13/06/2015 – Thứ Bảy
Lễ Kính Khiết Tâm Mẹ
Bài
Ðọc I: Hc 24, 1-2. 5-7. 12-16. 26-30
"Ðức
Maria là toà sự khôn ngoan".
Trích
sách Huấn Ca.
Ðức
Khôn ngoan ngợi khen chính mình, được ca tụng trong Thiên Chúa, được ngợi khen
giữa dân mình. Ðức Khôn ngoan mở miệng trong cộng đoàn Ðấng Tối Cao, được ngợi
khen trước mặt uy quyền Người: "Ta phát xuất từ miệng Ðấng Tối Cao, ta được
sinh ra trước mọi loài thụ tạo. Ta hoạt động trên trời để ánh sáng được chiếu
toả khắp nơi; và như mây trời, ta bao trùm cả vũ trụ. Ta cư ngụ trên trời cao,
và ngai toà của ta được đặt trên tầng mây.
"Bấy
giờ Ðấng Tạo thành muôn vật phán dạy ta, Ðấng dựng nên ta nghỉ ngơi trong nhà
ta, và bảo ta rằng: "Hãy ở trong nhà Giacóp; hãy hưởng cơ nghiệp trong
Israel; hãy đâm rễ trong những người ta chọn!"
"Ta
được tạo dựng từ nguyên thuỷ, trước muôn đời. Ðến muôn đời ta vẫn chẳng giảm
suy. Ta phục vụ trong đền thánh trước mặt Người. Và như thế, ta đứng vững ở
Sion, ta cũng nghỉ ngơi trong thành thánh và uy quyền ta ở trong Giêrusalem. Ta
ở mãi trong một dân được trọng vì, trong lãnh địa, trong cơ nghiệp của Thiên
Chúa. Ta ở lại trong đại đoàn các Thánh.
"Tất
cả những ai yêu thích ta, hãy đến cùng ta, và các người sẽ được no đầy hoa quả
của ta. Vì tinh thần của ta thì ngọt hơn mật ong, và gia nghiệp của ta thì ngọt
hơn cả tàng ong. Người ta sẽ nhớ đến ta muôn đời. Những ai ăn ta sẽ còn đói, và
những ai uống ta sẽ còn khát. Ai nghe ta sẽ không phải hổ ngươi, và những ai
thi hành các việc của ta sẽ không mắc tội".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8
Ðáp: Tâm hồn tôi
nhảy mừng trong Chúa, Ðấng Cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng:
1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên
Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ
tôi. - Ðáp.
2)
Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ
thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải
làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. -
Ðáp.
3)
Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra.
Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao.
- Ðáp.
4)
Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó
nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh
quang. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Ep 1, 3-6. 11-12
"Thiên
Chúa đã chọn chúng ta trong Chúa Kitô trước khi tạo dựng thế gian".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh
em thân mến, chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Ðấng đã
chúc lành cho chúng ta bằng mọi phúc lành thiêng liêng trên trời, trong Ðức
Kitô. Như Chúa đã chọn chúng ta trong Người trước khi tạo dựng thế gian, để
chúng ta được nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Chúa trong tình yêu
thương. Chiếu theo thánh ý của Ngài, Ngài đã tiền định cho chúng ta được phúc
làm con nhờ Ðức Giêsu Kitô, để chúng ta ca tụng vinh quang ân sủng của Ngài mà
Ngài đã ban cho chúng ta trong Con yêu dấu của Ngài. Trong Ðức Kitô, chúng tôi
được kêu gọi làm thừa tự, và anh em (là con cái Israel) cũng được tiền định
theo ý định của Ngài là Ðấng tác thành mọi sự theo thánh ý Ngài, để chúng tôi
trở thành lời ca vinh quang của Ngài, chúng tôi là những kẻ trước kia đã trông
cậy vào Ðức Kitô.
Ðó
là lời Chúa.
ALLELUIA: x. Lc 2, 19
Alleluia,
alleluia! - Đức Trinh Nữ Maria hiển vinh đã ghi nhớ lời Chúa và suy niệm trong
lòng. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 2, 41-52
"Cha
Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng
năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy
giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng
ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu
đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong
nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người
trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai
ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau
ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến
sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự
hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc
nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như
thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người
thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng
con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người
nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông
bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.
Còn
Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt
Thiên Chúa và người ta.
Ðó
là lời Chúa.
Suy Niệm : Mẫu mực trong đời sống đức tin
Một
người đàn bà Nigiêria bị tòa án Hồi Giáo kết án tử hình bằng cách ném đá về tội
ngoại hôn đã được hoãn hành quyết hai năm để bà có thể cai sữa cho đứa con.
Hôm
thứ Hai ngày 17/6/2002, tòa phá án thành phố Pontuar ở miền tây bắc Nigiêria vẫn
duy trì cuộc hành quyết này sau khi xét đơn kháng cáo của bà Amila Nawanrami.
Người phụ nữ này bị kết án tử hình hồi tháng 3/2002, sau khi bị tố cáo có thai
với một người đàn ông không chính thức là chồng của chị. Kurami là người đàn bà
thứ hai bị kết án tử hình vì có con ngoại hôn tại Nigiêria. Án tử hình của chị
sẽ được thi hành vào năm 2004 sau khi đứa con của chị dứt sữa mẹ. Bản án thật bất
công, nó ngược lại với mọi chuẩn mực văn minh của loài người. Tuy nhiên, vẫn
còn thấy ở đây một giá trị mà cho dù có độc ác tới đâu loài người vẫn còn trân
quí, đó là tình mẫu tử. Người mẹ Nawanrami sẽ chết đi nhưng ít ra đứa con của
chị vẫn còn có được những giọt sữa mẹ nuôi dưỡng cho đến khi thôi bú.
Cho
con bú mớm, đó là hình ảnh đẹp nhất mà người ta có thể nhìn thấy nơi bất cứ người
mẹ nào. Hôm nay Lễ Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, có lẽ chúng ta cũng được mời gọi
để suy niệm về tình mẫu tử của Mẹ. Mẹ đã sinh dưỡng Chúa Giêsu, Mẹ đã từng cho
Ngài bú mớm. Một hôm, vào giữa lúc Chúa Giêsu đang giảng dạy, có một người
trong đám đông đã lên tiếng ca ngợi Mẹ: "Phúc cho kẻ đã cho Ngài bú mớm".
Quả thật, cũng như bất cứ bà mẹ nào, Mẹ đã cho Chúa Giêsu bú mớm, Mẹ đã nhìn
Ngài lớn lên từng ngày, Mẹ theo dõi và hân hoan với từng bước chân chập chững của
Ngài, Mẹ vui với sự khôn lớn của Ngài, Mẹ buồn lo vì sự bất chấp xảy ra cho
Ngài.
Câu
chuyện Chúa Giêsu lạc mất trong đền thờ được thánh sử Luca ghi lại trong Tin Mừng
hôm nay cho chúng ta thấy được trái tim hiền mẫu của Mẹ: "Con ơi, sao con
lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng
tìm con?" Lời trách móc này bộc lộ tất cả trái tim con người của Mẹ. Mẹ đối
xử với Chúa Giêsu với tất cả tình cảm của một con người và chính vì là một con
người cho nên Mẹ trở thành mẫu mực cho chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin. Nơi
Mẹ, chúng ta nhận ra được một người tín hữu tiến bước trong mò mẫm, trong chiến
đấu, trong tin yêu và vâng phục. Nhưng Mẹ không chỉ là mẫu mực cho chúng ta
trong đời sống đức tin. Mẹ là Mẹ của chúng ta. Mẹ đã yêu thương Chúa Giêsu với
tất cả trái tim nhân loại của Mẹ. Ngày nay, Mẹ cũng tiếp tục dõi theo mỗi người
chúng ta với trái tim hiền mẫu ấy. Mẹ đã trải qua thử thách, Mẹ hiểu được thế
nào là khổ đau. Hơn ai hết, Mẹ đồng cảm với bao nỗi lo lắng và khổ đau của
chúng ta. Mẹ hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Mẹ đã từng dõi theo
từng bước trong tiến trình trưởng thành của Chúa Giêsu Con Mẹ. Mẹ suy niệm từng
biến cố của cuộc sống.
Ngày
nay cũng thế, không có giây phút nào trong cuộc sống của mỗi người chúng ta mà
không được Mẹ ôm ấp trong lòng. Với niềm tin tưởng ấy, chúng ta phó thác cuộc sống
cho Mẹ.
Lễ
nhớ Trái Tim Ðức Maria trong phụng vụ hiện nay
Vatican
(Vat. 21-05-2015) - Tông huấn "Marialis cultus" về lòng sùng kính Ðức
Mẹ của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI canh tân việc kính nhớ Trái Tim vô nhiễm nguyên
tội của Ðức Trinh Nữ diễm phúc Maria giữa các lễ nhớ hay lễ kính, diễn tả các
hướng đi nổi bật trong lòng đạo đức hiện đại.
Trong
nguồn gốc lịch sử của ngày lễ chúng ta thấy người đã thăng tiến việc cử hành phụng
vụ Trái Tim Mẹ Maria là thánh Jean Eudes (1610-1680), cũng như kết quả các lời
tuyên bố tỏ tường của Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII năm 1903 và Ðức Giáo Hoàng Piô X
năm 1909. Hai vị gọi thánh nhân là "cha, tiến sĩ và tông đồ đầu tiên"
của lòng tôn sùng và đặc biệt của việc sùng kính phụng vụ đối với Thánh Tâm
Chúa Giêsu và Trái Tim Mẹ Maria. Và thánh nhân đã muốn thánh hiến các tu sĩ của
dòng do ngài thành lập cho hai Trái Tim Thánh này. Ngay khoảng năm 1643, nghĩa
là chừng 20 năm trước việc cử hành lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thánh nhân và các
người theo ngài đã bắt đầu cử hành lễ Trái Tim Ðức Mẹ. Năm năm sau đó, ngày
mùng 8 tháng 2 năm 1648, lễ này cũng được cử hành công khai trong thành phố
Autun, với thánh lễ và kinh thần vụ do thánh nhân biên soạn và được Ðức Giám Mục
sở tại chấp thuận. Các văn bản phụng vụ này của thánh Eudes cũng được nhiều
Giám Mục chấp thuận, mặc dù có sự chống đối của nhiều người theo phái
giangsênít. Ngày mùng 2 tháng 6 năm 1668 lễ và các văn bản phụng vụ được sự đồng
ý của ÐHY sứ giả của Ðức Giáo Hoàng bên Pháp. Nhưng năm sau khi xin Tòa Thánh
xác nhận, thì Thánh Bộ Phụng Tự từ chối.
Vào
năm 1726 linh mục Gallifet, dòng Tên, đã tái xin phép Tòa Thánh chấp nhận lễ
kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Vấn đề được cứu xét bởi ÐHY Prospero Lambertini, sau
này sẽ trở thành Ðức Giáo Hoàng Biển Ðức XIV, lúc đó là Tổng trưởng Bộ phụng tự.
Câu trả lời lần đầu tiên của bộ năm 1727 là đừng nài nỉ, vì các khó khăn đạo lý
lời xin có thể bị từ chối. Nhưng cha Gallifet không chịu thua, cứ viết đơn xin,
và ngày 30 tháng 7 năm 1729 Bộ trả lời không chấp nhận.
Như
đã biết, năm 1765 Tòa Thánh cho phép chính thức cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa
Giêsu, nhưng trong dịp đó người ta không nghĩ tới việc lôi cuốn cả Trái Tim Ðức
Mẹ vào. Năm 1799 Ðúc Giáo Hoàng Pio VI cho phép giáo phận Palermo, trên đảo
Sicilia nam Italia, cử hành một lễ kính Trái tim rất thánh của Ðức Trinh Nữ
Maria. Năm 1805 Ðức Giáo Hoàng Pio VII quyết định ban phép cử hành lễ cho tất cả
những ai làm đơn xin, nhưng phải dùng các văn bản của lễ Ðức Bà xuống tuyết
mùng 5 tháng 8. Dưới thời Ðức Giáo Hoàng Pio IX năm 1855 Thánh Bộ Phụng Tự chấp
nhận các văn bản mới một phần lấy lại của thánh Jean Eudes cho lễ kính Trái tim
rất vẹn sạch Mẹ Maria, nhưng chỉ dành cho các giáo phận và dòng tu làm đơn xin
phép. Năm 1914 nhân dịp cải tổ sách lễ Roma, lễ kính Trái Tim Ðức Mẹ bị chuyển
vào phần phụ giữa các lễ ngoại lịch.
Tiếp
theo đó đã có rất nhiều đơn xin Tòa Thánh cho phép cử hành lễ này trong toàn
Giáo Hội. Một đàng nó được thăng tiến bởi lòng nhiệt thành đặc biệt của các Thừa
sai con cái của Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria là các Tu sĩ Claretiani,
và đàng khác bởi việc phổ biến lòng sùng kính này đặc biệt sau các vụ Ðức Mẹ hiện
ra tại Fatima. Và lần này thì Tòa Thánh chấp thuận. Ngày 31 tháng 10 năm 1942,
và rồi ngày mùng 8 tháng 12 năm 1942 trong Ðền Thờ thánh Phêrô, nhân kỷ niệm 25
năm Ðức Mẹ hiện ra tại Fatima, Ðức Giáo Hoàng Pio XII thánh hiến nhà thờ và
nhân loại cho Trái tim vô nhiễm nguyên tội Mẹ Maria. Ðể muôn đời ghi nhớ cử chỉ
này ngày mùng 4 tháng 3 năm 1944 với sắc lệnh "Cultus liturgicus" Ðức
Pio XII ban phép cử hành lễ Trái tim vô nhiễm nguyên tội Ðức Mẹ trong toàn Giáo
Hội Latinh vào ngày 22 tháng 8, trong Tuần Bát Nhật Lễ Ðức Mẹ hồn xác lên Trời
và nâng lên thành lễ bậc nhì. Lịch phụng vụ hiện nay đã để việc cử hành vào lễ
nhớ tùy ý, và đặt sau lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Việc
đặt hai lễ gần nhau khiến chúng ta trở về nguồn gốc lịch sử của lòng tôn sùng
Thánh Tâm Chúa Giêsu và Trái Tim Ðức Mẹ. Thật thế, trong các bút tích của mình
thánh Jean Eudes đã không bao giờ tách rời hai Trái Tim Thánh ấy. Ngoài ra
trong 9 tháng sự sống của mình Con Thiên Chúa nhập thể đã đập nhịp cùng với
trái tim của Mẹ Maria.
Các
văn bản phụng vụ riêng của lễ ban ngày nêu bật công việc tinh thần của con tim
nữ môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô. Ca Tin Mừng và lời nguyện hiệp lễ dùng văn bản
Phúc Âm thánh Luca chương 2 câu 19 và bài Phúc Âm thánh Luca chương 2 câu 1 đến
51 với kết thúc giới thiệu với chúng ta Mẹ Maria trong thái độ nội tâm hướng tới
việc lắng nghe và đào sâu lời Chúa. Trong văn bản thứ nhất thánh Luca cho thấy
Ðức Maria yêu thương chú ý tới những gì Mẹ trông thấy và lắng nghe các biến cố
của Thiên Chúa liên lụy tới mình. Cả thánh Giuse và những người khác, đặc biệt
là chứng tá của các mục đồng, nhưng theo thánh Luca trình bầy chỉ có Mẹ Maria
là suy gẫm trong tim và tìm bước vào trong mầu nhiệm Mẹ đang sống. Thế rồi, trong
văn bản thứ hai thánh sử Luca ghi nhận rằng Ðức Maria và thánh Giuse đã không
hiểu lời Chúa Giêsu nói trong Ðền Thờ, nhưng vừa nhắc tới việc trở về Nagiarét
thánh sử lôi kéo sự chú ý trên thái độ thường hằng của Ðức Maria và viết:
"Và Mẹ Người gìn giữ tất cả những điều này và suy gẫm trong tim" Như
thế, Mẹ Maria, Ðấng đã trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, khi gắn bó với Lời của
Thiên Chúa Cha trong ngày truyền tin, giờ đây thực hiện từ từ sự trưởng thành
hiền mẫu của mình, bằng cách lắng nghe và gìn giữ trong tim các lời của Con
mình. Ðây đã là mối dây sâu đậm nhất kết hiệp hai mẹ con, vì các mối dây của thịt
xác và máu huyết cũng đã không đủ nữa (x. Lc 8,12; 11,28; Mt 12,49-50; Mc
3,34-35). Mẹ đã thật sự mang Chúa Giêsu trong tim hơn là trong cung lòng; Mẹ đã
sinh ra Chúa với dức tin hơn là với thịt xác.
Giải
thích dụ ngôn người gieo giống Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Hạt giống
là lời Thiên Chúa. Những kẻ ở bên vệ đường là những kẻ đã nghe nhưng rồi qủy đến
cất Lời ra khỏi lòng họ" (Lc 8,12). Ở dây Mẹ Maria giữ gìn lời Chúa và
nghiền gẫm, suy đi nghĩ lại trong lòng. Thánh sử Luca cũng kể: Một lần kia
trong khi Chúa Giêsu đang giảng thì có một phụ nữ lớn tiếng ca tụng rằng:
"Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm!" Nhưng người đáp
lại: "Ðúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên
Chúa" (Lc 11, 28). Chúa Giêsu cũng đang ca tụng Mẹ Maria, vì trong gia
đình nhân loại đã không có ai biết lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa hơn Mẹ.
Phúc Âm thánh Mátthêu và Phúc Âm thánh Marcô cũng kể rằng: "Chúa Giêsu còn
đang nói với đám đông, thì có mẹ và anh em của Người đứng bên ngoài, tìm cách
nói chuyện với Người. Có kẻ thưa Người rằng: "Thưa Thầy, có mẹ và anh em
Thầy đang đứng ngoài kia, tìm cách nói chuyện với Thầy." Người bảo kẻ ấy rằng:
"Ai là mẹ và là anh em tôi?" Rồi Người đưa tay chỉ các môn đệ và nói:
"Ðây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi,
Ðấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em và là mẹ tôi" (Mt 12,46-50; Mc
3,31-35). Ở đây Chúa Giêsu cũng gián tiếp ca ngợi Mẹ Maria. Vì Mẹ là người đã
luôn thưa lên hai tiếng "xin vâng" với Thiên Chúa và để cho Chúa hoàn
thành nơi Mẹ tất cả những gì Chúa muốn trong chương trình tình yêu cứu rỗi của
Người.
Như
thế, Mẹ Maria đã lắng nghe và suy niệm trong tim lời Chúa, như là bánh dưỡng
nuôi Mẹ trong tâm hồn, như là nước vọt lên tưới gội một mảnh đất phong phú. Dọc
dài toàn thời cựu ước người ta đã thường bắt buộc dân được tuyển chọn nhớ lại
và suy gẫm trong tim tất cả những gì Thiên Chúa đã làm cho họ, để có thể vững
tin và luôn mãi đào sâu hơn đức tin của họ nơi Chúa. Giờ đây Ðức Trinh Nữ cho
thấy đã xứng đáng thừa hưởng gia tài đó của cha ông. Mẹ cũng có hai thái độ trước
các biến cố và các lời của Chúa Giêsu: một đàng Mẹ giữ gìn kỷ niệm, đàng khác Mẹ
học đào sâu việc hiểu biết nó, bằng cách suy tư trong tim, hay theo nghĩa gốc của
động từ "symbállein" mà thánh sử Luca dùng trong văn bản chương 2 câu
19, đặt để so sánh chúng trong con tim. Ðây là câu năng động trong đức tin của
Mẹ Maria: nhớ lại để đào sâu, đối chiếu để nhập thể, suy tư để thời sự hóa.
Và
đây là điều Mẹ dậy chúng ta. Với việc suy đi nghĩ lại lời Chúa trong tim Mẹ
Maria dậy cho chúng ta biết đón tiếp Chúa trong lòng như thế nào, dưỡng nuôi
mình bằng Ngôi Lời của Mẹ ra sao, làm thế nào để ăn và uống Ngài để được no thỏa.
Nhất là lời nguyện trong thánh lễ chứa đựng việc quy chiếu này: "Lậy Chúa,
Chúa đã chuẩn bị một nơi ở xứng đáng của Chúa Thánh Thần trong tim của Trinh Nữ
diễm phúc Maria, nhờ lời bầu cử của Người, xin cũng ban cho chúng con là các
tín hữu Chúa, được là đền thờ sống động của vinh quang Chúa". Như thế, Mẹ
Maria trở thành mẫu gương của những kẻ lắng nghe lời Thiên Chúa và lấy đó làm
kho tàng. Mẹ là mẫu gương toàn vẹn của những người mà trong Giáo Hội phải khám
phá ra cái hôm nay của sứ điệp này của Chúa với việc suy niệm. Noi gương Mẹ
Maria trong thái độ sống này có nghĩa là luôn luôn chú ý tới các dấu chỉ thời đại,
nghĩa là chú ý tới điều lạ lùng và mới mẻ Thiên Chúa làm trong các dáng vẻ bề
ngoài của sự tầm thường. Tắt một lời, nó có nghĩa là suy tư với trái tim của Mẹ
Maria các biến cố thường ngày, và như Mẹ rút tỉa ra từ đó các kết luận của đức
tin.
(Mẹ
Maria 453)
Linh
Tiến Khải
(Radio
Vatican)
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 10 Quanh
Năm
Thánh Antôn Pađôva, linh mục. Lễ
nhớ.
* Chào đời khoảng cuối thế kỷ
12, tại Lít-bon, Bồ-đào-Nha, nhập hội kinh sĩ thánh Augustinô, nhưng sau khi
làm linh mục được ít lâu, thánh Antôn hâm mộ lý tưởng sống Tin Mừng của thánh
Phanxicô. Người đã đến Át-xi-di, sống bên cạnh thánh Phanxicô (năm 1221). Với
tài năng giảng thuyết ngoại thường, người được phái qua Pháp là nơi các giáo
thuyết của phái Ca-tha đang hoành hành. Người lập một tu viện ở Bơ-ri-vơ La
Gai-ác. Thánh nhân là người đầu tiên trong dòng dạy thần học cho anh em. Người
qua đời tại Pađôva sau khi giảng tĩnh tâm mùa Chay tại đó (năm 1231).
Bài
Ðọc I: (Năm I) 2Cor 5, 14-21
"Ðấng
không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta".
Bài
trích thơ thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, lòng mến Ðức Kitô thôi thúc chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã
chết cho mọi người, tức là mọi người đã chết; và Ðức Kitô đã chết cho mọi người,
để những ai đang sống không còn sống cho mình.
Bởi
thế, từ nay chúng tôi không còn biết ai theo huyết nhục nữa, cho dầu có một thời
chúng tôi đã biết Ðức Kitô theo phương diện huyết nhục, thì bây giờ chúng tôi
không biết Người như vậy nữa.
Ai
ở trong Ðức Kitô là một thọ sinh mới: những gì cũ đã biến đi: này mọi sự đã được
đổi mới.
Và
mọi sự đều do Thiên Chúa là Ðấng giải hòa chúng ta với Người nhờ Ðức Kitô, và
đã trao chức vụ giải hòa cho chúng tôi.
Chính
Thiên Chúa ở trong Ðức Kitô đã giải hòa thế gian với Người, không còn qui trách
tội lỗi cho họ nữa và đã đặt lời giải hòa trên môi miệng chúng tôi.
Vậy
chúng tôi là sứ giả thay mặt Ðức Kitô, như là Thiên Chúa dùng chúng tôi mà
khuyên bảo vậy.
Nhân
danh Ðức Kitô, chúng tôi van nài anh em hãy làm hòa với Thiên Chúa.
Ðấng
không hề biết tội lỗi, Thiên Chúa đã làm thành tội vì chúng ta, để trong Ðức
Kitô, chúng ta được trở thành sự công chính của Thiên Chúa.
Ðó
là Lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 102, 1-2, 3-4, 9-10, 11-12
Ðáp: Chúa là Ðấng thương xót
và nhân ái. (8a)
Xướng
1) Linh hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng
thánh danh Chúa, toàn thể con người tôi, hãy chúc tụng thánh danh Người. Linh hồn
tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa, và chớ khá bao giờ quên mọi ân huệ của Người. -
Ðáp.
2)
Người đã tha thứ mọi điều sai lỗi, và chữa ngươi khỏi mọi tật nguyền. Người chuộc
mạng ngươi khỏi chỗ vong thân, Người đội lên đầu ngươi mão từ bi, và ân sủng. -
Ðáp.
3)
Người không chấp tranh triệt để, cũng không đời đời giữ thế căm hờn. Người
không xử với chúng tôi như chúng tôi đắc tội, và không trả đũa theo điều oan
trái chúng tôi. - Ðáp.
4)
Nhưng cũng như trời xanh cao vượt trên trái đất, Lòng nhân hậu Người còn siêu
việt hơn thế trên kẻ kính sợ Người. Cũng như từ đông sang tây xa vời vợi, Người
đã ném tội lỗi xa khỏi chúng tôi. - Ðáp.
Alleluia:
Lc 19, 38
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và
vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 5, 33-37
"Thầy
bảo các con: đừng thề chi cả".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con lại còn nghe dạy người
xưa rằng: "Ðừng bội thề, nhưng hãy giữ lời ngươi đã thề với Chúa". Phần
Thầy, Thầy bảo các con: Ðừng thề chi cả, đừng lấy trời mà thề, vì là ngai của
Thiên Chúa; đừng lấy đất mà thề, vì là bệ đặt chân của Người; đừng lấy
Giêrusalem mà thề, vì là thành của Vua cao cả; cũng đừng chỉ đầu mà thề, vì con
không thể làm cho một sợi tóc ra trắng hoặc ra đen được. Nhưng lời các con phải:
có thì nói có, không thì nói không; nói thêm thắt là do sự dữ mà ra".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Có thì nói có
Trong
một xã hội mà sự dối trá lừa đảo đã trở thành luật sống, thì sự trung thực quả
là vàng. Phải chăng nhiều người Kitô hữu chúng ta lại không cho rằng trong hoàn
cảnh hiện nay, giới răn thứ tám không còn ràng buộc nữa? Người người dối trá, tại
sao tôi không dối trá, miễn là tôi không vi phạm đến quyền lợi người khác thì
thôi!
Chúa
Giêsu không chấp nhận bất cứ một luật trừ trong giới răn này: "Có thì nói
có, không thì nói không, thêm thắt điều gì là do ma quỉ mà ra". Nền tảng của
giới răn này chính là phẩm giá của con người. Con người là hình ảnh của Thiên
Chúa, mà Thiên Chúa là Ðấng chân thật, cho nên thuộc tính cơ bản nhất của con
người cũng phải là chân thật. Thiên Chúa phán một lời liền có trời đất muôn vật,
không có quãng cách giữa lời và hành động của Thiên Chúa. Người tôn trọng phẩm
giá cao cả của minh đương nhiên cũng là người tôn trọng lời nói của mình, đó là
đòi hỏi của bất cứ nền luân lý đạo đức nào.
Ðón
nhận chân lý mạc khải của Thiên Chúa về con người, người Kitô hữu phải ý thức
hơn ai hết về phẩm giá cao trọng của mình. Phẩm giá ấy được thể hiện hay không
là tùy ở mức độ trung thực của họ. Bản sắc của người Kitô hữu có được thể hiện
hay không là tùy ở mức độ trong suốt của cuộc sống của họ. Niềm tin của người
Kitô hữu có khả tín hay không là tùy họ có can đảm để lội ngược dòng giữa một
xã hội mà dối trá đã trở thành luật sống.
Những
vần thơ sau đây của thi sĩ Phùng Quán quả thật đáng cho chúng ta suy nghĩ:
Yêu
ai cứ bảo rằng yêu
Ghét
ai cứ bảo rằng ghét.
Dù
ai ngon ngọt nuông chiều,
Cũng
không nói yêu thành ghét.
Dù
ai cầm dao dọa giết,
Cũng
không nói ghét thành yêu.
Chúa
Giêsu đã sống cho đến cùng những lời Ngài rao giảng. Dù cái chết cũng không
khóa được những lời sự thật của Ngài và cái chết của Ngài trên Thập giá cuối
cùng cũng trở thành lời. Biết bao người đang chờ được nghe những lời chân thật
của các Kitô hữu, không chỉ những lời thốt ra từ môi miệng, mà còn là những lời
từ một cuộc sống ngay thẳng, thanh liêm.
Nguyện
xin Chúa gìn giữ và ban cho chúng ta can đảm để làm chứng cho lời chân lý của
Ngài.
Veritas
Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy Tuần 10 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: 2 Cor 5:14-21; Mt 5:33-37.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Yêu thương thành thật
Chúng ta đang sống trong một kỷ nguyên mà con người đang bị khủng hoảng trầm trọng
trong các mối liên hệ: con người không ngừng vi phạm những điều họ đã hứa với
Thiên Chúa và với tha nhân. Nhìn vào những nhà lãnh đạo của các quốc gia, trước
khi đắc cử, họ hứa hẹn với dân chúng rất nhiều; nhưng sau khi nhậm chức, chẳng
thực hành được bao nhiêu. Trong lãnh vực kinh tế và tài chánh cũng thế, sự khủng
hoảng kinh tế toàn cầu đang xảy ra là vì quá nhiều chủ tịch các công ty đã gian
lận tiền của chính phủ và của dân chúng để làm của riêng mình. Trong đời sống
gia đình cũng chẳng khá hơn: bao nhiêu cặp vợ chồng ăn ở với nhau mà chẳng cần
làm hôn thú hay lễ cưới; dẫu có thề hứa trước Thiên Chúa cũng chẳng giữ lời
(hơn 50% đã chia tay). Trong đời sống linh mục và tu trì cũng thế, bao nhiêu
người đã giũ áo ra đi và không trung thành với những gì mình đã thề hứa! Lời thề
hứa hôm nay còn có giá trị hay không? Thiên Chúa còn có thể tin những gì con
người thề hứa?
Các Bài Đọc hôm nay tập trung trong việc con người phải mến Chúa yêu người cách
thành thật. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu phải thấu hiểu và ở
lại trong tình thương Thiên Chúa, trước khi họ có thể loan truyền tình thương
này và chinh phục con người về cho Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu dạy
các môn đệ không cần phải thề thốt; nhưng phải luôn biết tập luyện để nói, sống,
và làm chứng cho sự thật. Một cách đơn giản: hễ "có" thì phải nói
"có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Phàm ai ở trong Đức
Kitô đều là thọ tạo mới.
1.1/
Tình yêu Thiên Chúa phải biến đổi con người: Khi yêu nhau, con người yêu tất cả những gì thuộc về người yêu của
mình; ngay cả những gì trước đây mình ghét hay không quan tâm tới, giờ cũng trở
thành đáng yêu. Ca dao Việt-nam tuy có khuếch đại, nhưng nói lên được điểm này
trong bài tả những thói xấu của người phụ nữ: "Đi chợ thì hay ăn quà; chồng
thương chồng bảo về nhà đỡ cơm ... Đêm ngủ thì gáy ó o; chồng thương chồng bảo
gáy cho vui nhà."
Một
cách tương tự, khi con người cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa và của Đức
Kitô, con người sẽ nhìn tất cả theo lăng kính tình yêu này.
(1) Đối với Thiên Chúa: Thánh Phaolô khuyên các tín hữu: "Đức Kitô đã chết
thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, mà
sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình." Trong cuộc đời, ơn cứu tử là
ơn không bao giờ quên được; phương chi là ơn cứu tử từ một người phải chết thay
để con người được sống và sống đời đời. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm rõ điều này,
khi Ngài thốt lên: "Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô
sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên
Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi" (Gal 2:20).
(2) Đối với tha nhân: Nếu nhìn tha nhân dưới lăng kính loài người, một người sẽ
không thấy nhu cầu cần phải hy sinh và yêu thương họ; nhưng nếu nhìn tha nhân
dưới lăng kính của tình yêu Thiên Chúa, người đó sẽ dễ dàng yêu thương và hy
sinh cho tha nhân; vì tất cả đều là anh/chị/em với nhau và đã được cứu chuộc bằng
Máu Cực Thánh của Đức Kitô. Khi một người phải hư đi, Thiên Chúa sẽ buồn; và vì
cùng cảm nhận nỗi buồn của Thiên Chúa, chúng ta sẽ sẵn sàng hy sinh để cứu linh
hồn đó về cho Thiên Chúa. Chính vì quan điểm này, mà thánh Phaolô đã thốt lên:
"Vì thế, từ đây chúng tôi không còn biết một ai theo quan điểm loài người.
Và cho dù chúng tôi đã được biết Đức Kitô theo quan điểm loài người, thì giờ
đây chúng tôi không còn biết Người như vậy nữa. Cho nên, phàm ai ở trong Đức
Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi."
1.2/
Sứ vụ hoà giải: Khi đã được thấm
nhuần tình yêu Thiên Chúa, người môn đệ được sai đi để làm chứng cho tình yêu
này. Trước tiên, họ phải dùng Tin Mừng để nói cho mọi người biết về tình yêu
Thiên Chúa. Thứ đến, họ phải biết cách diễn tả tình yêu này bằng chính cuộc sống
chứng nhân của mình bằng cách yêu thương và giúp đỡ tha nhân. Tiến trình hòa giải
luôn có hai chiều:
(1) Con người hòa giải với Thiên Chúa: Nhờ Đức Kitô mà con người được hoà giải
với Thiên Chúa, và chính Đức Kitô đã trao cho môn đệ của Ngài sứ vụ hoà giải,
như thánh Phaolô nói: ''Thật vậy, trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được
hoà giải với Người. Người không còn chấp tội nhân loại nữa, và giao cho chúng
tôi công bố lời hoà giải.'' Bổn phận của các môn đệ là phải rao giảng và sống
làm sao để con người nhận ra: tình thương Thiên Chúa dành cho họ và tội lỗi họ
đã xúc phạm đến Thiên Chúa. Hai điều này sẽ giúp con người tìm vào tòa cáo giải
để giao hòa với Thiên Chúa.
(2) Con người hòa giải với tha nhân: Tôi con người phạm không chỉ xúc phạm đến
Thiên Chúa, mà còn xúc phạm đến tha nhân. Vì thế, con người cần giao hòa và tha
thứ với tha nhân sau khi đã được giao hòa và tha thứ với Thiên Chúa.
2/
Phúc Âm: Hễ "có" thì
phải nói "có;" "không" thì phải nói "không."
2.1/
Đừng thề thốt chi cả: Đây
là những lời dạy lý tưởng trong chương 5 của Tin Mừng Matthew để trở thành môn
đệ của Chúa: Lề Luật chỉ là những điều kiện tối thiểu để ngăn cản con người đừng
phạm tội; nhưng trở thành môn đệ của Đức Kitô đòi con người phải tiến xa hơn là
việc đơn giản giữ các luật lệ. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu dạy dỗ các
môn đệ về việc phải luôn trung tín trong lời nói và việc làm: Để hiểu những lời
này, chúng ta cần phân biệt ít nhất 3 lý do tại sao con người dùng tên Chúa để
thề:
(1) Có những người quen kêu tên Chúa, Đức Mẹ, và các thánh, cách vô cớ như
"Giêsu Maria Giuse." Họ kêu mà chẳng nghĩ gì đến các ngài cả. Đây là
tội phạm đến điều răn thứ hai, vì Danh Chúa là danh cực trọng. Người Do-thái
không dám gọi đích danh Thiên Chúa, mà chỉ dám lướt qua (Yahweh) hay gọi một chữ
khác.
(2) Có những người quen lấy danh Chúa mà thề, mặc dù chẳng có gì quan trọng hay
chẳng ai bắt phải thề thốt chi cả.
(3) Có những người thề nhưng lại tránh dùng đích danh Chúa, vì họ biết Lề Luật
buộc họ phải thi hành khi lấy danh Chúa thề; nên khi họ thề, họ chỉ trời, chỉ đất,
chỉ Đền Thờ, chỉ lên đầu như Chúa Giêsu liệt kê hôm nay, để khỏi phải giữ lời
thề. Họ quên đi Chúa ở khắp mọi nơi và thấu hiểu mọi ý nghĩ trong lòng họ; chẳng
thể nào họ có thể chỉ bất cứ gì để thề mà không phải giữ, vì mọi sự trong trời
đất này đều thuộc về Thiên Chúa.
2.2/
Sống theo sự thật: Chúa
tiếp tục dạy các môn đệ: "Nhưng hễ "có" thì phải nói
"có;" "không" thì phải nói "không." Thêm thắt điều
gì là do ác quỷ." Người môn đệ của Đức Kitô phải luôn biết nói, sống và
làm chứng cho sự thật. Nếu một người luôn trung tín, những gì người ấy nói ra đủ
cho người khác tin tưởng mà không cần phải thề thốt chi cả; nhưng nếu một người
bất trung, bao nhiêu lời thề hứa của họ cũng chẳng có giá trị chi cả. Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh cho các môn đệ biết tập luyện để có nhân đức trung thành,
hơn là những lời hứa hẹn ngoài miệng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Tình yêu Thiên Chúa là điều chúng ta cần có trước tiên, trước khi có thể yêu
thương chân thành những người khác; nếu không có tình yêu này, chúng ta sẽ dễ
dàng phản bội nhau.
- Chúng ta là những môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải tập luyện làm sao để
luôn biết nói, sống, và làm chứng cho sự thật. Nếu chúng ta luôn làm như thế,
thề thốt là điều dư thừa.
Lm.Anthony
ĐINH MINH TIÊN, OP.
13/06/15 THỨ BẢY TUẦN 10 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
Suy niệm: Câu chuyện Ma-ri-a và Giu-se
lạc mất Chúa ở Giê-ru-sa-lem cho phép chúng ta cảm nhận hai nhân vật vĩ đại này
rất gần gũi với mình, cách riêng trong sự kiện rằng “ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Hành trình đức tin của Ma-ri-a và Giu-se
không phải luôn luôn hoàn toàn dễ dàng, hoàn toàn sáng sủa. Lạc mất Chúa đã là
một thử thách, nhưng gặp Chúa mà lại không hiểu được Ngài, càng là một thử
thách nặng nề hơn. Trong hành trình đức tin, chúng ta dù có lặn lội vất vả để
tìm Chúa nhưng nếu như chúng ta chưa hiểu được ý Chúa trong biến cố này, trong
sự kiện kia… thì chúng ta cũng chưa thực sự gặp Ngài. Chính những lúc đó, ta
cần đặc biệt nhìn ngắm Đức Ma-ri-a và học lấy thái độ của người tiếp tục tìm
kiếm ý Chúa bằng cách “hằng
ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” và suy niệm.
Mời Bạn: Nhìn lại cuộc sống mình với
biết bao biến cố, sự kiện đã xảy ra trong quá khứ mà ngay lúc đó bạn không
hiểu. Phải chăng với thời gian, bạn dần dần được soi sáng? Và bạn nhận ra mình
đã từng có những cách giải thích và những thái độ không đúng đắn? Phải chăng
bạn càng xác tín hơn rằng mình cần học nơi Đức Ma-ri-a tinh thần cởi mở lắng
nghe và chiêm niệm sâu sắc để đời sống đức tin của mình được phong phú hơn?
Chia sẻ: Cần có điều kiện nào để bạn có
thể lang nghe và hiểu ý Chúa hơn?
Sống Lời Chúa: Tập thói quen cuối mỗi ngày có
những phút hồi tâm cầu nguyện.
Cầu nguyện: Hát kinh Magnificat, lời kinh
ca ngợi việc Chúa làm trong cuộc đời mình.
«
Đức Maria hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng » (13.6.2015 – Lễ Trái
Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ)
Hôm
nay thứ bảy, ngay sau Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội mời gọi chúng ta cử
hành Thánh Lễ kính nhớ Trái Tim vô nhiễm của Đức Maria, Mẹ của chúng ta. Và Lời
Chúa trong Thánh Lễ sẽ giúp chúng ta hiểu Trái Tim Vô Nhiễm của Đức Mẹ là trái
tim như thế nào: đó là một trái tim hoàn toàn hướng về Đức Giê-su, tìm kiếm Đức
Giê-su, ghi nhớ và suy đi nghĩ lại tất cả những gì liên quan đến Đức Giê-su,
vui khi có sự hiện diện của Đức Giê-su, lo buồn và cực lòng khi thiếu vắng Đức
Giê-su. Có thể nói, trái tim của Mẹ không “nhiễm” điều gì khác ngoài Đức Giê-su
và những gì thuộc về Người.
Vậy,
chúng ta hãy xin Mẹ đồng hành, cầu bầu và dạy dỗ chúng ta với tình hiền mẫu, để
chúng ta cũng có được một trái tim hết tình và hết đời gắn bó với Đức Giê-su,
như Đức Mẹ, trong hành trình đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi gia đình hay dâng
hiến của chúng ta.
- Mầu nhiệm
Vượt Qua (c. 41)
Lễ
Vượt Qua là thời gian người Do Thái tưởng nhớ ơn huệ được giải phóng khỏi nơi
tù đày và chết chóc và trở thành Dân Riêng của Đức Chúa ; ơn được ban cho
thế hệ đầu tiên, nhưng những thế hệ sau này là người thụ hưởng :
« không có biến cố Xuất Hành, thì đã không có tôi, không có thế hệ của tôi
hôm nay ». Trong đời sống Ki-tô hữu cũng vậy, chúng ta luôn phải tưởng nhớ
Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô khi cử hành bí tích Thánh Thể, bởi vì không có
mầu nhiệm Vượt Qua, thì sẽ không có Giáo Hội, không có các Ki-tô hữu là chúng
ta. Và cũng thế trong đời sống dâng hiến, chúng ta cũng luôn phải tưởng nhớ các
vị sáng lập Hội Dòng, vì không có vị sáng lập, thì không có các tu sĩ, là chúng
ta hôm nay.
Đặt
vào bối cảnh của đời sống ẩn dật, biến cố lạc mất Đức Giê-su là một biến cố nhỏ
bé của đời thường ; nhỏ bé của đời thường, nhưng lại liên quan đến những mầu
nhiệm lớn nhất của lịch sử cứu độ :
- Trước hết,
đó là biến cố Xuất Hành, bởi vì đó là bầu khí lễ Vượt Qua của người Do
Thái.
- Và việc
tìm lại được Đức Giê-su sống động, sau ba ngày bị lạc mất, loan báo mầu
nhiệm Vượt Qua của Đức Giê-su, nghĩa là biến cố chết và phục sinh của Người.
Xin
cho chúng ta, nhờ lời cầu bầu của Đức Maria, nhận ra những biến cố đã xẩy ra
trong cuộc đời chúng ta đều qui về mầu nhiệm Vượt Qua, và xin cho chúng ta cũng
biết khởi đi từ mầu nhiệm Vượt Qua và hướng về mầu nhiệm Vượt Qua khi phải sống
những biến cố nhỏ bé và đời thường trong tương lai. Sống Mầu nhiệm Vượt
Qua :
- Là xác
tín rằng Chúa sẽ mở đường cho chúng ta đi, ở nơi mà chúng ta tưởng là ngọt
cụt, giống như biến cố vượt qua Biển Đỏ.
- Là Chúa
có thể làm phát sinh sự sống, ở nơi mà chúng tưởng là thất bại, là chấm hết,
là không thể, là không còn hi vọng gì, như trường hợp của bà Elizabeth.
- Là Chúa
có thể làm phát sinh sự sống tuyệt hảo, ở nơi không thể, như trường hợp
cung lòng trinh nguyên của Đức Mẹ.
- Là chuyển
điều xấu, tội lỗi thậm chí sự dữ thành điều tốt cho chúng ta, như trường hợp
điều xấu mà các anh làm cho em Giuse, trong gia đình tổ phụ Gia-cóp (x. St
50, 19-20).
- Cả gia
đình cùng lên đền (c. 42-47)
Chúng
ta hãy hình dung ra khung cảnh và bầu khí rộng lớn của lễ Vượt Qua. Đi vào tâm
tình của Thánh Gia. Nhất là Đức Maria và thánh Giuse, nhớ lại kỉ niệm cách nay
12 năm. Nếu muốn, chúng ta có thể hình dung ra cuộc sống của Thánh Gia trong 12
năm qua. Xong kỳ lễ, đi về một ngày đường, thì cha mẹ nhận ra mình bị lạc mất Đức
Giê-su. Chúng ta nên hình dung ra những chặng đường mà các ngài phải trải qua
trong ba ngày tìm kiếm: đi một ngày, nhưng phải mất ba ngày trở lại tìm kiếm;
nhất là hiểu thấu và cảm thông điều mà chính Đức Maria sẽ nói với Đức Giêsu về
sự “cực lòng” của cha mẹ. Đâu là ý nghĩa của biến cố lạc mất Đức Giê-su đối với
thánh Giuse và Đức Maria ? Chúng ta hãy tự mình khám phá ra. Sau đây là một
vài gợi ý :
- Đó là sống
lời « xin vâng », mà các ngài đã thưa với Thiên Chúa trong biến
cố truyền tin. Cũng tương tự như khi chúng ta được mời sống giao ước của
chúng ta mỗi ngày, giao ước hôn nhân hay dâng hiến.
- Và khi
sống lời “xin vâng”, các ngài đã học để cho Đức Giêsu vượt khỏi tay mình từ
từ, để sống cho một kế hoạch khác, một ơn gọi khác, một Đấng Khác. Tương tự
như các bậc cha mẹ, như chính chúng ta đối với những người thân yêu và những
điều thiết thân.
- Ba ngày
mất Đức Giê-su, rồi tìm lại được Ngài ở trong Nhà Thiên Chúa Cha, đã loan
báo mầu nhiệm Vượt Qua mà Đức Maria sẽ trải qua, và mỗi người chúng ta
cũng phải trải qua.
Đức
Giê-su ở lại đền thờ, chúng ta có thể tự hỏi: tại sao Ngài lại quyết định ở lại
Đền Thờ? Có thể là, một cách hồn nhiên, Ngài đã để cho Đền Thờ và những gì thuộc
về Đền Thờ cuốn hút Ngài, giữ chân Ngài lại, khiến Ngài bỗng chốc quên đi tất cả,
quên cả cha cả mẹ, để hướng tới Vô Biên. Đền Thờ là nơi, Ngài đã được bố mẹ tiến
dâng cho Đức Chúa, khi mới sinh ra. Sau này Đức Giêsu sẽ phải đối diện nhiều với
các thầy dạy (luật sĩ, tư tế, thượng tế, rộng hơn là các trưởng lão, những người
thuộc nhóm Pha-ri-sêu, Sa-đốc…), và lúc nào Ngài cũng tỏ ra khôn ngoan, không
phải khôn ngoan của người đời, nhưng là của Thiên Chúa. Ngài đã chuẩn bị và được
chuẩn bị ngay lúc này rồi. Hình ảnh này nói lên điều mà thánh Phao-lô sau này sẽ
suy tư vừa rộng vừa sâu về mối tương quan giữa Tin Mừng (Đức Giêsu) và Lề Luật
(các thầy dậy), đặc biệt là về luật sa-bát, Mười Điều Răn, luật rửa tay, ăn
chay, cầu nguyện, bố thí…
- Lắng
nghe Đức Maria và Đức Giê-su (c. 48-52)
Sau
ba ngày tìm kiếm trong vất vả và nhất là trong lo âu, thánh Giuse và Đức Maria
tìm lại được Đức Giê-su trong Đền Thờ, lúc đó mới 12 tuổi. Đức Maria nói với Đức
Giêsu:
Con
ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải
cực lòng tìm con!
Lời
của Đức Maria thật là hay, vì vừa dịu dàng và nói lên tình thương, nhưng vừa
nghiêm khắc. Chúng ta cần đặt mình vào hoàn cảnh của thánh Giuse và Đức Maria để
hiểu và cảm được hết sự “cực lòng” của các ngài: đi một ngày, nhưng phải tìm kiếm
tới ba ngày! Sự “cực lòng” không chỉ của người cha và người mẹ, như bất cứ người
cha và người mẹ nào, khi để lạc mất người con yêu dấu, nhưng còn sự “cực lòng”
của người tôi tớ và của người nữ tì trong tương quan với Thiên Chúa, khi để lạc
mất Con Đấng Tối Cao. Chúng ta hãy hình dung ra tâm trạng lo âu của thánh Giuse
và Đức Maria lớn đến mức nào, khi các ngài thầm nghĩ: “Thiên Chúa trao phó cho
mình Con của Ngài, để thực hiện kế hoạch cứu độ, vậy mà mình lại để lạc mất!”
Và
nếu chúng ta để ý, đó là lời của Đức Maria, nhưng Mẹ không nhân cá nhân mình,
nhưng nói với Đức Giê-su với tư cách là “cha mẹ” của Ngài; hơn nữa, Đức Mẹ còn
tỏ lòng kính trọng thánh Giuse khi nói: “cha con và mẹ đây”. Ngoài ra, trong
trình thuật này, từ đầu đến cuối, thánh sử Luca luôn nói tới: “cha mẹ”, “ông
bà”, “hai ông bà”. Thật vậy, “hai ông bà” trở về sau kỳ lễ, “cha mẹ” chẳng hay
biết, “ông bà” cứ tưởng, “ông bà”đều cực lòng tìm con suốt ba ngày; và khi thấy
con, “hai ông bà” đều sửng sốt. Chúng ta có thể dừng lại để cảm nếm sự hiệp
thông và hiệp nhất giữa Thánh Giuse và Đức Maria, con tim và tình yêu của các
ngài dành cho nhau và cho Đức Giê-su. Đức Giê-su trả lời như trách hỏi lại cha
mẹ:
Sao
cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?
Lời
nói đầu tiên (theo lời kể của sách Tin Mừng theo thánh Luca) của Đức Giêsu có
khó nghe quá không? Sau này, Ngài còn nói những câu khó nghe nữa với Đức Maria:
“Ai là mẹ tôi, ai là anh em, chị em của tôi?”. Nhưng lời của Đức Giê-su không
chỉ khó nghe, nhưng còn khó hiểu! Chúng ta hãy đặt mình vào trường hợp của các
ngài: “Ông bà không hiểu lời Người vừa nói”. Trong đời sống ơn gọi, chúng ta
cũng không hiểu nhiều điều. Lời Chúa trong Kinh Thánh cũng vậy, vấn đề ý nghĩa
luôn không dễ dàng.
Ở
đây, chúng ta có thể nhận ra thách đố của mọi gia đình. Thách đố của cha mẹ: đó
là con mình sinh ra và thuộc về mình, nhưng người con còn là quà tặng của Thiên
Chúa, là con Thiên Chúa. Thách đố của người con: vừa sống sự chờ đợi (vâng lời)
của cha mẹ, và vừa sống sự chờ đợi của Cha trên trời. Nhưng cả hai thách đố đều,
một đàng làm cho tương quan ruột thịt trở nên đích thật và triển nở, và đàng
khác, nhắm đến tương quan rộng mở của Nước Trời. Bởi vì, mọi ơn gọi đều hướng tới
tương quan Nước Trời: Ơn gọi gia đình khởi đi từ tương quan ruột thịt để mở ra
với tương quan Nước Trời: Mọi người là con của Cha, mọi người là anh chị em của
nhau. Tuy nhiên, ơn gọi tu trì làm cho tương quan ruột thịt bị đứt đoạn, vừa để
chất vấn mọi người và vừa để xây dựng tương quan Nước Trời ngay hôm nay và chỉ
sống và làm chứng cho tương quan Nước Trời.
Nhưng
nếu Đức Giê-su đã nói lời khó nghe, thì thái độ “đi xuống” cùng với cha mẹ, và
hằng ngoan ngoan và vâng phục các ngài, sẽ bù lại (c. 51-52). Hay đúng hơn,
Ngài cũng khám phá ra ý của Cha trên trời cũng được thể hiện nơi ý của cha mẹ.
Tình yêu Ngài dành cho Cha trên trời cũng được thể hiện nơi tình yêu Ngài dành
cho cha mẹ ở dưới đất. Về Đức Giê-su và về tất cả (không chỉ cuộc đời nhập thể,
nhưng toàn bộ Kinh Thánh, nghĩa là sáng tạo và lịch sử) liên quan đến người,
chúng ta hãy noi gương Trái Tim Vô Nhiệm của Đức Maria:
« Hằng
ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng »
Lm
Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
Sáu
12 THÁNG SÁU
Chúng Ta Quyết Định Vận Mệnh Của Chính Mình
Công Đồng Vatican II diễn tả cùng sự thật ấy về con người bằng
những ngôn từ vừa bất hủ vừa rất chính xác đối với thời đại hôm nay: “Con người
chỉ có thể quay về với sự thiện một cách tự do … Phẩm giá con người đòi họ phải
hành động theo sự lựa chọn ý thức và tự do” (MV 17). “Nhờ có nội giới, con
người vượt trên mọi vật. Khi quay về với lòng mình tức là họ trở về với nội
giới thâm sâu này, ở đó Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, đang chờ đợi họ; và
cũng chính nơi đó con người tự định đoạt về vận mệnh riêng của mình dưới con
mắt của Thiên Chúa” (MV 14).
Sự tự do đích thực của con người là sự tự do đặt nền tảng trên
sự thật. Từ nguyên thủy, sự tự do này đã mạc khải hình ảnh của Thiên Chúa nơi
con người. Vâng, sự thật giải phóng con người để con người trở nên chính mình
một cách viên mãn trong Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Is 61,9-11;Lc 2, 41-51.
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện Đức Mẹ và Thánh Giuse tìm gặp
Chúa Giêsu ở lại Đền Thờ sau ba ngày lạc mất. “Sau đó, Người đi xuống cùng với
cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng
ghi nhớ những điều ấy trong lòng.” (Lc 2, 51)
Khi Đức Mẹ chịu truyền tin, Đức Mẹ đã biết Chúa Giêsu là Con
Thiên Chúa thật, nhưng khi đứng trước những biến cố: Chúa Giêsu tự ý ở lại
trong Đền Thờ. – Ngồi giữa các thầy dạy để nghe, đặt câu hỏi, đối đáp một cách
thông minh. – Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở
nhà Cha con sao? – Trở về và hằng vâng phục. Qua từng biến cố Đức Mẹ chỉ biết
ghi nhớ trong lòng. Chúng ta phải biết học nơi Đức Mẹ điều này. Bởi trong cuộc
sống của chúng ta luôn có những biến cố lớn nhỏ, đôi khi chúng ta không quan
tâm đến, làm cho chúng ta không nhận ra ân huệ của Chúa ban cho chúng ta. Cần
phải ghi nhớ trong lòng mình để thấy mình còn sống tốt như hôm nay là nhờ ơn
của Chúa.
Mạnh Phương
Tôi biết chạy đến với
ai?
Sau
khi phản bội Chúa bằng một cái hôn, Giuda cảm thấy thất vọng đến độ không còn
nghĩ rằng mình có thể được tha thứ nữa. Ông cầm 30 đồng bạc là giá của sự phản
bội và đi vào Ðền thờ để trả lại cho các thượng tế và kỳ lão. Sau đó, ông ra
ngoài lấy dây thắt cổ tự vận.
Câu
chuyện ấy đã được xen vào vở tuồng thương khó nổi tiếng của dân làng
Oberammergau bên Ðức. Cứ 10 năm một lần, theo một lời thề hứa mà ông cha đã để
lại từ mấy trăm năm qua, người dân làng diễn ra cuộc tử nạn của Chúa Giêsu. Vở
kịch thu hút khán giả từ khắp nơi trên thế giới.
Người
ta kể lại rằng lần kia, một em bé gái 7 tuổi ngồi cạnh mẹ để xem vở tuồng. Người
đóng vai Giuda, trong cơn thất vọng não nề đã thốt lên: "Tôi biết đi đến với
ai bây giờ? Tôi đã phản bội Thầy tôi. Thế là hết! Tô không biết phải chạy đến với
ai nữa".
Em
bé ngồi bên cạnh mẹ cảm thông cho số phận của kẻ chìm đắm trong thất vọng. Em
muốn tìm cách để cứu vớt con người khốn khổ ấy. Em bèn quay sang mẹ và nói lớn
đến độ tất cả mọi khán thính giả có mặt trong hội trường đều nghe được:
"Má ơi, sao ông ta không chạy đến với Mẹ Maria?".
Chúa
Giêsu cũng có một người Mẹ như mọi người, và nhất là Ngài cũng trải qua một thời
thơ ấu như mọi người. Kỷ niệm của những giây phút ngồi trên gối Mẹ, những lần
sà vào lòng Mẹ, những lần mếu máo khi lạc mất Mẹ, hay những lần vòi vĩnh Mẹ...
hẳn phải luôn đậm nét trong ký ức của Chúa Giêsu. Có lẽ chính kinh nghiệm của bản
thân ấy đã trở thành bài học về hồn nhiên trong trắng, tin tưởng, phó thác của
tuổi thơ mà Chúa Giêsu luôn đề ra cho chúng ta khi Ngài nói: "Nếu các
ngươi không nên giống như trẻ nhỏ, các ngươi không được vào nước Trời".
Tuổi
thơ thường gắn liền với mẹ. Còn âm thanh nào bộc phát, tự nhiên, quen thuộc và
êm dịu trên môi của trẻ thơ cho bằng tiếng "Mẹ". Khi vui, trẻ thơ kêu
mẹ, lúc đói, trẻ thơ cũng kêu mẹ. Khi tỉnh thức, trẻ thơ cũng kêu mẹ, lúc ngái
ngủ, trẻ thơ cũng kêu mẹ... Mẹ là tất cả của trẻ thơ.
Mời
gọi chúng ta mặc lấy tâm tình của trẻ thơ để được vào nước Trời, hẳn Chúa Giêsu
cũng muốn nhắn gửi chúng ta cho Mẹ của Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời
cũng có nghĩa là biết chạy đến với Mẹ Ngài. Trở nên trẻ thơ trong nước Trời
cũng có nghĩa là mặc lấy tâm tình của chính Mẹ Ngài, bởi vì còn ai trong trắng,
tin tưởng, phó thác cho bằng Mẹ.
(Trích
sách ‘Lẽ Sống’)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét