THỨ HAI 14/10/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật
28 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 1, 1-7
"Nhờ Ðức Kitô,
chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, chúng tôi quy phục mọi dân tộc về
đức tin".
Khởi
đầu bức thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Phaolô,
tôi tớ Chúa Giêsu Kitô, đã được kêu gọi làm Tông đồ và đã được tuyển chọn để
rao giảng tin mừng Thiên Chúa. Tin mừng ấy Thiên Chúa đã hứa trước bằng lời các
tiên tri trong Kinh Thánh về Con của Người; Người đã sinh ra theo huyết nhục bởi
dòng dõi Ðavít, đã được tiền định là Con Thiên Chúa quyền năng theo Thánh Thần,
đã sống lại từ cõi chết. Ðó chính là Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người,
chúng tôi đã nhận ân sủng và chức vụ tông đồ, để nhân danh Người, chúng tôi quy
phục mọi dân tộc về Ðức Tin, trong đó có cả anh em là những người mà Chúa Giêsu
Kitô đã kêu gọi.
Tôi
chúc tất cả mọi người trong thành Rôma, được Thiên Chúa yêu mến và kêu gọi nên
thánh, được ân sủng và bình an của Thiên Chúa là Cha chúng ta, và của Ðức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn
cứu độ của Người (c. 2a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Chúa
một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo
cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2)
Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh.
Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3)
Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể
địa cầu, hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 27
Alleluia,
alleluia! - Xin Chúa cho con hiểu đường lối những huấn lệnh của Chúa, và con
suy gẫm các điều lạ lùng của Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 29-32
"Không ban cho
dòng giống này điềm lạ nào ngoài điềm lạ của tiên tri Giona".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, thấy dân chúng từng đoàn lũ tụ tập lại, Chúa Giêsu phán rằng: "Dòng giống
này là dòng giống gian ác. Chúng đòi điềm lạ, nhưng sẽ không ban cho chúng điềm
lạ nào, ngoài điềm lạ của tiên tri Giona. Vì Giona đã nên điềm lạ cho dân thành
Ninivê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là điềm lạ cho dòng giống này như vậy. Ðến
ngày phán xét, nữ hoàng phương nam sẽ đứng lên tố cáo và lên án dòng giống này,
vì bà đã từ tận cùng trái đất mà đến nghe sự khôn ngoan của Salomon. Nhưng ở
đây còn có người hơn Salomon. Dân thành Ninivê cũng sẽ đứng lên tố cáo và lên
án dòng giống này, vì họ đã sám hối theo lời Giona giảng, nhưng ở đây còn có
người hơn Giona nữa".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Dấu Lạ Cả Thể
Thế
nào là phép lạ? Theo quan niệm thông thường, khi một sự kiện có giá trị tích cực
không thể giải thích được thì đó là phép lạ. Những người có niềm tin tôn giáo
thì cho rằng phép lạ là một sự can thiệp của Chúa. Giáo Hội Công Giáo luôn tin
có phép lạ, nhưng trong thực tế lại tỏ ra vô cùng thận trọng trong việc nhìn nhận
các phép lạ; cụ thể là những gì đã và đang xảy ra tại Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Ðức
bên Pháp: từ hơn 100 năm nay, đã có trên 2,000 trường hợp khỏi bệnh được nhiều
người xem là phép lạ, nhưng cho tới nay, Giáo Hội Công Giáo chỉ chính thức nhìn
nhận 67 vụ thực sự là phép lạ theo đúng nghĩa mà thôi.
Thế
nào là phép lạ? Thiên Chúa có còn làm phép lạ không? Ðó là những câu hỏi mà Tin
Mừng hôm nay như muốn nêu lên để chúng ta cùng suy nghĩ. Chúa Giêsu thực sự làm
nhiều phép lạ: Ngài biến nước thành rượu, Ngài nhân bánh và cá ra nhiều để nuôi
sống đám đông, Ngài chữa lành bệnh tật, Ngài làm cho kẻ chết sống lại. Tất cả
những phép lạ Chúa Giêsu thực hiện đều nhắm nói lên sứ mệnh của Ngài và Ngài
chính là Ðấng Thiên Chúa sai đến để cứu rỗi nhân loại. Một số người Do thái đã
tin nhận và đi theo Ngài, nhưng phần đông vẫn tỏ ra dửng dưng trước những lời
rao giảng của Ngài. Riêng những thành phần lãnh đạo trong dân, như nhóm Biệt
Phái, thì chẳng những không tin nhận, mà còn chống đối Ngài ra mặt; họ thách thức
nếu Ngài làm một dấu lạ cả thể thì họ mới tin nhận Ngài.
Trước
thái độ đó, Chúa Giêsu mượn hình ảnh của tiên tri Yôna để nói về Ngài. Tiên tri
Yôna đã đến Ninivê để rao giảng sự sám hối, tất cả các phép lạ của Chúa Giêsu
cũng đều nhằm nói lên sứ mệnh của Ngài và kêu gọi sám hối. Tiên tri Yôna đã ở
trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm. Giáo Hội tiên khởi đã xem đây như là một dấu
chỉ loan báo chính cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu. Như vậy, nếu có một
dấu lạ cả thể mà Chúa Giêsu thực hiện để đáp lại thách thức của những người Biệt
phái, thì dấu lạ đó không gì khác hơn là chính cái chết của Ngài; chết để nên Lời,
và Lời ấy là Lời của Yêu Thương.
Ngày
nay, không thiếu những người thách thức Thiên Chúa. Cũng như những người Biệt
phái, họ đòi Thiên Chúa phải làm một dấu lạ cụ thể nào đó, họ mới tin nhận
Ngài. Nhưng mãi mãi, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hành động như thế. Ngài mãi
mãi vẫn là Thiên Chúa Tình Yêu. Ngài đã nhập thể làm người và sống cho đến tận
cùng thân phận làm người. Cái chết trên Thập giá vốn là tuyệt đỉnh của thân phận
làm người, do đó đã trở thành dấu lạ cả thể nhất mà Thiên Chúa đã thực hiện, đó
là dấu lạ của tình yêu.
Thiên
Chúa vẫn tiếp tục bày tỏ dấu lạ cả thể ấy. Trong trái tim mỗi người, Thiên Chúa
đã đặt vào đó sức mạnh vĩ đại nhất là tình yêu. Sức mạnh ấy không ngừng nung nấu
con người; sức mạnh ấy đang được thể hiện qua những nghĩa cử mà chúng ta có thể
bắt gặp mỗi ngày. Ðó là phép lạ cả thể nhất Thiên Chúa đang tiếp tục thực hiện
trong lịch sử con người. Tình yêu vốn là sức mạnh vĩ đại nhất, nhưng thường lại
được bày tỏ qua những cử chỉ nhỏ bé và âm thầm nhất. Một nụ cười thân ái, một
cái xiết tay, một lời an ủi, một cử chỉ tử tế, một ánh mắt cảm thông và tha thứ,
đó là những cử chỉ nhỏ, nhưng lại là biểu hiện của dấu lạ cả thể nhất là tình
yêu.
Ước
gì chúng ta luôn thức tỉnh để nhận ra phép lạ Thiên Chúa vẫn tiếp tục thực hiện
trong cuộc sống chúng ta. Ước gì chúng ta cũng trở thành dấu lạ cho những người
xung quanh.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần 28 TN1
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy biết lắng nghe,
học hỏi, và rao giảng Tin Mừng.
Có
những người tuy tội lỗi, cứng đầu; nhưng họ chỉ cần Thiên Chúa cho một cơ hội,
là họ đã biết nắm lấy để sinh lợi ích cho họ và cho Thiên Chúa. Có những người
Thiên Chúa ban cho hết cơ hội này đến cơ hội khác; nhưng họ vẫn không biết lợi
dụng, lại còn đòi thêm cơ hội hay bằng chứng trước khi tin tưởng vào Ngài.
Chúng ta biết Thiên Chúa yêu thương luôn cho chúng ta nhiều cơ hội để được hưởng
ơn cứu độ; bổn phận của chúng ta là hãy biết tận dụng những cơ hội đó, đừng
khinh thường chúng, vì chúng ta không biết còn có cơ hội nữa hay không!
Các
Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm trong việc lắng nghe, học hỏi, và rao giảng Tin Mừng.
Trong Bài Đọc I, Phaolô biết lợi dụng cơ hội Đức Kitô ban cho, khi ông bị ngã
ngựa trên đường đi Damascus bách hại các tín hữu tin vào Đức Kitô. Phaolô nhận
ra ân sủng và sứ vụ của Đức Kitô trao, để rao giảng Tin Mừng đến các dân ngoại.
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu so sánh sự đáp trả hời hợt của khán giả của Ngài với
sự đáp trả nồng nhiệt và chân thành của dân thành Nineveh và nữ hoàng Phương
Nam. Mục đích của Ngài là nhắc nhở cho khán giả hãy biết lợi dụng cơ hội đang
có, trước khi phải trả giá đắt trong Ngày Phán Xét.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tin Mừng quan trọng cho cả Phaolô lẫn các tín hữu Rôma.
1.1/
Ơn gọi rao giảng Tin Mừng của Phaolô: Trình thuật hôm nay vạch ra cho chúng ta những gì
mà thánh Phaolô sẽ nói đến chi tiết trong Thư gởi tín hữu Rôma. Sáu điều quan
trọng đó là:
(1)
Phaolô là tôi tớ (doulos) của Đức Kitô: ''Tôi là Phaolô, tôi tớ của Đức Giêsu Kitô.'' Danh
xưng mà Phaolô thường gọi Đức Kitô là Thầy (Kurios) và xưng mình là người tôi tớ.
Các ngôn sứ trong lịch sử cũng nhiều lần gọi Thiên Chúa là Thầy và xưng mình là
tôi tớ (Jos 1:2, 24:29, Amo 3:7, Jer 7:25). Họ hãnh diện tuyên xưng họ là tôi tớ
của Thiên Chúa.
(2)
Ơn gọi của Phaolô: ''Tôi
được gọi làm Tông Đồ, và dành riêng để loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa.''
Trong Cựu Ước, nhiều người cũng đã đáp trả tiếng gọi của Thiên Chúa, như
Abraham (Gen 12:1-3), Moses (Exo 3:10), Isaiah (6:8-9), và Jeremiah (1:4-5).
Phaolô muốn nhấn mạnh đến ơn gọi mà Thiên Chúa muốn; chứ không phải ơn gọi mà
con người muốn.
(3)
Tin Mừng đã được loan báo bởi các ngôn sứ trong Kinh Thánh: Các tiên-tri như
Micah, Isaiah, Sophoniah, Jeremiah... đã nhiều lần tiên báo về sự xuất hiện của
Đấng Thiên Sai. Đức Kitô làm trọn những gì mà các tiên-tri loan báo.
(4)
Đức Kitô đã nhập thể: ''Đó
là Tin Mừng về Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.'' Đức Kitô vừa
là Con Thiên Chúa, vừa là con người mặc xác phàm.
(5)
Đức Kitô đã sống lại: ''Nhưng
xét như Đấng đã từ cõi chết sống lại nhờ Thánh Thần, Người đã được đặt làm Con
Thiên Chúa với tất cả quyền năng.'' Đức Kitô phục sinh vinh hiển là trọng tâm của
Tin Mừng mà Phaolô rao giảng. Nếu Đức Kitô không sống lại, đức tin của chúng ta
hóa ra vô ích.
(6)
Tin Mừng cứu độ được loan truyền cho Dân Ngoại: ''Nhờ Người, chúng tôi đã nhận
được đặc ân và chức vụ Tông Đồ, làm cho hết thảy các dân ngoại vâng phục Tin Mừng
hầu danh Người được rạng rỡ.'' Thánh Phaolô đã không hiểu điều này khi ngài bắt
bớ các tín hữu; nhưng Đức Kitô đã mặc khải điều này cho Phaolô.
1.2/
Ơn cứu độ dành cho mọi người trong thành phố Rôma: "Trong số đó,
có cả anh em, là những người đã được kêu gọi để thuộc về Đức Giêsu Kitô. Kính gửi
tất cả anh em ở Rôma, những người được Thiên Chúa yêu thương, được kêu gọi làm
dân thánh. Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, và xin Chúa Giêsu Kitô ban cho anh
em ân sủng và bình an."
Rôma
là một cộng đoàn không do Phaolô thiết lập; nhưng lại giữ một vị trí hết sức
quan trọng. Rôma sẽ trở nên trung tâm của Giáo Hội sau này; và Phaolô được Đức
Kitô báo trước ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Rôma.
2/
Phúc Âm: Đức Kitô khôn ngoan hơn vua Solomon và đáng quí trọng hơn Jonah.
2.1/
Dấu lạ Jonah cho dân thành Nineveh: Khi dân chúng tụ họp đông đảo, Đức Giêsu bắt đầu
nói: "Thế hệ này là một thế hệ gian ác; chúng xin dấu lạ. Nhưng chúng sẽ
không được thấy dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ông Jonah. Quả thật, ông Jonah đã là một
dấu lạ cho dân thành Nineveh thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho
thế hệ này như vậy.''
Đọc
Sách tiên-tri Jonah, khi Thiên Chúa truyền cho ông đi rao giảng lần thứ nhất,
ông không chịu đi và trốn Thiên Chúa đáp tàu đi xứ khác. Thiên Chúa làm cho gió
bão nổi lên và Jonah đã phải xin thủy thủ vứt ông xuống biển để tránh gió bão.
Ông bị một con cá lớn muốt vào bụng trong ba ngày ba đêm, trước khi cá mửa ông
ra và mang ông vào bờ. Chúa Giêsu muốn nói Ngài cũng cho thế hệ của Ngài một dấu
lạ như Jonah: Ngài sẽ ở trong mồ ba ngày ba đêm, và sẽ sống lại vinh hiển trong
ngày thứ ba.
Khi
Thiên Chúa truyền lần thứ hai, Jonah mới chỉ miễn cưỡng đi rao giảng cho dân
thành Nineveh mới chỉ có một ngày; thế mà toàn thành, từ vua quan đến dân chúng
và ngay cả súc vật đã ăn năn xám hối và tin vào Thiên Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu
tuyên bố: ''Trong cuộc Phán Xét, dân thành Nineveh sẽ chỗi dậy cùng với thế hệ
này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã sám hối khi nghe ông Jonah rao giảng; mà
đây thì còn hơn ông Jonah nữa.'' Chúa đã cho người đương thời với Chúa biết bao
cơ hội để nghe những lời giảng dạy của Ngài; thế mà họ vẫn lòng chai dạ đá,
không chịu ăn năn thống hối và tin vào những gì Ngài dạy bảo. Vì thế, kẻ tố cáo
họ không phải là Ngài, mà là dân thành Nineveh, vì họ chỉ có cơ hội một lần duy
nhất.
2.2/
Sự khôn ngoan của vua Solomon cho nữ hoàng Phương Nam: Đọc Sách Khôn
Ngoan, chúng ta thấy nữ hoàng Phương Nam, khi nghe sự khôn ngoan nổi tiếng của
vua Solomon, Bà đã thân hành vượt đường xa, lặn lội tới với những lễ vật triều
cống để có thể nghe trực tiếp những lời khôn ngoan phán ra từ miệng vua
Solomon. Thế mà Đức Kitô là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa đang đứng trước
mặt họ, mặc khải những sự khôn ngoan của Thiên Chúa cho họ cách nhưng không, họ
lại coi thường Ngài.
Chúa
Giêsu có ý muốn nói với khán giả của Ngài: ''Trong cuộc Phán Xét, nữ hoàng
Phương Nam sẽ đứng lên cùng với những người của thế hệ này và bà sẽ kết án họ,
vì xưa bà đã từ tận cùng trái đất đến nghe lời khôn ngoan của vua Solomon; mà
đây thì còn hơn vua Solomon nữa.'' Bà sẽ kết án họ chứ không phải Ngài; vì Bà
phải vất vả đường xa cộng với bao nhiêu tốn kém để chỉ được nghe vua Solomon
rao giảng một lần.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Hãy biết nắm lấy cơ hội khi nó tới để học hỏi và thi hành những gì Thiên Chúa dạy.
Khi cơ hội đã qua, chúng ta không biết có còn cơ hội nào khác không. Hơn nữa,
điều hạnh phúc nhất trong cuộc đời là được biết Thiên Chúa và thi hành những gì
Ngài dạy; tại sao không lợi dụng cơ hội để biết Ngài càng sớm càng tốt.
-
Chúng ta phải dành thời gian để học hỏi và thi hành những gì Đức Kitô dạy dỗ
trong Tin Mừng, vì những lời này có uy quyền mang lại hạnh phúc và ơn cứu độ
cho mọi người.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN,OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 28TN
Lc 11,29-32
A. Hạt giống...
1. Văn mạch : Ở đoạn trước (Lc 11,14-22), Thánh
Luca thuật rằng sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ cứu một người bị câm thì dân
chúng chia ra thành 3 nhóm phản ứng khác nhau : nhóm thứ nhất (đa số) tin Ngài
; nhóm thứ hai không tin, cho rằng Ngài đã làm tà thuật do dựa vào thế lực quỷ
vương Bêenzêbun, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ ; nhóm thứ ba cũng không tin, họ
đòi Ngài phải đưa ra một dấu chỉ “từ trời” chứng minh Ngài là kẻ được Thiên
Chúa sai đến. Trong đoạn này, Chúa Giêsu sẽ đưa ra dấu chỉ đó.
2. Trong Thánh Kinh, kiểu nói “Thế hệ này” có
nghĩa xấu, hàm ý nói về những người cứng tin (x. Đnl 1,30) : Đối với những
người cứng tin, Thiên Chúa sẽ chẳng cho dấu lạ nào ngoài dấu lạ Giôna. Ta biết
Giôna là một ngôn sứ ban đầu không vâng lệnh Chúa để đi rao giảng cho dân thành
Ninivê, nhưng sau khi phải bị một con cá nuốt vào bụng 3 ngày thì ông đành vâng
theo. Kết quả là toàn dân thành ấy đã hối cải. Khi nhắc chuyện Giôna, Chúa
Giêsu không nhắm đền việc ông bị cá nuốt, mà nhắm đến sự hoán cải của dân thành
Ninivê, để khuyên người do thái hãy nghe theo lời rao giảng của Ngài như dân
Ninivê xưa nghe lời Giôna
3. Câu 31-32 : Tiếp theo, Chúa Giêsu dùng hai thí
dụ (nữ hoàng phương Nam và dân Ninivê) để cho thấy Ngài biết trước người do
thái sẽ không chịu nghe lời giảng của Ngài chứ không như dân Ninivê ngày xưa đã
chịu nghe lời giảng của Giôna Bởi thế, tới ngày phán xét, tôi của họ sẽ nặng
hơn.
B.... nẩy mầm.
1. Đối với Kitô hữu : Phải chăng chúng ta cũng
chính là “thế hệ này” mà Chúa Giêsu đã trách. Chúng ta cứng lòng tin. Chúng ta
đòi thấy dấu lạ rồi mới tin. Ngày xưa chính Chúa Giêsu là một dấu lạ phô bày
hằng ngày trước mắt người do thái nhưng họ đâu có nhận ra và tin Ngài. Ngày nay
cũng có rất nhiều dấu lạ diễn ra hằng ngày : trật tự kỳ diệu của vũ trụ, bàn
tay Chúa quan phòng dẫn dắt mọi biến cố, những tác động của Chúa trong con
người v.v. Thánh Phanxicô Assisi đã nhận ra được những dấu lạ đó và đã rơi lệ
vì cảm động. Phải có cặp mắt đức tin và trái tim yêu mến mới nhận ra được những
dấu lạ ấy. Và ai nhận ra được những dấu lạ ấy thì lại càng thêm tin tưởng và
yêu mến Chúa hơn.
2. Câu đố : Một người đang chạy xe gắn máy trên
đại lộ bỗng dừng lại, vì phía trước có dấu chỉ đèn đỏ. Một người bước vào một
ngôi nhà thấy một dấu chỉ nên vội dụi tắt điếu thuốc của mình. Dấu đó thế nào ?
là hình một điếu thuốc bị gạch chéo... Trên đây là những dấu chỉ “nhân tạo”.
Ngoài ra còn những dấu chỉ “thiên nhiên tạo” nữa, thí dụ đám mây đen bỗng dưng
kéo đến là dấu báo trời sắp mưa. Loại thứ ba là những dấu chỉ nhắc ta nhớ đến
Chúa. Loại thứ tư là những dấu chỉ Chúa muốn ta làm đề nhắc người khác nhớ đến
Chúa. Đố bạn nghĩ ra một số dấu chỉ thuộc loại thứ ba và thứ tư...
3. Đối với những người quanh ta : Chúng ta còn
được mời gọi trở nên những dấu lạ cho người thời nay để giới thiệu Chúa cho họ.
“Một nụ cười, một ánh mắt cảm thông, một bàn tay nâng đỡ... phải chăng đó không
là những phép lạ mà lúc nào những người chung quanh cũng đang chờ đợi nơi chúng
ta ?” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
4. Dấu chỉ : dấu chỉ là một dấu hiệu ẩn dấu một ý
nghĩa. Tuy người ta không nghe dấu chỉ nói (vì nó không nói) nhưng người ta có
thể hiểu điều nó muốn nói khi nhìn thấy nó. Thí dụ : khi ta thấy một lá cờ cắm
trên nóc một ngôi nhà, ta hiểu nhà đó là cơ quan của nhà nước ; khi ta thấy áo
một người kia có hình chữ thập đỏ, ta hiểu người đó làm công tác y tế v.v. Vậy
thử hỏi : khi người ta nhìn tôi, có những dấu chỉ nào giúp người ta hiểu tôi là
môn đệ Chúa Giêsu không ? (Frank Mihalic)
5. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho
người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có
khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý
từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của
người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
6. “Ông Gio-na đã là một dấu lạ cho dân thành
Ni-ni-vê thế nào, thì Con Người cũng sẽ là một dấu lạ cho thế hệ này như vậy.”
(Lc 11,30)
Tôi đi tìm Thiên Chúa.
Tôi tin chắc Ngài đang hiện diện bên tôi.
Tôi kêu cầu Ngài.
Tôi chờ đợi Ngài.
Và tôi những muốn xin Ngài cho tôi một dấu lạ về
quyền năng của Thiên Chúa để có thể hoàn toàn tín thác vào Ngài. Tôi muốn được
như dân thành Ni-ni-vê xưa...Tôi đã không đủ lòng tin để hiểu rằng chính bản
thân Ngài, và lời rao giảng của ngài mới là dấu lạ tuyệt vời nhất.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm những dấu chỉ
của Thiên Chúa không để thoả mãn tính hiếu kỳ, óc tò mò, mà để canh tân và sám
hối. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
14/10/13 THỨ HAI TUẦN 28 TN
Th. Calíttô I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,29-32
Th. Calíttô I, giáo hoàng, tử đạo
Lc 11,29-32
LỜI MỜI SÁM HỐI
Trong cuộc phán xét, dân
thành Ninivê sẽ trỗi dậy cùng với thế hệ này và sẽ kết án họ, vì xưa dân ấy đã
sám hối khi nghe ông Giôna rao giảng; mà đây thì còn hơn ông Giôna nữa. (Lc 11,32)
Suy niệm: Người
Do Thái xin Chúa Giêsu cho họ dấu lạ; Ngài đưa ra hai trường hợp rất quen thuộc
đối với họ, đó là Giôna và Salômon. Có ai khôn ngoan hơn Salômon? Thế mà ở đây,
Thầy Giêsu là chính “Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa” (1Cr 1,24). Có gì lạ hơn
chuyện người nằm “trong bụng kình ngư ba ngày ba
đêm” (Gn
2,1; Mt 12,40)? Nhưng Giôna chỉ là hình ảnh tiên báo Chúa Giêsu nằm trong lòng
đất ba ngày rồi sống lại. Giôna và Salômon đã là “lạ” nhưng vẫn không “qua mặt”
được dấu lạ Giêsu. Hơn nữa, dấu lạ Giôna là lời mời gọi dân thành Ninivê sám
hối, thì dấu lạ Giêsu cũng là lời mời gọi mọi người sám hối và tin vào Tin
Mừng.
Mời Bạn: Ngày
nay, người ta vẫn “đòi” dấu lạ: nghe biết nơi nào có “chuyện lạ” thì đổ xô nhau
tìm đến, lắm khi chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ, để cầu xin cách vụ lợi chứ không
phải để củng cố lòng tin, để hoán cải cuộc sống. Quả thực, dấu lạ ở ngay trong
lòng bạn khi bạn lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy để bạn trở nên con cái Chúa; dấu
lạ vẫn diễn ra hằng trong bí tích Thánh Thể nơi Chúa Giêsu hiện diện. Mời bạn
đến với dấu lạ hàng ngày là Thầy Giêsu đang ở trong bạn và hãy làm cho Ngài lớn
lên trong bạn mỗi ngày.
Sống Lời Chúa: Tham dự thánh lễ ngày thường khi có thể và bạn
dành thời gian đến nhà thờ để thờ lạy dấu lạ Chúa Giêsu trong bí tích Thánh
Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con biết hoán cải để lòng chúng con xứng
đáng với dấu lạ Chúa ban cho chúng con.
Dấu Lạ Ông Giôna
Chắc mỗi người chúng ta ít nhiều đều trải qua kinh nghiệm gặp
một con người ngoan cố, cãi bướng, không biết phục thiện, không bao giờ có lòng
khiêm tốn đủ để nhìn nhận lỗi lầm hay sự sai trái của mình. Họ sẽ tìm đủ mọi lý
do để biện hộ, để tránh né vấn đề, để khỏi phải nhìn nhận sự thật. Trong số
những người Do Thái nghe Chúa Giêsu rao giảng và nhìn thấy tận mắt những dấu lạ
Ngài thực hiện cũng có những người ngoan cố không tin, thậm chí còn tìm cách
giải thích khác đi.
Nơi câu 14 chương 11, Phúc Âm theo thánh Luca, trong khi đã
chứng kiến tận mắt phép lạ Chúa Giêsu trừ quỉ thì có kẻ trong đám đông đưa ra
lời giải thích đầy ác ý: "Ông ấy dựa trên quỉ vương Bêendêbun, quỉ cả mà
trừ quỉ con", kẻ khác lại muốn thử Ngài nên đòi Ngài một dấu lạ từ trời.
Ðoạn Phúc Âm mà chúng ta vừa nghe đọc lại trên đây có thể được ta hiểu trong
khung cảnh sự ngoan cố không tin của những người Do Thái, nhất là của những vị
lãnh đạo đầy ác ý và ganh tị với Chúa. Chúa Giêsu nhận định về họ như sau:
"Thế hệ này là một thế hệ gian ác, chúng xin dấu lạ, nhưng chúng sẽ không
được thấy dấu lạ nào ngoài dấu lạ ông Gioan". Xin Chúa ban cho một dấu lạ
để củng cố một quyết định không phải là một điều xấu nếu ta xin bởi lòng khiêm
tốn, tin tưởng vào Chúa. Các thánh thường làm như vậy để được củng cố giữa
những thử thách. Khiêm tốn xin Chúa một dấu lạ với một tâm hồn ngay thẳng, tin
tưởng, phó thác khác với một thái độ ác ý, thách thức. Và Chúa Giêsu từ chối
chiều theo thách thức ác ý của những kẻ ngoan cố không tin.
Ðể tin nhận Chúa, cần phải thực hiện một ăn năn hoán cải,
chừa bỏ những thói hư tật xấu của mình, những ác ý của mình như dân thành
Ninivê khi nghe lời rao giảng của tiên tri Giôna ngày xưa. Vì thế mà Chúa Giêsu
nói tiếp: "Quả thực, ông Giôna là một dấu lạ cho dân thành Ninivê thế nào,
thì Con Người đây cũng sẽ làm một dấu lạ cho thế hệ này như vậy". Sự ăn
năn hối cải là bước đầu tiên cần thực hiện để đón nhận sứ điệp Tin Mừng của
Chúa, không có phương thế nào khác để thay đổi sự ngoan cố của con người, bằng
chính lời mời gọi người đó khiêm tốn hối cải, thoát ra khỏi những tật xấu và thái
độ tự mãn tự kiêu, thoát ra khỏi những ác ý của họ. Dân thành Ninivê đã được
Chúa nhắc lại để nêu gương vì họ đã tỏ ra mau mắn đáp lại lời rao giảng của
tiên tri Giôna mà ăn năn thống hối. Chúng ta hôm nay thì sao? Chúng ta có thái
độ như thế nào trước những dấu lạ Chúa thực hiện trong cuộc đời chúng ta, để
mời gọi ăn năn hối cải trở về tin nhận Chúa. Ðức tin không phải là kết luận
đương nhiên của những dấu lạ nhưng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban cho
những tâm hồn khiêm tốn, biết ăn năn hoán cải vì những lỗi lầm của mình.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho con một tinh thần khiêm tốn để có thể nhìn
thấy và hiểu được những ý nghĩa dấu lạ Chúa thực hiện trong con và quanh con để
mời gọi con canh tân đời sống, từ bỏ những ác ý trở về cùng Chúa.
Lạy Chúa,
Xin hãy thương ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, trong sạch.
Xin ban cho con đức tin. Con tin nhưng hãy thương ban ơn trợ giúp cho đức tin
còn non yếu nơi con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Đức tin và dấu lạ
Đoạn tin mừng này nhắc đến câu chuyện Giôna.
Thiên Chúa sai ông Giôna đi rao giảng cho dân thành Ninivê. Ông sợ việc đó và
đã lên tàu đi nơi khác. Biển nổi bão táp làm cho tàu sắp bị chìm. Người ta tin
rằng tại người trên tàu có tội. Họ bốc thăm và thăm trúng ông Giôna. Ông thú
tội và xin thủy thủ bỏ mình xuống biển để cứu tàu khỏi đắm. Người ta bỏ ông
xuống biển, lập tức bão yên ngay. Bấy giờ có con cá khổng lồ nuốt ông Giôna vào
bụng, giữ ông ba ngày ba đêm, rồi thả ông trên bãi biển. Ông đến Ninivê và rao
giảng. Nhờ lời giảng của ông Giôna dân thành Ninivê đã sám hối.
Chúa Giêsu nhắc đến câu chuyện Giôna ám chỉ về
cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu. Đó là một dấu lạ.
Dấu lạ là sự can thiệp của Thiên Chúa vào các sự
kiện và biến cố trong tự nhiên và trong đời sống của con người. Đức tin giúp
cho con người nhận biết và nhìn thấy sự can thiệp và hiện diện của Thiên Chúa
trong đời sống qua các sự kiện và các biến cố. Từ đó giúp con người hoán cải
đời sống của mình. Nếu không có đức tin, con người sẽ không nhận ra sự hiện
diện và can thiệp của Thiên Chúa. Không tin nên không hoán cải.
Người Do Thái trong đoạn tin mừng này không có
đức tin nên họ không nhận ra sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa. Họ
không tin nên không thấy, không thấy nên họ muốn xem dấu lạ, dấu lạ rất nhiều
nhưng họ không tin… có vẻ như họ đang sống trong vòng luẩn quẩn này vì họ không
có đức tin.
Đời sống thường ngày có rất nhiều biến cố và sự
kiện, tôi có nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa qua các biến cố và sự kiện
đó không.. Tôi đang có những tật xấu nào. Tôi có quyết tâm hoán cải đời sống
không.
Lạy Chúa, “xin nâng đỡ đức tin còn non yếu của
con”. Xin cho con có một đức tin vững mạnh để con nhận ra sự hiện diện của Chúa
qua các biến cố trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con biết đổi mới đời sống
để con sống như Chúa muốn. Amen.
Thứ Hai 14-10
Thánh Giáo Hoàng Callistus I
(c. 223?)
C
|
húng ta có được những dữ
kiện xác thực về vị thánh này là từ người thù địch với ngài, đó là Hippolytus,
vị giáo hoàng đối lập đầu tiên, sau này đã tử đạo. Nguyên tắc phủ định được áp
dụng: Nếu Callistus có làm điều gì sái quấy, chắc chắn Hippolytus sẽ nhắc đến.
Callistus là một nô lệ
trong đám gia nhân của triều đình Rôma. Ðược giao cho công việc giữ tiền của
chủ, ngài đánh mất tiền, bỏ trốn và bị bắt. Sau khi phục dịch một thời gian,
ngài được thả ra để tìm lại số tiền. Vì quá hăng say, ngài lại bị bắt vì cãi
nhau trong đền thờ người Do Thái. Lần này ngài bị đầy đi làm hầm mỏ ở Sardinia.
Sau đó ngài được thả về nhờ sự can thiệp của bà vợ bé của hoàng đế, và sống ở
Anzio.
Sau đó ngài được giao
cho công việc quản lý nghĩa trang của người Kitô ở Rôma, có lẽ đây là phần đất
đầu tiên do Giáo Hội làm chủ. Ðức giáo hoàng phong cho ngài làm phó tế, coi
ngài là bạn và là người cố vấn.
Về sau chính ngài được
bầu làm giáo hoàng với đa số phiếu của hàng giáo sĩ và giáo dân ở Rôma, và do
đó bị tấn công bởi Hippolytus, người thất cử, là người tự đặt mình là giáo
hoàng đối lập đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội. Sự phân ly này kéo dài 18 năm.
Hippolytus được kính
trọng như một vị thánh. Ngài bị lưu đầy trong thời kỳ cấm cách năm 235, và đã
hòa giải với Giáo Hội. Ngài chết vì sự tra tấn ở Sardinia. Hippolytus tấn công
Callistus về hai điểm -- học thuyết và kỷ luật. Dường như Hippolytus đã quá
đáng khi phân biệt giữa Chúa Cha và Chúa Con (hầu như hai chúa), có lẽ vì ngôn
ngữ thần học thời ấy chưa được rõ ràng. Ngài cũng kết án Callistus là quá khoan
dung, vì những lý do có thể khiến chúng ta ngạc nhiên: (1) Callistus cho phép
những người đã công khai sám hối về tội giết người, dâm dục và ngoại tình được
Rước Lễ; (2) ngài hợp thức hóa hôn nhân giữa người nô lệ và người tự do -- trái
với luật Rôma; (3) ngài cho phép truyền chức cho các ông đã lập gia đình hai
hay ba lần; (4) ngài chủ trương tội trọng không phải là lý do đầy đủ để cách
chức một giám mục; (5) ngài chủ trương chính sách khoan dung đối với những
người đã từng chối đạo trong thời kỳ bách hại.
Ðức Callistus bị tử đạo
trong cuộc nổi loạn ở Trastevere, Rôma, và là vị giáo hoàng đầu tiên (ngoại trừ
Thánh Phêrô) được coi là tử đạo trong danh sách tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.
Lời Bàn
Ðời sống của thánh nhân
cho thấy con đường lịch sử của Giáo Hội, cũng như của một tình yêu chân chính,
không bao giờ êm ả. Giáo Hội đã và đang phải trải qua những phấn đấu cam go để
xác định các mầu nhiệm đức tin trong một từ ngữ, mà tối thiểu, phân biệt được
với sự sai lầm. Về phương diện kỷ luật, Giáo Hội phải giữ được lòng thương xót
của Ðức Kitô đối với sự khắt khe, trong khi vẫn giữ được lý tưởng phúc âm khi
nói đến sự sám hối và kỷ luật tự giác. Mỗi một giáo hoàng -- đúng hơn mỗi một
Kitô Hữu -- phải đi trên con đường khó khăn giữa sự khoan hồng "hợp
lý" và sự nghiêm khắc "vừa phải".
Lời Trích
Ðức Giê-su nói về những
người thời ấy, "giống như lũ trẻ ngồi ngoài chợ nói với nhau, 'Tụi tôi
thổi sáo cho các anh, mà các anh không nhảy múa; tụi tôi hát bài đưa đám, mà
các anh không than khóc'. Vì ông Gio-an [Tẩy Giả] đến, không ăn không uống, thì
chúng bảo: 'Ông ta bị quỷ ám'. Con Người đến, ăn uống như mọi người, thì chúng
lại bảo: 'Ðây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi.'"
(Matthew 11:16b-19a).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét