Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo: Phần Hai, cuộc tranh luận quanh đề xuất của Đức HY Kasper (18)

Vấn đề ly dị và tái hôn trong Đạo Công Giáo: Phần Hai, cuộc tranh luận quanh đề xuất của Đức HY Kasper (18)
Thay lời kết


Từ lịch sử học lý và thực hành của Giáo Hội suốt trong hơn 20 thế kỷ qua, ta thấy tính bất khả tiêu, tuy đã thành tín lý của Giáo Hội, được cả Đông lẫn Tây, được cả bảo thủ lẫn cấp tiến, công nhận và chủ trương không thể thay đổi, nhưng không vì thế không tạo nên những cuộc tranh luận suốt trong lịch sử ấy. Bầu khí đa nguyên hiện nay càng làm cho cuộc tranh luận này thêm sôi nổi. 

Không thiếu người quá khích, cực đoan, coi cuộc tranh luận này do Sa Tan nổi lửa, vì đã đụng tới tín điều hôn nhân bất khả tiêu của Giáo Hội, một tín điều đã thành hình từ buổi đầu Kitô Giáo và liên tục được bảo vệ và nhất là được tin nhận và sống theo trong suốt lịch sử của Đạo. 

Nhưng như bài này từng đề cập ở phần lịch sử, đề nghị cho người ly dị tái hôn rước lễ không mới lạ gì. Nó đã có từ lâu nay, ít nhất cũng sau Công Đồng Vatican, hơn nửa thế kỷ qua. Trong số những người đề nghị này, ta thấy có những vị giáo phẩm, không những không bị Giáo Hội cấm viết, cấm nói, mà còn được thăng thưởng và giữ những chức vụ chủ chốt trong Giáo Hội nói chung và trong Giáo Triều nói riêng. Cụ thể là Đức HY Kasper: từ năm 1993, ngài đã cùng hai vị giám mục Đức khác đưa ra đề nghị này. Thế mà Đức Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng vĩ đại của hôn nhân và gia đình, vẫn tặng ngài mũ Hồng Y và mời về Giáo Triều giữ chức chủ tịch Văn Phòng Đại Kết, một chức vụ kể vào hàng quan trọng của Giáo Triều. 

Đã đành, tiếp theo chỉ thị của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin năm 1994, ngài không đề cập tới vấn đề tế nhị đó nữa. Nhưng về cuối triều đại Đức Bênêđíctô XVI và nhất là từ ngày Đức Phanxicô lên ngôi giáo hoàng và chính thức khen ngợi quan điểm của ngài về lòng thương xót, ngài được gợi hứng trở lại đối với một đề tài ngài hằng ấp ủ xưa nay: đấu tranh để những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ, chỉ được rước lễ thôi, chứ cuộc hôn nhân của họ không thể là cuộc hôn nhân bí tích được. 

Thiển nghĩ, quan điểm của ngài không hẳn hoàn toàn phi lý, do Sa Tan xúi giục, nếu biết dừng lại ở đó. Vì đây là thực hành của rất nhiều các Giáo Hội Kitô khác, những Giáo Hội mà hiện nay Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là Giáo Hội, là máng chuyển ơn thánh cho tín hữu, không phải là những cỗ xe của ma qủy đưa tín hữu Chúa Kitô xuống hỏa ngục. 

Xét về một phương diện nào đó, chống lại ngài một cách bất phân biệt là chống lại cả Đức Phanxicô, người đã chính thức yêu cầu ngài làm diễn giả chính trong mật nghị hội Hồng Y tháng Hai vừa qua. Dù cho tới nay, người ta chưa nắm được ý hướng của Đức Phanxicô trong vấn đề then chốt này. Nhưng phải nói: Đức Phanxicô hiểu rõ con người và tầm nhìn của Đức HY Kasper, từ rất lâu, từ trước khi được bầu làm giáo hoàng. Cho nên nguyên quan điểm như đã trình bày tại mật nghị hội Hồng Y tháng Hai vừa qua chắc chắn không đi ngược lại ý hướng của ngài. Không những thế, ngài còn khen bài trình bày của Đức HY Kasper là “làm thần học bằng đầu gối”, đâu phải do sự xuí bẩy của Sa Tan. 

Nói như thế không có nghĩa mọi điều Đức HY Kasper trình bày đều là “làm thần học bằng đầu gối” cả. Muốn biết điều này, ta cần đọc lại cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô trên đường ngài từ Giêrusalem trở về Rôma hồi tháng Năm vừa qua. Được hỏi về bài trình bày của Đức HY Kasper, Đức Phanxicô trả lời nguyên văn như sau:

“Bài diễn văn mở đầu của Đức Hồng Y Kasper gồm năm chương: bốn chương nói về gia đình, vẻ đẹp của gia đình, các nền tảng thần học của nó, và các vấn đề đang đặt ra cho các gia đình; trong khi ấy, chương năm nói tới vấn đề mục vụ về ly thân, tuyên bố hôn nhân vô hiệu, người ly dị… Một phần của vấn đề này là việc rước lễ. Trước đến nay tôi vốn không hài lòng khi có quá nhiều người, cả các chức sắc trong Giáo Hội, các linh mục, nói rằng “ôi, THĐ chẳng qua chỉ nói về việc cho người ly dị rước lễ” rồi đi thẳng vào vấn đề ấy. Tôi cảm thấy như thể mọi sự đều được rút gọn vào khoa giải các nố lương tâm (casuistry). Không phải thế, vấn đề lớn và rộng hơn nhiều. Ngày nay, như ta thấy, gia đình đang gặp khủng hoảng, nó đang gặp khủng hoảng khắp nơi trên thế giới. Người trẻ không muốn kết hôn, họ không chịu kết hôn mà chỉ sống chung với nhau. Hôn nhân đang gặp khủng hoảng và cả gia đình nữa cũng đang gặp khủng hoảng. Tôi không muốn chúng ta sa vào thứ khoa giải các nố lương tâm gồm những điều “ta có thể” hay “ta không thể” này làm gì… 

“Vấn đề mục vụ gia đình là vấn đề phức tạp, rất phức tạp. Và nó cần được xem xét từng trường hợp một. Điều Đức Bênêđíctô nói tới trong ba dịp về người ly dị rất có ích đối với tôi. Lần thứ nhất tại Valle d’Aosta, lần thứ hai tại Milan và lần thứ ba trong mật nghị hội này, mật nghị hội cuối cùng ngài triệu tập để cử nhiệm một số Hồng Y. [Ngài nói rằng hiện có nhu cầu phải] nghiên cứu thủ tục tuyên bố hôn nhân vô hiệu; khảo sát đức tin của những người bước vào hôn nhân và minh xác rằng người ly dị không bị tuyệt thông, [dù cho] họ thường bị đối xử như thế. Đây là một điều nghiêm túc: giải nghi vấn đề. 

“THĐ sẽ nói về gia đình: cả thực tại phong phú của gia đình lẫn các vấn đề các gia đình đang đương đầu. Các giải pháp, các án vô hiệu, mọi việc. Cả vấn đề này nữa, nhưng như một phần của bức tranh lớn hơn”. 

Nói như thế thì việc ngài khen ngợi bài diễn văn của Đức HY Kasper chắc chắn không hẳn vì phần cuối cho bằng vì 4 phần trên, như nhận định của giáo sư Robert Fastiggi đã đề cập trên đây. Nhưng trong niềm say sưa của mình, hình như Đức HY Kasper đã đọc sai ý hướng của lời khen này mà đảo ngược lại trật tự, coi nó như nhằm vào phần chót, phần mà Đức Phanxicô gọi là “khoa giải các nố lương tâm”, một điều không thích hợp chút nào với tâm tư của ngài. 

Chưa hết, Đức HY Kasper còn đi xa hơn nữa, dựa vào lời khen bị định vị sai này, để đả kích cả tín lý cốt lõi của Giáo Hội về hôn nhân, chứ không hẳn chỉ là các thực hành. Thực vậy, trong cuộc phỏng vấn của tờ La Nacion, Á Căn Đình, ngày 29 tháng Chín vừa qua, Đức HY Kasper chỉ trích cả diễn trình tuyên bố hôn nhân vô hiệu. Ngài bảo: “Có những hoàn cảnh có thể tuyên bố vô hiệu. Nhưng lấy trường hợp một cặp vợ chồng đã kết hôn với nhau 10 năm nay, có con, trong mấy năm đầu sống với nhau hạnh phúc, nhưng rồi vì nhiều lý do, cuộc hôn nhân này thất bại. Nó vốn là một thực tại, nên bảo rằng nó vô hiệu về phương diện giáo luật thì quả không có nghĩa gì cả”. 

Sợi dây hôn phối cũng là một thực tại, thế mà Đức HYKasper lại cho phép người ly dị và tái hôn dân sự được quyền coi nó như không có để tiến lên rước lễ. Cái vô nghĩa sau không được ngài nhận ra. Vì ngài đã có một “tín lý” khác về cuộc hôn nhân dân sự lần thứ hai này. Trong cuộc phỏng vấn khác ngày 2 tháng Mười hôm qua với Francis Rocca, ngài cho rằng ly dị và tái hôn dân sự vẫn có các giá trị tích cực của một cuộc hôn nhân đúng nghĩa: tình yêu, cam kết, độc hữu, đời sống cầu nguyện, con cái, cả chiều kích công cộng nữa. Ngài coi cuộc “hôn nhân” này có trách nhiệm, do Chúa ban cho, tuy chưa hoàn hảo, mà nào có ai hoàn hảo! Ngài bảo thế, nhưng vẫn là một cuộc hôn nhân, do lương tâm trưởng thành quyết định, chứ không phải là ngoại tình. Ngài cho rằng nói với những người này rằng họ ngoại tình, quả là một điều xúc phạm!

Sự đi quá trớn của Đức HY Kasper dường như sẽ là một yếu tố để cuộc tranh luận về ly dị, tái hôn, và rước lễ đi theo một chiều nhất định, không có lợi cho quan điểm của ngài chút nào. Và đây rất có thể là một disservice đối với chính tâm ý tốt lành của ngài và biết đâu không là tâm ý của nhiều nghị phụ khác và của chính Đức Phanxicô muốn đi tới một giải pháp vừa duy trì nguyên vẹn tính bất khả tiêu của hôn nhân vừa đem những người ly dị và tái hôn dân sự tìm được đường về hiệp thông toàn vẹn với Giáo Hội và do đó, với Chúa Giêsu Thánh Thể. 

Cho tới nay, cán cân đã rõ: nếu nói về lượng, có thể nói phía chủ trương cho người ly dị và tái hôn rước lễ đang ở số ít, thậm chí rất ít nữa. Còn nói về phẩm, họ cũng chưa “phá” được hết các cơ sở vững chắc trong việc khuyên những người này hạn chế không rước lễ. Tuy nhiên, hai phía đang có những động thái muốn làm nổi quan điểm của mình. Đức HY Kasper thì tiếp tục cho là Đức Phanxicô, ít nhất, cũng có cảm tình với đề xuất của mình và đổ cho phiá bên kia theo chủ nghĩa cực đoan, khép kín, chỉ biết lặp lại các luận điệu cũ kỹ, “thủy tinh hóa tín lý”, thậm chí còn chơi đòn chính trị, chưa thấy bao giờ trong Giáo Hội, là kết bè kết đảng ra sách “hạ độc” địch thủ. 

Đức HY Burke thì cho rằng truyền thông đại chúng “đang cố gắng đánh cướp” cuộc họp của THĐ sắp tới bằng cách cho rằng Đức Phanxicô đứng về phía cho phép người ly dị và tái hôn ở tòa đời được rước lễ. Ngài nhắc tới việc phong chân phúc cho Đức Phaolô VI, tác giả của TĐHumanae Vitae, vào cuối THĐ lần này, ngầm cho hiểu việc chặn cướp trên là điều phi lý. 

Rõ ràng việc nhận vơ Đức Phanxicô về phía mình, không những bị Đức HY Burke coi là ngạo mạn, mà còn bị Tòa Thánh không hoan nghinh. Vì Tòa Thánh đã lên tiếng bác bỏ nguồn tin của tờ La Croix cho rằng Đức Phanxicô không hài lòng về việc hai, hay ba cuốn sách mới do nhà Ignatius ấn hành chống lại cuốn Tin Mừng Gia đình của Đức HY Kasper. 

Càng ngày càng có nhiều vị Hồng Y phát biểu về THĐ sắp tới theo chiều hướng tăng cường tính bất khả tiêu của hôn nhân. Đức HY Vincent Nichols của Westminster, Anh, chẳng hạn, độc đáo nhận định rằng: hôn nhân Công Giáo bất khả tiêu như “Thánh Thể không thể trở lại làm mẩu bánh bình thường”. Nhưng ngài cho rằng đây là lúc thuận tiện để “tạo nên nền văn hóa xót thương trong Giáo Hội” bằng cách cho rằng không nên lý tưởng hóa gia đình mà hỗ trợ họ trong nhiệm vụ đầy thách thức là dưỡng dục con cái và làm chứng cho đức tin trước xã hội rộng lớn hơn. 

Thật ra, tất cả những nóng bỏng diễn ra chung quanh THĐ lần này là điều không tiêu cực chút nào. Vatican II là biến cố vĩ đại đầu tiên của Giáo Hội được sự theo dõi nồng nhiệt của truyền thông thế tục. Nhờ đó, Giáo Hội chính thức nhập cuộc với thế giới để làm cho thế giới này nên tốt đẹp hơn. Nhiều người mong mỏi có một Vatican III. Nhưng há triều đại của Đức Phanxicô đang không có những tiểu Vatican III đó sao, giống như ngài thường cho rằng nhiều Thế Chiến III thu nhỏ đang diễn ra trên thế giới. Và bầu không khí hiện nay há không phải là một chuẩn bị để hâm nóng sự lưu ý của truyền thông hay sao? 

Chính Đức HY Kasper, trong cuộc phỏng vấn mới đây của Đài Phát Thanh Vatican, ngày 1 tháng Mười, cũng so sánh cuộc tranh luận nóng bỏng trước THĐ lần này với bầu không khí trong Giáo Hội trước CĐ Vatican II. Ngài nói: Lúc đó, cũng có những quan điểm rất kình chống nhau, nên ngài tin rằng, cũng như Vatican II, THĐ này sẽ dẫn tới “một đồng thuận rất lớn lao”. 

Nhưng là đồng thuận nào? Đức HY Kasper thì tin rằng đó là đồng thuận về các thay đổi trong thực hành của Giáo Hội để hỗ trợ những người đang đương đầu với các khó khăn trong cuộc sống gia đình của họ. Còn đối với Đức HY Burke thì đó là đồng thuận nhắc lại giáo huấn truyền thống của Giáo Hội về tính bất khả tiêu của hôn nhân, tái hôn dân sự trong khi người phối ngẫu thành sự vẫn còn sống chỉ là ngoại tình và do đó không được rước lễ. 

Tuy nhiên, điều cần nhớ là: đối với Đức Phanxicô, THĐ sắp tới và THĐ năm 2015 không nhằm duy nhất một đồng thuận hẹp hòi như vậy, một đồng thuận có tính giải nghi, giải các nố lương tâm mà thôi.

Vũ Văn An10/3/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét