Trang

Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

05-10-2013 : THỨ BẢY TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ BẢY TUẦN XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 26 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Br 4, 5-12. 27-29
"Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng".

Trích sách Tiên tri Ba-rúc.
Hỡi dân Thiên Chúa, Israel đáng ghi nhớ, hãy vững lòng. Các ngươi bị bán cho dân ngoại không phải để bị tiêu diệt, nhưng bởi các ngươi đã trêu chọc cơn thịnh nộ Thiên Chúa, nên các ngươi bị trao phó cho quân thù. Vì chưng, các ngươi đã khiêu khích Ðấng đã tạo thành các ngươi, là Thiên Chúa đời đời, các ngươi tế lễ cho ma quỷ, chớ không phải cho Thiên Chúa. Các ngươi đã bỏ quên Thiên Chúa, Ðấng đã nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đã làm phiền lòng vú nuôi các ngươi là Giêrusalem.
Nó đã chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, giáng xuống trên các ngươi, và nói rằng: "Hỡi những kẻ lân cận Sion, hãy nghe đây, vì Thiên Chúa đã đem đến cho ta cơn khóc lóc cả thể: ta đã nhìn thấy dân ta, con trai, con gái bị lưu đày do Ðấng Hằng Hữu trừng trị chúng. Ta đã vui mừng nuôi dưỡng chúng, nhưng ta đã khóc lóc phiền muộn tiễn chúng ra đi. Không một ai hân hoan cùng ta là kẻ goá bụa và âu sầu: tại tội lỗi con cái ta mà ta đã bị nhiều người lìa bỏ, vì chúng đã lánh xa lề luật Thiên Chúa.
"Các con ơi, hãy vững lòng, hãy kêu cầu cùng Chúa: vì Ðấng đã dẫn đưa các con, sẽ nhớ đến các con. Như lòng các con đã làm cho các con lạc đàng xa Thiên Chúa, thì khi ăn năn trở lại, các con sẽ tìm kiếm Người gấp mười lần. Vì Ðấng đã giáng hoạ trên các con, chính Người sẽ đem lại cho các con sự vui mừng vĩnh cửu cùng với ơn cứu độ".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 68, 33-35. 36-37
Ðáp: Chúa nghe những người cơ khổ (c. 34a).
Xướng: 1) Các bạn khiêm cung, hãy nhìn coi và hoan hỉ, các bạn tìm kiếm Chúa, lòng các bạn hãy hồi sinh: vì Chúa nghe những người cơ khổ, và không chê bỏ con dân của Người bị bắt cầm tù. Hãy ngợi khen Chúa, hỡi trời và đất, biển khơi và muôn vật sống động bên trong! - Ðáp.
2) Vì Thiên Chúa sẽ cứu độ Sion. Người sẽ tái thiết thành trì của Giuđa, tại đây người ta cư ngụ và chiếm quyền sở hữu. Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ thừa hưởng đất này, và tại đây những người yêu danh Chúa sẽ định cư. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 10, 17-24
"Các con hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, bảy mươi hai ông trở về vui mừng và nói rằng: "Thưa Thầy, nhân danh Thầy thì cả ma quỷ cũng vâng phục chúng con". Người bảo: "Ta đã thấy Satan từ trời sa xuống như luồng chớp. Này Ta đã ban cho các con quyền giày đạp rắn rết, bọ cạp, mọi quyền phép của kẻ thù, và không có gì có thể làm hại được các con. Dù vậy, các con chớ vui mừng vì các thần phải vâng phục các con; nhưng hãy vui mừng vì tên các con đã được ghi trên trời". Lúc đó, Chúa Giêsu đầy hoan lạc trong Chúa Thánh Thần, Người nói: "Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều này, nhưng đã tỏ cho những kẻ đơn sơ. Vâng, lạy Cha, đó là ý Cha đã muốn thế. - Cha Ta đã trao cho Ta mọi sự. Không ai biết Chúa Con là ai, ngoài Chúa Cha; cũng không ai biết Chúa Cha là Ðấng nào, ngoài Chúa Con, và những người được Chúa Con muốn tỏ cho biết". Rồi Chúa Giêsu quay lại phía các môn đệ và phán: "Hạnh phúc cho những con mắt được xem những điều các con xem thấy, vì chưng, Thầy bảo các con: Có nhiều tiên tri và vua chúa đã muốn xem những điều các con thấy, mà chẳng được xem, muốn nghe những điều các con nghe, mà đã chẳng được nghe".
Ðó là lời Chúa.

Suy niệm : Niềm Vui Ðích Thực

Chúa Giêsu chọn 72 môn đệ và sai họ ra đi rao giảng Tin Mừng; họ gặp nhiều chống đối, nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công. Tin Mừng hôm nay thuật lại rằng sau một thời gian ra đi rao giảng, các ông hớn hở trở về nói lên niềm vui của mình, vì đã nhờ quyền năng của Chúa mà xua trừ được ma quỉ, nhưng Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng Ngài đến là để giải phóng con người nô lệ và đưa họ tới tự do đích thực.
Giải phóng con người khỏi ách nô lệ và đưa con người vào tự do đích thực, đó là sứ mệnh mà Giáo Hội tiếp tục thực thi trong thế giới này. Chúng ta có thể nhận ra sứ mệnh ấy qua diễn văn Ðức Gioan Phaolô II đọc tại trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/10/1995. Ðức Thánh Cha ghi nhận rằng con người càng ngày càng tìm kiếm tự do và đây chính là điểm nổi bật của thời đại chúng ta. Sự tìm kiếm tự do ấy đặt nền tảng trên các quyền phổ quát của con người. Chính vì phản ứng lại những hành vi man rợ đối với phẩm giá con người, mà chỉ ba năm sau khi thành lập, Liên Hiệp Quốc đã công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Ðây là một gia sản chung của nhân loại, nó bắt nguồn từ chính bản tính của con người, trong đó có phản ánh những đòi hỏi khách quan và không thể hủy bỏ được của một luật luân lý phổ quát.
Sống theo những khát vọng cao thượng nhất của mình, con người có thể làm được những điều xem ra vượt quá khả năng của nó. Ðó là sứ điệp chúng ta có thể đọc thấy trong Tin Mừng hôm nay: các môn đệ ra đi với hai bàn tay trắng, họ không có một khí giới nào khác ngoài sự siêu thoát và niềm tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Vậy mà khi nói về những thành quả của họ, chính Chúa Giêsu đã thốt lên: "Ta đã thấy Satan như tia chớp từ trời rơi xuống". Ðó chính là sức mạnh của những người mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn.
Ngày nay, người Kitô hữu cũng có thể thực hiện được những điều cả thể ấy nếu họ cũng biết trang bị cho mình một niềm tin vào quyền năng của Chúa, nhất là nếu họ biết sống theo những khát vọng cao thượng nhất của con người. Những khát vọng đó là gì, nếu không phải là tự do, công bằng, bác ái, liên đới. Nếu họ thực sự sống theo những khát vọng thâm sâu ấy và sống tín thác nơi Thiên Chúa ngay cả khi gặp thất bại khổ đau, lúc đó họ mới có thể hưởng được niềm vui đích thực mà các môn đệ Chúa Giêsu đã bày tỏ khi gặp lại Ngài.
Ước gì mỗi người chúng ta luôn nếm được niềm vui đích thực ấy trong cuộc sống hằng ngày.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 26 TN1
Bài đọc: Bar 4:5-12, 27-29; Lc 10:17-24.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy học hỏi nơi Kinh Thánh để hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời.

Trong vũ trụ có quá nhiều bí nhiệm: có những bí nhiệm con người cần phải học hỏi và cần thời gian để nhận ra, như trái đất xoay chung quanh mặt trời, các định luật về chuyển động của Newton; nhưng cũng có những mầu nhiệm con người không thể hiểu nổi nếu Thiên Chúa không mặc khải, như mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, Ngôi Hai Cứu Chuộc, hai bản thể của Đức Kitô... Khi con người không hiểu hay chưa hiểu, các mầu nhiệm tự nó vẫn có trong vũ trụ; chứ không phải chỉ khi con người hiểu biết, các mầu nhiệm mới bắt đầu có.

Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Baruch muốn con cái Israel hiểu biết về mầu nhiệm đau khổ: khi Thiên Chúa để quân thù tiêu diệt quốc gia, phá hủy Đền Thờ, và mang dân chúng lưu đày, không phải vì Ngài không thương dân, không phải vì Ngài không có quyền để cứu dân; nhưng là để dân có cơ hội nhận ra tội lỗi của mình và ăn năn trở lại với Thiên Chúa. Nếu không có đau khổ, con cái Israel sẽ không nhận ra tình thương Thiên Chúa, sẽ sống xa Ngài, và sẽ phải chịu đau khổ đời đời. Trong Phúc Âm, các môn đệ vui mừng khi thấy mình có uy quyền chữa lành và khuất phục ma quỷ; Chúa Giêsu muốn hướng lòng các ông về mầu nhiệm Nước Trời. Các ông nên vui mừng hơn vì các ông đã hiểu được mầu nhiệm Nước Trời, và tên các ông được ghi trên trời.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy cố gắng hiểu mầu nhiệm đau khổ trong cuộc đời.

1.1/ Tại sao con cái Israel bị lưu đày? Lưu đày là cơ hội cho con cái Israel nhận ra hai điều:

(1) Tội của họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa: Tiên-tri Baruch nêu rõ lý do của lưu đày: "Các ngươi có bị trao cho quân thù âu cũng vì đã chọc giận Thiên Chúa. Quả thật, khi tế lễ cho ma quỷ thay vì cho Thiên Chúa, các ngươi đã khiêu khích Đấng tạo dựng nên mình." Thiên Chúa để những đau khổ xảy ra không phải vì Ngài không yêu thương họ; nhưng để họ nhận ra những tội lỗi họ đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Tiên-tri Baruch cũng như các tiên-tri khác khuyên dân chúng để họ đừng thất vọng, đánh mất niềm tin nơi Thiên Chúa; nhưng biết nhận ra tội lỗi và ăn năn trở lại: ''Can đảm lên nào, hỡi dân Ta! Hỡi những kẻ mang danh Israel! Các ngươi có bị bán cho dân ngoại, không phải là để bị diệt vong.''

(2) Tình thương Thiên Chúa dành cho họ: Thiên Chúa sửa phạt dân chúng không phải vì ghét bỏ họ; ngược lại, Ngài sửa dạy vì Ngài yêu thương họ. Tiên-tri Baruch ví Thiên Chúa như một người Cha và Jerusalem như một người mẹ, phải đau khổ thế nào khi phải sửa phạt con cái mình: ''Thiên Chúa vĩnh cửu, Đấng nuôi dưỡng các ngươi, các ngươi đành quên lãng; còn Jerusalem, mẹ sinh thành các ngươi, các ngươi làm cho mẹ phải buồn sầu; buồn vì chứng kiến cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên đoàn con, và mẹ đã than thở: Hãy nghe đây, các thành lân cận của Sion, Thiên Chúa đã giáng xuống trên tôi một nỗi buồn thê thảm.''

1.2/ Phải nỗ lực quay trở về với Thiên Chúa: Một khi con cái Israel đã nhận ra tội lỗi của họ, họ cần phải quay về với tình yêu Thiên Chúa và với tình mẹ Jerusalem: ''Các con ơi, can đảm lên nào! Hãy cứ kêu lên cùng Thiên Chúa, vì Đấng đã giáng hoạ sẽ lại nhớ đến các con. Xưa các con chỉ nghĩ đến chuyện xa lìa Thiên Chúa, thì một khi trở về, các con phải nỗ lực gấp mười mà tìm kiếm Chúa. Vì Đấng đã giáng hoạ xuống các con, chính Người sẽ giải thoát mà ban cho các con niềm vui vĩnh cửu.'' Đau khổ chỉ dành cho những đứa con chưa nhận ra tình yêu Thiên Chúa, tình yêu cha mẹ, và tình yêu của những người chung quanh; một khi con người đã hiểu biết và sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa và với tha nhân, đau khổ không còn cần thiết nữa.

2/ Phúc Âm: Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn.

2.1/ Vui mừng thực sự vì tên anh em đã được ghi trên trời: Nhóm Bảy Mươi (Hai) trở về, tường thuật những gì họ đã thực hiện, và hớn hở nói với Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con."

Phản ứng lạc quan và vui mừng của các môn đệ khi thành công là điều có thể hiểu được; nhưng Chúa Giêsu cảnh cáo các ông phải đề phòng sự lạc quan này: "Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống. Đây, Thầy đã ban cho anh em quyền năng để đạp lên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời."
Chúa Giêsu chỉ rõ cho các ông thấy đâu là lý do chính của sự vui mừng, vì các ông được bảo đảm phần rỗi linh hồn. Tự hào về những thành công theo cách thức thế gian rất nguy hiểm, vì Satan có thể dùng tính tự hào này mà phá hủy công trình của Thiên Chúa và kéo các ông xa Chúa.

2.2/ Mầu nhiệm Nước Trời chỉ được hiểu bởi những kẻ bé mọn: Trình thuật kể: ''Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: "Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết người Con là ai, trừ Chúa Cha, cũng như không ai biết Chúa Cha là ai, trừ người Con, và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.""

(1) Bé mọn là điều kiện cần thiết để hiểu mầu nhiệm: Danh từ "bé mọn" không chỉ được dùng để chỉ trẻ thơ, mà còn chỉ những người chưa có kinh nghiệm nhiều trên đời. Khác với quan niệm của người thế gian cho rằng phải khôn ngoan thông thái để hiểu biết những điều kỳ diệu trong trời đất; Chúa Giêsu đòi khán giả của Ngài phải có lòng khiêm nhường, cởi mở, và theo sự hướng dẫn của Thánh Thần để hiểu các mầu nhiệm. Một tâm hồn kiêu ngạo, khép kín, và chỉ tin nơi trí tuệ của mình sẽ không thể hiểu được những mầu nhiệm của Thiên Chúa.

(2) Người khôn ngoan thông thái không nhận ra: Nhiều người có thể dựa vào lời Chúa Giêsu nói ở đây để biện hộ cho Thuyết Tiền Định; vì nếu Chúa giấu hay Chúa không mặc khải, làm sao con người có thể biết được. Chúng ta biết đây chỉ là một lối nói của người Do-thái, khi họ quy định mọi sự về cho Thiên Chúa. Chúa rao giảng Tin Mừng là cho tất cả mọi người; nhưng không phải mọi khán giả đều hiểu được những gì Chúa nói. Dụ ngôn Người Gieo Giống là một điển hình; nếu khán giả không chịu dọn dẹp, chuẩn bị tinh thần đón nhận Lời Chúa, làm sao họ có thể hiểu và sinh lợi ích được?

(3) Không phải mọi người đều có cơ hội như các môn đệ: Rồi Đức Giêsu quay lại với các môn đệ và bảo riêng: "Phúc thay mắt nào được thấy điều anh em thấy! Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết: nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe." Các môn đệ được may mắn sống đồng thời với Chúa, nhưng chúng ta cũng được may mắn nghe những gì các thánh ký tường thuật. Nếu Chúa cho nhiều, Ngài cũng đòi lại nhiều.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta cần khiêm nhường học hỏi để hiểu biết những mầu nhiệm trong trời đất. Một thái độ kiêu hãnh sẽ ngăn cản chúng ta trong việc hiểu biết những mầu nhiệm của Thiên Chúa.

- Hiểu biết mầu nhiệm mới chỉ là bước đầu, chúng ta cần phải sống theo mầu nhiệm mặc khải, chúng mới sinh lợi ích cho cuộc đời chúng ta.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 26–

"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)


Lc 10,17-24

A. Hạt giống...
1. Sau một thời gian đi truyền giáo trở về, các môn đệ vui mừng kể lại cho Chúa Giêsu nghe những thành công của mình. Nhân dịp này Đức Giêsu nhận xét về kết quả ấy của họ : Ngài chia vui với họ vì những thành công ấy. Nhưng Ngài cho biết họ càng nên vui mừng hơn vì Thiên Chúa đã coi họ là công dân của Nước Trời (“tên các con được ghi trên trời”)
2. Chúa Giêsu lại liên tưởng đến những kẻ không đón nhận Tin Mừng vì lòng trí họ kiêu căng tự mãn. Những người này khác hẳn với những tâm hồn đơn sơ bé mọn đã đón nhận Tin Mừng do các môn đệ rao giảng. Và Ngài cảm tạ Chúa Cha về việc đó.

B.... nẩy mầm.
1. “Các con chớ vui mừng vì các tà thần phải vâng phục các con, nhưng hãy vui mừng vì tên các con được ghi trên trời” : sau những thành công trong công tác mục vụ hoặc truyền giáo, tôi cũng rất vui. Tôi vui vì những thành công đó, tôi vui vì được người ta khen ngợi, tôi vui vì đã phục vụ… Chúa Giêsu nhắc tôi một niềm vui lớn hơn gấp bội : vui vì được kể là công dân Nước Chúa, vui vì được làm cộng sự viên của Chúa, vui vì hạnh phúc vĩnh viễn mai sau.
2. “Con xưng tụng Cha vì đã dấu không cho những người thông thái khôn ngoan biết những điều ấy…” : Tôi cũng xưng tụng cảm tạ Thiên Chúa vì đã ban cho tôi được đức tin, được biết Chúa. Nhiều người thông thái khôn ngoan hơn tôi đã không được những ơn này. Đức tin là một ơn ban chứ không phải là thành quả của công lao con người.
3. “… nhưng đã tỏ ra cho những kẻ đơn sơ” : xin cho con càng ngày càng đơn sơ hơn nữa : đơn sơ với Chúa, đơn sơ với lương tâm con và đơn sơ với mọi người, vì đơn sơ là điều kiện thuận lợi con được Chúa dạy bảo và ban ơn.
4. “Quả vậy, Thầy bảo cho anh em biết : nhiều ngôn sứ và nhiều vua Chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, muốn nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Lc 10,24)
Môsê, Đavít, Êlia tất cả đều sống trong sự chờ đợi. Chờ đợi lời Thiên Chúa hứa ban Con của Ngài đến được thực hiện. Họ mong được nhìn thấy Con Thiên Chúa, mong được nghe Ngài giảng dạy về Nước Trời.
Các tông đồ đã sống, đã đồng hành với Ngài trên mọi nẻo đường. được Ngài dạy dỗ, được sai đi rao giảng Nước Trời. Các ông đã được thấy phép lạ Người làm. Được nghe Ngài nói về Chúa Cha và Nước Trời, nhưng các ông vẫn sống trong hoài nghi cho đến khi Ngài chỗi dậy từ cõi chết.
Ngày nay, Ngài cũng nói với tôi mỗi ngày qua Tin Mừng, qua anh em tôi. Tôi vẫn thấy Ngài bị treo thánh giá, nơi những người cùng khổ, những người bị áp bức bất công, nơi những tâm hồn thống hối trở về. Tôi đã thấy Ngài sống lại vinh quang và những phép lạ Ngài làm trong cuộc sống quanh tôi. Tôi có thấy mình hạnh phúc hơn các ngôn sứ, các vua Chúa, các tông đồ không ? Hay tôi cũng là môn đệ của chủ nghĩa hoài nghi ?
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết vui mừng và tin vào những gì Ngài đã làm cho con cũng như nói với con hằng ngày. (Hosanna)

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

05/10/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 26 TN
Lc 10,17-24

HẠNH PHÚC TRONG NƯỚC CHÚA
“Quả thật, Thầy bảo cho anh em biết, nhiều ngôn sứ và nhiều vua chúa đã muốn thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, muốn nghe những điều anh em nghe mà không được nghe.” (Lc 10,24)
Suy niệm: Trong cuộc sống, có những người, có những sự việc quanh ta coi bộ rất tầm thường, chỉ khi chúng bị mất đi rồi chúng ta mới thấy quý giá, mới thấy tiếc. Thế nhưng hối tiếc lúc đó thì đã muộn màng, không lấy lại được nữa. Chúa Giêsu hôm nay nhắc nhở các môn đệ biết quý trọng diễm phúc các ông đang có là được trực tiếp đón nhận Đấng cứu độ mà dân Do Thái bấy lâu mong chờ. Lời Chúa cũng đồng thời ngầm chứa lời cảnh báo để họ khỏi phải hối tiếc “vì không nhận biết giờ được Thiên Chúa viếng thăm” (Lc 19,44).
Mời Bạn: Có những điều chúng ta đang tận hưởng mỗi ngày như khí trời, xem ra thật tầm thường nhưng lại không thể thiếu cho cuộc sống của chúng ta. Biết bao quà tặng quý giá mà Chúa ban cho ta dư dật, thế nhưng chúng ta lại coi thường, không quý trọng, gìn giữ và nhất là không biết tạ ơn Chúa đã ban cho ta những điều thiện hảo đó. Hơn thế nữa, chính Chúa Kitô đích thân hiện diện nơi bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, là quà tặng cao trọng trao ban “miễn phí” cho ta, thế mà biết bao người, kể cả nhiều Kitô hữu, vẫn thờ ơ không nhận ra mình đang được diễm phúc vì có Chúa ở cùng. Phần bạn, bạn có thấy mình thật diễm phúc vì được biết Chúa, tin Chúa và được làm con cái Ngài không? Bạn hãy trân trọng gìn giữ và rồi hãy đem chia sẻ hạnh phúc lớn lao này cho nhiều người khác nữa.
Sống Lời Chúa: Sớm tối mỗi ngày bạn cảm tạ Chúa vì những ơn lành hồn xác bạn nhận được từ nơi Chúa.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mến.

Vui mừng theo Thầy
Ngay giờ ấy được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói: “Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã dấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết ngững điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha.” (Lc. 10, 21)
Mặc dầu gặp những thất bại trên đường truyền giáo, các ông được Đức Kitô sai đi, đã trở về vui mừng vì tổng kết những kết quả không thể bỏ qua. Như những cậu bé sung sướng, các ông kể lại với Thầy: “Nhân danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con”. Điều đó làm các ông xúc động mạnh. Đức Giêsu đã cho các ông hiểu chính Người đã hành động trong lúc các ông truyền giáo. Trong cầu nguyện Người đã thấy Sa-tan, kẻ thù, đã từ trời rơi xuống như chớp. “Đây Thầy đã ban cho anh em quyền năng giày đạp rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực kẻ thù mà chẳng có gì làm hại được anh em. Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng Thầy vui mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời”.
Như vậy, Đức Giêsu đã làm lắng dịu niềm vui của các môn đệ đi một chút. Điều quan trọng không phải khuất phục được quỷ thần và những thành công khác, nhưng chính là nhiều người đã đón nhận lời Chúa và được ơn cứu độ nhờ các ông, đây mới là điều đáng kể trước mặt Thiên Chúa. Các Tông Đồ đã được đẹp lòng Chúa Cha, Đấng ngự trên trời cao.
Trước công việc tốt lành các bạn hữu đã làm, Đức Kitô không thể ngăn cản được niềm hoan lạc trong Thánh Thần. Và Người đã cảm tạ Chúa Cha đã tỏ những mầu nhiệm cho những kẻ bé mọn mà không tỏ cho những người khôn ngoan thông thái.
Những nhà truyền giáo của Người là những kẻ nghèo khó và khiêm tốn hèn mọn. Người đã chọn các ông từ một giai cấp tầm thường họ không có bằng cấp gì, không phải hạng trí thức, không phải hạng danh tiếng, phần lớn là những người ngư dân chất phát. Vậy không phải kiến thức của họ có thể làm choáng mắt thính giả, nhưng chính đức tin sống động của họ và chân lý của sứ điệp Tin Mừng mà Đức Kitô đã trao phó cho họ.
Giáo Hội sơ khai được đặc ân thay Chúa, như là những dụng cụ truyền giáo, nhưng tất cả những thứ đó đều không thích hợp, không tương xứng với lý trí loài người. Những tiêu chuẩn đánh giá trị của Thiên Chúa không như chúng ta tưởng. Để nhận biết Chúa Cha cũng như nhận biết Chúa Con, những bằng cấp tiến sĩ không cần thiết, dù đôi khi có giúp ích. Chiều dài lịch sư Giáo Hội đã chứng tỏ điều đó. Những cái đầu nhồi nhét đầy, nhưng quá chắc không nhất thiết đạt tới ánh sáng Thiên Chúa. Chúng không có một ki-lô nào đối với những đầu óc bé nhỏ.
GF.


Suy niệm

Các môn đệ trở về sau khi ra đi loan báo Tin Mừng, lòng đầy hớn hở vui mừng vì thành quả đã đạt được. Nhưng Chúa bảo các ngài chớ vội mừng về những thành quả đó. Vì sao vậy? Có thể Chúa chưa hoàn thành sứ mạng cứu chuộc nhân loại mà Thiên Chúa Cha giao phó nên quyền lực ma quỷ và sự dữ vẫn còn hoành hành thế gian; cũng có thể Chúa không muốn các môn đệ tự cao tự mãn về những gì các ngài làm được. Chúa muốn các ngài hãy vui mừng vì phần thưởng dành cho các ngài ở trên trời.
Thật vậy! Quê thật của chúng ta, đích điểm của cuộc đời chúng ta là ở Nước Thiên Đàng. Cuộc sống ở trần gian chỉ là một cuộc lữ hành. Cho dù ở trần gian này có hạnh phúc thế nào đi nữa, rồi cũng sẽ qua, của cải vật chất có nhiều bao nhiêu, tất cả cũng sẽ hết khi ta nhắm mắt xuôi tay. Của cải trần gian chỉ là phương tiện cho ta sử dụng, ta phải sử dụng làm sao để đạt được Nước Trời mai sau.
Tất cả những điều trên, không phải ai cũng hiểu được. Chỉ những ai có tâm hồn đơn sơ bé nhỏ mới hiểu được những mạc khải của Thiên Chúa. Không phải Thiên Chúa không mạc khải cho những nhà thông thái, nhưng vì họ tự cho họ hiểu biết hết mọi sự, họ không cần ai dạy bảo và hướng dẫn. Ơn Thiên Chúa ban giống như mưa từ trời, ai biết đem đồ ra hứng thì mới lấy được nước mưa. Một ly nước đã đầy làm sao có thể đổ thêm nước vào nữa, có đổ vào thì nó cũng tràn ra ngoài; tâm hồn của một người đã bị lấp đầy những sự hiểu biết thế gian và đầu óc con người bị nhét đầy bởi tính tự cao tự mãn thì làm sao hiểu được những điều cao siêu mà Thiên Chúa mạc khải.
Các môn đệ là những người có phúc. Vì các môn đệ đang sống với Chúa, lắng nghe những lời giáo huấn của Chúa. Chúa Giê-su chính là mạc khải cuối cùng và là mạc khải trọn vẹn của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Điều mà các ngôn sứ và vua chúa thời xưa hằng mong ước. Ngày xưa, trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa mạc khải cho dân Ít-ra-en qua các ngôn sứ, các ngôn sứ chỉ loan báo Đấng Cứu Thế là Chúa Giê-su sẽ xuất hiện trong tương lai và các ngài hằng ao ước Đấng Cứu Thế sẽ đến vào thời các ngài. Nhưng mơ ước cũng chỉ là ước mơ.
Phúc của các môn đệ cũng là phúc của mỗi người chúng ta. Ngày hôm nay chúng ta sống trong thời Tân Ước, chúng ta không còn phải chờ đợi một mạc khải nào nữa từ Thiên Chúa. Chính Chúa Giê-su đã đến, Người chính là mạc khải trọn vẹn và cuối cùng của Thiên Chúa và Người đã mạc khải Thiên Chúa cho chúng ta, như có lần Người đã từng phán: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.  Thế mà nhiều khi chúng ta lại còn đi tìm kiếm những mạc khải khác, chúng ta tin vào những ma thuật bói toán, những tiên đoán này, nọ vì niềm tin của chúng ta đặt nơi Thiên Chúa chưa thật vững mạnh.
Lạy Chúa, xin Người củng cố và gia tăng thêm lòng tin cho chúng con, để chúng con cảm thấy hạnh phúc được gọi Thiên Chúa là Cha, cảm nhận Chúa thật gần gũi và luôn hiện diện với chúng con trong cuộc sống hằng ngày.
Còn gì hơn, khi chúng con được nghe chính Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, được chính Chúa nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự thánh lễ, điều mà bao người mơ ước mà không được. Xin Chúa cũng soi lòng mở trí giúp chúng con hiểu rằng cuộc sống ở trần gian này chỉ là tạm bợ, chóng qua, đích điểm và mục đích cuối cùng của chúng con chính là phần thưởng Nước Trời, để chúng con luôn biết sống  theo thánh ý Chúa.
Lm. Seoka


Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 05-10
Br 4,5-12.27-29; Lc 10,17-24


LỜI SUY NIỆM: “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, những hãy mừng vì tên anh em đã được ghi trên trời.” (Lc 10,20)

Chúa Giêsu đang nhắc cho mỗi người trong chúng ta biết điều quan trọng của cuộc sống của chúng ta là được ghi tên mình trên Nước Trời. Bởi mọi sự, mọi việc làm trên cuộc đời này của chúng ta được có giá trị trước mặt Chúa hay là không; chứ không phải là những thành quả được con người ở trần thế này ca tụng. Hãy vững tin vào Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Như trong Sách ngôn sứ Ba-rúc: “Vì Đấng giáng họa xuống các con, chính Người sẽ giải thoát mà ban cho các con niềm vui vĩnh cửu. (Br 4,29)


Mạnh Phương


05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật

Hằng năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".

Ðã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.

Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.


(Lẽ Sống)

Thứ Bẩy 5-10
Chân Phước Phanxicô Xaviê Seelos
(1819-1867)

Nhiệt huyết của một nhà thuyết giảng và hăng say của một cha giải tội đã đưa đẩy Cha Seelos đến các công việc đầy tình thương.
Sinh ở miền nam nước Bavaria, ngài học triết thần ở Munich. Khi nghe biết về công việc của các Cha Dòng Chúa Cứu Thế người Ðức ở Hoa Kỳ, ngài đã đến quê hương này vào năm 1843. Ðược thụ phong linh mục vào cuối năm 1844, ngài được bổ nhiệm về giáo xứ Thánh Philomena ở Pittburgh trong sáu năm, và là phụ tá cho Cha Gioan Neuman (được phong thánh và lễ kính ngày 5 tháng Giêng). Ba năm sau đó, Cha Seelos làm giám đốc cho chính cộng đoàn này và bắt đầu việc trông coi đệ tử.
Cùng với trách nhiệm trông coi đệ tử viện, ngài còn hoạt động ở giáo xứ vùng Maryland. Trong thời Nội Chiến, ngài đến Hoa Thịnh Ðốn, D.C., và thành công trong việc thuyết phục Tổng Thống Lincoln đừng bắt các chủng sinh phải nhập ngũ.
Trong một vài năm ngài đi rao giảng bằng tiếng Anh và tiếng Ðức trong khắp vùng Trung Tây và các tiểu bang vùng Ðông Bắc Hoa Kỳ. Ðược bổ nhiệm đến Giáo Xứ Thánh Maria Hồn Xác Lên Trời ở New Orleans, ngài hăng say phục vụ giáo dân cũng như anh em trong dòng. Vào năm 1867, khi đi thăm kẻ liệt, ngài bị lây bệnh và chết vì bệnh sốt rét vàng da. Ngài được phong chân phước năm 2000.
Lời Bàn
Cha Seelos làm việc ở nhiều nơi khác nhau nhưng luôn luôn với cùng một nhiệt huyết: giúp dân chúng biết đến tình yêu cứu độ và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Cha đã rao giảng về công việc bác ái và sau đó chính ngài đã bắt tay thi hành, dù nguy hiểm đến tính mạng.
Lời Trích
"Với những người bị bỏ rơi và lạc lối, ngài đã rao giảng tin mừng của Ðức Giêsu Kitô, là 'nguồn mạch ơn cứu độ vĩnh cửu' (Do Thái 5:9), và trong khi giải tội ngài đã thuyết phục nhiều người trở về với Thiên Chúa. Ngày nay, Chân Phước Phanxicô Xaviê Seelos mời gọi mọi phần tử trong Giáo Hội hãy kết hợp mật thiết hơn với Ðức Kitô trong Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể (Ðức Gioan Phaolô II, bài giảng lễ phong chân phước).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét