Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Cuộc đời thơ ấu của Mẹ Maria theo tác phẩm “Tin Mừng như đã được mạc khải cho tôi” của bà Maria Valtorta

Cuộc đời thơ ấu của Mẹ Maria theo tác phẩm “Tin Mừng như đã được mạc khải cho tôi” của bà Maria Valtorta

http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
http://vi.radiovaticana.va/global_images/x.gif
Muốn hiểu biết cuộc đời thơ ấu của Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, chúng ta phải dựa vào các tác phẩm mạo thư như Phúc Âm thánh Giacôbê, nhưng nhất là các tác phẩm mạc khải tư. Điển hình và hay nhất là tác phẩm 10 cuốn do bà Maria Valtorta viết tựa đề ”Bài Thơ Của Con Người – Thiên Chúa” hay “Bài thơ của Thiên Chúa làm Người”, hay ”Tin Mừng như đã được mạc khải cho tôi”.
Bộ sách này của bà Maria Valtorta là một tuyệt tác độc nhất vô nhị trong nền văn chương của Kitô giáo. Tuy không được – hay đúng hơn chưa được – Giáo quyền công nhận là ”mạc khải”, nhưng từ năm 1966 nó không còn bị cấm đọc và phổ biến nữa.
Các thị kiến không chỉ bao gồm toàn cuộc đời Chúa Cứu Thế, mà còn trình thuật quãng đời thơ ấu của Mẹ Maria. So sánh với các tác phẩm được mạc khải khác, tác phẩm của bà Maria Valtorta đầy đủ nhất và rất chính xác trong tương quan với bốn Phúc Âm. Các thị kiến đã được viết lại ngay lập tức và một cách trực tiếp sau khi được vén mở.
Các trình thuật rất trung thực với Phúc Âm, và giúp người đọc hiểu bối cảnh các giáo huấn của Chúa Giêsu với rất nhiều chi tiết súc tích, sống động hấp dẫn. Đặc biệt tác phẩm bao gồm các hiểu biết sự kiện lịch sử, địa lý, trắc địa, địa chất, khoáng chất và phong cảnh chính xác về Thánh Địa, khiến cho các chuyên viên kinh thánh và các học giả phải kinh ngạc.
Bạn không bị bắt buộc phải tin, vì đây không phải là tín lý. Nhưng cũng đừng bỏ lỡ một cơ hội đọc một tác phẩm hay, và đừng nản lòng vì mấy chục trang dẫn nhập khô khan. Hãy kiên nhẫn vượt thắng nó và hãy đọc tác phẩm với tâm trí rộng mở, không thành kiến, đơn sơ, chân thành, bạn sẽ nếm hưởng được tình yêu bao la của Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ yêu mến Chúa Giêsu, Mẹ Maria, Cha Thánh Giuse nhiều hơn và xót thương nhân loại sâu xa hơn. Và cuộc sống của bạn sẽ được biến đổi.
Maria Valtorta sinh tại Caserta, nam Italia ngày 14-3-1897. Maria là con gái duy nhất của một hạ sĩ quan kỵ binh là Giuse Valtorta, và một cô giáo Pháp văn là Isis Fioravanzi,
Khi Maria vừa được mười tám tháng thì cha mẹ phải đưa cả gia đình tới cư ngụ ở miền bắc nước Ý, trước tiên là ở Faenza, rồi sau vài năm thì tới Milano, nơi họ cho Maria tới trường mẫu giáo Ursuline. Chính tại đây, Maria có dấu hiệu đầu tiên về ơn gọi: muốn nên giống Chúa Kitô trong sự đau khổ tự nguyện chấp nhận vì tình yêu.

Năm 1917, Maria gia nhập hàng ngũ các y tá “người Samari tốt lành”, và phục vụ trong mười tám tháng, săn sóc các thương binh tại bệnh viện ở Firenze. Ngày 17-3-1920, trong khi Maria đang đi bộ ngoài phố với mẹ, một người theo phái cực đoan đập vào lưng cô bằng một thanh sắt, việc này đã để lại những dấu hiệu đầu tiên của cuộc sống tật nguyền tương lai.

Sau ba tháng nằm trên giường, vào tháng mười năm đó, Maria trở về nhà cha mẹ ở Reggio de Calabre, và sống khoảng hai năm tại nhà ông bà ngoại Belfanti, sở hữu chủ của một khách sạn, rồi năm 1920 về sống tại Firenze.

Năm 1924 Maria di chuyển vĩnh viễn về Viareggio, nơi ghi dấu khởi đầu một cuộc sống mới, hoàn toàn hướng về sự liên tục lên với Thiên Chúa. Maria kín đáo quan sát (vì lẽ mẹ cô không dung thứ ) những việc thực hành của các nữ tu, và như vậy, cô thành công trong việc tham gia các hoạt động Công Giáo. Luôn luôn bị thúc đẩy bởi sự ước ao hiến mình, năm 1925, Maria dâng mình cho Tình Yêu Thương Xót, và năm 1931, sau khi tuyên thệ lời khấn, với một lương tâm cương quyết hơn, cô dâng mình cho sự Công Bằng của Thiên Chúa.
Đau khổ vì sự đau đớn gia tăng, Maria nằm liệt giường kể từ 01-4-1934. Đây, từ lúc này trở đi, cô là dụng cụ ngoan ngoãn trong bàn tay Thiên Chúa. Năm sau đó, có bà Matta Diciotti đến ở chung và sẽ là người bạn trung thành trong suốt đời Maria. Chính vào lúc đó, Maria trải qua đau khổ lớn lao là cái chết của cha, người cô rất yêu thương. Năm 1942, một linh mục đạo đức tới thăm Maria: cha Romuald M. Migliorini, trước là giáo sĩ truyền giáo thuộc hội Tôi Tớ Đức Mẹ. Người làm cha linh hướng cho cô trong bốn năm. Năm 1943, mẹ mất, Maria Valtorta bắt đầu hoạt động viết văn.

Từ cuốn tiểu sử do cha Migliorini muốn có, và được viết theo khả năng, Maria chuyển qua các bài được nghe đọc và các thị kiến mà bà tuyên bố rằng được mặc khải. Vẫn không rời giường và mặc dầu rất đau đớn, Maria vẫn viết và viết một mạch, vào bất cứ giờ nào, kể cả ban đêm, và không hề thấy phiền phức vì những dịp phải gián đoạn, luôn luôn giữ bộ dạng tự nhiên. Cuốn sách duy nhất bà có thể tham khảo là Thánh Kinh và sách bổn giáo lý của Đức Pio X.

Từ năm 1943 tới 1947, và với mực độ ít hơn cho tới 1953, Maria đã viết khoảng mười lăm ngàn trang giấy vở. Đó là những chú giải về Kinh Thánh, những bài học về giáo lý, những tường thuật về các Kitô hữu và vác vị tử đạo đầu tiên; các tính chất của lòng đạo đức, không kể các trang nhật ký thiêng liêng. Nhưng khoảng hai phần ba sản lượng văn hoá của Maria Valtorta là tác phẩm vĩ đại về đời sống của Chúa Giêsu.

Sau khi đã tận hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa, cả cho tới sự thông minh riêng, Maria bắt đầu từ từ khép kín trong nhiều năm, trong sự cô lập nội tâm cho tới ngày chết như vâng lời sự khích lệ của vị linh mục ở bên cạnh, gọi Maria trong lúc hấp hối, đã cầu nguyện với những lời sau này: “Hỡi linh hồn Kitô hữu, hãy ra khỏi thế gian này”. Đó là ngày 12-10-1961. Maria đã để lại như một kỷ niệm câu nói này: “Tôi đã hết chịu đau khổ, nhưng tôi sẽ tiếp tục yêu”.

Đám táng của Maria Valtorta được tiến hành tại giáo xứ thánh Paulin ngày 14-10-1961, ngay sáng sớm và rất đơn giản theo ý muốn của bà. Và ngay sau lễ, thi hài được an táng tại nghĩa trang Viareggio. Nhưng ngày 2-7-1973, hài cốt Maria Valtorta được đưa về một ngôi mộ ưu tiên tại Firenze, trong hành lang lớn của nhà nguyện Đức Mẹ được truyền tin.
Hiện nay cũng đang có án phong chân phước cho bà.

Tác phẩm quan trọng nhất của Maria Valtorta là tác phẩm về cuộc đời Chúa Giêsu, được viết từ năm 1944 đến 1947, ngoại trừ vài chương trong những năm sau. Nó được quảng bá tại Ý ngay từ 1956 dưới nhan đề: Il poema dell’ Uomo-Dio. Kỳ xuất bản thứ nhất được trình bày trong bốn tập lớn, sau đó tái bản thành mười tập, với những chú thích về thần học và giáo lý của cha Conrad M. Berti hội Tôi Tớ Mẹ Maria. Tác phẩm tiếp tục được tái bản và truyền bá không nhờ một quảng cáo nào. Ngày nay nó đã được biết rộng rãi ở Ý và trên toàn thế giới.

Về những điều có liên can tới thực chất của tác phẩm, chúng tôi nhìn nhận đây là một trong những mặc khải tư lớn lao nhất. Lại nữa, nó được các nhà thần học công giáo nhìn nhận là một mặc khải có thể có, tùy thuộc vào sự mặc khải chung và đáng tin mà Thiên Chúa chấp nhận cho một số người để ích lợi cho mọi người.

Năm 1944 tuy tác phẩm chưa hoàn tất cha Romuldo Migliorini, cha giải tội của bà Maria Valtorta bắt đầu đánh máy một số các trình thuật phân phát và nhấn mạnh rắng chúng được mạc khải, trái với ý muốn của bà Maria Valtorta. Năm 1946 khi bị bề trên đổi về Roma cha gặp cha Corrado Berti giáo sư tín lý và thần học bí tích tại Học viện Marianum và chia sẻ các xác tín của mình và hai cha tìm cách phổ biến tác phẩm. Theo lời đề nghị của Đức ông Alfonso Carinci, thư ký Bộ các Nghi Thức Thánh nay là Bộ Phong Thánh trong các năm 1945-1960, và cha Agostino Bea dòng Tên, Viện trưỏng Học Viên Thánh Kinh Roma, cha giải tội của Đức Giào Hoàng Pio XII sau này sẽ là Hồng Y, hai cha gủi lên Đức Pio XII mười cuốn sách đánh máy này của tác phẩm. Ngày 26 tháng 2 năm 1948 Đức Pio XII tiếp kiến hai cha và cha Andrew Cecchin Bề trên của các vị. Đức Thánh Cha cho biết ngài chấp thuận tác phẩm và khuyên nên công bố trọn vẹn, kể cả các lời tuyên bố rõ ràng đề cập tới các “thị kiến” và “đọc cho viết”, nhưng không chấp thuận lời tựa coi đây là một hiện tượng siêu nhiên. Theo lời khuyên của Đức Thánh Cha, bất cứ giải thích nào phải để cho người đọc. Ngài nói: “Các cha hãy công bố tác phẩm như nó là. Không có lý do đưa ra một ý kiến về nguồn gốc của nó, ngoại thường hay không. Những người đọc sẽ hiểu”.

Cuốn một bắt đầu với lời giải thích của Chúa Giêsu liên quan tới Mẹ Maria: 
“NGƯỜI TA CÓ THỂ GỌI MARIA LÀ CON THỨ CỦA CHÚA CHA” Chúa Giêsu ra lệnh cho tôi: “Hãy lấy một cuốn vở mới và chép trên tờ đầu tiên bài đọc của ngày 16 tháng 8 (1944). Trong cuốn sách này, người ta sẽ nói về Mẹ”. Tôi vâng lời và chép. Chúa Giêsu nói: Hôm nay chỉ viết điều này thôi: sự trong trắng có một giá trị lớn lao tới nỗi lòng dạ một thụ tạo có thể chứa đựng đấng không thể chứa được, bởi vì Mẹ có sự trong sạch tuyệt đối, một sự trong sạch lớn lao nhất mà một thụ tạo của Thiên Chúa có thể có. Ba Ngôi Rất Thánh đã xuống đó với tất cả sự toàn vẹn của Người, ở đó với cả Ba Ngôi, khép kín thực thể vô biên của Người trong một khoảng không gian bé tí - Người không bị giảm bớt chút nào, vì tình yêu của Đức Trinh Nữ và ý muốn của Thiên Chúa đã làm giãn nở khoảng không gian này ra đến nỗi biến nó thành Trời và tự bộc lộ ra với các đặc tính của Người. Chúa Cha, với tư cách là Tạo Hóa, đã làm công việc của Người vào ngày thứ sáu, để có một “người con gái” thực sự xứng đáng với Ngưới, có sự giông giống với Người cách trọn vẹn nhất. Dấu ấn của Thiên Chúa được in trên Maria rõ ràng đến nỗi chỉ có Người Con Đầu Lòng của Cha là ở trên Người. Người ta có thể gọi Maria là con thứ của Chúa Cha, vì sự trọn lành mà Mẹ đã nhận được và biết bảo trì, vì phẩm giá của Mẹ là Hiền Thê và là Mẹ của Thiên Chúa, là Nữ Vương nước Trời. Mẹ đến thứ hai tiếp sau Con của Cha, và đến thứ hai trong tư tưởng đời đời của Người, bởi vì từ đời đời, Người thỏa lòng nơi Mẹ. Chúa Con: cũng là “Người Con cho Mẹ”, đã dạy Mẹ, nhờ mầu nhiệm Ân Sủng, Chân Lý của Người và sự Khôn ngoan của Người, trong khi Người mới chỉ là bào thai đang phát triển trong lòng Mẹ. Chúa Thánh Thần: khi xuất hiện giữa loài người bởi một lễ Hiện Xuống trước kỳ hạn, bởi một lễ Hiện Xuống kéo dài: “Tình yêu trong Người yêu”, sự yên ủi cho loài người bởi hoa trái của lòng Mẹ, sự thánh hóa cho loài người bởi việc làm mẹ của Đấng Thánh. Để tự bộc lộ ra cho loài người dưới hình thức mới và trọn vẹn, khai mào cho kỷ nguyên cứu độ, Thiên Chúa đã không chọn một tinh tú trên trời hay một lâu đài của một quân vương mạnh thế để làm ngai của Người. Người cũng không muốn cánh của các thiên thần để làm bệ dưới chân Người. Người đã muốn một cung lòng không tì vết. Evà cũng đã được tạo dựng không tì vết, nhưng bà đã muốn hư hỏng một cách hồn nhiên. Trong khi Evà sống trong một thế giới trong sạch, thì Maria sống trong một thế giới đồi trụy, mà Mẹ không ưng thuận làm tổn thương sự trong trắng của Mẹ, dù bởi một ý nghĩ nhỏ mọn hướng về tội lỗi. Mẹ biết sự hiện hữu của tội lỗi, Mẹ đã thấy những diện mạo khác nhau và ghê gớm nhất của nó. Mẹ đã thấy tất cả, cho tới điều khủng khiếp nhất: giết Thiên Chúa. Nhưng Mẹ biết chúng để đền tội cho chúng, và để đời đời là đấng thương kẻ có tội và cầu nguyện cho sự cứu rỗi của họ. Tư tưởng này là một lời giới thiệu cho nhiều thực tế thánh thiện khác mà Cha sẽ thông cho con để củng cố cho con, con và nhiều người khác.
ń(MỤC MẸ MARIA (381))
Linh Tiến Khải




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét