THỨ TƯ 09/10/2013
Thứ Tư Tuần XXVII
Mùa Thường Niên Năm lẻ
BÀI ĐỌC I: Gn 4, 1-11
"Ngươi buồn bực
vì dây dưa, chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn
sao?"
Trích
sách Tiên tri Giona.
Ông
Giona buồn bực quá sức và giận dữ, ông cầu nguyện cùng Chúa rằng: "Lạy
Chúa, chớ thì chẳng phải như lời con đã cầu xin khi con còn ở quê nhà con sao?
Bởi đó con lo trốn sang Tharsê: vì con biết Chúa là Thiên Chúa khoan nhân, từ
bi, nhẫn nhục, đầy tình thương và tha thứ tội ác. Lạy Chúa, giờ đây xin Chúa cất
linh hồn con ra khỏi con, vì thà con chết còn hơn là sống". Chúa liền hỏi
rằng: "Ngươi có nghĩ là ngươi giận đúng không?"
Ông
Giona ra khỏi thành phố và ngồi ở phía đông thành phố; ông tự dựng một cái lều,
và ngồi dưới bóng nó, chờ xem biến cố sẽ xảy ra trong thành. Chúa là Thiên Chúa
khiến một dây dưa mọc lên khỏi đầu ông Giona, rợp bóng trên đầu ông, che mát
cho ông (vì ông mệt mỏi); nhờ dây dưa đó, ông Giona rất hân hoan vui mừng. Sáng
sớm hôm sau, Thiên Chúa khiến một con sâu cắn dây dưa, và nó ra khô héo. Khi mặt
trời mọc lên, Chúa khiến cơn gió nóng thổi lên và mặt trời giọi xuống đầu ông
Giona, ông nóng nực và xin cho mình chết mà rằng: "Thà con chết đi còn hơn
là sống".
Chúa
phán cùng ông Giona rằng: "Ngươi có nghĩ ngươi giận vì dây dưa là đúng
không?" Ông thưa: "Đúng, con giận cho đến chết (đi được!)" Chúa
phán: "Ngươi buồn bực vì dây dưa mà ngươi không mất công vun trồng, không
làm cho nó mọc lên, đêm nay nó mọc lên và đêm sau nó khô héo. Chớ thì Ta không
tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi
ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật
sao?" Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 85, 3-4. 5-6. 9-10
Đáp: Lạy Chúa, Chúa chậm
bất bình và rất mực khoan dung (c. 15b).
1)
Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, xin thương con, vì con ân cần kêu van
Ngài. Nguyện cho bầy tôi Chúa được hân hoan, vì lạy Chúa, con vươn hồn lên tới
Chúa.
2)
Lạy Chúa, vì Chúa nhân hậu và khoan dung, giầu lượng từ bi với những ai kêu cầu
Chúa. Lạy Chúa, xin nghe lời con khẩn nguyện, và quan tâm đến tiếng con van
nài.
3)
Các dân tộc mà Chúa tạo thành, họ sẽ tới, lạy Chúa, họ sẽ thờ lạy Ngài, và họ sẽ
ca tụng danh Ngài. Vì Ngài cao cả và làm nên những điều kỳ diệu; duy một mình
Ngài là Thiên Chúa.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia,
alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Lc 11, 1-4
"Lạy Thầy, xin
dạy chúng con cầu nguyện".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày
kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ
thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy
môn đệ ông". Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:
"Lạy
Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. Xin Cha cho chúng con hôm nay
lương thực hằng ngày. Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ
chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ' ". Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Ý Nghĩa Của
Kinh Lạy Cha
Chúng
ta không đi sâu vào chi tiết chú giải kinh Lạy Cha, cũng không muốn tìm hiểu tại
sao lời kinh Lạy Cha được Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ lại được ghi lại một
cách khác nhau nơi Phúc Âm Mátthêu chương 6 và Phúc Âm Luca chương 11 và được
Giáo Hội trình bày cho chúng ta trong lời suy niệm hôm nay. Chúng ta hãy nhớ đến
ý nghĩa kinh Lạy Cha như là một bản tóm kết trọn vẹn cả Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô, bản tóm gọn khoa thần học, một bản giáo lý về đời sống Kitô. Chúng ta cần
khám phá kinh Lạy Cha, đây là trường dạy ta cầu nguyện và hãy cầu nguyện kinh Lạy
Cha với tâm trí chìm sâu trong chiêm niệm, để mỗi ngày chúng ta được hiểu thêm
về mầu nhiệm Thiên Chúa trong cuộc đối thoại Cha con, trong thái độ tín thác
hoàn toàn vào Thiên Chúa và với con tim rộng mở để tha thứ cho anh chị em và
đón nhận mọi người như anh chị em mình trong cùng một đại gia đình của Thiên
Chúa. Ðối với người Do Thái thời Chúa Giêsu, việc đối thoại với Thiên Chúa và gọi
Ngài là Cha trong ý nghĩa Chúa Giêsu muốn cho các môn đệ Người hiểu, thì đó là
một việc làm táo bạo và xúc phạm đến uy linh Thiên Chúa. Nếu không có lời Chúa
Giêsu dạy để cầu nguyện như vậy, có lẽ con người phàm trần chúng ta không dám cất
tiếng gọi Thiên Chúa là Cha như vậy.
Cầu
nguyện với Thiên Chúa là Cha theo ý Chúa Giêsu muốn qua lời kinh Lạy Cha là một
việc làm hết sức mới mẻ và đồng thời cũng hết sức đòi hỏi. Thói quen chúng ta đọc
kinh Lạy Cha quá thường, làm cho chúng ta mất đi ý thức về sự mới mẻ và về đòi
hỏi quan trọng đối với Thiên Chúa cũng như đối với anh chị em. Ðối với Thiên
Chúa, mọi đồ đệ cần phải tôn vinh Ngài và vâng phục thánh ý Ngài. Ðối với anh
chị em, người đồ đệ Chúa không thể nào tránh né bổn phận tha thứ như Chúa đã
tha thứ. Chúng ta hãy ý thức lại để cho sự mới mẻ này đòi hỏi kinh Lạy Cha thấm
nhập sâu vào con người chúng ta và hướng dẫn mọi hoạt động lớn nhỏ hàng ngày của
người Kitô chúng ta.
Lạy
Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến.
Xin
hãy ban ơn xuống trên chúng con tràn đầy Thánh Thần Chúa để chúng con có thể sống
vâng phục thánh ý Cha dưới đất cũng như trên trời, như Chúa Giêsu, Con Cha đã
nêu gương cho đến hy sinh mạng sống mình trên thập giá để cứu rỗi nhân loại
chúng con. Xin Cha tha thứ những lầm lỗi của chúng con và ban ơn giúp chúng con
thật lòng tha thứ cho nhau noi theo mẫu gương nhân từ tha thứ của Cha. Xin Cha
gìn giữ chúng con luôn trung thành trong đức tin, ban cho chúng con sức mạnh để
đừng sa vào chước cám dỗ, đừng sống nô lệ thần dữ và tội lỗi.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 27 TN1,
Năm lẻ.
Bài đọc: Jon
4:1-11; Lk 11:1-4.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết xin cho
đúng khi cầu nguyện.
Nhiều
tín hữu không biết cách cầu nguyện; nên thường không được Thiên Chúa nhậm lời
khi họ cầu nguyện, nói như lời thánh Giacôbê: "Anh em xin mà không được,
vì anh em xin không đúng."
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nhắc nhở con người không thể ích kỷ để chỉ biết lo lắng và
cầu nguyện cho bản thân; nhưng phải để ý đến nhu cầu của Thiên Chúa và của mọi
người. Trong Bài Đọc I, Jonah tức giận với Thiên Chúa vì Ngài không tiêu diệt
dân thành Nineveh và làm cho cây thầu dầu đang cho ông bóng mát phải chết; nên
ông xin Thiên Chúa lấy mạng sống ông đi. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy các môn
đệ phải cầu nguyện làm sao cho đúng. Họ phải chú ý trước tiên tới việc làm cho
danh Chúa được nhiều người biết đến và triều đại của Ngài mau tới. Sau đó mới tới
việc xin các nhu cầu cá nhân của mình.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ông Jonah nổi giận với Thiên Chúa, với tha nhân, và với sinh vật.
1.1/
Jonah tức giận với Thiên Chúa vì Ngài đã không tiêu diệt dân thành Nineveh: Ông Jonah bực lắm,
và ông nổi giận. Ông cầu nguyện với Đức Chúa và nói: "Ôi, lạy Đức Chúa, đó
chẳng phải là điều con đã nói khi còn ở quê nhà sao? Chính vì thế mà con đã vội
vàng trốn đi Tarsis. Thật vậy, con biết rằng Ngài là Thiên Chúa từ bi nhân hậu,
chậm giận và giàu tình thương, và không muốn điều dữ xảy ra. Giờ đây, lạy Đức
Chúa, xin Ngài lấy mạng sống con đi, vì thà con chết còn hơn là sống!"
(1)
Jonah tức giận dân thành Nineveh: Ông nghĩ mình có lý do để giận, vì Thiên Chúa không
chịu về phe với mình để tiêu diệt quân thù. Đức Chúa hỏi một câu để Jonah suy
nghĩ: "Ngươi nổi giận như thế có lý không?" Xét cho kỹ, Jonah đã tức
giận cách ích kỷ, vô lý, và mù quáng:
- Ích kỷ: Ông phải hiểu cả
hai đều là con cái Thiên Chúa. Ngài không thể thương con này bằng cách trừng phạt
con kia.
- Vô lý: Thiên Chúa gởi biết
bao nhiêu tiên-tri tới để khuyên bảo Dân Chúa bỏ đường tội lỗi quay trở về với
Thiên Chúa. Họ không chịu nghe còn nhục mạ các tiên-tri! Ngay cả Jonah đã cãi lời
Thiên Chúa không chịu đi giảng lần thứ nhất. Ngược lại, Ngài mới gởi có một
mình Jonah, và ông đi giảng cách miễn cưỡng cho Dân Ngoại Nineveh mới chỉ có một
lần; toàn thành Dân Ngoại lắng nghe, tin tưởng, và hết lòng ăn năn thống hối. Tại
sao Jonah lại muốn Ngài phải tiêu diệt họ? Phải chăng Jonah muốn biến Thiên
Chúa thành một Chúa bất công, hay thành vũ khí cho mình xử dụng?
- Mù quáng: Ông xin Thiên Chúa
lấy mạng sống ông đi! Mạng sống của Jonah cũng quí trọng như mạng sống của bao
người. Nếu Thiên Chúa lấy mạng sống của ông đi, người bị thiệt hại là Jonah chứ
đâu phải Thiên Chúa.
(2)
Jonah tức giận vì cây thầu dầu chết: Sau đó, Jonah ra ngoài thành và ngồi ở phía đông
thành. Ở đó, ông làm một cái lều, rồi ngồi bên dưới, trong bóng mát, để xem cái
gì sẽ xảy ra trong thành. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến một cây thầu dầu mọc lên
ở phía trên ông Jonah để có bóng mát che đầu ông, hầu làm ông hết buồn bực. Ông
Jonah vui lắm vì cây thầu dầu. Nhưng hôm sau, khi hừng đông ló rạng, Thiên Chúa
khiến một con sâu cắn cây thầu dầu và cây bị héo. Khi mặt trời mọc, Thiên Chúa
cho có một cơn gió đông nóng bỏng, và mặt trời giội nắng xuống đầu ông Jonah;
ông ngất xỉu và xin cho mình được chết, ông nói: "Thà tôi chết còn hơn là
sống!"
Thiên
Chúa hỏi ông Jonah: "Ngươi nổi giận vì cây thầu dầu, như thế có lý
không?" Ông trả lời: "Con có lý để nổi giận đến chết được!"
1.2/
Lý do Thiên Chúa thương dân thành Nineveh: Để mở trí Jonah, Thiên Chúa mời gọi ông làm một sự
so sánh: "Ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và
không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết
đi.'' Jonah thương cây cối hơn sinh mạng con người, một cây mà Jonah chẳng có
liên hệ gì; ông thương nó chỉ vì nó cho ông bóng mát cho đỡ sức nóng gay gắt của
mùa Hè.
Thiên
Chúa muốn cho Jonah nhận ra sự ích kỷ và vô lý của ông: Trong thành Nineveh có
hơn 120,000 con cái của Thiên Chúa, và rất nhiều súc vật là tạo vật của Thiên
Chúa. Nhiều người trong họ không biết phân biệt được bên phải với bên trái, có
nghĩa họ chưa biết điều gì phải làm. Thế mà Jonah lại muốn Thiên Chúa tiêu diệt
hết tất cả!
2/
Phúc Âm: Phải cầu nguyện theo thánh ý Thiên Chúa
2.1/
Không phải ai cũng biết cách cầu nguyện: Theo phong tục của Do Thái, các Rabbi thường dạy cho
các môn đệ một kinh đơn giản để họ có thể dùng hằng ngày để cầu nguyện. Gioan Tẩy
Giả cũng làm như thế cho các môn đệ của ông. Và hôm nay, một người trong nhóm
môn đệ của Chúa Giêsu cũng đến và nói với Người: "Thưa Thầy, xin dạy chúng
con cầu nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông." Lý do tại sao
phải dạy là vì các môn đệ không biết cách cầu nguyện làm sao cho đúng: cái gì
cũng xin, xin cả những điều hại cho người khác, hay chỉ biết ích kỷ xin cho
mình …
2.2/
Chúa Giêsu dạy cho môn đệ cách cầu nguyện: Người bảo các ông: "Khi cầu nguyện, anh em hãy
nói: "Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy; xin tha tội cho chúng
con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con, và xin đừng
để chúng con sa chước cám dỗ."
Quan
sát những lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta nhận thấy Ngài có những nguyên tắc
sau:
(1)
Những gì liên quan tới Thiên Chúa: Trước tiên, lời cầu nguyện được dâng lên Thiên Chúa
là Cha chứ không phải bất cứ ai khác; Người luôn yêu thương và quan tâm đến nhu
cầu của con cái mình. Tất cả những gì thuộc Thiên Chúa phải được con người quan
tâm đến trước những nhu cầu của cá nhân con người: Xin làm cho thánh danh Cha
vinh hiển chứ không xin làm vinh danh con, xin cho triều đại Cha mau đến chứ
không xin cho triều đại của con đến trước Cha. Cầu nguyện nhưng cũng nhận ra bổn
phận của người con: làm vinh danh Cha và làm cho triều đại Cha mau đến bằng những
công việc và cách sống của mình; để mọi người nhìn thấy và ngợi khen Cha trên
trời.
(2)
Những gì liên quan tới con người: bao gồm cả quá khứ, hiện tại, lẫn tương lai.
- Hiện tại: Xin Cha cho chúng
con ngày nào có lương thực ngày ấy. Lương thực hằng ngày chứ không phải lương thực
cả đời, lương thực phần hồn cũng như phần xác.
- Quá khứ: Xin tha tội cho
chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng con. Một
người không thể xin Thiên Chúa tiêu diệt hay giáng họa xuống kẻ thù, nhưng xin
cho họ được ơn nhận ra tội và cải hóa.
- Tương lai: Xin đừng để chúng
con sa chước cám dỗ. Con người không thể tránh chước cám dỗ; nhưng cần có sức mạnh
để có thể vượt qua những cơn cám dỗ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta đừng bắt Thiên Chúa làm theo ý chúng ta; nhưng phải cố gắng làm theo
thánh ý Ngài, vì ý của chúng ta nhiều khi rất thiển cận, ích kỷ, và mù quáng.
-
Chúng ta cần phải xác tín mọi người đều là con Thiên Chúa, dù họ có biết hay
không. Bổn phận của chúng ta là cộng tác với Thiên Chúa trong sứ vụ mang Tin Mừng
cứu độ đến cho mọi người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 27TN
Lc 11,1-4
A. Hạt giống...
1. Câu 1b “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu
nguyện, cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ ông”. Thời Chúa Giêsu, mỗi nhóm tín
ngưỡng có một bài kinh riêng, đặc trưng của nhóm mình. Bài kinh mà Chúa Giêsu
sắp dạy cũng là đặc trưng của Kitô giáo. Nét đặc trưng rõ nhất được thấy trong
một từ chìa khoá lắp đi lặp lại rất nhiều lần, từ “Cha” : kitô hữu được làm con
Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là Cha.
2. Vì là một bài kinh rất ngắn gọn cho nên những
điều được nói trong đó đều là những điều then chốt nhất. Nói cách khác, những
lời xin trong bài kinh này cho ta biết những điều mà kitô hữu cần quan tâm nhất
là gì :
a/ Đối với Chúa : sao cho người ta được biết Chúa
(“Xin làm cho danh Cha vinh hiển”) ; sao cho nhiều người gia nhập Nước Chúa
(“triều đại Cha mau đến”)
b/ Đối với chính bản thân mình : có lương thực
hằng ngày, được Cha tha thứ và mình cũng biết tha thứ cho người khác, đừng sa
chước cám dỗ.
B.... nẩy mầm.
1. Văn mạch : Tin Mừng Mt ghi Kinh Lạy Cha trong
văn mạch Chúa Giêsu đang dạy cho các môn đệ mình cách thi hành những việc đạo
đức (làm việc đạo đức cách kín đáo, đừng phô trương). Còn Tin Mừng Lc ghi kinh
này sau khi một môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho nhóm môn đệ mình một bài kinh
riêng của nhóm, để phân biệt với các nhóm tín ngưỡng khác. Như thế Kinh Lạy Cha
là kinh nguyện độc đáo của Kitô giáo. Tìm hiểu Kinh Lạy Cha, ta có thể biết
những điểm độc đáo của sự cầu nguyện Kitô giáo là gì. Điểm độc đáo đầu tiên là
Kitô hữu được gọi Thiên Chúa là Cha (Abba) một cách rất thân thương gần gũi.
2. Một cậu bé bệnh nặng sắp chết. Cha cậu bé hỏi
:
- Con sợ chết không con ?
- Thưa ba, không, nếu như Thiên Chúa cũng giống
như ba, cậu đáp (“Sunday school Times”)
3. 2 Sam 18,33 : Thái tử Absalom nổi loạn định
lật đổ cha là Đavít. Nhưng quân đội của Đavít đã phản công và giết chết
Absalom. Khi một người lính từ chiến trường trở về vui mừng báo tin cái chết
của kẻ phản loạn, Đavít đã xé áo mình ra và kêu lên thảm thiết “Absalom con ơi,
Absalom con ơi. Phải chi cha được chết thay cho con !”
4. “Người con gái của Karl Marx có lần tâm sự với
một người bạn : “Tôi lớn lên mà không hề biết đến bất cứ tôn giáo nào. Tôi cũng
không tin tưởng Thiên Chúa. Thế rồi tình cờ tôi đọc được một quyển sách trong
đó có lời kinh khác lạ. Tôi đọc hết lời kinh ấy và tự nhủ : nếu quả thật Thiên
Chúa của lời kinh đó hiện hữu, tôi nghĩ rằng tôi có thể tin Ngài được”. Người
bạn hỏi cho biết đó là lời kinh nào. Người con gái của Karl Marx mới từ từ đọc lại
Kinh Lạy Cha (...) Tình cha con và tình anh em được Chúa Giêsu mặc khải qua
kinh Lạy Cha. Sống với Cha trong tình phó thác, với anh em trong tình bác ái”
(Trích “Mỗi ngày một tin vui”)
5. “Cả đời Chúa Giêsu chỉ xoay quanh một nguyên
tắc này “Ta đến để làm theo ý Cha Ta”... Chúng ta hãy thử xem chúng ta có để
cho ý Chúa được nên một với chúng ta không ? Chúng ta có cố tình lầm lẫn ý của
chúng ta thay cho ý Chúa không ? Chúng ta hãy nhớ câu chuyện Giona (bài sách
thánh hôm nay)... “ (trích “TMCGK ngày trong tuần”)
6. “Chúng ta không thể cầu nguyện Kinh Lạy Cha mà
chúng ta không có đóng góp gì vào vinh quang Nước Chúa trị đến. Cũng như chúng
ta không thể xin cho cơm bánh hằng ngày dùng đủ mà lại cứ ngồi há miệng chờ
sung. Kinh nguyện là hành động của lòng tin. Ta phải minh chứng bằng việc làm”
(Trích “TMCGK ngày trong tuần”)
7. Một bác chèo đò chở một thanh niên trên chiếc
thuyền của mình. Chiếc thuyền có hai mái chèo. Trên một mái chèo có chữ “cầu
nguyện”, trên mái chèo kia có chữ “làm việc”. Chàng thanh niên nói với giọng
châm biếm :
- Nếu đã làm việc thì cần gì phải cầu nguyện nữa.
Bác lái đò chẳng nói gì, buông tay không chèo mái
“cầu nguyện” nữa, chỉ chèo bằng mái chèo “làm việc”. Chiếc thuyền cứ quay vòng
vòng chẳng tiến được chút nào cả. Khi ấy chàng thanh niên hiểu rằng ngoài mái
chèo “làm việc” còn cần thêm mái chèo “cầu nguyện” nữa thì thuyền đời mới tiến
được. (Đức Cha Tihamer Toth).
8. Một lần kia cùng dự Thánh lễ với một nhóm sinh
viên, tôi cấm lòng cầm trí đọc chung Kinh Lạy Cha với họ, và bỗng cảm thấy
những điều Chúa Giêsu bảo tôi xin chứa đựng rất nhiều ý nghĩa :
- Lạy Cha chúng con… : tất cả chúng tôi đang ở
đây đều có một người Cha chung.
- Nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đền, ý
Cha thể hiện… : nhưng chỉ có một nhóm nhỏ này được biết Cha, còn biết bao nhiêu
sinh viên học sinh khác nữa…
- Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng
ngày : tôi nghĩ đến những bạn chung quanh. Họ ăn cơm tháng, mỗi tháng chỉ hơn
100 ngàn, đồ ăn rất đạm bạc, buổi sáng thường nhịn đói.
- Và tha nợ chúng con : họ là những người trẻ,
nhiều sai sót lỗi lầm, nhiều tội..
- Xin cớ để chúng con sa chước cám dỗ : có biết
bao cám dỗ vây quanh họ, trong trường học, ngoài xã hội, ở chợ đời…
9. Chúa Giêsu bảo các môn đệ : khi cầu nguyện anh
em hãy nói : “Lạy Cha, xin hãy làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau
đến.” (Lc 11,2)
Lạy Cha, con biết rằng danh Cha vinh hiển thì mọi
sự thế gian này sẽ tốt hơn ! Con biết rằng Cha dựng nên con nhằm để con làm
sáng danh Cha.
Để làm sáng danh Cha tôi phải làm gì đây ? phải
chăng chỉ lặp lại suông lời nguyện Chúa day tôi ? Không, tôi phải sống chính
lời nguyện ấy. Tôi phải dùng những gì Chúa ban mỗi ngày để danh Cha cả sáng,
dùng của cải vật chất, danh vị, quyền lợi, dùng kiến thức hiểu biết... Danh của
tôi phải nằm trong danh Thiên Chúa. Nếu như danh Cha cả sáng thì mọi sự tốt đẹp
hơn ! Tôi tin như thế và tôi sẽ cố gắng.
Lạy Cha, xin cho con biết dùng lời nguyện của Cha
như là kim chỉ nam để sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
09/10/13 THỨ TƯ TUẦN 27
TN
Th. Điônisiô, giám mục và các bạn tử đạo
Lc 11,1-4
Th. Điônisiô, giám mục và các bạn tử đạo
Lc 11,1-4
CẦU NGUYỆN CÓ TRÁCH NHIỆM
Chúa Giê-su bảo :”Khi cầu
nguyện anh em hãy nói : Lạy Cha, xin hãy làm cho danh thánh Cha vinh hiển. Triều
đại Cha mau đến, xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy ; xin tha
tội cho chúng con, vì chính chúng con cũng tha cho mọi người mắc lỗi với chúng
con, và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.” (Lc 11,2-4)
Suy niệm: Khi
cầu nguyện, Chúa Giêsu muốn chúng ta đặt mình trong mối tương quan với Thiên Chúa
là Cha và mọi người là anh em với nhau. Trong tương quan này, chúng ta đến với
Thiên Chúa không như đầy tớ kêu xin chủ, mà là những người con cùng chia sẻ
trách nhiệm với Cha; nếu không thì cần gì phải xin “cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến”? Bởi Thiên Chúa luôn muốn danh thánh Ngài
vinh hiển, mà Thiên Chúa được vinh hiển khi con người được thông phần hạnh phúc
với Ngài, bởi theo thánh Irênê: “Vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống”:
Thiên Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không bỏ đói đồng loại của mình; Thiên
Chúa sẽ vinh hiển nếu con người không hận thù cấu xé lẫn nhau; Thiên Chúa sẽ
vinh hiển nếu con người biết lánh xa những điều xấu và không nô lệ cho sự dữ.
Vì vậy, cầu xin là cách chúng ta mở lòng để sẵn sàng hành động cùng Thiên Chúa,
còn không thì chúng ta xin sẽ chẳng được, vì chúng ta xin mà không biết mình
xin gì! (x. Mc 10,38).
Mời Bạn: Thiên
Chúa chỉ vinh hiển khi chúng ta dám sống quên mình, nói như thánh Gio-an Tẩy
Giả là “Tôi
phải nhỏ lại để Người lớn lên” (Ga
3,30).
Sống Lời Chúa: Đặt các ý nguyện trong kinh Lạy Cha làm ý lực
sống của bạn mỗi ngày.
Cầu nguyện: Đọc
kinh Lạy Cha.
Kinh
Lạy Cha
Cầu nguyện là một việc quan trọng trong cuộc đời Chúa Giêsu:
Ngài vào sa mạc 40 ngày để ăn chay và cầu nguyện trước khi bắt đầu sứ vụ công
khai; Ngài đã cầu nguyện suốt đêm trước khi tuyển chọn các Tông đồ; trong ba
năm rao giảng Tin Mừng, Ngài cũng đã nhiều lần tìm đến nơi thanh vắng để sống
những giờ phút thân tình với Chúa Cha trong cầu nguyện.
Ðược nhiều lần chứng kiến Chúa Giêsu chìm sâu trong sự kết
hiệp với Chúa Cha, và niềm mong ước được đi vào sự hiệp thông với Chúa Cha, như
Chúa Giêsu, các Tông đồ đã đến xin Chúa Giêsu dạy họ cầu nguyện, và Ngài đã dạy
họ Kinh Lạy Cha.
Trong Kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ gọi Thiên Chúa
là Cha. Thực ra, quan niệm gọi Thiên Chúa là Cha không chỉ phổ thông trong dân
tộc Do Thái: Trong Cựu Ước, nhờ giáo huấn của các Tiên tri, người Do thái gọi
Chúa là Cha: Ngài là Cha của toàn dân; nhưng cả các dân tộc vùng Tiểu Á ngày
xưa cũng gọi các thần minh là Cha. Tuy nhiên, cách xưng hô Cha, tiếng Do thái
là Abba, mà Chúa Giêsu dạy các Tông đồ hoàn toàn khác hẳn với tiếng Cha của
người Do Thái trong Cựu Ước. Ðó là tiếng thông dụng thường ngày nơi miện con
trẻ gọi cha mình. Như thế, tiếng Cha trong Kinh Lạy Cha là nền tảng mạc khải
của Chúa Giêsu và là lời tuyên tín của Cộng đoàn Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết
lập, kêu lên với Thiên Chúa.
Kinh Lạy Cha là kinh quen thuộc đối với người Kitô hữu chúng
ta. Mỗi ngày chúng ta đọc nhiều lần kinh này, thế nhưng chúng ta đã có thái độ
thế nào? Người ta có lý để bảo rằng chúng ta đọc kinh một cách máy móc, thiếu
hồn sống. Sỡ dĩ như vậy là vì chúng ta chưa ý thức đủ tình yêu Thiên Chúa dành
cho chúng ta, chưa đi vào quan hệ mật thiết với Thiên Chúa, như con cái đối với
cha mình.
Ước gì những giây phút dành riêng để gặp gỡ, tiếp xúc với
Chúa, giúp chúng ta càng thêm gắn bó, yêu mến và dấn thân thực thi thánh ý Chúa
trong đời sống chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Một người trong nhóm môn
đệ đến xin Đức Giêsu dạy cầu nguyện. Đức Giêsu đáp ứng yêu cầu đó bằng lời lẽ
ta vừa nghe qua trình thuật của Luca.
Cầu nguyện là duy trì mối
tương giao thân mật giữa con người với Thiên Chúa, là múc lấy và giữ lấy sức
mạnh của ơn thánh từ Thiên Chúa cho phận người yếu đuối. Thế nhưng hôm nay,
sống trong bầu khí tục hóa, người ta dễ nghiêng theo khuynh hướng chọn cái hữu
hình. Ít nhiều, người ta đã trở nên hờ hững hoặc phủ nhận giá trị của sự cầu
nguyện. Người ta không cảm thấy nhu cầu phải thân mật với Thiên Chúa. Nhiều
người chỉ cầu nguyện khi gặp khó khăn đau khổ. Nhiều người không tin vào sức
mạnh của lời cầu nguyện bởi họ thấy mình chẳng được nhận lời…
Mong sao, tôi không quên
sót những cuộc chuyện trò với Chúa mỗi ngày: đầu ngày, cuối ngày, khởi sự hay
hoàn thành một công việc, một dự định, một kế hoạch…
Mong sao, tôi cảm nghiệm
được rằng, trong cầu nguyện và qua cầu nguyện, Chúa sẽ nghe lời tôi nói và sẽ
nói với tôi.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
9
THÁNG MƯỜI
Vừa Phong Phú Vừa
Nguy Hiểm
Chúng
ta thấy rằng lòng đạo đức bình dân là một cái gì vừa phong phú vừa nguy hiểm.
Vì thế, các mục tử của Giáo Hội cần phải ý tứ để kiểm soát những sự lạm dụng.
Nhưng các ngài cần thi hành công việc mục vụ của mình với lòng kiên nhẫn cao độ.
Như thánh Augustinô đã lưu ý vào thời của ngài, khi đứng trước một số hình thức
tôn sùng các thánh: "Chúng ta dạy điều đúng đắn, song chúng ta cũng cần phải
biết bao dung đối với những điều lệch lạc" (Contra Faustum 20,21: CSEL
25,263).
Điều
quan trọng là phải nhận ra nhu cầu sùng ngưỡng sâu xa nơi con người – nhu cầu ấy
tự bộc lộ ra bằng những cách thế khác nhau. Chúng ta phải cố gắng để không ngừng
tinh luyện nó và làm cho nó thấm đẫm Tin Mừng của Đức Kitô. Đây là cung cách mà
xưa nay Giáo Hội vẫn áp dụng khi đứng trước sự thách đố của các nền văn hóa bản
địa ngoài Kitô giáo cũng như khi đứng trước lòng đạo đức và những hình thức
sùng ngưỡng bình dân.
Đó
là cách mà Giáo Hội đã làm khi tiếp nhận những làn sóng người mới tòng giáo sau
sắc chỉ của Constantine. Đó cũng là cách mà Giáo Hội đã làm để Kitô hoá các dân
man di ở châu Âu. Đó cũng là những gì đã xảy ra khi Giáo Hội cần rao giảng Tin
Mừng cho các dân tộc ở tân thế giới. Ngày hôm nay Giáo Hội cũng phải tiếp tục
làm thế nếu muốn thích ứng sứ điệp Kitô giáo với các đặc tính và các truyền thống
của các dân tộc khác nhau.
Chúng
ta không bao giờ được quên chuẩn mực mà Đức Gregory Cả đưa ra cho Thánh
Augustinô thành Canterbury, vị Tông Đồ của nước Anh: "Không được phá hủy
các đền thờ ngoại giáo, nhưng phải thanh tẩy và thánh hiến các đền thờ ấy cho
Thiên Chúa; cũng phải làm như thế đối với các tập tục tôn giáo mà dân chúng đã
quen cử hành để đánh dấu các biến cố trong đời họ" (Gregory Cả, Regesta
Pontificum, 1848, thư đề ngày 10 tháng 7, 601).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
09-10
Thánh
Điônysiô, Giám mục và các bạn tử đạo;
Thánh
Gioan Lêônarđô Linh mục; Gn 4,1-11; Lc 11,1-4
LỜI SUY NIỆM: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện,
cũng như ông Gioan đã dạy môn đệ của ông” (Lc 11,1b)
Đời sống của người Ki-Tô hữu, cần phải
có sự cầu nguyện; bởi cầu nguyện nó cần thiết giống như thân xác cần có sự hít
thở không khí để sống. Nhưng phải biết cách hít thở như thế nào và hít thở loại
khí nào mới đem lại sự sống khỏe mạnh cho thân xác và sự thoải mái cho tâm hồn
Trước hết, trong cầu nguyện chúng ta có kinh Lạy Cha, kinh mà Chúa Giêsu đã dạy
cho các Tông đồ khi các ông muốn cầu nguyện cách xứng hợp, và đẹp lòng Thiên
Chúa. Trong Cựu Ước chúng ta có mẫu cầu nguyện của Tổ phụ Áp-ra-ham (St 18,1-5)
Trong Tân Ước chúng ta có mẫu cầu nguyện của Đức Mẹ Maria (Ga 2,3). Ước gì tất
cả chúng ta trước mọi công việc chúng ta đều có cầu nguyện.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
09-10
Thánh
ĐIONYSIÔ Và Các Bạn Tử Đạo
Thánh
Dionysiô, giám mục Paris, đã chịu nhiều đau khổ vì danh Chúa Kitô và kết thúc
cuộc đời dưới lưỡi gươm.
Câu
nói trên đây của thánh Grêgoriô thành Tours là tất cả những gì chúng ta biết được
về thánh Dionysiô. Người ta kể lại truyền thuyết rất hấp dẫn về Ngài như sau:
Vào
năm 251, đức giáo hoàng Fabianô đã sai bảy giám mục đi truyền giáo tại xứ
Gaules. Các vị tông đồ này đã vượt qua mọi gian nguy và thiết lập nên các giáo
đoàn Arles, Toulouse, Narbonne, Clermont, Limoges, Tours và Lutèce. Trước hết
các Ngài dừng lại ở Arles, rồi phân tán đi các tỉnh xứ Gaules. Lutèce là tỉnh
xa nhất. Nhiệt tâm với đức tin, Dionysiô đã muốn tới đó.
Dionysiô
đã thực hiện được nhiều cuộc trở lại rất ngoạn mục. Chỉ kêu cầu đến danh Chúa,
Ngài đã làm lật nhào pho tượng thần Hỏa (Mars) khổng lồ. Chứng kiến cảnh tượng
này, nhiều người đã phục dưới chân Ngài xin theo đạo. Cùng với linh mục
Eleutheeiô và phó tế Rusticô, Dionysiô tiến xa về hướng Bắc và dừng lại tại
Lutèce. Ngài thiết lập giáo đoàn Paris và làm giám mục tiên khởi của giáo đoàn
này. Ngài luận bác sự điên dại của các ngẫu thần và rao giảng một Thiên Chúa
duy nhất và Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc.
Phần
đông thính giả tin theo ánh sáng Chúa Kitô giáo. Một trong số những người trở lại
là lãnh chúa miền Montmorency. Tên ông là Lisiniue. Ong đã cho thánh Dionysiô
trú ngụ và biến gia thất thành nơi hội họp của các Kitô hữu. Dân chúng đổ xô đến
rao giảng, từ bỏ tà thần và lãnh nhận bí tích rửa tội. Thánh Dionysiô phong chức
cho nhiều tác viên mới.
Dùng
của cải dân Gaules dâng hiến, Ngài dựng nên bốn nhà nguyện: một dâng hiến Chúa
Ba Ngôi (nơi này sẽ thánh thánh đường kính thánh Beneditô). Năm 1685, người ta
đọc được ở đó những dòng chữ này: "Trong nguyện đường này, thánh Dionysiô
đã khởi sự yêu cầu Chúa Ba Ngôi", một nguyện đường dâng kính hai thánh
tông đồ Phêrô và Phaolô (thánh Ghenevière thích đến cầu nguyện và được mai táng
tại đây), nguyện đường thứ ba đâng kính thánh Têphanô và nguyện đường thứ tư
dâng kính Đức Bà (nay gọi là đền thờ Notre-dame-des-champs).
Thánh
Dionysiô vui mừng vì thành quả gặt hái được. Nhưng các người ngoại, nhất là các
tư tế dân ngoại bực tức. Họ than phiền với quan chức của vương quốc. Khi hoàng
đế Maximilianô mang quân qua xứ Gaules, lệnh bách hại Kitô giáo được ban hành
nghiêm nhặt. Vị tông đồ cùng với hai vị bị điệu ra tòa.
Ngài
trả lời rằng: - Chúng tôi là tôi tớ Chúa Kitô .
Thánh
Dionysiô cùng hai bạn bị tống ngục, nơi sẽ trở thành thánh đường thánh Dionysiô
thành Chartres. Bị đánh đòn, bị hành hạ đến chảy máu, thánh nhân không hề than
trách kêu la. Thay tiếng rên xiết, Ngài nói lên niềm tin và lời ca tụng. Bọn lý
hình giương búa, múa roi trước mặt Ngài, nhưng lão già 110 tuổi đầu bạc vẫn đầy
tin tưởng và êm dịu trả lời: - Chớ gì tôi phải chịu tất cả mọi cực hình này
cùng một lúc để tôi sớm được hạnh phúc với Chúa Kitô.
Ngài
bị ném cho thú vật xâu xé. Nhưng những thú dữ chỉ liếm chân Ngài. Bị treo lên
thập giá, nhưng từ trên cao, Ngài giảng về cuộc khổ nạn của Chúa khiến cho nhiều
người trở lại. Vừa sợ vừa giận, quan tòa ra lệnh xử trảm con người dấy dũng cảm
này. Nơi hành hình là một ngọn đồi dâng kính Thủy thần (Nercure), nhưng sau này
được coi là núi các thánh tử đạo (Montmartre). Xác các thánh tử đạo không được
chôn cất, nhưng phải để làm mồi cho súc vật.
Nhưng
có huyền thoại kể rằng: thánh Dionysiô sau khi bị chặt đầu, đã chỗi dậy cầm lấy
đầu mình, đi xa khoảng hai dặm về hướng đông. Một sử gia nói rằng: Ngài dừng lại
ở nơi Ngài muốn chôn cất và là tu viện của Ngài.
Có
một phụ nữ tên là Catulla đã chôn xác Ngài ở một ngôi làng (làng này sẽ mang
tên Dionysiô) bà dựng một nguyện đường bằng gỗ, nhưng rồi thánh Ghenevière đã
xây lại bằng đá. Dagobert sẽ xây cất một thánh đường và một tu viện ở đó.
Thánh GIOAN LEONAĐÔ
Linh Mục (1541 - 1609)
Thánh
Gioan Leonađô sinh năm 1541 tại Luca miền Tuscia. Từ nhỏ thánh nhân đã theo học
ngành thuốc, nhưng rồi bỏ nghề, Ngài muốn làm linh mục. Năm 25 tuổi, Ngài mới bắt
đầu học tiếng Latinh, triết học và thần học. Năm 1571, Ngài được thụ phong linh
mục.
Hồi
đó tại Luca, tinh thần đạo đức của dân chúng lai còn bị hoang mang vì lạc thuyết
mà Bernadinô thành Sienna gieo vãi. Là linh mục trẻ còn đấy nhiệt huyết, cha
Gioan đã tìn cách chấn hưng bằng việc chăm lo giảng dạy và ngồi tòa. Hơn nữa,
cha còn lập "hội giáo lý" qui tụ những người có thiện chí lo việc dạy
giáo lý cho các trẻ em.
Tuy
nhiên, là giáo dân, các hội viên của hộ giáo lý còn bị nhiều giới hạn và không
thề làm được hết mọi việc. Năm 1574, thánh Gioan Leonarđô thành lập một hội
dòng, đặt trụ sở tại nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi. Đức giáo hoàng Clêmentê VIII đã
châu phê luật dòng Chúa Đức giáo hàong Phaolô V đặt tên cho hội dòng là
"các giáo sĩ Mẹ Thiên Chúa". Năm 1621, Đức giáo hoàng Grêgoriô XV đặt
tu hội ngang hàng với các dòng tu kỳ cựu khác.
Nhiệt
tình của thánh Gioan Leonađô và của dòng do Ngài sáng lập, đã mang lại nhiều
thành quả tốt đẹp. Nhưng cũng vì thành công này, mà Ngài phải chịu rất nhiều thử
thách. Cuối cùng, Ngài đành phải chịu rời Luca để về Roma, tại đây Ngài được Đức
giáo hoàng Grêgoriô XIII tiếp đón ân cần. Ngài cũng có dịp làm quen với thánh
Philpphê Nêri. Là một người hiền hoà tận tụy, thánh Gioan Leonađô được nhiều
người tín nhiệm, Ngài còn giải quyết được nhiều cuộc tranh chấp khó khăn.
Tại
Roma, thánh Gioan Leonađô vẫn nuôi mộng truyền giáo. Cùng với Đức Hồng Y
Baotixita Vivès, năm 1603, Ngài góp phần đào tạo nhiêu giáo sĩ các xứ truyền
giáo. Năm 1627, Đức giáo hoàng Urbanô VIII chính thức thiết lập ngôi trường mà
thánh Gioan Leonađô đặt nền móng thành "trường truyền giáo", quy tụ
các chủng sinh từ các nước xa xăm.
Ngày
09 tháng 10 năm 1609, Gioan Leonađô từ trần, trong khi nhiệt thành chăm sóc các
bệnh nhân mắc bệnh dịch. Năm 1706, Giáo hội mới lập hồ sơ tuyên thánh cho Ngài.
Năm 1861 Ngài được nâng lên hàng Á thánh và năm 1938 được phong hiển thánh.
(daminhvn.net)
09 Tháng Mười
Cầu Nguyện Là Hơi
Thở Của Linh Hồn
Thời Cách Mạng Pháp
1789, những người xây dựng chế độ mới muốn đánh đổ tất cả những gì mà họ gọi là
tàng tích của mê tín dị đoan. Họ hỏi những người nông dân có muốn từ bỏ tôn
giáo của họ không. Một người dân quê mùa chất phác đã trả lời như sau:
"Bao giờ các ông làm cho sao trời rơi xuống thì chúng tôi sẽ thôi cầu nguyện".
Tự
đáy tâm hồn mình, con người luôn luôn khát khao và đi tìm Thiên Chúa. Cầu nguyện,
dưới hình thức này hay hình thức khác, là hơi thở của tâm hồn. Người ta có thể
trói buộc tay chân con người, người ta có thể khóa chặt miệng lưỡi con người,
nhưng không ai có thể ngăn cản con người cầu nguyện.
Cầu
nguyện là nhựa sống của tâm hồn. Con người có thể chết dần trong thân xác vì bệnh
tật, đau đớn hay bị hành hung, nhưng chính sự cầu nguyện nối kết tâm hồn con
người với Thiên Chúa và đem lại cho con người sức sống vượt lên trên mọi thử
thách và chết chóc.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 9-10
Các Thánh Denis, Rusticus và Eleutherius
(c. 258?)
Ð
|
iều đầu tiên chúng ta
được biết về ba vị này là họ được tử đạo khoảng năm 258, theo như văn bản của
Thánh Grêgôriô ở Tours thuộc thế kỷ thứ sáu.
Thánh Denis (hay còn
được gọi là Dionysius) là người nổi tiếng nhất trong ba vị. Ngài sinh trưởng ở
Ý, và vào khoảng năm 250 ngài được sai đi truyền giáo ở Gaul (bây giờ là nước
Pháp) bởi Ðức Giáo Hoàng Clêmentê cùng với năm vị giám mục khác.
Thánh Denis đặt địa bàn
truyền giáo ở một hòn đảo trong vùng Seine gần thành phố Lutetia Parisorium --
sau này trở thành thủ đô Balê. Vì lý do đó ngài được coi là vị giám mục đầu
tiên của Balê và là Tông Ðồ nước Pháp. Ở đây ngài bị bắt cùng với Rusticus và
Eleutherius. Các học giả sau này đề cập đến Rusticus và Eleutherius như linh
mục và thầy sáu của Ðức Giám Mục Denis, ngoài ra chúng ta không còn biết gì
thêm.
Sau thời gian bị tù đầy
và tra tấn, ba vị bị chém đầu và thân thể của họ bị ném xuống sông. Xác của
Thánh Denis được những người tân tòng vớt lên và chôn cất. Một nhà nguyện được
xây trên phần mộ của ngài mà sau này trở thành tu viện Thánh Denis.
Ðến thế kỷ thứ chín,
tiểu sử của Thánh Denis bị lẫn lộn với Thánh Dionysius người Areopagite, nhưng
sau này các học giả xác định ngài là một vị thánh riêng biệt.
Thánh Denis thường được
vẽ khi ngài tử đạo -- không có đầu (với một cành nho vươn lên từ cổ) và tay
ngài cầm chính đầu của ngài với nón giám mục.
Ðược coi là vị thánh đặc
biệt của Balê, Thánh Denis là quan thầy của nước Pháp.
Lời Bàn
Ðây là trường hợp của
một vị thánh mà chúng ta không biết gì nhiều, nhưng ngài là người được sùng
kính trong lịch sử Giáo Hội qua nhiều thế kỷ. Chúng ta chỉ có thể kết luận là
ảnh hưởng sâu đậm của thánh nhân đối với dân chúng trong thời đại của ngài chứng
tỏ một đời sống thánh thiện khác thường. Trong những trường hợp như vậy, có hai
sự kiện căn bản: Một người vĩ đại đã hy sinh cho Ðức Kitô, và Giáo Hội không
bao giờ quên họ được -- đó là dấu chỉ về sự lưu tâm vĩnh viễn của Thiên Chúa.
Lời Trích
"Sự tử đạo là
một phần bản chất Giáo Hội vì nó nói lên cái chết tinh tuyền của người Kitô,
cái chết vì đức tin. Qua sự tử đạo, sự thánh thiện của Giáo Hội thay vì vẫn còn
trong giả tưởng, đã được biểu lộ cách tỏ tường nhờ hồng ân của Thiên Chúa. Ngay
từ thế kỷ thứ hai, một người chấp nhận cái chết vì đức tin hay luân lý Kitô
Giáo đều được noi gương và tôn kính như một vị 'martus' (chứng nhân). Danh từ
này có nguồn gốc từ Kinh Thánh mà Ðức Giêsu Kitô là 'chứng nhân trung tín'
tuyệt đối (Khải Huyền 1:5; 3:14)" (Karl Rahner, Tự Ðiển Thần
Học).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét