ngoan, của tình yêu và bình an. Ngài đã thể
hiện ý nghĩa này của Phúc Âm trong toàn thể cuộc đời ngài"
(L'Observatore Romano, tập 27, số 6, 1997).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét